Sunday, December 21, 2008

Động Tam Cốc




Động Tam Cốc

Động Tam Cốc

Dù trời mưa lất phất nhưng tôi có thể nhìn thoáng qua các nhà có mặt tiền buôn bán . Trên một cái sập nho nhỏ bày biện vài chiếc áo mưa , dăm cái quạt giấy hoặc vài hàng thủ công sơ sài . Tôi có một người bạn quê hương ở Ninh Bình . Trong một chuyến du lịch về thăm ho hàng ở đây . Gia đình người bạn năm người , khi được mời vào trong nhà xơi nước chè . Nhìn quanh quẩn trong căn nhà tranh lụp xụp , chỉ kê độc nhất cái giường tre ọp ẹp , không có bàn không có ghế , gia đình người bạn tôi ngại ngùng không dám ngồi . (Ông bạn tôi về sau kể lại cho tôi là nếu cả gia đình năm người tệ nhất cũng hơn 300 kí lô . Ngồi xuống trên chiếc giường chắc chắn sẽ sập ). Cả gia đình gia tài chỉ có cái giường làm chỗ nghỉ ngơi , tiếp khách đến thăm . Nguời bạn tôi nói tiếp : " Họ biểu tụi tao ngồi chơi , tí nữa làm cầy tơ bảy món . Tao ngại ngùng không dám nói . Các con tao nghe đến chắc chạy mất , con vện vàng loanh quanh chờ khách ngồi lên giường có dịp tha những chiếc giày dép đi mất . Hắn kết luận , dân chúng ngoài đó nghèo lắm .)

Mỗi lần tới một địa điểm tham quan nào cũng vậy , ông đoàn trưởng phất cờ tụ họp :
- Tới bến đò Tam Cốc rồi , bà con cô bác tụ tập lại nhe . Chụp hình lưu niệm .

Dưới làn mưa lất phất , chúng tôi trong những chiếc áo mưa rẻ tiền , mặc một lần cởi ra mặc lại , chỗ thừa chỗ rách . Nhưng với tâm tình đi chơi vui vẻ nên chúng tôi tươi tỉnh đứng nhe răng chụp hình kĩ niệm (ngày xưa thầy dạy chụp hình vẫn hay đùa : "chụp hình khỉ niệm , vì đứng nhe răng cười như khỉ móm răng ) .

Mỗi chiếc ghe nhỏ chỉ được phép chở tối đa bốn người , người lái ghe không tính vào . Bởi vậy gia đình năm người tôi phải tách ra . Trong gia đình chỉ có bà nhà tôi không biết bơi , nên tôi bảo con bé lớn nhà tôi qua ghe khác ngồi . Dù ông trưởng đoàn dặn dò là chưa bao giờ có xảy ra tai nạn nào ở dòng sông Ngô Đồng này :" Quí khách cứ yên tâm, không sao hết . Nơi đây chưa từng xảy ra việc nào đáng tiếc , chỉ trừ một sự cố nho nhỏ là hai ghe va vào nhau lâu lắm rồi , vài du khách uống nước sông chút ít thôi . Chúng tôi đang khắc phục sự cố này . Tôi không muốn chuyện xảy ra đang tiếc như trong truyện Anh phải sống của nhà văn Khái Hưng , nên dặn dò các con tôi nhỡ bà nhà tôi có rớt xuống sông , phải cứu mẹ trước nhất .

Nơi đây vài chục chiếc ghe nho nhỏ đang chờ lấy tài (tới phiên) chở khách . Từng chiếc ghe theo dòng nước lững lờ trôi . Bác lái ghe trong chiếc áo mưa dày poncho kiểu lính , đầu đội nón cối xanh bạc màu . Da bác sạm đen , nét mặt dàu dàu . Tôi hỏi chuyện làm quen :
- Hình như lúc trước là bộ đội .
- Vâng , bây giờ phục viên , về quê chèo thuyền nan chở du khách kiếm sống .
- Bác nói ghe này là thuyền nan ?
- Vâng .

Thuở bé đi Hướng Đạo (Boy Scout) ở Sài Gòn , lúc họp bầy họp đoàn hay cùng hát bài Chiếc thuyền nan , bây giờ nhìn nó thì nó là chiếc ghe nho nhỏ :

Tính tính tính tình tang tang tang
Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan
Trôi nó trôi bềnh bồng
Đi đến Tokyo , mình xách tay cái dù
To ki ô tô kí ô
Dù là dù với kimono

Đi tới Mexico , mình hãy xem đấu bò
Rô dê ô rô đế ô
Bò là bò với Mexico

Tôi không dè là bao năm sau được ngồi trên chiếc nan bé bỏng , bập bềnh theo làn nước trong xanh về thăm Tam Cốc , một thắng cảnh nổi tiếng mà thân phụ nhà đại thi hào Nguyễn Du , cụ Nguyễn Nghiễm đã đặt tên nơi này là Bích Động , với ý nghĩa hang động xanh lam , bởi nó hòa đồng với cảnh trí xung quanh màu luá , cỏ xanh tươi vào năm 1773 , Nam Thiên Đệ Nhị Động , tức là hang động đứng thứ nhì sau động Hương Tích và trước động Địch Lộng . Bây giờ có động Phong Nha , không biết động Tam Cốc xếp hàng thứ mấy đây .

- Thế bác về đây chèo thuyền kiếm sống . Tui thấy giá vé mỗi hành khách là 40 ngàn đồng , bốn người chúng tôi ông trưởng đoàn có lẽ trả 160 ngàn . Trừ chi phí đi bác có thể được hơn một trăm .

Với nét mặt buồn bã , bác lái ghe đáp :
- Họ trả cho em mỗi chuyến 40 ngàn . Các bác thấy đó , ngoài bến đò bao nhiêu chiếc chờ tới phiên chở khách . Mỗi tháng trung bình chở được bốn lượt , mùa hè đắt khách lắm chỉ thêm một hai chuyến thôi .
- Ghe của bác hay của họ ?
- Của chúng em tậu .

Tôi làm tính nhẩm , bốn ba mười hai bốn bốn mười sáu .
- Vậy mỗi tháng bác được hơn 160 ngàn để nuôi gia đình ? Thế làm sao để sống ? Chẳng lẽ bác ở nhà chăn dê nuôi lợn ?

Bác lái ghe lắc đầu :
- Em nào biết nuôi dê lợn , em phải đi làm ruộng thuê ở đây .

Chiếc thuyền nan theo nhịp chèo điêu luyện của bác lái ghe từ từ trôi về trong sâu , dòng sông hẹp dần , hai bên bờ lúa sạ xanh ngát chạy tuốt ngoài xa . Cỏ lau phất phơ theo làn gió nhấp nhô sóng gợn . Nước trong veo vẻo , không một bóng con cá bơi lội . Tôi tự nghĩ : "Vậy mà các trang lưới du lịch miêu tả là có nhiều hệ động vật sinh thái phong phú sống động ."
- Tui nghe nói chiều chiều từng đàn cò trắng phau phau về đậu khắp vùng ngập nước tạo nên nét đặc trưng miền hang động này phải không bác ?
- Em thì không biết rõ , có chúng nó tới phá phách ruộng luá là chúng em đi bẫy làm thịt cò hết .

Có lẽ người dân Ninh Bình rất chất phác thành thật , hỏi đâu đáp đấy , đầy nét cần cù lao động vất vả quanh năm . Các cô gái chèo thuyền nhanh nhẹn không kém gì các ông . Thỉnh thoảng vài chiếc thuyền nan chở theo một "thợ phó nhòm " , chị ta cứ ơi ới chào mời : "Chụp một tấm ảnh cả gia đình nhé bác ?" Tôi từ chối viện lẽ đã mang theo chụp hình .
- Chúng cháu lấy giá rẻ thôi , một tấm chỉ mười ngàn thôi .

Tôi nhìn cô gái có cùng nghề chụp ảnh bất đắc dĩ như tôi . Tôi chỉ chụp chơi , khoe nhắng nhít trên mạng lưới , nhưng họ vì miếng cơm manh áo phải kiếm sống . Nhìn các cô gái bương chải chèo thuyền làm tôi liên tưởng đến cô gái phục vụ ngoài nhà hàng khi nãy . Các cô gái xinh đẹp nơi đây kiêm nhiều chức , luôn lao động bằng tay , nên không có các bờ vai nho nhỏ như các nhà thi sĩ làm thơ làm thiếc .

Vai em tròn dưới mưa
Ướt bao nhiêu cũng vừa
(Nguyễn Tất Nhiên)

Cô gái thừa thế xông lên , cứ vậy mà bấm chách chách . Tôi nghĩ ít nhất là khi lên bến đò sẽ có ít nhất là mười tấm hình để trả tiền .

Bác lái thuyền vẫn tay chèo đưa đẩy . Tôi an ủi bác :
- Thôi bác cứ yên chí , khi nào sắp tới bến chúng tôi biếu bác hai trăm ngàn .

Từ bến đò vào tận ba động , dằng dặc đường sông cũng mất hai cây số . Thuyền đi ngược dòng hai cô gái út tôi vớ lấy hai tay chèo quạt tớt quạt lui , có ý muốn giúp bác lái thuyền chút ít . Bên cạnh một chiếc thuyền nan chở dăm ba du khách người da trắng . Tôi không biết rõ là người nước nào Mỹ Úc Đức ? , bèn hỏi đùa bác lái thuyền :
- Ngày xưa bác đi bộ đội , bác có bắt được "ông giặc Mỹ " nào không ?
- Không .
- Thí dụ bác bắt được người Mỹ nào , có được lãnh thưởng lãnh công gì không ? Vài trăm đô la chẳng hạn .

Bác lái thuyền lắc đầu :
- Chẳng được gì đâu bác ơi ! Nếu có chỉ được cái bằng giấy to như thế vầy , chứng nhận là Nhà Văn Hoá . Giấy này chẳng dùng được để ăn .
- Nếu vậy bắt được mấy ông bà Mỹ đi ghe kia , thế nào cũng Huân Chương Bảo Quốc Đệ Nhất .

Bác lái thuyền mặt buồn thiu , hình như không biết đến sự khôi hài vô duyên của tôi , tay chầm chậm chèo thuyền . Mấy ông bà ngoại quốc thấy chúng tôi chỉ trò cũng hớn hở vẫy tay chào .

Dưới làn nước lơ lửng , đáy sông không đủ sâu cây cỏ phiêu dạt mập mờ không tỏ rõ đâu là đất và đâu là nước . Thinh không yên ắng không một tiếng động , trời đất như hòa làm một . Càng tiến vào trong sâu vài ngọn núi vôi rải rác đứng cao sừng sững . Chim muông rẽ cánh bay vào tận cuối trời . Vài chú dê núi đứng nhìn trời bao la hay nhòm ngó du khách đang lượn lờ trên những chiếc thuyền nan bé bỏng . Ven chân núi người dân vẫn sống trong các mái tranh dựa mình vào vách núi , nền đất phù sa đắp cao tránh mùa nước lụt . Vài ngọn khói nhẹ nhàng nhen nhóm bay phảng phất trong không gian tĩnh lặng .

Đất nước trời mây như hòa nhịp , cảnh tiên đẹp đến thế là cùng . Có lẽ ngày xưa Lưu Nguyễn lạc cõi Thiên Thai chắc còn ẩn núp đâu đây trong các mái nhà xiêu vẹo , để sửa soạn cơm trưa cho các bà vợ tiên xinh xắn đang hái những tán hoa sen thơm ngát bên bờ lau sậy .

Thuyền chúng tôi xuyên qua hang Ba , hang Hai và tới Hang Cả . Hang Cả dài hơn 120 mét , nước xuyên ngầm qua đáy núi . Chúng tôi đôi khi phải cúi đầu nằm sát mặt thuyền . Các nhũ đá rủ xuống tạo ra muôn hình trạng lạ lùng . Tới đây các chiếc thuyền nan dừng lại , các cô gái chèo thuyền nan tiến lại chào mời mua nước giải khát , hoa quả . Tôi lựa vài gương sen và chỉ cách ăn hạt sen cho các con tôi . Hương vị thơm dìu dịu nhàn nhạt của hạt sen , đã từ lâu tôi chưa được nếm lại .

Những vạt sen nằm khuất trong vùng chiêm trũng , lá sen nghiêng mình rì rào trong gió . Vài cánh bướm nhẹ nhàng ẩn hiện bên cánh sen hồng đang nở nhụy . Tôi cứ ngỡ mình là Trang Tử hóa bướm lượn lờ bên các nụ hoa sen tươi thắm .

20/12/2008