Saturday, December 12, 2009

Căn nhà mơ ước

Chú Tôn chồng cô em út vừa chan canh chua bông so đũa vào chén cơm , chợt lên tiếng :
- Sao mình không mở truyền hình coi . Hôm nay họ chiếu Ngôi Nhà Mơ Ước coi cũng được lắm .

Trên kênh HTV vài dòng chữ hiện lên . Tôi tưởng đó là tên một cuốn phim hay một vở kịch nào đó . Nhưng không ... đây là một phim phóng sự về các căn hộ nghèo sống loanh quanh bên các bờ sông rạch . Có cảnh chiếu lên một mái che xiêu vẹo , cả nhà chỉ có một cái chiếu rách vừa dùng để làm chỗ nằm nghỉ ngơi vừa để trải làm chỗ ăn uống . Trong màn hình nhỏ , căn nhà của ông ta có lẽ là cái chòi thì đúng nghĩa hơn . Vách được bao bọc bởi những tấm ni lông bạc màu rách tua tủa , phất phơ theo làn gió .

Qua vài lời giới thiệu và giải thích của cô biên tập viên , căn nhà mơ ước được tài trợ bởi vài công ty X , cơ quan Y nào đó . Họ quyên được một số tiền , và dùng số tiền đó mua một số vật tư xây dựng sơ sài để xây cất một căn nhà nhỏ bé , một ngôi nhà bằng gạch với tường sơn màu xanh dương nhàn nhạt . Chủ nhà mới là ông Nguyễn Như Vân cùng bà vợ và bốn đứa con đứng khép nép một bên .

BTV Lan Hương cầm microphone nhẹ nhàng hỏi :
- Thế anh chị làm gì để sinh sống ?

Người chồng nước mắt ràn rụa :
- Chả dấu với chị , hai vợ chồng đi lượm ve chai , bao ni lông cũ ...

Đến đây ông ta ngập ngừng , nhưng chúng tôi cũng biết vợ chồng ông ta làm nghề gì , đó là nghề đi bới rác .

- Mấy đứa nhỏ có cắp sách đến trường không ?
- Dạ không , tiền em làm còn chưa đủ mua gạo , làm gì có dư để trả tiền học phí , tiền sách vở , quần áo rồi còn có nhiều thứ linh tinh nữa , học kèm ...
- Thế thì các cháu ở nhà làm gì ?
- Thằng lớn trông thằng bé , thằng bé thì coi thằng bé hơn .
- Bây giờ ông bà có được căn nhà mới này , cảm nghĩ ông ra sao ?
- Dạ thưa cô , gia đình chúng em cám ơn lắm . Chúng em không bao giờ nghĩ đến có được một ngôi nhà mơ ước này .

Một ông được giới thiệu là ông chủ tịch xã và vài người trong bộ máy chính quyền . Ông ta cầm một gói quà , rổn rảng cất giọng :
- Thưa quí đồng hương cô bác , đất nước bây giờ vẫn còn nhiều cái khó khăn , còn nhiều cái khắc phục . Nhưng chính quyền xã chúng tôi nhận thấy rằng gia đình anh Nguyễn Như Vân quá thiếu thốn không có khả năng để tạo dựng một mái nhà êm ấm cho gia đình ảnh . Ngay xã chúng ta vẫn còn nhiều mặt để khắc phục , nhưng Ủy Ban Nhân Dân Xã X chúng tôi nhất trí quyên cho gia đình anh Vân một ít để có thể mua sắm vài vật dụng cần thiết trong sự sinh hoạt hằng ngày .

Anh Vân đưa hai tay ra nhận cái phong bì với đôi dòng lệ rưng rưng , và cả gia đình lớn bé cùng cúi đầu cảm tạ .

Chú Tôn với giọng nhỏ nhẹ :
- Anh thấy sao ? Coi cảm động không ?

Tôi quay mặt che dấu những cảm xúc mãnh liệt đang dâng cao trong lòng . Nước mắt tôi như muốn trào ra .

Chương trình Ngôi Nhà Mơ Ước không ít thì nhiều đã đánh động lòng người , đánh động cái lương tâm của những con người còn tình nhân bản , mặc dù xã hội càng ngày càng phân biệt sự giàu nghèo của các tầng lớp nhân dân .

- Chương trình Căn nhà mơ ước có lâu chưa hả chú Tôn ?
- Hình như được mấy năm rồi anh . Để em nhớ lại xem , lúc đó em mới mua xe cho thằng lớn nhà em . Vào cuối năm 2005 thì phải .
- Chương trình này mỗi tuần mỗi chiếu , vậy chỉ có một hộ khẩu có được một ngôi nhà mơ ước phải không ?

Chú em tôi ngập ngừng nói:
- Hình như vậy đó anh .

Tôi tính nhẩm trong bụng , một năm phân phát cho 52 căn hộ . Nước Việt Nam ta hiện nay có chừng 80 triệu dân , đổ đồng một hộ tám người . Chia ra có khoảng 10 triệu căn hộ . Theo như chú thì dân nghèo vào khoảng bao nhiêu nhỉ . Tám mươi bảy mươi hay năm mươi phần trăm . Năm mươi hả ? Cứ gọi là có một triệu căn hộ thật nghèo . Vậy phải mất đến 20 ngàn năm Việt Nam ta mới phân phối hết các Ngôi Nhà Mơ Ước .

Vào những năm 80 , cơ quan chúng tôi có chừng 100 nhân viên . Hàng năm cơ quan được phân phối hai chiếc xe đạp theo giá tiêu chuẩn của xí nghiệp , rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường . Tôi còn nhớ năm ấy , cơ quan nhất trí nhường lại hai chiếc xe đạp ấy cho hai ông cán bộ trưởng phòng . Làm theo sức hưởng theo nhu cầu . Vâng cái nhu cầu đó có lẽ đến năm thứ 50 mới đến phiên tôi được mua được một chiếc . Nhưng sợ đến đó già rồi , chân cẳng rụng rời còn hơi sức đâu mà đạp .

Chú Tôn bùi ngùi nói :
- Anh còn nhớ không, lúc mới giải phóng gia đình tụi em nghe mấy ông nội này họp tổ dân phố rồi kêu gọi mọi người dân đi kinh tế mới .
- Cả gia đình chú đi hả ?
- Không , chia làm hai . Một nửa bám trụ ở lại đây , nửa kia có ông già em , anh Ba, Anh Tư , em và chú Út lên trển .
- Trên đó trồng gì để sống ?
- Ở trển toàn cỏ tranh cỏ gai dày đặc không à . Lúc đó em mới chừng mười tuổi chớ mấy ,đâu biết làm gì . Hễ ba em và hai anh dùng phảng dùng liềm phát cỏ thì em đi gom lại phơi khô .
- Thế ở trển có trồng chuối hay bắp ngô khoai gì không ?
- Dạ không anh . Toàn là khoai mì .

Tôi bật cười , vẫy tay gọi cháu Bi lại :
- Bi à ! Cháu vào Đội Thiếu Nhi có hay hát không ?
- Dạ có .
- Bây giờ bác hát bản này xem có nghe quen quen không .

Dù bây giờ tôi già rồi với giọng khàn khàn vịt đực , nhưng nghe cũng rõ ràng tôi hát khe khẽ :
- Tổ quốc ơi ! Ăn khoai mì mãi mãi . Từ trận thắng hôm nay ta ăn độn dài dài ...

Cháu Vi nét mặt hớn hở vỗ tay :
- Bác hát hay quá . Bản nhạc này nghe quen quen . Bác chế ra à ?

Tôi chối ngay như thể ông Phê rô chối Chúa ba lần :
- Đâu có cháu , mà cháu nói nho nhỏ một chút kẻo công an nghe được thì bác cháu không gặp mặt nhau được .

Chú Tôn nói chen vào :
- Anh đừng lo , bây giờ mấy cái chuyện đó thường lắm . Nhà nào trong xóm này cũng có đầu máy ti vi mở nhạc vàng ủm tỏm lên . Công an nghe quen rồi cũng làm lơ .

Nhưng để phòng bất trắc , tôi dặn dò :
- Nhưng cháu khi họp đội , cháu đừng cái ca khúc tự bêu tự diễu đấy nhá .
- Dạ bác .

Dạo ấy gia đình chúng tôi đã nghe theo lời thuyết phục của ông anh bà con của tôi từ ngoài Bắc vào , khuyên là dù bất cứ trường hợp nào đừng lên vùng kinh tế mới . Anh đơn cử ra nhiều trường hợp của nhiều gia đình ngoài đó cũng đi khai khẩn đất hoang . Dân thị thành có bao giờ quen với việc chân lấm tay bùn , quen với công việc đồng áng . Và họ nghẹn ngào với cuộc sống khổ cực này .

Chú Tôn mơ màng nói tiếp :
- Lúc ấy khổ lắm anh ơi . Ngày ngày ăn khoai mì , lâu lâu má em lên tiếp tế được ít gạo . Nhà cửa ọp ẹp đâu được như vầy , cũng xiêu vẹo như căn nhà ông Vân lúc trước . Lúc đó tụi em chỉ ước muốn có được Căn Nhà Mơ Ước như vầy , mộng mơ mãi có thằng cha nào tới xây đâu . Mắn cuội khíu chọ nên bò về thành phố ở .
- Chú nói cái gì lạ quá , tui không hiểu ?

Cả nhà bật lên những tiếng cười dòn :
- Là muỗi cắn khó chịu đó bác An .

Nói đến muỗi , thật là lạ . Chung quanh ngôi chợ đầu các cống rãnh nhưng từ khi tôi về tạm trú nơi đây , ít thấy nghe chú muỗi nào vo ve bên tai .

- Còn như chú út Hy nhà mình thì sao . Chú thuộc diện bần cố nông mà . Nghề ngỗng thì không , việc làm thì không có .

Chú Tôn cười :
- Ảnh tuy vậy nhưng bên nhà vợ , ông già vợ cắt cho miếng đất nhỏ . Tuy là nhà nền đất , mái lá tranh nhưng nhìn còn có vẻ tươm tất hơn cái chòi của ông Nguyễn Như Vân .

Nhìn những người dân lam lũ đối mặt với cái nghèo , vật lộn với từng bữa cơm manh áo . Gia đình nào cũng dăm năm sáu đứa con , mặt mũi lem luốc ngơ ngơ ngáo ngáo đứng nhìn , lòng tôi không khỏi đau xót . Đã hơn 30 năm đất nước thanh bình , nhưng người dân với lợi tức đồng niên không quá 500 Mỹ kim , vẫn phải đối mặt với những khó khăn chồng chất của tháng ngày khổ cực .

Chú Thích : Bài ca Tình Đất Đỏ Miền Đông của Trần Long Ẩn : " Tổ quốc ơi...ta yêu người mãi mãi... Từ trận thắng hôm nay...ta xây lại bằng mười... Từ trận thắng hôm nay...ta xây lại đẹp hơn... Được hát lại như sau: Tổ quốc ơi...ăn khoai mì ngán quá... Từ Giải Phóng vô đây...ta ăn độn dài dài... Từ Giải Phóng vô đây...ta ăn độn bằng hai...

TS ngày 12/12/2009

Saturday, December 5, 2009

Có công mài sắt có ngày nên kim

Ông bà mình có câu Có công mài sắt có ngày nên kim . Lúc còn bé từ thuở mài đũng quần ở nhà trường , tôi thường nghe các thầy cô nói đi nói lại câu tục ngữ này nhiều lần nhưng tôi cũng chẳng chú tâm đến nó nhiều . Bởi vì chẳng ai bỏ công bỏ sức để mài dũa cục sắt thành cây kim bé xíu . Kim may kim khâu nhìn chúng nhan nhản đâu cũng có , nhất là mấy cây kim cúc ghim sẵn trong cái áo may sẵn ở các cửa hàng , cần chi phải đi mài dũa tạo thành cây kim như vậy .

Tôi vào hãng ADI này làm cũng gần được cả năm , công việc chính là "modify " mấy cái dụng cụ điện hay đồng đồ điện tử của các loại máy bay trực thăng . Trong số này thường chế tạo tại Mỹ nhưng có một loại đồng hồ đo xăng dầu lại sản xuất của Pháp . Trên mặt đồng hồ này có một cái nút bấm Reset được vặn chặt bằng một con tán bằng sắt hình lục giác có bề ngang chừng sáu ly , đường kính trong bốn ly . Đôi khi các loại đồng hồ gởi vào trong hãng tôi làm lại thiếu mất con tán ốc này , có thể là do chuyên viên tháo ráp của máy hãng máy bay khi tháo mở đã làm rớt ra ngoài , rớt xuống một cái khe máy nào chăng . Mấy cái nút này , linh kiện phụ tùng ở Mỹ không phải là không có , nhưng con tán ốc lại theo kích thước đo đạc bằng đơn vị đo lường theo nước Anh . Nó lôi thôi vô cùng , này nhé một dặm Anh bằng một ngàn mấy trăm Yard , thước Anh . Một yard bằng ba "Foot " (bộ) , một foot bằng 12 inches (đốt ) , một đốt lại chia ra làm 8 vạch nhỏ . Tôi nhớ là khi dắt bà nhà tôi nạp đơn xin việc vào vài hãng may hay hãng giấy lúc làm bài toán đổi qua đổi lại mấy đơn vị đo lường kiểu Anh Mỹ này , bà nhà tôi bực mình lắm la toáng lên . Bởi thế các con ốc con tán Mỹ không thể nào xiết vào vừa vặn vào con tán của Pháp . Con người còn có thể gượng ép kết hợp hôn nhân của hai màu da khác nhau , Mỹ trắng lấy Mỹ đen hoặc Mỹ vàng hoặc ngược lại , nhưng sắt thép chúng cứng lắm , ép chúng xiết vào là chúng nó gãy ngay .

Không thử được đồ Mỹ thì đành phải đặt hàng mua hàng của chính hãng Intertechnique của Pháp . Người bạn đồng nghiệp sau khi hỏi giá , cho tôi biết một cái nút reset be bé như vậy là gần một ngàn đô Mỹ , trong khi giá cả của một cái nút tương tự như vậy trong sách Mouser chỉ có chừng mười Mỹ kim mà thôi , nhưng con này lại không chui vào cái lổ nhỏ hẹp của đồng hồ đo xăng dầu . Trong hãng ADI này tôi có dư thì giờ , nhàn nhã không biết làm gì bèn lấy một con tán ốc khác , cũng thuộc đơn vị đo lường của Pháp , cùng đường kính trong , nhưng bề dày lại là chín mi li mét . Thế là tôi dùng hai ngón tay kẹp lấy con tán mài trên giấy nhám để chà cho nó mòn đi để cho nó còn đúng sáu ly như mẫu chuẩn ban đầu . Nhưng con tán thì bé , ngón tay tôi to như như chuối sứ , mài tới mài lui mãi cả giờ đồng hồ vẫn chưa suy suyển được bao nhiêu . Lúc này lòng tôi chợt nghĩ đến câu tục ngữ ông bà mình đã dạy : "Có công mài sắt có ngày nên kim ." nên tôi quyết tâm thực hiện bằng được . Theo nghĩa bóng ông bà mình dạy bảo là chịi khó ráng học hành , mai mốt lớn thành công trên đường đời mà . Bạn bè tôi đa số đã thành công , có đứa bác sĩ tiến sĩ , có đứa kỹ sư kỹ siếc riêng tôi vẫn là ông thợ không ra thợ thầy lại không ra thầy , dở dở ương ương bây giờ ngồi đây mài sắt . Được một cái là bây giờ hiện đại lắm , ở nhà tôi thu âm mp3 vào cái USB , truyện hồi ký Thép Đen của nhà văn Đặng Chí Bình vào trong hãng , cho vào máy computer của hãng vừa làm vừa nghe . Nghe đến đoạn ông ta ở trong xà lim ngục tối , tả cảnh đêm tối muỗi mòng bay tới chích ông ta tơi bời . Ông ta lại không có thân nhân vào thăm nuôi bèn đánh cắp hay nhặt được một cây đinh dài năm phân và mài trên nền xi măng suốt bao ngày tháng , cuối cùng thành được một cây kim để có thể tạo thành một cái mùng bằng các mảnh vải vụn mà ông ta lén lượm lặt được trong nhà xí .

Giọng đọc của ông Trần Bỉnh Nam thật ấm , trầm buồn , qua những đoạn trên không khỏi làm tôi xót xa bồi hồi thương cảm cho người tù xấu số .

Quả thật sau vài giờ vất vả mài trên mấy tờ giấy nhám , con tán thép đã nhỏ đi khá nhiều , nhưng mấy đầu ngón tay đã trầy trụa rướm máu hồng . Nhưng không sao tôi đã thực hiện được lời cổ nhận dạy : Có công mài sắt có ngày nên kim .

Bỗng bên tai tôi chợt nghe tiếng cãi vả lớn tiếng của hai người . Họ cãi nhau bằng tiếng Mỹ và nhất là trong lúc hăng say to miệng nên tôi không hiểu họ đang nói gì . Bỏ cái headphone ra khỏi đầu tôi trông thấy ông xếp da đen người Kenya đang múa tay , giọng to hẵn ra :
"Tao không thích mày , mày vô đây nói vậy là làm sao . Tao năm nay ba mươi mấy tuổi đầu mà mày nói tao hey you guy babies , tao như vậy là bế bi của mày à ? "

Tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra làm sao , bỗng thấy ông Mỹ trắng , David cứ sấn tới , giọng to lớn tiếng không kém gì ông Mỹ đen xếp tôi . Thấy vậy đám tech tụi tôi bèn đi tới , kẻ nắm tay người nắm vai lôi hai người ra . Một anh đồng nghiệp tên là Javier sau khi đẩy anh Mỹ trắng ra cái phòng làm việc tech shop của chúng tôi quay sang hỏi tôi :
- Andy , you có nghe được câu chuyện đầu đuôi ra sao không , có nghe được thằng David biểu thằng Philip là bế bi không ?

Ông bà mình có dạy rằng trâu bò húc nhau , ruồi muỗi chết lây . Tụi Mỹ mà có đấm đá nhau , mình người Á Đông nhỏ con chớ có dại gì mà chạy vào can chúng nó . Một quả đấm của chúng nó tuy không bằng Mike Tyson hay Holyfield võ sĩ vô địch quyền Anh hạng nặng , nhưng cũng không thua kém chúng nó là bao nhiêu nên chớ dại gì đâm đầu vào .

Biết thân biết phận tôi cười mỉm :
- You không thấy tao đang nghe nhạc hay sao ?

Hắn thắc mắc hỏi thêm :
- You nghe cái gì vậy ?

Tôi bình thản đáp lại :
- Ồ ! Là bản The Winner take it all của ban nhạc ABBA đó .

5/12/2009

Thursday, November 26, 2009

Chúng tôi ghé đến Sam's Club . Nó nằm quay mặt ra xa lộ vòng đai 820 . Nơi đây chuyên bán sỉ và lẻ các mặt hàng từ thực phẩm đến gia dụng quần áo thuốc men . Muốn vào đây khách hàng phải đóng tiền niên liễm 45 Mỹ kim .

Bên tay trái là nơi chuyên buôn bán vỏ xe hơi đủ loại từ Michelin , Good Year , BF Goodrich . Từ cỡ 13 cho đến 17 cho vòng bánh xe . Một ông người Mễ bước ra hỏi tôi có cần giúp gì chăng . Tôi ngỏ ý nhờ ông ta xem xét mấy cái bánh xe :
- Ông xem mấy cái vỏ xe còn tốt không ? Chạy được vài năm chăng ?

Ông ta bước tới , chẳng cần phải đo đạc đo sâu , độ dày của mặt vỏ , cười nói :
- Mấy cái này quá tệ , cần phải thay ngay .

Trên nguyên tắc để coi tình trạng vỏ bánh xe còn khả năng lăn bánh là dùng một đồng xu Mỹ . Đồng này một mặt khắc hình ông tổng thống Mỹ Abraham Lincoln .

Khoảng cách từ rìa đồng xu đến đỉnh đầu ông Lincoln đó chừng một ly mấy . Nếu vỏ xe có độ sâu cao khoảng cách đó thì coi như vỏ xe còn chạy được . Đó là trên nguyên tắc , còn thực tế là hai chuyện khác nhau . Tùy theo điều kiện mặt đường và thời tiết mưa nắng đá đóng băng , không ai dám đảm bảo sự an toàn khi lái xe với mấy cái vỏ đó . Nhất là lòng tôi nghĩ đến năm ngoái đã xảy ra một tai nạn do sự nổ lốp của một xe khách chở người hành hương từ Houston lên Missouri . Kết quả tai nạn đó là 17 người Việt chết .

Tôi phân vân hỏi ông Mễ thợ ráp bánh xe :
- Ông nói một cái vỏ 225/75/16 là 129 đô, vậy có thể nào gắn loại vỏ nhỏ hơn như 205 hay 215 .
Cùng một loại một hiệu vỏ xe càng nhỏ càng ít tiền hơn . Ông ta mở cửa xe Toyota ra , đưa đầu ngó vào cánh cửa rồi lắc đầu nói :
- Xe nào bánh nấy , ông mà dùng vỏ khác thứ nhất nó không an toàn , thứ hai nó mất đẹp .
- Nếu thay hết cả bốn bánh hết bao nhiêu hở ông ?
- Bốn vỏ xe tính hết mọi thứ , tiền valve (vòi bơm) tiền bảo hành tiền bảo hiểm khi vỏ xẹp lốp giữa đường , tiền thuế .... à à ... bảy trăm đô .

Mèn đét ơi ! Chi mà đắt thế .
- Thôi ông đưa tui đi vô trong đó xem sao . À ! Đây rồi ! Có hiệu Good Year cũng là vỏ 225/75/16 giá có 87 đô lại còn bớt 50 đô nếu mua cả bốn vỏ . Ông tính xem tổng cộng mọi thứ là bao nhiêu ?
- Bốn trăm rưỡi . Nhưng loại này chỉ ga răng ti 50 ngàn mai thôi . Cái loại tôi nói với ông khi nãy là hiệu Michelin chính gốc do Mỹ làm , ga răng ti đến 80 ngàn mai .

- Thôi ông cứ thay cho tui loại 50 ngàn mai . Thằng con trai tui nó biểu xe chạy đến 30 ngàn mai là nên thay .

Xe thay vỏ bánh mới tôi cảm thấy nó chạy trên mặt đường lộ nhẹ nhàng hơn , êm ái hơn chăng , có lẻ cũng ít hao xăng hơn . Từ đây chúng tôi quẹo qua xa lộ 30 và len lỏi vào đường Fielder và Pioneer Parkway .

Chợ Nam Hưng nằm ngay góc đường
Pioneer Parkway và đường Brown . Khi xưa nó chỉ là một tiệm bách hóa nho nhỏ , nhưng nhờ tài kinh doanh của hai vợ chồng Tàu gốc Chợ Lớn nó phát triển , họ xây một thương xá thuộc loại bậc trung . Nơi đây có tiệm thuốc bắc , tiệm cho mướn phim bộ , văn phòng luật sư và chợ Nam Hưng .

Trước chợ bày vài thùng ca tông to chứa hàng đống bưởi . Loại nhỏ ba trái một đô la . Lớn hơn một tí một đô hai trái . Tôi giới thiệu với hai vợ chồng quen tôi từ dưới thành phố Fort Worth lên đây đi chợ :
- Loại bưởi này ăn khá ngọt , bưởi Cali đó . Cái vỏ nó nhăn nhúm bên ngoài nhưng bên trong nó tròn trịa lắm .

Bà vợ ông Trình quen với tôi vặn lại :
- Ông ăn thử chưa mà biết là ngon ?
- Chưa , tui nghe bà nhà tôi nói , không tin bà chị cứ hỏi bà xã tui .

Vừa lúc đó bà nhà tôi bước tới , nghe vậy bèn đáp :
- Ông không biết gì hết mà cứ nói lung tung . Bưởi này không phải bưởi Ca li . Nó to và xanh như vầy là bưởi Mễ , còn to hơn nữa là bưởi Biên Hòa . Thôi tui vô trong chợ lựa tôm sú , họ bán hơn hai đô một cân , loại to như vầy nè .

Khi mua xong vài thứ lương thực cần thiết , chúng tôi đẩy xe shopping cart vào chỗ bán gạo . Một cô bán hàng chỉ cho tôi :
- Bác lấy loại con Nai 38 đô bịch năm mươi "Pao" (cân Anh ) .

Bà nhà tôi hỏi lại :
- Loại này có dẻo không , gạo mới 2010 hay là gạo năm ngoái .
- Gạo mới cô .

Vừa lúc bà chủ tiệm Nam Hưng bước ra , buông lời hướng dẫn người làm và nói tiếng Việt lơ lớ :
- Tui dặn các lị khi lấy gạo coi chừng lấy lầm gạo . Bịch lào xanh thì là gạo dẻo , bịch lào lỏ là gạo lếp .

Mấy năm tôi không gặp bà chủ tiệm , lúc trước dáng người bà ta còn thon thon . Bây giờ nhìn khác gì là bà xẩm quê ở miệt Thẩm Quyến bên Tàu . Tôi cất tiếng chào bà ta :
- Bà chủ ơi ! Còn cái bịch này mới hay cũ hở chị ?
- Mới .
- Dẻo hông ?
- Dẻo .
- Thế ăn nó giống như bo bo không ?

Bà nhà tôi vội lôi tôi đi ra khỏi tiệm với vài tiếng cười dòn dã phía sau .

Sunday, November 22, 2009

Chợ Nam Hưng

Sáng thứ Bảy ngoài trời mây mù âm u , giăng kín khắp nơi . Hai vợ chồng tôi ngồi uống cà phê pha sẵn đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ có màn sáo chắn ngang . Tôi lên tiếng hỏi :
- Sao tí nữa bà có đi chợ mua bông tươi về để dọc kinh chiều mai không . Nếu vậy thì mình sẽ ghé qua thăm bà mẹ chú Kha bên Cali sang thăm cháu rồi mình đi thay vỏ xe nhé .

Bà nhà tôi ậm ừ rồi cao giọng :
- Vỏ xe ông nói là còn mới mà . Ga răng ti (bảo hành ) sáu chục ngàn mai (dặm Anh) mà ... mà xe mới chưa được ba chục ngàn mai mà ... mà phải thay là sao ?

Tôi ngần ngừ không biết trả lời sao cho đúng lý . Sáng hôm thứ Sáu lúc ra xe để chở hai đứa con đi học , bà nhà tôi thấy bánh xe sau bị xẹp lốp , đành đánh thức cô gái thứ nhì dậy để chở đi .

Bà nhà tôi phán tiếp :
- Tui để ý là hễ ông xách xe tui đi đâu là xe bị xì lốp . Tui đi bao năm nay có sao đâu .

Tối thứ Năm tôi đang dùng cơm tối , cô Lan em tôi gọi sang nhờ tôi đi đón mẹ chồng bên Cali sang chơi . Lúc đó tôi đang định mang theo cái máy Tomtom định ví trí GPS theo . Máy này dùng để chỉ đường đi . Bà nhà tôi nói vói theo :
- Ông cứ đi đi , qua nhà cô em ông đó chở theo thằng Bỉnh , nó biết phi trường Love Field bên Dallas mà .

Trên đường 183 tôi tươi cười hỏi Bỉnh :
- Cháu rành đường tới phi trường không ?

Bỉnh ngập ngừng rồi đáp :
- Cháu có tới đó cách đây năm năm rồi . Sau rồi cháu qua Nhật đóng quân ở Okinawa . Quên rồi bác .

Tôi thở dài rồi cứ cho xe chạy lên loop 12 , vòng vào đường 35 E . Ở đây tôi nhớ mang máng là cách đây hơn mười năm tôi đi xuống một cái hồ gần đường Walnut Hill mò bắt ốc , thấy rất nhiều máy bay của hãng Southwest Airlines bay lên đáp xuống . Thấy không ổn tôi gọi điện thoại cho Tư bạn tôi . " Mày đang ở đâu vậy ? Ở Walnut Hill hả , lộn đường rồi . Mày vòng lại chạy 35 South , gặp đường Mockingbird quẹo trái chừng vài mai là thấy ngay cổng vào phi trường . Cái bảng đó to lắm , cứ tới là thấy ngay .


Chúng tôi mon men theo con đường Mockingbird chừng mươi mười lăm phút vẫn không thấy dáng cổng vào phi trường Love Field đâu . Tôi đưa điện thoại di động sang cho cháu Bỉnh :
- Cháu gọi cho Trang chị cháu xem cổng vào ở đâu ?

Qua lời trao đổi trong phôn , Bỉnh nhe răng ra cười :
- Chị cháu biểu bác trông thấy cái cổng chào to tướng là nó đấy .

Tám giờ tối đèn đường nhập nhòe ngọn xanh ngọn đỏ . Từ khi tôi ở VN về , hai con mắt một rõ một mờ , nhìn cảnh vật không thật rõ nét như xưa . Tôi lòng vòng cua xe quanh một ngả tư mà tôi đoán là cửa vào phi trường . Bỉnh chợt là lên : " Cổng chào kìa bác , nó đề chữ Welcome to Love Field ."

Tôi nhìn sang cái cổng . Nó chỉ là một bức tường nhìn khá vuông vắn ba nhân ba mét , dưới ánh đèn lờ mờ ảo ảo mắt người thường còn khó nhận ra huống chi tôi .

Tôi vào nhà Lan cô em tôi bấm chuông . Bà nhà tôi càm ràm :
- Sáng mới 9 giờ bà cháu người ta còn ngủ , ông cứ ...

Vừa lúc đó cháu Trang mở cửa , mặt còn đang ngái ngủ :
- Mời hai bác vào chơi , để cháu gọi bà cháu dậy . Bà ơi !

Bà Kha bước ra ngoài phòng khách tươi cười nhìn chúng tôi thăm hỏi :
- Cậu mợ An bao năm không gặp vẫn như xưa . Các cháu khỏe mạnh không ?

Nhìn dáng bà Kha mẹ chồng cô em tôi , với khuôn mặt nhỏ nhắn , phúc hậu , tôi đáp lại :
- Vâng , gia đình chúng cháu vẫn khỏe . Bà vẫn hay du lịch đây đó ?
- Dạo này không , bác đi du lịch nhiều nơi rồi , qua Tầu qua Tây riết cũng chán .
- Bác còn ở cái mobile home ?
- Còn sao không còn . Mobile home bác trả hết lâu rồi , nhưng tiền đất thì thật là phiền .

Tôi chăm chú nghe , thắc mắc hỏi tiếp .
- Lúc trước bác chỉ trả có hơn ba trăm đô , bây giờ là sáu trăm mấy . Có nơi phải trả đến hơn ngàn đô .
- Cháu cũng nghe vậy , chủ đất cứ lên giá ào ào , người mướn không chịu nổi bỏ đi , bỏ cả cái mobile home . Thế là chủ đất lấy rồi cho thuê mướn lại . Cháu nghe bên Cali bây giờ ngân sách thiếu hụt dữ lắm , nhà cửa thì bị nhà băng kéo rất nhiều .

Bà Kha nhìn quanh căn nhà cô em tôi , rồi chép miệng nói :
- Như căn nhà này , bên Texas chưa đến trăm ngàn , bên đó phải đến ba bốn trăm . Tiền nhà hàng tháng tính ra có đến ba ngàn . Chủ nhà cả hai vợ chồng phải quần quật đi làm hai ba dóp (job) trả mới nổi , bởi vậy một người thất nghiệp là xính quýnh .
- Như bác như vầy còn lái xe không ?
- Không , bác năm nay 82 rồi . Đi đâu cũng có tài xế lái , thay vì nó tới rước mình tận nhà thì mình phải bò ra tới tận trạm . Trạm xe buýt đó .

Chúng tôi cùng cười vui vẻ . Bà Kha tuy tuổi hạc khá cao nhưng vẫn còn nhiều nét khôi hài .
- Bên đó cảnh sát bây giờ phạt dữ lắm . Bác thì không lái xe nhưng bác có một bà bạn một ngày bị hai cái tích kệt (ticket , giấy phạt ) . Một cái là bốn trăm đô .

Chúng tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao bên tiểu bang Cali tiền phạt lại cao quá .
- Bà ta sao mà bị phạt hả bác ?
- Thì bà ta đèn xanh quẹo phải không đủ hai giây , nghĩa là khi quẹo mặt phải đếm đủ 2001, 2002 khoảng hai giây . Cảnh sát thấy xe nào quẹo nhanh là phạt ngay .

Lần đầu tiên tôi mới được nghe một câu chuyện lạ lùng như vậy . Quẹo phải khi đèn đỏ , phải ngừng ít nhất hai giây , đây lại là đèn xanh . Luật bên Mỹ mỗi nơi mỗi khác .

Bà Kha gọi vói sang cháu Trang :
- Trang à ! Cháu lấy tí quà bà để ở góc bếp mang qua đây cho bà . Đây nhé ! Ổi này là ổi xá lị mà bác trồng bên Cali . Nhà bác chỉ có miếng đất bé tí teo thôi mà bác còn trồng cả thanh long , hồng dòn, ổi xá lị , khế . Nếu mà nhà bác có đất rộng như nhà con dâu bác , bác còn trồng cả măng cụt , xoài tượng xoài thanh ca nữa cơ . Bác cứ gọi sang con Lan bảo nó sao đất rộng thế kia mà bỏ phí không chịu trồng trọt gì hết .

Cô Lan em tôi một tuần đi làm sáu ngày . Sáng tờ mờ đi làm nghề neo (nail ) ở thành phố Cleburn cách Fort Worth cả tiếng lái xe . Tám giờ tối mới về đến nhà thì giờ đâu còn nữa để mà tưới cây tưới cỏ .

Chuyện trò được hơn nửa giờ , vợ chồng chúng tôi cáo từ và không quên mời bà Kha ngày mai sang nhà chơi và nhân tiện đọc kinh tại nhà mới của chúng tôi luôn . Trên xe bà nhà tôi cằn nhằn :
- Ai lại như ông , xe bị bể lốp thì mình nói là nó bị cũ , nó mòn thì nó bị xì . Ông lại biểu đi đón hai bà cháu về , rồi bánh xe bị hư . Người ta lại nghĩ ngợi là tại đưa đón mới xảy ra chuyện .

Tôi ậm ừ cho xong chuyện , cãi lý với bà nhà tôi chả khi nào thắng lý với bả . Tôi xoay qua đề tài khác :
- Bây giờ tiệm Sam Club chắc mở cửa rồi , mình sang đó thay vỏ xe . Không phải một cái mà đến bốn cái .

Nói đến đây tôi lẩm bẩm tính toán : "Đi xe to thì vỏ xe to . Vỏ to thì tiền to . Ít nhứt một cái bánh hơn một trăm , bốn cái cộng cả thuế chắc gần năm trăm .

Bà nhà tôi bực dọc :
- Sao lại thay cả bốn . Hôm kia ông biểu nó chạy đến 60 ngàn mai kia mà .

Tôi thật tình không nhớ đã nói câu đó hồi nào , nhưng bây giờ bà nhà tôi cứ vịn câu đó nói mãi :
- Thì tui nói đại khái thôi . Có vỏ chỉ " ga răng ti " ba chục ngàn , có cái năm chục ngàn , có cái tám chục ngàn . Tiền nào của nấy . Bánh xe của xe mình Toyota Highlander 2005 hiệu Toyo mới có gần ba chục ngàn mai mà thấy mòn quá . Tí nữa mình ra ngoài tiệm Sam hỏi thăm thợ thì biết ngay . Một đời mình bằng trăm đời nó , thay cho nó mới để bà chạy xe đưa con cái đi học , tôi mới được yên tâm . Phải không bà ?

Saturday, November 21, 2009

Canh chua so đũa

Tôi có một người bạn quê ở Mỹ Tho , hắn học về ngành Thực Phẩm ở trường đại học OU tiểu bang Oregon . Năm 1974 trở về VN hắn ta có một ước mơ là làm một luận án " Làm sao biến cỏ thành thực phẩm cho người ". Những lúc ngồi chung chuyến xe đò về quê vào mỗi chiều thứ Bẩy sau khi tan sở từ trên Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa về, hắn tỉ tê với tôi :
- Mày biết cây so đũa trồng dọc hai bên bờ ruộng không ?

Tôi nhìn qua cửa kiếng của chiếc xe đò . Hai cảnh vật bên đường cứ vùn vụt bay ra đằng sau , chỉ nhìn phơn phớt cây so đũa mảnh khảnh với những tàn lá phất phơ theo làn gió .

- Tao nghe nói lá so đũa chỉ dành cho dê xơi . Thân xẻ ra có thể làm vật liệu trồng nấm mèo . Sao mày tính trồng nấm mèo à ?

Sau 75 chúng tôi được lưu dung làm tại một cơ quan đo lường chất lượng . Trong những thời gian đó , lương bổng hàng tháng chỉ vừa đủ sinh sống hàng ngày , nếu không nói là chật vật . Những chuyện ước mơ làm cái này làm cái kia , mà không có vốn cũng chẳng làm được gì .

- Không , tao chỉ thèm tô canh bông so đũa nấu tôm thôi .

Hắn nói luyên thuyên về bông so đũa nấu canh chua , bông so đũa xào tỏi . Từ thuở bé , mẹ tôi nấu canh chua bằng cải dưa chua với cá linh , mỗi lần ăn phải thật cẩn thận vì cá linh xương nhỏ rất nhiều . Nếu không thì lại là canh chua cải dưa chua nấu với thịt bò . Lúc lập gia đình , bà nhà tôi học đâu nhiều món canh chua độc đáo . Rau muống nấu tôm khô , vắt vài miếng chanh , ớt xay vào . Ăn thật nóng và húp phải nghe sùm sụp mới ngon . Có khi tôi đi câu cá striper bass về , bà nhà tôi xắt từng khúc cá nấu ngót . Cá bass cắt khúc chiên sơ và cho vào nồi nước sôi . Thêm mắm muối hành tươi và cà chua vào . Ăn với bún hay cơm cũng được . Ngoài ra món canh chua cá bông lau không thể thiếu được trong các bữa cơm .

Về đây hơn một tháng , tôi đi từ đầu chợ đến cuối chợ , cứ nhìn xem có bà nào cô nào bán bông so đũa không . Nói thật tôi chưa biết mặt mũi nó ra làm sao . Hỏi thăm mãi cũng thấy họ lắc đầu nói không . Rau muống rau dền , mồng tơi rau đay , ngót đến các loại củ bày bán la liệt . Ngay cả đến bông điên điển trắng xanh nhạt như nụ hoa huệ cũng thỉnh thoảng đem bán . Bông điên điển xào với tôm sú , ăn ăn hơi nhằng nhặng . Các con tôi ăn thử một lần rồi không thích ăn nữa .

Một buổi sáng sớm tôi ra ngoài quán anh Năm kêu một ly cà phê sữa . Sáng sớm không có ai bán sữa đậu nành , chẳng lẽ tới quán ngưòi ta kêu ly trà nóng . Bình trà ở các quàn được pha thật loãng để khách sau khi nhâm nhi cà phê còn có thể uống tí trà ngồi han huyên tán dóc với nhau .
Bên hông quán có lẽ là đôi vợ chồng đang loay hoay nặn bột bánh làm bánh dầu cháu quẩy và bánh tiêu . Miếng bột chỉ bé bằng hai cọng đũa dính vào nhau , vậy mà khi đem bỏ vào chảo chiên , nó phồng to lên , nở ra thành bánh màu vàng bong bóng , thơm mùi dầu đậu phọng . Tôi gọi anh ta mua vài cái bánh và ngồi chấm ăn với cà phê sữa .

Quán cà phê lúc nào cũng bày biện ra vài cái bàn gỗ thấp lè tè . Ngồi cạnh bàn tôi là một anh thanh niên trạc chừng 40 tuổi . Quần áo lam lủ có vẻ bân bẩn , tôi nghĩ có lẽ anh ta là dân xốc vác , khuân vác gì đó . Qua vài lời chào hỏi , anh ta tự giới thiệu là Phong , trước từng là công an huyện Cần Giờ . Tôi nghe sơ qua hơi giật mình . Nếu như vào năm 1980, 81 chúng tôi đi vượt biên bằng ghe mà bị anh công an này bắt , thì giờ đây chắc không ngồi cùng bàn với nhau .
- Dzậy anh Phong biết anh Huê công an khu vực này .
- Biết chớ ! Đi nhậu với nhau hoài sao lại không biết . Trước kia anh đi lính phải không ?

Lần này tôi thật tình giật nẩy ngườị , cái lý lịch trong sáng như gương của tôi hay bất kỳ mọi người dân trong khu phố , mấy anh công an này nắm khá rõ .
- Có , tui đi lính Hải Quân , giải ngũ trước 75 .
- Nghe nói anh là người nhái mà .
- Dạ không , thợ lặn .

Vài người ngồi quanh đó , nghe vậy phá lên cười .

Để ông ta hỏi về mình quá không tốt , không chừng lại hạch hỏi quá trình làm việc của tôi bên Mỹ . Hay nhất là tôi thăm dò chuyện ông ta .
- Thế anh còn đi công an không ? Không à !

Tôi thở phào , nhẹ nhõm cả người .

- Vợ chồng tôi ở gần Long An hằng ngày mang rau ở dưới đó mang lên chợ này bán .
- Anh chạy xe Honda hả , làm sao mà chất mấy cái giỏ rau , không sợ nó đổ ra đường à .
- Không , chạy quen rồi , ngay đường trong làng trời mưa lầy lội cũng không sao .
- Từ chỗ anh ở đến đây bao xa ?
- Chừng một tiếng .

Trời tờ mờ chưa ửng sáng , tôi thấy mấy bà bán rau xách từng cần xế ra , phân từng loại và bó lại từng bó nhỏ . Bầu bí mướp thì cho vào cái thúng rộng miệng . Có lẽ họ phải ra đi từ ba bốn giờ sáng .
- Sao anh chị không kiếm cái chợ nào gần nhà cho đỡ vất vả ?

Ông Phong cười :
- Tại anh không biết , mình trồng rau ở đó , rồi mang ra ngoài chợ gần đó . Giá cả rẻ lắm , ở chợ này bó rau muống tui bán có thể được tám ngàn một bó . Ở dưới đó chỉ bán được nửa giá thôi . Đi xa một chút nhưng giá được hơn .

Anh Phong công an này , xưa tôi chắc là đã học qua lý thuyết cộng sản , nhưng ra đời lại áp dụng ngay nguyên tắc kinh tế thị trường tự do , nơi nào cần , được giá cao , ta cứ bán .
- Thế chị ngồi bán ở góc chợ nào ?
- Ở ngay ngõ gần lối ra vào nhà cô em út của anh đó .

Uí dào ! Ngay chỗ tôi tạm trú , anh công an cũ này cũng biết . Người Mỹ chắc phải học cách quản ly nhân dân này của Việt Nam . Một năm có vài triệu người nhập cảnh vào đất Mỹ , họ ở lại và làm gì khó có ai biết . Di chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác cũng dễ dàng . Ít có cái vụ đang đi đường , công an chận lại xét giấy tờ , chỉ trừ người đó đừng phạm luật lái xe , vượt quá tốc độ vi phạm .

Biết anh Phong là dân trồng trọt , tôi hỏi cách trồng rau ngò gai , chớ bên chỗ tôi ở , cây ngò gai chỉ mọc được vài nhánh trông èo uột chứ không xanh tươi mơn mởn như bên Việt Nam . Ông Phong trả lời với giọng tự tin :
- Dễ lắm ! Ngò gai anh cứ cặm nó xuống đất là nó mọc đầy ra vườn .

Nghe thầy giảng vậy , tôi không biết nói làm sao . Như phải chọn loại đất nào , ủ loại phân nào , cây phải cần nhiệt độ bao nhiêu , ngày tưới nước mấy lần . Cặm thì bà nhà tôi đã cặm bao phen rồi , cũng chỉ te tua vài lá thôi .

- Anh chị mang rau lên đây bán , có khi nào anh thấy bông so đũa không ? Tôi nghe một người bạn quê ở Mỹ Tho khen là ăn ngon lắm , mà tôi tìm khắp cả chợ vẫn không thấy .
- Anh yên chí , mai mốt tôi sẽ xách cho anh một tí . Bông này phải biết làm , rồi nấu với cá bông lau . Không có chỗ nào mà chê hết .

Vài ngày sau tôi đang đi lơn tơn ngoài chợ , bỗng nghe tiếng ai gọi :
- Ông An ơi ! Hôm nay em có bông so đũa cho anh rồi .

Tôi quay lại nhìn . Một bà có dáng dấp như một bà nhà quê trong áo quần đầy những vết đất bùn , tươi cười nhìn tôi và tay bà ta nắm một bọc ni lông bên trong chứa đầy bông trăng trắng .
- Đây là bông so đũa chúng em mới hái chiều qua .

Tôi hỏi giá tiền bao nhiêu , chị ta đáp :
- Có là bao nhiêu , anh cứ cầm lấy . Bịch này chừng ba kí , anh trả em 50 ngàn đồng .

Tính ra hơn hai đô la , cứ gọi là ba đô đi . Vậy quá rẻ so với giá tiền bên Mỹ . Vả lại bên Mỹ làm gì có của quí mà xơi vậy . Tôi cám ơn , xách bịch bông so đũa ra quầy hàng phở của cô em út tôi .
- Cô Thu ơi ! Hôm nay tôi mới mua được bông so đũa . Chiều tối cô rãnh rỗi nấu thử cho tui ăn nhé .

Cô em tôi nhìn bịch rau tôi cầm , xòe đôi mắt :
- Mèn đét ơi ! Nhiêu đây phải ba bốn gia đình mới ăn hết . Nhà em không có ai ăn đâu , anh chỉ mua một dúm nhỏ thôi . Anh mang trả lại cho người ta đi .

Sáng sớm người ta mua bán , ai cũng ngại phải trả lại . Tôi nghĩ mình cũng già cả rồi , với lại mình đã ngõ lời nhờ người ta tìm kiếm giúp . Vài chục ngàn có đáng là bao nhiêu , nhứt là vợ chồng anh công an về miệt vườn leo lên leo xuống hái bông so đũa cho mình . Bà nhà tôi hay kể lại lúc còn bé . Nhà ở Ngả Ba ông Tạ , mỗi lần ông cụ nhậu thịt chó , sai bà nhà tôi ra hàng rau thơm mua cho ông cụ một đồng rau húng . Bà bán rau thấy con bé quen quen , con bác Hiên mổ lợn bèn bốc cho một nắm đủ loại rau húng , nào húng chũi , húng quế , húng cây . Mang về nhà bà nhà tôi bị ông cụ mắng cho một trận : " Bảo mua húng chó thôi , mang ngay ra trả cho người ta bán . " Lúc còn bé bà nhà tôi đâu biết rau nào là rau nào , bà bán rau đưa nhiêu thì lấy bấy nhiêu . Bà nhà tôi nghĩ bụng : "Sáng sớm mình ra mở hàng , còn mang tí rau ra trả lại chắc bị mắng vào mặt quá . " Thế là bà nhà tôi vất ngay vào giỏ rác bên cạnh chợ . Nhưng hôm nay tôi không đành vất bỏ hoa quả của trời đất ban tặng . Tôi chia ra phân nửa . Một nửa định bụng sẽ chia cho mấy đứa em , phần kia tôi lững thững ra chỗ chị bán rau vợ anh công an .
- Cô em tôi biểu ăn không hết , nay gởi lại cho chị , tôi không lấy lại tiền đâu . Chị muốn bán muốn nấu canh so đũa cho ông xã chị tùy ý .
- Tối qua em đã nấu nguyên nồi canh so đũa , ăn vẫn chưa hết . Thôi để đây em bán dùm anh .

Buổi tối một ngày tháng Tám những cơn mưa hè chợt tràn về , đổ ào ào qua những mái tôn mỏng , kêu lộp bộp trên mái hiên .

Gia đình cô em tôi bốn người , nhưng cậu lớn hay ra công tác ngoài phường nên trong nhà kể cả tôi là bốn , cùng ngồi xung quanh cái bàn gỗ nho nhỏ . Một tô canh chua so đũa nấu tôm , một đĩa cá bống dừa kho , một dĩa thịt sườn heo chiên sả . Buổi chiều tôi đứng nhặt nhạnh cánh hoa so đũa . Bông hơi trắng có vẻ là màu kem va ni , nhìn sơ qua khá giống hoa ngọc lan , nhưng không thơm . Thỉnh thoảng trong nhụy hoa , tôi bắt gặp vài chú chú sâu co rúc ẩn mình .

Đến đây tôi chợt nhớ đến một câu chuyện về loại sâu này . Vào thời Tống bên Trung Hoa , Vương An Thạch làm tể tướng . Tô Đông Pha là còn là một vị quan nhỏ . Khi ông ta đi nhậm chức ở một huyện nho nhỏ , nơi đó là thôn quê nằm chênh vênh cạnh đồi núi gập ghềnh . Có một lần ông ta vào một tửu quán , nhìn thấy hai câu thơ đề trên vách tường " Minh nguyệt sơn đấu khiếu . Hoàng khuyển toạ hoa tâm . "

Vốn là nhà thi sĩ và là bác học , Tô Đông Pha ngẫm nghĩ : " Sao thi sĩ nào mà ngô nghê thế . Minh nguyệt sơn đầu chiếu mới đúng , làm gì trăng trên đầu non đầu núi trăng sáng lại hót ca . Câu dưới nghe còn tệ thơn . Con chó lông to bự thế kia lại nằm trong lòng bông hoa . Vô lý ! Phải sửa lại . Rồi Tô Đông Pha vuốt râu , ưng ý gật đầu : " Minh Nguyệt sơn đầu chiếu . Hoàng khuyển tọa hoa âm . ( Trên đầu non trăng vàng lấp lánh chiếu . Dưới bóng hoa , chó vàng lim dim ngủ . ) Thật tuyệt .

Vào một đêm trăng Tô Đông Pha đi tuần quanh thôn xóm , bên triền núi ánh trăng chiếu vằng vặc ông ta nghe tiếng chim hót tiếng vang vọng mãi xa . Sáng hôm sau ông ta ghé đến nhà một bác nông dân , hỏi bác ta con chim nào đêm qua mà hót í a như vậy .
Bác nông dân mỉm cười nói : " Tui nghe ông bà kể lại , đó là con chim Minh Nguyệt ở tận miền Vân Nam xa xôi , nhưng cứ đến vào dịp trăng lên nó cứ tu hú tu hú . Thế như ngài có muốn chúng tôi giăng lưới bắt về làm chim quay không ? .
Tô Đông Pha lòng chợt nhớ về quê mẹ , lắc đầu nói không . Ông ta nhớ đến món thịt giả cầy mà mẹ ông ta hay nấu cho ăn .
- Tôi nghe ở đây có nhiều con Hoàng lắm hả .

Bác nông dân ngạc nhiên :
- Bẩm thưa quan nhớn , làng mình không hiểu sao không có con nào lông vàng cả , chỉ toàn là con mực với vện không à .
- Bác nói sao , trong thi ca người ta còn ngâm là :
Hoàng khuyển tọa hoa âm . Chó nhiều đến nỗi phải ra bụi bông mà nằm . " Hoàng khuyển tọa hoa tâm .

Bác nông dân lần này chợt phá lên cười :
" Dạ bẩm quan nhớn , con Hoàng mà bác nói là con sâu có tên là Hoàng Khuyển nho nhỏ hay nằm hay co rúc trong nhụy bông so đũa . Thưa quan , dê nó hay xơi lắm ạ !

Lần đầu ăn canh chua bông so đũa, hương vị khá độc đáo . Nước canh chua tự nhiên , không cần phải thêm me hoặc vắt chanh miếng vào . Bông so đũa giờ đã thành chất rau , mềm dịu chua chua khó diễn tả bằng lời .

Món này có thể trở thành một món ăn thuần túy trong các bữa ăn gia đình , nhưng đến giờ vẫn chưa được phổ thông trong người dân . Có lẽ họ sợ rằng bông so đũa chỉ để dành cho các cụ dê xơi chăng .

Monday, November 9, 2009

Trung thu

Trung Thu năm nay 2009 được tổ chức trong hội trường xứ đạo tôi . Trong đây thiếu nhi và người lớn đứng ngồi chật đầy trên các hàng ghế . Đèn đuốc trong hội trường bỗng tắt ngúm , và có tiếng anh trưởng đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể :
- Nào các em hãy cùng nhau hát bản Tết Trung Thu nhé .

Tôi ngó xem đồng hồ , mới có hai giờ trưa . Nhưng trong hội trường đèn đóm tắt ngóm nên cũng giống cảnh đêm ngoài trời . Ngoài trời đang mưa phùn , mang lại những cơn gió se lạnh vào đầu mùa thu .

Tôi đang đứng cuối hội trường để chấm điểm lồng đèn tự chế do các em thiếu nhi trình diễn . Đa số là lại mua ở các chợ . Tuy nhiên xen kẽ là các lồng đèn tự biên tự diễn của các bố me thiếu nhi làm .

Có cái là cành cây trên treo vài cái đèn kéo quân nho nhỏ , có cái hình nửa vầng trăng với hình một con thú trước mặt . Có người thắc mắc không hiểu đó là con gấu hay con chó ăn trăng . Có em xách một lồng đèn ngôi sao sáu cánh David .

Tôi nhớ lại lúc còn bé trong đoàn Hướng Đạo có tổ chức thi đèn Trung Thu . Cả đội Hải Ưng tôi thi nhau mua giấy bóng kiếng và tre về để làm . Ban đầu dự định làm ngôi sao sáu cánh , nhưng sau một lúc chỉnh sửa , rốt cuộc thành ngôi sao bốn cánh . Tuy nhìn không được đẹp mắt lắm nhưng được cái nó rất to , phải cả đội mới vác được nó .

Dĩ nhiên là cái đèn của đội chúng tôi chẳng được giải thưởng nào , nhưng lúc mang đi chúng tôi phải thuê xích lô , và lúc về không cần phải vác về nữa vì ngày hôm sau nó được dùng làm củi nấu bữa cơm trưa .

Đang đứng lơn tơn bỗng nghe tiếng gọi sau lưng :
- Chào chú .

Tôi quay lại , thì ra là Hùng một đứa cháu . Hiện nay Hùng đang học năm cuối của trường y khoa Houston .

- À Hùng , khỏe không cháu . Chừng nào cháu ra trường ?
- Năm rưỡi nữa chú .
- Hình như cháu học về mổ xuơng hay rút xương như là ... gà rút xương phải không cháu .

Hùng với khuôn mặt bầu bĩnh , ánh mắt đầy tự tin :
- Chú cứ nói giỡn hoài . Cháu học về Urology mà .
- Là cái gì vậy cháu , phải là ngành chuyên mổ gan mổ phổi phải không ?
- Dạ không chú , ngành này là mổ bộ phận liên quan đến đường tiểu .

Nói đến khoa niếu đạo tôi bèn nắm ngay tay cháu tôi hỏi thăm :
- Chú có người bạn đang bị trục trặc về cái đó .
- Bạn chú bị gì ? À , prostate enlargement là tiền liệt tuyến sưng mà . Cái đó dễ chữa mà . Biết sớm thì dễ chữa , còn muộn thì đi đời .Bạn chú có đi thử PSA chưa , mấy chấm ?
- Không biết mấy chấm , vì hắn không có bảo hiểm sức khỏe để đi khám và thử nghiệm máu .
- Thế bạn chú có đủ tiêu chuẩn để xin chương trình John Peter Smith không ?

Chương trình JPS chỉ dành cho những người có lợi tức thật thấp hoặc không có bảo hiểm sức khỏe .

- Hắn nói hắn có đọc một bài khảo luận của bác sĩ Nguyễn Ý Đức nói về bệnh này . Ổng nói cái nào sưng là sưng , cái nào ung thư là ung thư , không liên quan đến nhau phải không cháu ?

Hùng nhún vai , cười :
- Không chắc chú ơi , bạn chú phải thử PSA mới biết được . Nắm được cái đó bác sĩ mới cho biết được . Bây giờ bạn chú đang uống thuốc gì , có phải Flomax không ?
- Không biết , hắn nói uống mấy cái thuốc tây lộn lạo ruột gan lắm . Bây giờ hắn đang dùng Saw Palmatto .

Hùng nhíu mày , cười :
- Chú biểu ông ta đừng dùng loại đó nữa, không tốt đâu .

Saw Palmatto là loại cây cọ dừa Nam Mỹ . Nó được xay thành viên capsule từ những trái nhỏ berry , giá bán khoảng 9 đô cho một chai 250 viên . Không có phản ứng phụ nào . Ở Việt Nam có bán thuốc viên chế biến bởi cây Trinh Nữ Hoàng Cung . Lọ thuốc 40 viên giá bán ra 85 ngàn đồng , tính chừng 5 đô la Mỹ . Mỗi ngày uống 8 viên , tính ra dùng được 5 ngày . Còn loại Saw Palmetto 250 viên , mỗi ngày uống từ 3 viên (250 mg) đến 6 viên . Vả lại thuốc Saw Palmatto lúc nào có bán sẵn ở các chợ bên Mỹ .
- Bạn chú phải thử PSA mới được .

Nói chuyện này với chuyên khoa niếu đạo , vấn đề thử PSA rất quan trọng để xác định có bị triêu chứng ung thư không , mặc dù hiện nay có nhiều vụ tranh luận có hay không nên thử PSA . (1) PSA (viết tắt từ chữ Protein Specific Antigen). Phương pháp này đo hàm lượng hóa chất tiết ra từ những tế bào thuộc tuyến tiền liệt .

Tôi xin trích một đoạn bài tham luận của bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn ở Sydney , Úc :

" Hai trường hợp cụ thể

Giữa tháng Ba năm 2003 ở Úc xảy ra một câu chuyện làm tốn khá nhiều giấy mực trong giới truyền thông và y khoa. Câu chuyện xoay quanh một giáo sư chủ tịch Quĩ ung thư tuyến tiền liệt (Prostate Cancer Foundation) từ chối không chịu đi khám nghiệm ung thư tuyến tiền liê.t. Quyết định của vị giáo sư 58 tuổi này làm công chúng ngạc nhiên, và làm cho nhiều đồng nghiệp y khoa sững sờ, khó chịu, bởi vì theo những người này, ông ta đáng lẽ phải làm gương cho công chúng về hiệu quả của việc thử nghiệm ung thư tuyến tiền liê.t. Nhưng là một chuyên gia có tiếng về ung thư tuyến tiền liệt trên thế giới, quyết định của ông ắt hẳn không phải do cảm tính chi phối, mà có thể xuất phát từ những cơ sở khoa học đằng sau của việc thử nghiệm ung thư mà một bộ phận y tế ngày nay đang ra sức rao giảng và hô hào.

Anh Tín (không phải tên thật, và các địa điểm sau đây đã được đổi tên), 52 tuổi, là một chuyên gia điện toán ở California, là bạn của người viết bài này, là người khỏe mạnh, không có bệnh tật gì đáng kể, ngoài cảm cúm. Nhân một chuyến đi khám bác sĩ, anh được bác sĩ khuyến khích nên đi thử nghiệm ung thư tuyến tiền liệt, và anh làm theo lời khuyên. Hai tuần sau, kết quả thử nghiệm là “dương tính”. Bác sĩ cho biết anh bị ung thư tuyến tiền liệt, và đề nghị nên đi chữa trị. Tương lai trước mặt anh như sụp đổ. Anh từ chức, mua vé về Việt Nam, đi từ Nam ra Bắc, coi như là chuyến đi sau cùng về nước để từ giả bà con, và bè ba.n. Khi về lại Mỹ, anh cố tình xa lánh bạn bè, bán nhà, và dời đi một tiểu bang khác ở miền Trung Tây để điều trị. Nhưng khi được thử nghiệm lần hai ở tiểu bang mới, kết quả lại âm tính. Anh như người sắp chết sống la.i. Trong một thư cho tôi, anh viết [trích đoạn]: “Tôi không hiểu mấy ông trong y khoa làm ăn ra sao mà thử nghiệm cũng không chính xác. Bây giờ tôi cảm thấy an ủi là mình không bị bệnh quái ác đó, nhưng thời gian 18 tháng qua làm cho cuộc đời tôi thay đổi vĩnh viễn. Tôi mong muốn mấy ông, nhất là mấy ông bác sĩ, nên hết sức cẩn thận trong tương lai. Bài học mà tôi học được qua vụ này là để chắc ăn trong vấn đề chẩn đoán, chúng ta cần phải tham vấn thêm một bác sĩ khác. Tôi dự định sẽ tiếp tục khám nghiệm, nhưng tôi không còn khiếp sợ như trước đây nữa”.

Cho nên người bạn tôi quyết định không đi thử PSA . Nếu như biết kết quả dương tính thì có lẽ nửa cuộc đời còn lại có nhiều nỗi ám ảnh lo sợ .

- Thế sang năm cháu xong làm ở đâu ?

Hùng cười :
- Không biết nữa chú . Ở Alabama họ đề nghị trả cháu 700 ngàn đô la một năm, còn ở Midland họ đề nghị một triệu .
- Cháu có định làm không ?
- Chưa biết , nhưng ở mấy cái thành phố đó buồn lắm , còn như cháu nhận việc ở Houston hay Dallas họ chỉ trả cở 350 ngàn thôi .

Lương một bác sĩ về niếu đạo mới ra trường gấp 10 lần lương tôi . Còn như nó làm một triệu thì bằng tôi làm cả một đời .

- Thế tiền đâu mà nhà thương họ trả nhiều thế .

Hùng vẫn nhẹ nhàng tươi cười :
- Tiền của các hãng bảo hiểm nhưng mà đa số từ Medicare . Bởi thế cháu nghe chương trình Medicare cắt giảm , sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bọn cháu . Bọn trẻ có ai bị bịnh này bao giờ đâu , đa số là toàn người già lớn tuổi không . Mà người già họ đâu có đi làm , làm gì có lợi tức . Tiền đó là của chính phủ .

Tôi không rành rẽ về các khoản thanh toánh toán tiền bạc này . Của sông thì đổ trả ra biển thôi .

- Một ca mỗ như vậy chừng mấy chục ngàn không cháu ?
- Chú ơi ! Mấy trăm ngàn đó chú . Cứ một phút tính ra là 100 đô la . Một chuyên viên giải phẫu như bọn cháu thông thường phải mất 8 tiếng cho một bệnh nhân . Có lần phải mất 12 tiếng . Bình thường là vậy nhưng có trường hợp đặc biệt phải mất 20 tiếng .
- Cháu có thể nói rõ ra được không , cháu giải phẫu cái gì ?
- Thì cháu làm đủ thứ . Cắt cái này , xẻo cái kia . Ung thư thì cắt bỏ , bị nghẹt đường tiểu , thì cắt rồi dùng ruột ráp lại đường mới , nhiều thứ lắm chú .

- Cháu học 4 năm đại học , 4 năm y khoa , và ba năm thực tập chuyên ngành tiền học chừng bao nhiêu .
- Chưa đến 100 ngàn , nhưng mấy cái chỗ sẽ nhận cháu nói tiền đó học lo cho .
- Rồi cô bồ cháu học xong chưa ?
- Sắp xong rồi .
- Cô ta học về mổ như cháu ?
- Không , cổ chuyên về thẩm mĩ , là chuyên viên về sắc đẹp . Như chú da nhăn nheo như vầy có thể giải phẫu đẹp trai như Tom Cruise . Nhưng chú có bảo hiểm sức khỏe không ? Không à , vậy đừng mơ nữa chú . À ! Chú biết không ? Bây giờ bên Âu châu còn qua bên Mỹ làm phẫu thuật vì những thứ hiện đại đó bên đó chưa có .

Hùng luyên thuyên nói tới nhiều vấn đề liên quan đến những bộ phận mà tôi không tiện kể ra . Các bạn nào có vấn đề xin cứ liên lạc liên hệ với chuyên viên ngành này .Không cần phải dùng thuốc mà kết quả y như thật . Nhưng bạn chắc chắn phải có tài chánh thật đầy đủ và dồi dào .

- Thôi chào chú , bây giờ cháu mang lồng đèn đi dự thi .

Nói xong Hùng xách một lồng đèn hình con rồng cùng với một cháu khác len vào dòng người già trẻ lớn bé đang đi lòng vòng hội trường , với những lời ca vang lên :

Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to

8/11/2009

Saturday, November 7, 2009

Về Mỹ

Anh tài xế tắc xi ViNa Sun chất vài va li vào cốp xe xong và hỏi chúng tôi :
- Ông bà vào cổng nước ngoài hay quốc nội . Nước ngoài hả ? Ô kê .

Anh tài xế dùng chữ Ô Kê vô tội vạ . Có lẽ biết chúng tôi là người nước ngoài về nên ông ta mới vậy . Còn nếu như gặp cán bộ đi công cán thì sao , có thể anh ta nghiêm trang mời : "Mời các đồng chí " nên " xe .

Xe đang đi chầm chậm ngay ngả ba đường tại phi trường Tân Sơn Nhất . Đường vào cổng đi trong nước phải quẹo trái . Đường đi nước ngoài , hai ba tuyến nhập lại một . Anh tài xế trẻ này nhanh nhẹn bóp còi inh ỏi , tiến xe lên , len lỏi chen vào được trong hàng xe hơi .

Chúng tôi ngồi trong xe , lắc đầu mở to mắt ra nhìn .
- Ở đây sao các bác tài không nhường nhịn nhau , chậm đi một chút có sao đâu ! Len lấn kiểu này dễ xảy ra tai nạn lắm .

Anh tài xế đáp :

- Chạy như hai bác chắc đến tối cũng chưa vào được cổng ngoài . Hai bác và các em cứ yên tâm ngồi , thế nào cũng vào cổng đúng giờ mà .

Phi trường Tân Sơn Nhất cửa đi nước ngoài bao giờ cũng đầy người , kẻ đón người đưa . Có người sụt sùi tiễn người thân , có kẻ vui mừng sung sướng . Hôm nay chính tôi lại đưa tiễn bà nhà tôi và mấy đứa con về Mỹ .

Bà nhà tôi dặn dò :
- Mắt mũi ông như vậy , nhớ lúc về đừng mua sắm gì hết .
- Sao vậy ?
- Thì vai xách nách mang nặng hại cho con mắt lắm .
- Ừ . Thôi đưa tui mấy cái sổ thông hành . Đó ! Mấy cô ở quầy soát vé ra làm việc rồi . Bà với mấy đứa nhỏ đứng đây để tui đưa vé cho họ .

Khi đến phiên chúng tôi , cô sóat vé trong đồng phục xanh dương xem qua mấy cuốn sổ passport và coi tới mấy tờ nhập cảnh visa .
- Chú ơi ! Trong bốn cái này có một cái không hợp lệ .
- Không hợp lệ là sao hả cô ?
- Cái ngày tháng của bà nhà ông hết hạn rồi . Hôm nay là ngày 26 tháng 7 mà trên tờ visa ngày hết hạn là 26 tháng 6 .

Chúng tôi đều ngạc nhiên , xin cô ta mấy tờ visa coi lại . Tất cả đều giống nhau , ngày hết hạn ở Việt Nam là 15 tháng 9 , trừ tờ của bà nhà tôi . Mấy tờ visa làm bên Mỹ khi qua bên Thái Lan thì bên Việt Nam tịch thu hết và chúng tôi phải đóng lệ phí 40 đô cho mỗi người làm lại visa khác để nhập cảnh vào Việt Nam .

- Bây giờ chúng tôi phải làm sao ?

Trong đầu tôi thoáng qua một ý nghĩ : " Thủ tục đầu tiên " chăng ? Đóng thì đóng chẳng lẽ ở lại đây sao .

Cô soát vé giơ tay chỉ :

- Ông bà đi theo con đường đó đó . Ở góc bên phải có trạm công an , ông bà cứ đưa giấy tờ cho họ xem .

Chúng tôi đang lơn tơn đi tìm xem văn phòng trạm công an nằm đâu , chợt nghe tiếng ai gọi giật lại :
- Anh chị đi đâu vậy ?

Chúng tôi quay lại , bắt gặp một anh công an trong quân phục chỉnh tề , nhưng chân lại đi dép nhựa .
- Dạ , có cái tờ visa này của bà nhà tôi lại hết hạn . Tất cả năm người đều từ Thái Lan về , qua cửa khẩu này đóng dấu mà không hiểu sao cái tờ này kỳ cục quá .

Anh công an trẻ tuổi nhìn chúng tôi một lát đoạn chăm chăm vào mớ visa chúng tôi đưa trình , hắng giọng :
- Công an cửa khẩu chúng tôi chẳng bao giờ sai trái cả . Cái này tại cơ quan nào làm sai đấy thôi . Anh chị cứ ngồi ở đây để tôi vào trình thủ trưởng xem sao .

Khoảng chừng đâu 30 phút , anh công an cầm tờ nhập cảnh giao trả cho tôi . Lần này phải nhìn cho kỹ . Trên ngày hết hạn họ xoá đi và đề ngày tháng khác . Bên cạnh đóng một dấu công an hình ngôi sao đỏ .
- Xong rồi , như tôi đã nói . Việc này là do bên Công ty du lịch Saigon Tourist ghi bậy .

Tôi nói lời cám ơn , chẳng buồn cãi lại làm chi , chúng tôi chỉ cần làm đúng thủ tục để còn mau chóng ra chờ máy bay đi về .

Chúng tôi vòng trở lại chỗ soát vé . Nơi đây chỉ còn lại gia đình chúng tôi với mấy cái va li . Tôi đứng đợi xem hành lý có thoát được sự kiểm tra của hải quan không rồi mới trở về .

Năm 2000 tôi có dịp qua bên Bắc Kinh cùng với ba người bạn cùng hãng . Lúc qua trạm kiểm soát công an , chúng tôi trình passport và chỉ mình tôi bị giữ lại và được đưa vào một gian phòng . Tôi hỏi lý do thì anh công an trọ trẹ bằng tiếng Anh : " Mặt ông không giống hình trên sổ hộ chiếu . " Rồi ông công an đó trình sổ thông hành cho một anh công an khác có lẽ là cấp trên của anh ta . Qua lời đối thoại của hai người bằng tiếng Trung Hoa , lâu lâu họ lại chỉ vào hình chụp của sổ passport và quay sang trỏ qua tôi . Hình trên passport tôi không mang kiếng . Nhận định ra thế tôi vội vàng tháo mắt kiếng xuống . Anh công an cấp trên nhìn tôi thật kỹ , cuối cùng vẫy tay cho đi .

Tất cả hành lý của chúng tôi đều được tải chuyền bằng đường băng và qua một máy khám bằng quang tuyến .Thấy tôi đứng lòm nhòm ngoài cửa , một ông trong sắc phục màu cà phê sữa , có lẽ cũng là công an hải quan , bước ra hỏi :
- Phải cái va li của anh không ? Trong này chứa đồ quốc cấm .
- Dạ có gì cấm ạ ?
- Ông không thấy à , đấy tôi lôi ra cho ông xem . Toàn là DVD Karaoke của Paris By Night , Asia .

Tôi đoán chừng đâu một trăm dĩa . Những dĩa này nguyên thủy sản xuất ở Mỹ hay Pháp gì đó , nhưng mấy bản sao này được sao chép tại Việt Nam . Bây giờ châu về hiệp phố cũng không được . Các ổng gọi là cấm thì nó là cấm .

Tôi không muốn mua mấy thứ này về Mỹ , nhưng không hiểu sao cô em tôi quí chúng tôi quá , ra ngoài thương đa Tax mua tặng cho . Theo như tôi biết mỗi đĩa như vậy chừng đâu 15 đến 20 ngàn , có thể là một đô một dĩa .

- Ông bà bây giờ phải đóng phạt ... hai trăm đô .

Bà nhà tôi hơi bực trong lòng , sẵng giọng :
- Thôi bỏ nó đi . Ca ra ca vô . Ông mà ca tui chẳng ngủ nghê gì được hết .

Ông công an hải quan nhìn dáng bà nhà tôi , dịu giọng xuống :
- Thôi được , chỉ phạt nhẹ cảnh cáo thôi . Tám chục đô . Xong rồi , chúc ông bà và các cháu thượng lộ bình an .

Tôi chỉ tiễn đưa vợ con tôi tới trạm công an thôi . Vì qua khỏi trạm này , công an sẽ lấy lại tờ nhập cảnh . Tôi còn ở lại đến cuối tháng Tám mới về . Mấy đứa con vẫy chào bước đi , lòng tôi như thắt lại . Chưa bao giờ phải xa chúng nó dù là vài ngày .

Trên đường ra cổng ngoài phi trường , tôi chợt thấy một ông mặt mày có vẻ bâng khuâng đi cùng hướng với tôi . Nhìn ông ta có vẻ quen quen . Tôi nhíu mày nghĩ ngợi :
- Phải ông Tửng làm ở chợ May Tét không ?

Ông ta ngập ngừng nhìn tôi rồi gật đầu :
- Lúc trước làm ở đó , giờ nghỉ rồi . Ông không biết cái chợ May Tét dẹp tiệm rồi sao ?
- Có nghe qua , hình như lúc trước là chợ May Hảo . Chợ này đang làm ăn được quá , tự nhiên đổi tên thành May Tét ( đúng ra tên chợ là May Teh , nhưng bà con đầu đen , đọc khó quá thành thử gọi là May Tét cho dễ ) . Rốt cuộc chợ te tua , có lẽ không đủ tiền trả tiền sở hụi nên dẹp tiệm )

- Trông anh cũng quen quá , ở Arlington phải hông ?
- Không , tui ở thành phố Fort Worth , thỉnh thoảng đi chợ trên này . À này anh về Việt Nam chơi hả , thăm gia đình ? Ông cụ bà cụ còn khỏe mạnh không ?

Ông Tuấn lắc đầu buồn bã :
- Không , ông bả mất "gồi " .

Ông ta tên là Tuấn , nhưng nghe mấy bà đi chợ quen gọi là anh Tửng , anh ta cũng vui vẻ đáp lại . Tuấn Tứng Tửng gì nghe cũng na ná như nhau . Đồng âm nhưng khá phản nghĩa . Qua giọng nói của ông ta có lẽ là người Hoa sinh sống ở Sóc Trăng Rạch Giá gì đó . Âm rờ hay nói thành gờ .
- Dzậy anh về chơi đi thăm các cảnh quan Việt Nam hả ?

Ông Tuấn lắc đầu :
- Cảnh kiếc có gì mà coi , tui dìa coi mắt vợ .

Câu trả lời của ông ta làm tôi chưng hửng quá . Theo lời bà nhà tôi kể lại . Anh Tửng này lấy cô Muối con bà Lạc Đà . Chồng bà họ Đà con cháu Đà Lôi , cháu chắt gì đó của Thành Cát Tư Hãn , có thời di cư sang Vân Nam lập nghiệp , gặp bà Lạc ở Móng Cái . Sau 75 ông bà này di tản sang Hồng Kông và cuối cùng về thành phố tôi đang ở . Bà ta lấy chồng họ Đà , nên sang đổi thành Đà thị Lạc . Người Mỹ trong hãng bà ta cứ gọi bà ta là Lac Da , âm nghe na ná như là Lạc Đà . Tôi cũng nghe trước khi lấy cô Muối , ông Tửng này đã có vợ con ở Việt Nam . Và với cô Muối đã có thêm một mặt con . Ông Tửng này có lẽ cũng ngang cỡ tuổi tôi , gần sáu bó rồi mà vẫn còn gân sức để qua cầu . Con người ta qua cầu gió bay một lần cũng đủ , mà ông ta gió kéo qua cầu đến ba bốn lần .
- Coi mắt vợ rồi , sao hôm nay về Mỹ còn quay trở lại . Thương ai nhớ ai quá rồi chăng ?
- Ừ ! Đúng ra giờ này tôi trên đường về Mỹ , nhưng lúc nãy làm xong thủ tục , cân đong hành lý cũng xong "gồi" . Tui nhớ cô vợ nhỏ bé quá , bèn đi ra ngoài cửa tâm sự cho vơi niềm nhớ . Nào dè ngồi mãi coi lại đồng hồ , chạy vội vào thì phi cơ đã bay xa rồi . Đáng lý ra phi trường phải gọi loa mới được chớ.

- Không sao đâu anh Tửng , tuần trước tui ra đổi vé ngày về , cũng gặp một cậu thanh niên lâm vào trường hợp như ông . Thay vì Tiễn anh ra phi trường , ông có thể hát bản Tình Ca Người Ở Lại .

Đột nhiên mắt ông Tửng trở nên mơ màng :
- À há ! Tối qua tụi tui hát Karaoke , em cứ ca bài Ở lại nhé anh .

Và ông ta chợt hát lên khe khẽ :
... Ở lại nhớ cho , trong ta tình còn cơn nắng . Một ngày bên em , nơi ta là nỗi nhớ ngàn năm .

Giọng ông ta thật trầm ấm , nếu ông ta phát âm chuẩn giọng Hà Nội , có lẽ tiếng hát ông ta không thua kém gì ca sĩ Quang Dũng .

Ông Tửng và tôi hai người ở lại , nhưng mang hai tâm sự khác nhau . Một đằng nỗi buồn da diết , mang nỗi nhớ những chiều mưa ngập tràn thương nhớ , còn một đằng dòng sông yên ắng , bỗng dưng một chiều dâng sóng , rồi cuồng điên yêu ai một tình yêu vô vọng .

- Ở lại xót xa
Đừng quên tay còn hơi ấm
Từng giọt yêu thương
Ta nghe "gơi gớt " vào thinh không

Chu' thi'ch : Ở lại nhé em . Ta'c gia? Dieu Huong .

7/11/2009

Saturday, October 31, 2009

Sieu Thi Max

Cửa hàng tiện lợi

- Có ai đi chợ Maximax không ?
- Là chợ gì vậy ?
- Siêu thị
- Đi thì đi .

Chúng tôi năm người cùng hai mẹ con cô em út tôi từ trong chợ Phú Nhuận lững thững ra đường Hoàng Văn Thụ (Công Lý cũ ) đón một chiếc xe tắc xi bảy chỗ ngồi . Xe chạy ngược về hướng phi trường Tân Sơn Nhất .

Con bé út Linda nhà tôi reo lên , chỉ trỏ vào một bảng tên đường :
- Bố à ! Sao có tên đường gì mà lạ quá vậy , nghe ra ông này thích ăn lắm hả bố ?


Tôi nhìn ra ngoài cửa kiếng , trên ngả tư nhỏ đầy dòng xe qua lại , một bảng đường " Huỳnh văn Bánh " . Con đường này lúc trước là Nguyễn Huỳnh Đức . Có lẽ từ lâu rồi , người dân quen thuộc với những danh nhân "hiện đại và tân thời " , như Nguyễn Văn Bánh , Phan văn Khỏe , Lê Văn Tám mà không biết mấy vị trên có thật trên đời này không .

- Cái đó thì cha mẹ đặt tên cho ổng mà . Ổng có muốn đâu , như ngày xưa bố đặt tên con là Keo ly (Kelly) , má con biểu nghe sao như là giống keo kiệt quá , nên đặt là Linh , Mỹ là Linda .

Đường phố tại ngả tư Bảy Hiền , cổng Phi Long thay đổi rất nhiều . Có đường làm rộng ra , có đường lại bà con buôn bán chen lấn lề đường . Ngày xưa tôi hay đạp xe qua ngả tư này mà giờ đây khó lòng nhận ra cảnh cũ người xưa .

Siêu thị Maximax có lẽ nằm đối diện Thành Nhảy Dù cũ . Nhìn thoáng qua nó có vẻ là một thương xá cỡ trung . Vài chiếc xe tắc xi đậu xe ngay trước cửa siêu thị chờ đón khách .

Qua những cửa hàng bán mỹ phẩm hoặc đồ gia dụng chất đầy những hàng hoá còn mới tinh . Cuối đường là cửa vào siêu thị , có nơi được gọi là cửa hàng tiện lợi . Tiện lợi thì chúng tôi chưa được biết , chỉ biết là chúng tôi phải gởi giỏ , túi xách , bóp đeo và mũ nón . Dĩ nhiên là không lấy lệ phí cho việc gởi này , nếu có chắc hẵn khách vào mua sắm càng ít đi .

Các hàng kệ đầu tiên bắt gặp là giàn chén bát dĩa . Đồ sứ , đồ sành , đồ nhựa đủ mọi loại . Bà nhà tôi lựa vài chục cái chén dĩa nhựa . Cô em tôi thắc mắc :
- Em tưởng bên Mỹ mấy thứ này thiếu gì .

Bà nhà tôi cười đáp lại :
- Biết là không thiếu , nhưng ở đây một cái liễn to như vậy chỉ có chừng một đô là , bên đó phải bốn năm đô . Mấy chén nhỏ giá chót cũng một đô . Chúng nó rớt xuống đất thì không vỡ bể , nhưng cho vào microwave hâm nóng riết nó cũng bị cháy cạnh hết .

Ở Việt Nam hình như tôi thấy ít có nhà nào xài lò vi ba . Có lẽ thực phẩm có sẵn ngoài chợ , ăn bữa nào nấu bữa nấy . Cô em tôi đồ ăn dư thừa buổi tối cô đem đi đổ hết .

Chả bù với nhà tôi bên Mỹ , thức ăn dùng không hết , được bọc lại bằng vải nhựa plastic mỏng , bỏ vào tủ lạnh bảo quản . Có khi như vậy , dọn cơm ra trên bàn bảy tám món . Có món mới nấu , có món đã xào hai ba ngày , có món cá kho thịt kho bốn năm ngày .

Hỏi sao cô em tôi lại phí phạm thức ăn vậy .
- Dư chút đỉnh thì đổ đi , chớ không kiến nhà em từng đàn từng đống kéo đến .

Tủ lạnh nhà thì bé con con , trong chứa toàn là nước lã nước lạnh . Chẳng lẽ mỗi chén thức ăn phải dùng dĩa có chứa nước bên dưới để các chú kiến không bơi qua được .

Tới kệ dao kéo thì ơi thôi đủ loại đủ cỡ . Tôi cầm lấy hai ba con dao bào lên coi . Chắc làm tại Việt Nam , cán gỗ , lưỡi sắt . (Khi mang về Mỹ lấy ra dùng thì không xài được , vì lưỡi dao này chỉ dành cho người thuận tay trái . )

Bà nhà tôi trông thấy tôi bỏ vào xe đẩy hai con dao chặt bản to của Nhật , giá đâu năm đô một con , cằn nhằn :
- Sao ông mua dao gì nhiều vậy !
- Thì lần trước tui ra chợ VN mua con dao chặt , về nhà bà đem chặt rể cây nằm sâu dưới đất gãy cả cán rồi còn chi .

Nói vậy thôi , chớ mà nói mua dao về để mài dao dạy vợ , chắc là chuyện lớn .

Mấy đứa nhỏ nhà tôi cùng con cô em tôi không thích vào chợ , chúng nó kéo nhau vào gian hàng chơi game . Thấy bà nhà tôi và cô em tôi đứng lựa đồ lâu quá , tui đi dạo quanh siêu thị xem còn bán những mặt hàng nào .

Tới quầy bán trái cây hoa quả rau rợ , hầu hết đều như muốn heo héo . Giá bán tương đương với ngoài chợ . Bởi vậy cửa hàng tiện lợi vẫn không được người dân hưởng ứng đông đảo .

Lòng vòng trong các dãy bán đồ ăn một lát tôi đâm chán , bèn đi ra ngoài và ra chỗ lấy lại cái nón lưỡi trai . Tôi bước lên tầng hai siêu thị , nơi bày bán quần áo giày dép . Bỗng nghe tiếng nói của một anh bảo vệ gọi giật lại :
- Ông kia ! Ông vui lòng gởi nón , chỗ đằng kia kìa .

Tôi nghĩ thầm : " Biết vậy cứ để cái mũ quí hóa này nằm ở chỗ giữ dưới lầu cho được việc . Cách làm việc nơi siêu thị này thật hay a . "

Cách bày biện trong gian hàng quần áo thật trang nhã gọn gàng không khác chi với các gian hàng bên Mỹ , Dillard , Macy . Dĩ nhiên quần áo giày dép đủ loại đủ giá tiền . Áo sơ mi Việt Tiến trên dưới 150 ngàn đồng , hiệu Pierre Cardin 500 ngàn đồng một cái áo , vải tốt chất lượng không kém gì các loại áo hàng hiệu Perry , Geoffrey Beene ... Tôi thích thú ngắm nghía nhưng không mua , vì bên Mỹ vào những ngày on sale , khuyến mãi giá một áo sơ mi thật đẹp , vải tốt chỉ có chừng mười Mỹ kim mà thôi .
Giày tennis hiệu Nike , Adidas đắt không kém gì bên Mỹ , loại giày da có đôi đến gần 100 đô . Ở tiệm giày Mạnh Cung gần chợ cũ Phú Nhuận giầy da tốt giá chừng 11 đô . Cách đây mười năm tôi có ghé đây mua một hai đôi xăng đan , đi mãi vẫn chưa đứt quai . Về sau để ngoài cửa mấy con chó hàng xóm chạy qua tha mất một chiếc , đành bỏ đi .

Tay tôi cầm một miếng giấy rác , muốn bỏ vào thùng rác nhưng kiếm mãi chung quanh không thấy . Chợt một anh nhân viên mặc sắc phục siêu thị đi ngang , tôi bước tới hỏi :
- Chỗ này có thùng bỏ rác không anh ?

Anh ta mắt nhìn quanh , rồi thản nhiên nói :
- Bác cứ quăng đại xuống đất , đến chiều tối sẽ có người quét dọn .

Tôi cười , không biết nói làm sao , bèn bỏ miếng giấy vào túi quần . Tôi đứng ngay ngoài cửa siêu thị để chờ bà nhà tôi và cô em tôi . Đứng mãi mỏi cả chân , nhìn quanh nơi đây không có chiếc ghế hay băng ghế để khách nghỉ chân .

Không biết bao lâu , chợt thấy bà nhà tôi và cô em tôi hai tay khệ nệ xách mang hai giỏ có vẻ nằng nặng . Tôi bước tới gần , xách phụ :
- Sao bà biểu không mua gì hết mà ?

Bà nhà tôi nguýt nhìn tôi :
- Thì toàn là dao của ông không ?

Mặc dù cửa hàng tiện lợi có trên 2000 , đa số tập trung ở hai thành phố lớn Sài Gòn và Hà Nội , nhưng cư dân vẫn cảm thấy không tiện lợi đi việc mua sắm . Giá cả có thể mắc mỏ hơn , không thể điều đình thương lượng được , nghĩa là kỳ kèo mặc cả tại các chợ búa . Một bà cán bộ cô thư ký đến một chị dân thường đều có thể trả giá , thêm bớt một vài ngàn cho một bó rau muống , bầu bí mà không phải e ngại thẹn thùng . Họ có thể rảo bước chân đến chợ chừng vài mươi phút , bước vào chợ thoải mái , còn muốn như đến các cửa hàng tiện lợi có lẽ phải đi tắc xi hay xe gắn máy và còn phải trả tiền gởi xe ở nơi đây . Họ có thể đi chợ sáng sớm vào lúc hừng đông , để mua được những con cá rô cá sặc tươi rói đang nhảy tưng tưng trong cá rổ đựng cá , được trả giá được mặc cả với các bà bán hàng từng bó rau đau rau dền tươi xanh . Với những tiếng ồn ào mời mọc của bác hàng thịt , tiếng dao chặt bầm bậm của chị hàng cá , tiếng rao ơi ới của anh hàng xôi ... Ai xôi gấc xôi đậu phọng đây ... Hương thơm nồng nàn của gánh bún mộc , bún riêu , hàng bánh cuốn , hàng phở bò , quán cơm sáng với cá lóc kho tiêu , bì sườn chả . Tất cả đều quyện tròn trong không khí tươi mát , khiến khách đi chợ đều hức lòng muốn thưởng thức , ngồi xuống ngay . " Cho tui tô phở tái chín , nhiều bánh , nhiều thịt , nhiều nước béo nhé ... " , " Chị Hai , ờ cho tôi bát bún riêu . Nhớ thêm ốc nhiều nhiều ... " .

Có nhiều người cho rằng khái niệm Cửa hàng tiện lợi vẫn còn mới mẻ , chưa được rõ ràng . Với những khả năng tài chánh hiện nay , người dân vẫn còn đối mặt với những khó khăn , họ phải chạy từng bữa ăn cho gia đình , bương chải với cuộc sống hàng ngày thì làm sao họ có thể thong dong thoải mái vào mua sắm trong các cửa hàng tiện lợi này .

1/11/2009

Tuesday, October 13, 2009

Thường sáng sớm khoảng 4 hay 5 giờ , tôi hay dậy sớm lần mò ra quán cà phê cách ngõ nhà cô em tôi chừng mươi thước . Trong chợ Phú Nhuận hầu hết là các cô các bà ra bán buôn , nhưng đặc biệt quán này lại do anh Năm coi sóc . Tôi có hỏi anh ta sao không thấy bà xã anh ta ra phụ bán :

Một bà khách đang ngồi uống cà phê trả lời hộ :
" Vợ nó hả ? Còn đang chổng mông ngủ . Con vợ nó sướng thấy mẹ , vớ phải thằng Năm này sướng quá . Tui chưa thấy đàn ông nào siêng như nó . Ban sáng bán cà phê , đến chiều nó đứng bán hủ tiếu nữa . Ê ! Năm ! Mày làm dữ vậy tiền để đâu cho hết mậy ?

Cậu Năm lẳng lặng chỉ mỉm cười , lấy giẻ lau sơ qua loa cái bàn nhỏ thấp vương vải mấy giọt cà phê .

Chân tôi là chân hay đi , bây giờ phải ở trong nhà để dưỡng mắt . Lúc trước còn đeo kiếng cận còn trông tàm tạm . Bây giờ bỏ kiếng ra , cảnh vật như muốn mờ nhòe .

Bà xã tôi từ trên lầu bước xuống , trông thấy tôi đang nằm dài trên ghế trường kỷ bằng gỗ . Bên Mỹ nhà nào cũng có bộ sa lông nệm , cái dài nhất cũng bằng chiều cao của một người lớn . Nhiều khi nhà không có ai , tôi cứ nằm thoải mái .

Nói đến ghế sa lông bên Mỹ cũng lắm chuyện nhiêu khê . Hồi năm 1990 chúng tôi mướn một căn chung cư một phòng . Phòng khách khá rộng . Người bạn thân của tôi thấy hoàn cảnh gia đình tôi mới xuống Texas lập nghiệp , nhà mướn không có ghế sa lông . Hắn coi trong báo , có người muốn bỏ đi một cái ghế sofa . Hai thằng tôi đi mượn của chị Hai hắn một xe vận tải , khệ nệ vất vả khiêng cái sofa cũ kỹ dài hơn hai thước rưỡi . Tôi còn nhớ cái ghế đó nặng lắm , mà phải vác lên tầng hai chung cư . Đến khi tôi muốn dọn qua một nhà mướn ở vùng khác . Tôi không muốn vác theo cái sofa thượng hạng như vậy , bèn gọi thằng bạn thân lên giúp dùm . Hắn trả lời là không cần , cứ để lại trong căn hộ đó . Mai mốt có nhân viên trong chung cư tới dọn dẹp . Vậy mà mấy tháng sau , tôi nhận được giấy báo đòi nợ 100 đô tiền chuyên chở vất cái sofa ấy đi .Trong khu nhà tôi mướn những năm 1990 , khu đó có Mễ có Lào có người Việt . Bên cạnh nhà tôi mướn là người Mễ . Một hôm ông Mễ xin đâu được một sofa trông khá còn mới , bèn đem đi vất bỏ cái bộ sofa cũ ra ngoài trước cửa nhà . Theo city code của thành phố muốn tháo bỏ những vật dụng cồng kềnh , chỉ được bỏ ra ngoài trong những ngày đầu tháng thôi . Hôm đó là giữa tháng , nên mấy ngày sau cảnh sát gởi giấy phạt bỏ vào thùng thư . Ông Mễ tiếng Anh không rành gì mấy , gởi cái thư đó cho ông Bân chủ nhà . Ông Bân mở thư ra coi , tá hỏa tam tinh , tiền phạt là 800 đô , tội xả rác vật dụng làm mất vẻ đẹp của thành phố . Ông Bân tức lắm , cằn nhằn với ông Mễ thuê nhà :
- Amigo , mày đem vất cái sofa tầm bậy tầm bạ này ra ngoài đường . Ông phải trả tiền phạt .

Ông Mễ phớt lờ :
- Ông là chủ nhà phải trả . Cái ghế sofa này lúc tao mướn nhà đã có sẵn . Ghế này là của ông , ông phải trả .

Tôi không biết ai phải trả tiền phạt này , nhưng ông Bân phải lên toà án xin trát tòa đuổi người mướn đi sau vài tháng không trả bill tiền mướn nhà . Ở Việt Nam tôi nghĩ ít có nhà bày biện sa lông bằng nệm , hầu hết đều bằng gỗ sơn màu nâu bóng lưỡng . Ghế khá chắc chắn , có điều là nó hơi nhỏ , khó nằm thoải mái được . Nhất là nhà của cô em tôi , nằm nghiêng nằm ngữa coi sao được .

- Ông ăn gì chưa ? Chưa à , Ăn phở nhé , bánh cuốn , bún riêu bún bò hủ tiếu ....

Bà nhà tôi nói một hơi tràng giang đại hải các món ăn sáng bán sẵn trong chợ . Ăn riết rồi không biết chọn lựa món nào . Chả bù với bên Mỹ , buổi sáng ra mấy cha con thức dậy phân vân đứng trước tủ lạnh , mở ngăn chứa thức ăn rồi lại quay qua mở cánh cửa bên ngăn đông đá , rồi tần ngần không biết chọn món gì . Sữa tươi ăn với cereal chăng , không được , món này dành riêng cho trẻ nhỏ , chẳng lẽ lại lôi đồ ăn thừa của tối qua ra mà xơi lại . Thôi đành mang "chip Mễ " ra chấm với salsa hay phó mát , hoặc có khi lại mì gói . Nhà cô em út cũng có tủ lạnh , loại nhỏ , nhưng bên trong không chứa thức ăn , toàn là chai với chai nước lạnh .

- Ừ ! Bà mua cho tui một ổ bánh mì không và một miếng chả cá thác lác .

Chả cá thác lác ngoài chợ được cạo miết bằng thìa ,quết lại và đựng trong các chậu nhựa nhỏ . Mấy bà bán múc ra một miếng rồi ịn bèn bẹt nó xuống , cho vào chảo dầu . Mùi chả cá thác lác thêm tí tiêu sọ xay nhuyễn xông lên thơm nức mũi . Giá bán chả cá không rẻ đâu , sáu hay bảy mươi ngàn một kí . Bánh mì không mười ngàn năm sáu ổ . Có một chị bán bánh mì gần hàng phở cô em tôi cứ mỗi lần tôi ra mua , cô ta tính tôi 4000 một ổ . Về sau tôi biết cô ta tính giá đặc biệt với khách "Vịt cừu " như tôi , nên chả bao giờ tôi ghé lại nữa .

(Khách VK bao năm mới gặp , tội gì không chặt đẹp )

- Ông uống cà phê đá hay cà phê sữa . À ! Tui biết ông chẳng khi nào uống cà phê . Sữa đậu nành nhé .

Có lẽ từ lâu tôi không uống cà phê vì thứ này gây nhiều cảm giác khó chịu trong bao tử . Hồi những năm 70 ngày nào cũng hai ba cữ cà phê phin ngồi nhâm nhi ở mấy quán cà phê nhạc mở bành bành ở rạp hát Văn Hoa Đa Kao Tân Định .

Sữa đậu nành của tiệm bán đậu nành gần nhà tôi đã nhạt mà sữa đậu nành bán trong chợ Phú Nhuận còn nhạt hơn . Một ly nhỏ chừng đâu 100 ml , một ngàn đồng . Hình như tôi thấy không có qui định nào để chế biến đậu nành . Cứ như tôi tự làm lấy , một chén cơm đậu nành ngâm nước lã một đêm , xong đem ra cho vào máy xay đậu nành , lọc đi lọc lại ra còn chừng ba lít sữa . Uống rất thơm , đậm đà và quyện thơm mùi sữa béo ngậy .

Bỗng có tiếng xe gắn máy chạy tới đầu ngõ nhà tôi tắt bặt . Không nghe tiếng còi xe bóp inh ỏi như nhà bà Hai bán cơm kế bên . Cửa sắt nhà bà ta lúc nào cũng đóng , mỗi lần họ về từ ông bố , bà vợ đến cậu con trai quen lệ bóp còi tin tin . Mỗi lần như vậy chúng tôi đều phải ngẩng đầu nhìn ra đầu ngõ xem là ai . Chú Tôn em rể tôi nói hoài với họ , nhưng họ như nước đổ lá khoai , nghe qua tai này lọt qua tai kia . Chán rồi nên chú em không nói nữa .

Lần này chắc là khách đặc biệt tới thăm . Tôi biết lúc nãy có một bà gọi điện thoại tới hỏi thăm tôi .

Tôi mở cổng sắt nho nhỏ để bà khách đẩy xe Honda Future vào trong sân trước nhà . Sân này để được chừng hai chiếc xe gắn máy là muốn hết chỗ . Bên này được cái hay là cái xe phải đi theo người , phải cách người không quá mấy mét . Kẻo không ăn trộm khiêng xe đi mất , chủ xe có chạy theo cũng không kịp .

Qua cuộc điện đàm tôi biết bà ta là bác sĩ mắt phụ tá cho bác sĩ Nam .
- Chào bác sĩ , mời vào trong nhà .

Bà bác sĩ ăn mặc rất bình dân như mọi bao công nhân viên chức bình thường . Áo sơ mi trắng , quần tây dài . Nhiệm vụ hằng ngày của bà ta là đi tới từng nhà bệnh nhân đã được giải phẫu qua tay của bác sĩ Nam . Bên Mỹ làm gì có bác sĩ đến tận nhà tái khám cho bệnh nhân . Nếu có chăng thì là những người giàu có dư dả mướn y tá đến tận nhà để chăm sóc hoặc là người sắp sửa đi chầu Chúa , biết không qua được con trăng này , bệnh viện sẽ gởi y tá đến túc trực ngày đêm để chăm sóc bệnh nhân trong những giờ phút cuối cùng .

Bà bác sĩ nở nụ cười tươi như hoa lan :
- Ông đợi có lâu không ? Như thường lệ tôi có bổn phận tái khám cho bệnh nhân . Con mắt ông đến đâu rồi . Bác sĩ đã tái khám cho ông rồi à ! Mắt còn hơi đỏ . Ông nằm xuống cái ghế , để tôi chỉ cách ông rỏ mắt bằng thuốc rửa này . Thuốc viên trăng trắng này ngày 2 lần , thuốc vàng vàng kia ngày 2 lần , thuốc viên con nhộng ngày 3 lần , còn chai thuốc nước ngày rỏ mấy lần cũng được . Nhớ dùng bông gòn thấm như vầy , kẻo không nó chảy ra ướt áo .

Lời bà bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng , làm như tôi không bằng đứa trẻ lên mười .

Tôi nói chuyện bâng quơ với bà ta dăm ba câu , biết bà ta nói chuyện khá bình dân , giản dị .
- Chị là bác sĩ mắt , có bao giờ chị tự giải phẫu cho người nào chưa ?
- Chưa , chỉ phụ tá cho bác sĩ Nam thôi , đưa dao đưa kéo thôi .
- Tôi thấy bác sĩ Nam chắc khéo tay lắm nên ngày nào phòng mạch cũng đầy bệnh nhân . Ổng năm nay cũng hơn 65 tuổi rồi phải không chị ?

Bà bác sĩ gật đầu :
- Tay ổng khéo lắm , nhứt là lúc bỏ cái miếng thủy tinh thể vào trong con ngươi . Nó bé như sâu , có bốn càng . Đặt nó xuống là nó xoè bốn chân bám chặt vào . Người làm phẫu thuật mà không khéo cứ gắp ra gắp vô sẽ làm trầy làm tổn thương tròng mắt .

Tôi biết tay bác sĩ Nam , lúc khám mắt tay không bị run . Mắt ổng vẫn còn sáng . Những vị này mà học võ thuật , nhất là học môn ném ám khí theo ông Lục Phỉ Thanh phái Võ Đang , ngồi cách xa bức vách tường dăm năm sáu thước mà ruồi đậu trên vách , ném phi châm nhỏ như kim , mười con dính cả mười vào vách .

Tách nước trà mà bà nhà tôi rót cho khách vẫn còn nguyên . Chúng tôi trao đổi với nhau vài câu chuyện . Bỗng bà nhà tôi lấy tay hất hất tay tôi . Biết ý , tôi móc trong túi ra đếm đâu chừng 50 ngàn .
- Bác sĩ cầm lấy đổ xăng nhé .

Bà ta cầm ngay bỏ vào trong túi và sau đó chào từ giã ra về .

Tôi biết bồi dưỡng như thế là không đúng . Từ ngữ bồi dưỡng ngày nay không còn có ý nghĩa đẹp như ngày xưa . Khi xưa những người làm công tác khoa học hay tiếp xúc với hoá chất , hay vật tư xăng dầu , chúng tôi mỗi tháng được bồi dưỡng được một kí đường cát trắng , nửa kí sữa bột . Mặc dù thứ này dùng để tẩm bổ cho cơ thể , lấy lại những gì mất mát nhưng cuối cùng các thứ bồi dưỡng này chúng tôi đem bán hết để đổi lấy tiền mua mấy thứ khác tiện ích hơn . Tôi nhận thấy mỗi lần biếu một chút ít tiền bồi dưỡng cho bất cứ người nào , chẳng có một ai từ chối , từ chị hộ lý trong bệnh viên , chị thu ngân . Có lẽ chúng tôi đã làm hư hỏng , làm biến đổi cái tính cần kiệm liêm chính vô tư mà hiện nay nhà nước Việt Nam đang hô hào cả nước chống tham nhũng . Có những người buôn bán thức hôm thức khuya như mấy bà trong chợ , các bà đi bưng tô bún dĩa cơm lại không được tí tiền bồi dưỡng . Có những công nhân quét rác trong chợ , mặt mũi lem nhem ngày đêm cận kề với bao mùi hôi thối lại không có tiền bồi dưỡng . Tiền này chỉ để dành cho những người đầy tờ nhân dân thôi , phục vụ cho dân thì dân có bổn phận trà nước lại một tí . Tôi nghĩ cả nước từ trên xuống dưới , bao bộ máy công quyền , hàng dọc cũng như hàng ngang , phải có bồi dưỡng thì mới hoạt động được . Bạn không tin lời tôi nói ư ! Bạn có thể mở các trang lưới điện tử , hay mua báo Công An , Thanh Niên hằng ngày . Ông nọ bà kia bồi dưỡng quá mức bị người ta phanh phui ra hàng đống .

Bồi dưỡng nếu dịch hay chuyển ngữ ra tiếng Anh là có lẽ là chữ " Kickback " là hay nhất .
Sáng hôm sau thấy tôi chuẩn bị đi tái khám , bà nhà tôi hỏi han :
- Ông có cần tui dắt đi không ?

Tôi thầm nghĩ giá như tôi đeo kính râm lại có người cầm tay dắt đi từ trong chợ ra đến đầu đường Phan Đình Phùng , chắc cũng được bố thí vài ngàn đồng .
- Không cần bà ơi ! Bà cứ tiếp tục ngủ đi . Tối qua tui thấy bà cứ trằn trọc hoài à .

Trong phòng khám , bác sĩ Nam sau khi xem xét kỹ lưỡng con mắt tôi :
- Mắt tốt lắm , chỉ đo đỏ thôi . Tôi kê toa cho ông mua thuốc về nhà rỏ nhé .
- Bác sĩ ơi ! Mắt tôi sao vẫn không thấy rõ lắm hả bác sĩ ?

- Tôi coi rồi , mắt trái của ông từ 12 độ bây giờ xuống còn 5 độ . Để vài ngày nữa mắt lành hẵn , tôi sẽ làm một cuộc giải phẩu nhỏ thôi . Bây giờ ông cứ yên tâm ra về . Mai sẽ có y sĩ tới tận nhà khám cho .

Lại mổ nữa , tôi ngán nhất là việc mổ đi mổ lại . Tôi bước ra ngoài phòng khám , lòng đầy phân vân . Thứ Sáu tuần sau cả gia đình tôi sẽ trở về Mỹ . Giá như hôm nay con mắt trái của tôi làm tốt thì thứ Ba tuần sau giải phẫu mắt phải kia . Nhưng giờ đây mọi chuyện đều không như ý muốn . Nếu để yên tình trạng này mà về Mỹ . Một mắt 5 độ còn con kia đến 12 độ . Lòng vẫn không biết quyết định ra sao , tôi về hỏi thăm ý kiến mọi người trong gia đình . Cô em tôi khuyên :
- Được dịp làm luôn đi anh . Cho chị và các cháu về trước . Anh cứ ở đây yên tâm dưỡng bệnh .

Thế là tôi đi xe ôm lên đại lộ Nguyễn Huệ vào văn phòng máy bay Eva đổi lại chuyến bay của tôi về Mỹ .

Nhân tiện tôi ghé vào nhà sách ở đường Nguyễn Huệ mua vài cuốn sách Cờ tướng thuận pháo nghịch pháo của Quách Trung Bí .

Nhà sách Fahasa rất khang trang . Sách đủ loại được bày biện trên các kệ sách . Dĩ nhiên những hàng đầu trưng bày sách về triết học Mác Lê Nin hay văn thơ Cách Mạng . Các cô nhân viên trong áo dài màu hồng nhạt xinh xắn đứng rảnh rang nhìn khách ra vào . Thấy tôi cứ mày mò các hàng sách trên kệ , một cô tiến đến gần , niềm nở :
- Chú muốn kiếm sách nào hả chú ? Sách cờ tướng hả chú , chú vào góc kia . Tha hồ chú lựa nhé .

Cuốn sách cờ tướng loại bìa cứng giá đến 100 ngàn , còn loại bìa thường chừng vài chục ngàn . Sách đề giá bao nhiêu , ra tính tiền trả bấy nhiêu . Không tính thuế phụ trội 8 % như thành phố tôi đang ở . Tùy nơi có thể hơn hoặc kém một chút . Nhưng ở Mỹ trong tiệm sách , có vài loại sách còn lại dăm ba cuốn và được bán on sale , có khi đến 75 % . Nhưng bên Việt Nam tôi chưa thấy sách bán khuyến mãi bao giờ .

Vừa khệ nệ khiêng sách vào nhà , bà nhà tôi la hoảng lên :
- Mắt mũi ông như vậy , mà còn đọc sách chi nổi .

Tôi chối bai bải :
- Không , tui sẽ nhờ cháu Vinh đọc sách giùm , rồi tui nhẩm cho thuộc , giống như mình chơi cờ mù vậy .

Bà nhà tôi giận dỗi : " Ông muốn làm gì thì làm .

Tôi quay sang cô em tôi :
- Này cô Thu , cháu Vinh đâu rồi , à nó đây rồi , hai bác cháu mình lên lầu .

Đến chiều hôm đó trên sân thượng nhà , văng vẳng tiếng nói :
- Bác đi trước nhé , Pháo 2 bình 5 .
- Cháu tiếp đây , Pháo 8 bình 5 .

Chừng đâu nửa tiếng cháu Vinh lên tiếng :

- Thôi mình đổi qua chơi cờ khác đi bác . Chơi cờ úp .
- Úp là sao .

Cháu Vinh giảng giải :
- Cờ như bây giờ là cờ mở , mỗi bên mười sáu quân xếp theo đúng vị trí thứ tự . Năm anh chốt thì đứng canh bên bờ sông , sau đó là hai thằng đại pháo và cuối cùng là hàng chiến sĩ xe ngựa . Tướng thì núp trong cung . Còn cờ úp , trừ anh tướng ra , tất cả quân cờ đều úp xuống . Khi vào khai cuộc , hai người chơi đều xoa quân cờ của bên đối thủ , úp quân cờ xuống cũng theo vị trí xe pháo mã . Nhưng hoàn toàn không biết con đó là quân cờ gì . Thoạt tiên như cháu đi tiên , mà cháu nắm con cờ nằm ở vị trí con pháo 2 . mở ra thí dụ là con mã , thì nó phải bước đi theo chân mã , nếu nó là con tượng thì nó sẽ đi hình chéo , có thể băng qua sông chiếu bắt tướng . Có nghĩa là bất cứ con cờ nào đều có thể qua sông để chiếu bí tướng .
- Thế con tướng có chạy qua sông để chém đầu tướng địch như ông Quan Công " Qua năm ải chém sáu tướng " thời nhà Hán không ?
- Cháu hổng biết ổng , nhưng cờ úp thì tướng không qua sông , chỉ lòng vòng trong cung thôi . Cờ chơi cũng vui lắm , bác thử nhé .
- Bác mắt mũi thế nào có biết con nào đâu nằm đâu mà đi . Thôi mình chơi cờ mù đi .
- Hổng được bác ơi ! Má cháu cấm chơi cờ mù ,
- Sao vậy ?
- Má cháu biểu "Kiêng."

10/13/2009

Saturday, October 3, 2009

Trên con đường vào chợ Phú Nhuận để vào ngõ nhà cô em tôi , một bà đứng cạnh chiếc xe đạp trên có giỏ bắp luộc miệng rao ơi ới :
- Ngô ngô đây , nóng hổi . Mười ngàn bốn bắp .

Tôi ghé lại , nhìn vào trong cái giỏ .
- Bắp này có dẻo không chị ?

Bà bán bắp trong bộ quần áo bạc màu , đáp :
- Dạ, bắp này sao lại không dẻo . Bác mua thử cho cho chị nhà xơi .

Tôi chỉ vào hàm răng tôi :
- Chị à ! Hôm qua tui mua của chị mười ngàn đến những năm trái bắp . Về nhà tui mới cạp mới có mấy cái . Hai ba cái răng giả tui rớt ra và dính vào trái bắp dẻo của chị . Chị biết không , trái bắp của chị làm tui mất mấy triệu để làm lại .

Bà ta nhìn tôi chưng hửng , chối bai bải :
- Chắc bác lầm rồi . Hôm qua em đâu có bán chỗ này . Thôi bác không mua thì thôi , để cho em bán nốt mấy trái bắp ngô để còn về nấu cơm cho chồng .

Tôi nói đùa với bà ta thôi , chớ thật ra là sáng hôm kia lúc đi ngang qua chợ hàng cá tôi trông thấy một cậu đẩy xe bán bánh bao chỉ . Mua về chục cái để khoe với với bà nhà tôi . Cô em tôi nhìn thấy mấy cái bánh bao chỉ , cười tươi :
- Sao anh tìm ra hay vậy . Lâu quá rồi em mới gặp bánh bao chỉ . Em bận buôn bán suốt sáng nên ít khi nào gặp mua loại bánh bao này .

Bánh bao chỉ nhỏ nhắn trắng tinh như bánh dày, nhưng bên trong trộn nhân mứt dừa hay đậu xanh . Bánh thơm phức và ngọt dịu không như cái bánh donut bên Mỹ ngọt ngay . Bánh này mềm dịu nhưng tôi cảm thấy như đang cắn vào một vật cứng . Tôi lấy ra xem , nhìn vào mãi mới nhận ra đó là mấy cái răng giả dính theo . Tôi phân vân tự hỏi cái bánh bao chỉ dẻo quá dính chặt vào răng hay tại vì mấy cái răng làm khéo quá . Bên Mỹ này trồng vài cái răng như vậy , bảo hiểm y tế đã trả tôi nghĩ cũng vài ngàn đô la .
Tôi nhớ đến một câu chuyện vui trên mạng lưới , mà không ngờ lại xảy ra một trường hợp na ná đến cho tôi .

Vào một đêm ba mươi tối đen như mực , trời lại mưa lâm râm . Trên đường vắng xảy ra một tai nạn giao thông giữa hai chiếc xe hơi . Một ông lão chập choạng bước ra mắng mỏ xối xả vào một cậu thanh niên :
- Lái xe cái kiểu gì vậy , móp xe tui mà mà còn làm cái hàm răng giả tui hư hết trơn rồi .

Cậu kia rối rít xin lỗi ông cụ, nhưng ông cụ kia cứ mắng sa sả :
- Cậu biết không , không có răng tui lấy gì mà ăn .
- Thì cụ làm răng giả khác . Hãng bảo hiểm xe sẽ đền bù cho cụ .

Ông cụ gắt :
- Cậu không biết gì hết . Bây giờ mà hẹn bác sĩ cũng vài ngày , rồi khám , rồi đo đạc , thử tới thử lui cũng hết vài tuần . Trong thời gian đó tôi lấy chi ăn uống đây , ăn cháo hả ?

Cậu thanh niên trầm ngâm một lát , hớn hở nói :
- Cụ chờ cháu một chút .

Nói xong cậu chạy ra phía sau cái xe của cậu , mở cái nắp thùng xe và lôi ra một va li màu đen tuyền . Bên trong cái va li đó đầy ắp những bộ răng trắng vàng đủ cỡ .

Cậu ta bước tới nói với ông lão :
- Cụ ơi ! Cụ há miệng ra cho cháu thử . À ! Bộ này không vừa lắm , chắc bộ kia , cũng không vừa . Bộ này , được rồi cụ ạ , khít khao thật là vừa vặn . Cụ nhai tới nhai lui xem sao .

Ông lão gật đầu , giọng nói có vẻ hồ hỡi :
- Có lẽ được rồi cháu .Nhưng mà tui hỏi thiệt với cháu , nhìn mặt cháu thông minh sáng láng , cháu là nha sĩ học ở trường Trung Cấp Y Dược phải không ?

Cậu thanh niên bình thản đáp lại :
- Dạ thưa cụ , cháu chưa hề học ở đó bao giờ . Cháu chỉ là " mortician" thôi .

Tôi không biết ở Việt Nam có cái nghề này không . Ông/Bà mortician chuyên môn hoá trang và sửa soạn "make up" cho người chết . Người quá cố được trang điểm đẹp như vậy để họ hàng khách khứa vào phúng điếu bớt sợ sệt . Bạn muốn biết rõ về nghề này , xin vào trang wikipedia để coi thêm .

Trong góc bếp cô em út tô đang lui cui sửa soạn bữa cơm trưa . Bên cạnh bồn rửa chén là một chồng bát dĩa ngổn ngang trong đó . Thấy vậy tôi định xăn tay áo lên lăn vào giúp .

Cô Thu em tôi ngăn lại :
- Thôi để em , anh chị là khách mà . Mấy khi gia đình anh chị về Việt Nam . Em làm một mình được rồi .

Một khi cũng gần hết hầu bao , nói chi đến mấy khi . Gia đình tôi ở đây đã hơn tháng nên mọi sinh hoạt trong nhà tôi biết khá nhiều . Sau những bữa cơm trưa chiều cô em tôi lại vén tay áo rửa chén và dọn dẹp . Tôi nghĩ các bà mẹ Việt Nam thật giỏi chịu đựng , thương chồng thương con không muốn họ nhúng tay chân làm những công việc thường nhật đó . Đã vậy có vài gia đình , ông chồng về nhà trong dáng điệu say sưa , thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ nhà mà chả có bà vợ nào dám hó hé . Luật pháp Việt Nam vẫn còn nhiều dễ dãi cho quí ông quá .

Gia đình cô em tôi bốn người cộng với chúng tôi và mấy đứa cháu có đến mười mấy người . Tất cả đều ngồi bệt xuống đất . Cô em tôi khệ nệ mang ra một tô lớn canh chua cá hổ . Bình thường thì cô em hay nấu canh chua cá bông lau , nhưng vì ngày hôm qua chú Tôn đi câu xách về mấy con cá hổ mà chú cứ nhất quyết gọi là cá phi Đài Loan .

Lúc chú Tôn mang cá về , tôi nhìn chúng nó to bằng hai bàn tay , mình dẹp , da trắng nhờn nhợt như cá chim . Hàm răng trắng nhọn và lởm chởm như răng cá mập . Tôi mang máng là hình như đã gặp ở đâu . Đúng rồi cá Piranha , giống cá ăn đủ loại sinh vật nếu lọt vào vùng nước sinh sống của chúng ở Nam Mỹ . Bên Việt Nam gọi là cá hổ , cá cọp gì đó . Không hiểu mấy ông chủ hồ cá ở Hạnh Thông Tây gọi là cá phi Đài Loan , chắc có lẽ gọi vậy cho oai .

Tôi định mang cá ra làm sạch , nhưng ngại làm dơ nhà dơ cửa , bèn xách ra hàng cá . Một chị hàng cá từng quen với chú em đi đời của tôi trông thấy tôi tươi cười :

- Anh mới đi câu về hả ?
- Không , mấy con này là của chú Tôn câu . Chị làm sạch mấy con cá này rồi tui trả tiền công cho chị .

Tôi không mặc cả giá cả với chị ta , Sau khi chị bán cá làm xong , chặt đầu mổ bụng cắt khúc , tôi trả cho chị 30 ngàn . Chị ta cám ơn rối rít . Về sau tôi mới biết sáng chị ta phụ việc bưng tô chén cho hàng bún hàng phở chỉ được trả có 30 ngàn một ngày .

Ngoài canh chua ra , cô em còn chiên thêm mấy khúc cá hổ nữa , nhìn sơ cũng khá bắt mắt , chúng vàng rực quyện với mùi mỡ hành thơm phức .

Ai nấy vừa ăn thử miếng cá đều lắc đầu :
- Eo ơi , cá gì ăn không ngon tí nào hết .

Thịt cá hổ vừa nhạt , lại lắm xương nhỏ . Thử miếng cá hổ chiên , nó cũng dở như nhau . Nhưng không sao , cô em tôi lúc nào cũng có thịt sườn chiên dành riêng cho hai đứa con trai cưng của cổ . Hèn gì tôi về chợ này hơn cả tháng , chả khi nào thấy họ bày bán loại cá này . Loại cá này có lẽ không thích hợp ngon miệng với loài người nhưng là thức ăn khoái khẩu của loài rái cá . Một chú rái cá một ngày có thể xơi tái vài chục con cá loại này .

Buổi chiều hôm đó tôi lại gặp chị bán cá , chị ta mặt sáng lên hỏi tôi :
- Hôm nay anh có đi câu không , nếu có để em làm cá cho .
- Không , nếu có chắc đi câu cá mập quá .

oooooOOOOooo

Chiều hôm sau hai vợ chồng tôi đáp xe lên bệnh viện Phú Nhuận . Dạo này cuối tháng Bảy mưa hay đổ bất chợt . Bầu trời xám đục , mưa lất phất bay . Chúng tôi lên lầu , hỏi thăm và được chỉ cho phòng mổ , nơi đây họ gọi là phòng tiểu giải phẫu . Bên ngoài mưa rớt xuống , rơi những hạt mưa bay hắt vào mặt chúng tôi . Nước mắt rơi hay mưa rơi đây . Bà nhà tôi nắm chặt lấy tay tôi . Tôi cũng biết chuyện này không phải lớn lao gì cho lắm , nhưng giả sử chuyện giải phẫu không thành công , thì tôi thành độc nhãn đại hiệp . Về Mỹ chắc khó có thể trở lại nghề điện tử được . Tôi chỉ biết úp mặt cầu nguyện thôi . Tôi nghĩ bụng mình còn nhát gan hơn cả vợ mình . Tôi từng đi biển , vượt sông nhưng lúc ra đi có đôi có cặp , không bằng người đàn bà vượt cạn mồ côi một mình . Tôi đã từng bình tĩnh đối diện với công an cửa khẩu Tây Ninh lúc vượt biên (chuyến này không thành công ) , từng đối mặt với lính Nam Dương trên giàn khoan , họ lăm le tay súng đòi đuổi chúng tôi , họ cấp lương thực nhưng không cho ở lại . )

Tối nay chỉ có hai người vào mổ mắt cườm . Chúng tôi được mặc một bộ áo màu xanh dương . Chân không được mang giày dép . Một cô y tá cho tôi uống vài viên trụ sinh . Trong phòng tiểu giải phẫu , tôi gặp lại bác sĩ Phong . Ông ta bảo tôi nằm xuống trên một chiếc băng ca , và tiêm thuốc tê vào mí mắt bên trái . Xong chúng tôi ngồi đợi bên ngoài đâu chừng mươi phút .

Tôi được dẫn vào nằm trên một giường giải phẫu . Hai ba ngọn đèn bạch quang sáng rực trên mắt tôi . Lúc này bác sĩ Nam và và bác sĩ phụ tá tới . Họ mang găng tay và bịt mũi miệng .

Tôi chỉ thấy mang máng họ đẩy một cái máy lên trên đầu , và nghe tiếng soẹt soẹt trên con mắt trái tôi . Vì đã chích thuốc tê nên tôi không cảm thấy đau .

Chừng đâu mười phút cuộc tiểu giải phẫu này xong . Sau khi dùng miếng băng tròn bịt mắt trái tôi lại , bác sĩ Nam dặn dò :
- Giải phẫu rất tốt đẹp , anh ngày mai tới khám .

Tôi cám ơn bác sĩ và các vị phụ tá và bước ra ngoài . Lúc này tôi không đeo kiếng , mắt phải tôi cận lên đến gần 10 độ . Bà nhà tôi bước tới dìu tôi xuống đường . Ngoài đường mưa còn rơi lất phất , đèn điện đã lên sáng lờ mờ .

3/10/09
Mổ mắt

Bệnh viện Phú Nhuận không có vẻ bề thế hoành tráng như bệnh viện Thống Nhất hay chợ Rẫy , nó có dáng dấp như một trung tâm y khoa nhỏ , như bên Mỹ nó tương đương với một clinic nào đó. Bệnh viện không có mái che chính giữa . Bốn chung quanh là những phòng khám bệnh hoặc văn phòng hành chánh . Ban công lát gạch
ô vuông xam xám , trông có vẻ hơi bẩn . Mặc dù nhân công thường hay quét dọn hay lau chùi , nhưng vẫn không thể nào tẩy xóa hết từng vết dơ bụi bậm từ ngoài đường bay tràn vào .

Tôi gặp một chị độ chừng bốn mươi tuổi trong bộ áo bà bà xanh dương nhạt .

- Chào chị , chị biết chỗ nào để đóng tiền mổ mắt không ?
- Bây giờ đã trưa rồi , chị Mai thu ngân sắp đi ăn rồi . Thôi chú cứ ngồi ở đây khoảng đâu chừng một hai giờ để chờ chỉ trở lại nhé .

Tôi cám ơn , ngồi đại xuống một cái băng dài dành cho người bệnh , đợi một lát thấy chán tôi tự nhủ : " Ngồi đợi chi vậy , thiên hạ đi ăn thì mình cũng đi ăn . " Giờ ăn trưa đến , tôi cảm thấy đói bụng , bèn bước xuống lầu và tìm ra một nơi có bảng đề " căng tin " , trong có kê vài cái bàn .

- Chào bà chủ .

Bà chủ tiệm nở nụ cười , nói với giọng xứ Bắc :
- Không , em "nà" đầy tớ nhân dân thôi , đâu đến phiên em làm chủ . Thế anh muốn ăn món chi , ở đây có phở , bún bò , cơm sườn ...
- Tui kiêng không ăn thịt , chị có cơm cá quả kho tiêu không ?
- Dạ không . Quả không mà "nóc" cũng không , thế bác xơi cá hú nhé .
- Cá hú là cá tra phải không chị ?
- Không , cá tra nó ăn cái kia , còn cá hú thì không . Thế bác có muốn ăn không thì bảo ?
- Dạ , cho tui cá nào cũng được .

Ở góc tường treo một máy truyền hình , leo nhéo một giọng ca lanh lảnh : " ... đôi mắt như lửa soi, đốt thiêu quân thù này... (1)

Hình như cái cô ca sĩ trong ti vi đang ví von trêu ghẹo tôi . Mắt tôi đang mờ nhòe , nhìn cảnh vật cứ như nhòa đi mà cô ta cứ " mắt anh như lửa soi hay ngời sáng " gì đó .

Trước phòng thu ngân tôi thấy vài người bệnh đã ngồi chờ sẵn đó . Cạnh tôi là hai ba phụ nữ nước da khá trắng trẻo . Khi tôi hỏi thăm mà cứ thấy bà này không trả lời mà lại quay sang một chị khác . Bà này thông dịch hộ :
- Hai bà này người Campuchia , họ không biết nói tiếng Việt . Họ xuống đây đi mổ mắt cườm .
- Chắc hai bà này là Hoa kiều . Trên Nam Vang không có bác sĩ chuyên khoa về mổ mắt hả chị ?

Chị ta quay sang hỏi hai bà kia , và dịch lại :
- Hồi xưa thì có , nhưng dạo sau này họ mổ bằng mã tấu không hà.

Đang tán dóc bỗng nghe có tiếng gọi tôi . Tôi bước vào căn phòng thu ngân . Phòng này thật khiêm nhượng , có kích thước 2 x 3 mét vừa đủ cho hai ba người ngồi .

- Chào chị Mai .
- Sao ông biết tên tui . Phải cái chị hộ lý mập mập như vầy nói với ông không ?

A thì ra cái chị hướng dẫn tôi đi tìm hồi nãy là hộ lý , tức là làm những công việc lặt vặt linh tinh trong cơ quan . Trước đây tôi cứ tưởng hộ lý như là một chị bí thư riêng nào đó của một thủ trưởng cao cấp nào đó .

- Ông đóng bốn trăm đô la .

Chị Mai cầm bốn tờ giấy xanh giơ lên cao soi tới soi lui , xem chừng có phải là tiền giả không .

Tôi cười :
- Tiền thiệt đấy , chỉ trừ khi nào mà chị thấy hình ảnh tôi trên tờ giấy đô la . Đó mới là tiền giả .

Tôi không hiểu sao có cái lệ đóng tiền bằng Mỹ kim mà không bằng tiền ông Hồ . Bây giờ có tờ 500 ngàn cũng xinh đẹp ra phết , tính ra giá trị cũng bằng 30 đô Mỹ . Tôi nghe đâu đây sẽ in ra tờ một triệu đồng . Không biết cầm vài tờ có thành triệu phú không .

Có lần một người Mỹ trong hãng cầm lấy hai ba tờ giấy bạc Việt Nam khoe với tôi .
- Andy , you xem tờ này là tiền Việt Nam phải không ? You xem nó bằng bao nhiêu đô Mỹ .
- Bằng bao nhiêu đô Mỹ à . Tờ năm ngàn này chỉ hơn 25 xu Mỹ chút ít .

Hắn trợn mắt không tin . Tôi bèn mở một trang mạng , chỉ cho hắn xem : " Đấy you xem , một đô bằng 16000 đồng Việt Nam , tin chưa . Tôi không hiểu tại sao bác Mao vĩ đại nặng non tạ , chỉ gấp đôi bác Hồ nhà mình mà tiền bác Mao lại có giá trị gấp hơn 2000 lần . Trung Quốc cái gì cũng vĩ đại hơn chăng !

- Xong rồi , mai chú chú trở lại 7 giờ sáng để khám tổng quát .

Đi giải phẫu mắt có vướng mắc chi khám tay chân tim gan phèo phổi . Nghe vậy tôi chẳng buồn cãi lại . Họ làm việc ở bệnh viện lâu năm , đủ chuyên nghiệp hơn tôi .

Sáng hôm sau tôi lại theo chị hộ lý đi qua một phòng khám khác để thử lượng đường trong máu . Tưởng hiện đại làm sao , chớ cái máy thử đường , bên Mỹ nhà tôi cũng có một cái . Máy nhỏ nhắn , nhỏ bằng phân nửa bàn tay tôi, máy này thường biếu không trong các tiệm bách hóa Walgreen , CVS , nhưng muốn xài thì phải cần có que thử . Một hộp que thử chừng vài chục que , chừng đâu 50 đô . Công việc thử này giản đơn thôi . Dùng kim bấm lên đầu ngón tay , nặn ra chút máu , xong quẹt lên que thử . Thế là tự động máy đếm đo . Dưới 100 là được .

- Xong rồi chú qua bên nội khoa khám .

Tôi đi ra ngoài kiếm chị hộ ly . Tìm mãi mới thấy chị đang dọn dẹp một góc nào đó . Đi theo chị rồi lên lầu , té ra phòng khám nội khoa nằm kế bên phòng thu ngân .

Bác sĩ Phong dáng hơi thấp . Nhìn mặt ổng , tôi đoán chừng lối xấp xỉ 40 tuổi .

Vạch mắt tôi ra xem xét , bác sĩ Phong hỏi :
- Anh có bị cao máu ?
- Không
- Mỡ cao ? Không hả ? Đường cao ? Không hả ? Thế là tốt . Tối mai đúng 8 giờ lên đây , bác sĩ Nam mổ cho .
- Thế bác sĩ không giải phẫu à ?
- Không , tôi đang thực tập .

Bên cạnh tường là một bức tranh lập thể , tôi ngắm nghía mãi vẫn chưa đoán là vẽ cái chi .
- Bức tranh này à ! Quí lắm , có một bệnh nhân sau khi mổ mắt biếu tặng . Hôm đó cô Mai mang tấm tranh này vào , nói rằng có người tặng cho tôi .

Tôi không dám quyết đoán đó là hình gì , có thể là hình vẽ con mắt hay con sâu gì đó , sợ nói ra bác sĩ Phong giận , dám bỏ luôn ngành chuyên khoa mắt , nên tôi chỉ cười nói không biết .

Chú thích :
1. Bài ca Cùng anh tiến quân trên đường dài của Huy Du và Xuân Sách .

2/10/09

Sunday, September 27, 2009

Khám mắt

Chừng một tuần lễ nữa gia đình tôi sẽ bay về Mỹ , theo lịch trình là khoảng cuối tháng 7 . Một buổi tối anh em chúng tôi ngồi hàn huyên ngoài phòng khách . Tình cờ cô Thu em tôi nhắc đến bệnh áp suất cao của mắt cô , glucoma . Trong họ hàng nhà tôi chẳng có ai bị bệnh này , mà không hiểu sao chỉ có cô em út mắc chứng này . Mấy đứa con tôi giống hệt như tôi , đứa nào cũng đeo kiếng dày cộm . Bây giờ mắt tôi nhìn một vật nó cứ nhòa nhòa hẵn đi .

Cô em tôi đề nghị :
- Gần nhà mình ở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển có ông thầy thuốc chữa hay lắm .

Tôi cứ nghĩ là một thầy lang nào đó đã từng khám tai cho tôi , và nói chắc cú như bắp là tai bị thế này thế nọ .

- Hay như thầy Hư Trúc ở Linh Thứu Sơn không ?

Cô em tôi mở to mắt nhìn tôi .
- Nói giỡn chơi với cô thôi . Hư Trúc là nhân vật hư cấu trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung . Thầy này học được cách chữa bệnh trên núi Thiên Sơn , rồi tự mổ mắt ráp mắt cho cô A Tử . Ổng tên là gì vậy ?
- Nguyễn Thành Nam . Bác sĩ tây y đàng hoàng a .

Tưởng là ai , chứ ông Nam này tôi có nghe vài người ở khu nhà tôi nhắc đến . Bà chủ tiệm cho mướn phim Hồng Kông khoe với tôi là mắt bả được bác sĩ Nam mổ , con mắt trái còn sáng hơn con mắt phải mổ tại Mỹ .

Ở Mỹ giá biểu để giẩi phẫu hai con mắt cận bị cườm khoảng chừng mười ngàn Mỹ kim . Dạo đó nếu trừ đi phần khấu trừ tôi phải trả thêm khoảng 3400 dô . Đến khi hãng cho laid off không còn bảo hiểm nữa nên không biết tính làm sao .

- Ở đây bên Việt Nam người ta mổ hà rằm . Ổng làm mau lắm , còn nhanh hơn gà đẻ trứng nữa .

Cô em tôi ví von sao hay vậy , chuyện giải phẫu mắt với chuyện gà đẻ khác nhau nhiều lắm . Con cháu tôi T. , bác sĩ mắt ở Mỹ khuyên tôi :" Chú đừng nên về bển mổ mắt vì mổ mắt không khéo dễ bị nhiễm trùng sau khi giải phẩu , có thể bị mù . Tốt nhất chú nên làm bên này . "

Tôi cũng biết nền y khoa tân tiến xứ này , càng có sự chăm sóc hiện đại bao nhiêu thì cái hầu bao của bệnh nhân càng vơi bớt đi . Có rất nhiều người Mỹ chưa qua khỏi cơn bệnh mà đã phải khai phá sản . Hổng biết là "chapter " 3 hay 7 hoặc 11 đây .

Tôi đưa mắt nhìn bà nhà tôi tỏ ý dò hỏi . Bà nhà tôi lo lắm . Miệng cứ lô bô là tôi chẳng làm việc gì nên hồn , nhưng nghe tôi tỏ ý đi mổ cườm mắt là bà nhà tôi khuyên can : " Thôi ông ơi ! Chẳng may mà ông bị lòa cả hai mắt như ông nội thằng Huy , thì khốn khổ (cho tui )! "

Vâng , trời sinh ra con người quí nhất đôi mắt . Ai thì tôi không biết , chứ coi gương ông cụ bố tôi thì biết .

Cô em còn dẫn chứng ra vài người nữa khiến tôi yên tâm . Sáng 7 giờ tôi lội bộ tới phòng khám bệnh . Từ nhà cô em tôi tới đây chỉ chừng dăm bảy phút . Buổi sáng từng dòng người ngồi trên xe gắn máy , xe đạp ồ ạt tiến ra đường .

Sau khi tôi khai bệnh sơ sài với cô y tá và được cấp một cuốn sổ bệnh lý màu xanh dương . Qua cách ăn mặc sơ sài của tôi , có lẽ cô ta coi tôi như mọi người dân bình thường tới khám mắt . Bên Mỹ mà vô phòng khám của bất kỳ y sĩ bác sĩ nào , Tây cũng như Ta , đều ghi rõ ràng đầy đủ tên họ , địa chỉ , việc làm cũng như là số an sinh xã hội . Bên Việt Nam thì chưa , nếu mà có thì không biết lấy con số nào mà ghi , có lẽ bịa ra một con số đề nào chăng .

- Ông vô kia ngồi chờ bác sĩ Nam .

Phòng khám bệnh này ngày xưa có lẽ là một căn nhà bình dân ở thôi . Dù có sửa sang nó vẫn không thể nào giống như một phòng khám bên Mỹ . Nội nhìn cái tấm bảng quảng cáo to tổ chảng treo lửng lơ trên cửa tiệm thì biết . Mặt bằng cửa hiệu dài bao nhiêu thì tấm biển hiệu dài bấy nhiêu . Nhìn một khu phố giăng giăng những biển hiệu cửa tiệm , Mì Ký Hưng Long , Nhà may Long Hội , Cửa Hàng Việt Tiến , khách nước ngoài có lẽ phải hoa mắt lên . Nhưng về đây hơn một tháng cũng đã quen dần , không như bên Mỹ các văn phòng bác sĩ tấm biển treo bé con con chừng vài gang tay . Không phải các ông bà ấy không biết kéo cho to ra , nhưng vì luật lệ thành phố , city code không cho phép .

Cùng ngồi trong khám , tôi nhìn thấy chừng đâu chừng chục người , đàn ông đàn bà đủ cỡ. Một cậu khá trẻ , hỏi ra mới 41 tuổi đã bị cườm . Trước giờ tôi nghĩ chắc hơn 50 tuổi mới bị thôi , hoá ra bệnh mờ mắt chẳng tránh một ai . Hầu như người Việt Nam bị khá nhiều . Dân mình ít có ai chịu đeo kiếng râm hay là kính mát để ngăn cản tia cực tím của mặt trời . Khi xưa chúng tôi thường hay chơi banh ngoài trời , mắt hay thỉnh thoảng nhìn vào mặt trời chói chan . Người có mắt màu xanh lơ như người Âu Mỹ thì ít bị cườm mắt hơn người có mắt màu nâu . Khi các tia tử ngoại này rọi vào mắt , thủy tinh thể sẽ biến dạng , trở thành đục , nhìn sâu vào trong mắt hiện ra một làn mờ đục . Nó trong đục như mây nên có tên là cataract , ta gọi là cườm vì nó màu trắng đục như cườm .

Bác sĩ Nam dáng dong dỏng cao , có lẽ hơi tôi một chục tuổi . Sau khi khám mắt tôi xong , bác sĩ Nam gật gật đầu :
- Ông bị cườm rồi . Ông cầm hồ sơ này tới bệnh viện Phú Nhuận làm thủ tục rồi tối mai tám giờ mổ mắt trái .

Bệnh nhân ngồi xếp hàng trong phòng trong chừng đâu vài người . Khi tôi đứng dậy là có người khác tiến vào ngồi trước mặt bác sĩ để khám mắt .

Đây mới đúng là có tính chuyên nghiệp của y học thời nay . Xưa kia Hư Trúc tiên sinh trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm mổ luôn một lúc hai con mắt cho cô em A Tử . Mổ một con có bị trục trặc gì cũng còn con kia nhìn đỡ . Chơi cả hai mắt , nếu chẳng may bị gì thì thành Kha Trấn Ác mất .

Bệnh viện Phú Nhuận nằm ngay ngả ba Nguyễn Trọng Tuyển và đường Hoàng văn Thụ (đường Công Lý cũ ) . Xe gắn máy được gởi xe bên trong và tất nhiên phải trả tiền . Tôi bước vào , hỏi thăm nơi mổ mắt là chỗ nào .