Saturday, January 10, 2009

Chùa Hoa Yên , núi Yên Tử

Suoi Giai Oan

Đoạn đường lên chùa Hoa Yên

Chùa Hoa Yên , núi Yên Tử

Chùa Hoa Yên , núi Yên Tử

Xe chạy chầm chậm qua cầu Thăng Long băng ngang con sông Hồng . Nước sông vàng đục màu phù sa . Có lẽ đến mùa nước lũ mang nhiều phù sa sẽ trở nên màu đỏ như tên gọi của nó . Con sông này chảy xuôi theo đồng bằng Bắc bộ tuy khá rộng nhưng không thể nào so sánh với sông Cửu Long , nhất là hai nhánh Tiền Giang Hậu Giang . Tôi hỏi ông trưởng đoàn :
- Trân đánh Bạch Đằng nằm ở đâu vậy ? (1)

Ông ta nhíu mày một lát :
- Ồ ! Nó nằm cách đây xa lắm .
- Thế còn sông Hát Hai bà Trưng trầm mình tự tử ?
- Ờ ờ cũng xa lắm .

Nghe ông ta trả lời ấm ớ mập mờ như vậy , chúng tôi không muốn hỏi nữa . Có lẽ công ty du lịch Saìgon Tourist chỉ có mấy chương trình tham quan những điểm chính mà họ đã vạch định . Chương trình Xuyên Việt của ddoàn chúng tôi : tham quan Đà Nẵng , Hội An , Huế , Hà Nội , Động Tam Cốc , Chùa Yên Tử và vịnh Hạ Long . Trọn gói (packet) tám ngày , vào khoảng 600 Mỹ kim cho mỗi người . Người hướng dẫn có lẽ học bài bản những gì phải học trong ngành du lịch, và những điều gì cần nói .

Xe qua Gia Lâm , Bắc Ninh nơi nổi tiếng với điệu hò Quan Họ tình tứ , nhà cửa san sát với các mặt bằng bán hàng gia dụng hoặc vật tư xây cất , chung chung là những mẫu nhà na ná như nhau từ Bắc chí Nam , có khác chăng là ngoài đây nhiều cột thu lôi hơn .

Vào tháng 7 Hà Nội đang có lệnh cấm bán hàng rong , đôi khi tôi thấy vài xe cảnh sát giao thông đang giằng co với các bà bán hàng rong . Vẻ mặt người dân không được vui lắm ,lấy mất quang thúng buôn bán của họ hàng ngày , họ lấy gì kiếm cách sinh nhai đây . Xe chạy khá chậm , xuyên qua những thủa ruộng , ruộng đồng bát ngát hai bên . Dọc hai bên đường , ít thấy bóng nhà thờ , am miếu chùa chiền. Đường cái quan mà nhạc sĩ Phạm Duy đi từ Nam Quan xuôi Nam vẫn nhỏ bé như một tỉnh lộ . Một đất nước phát triển , các trị trấn cần thường có những con đường xa lộ rộng lớn để sự giao thông , chuyên chở hàng hoá dễ dàng hơn .

Ngồi trên xe gật gù chừng vài tiếng , xe ngập ngừng chạy chầm chậm tới một ngả ba rẻ . Một bảng vẽ màu xanh : thị xã Uông Bí , tôi nhớ là xe quẹo trái . Con đường trở nên hẹp hơn , ngoằn nghèo qua vài ngọn đồi rồi núi rừng cheo leo, rừng cây trở xanh tươi hơn . Nhìn về phía xa xa núi rừng Yên Tử , nhô ra hai ngọn núi cao như hai cánh én đang xoải cánh bay về phương Nam . Ở giữa ngọn núi Yên Tử sừng sững trang nghiêm như con voi nằm phục xuống .

Qua một con suối cạn nước chảy trong vắt len lỏi qua những viên đá sỏi chênh vênh . Ông trưởng đoàn giới thiệu :
- Đây là con suối Giải Oan . Tại sao gọi là con suối Giải Oan , là vì nơi 108 bà cung phi của vua Trần Nhân Tông tự trầm vì không khuyên ngăn được chồng mình hoàn tục .

Nhìn con suối cạn veo , nước cao lắm lội chắc chỉ xâm xấp hơn mắt cá chân , tôi hỏi lại ông ta :
- Các ông bà nhìn xem , con suối cạn thế kia làm sao hơn một trăm bà đủ chỗ để tự trầm . Tui nghĩ rằng không đủ chỗ rửa chân cho mấy bả nữa .

Ông trưởng đoàn cười , nói tiếp :
- Sách vở nói mà . Tui nghĩ ngày xưa cách đây cả ngàn năm , địa thế thay đổi , suối ngày xưa chắc rộng và sâu hơn nhiều .

Từ Thăng Long ra tận khu vực Trúc Lâm tự , Yên Tử cũng cả trăm cây số , thế nào cũng có quân lính kiệu khênh rềnh rang , trống kèn inh ỏi . Theo lệnh vua Trần Anh Tông các bà cung tần mỹ nữ này có bổn phận khuyên vua Nhân Tông hoàn tục trở về hoàng cung . Khuyên không được nhảy xuống suối tự vẫn . Càng nghĩ càng thấy vô lý . Người Việt chúng ta không có lệ chồng chết bồ chết các bà vợ phải tuẩn tiết thiêu hay tự trầm theo tục lệ của một số sắc dân Ấn Ðộ . Đằng này nhà vua mới xuống tóc đi tu , các bà phi đã để lại mối oan tình làm sao nhà vua tu hành nổi . Cũng có thể vài bà phi ấm ức vì lệnh vua truyền , một phần vì đường sá xa xôi hiểm trở đi mệt mỏi , tới cảnh sắc núi rừng tuyệt đẹp , "hồ hỡi" xuống tắm . Chẳng may bị cảm lạnh , mang bệnh mà mất . Vua Trần Nhân Tông thấy thế thương tình bèn lập đàn giải oan cho các bà phi xinh đẹp dó .

Chuyện kể rằng thái tử Tất Đạt từ bỏ ngôi vua đi vào rừng tu , Ngài ra đi một cách lặng lẽ . Nếu không có chừng vài chục bà đi theo , tôi nghĩ Ngài cũng không giác ngộ để phổ độ chúng sinh .

Từ Dốc đỏ vào bến đậu xe , dọc hai bên con đường mới xây bằng xi măng , du khách thoải mái bước lên vào cổng chùa . Những hàng tùng xanh , tòng bá , kim giao lá chao nghiêng theo làn gió . Chúng tôi tụ tập vào một nhà hàng Nàng Tấm , không có cửa , mở rộng đón vài đoàn du khách tới thăm . Quán chay chùa Yên Tử . Ngồi chưa lâu mấy cô cậu hầu bàn bưng vài món ăn . Tôi nghĩ chắc ở đây chỉ có món ăn chay thích hợp với cảnh chùa , nhất là nơi đây từng là cửa Thiền cửa Phật , mà cũng có thể hợp với tính ăn chay , kiêng thịt của tôi . Một bàn đầy các món đủ màu : dĩa măng trúc vàng mơn mởn điểm tô vài cọng ngò tươi , bát canh đậu hủ với ngọn hẹ xanh , một dĩa cải xanh xào , một dĩa gà luộc .

Nhìn đĩa măng trúc xào với ngọn búp thon thả , tôi chợt nhớ đến một ông bạn láng giềng sống gần nhà tôi bên Mỹ . Ổng qua Mỹ theo diện H.O (diện tù cải tạo ) . Có lần mời gia đình ổng qua ăn canh chua cá bông lau nấu măng . Ông trông thấy măng , nhất định không đụng đến một miếng . Hỏi sao , ông ậm ừ : " Trong trại cải tạo tụi tui ăn quanh năm suốt tháng . Nhìn nó bây giờ sợ chết mẹ ." Ông bạn tôi giờ đã ra người thiên cổ rồi , chết vì bệnh ung thư phổi . Ăn nhiều măng nhiều nứa quá chăng hay vì hút thuốc lá ?

Ông trưởng đoàn giới thiệu :
- Quí khách cứ "vô tư " thưởng thức nhé . Gà núi đặc sản ở đây rất nổi tiếng , thơm thơ nhất xứ Bắc Hà .

Gọi là gà rừng là khi chúng còn đang bay oang oác trong bụi cây cỏ dại , còn khi nằm gọn trên dĩa như vầy , gà núi . Miếng thịt gà ngọt tươi , không giống loại gà chúng tôi hay ăn hay mua ở các chợ bên Mỹ , nhạt và bở bờ . Con gà núi này thịt thơm như loại gà game đôi khi gặp bán ngoài chợ trời gần nơi tôi ở . Cuối cùng là tô miến gà với bộ lòng mề cánh gan , tim . Hầu như bữa tiệc nào của người Bắc khi có món gà luộc chấm nước mắm chanh đều có bát canh miến cổ truyền , đi đôi với nhau không thể thiếu được trong dịp Xuân về .

Cơm nước no nê đoàn chúng tôi chuẩn bị leo núi bằng đường cáp treo hiện đại . Nếu như ngày xưa phải đi theo đường núi lòng vòng sáu cây số phải mất hai ngày . Chúng tôi qua một trạm có cáp treo . Cứ bốn người chun vào một cái hộp kính nhựa plastic trong . Xưa coi phim điệp viên 007 cảnh anh chàng James Bond đấm đá trên lồng kính treo trên dây cáp đong đưa , chỉ cảm thấy thích thú, hùng tráng thôi . Lồng chở chúng tôi từ từ leo lên dốc cao , những hàng rặng trúc , thông chợt trở nên hun hút sâu thẳm phía dưới . Một cậu bé chừng 13,14 tuổi đi chung lồng kiếng với tôi , ngồi ngọ nguậy không yên khiến lồng kiếng hơi chao đảo .

- Ngồi yên cháu , nếu không mình xuống suối Giải Oan đó cháu .

Cậu bé ngước mắt lên dò hỏi :
- Giải oan là gì chú ?

Tôi không biết giải thích thế nào cho rõ ràng với chú bé sống bên Mỹ .

- So , We have to shave our heads ! (Chúng ta phải cạo đầu đi tu chăng ? ),don't we ? It's cool ! Nhưng mà ... ở đây phải có ti vi mới được .
- Vậy cháu đừng lo , nơi đây quán chay còn có thịt rừng huống chi là truyền hình , chuyện nhỏ . Cháu muốn coi kênh VTV3 hay VTV4 ?
- No,it's boring . Disney channel only . (Không , chán lắm , chỉ coi kênh Disney thôi . )

Ngồi càng lâu rừng sâu phía dưới hun hút thăm thẳm , trông đến rợn người . Một bà sồn sồn nhắm mắt đưa hai tay lẩm nhẩm khấn vái : " Nam mô a di đà . Cáp ơi xin chớ lung lay . Con lạy Ngài chốn Phật Môn . Đưa con về đến nới đến chốn . "

Theo truyền tích ngay khi còn là thái tử, vua Nhân Tông đã từng trốn khỏi kinh thành, định vào tu ở núi Yên Tử, nhưng vua cha là Trần Thánh Tông đã cho binh lính bắt về. Sau những năm tháng xử lý triều chính, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và đến năm 1299, Ngài thanh thản trở lại Yên Tử cùng với một tướng theo ngài , về sau cũng là một đệ tử .

Tôi không hiểu hai thầy trò nhà vua Trần Nhân Tôn lặn lội dến tận thâm sơn u cốc thế này . Đèo heo hút gió cùng cây rừng bạt ngàn . Những ngày tháng đầu sinh sống ở đây chắc hai thầy trò chỉ sống bằng măng trúc .

Lồng treo ngừng vào trạm thứ nhất . Chúng tôi bước xuống , thong thả leo lên vài bực dốc để tiến lên cao . Không khí thoảng hơi sương âm ẩm, rong rêu bám vào kẽ đá khiến du khách phải cẩn thận ngó chừng . Từ khe các tảng đá vài nhánh thổ lan tím (địa lan ) , cây si , trúc đùi gà xen kẻ mọc xoè tán che . Chùa Hoa Yên ddược xây cất trên một miếng đất hẹp dựa trên triền núi , chung quanh có bờ tường thấp . Vài cây đại cổ hoa nở trắng tương phản với cây lá xanh um . Từ đây phóng mắt qua những ngọn núi khác thấy cảnh trời núi rừng bao la , bóng mây bảng lảng chợt thoáng hiện dưới ánh mặt trời .

Từ thấp lên cao chung quanh bua tủa rừng trúc xanh chen đua mọc . Không khí trầm mặc , tĩnh lặng . Nơi đây không nhiều thiền viện , đại hùng điện như chùa Thiếu Lâm trên ngọn núi Thiếu Thất hoặc am tự như phái Võ Ðang bên Trung Quốc . Có chăng quần thể di tích chùa am Yên Tử được xây cất rải rác . Từ hướng Nam Bắc , chuà Bí Thượng , chùa Lân , Giải Oan , Hoa Yên rồi chót vót là chùa Đồng . Trục đông tây , am Dược , am Hoa , thác Bạc , am Diêm , chùa Một Mái , chùa Hoa Yên rồi qua tới thác Ngự Dội , am Thiền Định , thác Vàng . Từ đỉnh núi Yên Tử 1063 mét , du khách có thể nhìn thấp thoáng xa xa những hải đảo trong quần đảo vịnh Hạ Long và sông Bạch Đằng . Có lẽ đây chính là lý do vua Nhân Tông muốn nhìn về quá khứ , tưởng nhớ và cầu siêu đến muôn vàn quân dân đã bỏ mình hi sinh trong các trận chống quân Nguyên Mông Cổ .

Vào năm 1983 còn ở trại tị nạn Galang , tôi gặp giáo sư Phó Ngọc Long , ông ta từ Mỹ qua đảo giải thích cho bà con về lối sống bên Mỹ . Tôi hỏi ông ta : " Thưa giáo sư bên Mỹ có ai muốn lên núi tu không ?

Ông ta cười và nhã nhặn nói : " Có , tui có thử lên núi tu rồi , nhưng bà nhà tui tìm lên núi , biểu tui phải trả hết bill tiền nhà tiền xe rồi muốn tu gì thì tu .

Dạo ấy tôi chưa hiểu lời ông ta muốn nói . Giờ đây ngồi bên chùa Hoa Yên thanh vắng , lòng tôi nguội lạnh như gã từ quan lên non tìm động hoa vàng , nhưng tôi còn có cái đuôi khá dài , một vợ bốn con với những cái bill dài hàng tháng phải trả. Lòng trần còn vương khanh tướng , chưa dứt nợ trần ai .

Giờ đây tôi mới hiểu tại sao vua Trần Nhân Tông hay các vị lớn tuổi muốn tìm nơi thanh vắng , tìm nơi vắng vẻ , có lẽ muốn đi tìm một hướng đi mới cho mình , một chỗ vĩnh hằng cho kiếp sau .

"Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử, vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự. Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si, giữa chốn thiền không tìm người trong mộng” (3)

Người trong mộng tôi nghĩ chắc không có , có chăng chỉ là "quần thể linh trưởng " nhảy nhót trên các rừng núi mịt mù .

Ai nghe những lời hát đượm chất Thiền , không khiến cõi lòng mơ si về cõi Phật , một chút duyên thừa của trần thế tìm về nơi vĩnh hằng , niết bàn xa xăm .

Chú thích :

1. Trận đánh Bạch Ðằng thuộc xã Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh)
2. Hát Giang (sông Ðáy tiếp nối với sông Hồng)
3. Bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Hoang Hac (Tung Sơn) ngày 10/1/2009

Thursday, January 1, 2009

Đền vua Lê

Con trâu , gã chăn trâu bên đền vua Lê

Đền thờ vua Đinh và vua Lê

Đền thờ vua Đinh và vua Lê

Đường vào đền thờ vua Đinh ngoằn ngoèo qua các ngọn núi lởm chởm . Xe buýt ngừng bên một cái làng nhỏ (xã Ninh Giang , huyện Hoa Lư ) . Chúng tôi tới "tham quan" đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng . Ông trưởng đoàn nhắc nhở :
- Quí khách nhớ khi bước vào đền thờ coi chừng cái bục và coi chừng va vào đầu .

Khi bước qua cái bục gỗ chắn ngang cửa đền thờ , chúng tôi phải cúi đầu dòm chừng bước chân hụt hẫng kế tiếp . Trong đền thờ ánh sáng sáng lờ mờ .
- Người xưa thiết kế đền thờ này hay không quí khách , bước vào đây ngửng đầu lên và cúi xuống , như thể phải chào lạy vị Hoàng Đế đầu tiên của dân Việt .

Thông thường các đền thờ , cung điện được xây trên các nền đất đá cao ráo để tránh nước tràn vào ngập lụt làm hư hỏng các di tích bên trong . Các dinh thự Âu châu tầng chệt bao giờ cũng cao hơn các tầng trên , tầng cuối cùng thấp hơn là chỗ dành riêng cho nô bộc phục vụ .

Đền thờ vua Đinh bé nhỏ , có lẽ chỉ là gian nhà ngang lợp mái gạch nâu đỏ . Các cột kèo dù có sơn phết lại cũng không xoá được dấu vết cũ kỷ suy trầm theo năm tháng . Vị vua này đã từng được dân Việt so sánh với Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa , nhưng thời gian trị vì không được bao lâu (12 năm) thì bị Đỗ Thích , một hoạn quan ám sát vào năm Kỷ Mão 979 .

Về các truyền tích về Đinh Bộ Lĩnh chúng ta đã từng học và đọc qua . Nào là ông được nhà địa lý người Tàu chỉ cho long huyệt dưới sông Hoàng Long , nào là ông sinh ra bởi mẹ ông thụ thai với một con rái (dái) cá đầy vẻ thần thoại , nhưng tôi tin chắc việc ông nói dối với người chú rằng con trâu lặn xuống đầm sâu chỉ thò đuôi có thể có thật . Ở đây mưa nhiều , nước tụ lại thành đầm trũng , tràn qua thành sông . Bao bọc chung quanh các ngọn núi cao hiểm trở . Cỏ lau đuôi phất phới theo chiều gió mọc tràn lan . Du khách tản bộ đâu đây tưởng mình còn thời niên thiếu tụ tập với chúng bạn hò la vang trời trong trò chơi tập trận cờ lau .

Vài bà cụ già trong chiếc áo tứ thân nâu đã bạc màu ôm ru cháu ngủ trên chiếc võng bắc ngang qua hai thân cây bàng . Trước nhà bày vài cái bánh ngọt chai nước . Khách du lịch ghé ngang chỉ nhìn thoáng rồi hờ hững bước đi . Thường thường trên xe buýt lúc nào cũng có nước suối , khách ăn no bụng rồi mới đi chơi . Không thấy dáng các thanh niên nam nữ , có lẽ họ bỏ lên tỉnh thành kiếm công ăn việc làm tốt hơn chăng .

Đền thờ vua Lê Đại Hành gần đó . Nơi đây có tượng bà thái hậu Dương Vân Nga . Nét mặt bầu bĩnh , mắt bồ câu , da hồng hào . Dù lúc tạc hình vào tuổi trung niên nhưng có thể nhận ra lúc trẻ bà ta rất mỹ lệ thanh tú . Có sách cho rằng " Một điều rất độc đáo là bức tượng bà Dương Vân Nga có chiều sâu nội tâm thay đổi theo 3 góc nhìn khác nhaụ Nếu nhìn chính diện, ta thấy bà hiện lên như một bậc mẫu nghi thiên hạ, đoan trang, phúc hậu, hơi có vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng. Nếu nhìn nghiêng theo bên phải (từ trong ra) bà hiện ra với khuôn mặt buồn bã, tựa như khi chứng kiến cảnh đất nước trước nguy cơ "nghìn cân treo sợi tóc". Còn nhìn nghiêng theo bên trái (từ ngoài vào) ta lại thấy khuôn mặt ấy đã thay đổi: gương mặt bà thanh thoát, tươi tắn hơn với nụ cười mỉm. Cái tài hoa của người tạc bức tượng là ở chỗ: vẫn là một con người nhưng nhìn từ những góc độ riêng ta sẽ thấy hiện lên ba gương mặt, ba tâm trạng khác nhaụ " Nhưng theo tôi mặt bà lúc nào cũng nghiêm trang , tươi tỉnh bên cạnh tượng vua Lê .

Bà là con ông Dương Thị Hiển quê ở vùng Như Quan, Ninh Bình (cũng có sách nói bà tên là Dương Thị Ngọc Vân, Dương Thị Lập ) rồi trở thành vợ Ðinh Bộ Lĩnh, nên sau khi chồng bị ám hại, để lại đứa con côi cút 6 tuổi kế nghiệp ngôi vua , Dương Vân Nga đã phải lo toan cáng đáng những khó khăn vượt quá sức mình. Sự nghiệp thống nhất đất nước vừa được ổn định , lại bị đe doạ từ nhiều phía . Bên ngoài từ phương Bắc nhà Tống sửa soạn đại binh xâm chiếm . Bên trong, các triều thần tranh chấp gay gắt có nguy cơ nổ ra nội chiến lớn. Bà là người có tầm nhìn xa thấy rộng, nhận rõ chỉ có Lê Hoàn người tình xưa đã từng cùng vai sát cánh với người chồng cũ của mình là người có khả năng giải quyết tình hình nghiêm trọng ấy . Trước bá quan văn võ bà tự mình khoác long bào lên cho Lê Đại Hành . Cũng vì vậy sau này Lê Đại Hành lên ngôi vua đã cưới bà làm vợ .

Có lẽ khi nhắc đến Dương thái hậu, không ít người biết đến giai thoại khi bà mới sinh thường hay khóc dạ đề (không đêm , khóc không ngừng nghỉ ) . Một hôm có lão đạo sĩ đi qua, ông lấy bút viết vào lòng bàn tay Vân Nga hai câu thơ và cô bé nhìn qua bèn câm miệng nín bặt: "Nín đi , hãy ngoan đi cháu bé ! Mai đây gánh cả đôi sơn hà ". Lời tiên tri của ông đạo sĩ ứng nghiệm vào việc bà lấy vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành.

Thoáng nghe có thể chúng ta tưởng rằng thật , nhưng xem lại thì một bé gái sơ sinh coi như năm sáu tháng , hay hơn một tuổi chăng nữa . Bàn tay cháu bé to bao nhiêu mà ông đạo sĩ viết lên nhiều chữ thế . Ngày xưa làm gì có bút bi bút nguyên tử hiện đại như giờ , viết lông một chữ đã đầy bàn tay .

- Quí khách biết không , tượng này dân làng họ cho quay mặt về đền thờ vua Đinh , cho bà còn tưởng nhớ đến người chồng cũ nên hay cúng vái hoa quả với đĩa thịt dê luộc thái chỉ .

Một bà du khách cùng đoàn với chúng tôi lẩm bẩm:
- Rỗi hơi . Sống không cho ăn , chết rồi cúng kiến chỉ tế ruồi thôi .

Một bà cụ tiến đến gần nhà tôi chào mua quạt giấy . Dù trên xe chúng tôi cũng có mấy cây rồi , nhưng thương tình nhà tôi định móc tiền ra cho mua giúp , bỗng đâu chừng sáu bẩy cụ già khác lon ton bước nhanh tới , bu lại . Bà nhà tôi sợ quá bèn kiếm cách thoát đi ra chỗ khác . Các cụ già sức yếu không theo kịp bèn giương mắt ngó nhau , rồi lẩm bẩm trong miệng .

Sử viết rằng Đỗ Thích nằm mơ thấy một vì sao rớt ngay vào mỏ , tưởng rằng mình sẽ làm vua nên ám sát Đinh Bộ Lĩnh và thái tử Đinh Liễn . Nếu như rớt vào trong miệng có lẽ được làm vua lâu hơn , nhưng đằng này ngôi sao chỉ mới đụng tới mỏ thôi nên đã bị các cận thần vua Đinh bắt và đem đi chém .

Nhưng theo một số sử gia cho biết . Đỗ Thích chỉ là một quan nội thị không vây cánh trong triều đình nhà Đinh . Trong khi đó triều thần đều do Nguyễn Bặc , Lê Hoàn , Đinh Điền nắm trọng quyền bên văn cũng như bên võ . Khi đó trong triều đình nhà Đinh có ba hoàng tử Đinh Liễn , Đinh Toàn và Đinh Lang . Đinh Lang là út mới được bốn tuổi có thể còn đang bú sữa mẹ được Đinh Tiên Hoàng thương yêu phong làm thái tử . Đinh Liễn là con trưởng đem lòng ghen ghét sai người giết em . Biết thế Đinh Tiên Hoàng vẫn không xử phạt Đinh Liễn , vẫn có ý định để cho Đinh Liễn nối ngôi . Sự kiện này có thể cho Dương Vân Nga tức giận , cho rằng nếu như Đinh Liễn lên làm vua , sẽ đem bà ra hành hình . Vì thế bà cùng với Lê Hoàn ra tay trước . Tháng 10 năm 979 , biết rằng hai cha con vua Đinh đang nhậu thịt dê , nghiêng ngả bàn chuyện chính sự , họ toan tính hành thích ngay . Có giả thuyết cho rằng Đỗ Thích tình cờ có mặt khi đội quân ám sát tràn ngập vào cung đình , ông ta thấy nguy bèn bỏ trốn . Ba ngày sau bị bắt và bị xử quyết với tội danh ám sát vua Đinh và Đinh Liễn .

Theo lời giải thích của một số nhà sử học , một trong những nguyên nhân khiến nhà Tống đem quân xâm lược nước Đại Cồ Việt chính là do Đinh Liễn, người đã qua lại cống hiến với nhà Tống và được chính vua Tống phong chức, bị giết hại . Việc phong chức cho Liễn cho thấy nhà Tống công nhận chức vị của Liễn. Đây chỉ là cái cớ , với danh nghĩa trừng trị kẻ phản nghịch, nhà Tống phát binh. Sau này Lê Hoàn đã thành công trong cuộc chiến đấu chống quân Tống đã khiến người dân tha thứ cho ông hoặc có thể sử viết theo chính ý của nhà vua lúc bấy giờ .

Cũng có thuyết cho rằng Đỗ Thích là người con của ông thầy bói người Tàu năm xưa chỉ cho Đinh Tiên Hoàng biết huyệt quí nằm vùng bên cạnh , giết cha con nhà vua để làm rối loạn triều cung . Giả thuyết này không đủ sức thuyết phục . Hai cha con vua Đinh bị giết vào tháng 10 năm 979 , Lê Hoàn sau khi dẹp các loạn do các trung thần nhà Đinh , lên ngôi vào tháng 7 năm 980 . Mãi đến tháng ba năm 981 nhà Tống mới đem quân sang xâm chiếm . Nếu như đã có chuẩn bị trước âm mưu giết Đinh Tiên Hoàng , quân Tống sẽ chực sẵn ở biên giới , chờ tin sẽ đem đại quân đánh bất ngờ . Nhưng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , vua Đinh bị hại vào tháng 10 năm 979 . Đến tháng 6 năm 980 tri huyện Ung Châu là Hầu Nhân Bảo dâng biểu xin vua Tống nên đánh nước Đại Cồ Việt và từ đó nhà Tống mới chuẩn bị quân binh .

(Theo sử : Dương Vân Nga, sử cũ chép là Dương Hậu (Hoàng hậu họ Dương) Theo truyền ngôn, thân phụ bà là Dương Thế Hiển, quê ở thôn Nga My, xã Gia Thuỷ (huyện nho Quan) quê mẹ ở thôn Vân lung, xã Gia Vân ( huyện gia Viễn) tỉnh Ninh Bình, sinh thời, cha mẹ chỉ gọi bà là Dương Nương ( cô gái họ Dương), sau khi vào cung Hoa Lư, được gọi ghép tên làng cha với tên làng mẹ thành Vân – Ngạ Nhân dân địa phương gọi là Dương Vân Ngạ

Năm Giáp Tuất (974), Dương Vân Nga sinh Hoàng thứ tử Đinh Toàn. Lên 5 tuổi, Đinh Toàn được vua cha phong là Vệ Vương . Đêm rằm Trung Thu năm 979, Đại Thắng Minh hoàng đế và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Nội nhân Đỗ Thích giết hạị Triều thần tôn Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng Thái Hậu . Đinh Toàn lúc này mới lên 6 tuổị Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn được Dương Thái hậu chọn làm Nhiếp chính, sau lại tự xưng là Phó Vương. Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền và Tướng quân Phạm Hạp ngờ Lê Hoàn chiếm ngôi nhà Đinh. Mới cùng nhau hội binh, chia hai đường thuỷ bộ từ Ái Châu (Thanh Hoá) kéo về Hoa Lư hỏi tội Lê Hoàn, Dương Thái Hậu thấy vậy, lo ngại bảo Lê Hoàn rằng: “Bọn Bặc dấy quân khởi loạn, làm kinh động nước nhà, vua còn nhỏ yếu, không đương nổi hoạn nạn, bọn ông mưu tính thế nào, chớ để sinh tai hoạ về saụ Lê Hoàn mới chỉnh đốn binh mã, đánh bại Nguyễn Bặc, Đinh Điền. Biết Kinh thành Hoa Lư có biến, phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn hơn một nghìn chiến thuyền quân Chiêm Thành tiến đánh nước tạ ở biên giới phía Bắc. giặc Tống lợi dụng tình hình đại Cồ Việt rối ren, đang chuẩn bị cất binh xâm lược nước tạ

Thái Hậu Dương Vân Nga sai Lê Hoàn chọn tướng sĩ để chống cự, lại cử Phạm Cự Lượng làm Đại tướng tiên Phong. Khi đang chuẩn bị cất binh , Phạm cự Lượng cùng các tướng mặc đồ nhung phục, đi thẳng vào triều đường, bảo mọi người rằng: “ thưởng ngưòi có công, giết kẻ không theo mệnh lệnh, là kỷ luật hành quân. Nay Chúa Thượng trẻ thơ, chúng ta dù hết sức liều chết chống kẻ địch bên ngoài, may lập được chút công thì ai biết cho ? Chi bằng trước hãy tôn Thập đạo Tướng quân làm Thiên tử, rồi sau sẽ đem quân đi đánh thì hơn!” Quân sĩ nghe nói thế đều hô “ vạn tuế” thái hậu nghe nói vậy sai hữu Ty đem đủ nghi trượng rước Hoàn vào cung, lấy áo rồng khoác lên mình Hoàn, khuyên Hoàn lên ngôi Hoàng đế”.

Hành động này của Dương thái Hậu bị các đại thần trung thành với nhà Đinh chống lại quyết liệt. Các nhà nho phong kiến và dư luận, kể cả sau này hết sức chỉ trích. Song, trong tình thế đất nước lúc đó hết sức cấp bách bởi nguy cơ xâm lược của nhà Tống đã hiện ra trước mắt, Dương Thái Hậu đã có cái nhìn vô cùng sáng suốt, đặt lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên lợi ích dòng tộc, chọn Lê Hoàn là một thống soái quân đội, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, có khả năng tập hợp và tài năng chỉ huy quân dân ta lúc đó đương đầu với quân xâm lược, loại bỏ được nguy cơ mất nước.

Năm 981, cuộc kháng chiến chống quân Tống thắng lợi, Dương Vân Nga đón Lê Hoàn chiến thắng trở về ở Bến Ngự ( sông Van Sàng, nay thuộc thành phố Ninh Bình).

Năm Nhâm Ngọ (982), Lê đại Hành lập Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng hậu, là một trong năm hoàng hậu của vua Lệ
Năm Canh Tý (1000), Hoàng hậu Dương Vân Nga qua đờị
Hiện nay, đền thờ Lê Hoàn ở Trường Yên (Hoa Lư), đền vua Đinh, vua Lê ở Trung Trữ (Ninh Giang, Hoa Lư) và đền làng Bách Cốc (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đều có tượng Dương Vân Ngạ Tượng bà ở đền Lê Đại Hành( trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) gọi là Bảo Quang Hoàng Thái Hậụ )

Dù sai hay đúng các vị đó đều ngồi ngay ngắn trong các đền thờ , rất xứng đáng được thờ phượng bởi có công gìn giữ được non sông gấm vóc đến ngày nay .

1.1.2009