Saturday, October 31, 2009

Sieu Thi Max

Cửa hàng tiện lợi

- Có ai đi chợ Maximax không ?
- Là chợ gì vậy ?
- Siêu thị
- Đi thì đi .

Chúng tôi năm người cùng hai mẹ con cô em út tôi từ trong chợ Phú Nhuận lững thững ra đường Hoàng Văn Thụ (Công Lý cũ ) đón một chiếc xe tắc xi bảy chỗ ngồi . Xe chạy ngược về hướng phi trường Tân Sơn Nhất .

Con bé út Linda nhà tôi reo lên , chỉ trỏ vào một bảng tên đường :
- Bố à ! Sao có tên đường gì mà lạ quá vậy , nghe ra ông này thích ăn lắm hả bố ?


Tôi nhìn ra ngoài cửa kiếng , trên ngả tư nhỏ đầy dòng xe qua lại , một bảng đường " Huỳnh văn Bánh " . Con đường này lúc trước là Nguyễn Huỳnh Đức . Có lẽ từ lâu rồi , người dân quen thuộc với những danh nhân "hiện đại và tân thời " , như Nguyễn Văn Bánh , Phan văn Khỏe , Lê Văn Tám mà không biết mấy vị trên có thật trên đời này không .

- Cái đó thì cha mẹ đặt tên cho ổng mà . Ổng có muốn đâu , như ngày xưa bố đặt tên con là Keo ly (Kelly) , má con biểu nghe sao như là giống keo kiệt quá , nên đặt là Linh , Mỹ là Linda .

Đường phố tại ngả tư Bảy Hiền , cổng Phi Long thay đổi rất nhiều . Có đường làm rộng ra , có đường lại bà con buôn bán chen lấn lề đường . Ngày xưa tôi hay đạp xe qua ngả tư này mà giờ đây khó lòng nhận ra cảnh cũ người xưa .

Siêu thị Maximax có lẽ nằm đối diện Thành Nhảy Dù cũ . Nhìn thoáng qua nó có vẻ là một thương xá cỡ trung . Vài chiếc xe tắc xi đậu xe ngay trước cửa siêu thị chờ đón khách .

Qua những cửa hàng bán mỹ phẩm hoặc đồ gia dụng chất đầy những hàng hoá còn mới tinh . Cuối đường là cửa vào siêu thị , có nơi được gọi là cửa hàng tiện lợi . Tiện lợi thì chúng tôi chưa được biết , chỉ biết là chúng tôi phải gởi giỏ , túi xách , bóp đeo và mũ nón . Dĩ nhiên là không lấy lệ phí cho việc gởi này , nếu có chắc hẵn khách vào mua sắm càng ít đi .

Các hàng kệ đầu tiên bắt gặp là giàn chén bát dĩa . Đồ sứ , đồ sành , đồ nhựa đủ mọi loại . Bà nhà tôi lựa vài chục cái chén dĩa nhựa . Cô em tôi thắc mắc :
- Em tưởng bên Mỹ mấy thứ này thiếu gì .

Bà nhà tôi cười đáp lại :
- Biết là không thiếu , nhưng ở đây một cái liễn to như vậy chỉ có chừng một đô là , bên đó phải bốn năm đô . Mấy chén nhỏ giá chót cũng một đô . Chúng nó rớt xuống đất thì không vỡ bể , nhưng cho vào microwave hâm nóng riết nó cũng bị cháy cạnh hết .

Ở Việt Nam hình như tôi thấy ít có nhà nào xài lò vi ba . Có lẽ thực phẩm có sẵn ngoài chợ , ăn bữa nào nấu bữa nấy . Cô em tôi đồ ăn dư thừa buổi tối cô đem đi đổ hết .

Chả bù với nhà tôi bên Mỹ , thức ăn dùng không hết , được bọc lại bằng vải nhựa plastic mỏng , bỏ vào tủ lạnh bảo quản . Có khi như vậy , dọn cơm ra trên bàn bảy tám món . Có món mới nấu , có món đã xào hai ba ngày , có món cá kho thịt kho bốn năm ngày .

Hỏi sao cô em tôi lại phí phạm thức ăn vậy .
- Dư chút đỉnh thì đổ đi , chớ không kiến nhà em từng đàn từng đống kéo đến .

Tủ lạnh nhà thì bé con con , trong chứa toàn là nước lã nước lạnh . Chẳng lẽ mỗi chén thức ăn phải dùng dĩa có chứa nước bên dưới để các chú kiến không bơi qua được .

Tới kệ dao kéo thì ơi thôi đủ loại đủ cỡ . Tôi cầm lấy hai ba con dao bào lên coi . Chắc làm tại Việt Nam , cán gỗ , lưỡi sắt . (Khi mang về Mỹ lấy ra dùng thì không xài được , vì lưỡi dao này chỉ dành cho người thuận tay trái . )

Bà nhà tôi trông thấy tôi bỏ vào xe đẩy hai con dao chặt bản to của Nhật , giá đâu năm đô một con , cằn nhằn :
- Sao ông mua dao gì nhiều vậy !
- Thì lần trước tui ra chợ VN mua con dao chặt , về nhà bà đem chặt rể cây nằm sâu dưới đất gãy cả cán rồi còn chi .

Nói vậy thôi , chớ mà nói mua dao về để mài dao dạy vợ , chắc là chuyện lớn .

Mấy đứa nhỏ nhà tôi cùng con cô em tôi không thích vào chợ , chúng nó kéo nhau vào gian hàng chơi game . Thấy bà nhà tôi và cô em tôi đứng lựa đồ lâu quá , tui đi dạo quanh siêu thị xem còn bán những mặt hàng nào .

Tới quầy bán trái cây hoa quả rau rợ , hầu hết đều như muốn heo héo . Giá bán tương đương với ngoài chợ . Bởi vậy cửa hàng tiện lợi vẫn không được người dân hưởng ứng đông đảo .

Lòng vòng trong các dãy bán đồ ăn một lát tôi đâm chán , bèn đi ra ngoài và ra chỗ lấy lại cái nón lưỡi trai . Tôi bước lên tầng hai siêu thị , nơi bày bán quần áo giày dép . Bỗng nghe tiếng nói của một anh bảo vệ gọi giật lại :
- Ông kia ! Ông vui lòng gởi nón , chỗ đằng kia kìa .

Tôi nghĩ thầm : " Biết vậy cứ để cái mũ quí hóa này nằm ở chỗ giữ dưới lầu cho được việc . Cách làm việc nơi siêu thị này thật hay a . "

Cách bày biện trong gian hàng quần áo thật trang nhã gọn gàng không khác chi với các gian hàng bên Mỹ , Dillard , Macy . Dĩ nhiên quần áo giày dép đủ loại đủ giá tiền . Áo sơ mi Việt Tiến trên dưới 150 ngàn đồng , hiệu Pierre Cardin 500 ngàn đồng một cái áo , vải tốt chất lượng không kém gì các loại áo hàng hiệu Perry , Geoffrey Beene ... Tôi thích thú ngắm nghía nhưng không mua , vì bên Mỹ vào những ngày on sale , khuyến mãi giá một áo sơ mi thật đẹp , vải tốt chỉ có chừng mười Mỹ kim mà thôi .
Giày tennis hiệu Nike , Adidas đắt không kém gì bên Mỹ , loại giày da có đôi đến gần 100 đô . Ở tiệm giày Mạnh Cung gần chợ cũ Phú Nhuận giầy da tốt giá chừng 11 đô . Cách đây mười năm tôi có ghé đây mua một hai đôi xăng đan , đi mãi vẫn chưa đứt quai . Về sau để ngoài cửa mấy con chó hàng xóm chạy qua tha mất một chiếc , đành bỏ đi .

Tay tôi cầm một miếng giấy rác , muốn bỏ vào thùng rác nhưng kiếm mãi chung quanh không thấy . Chợt một anh nhân viên mặc sắc phục siêu thị đi ngang , tôi bước tới hỏi :
- Chỗ này có thùng bỏ rác không anh ?

Anh ta mắt nhìn quanh , rồi thản nhiên nói :
- Bác cứ quăng đại xuống đất , đến chiều tối sẽ có người quét dọn .

Tôi cười , không biết nói làm sao , bèn bỏ miếng giấy vào túi quần . Tôi đứng ngay ngoài cửa siêu thị để chờ bà nhà tôi và cô em tôi . Đứng mãi mỏi cả chân , nhìn quanh nơi đây không có chiếc ghế hay băng ghế để khách nghỉ chân .

Không biết bao lâu , chợt thấy bà nhà tôi và cô em tôi hai tay khệ nệ xách mang hai giỏ có vẻ nằng nặng . Tôi bước tới gần , xách phụ :
- Sao bà biểu không mua gì hết mà ?

Bà nhà tôi nguýt nhìn tôi :
- Thì toàn là dao của ông không ?

Mặc dù cửa hàng tiện lợi có trên 2000 , đa số tập trung ở hai thành phố lớn Sài Gòn và Hà Nội , nhưng cư dân vẫn cảm thấy không tiện lợi đi việc mua sắm . Giá cả có thể mắc mỏ hơn , không thể điều đình thương lượng được , nghĩa là kỳ kèo mặc cả tại các chợ búa . Một bà cán bộ cô thư ký đến một chị dân thường đều có thể trả giá , thêm bớt một vài ngàn cho một bó rau muống , bầu bí mà không phải e ngại thẹn thùng . Họ có thể rảo bước chân đến chợ chừng vài mươi phút , bước vào chợ thoải mái , còn muốn như đến các cửa hàng tiện lợi có lẽ phải đi tắc xi hay xe gắn máy và còn phải trả tiền gởi xe ở nơi đây . Họ có thể đi chợ sáng sớm vào lúc hừng đông , để mua được những con cá rô cá sặc tươi rói đang nhảy tưng tưng trong cá rổ đựng cá , được trả giá được mặc cả với các bà bán hàng từng bó rau đau rau dền tươi xanh . Với những tiếng ồn ào mời mọc của bác hàng thịt , tiếng dao chặt bầm bậm của chị hàng cá , tiếng rao ơi ới của anh hàng xôi ... Ai xôi gấc xôi đậu phọng đây ... Hương thơm nồng nàn của gánh bún mộc , bún riêu , hàng bánh cuốn , hàng phở bò , quán cơm sáng với cá lóc kho tiêu , bì sườn chả . Tất cả đều quyện tròn trong không khí tươi mát , khiến khách đi chợ đều hức lòng muốn thưởng thức , ngồi xuống ngay . " Cho tui tô phở tái chín , nhiều bánh , nhiều thịt , nhiều nước béo nhé ... " , " Chị Hai , ờ cho tôi bát bún riêu . Nhớ thêm ốc nhiều nhiều ... " .

Có nhiều người cho rằng khái niệm Cửa hàng tiện lợi vẫn còn mới mẻ , chưa được rõ ràng . Với những khả năng tài chánh hiện nay , người dân vẫn còn đối mặt với những khó khăn , họ phải chạy từng bữa ăn cho gia đình , bương chải với cuộc sống hàng ngày thì làm sao họ có thể thong dong thoải mái vào mua sắm trong các cửa hàng tiện lợi này .

1/11/2009

Tuesday, October 13, 2009

Thường sáng sớm khoảng 4 hay 5 giờ , tôi hay dậy sớm lần mò ra quán cà phê cách ngõ nhà cô em tôi chừng mươi thước . Trong chợ Phú Nhuận hầu hết là các cô các bà ra bán buôn , nhưng đặc biệt quán này lại do anh Năm coi sóc . Tôi có hỏi anh ta sao không thấy bà xã anh ta ra phụ bán :

Một bà khách đang ngồi uống cà phê trả lời hộ :
" Vợ nó hả ? Còn đang chổng mông ngủ . Con vợ nó sướng thấy mẹ , vớ phải thằng Năm này sướng quá . Tui chưa thấy đàn ông nào siêng như nó . Ban sáng bán cà phê , đến chiều nó đứng bán hủ tiếu nữa . Ê ! Năm ! Mày làm dữ vậy tiền để đâu cho hết mậy ?

Cậu Năm lẳng lặng chỉ mỉm cười , lấy giẻ lau sơ qua loa cái bàn nhỏ thấp vương vải mấy giọt cà phê .

Chân tôi là chân hay đi , bây giờ phải ở trong nhà để dưỡng mắt . Lúc trước còn đeo kiếng cận còn trông tàm tạm . Bây giờ bỏ kiếng ra , cảnh vật như muốn mờ nhòe .

Bà xã tôi từ trên lầu bước xuống , trông thấy tôi đang nằm dài trên ghế trường kỷ bằng gỗ . Bên Mỹ nhà nào cũng có bộ sa lông nệm , cái dài nhất cũng bằng chiều cao của một người lớn . Nhiều khi nhà không có ai , tôi cứ nằm thoải mái .

Nói đến ghế sa lông bên Mỹ cũng lắm chuyện nhiêu khê . Hồi năm 1990 chúng tôi mướn một căn chung cư một phòng . Phòng khách khá rộng . Người bạn thân của tôi thấy hoàn cảnh gia đình tôi mới xuống Texas lập nghiệp , nhà mướn không có ghế sa lông . Hắn coi trong báo , có người muốn bỏ đi một cái ghế sofa . Hai thằng tôi đi mượn của chị Hai hắn một xe vận tải , khệ nệ vất vả khiêng cái sofa cũ kỹ dài hơn hai thước rưỡi . Tôi còn nhớ cái ghế đó nặng lắm , mà phải vác lên tầng hai chung cư . Đến khi tôi muốn dọn qua một nhà mướn ở vùng khác . Tôi không muốn vác theo cái sofa thượng hạng như vậy , bèn gọi thằng bạn thân lên giúp dùm . Hắn trả lời là không cần , cứ để lại trong căn hộ đó . Mai mốt có nhân viên trong chung cư tới dọn dẹp . Vậy mà mấy tháng sau , tôi nhận được giấy báo đòi nợ 100 đô tiền chuyên chở vất cái sofa ấy đi .Trong khu nhà tôi mướn những năm 1990 , khu đó có Mễ có Lào có người Việt . Bên cạnh nhà tôi mướn là người Mễ . Một hôm ông Mễ xin đâu được một sofa trông khá còn mới , bèn đem đi vất bỏ cái bộ sofa cũ ra ngoài trước cửa nhà . Theo city code của thành phố muốn tháo bỏ những vật dụng cồng kềnh , chỉ được bỏ ra ngoài trong những ngày đầu tháng thôi . Hôm đó là giữa tháng , nên mấy ngày sau cảnh sát gởi giấy phạt bỏ vào thùng thư . Ông Mễ tiếng Anh không rành gì mấy , gởi cái thư đó cho ông Bân chủ nhà . Ông Bân mở thư ra coi , tá hỏa tam tinh , tiền phạt là 800 đô , tội xả rác vật dụng làm mất vẻ đẹp của thành phố . Ông Bân tức lắm , cằn nhằn với ông Mễ thuê nhà :
- Amigo , mày đem vất cái sofa tầm bậy tầm bạ này ra ngoài đường . Ông phải trả tiền phạt .

Ông Mễ phớt lờ :
- Ông là chủ nhà phải trả . Cái ghế sofa này lúc tao mướn nhà đã có sẵn . Ghế này là của ông , ông phải trả .

Tôi không biết ai phải trả tiền phạt này , nhưng ông Bân phải lên toà án xin trát tòa đuổi người mướn đi sau vài tháng không trả bill tiền mướn nhà . Ở Việt Nam tôi nghĩ ít có nhà bày biện sa lông bằng nệm , hầu hết đều bằng gỗ sơn màu nâu bóng lưỡng . Ghế khá chắc chắn , có điều là nó hơi nhỏ , khó nằm thoải mái được . Nhất là nhà của cô em tôi , nằm nghiêng nằm ngữa coi sao được .

- Ông ăn gì chưa ? Chưa à , Ăn phở nhé , bánh cuốn , bún riêu bún bò hủ tiếu ....

Bà nhà tôi nói một hơi tràng giang đại hải các món ăn sáng bán sẵn trong chợ . Ăn riết rồi không biết chọn lựa món nào . Chả bù với bên Mỹ , buổi sáng ra mấy cha con thức dậy phân vân đứng trước tủ lạnh , mở ngăn chứa thức ăn rồi lại quay qua mở cánh cửa bên ngăn đông đá , rồi tần ngần không biết chọn món gì . Sữa tươi ăn với cereal chăng , không được , món này dành riêng cho trẻ nhỏ , chẳng lẽ lại lôi đồ ăn thừa của tối qua ra mà xơi lại . Thôi đành mang "chip Mễ " ra chấm với salsa hay phó mát , hoặc có khi lại mì gói . Nhà cô em út cũng có tủ lạnh , loại nhỏ , nhưng bên trong không chứa thức ăn , toàn là chai với chai nước lạnh .

- Ừ ! Bà mua cho tui một ổ bánh mì không và một miếng chả cá thác lác .

Chả cá thác lác ngoài chợ được cạo miết bằng thìa ,quết lại và đựng trong các chậu nhựa nhỏ . Mấy bà bán múc ra một miếng rồi ịn bèn bẹt nó xuống , cho vào chảo dầu . Mùi chả cá thác lác thêm tí tiêu sọ xay nhuyễn xông lên thơm nức mũi . Giá bán chả cá không rẻ đâu , sáu hay bảy mươi ngàn một kí . Bánh mì không mười ngàn năm sáu ổ . Có một chị bán bánh mì gần hàng phở cô em tôi cứ mỗi lần tôi ra mua , cô ta tính tôi 4000 một ổ . Về sau tôi biết cô ta tính giá đặc biệt với khách "Vịt cừu " như tôi , nên chả bao giờ tôi ghé lại nữa .

(Khách VK bao năm mới gặp , tội gì không chặt đẹp )

- Ông uống cà phê đá hay cà phê sữa . À ! Tui biết ông chẳng khi nào uống cà phê . Sữa đậu nành nhé .

Có lẽ từ lâu tôi không uống cà phê vì thứ này gây nhiều cảm giác khó chịu trong bao tử . Hồi những năm 70 ngày nào cũng hai ba cữ cà phê phin ngồi nhâm nhi ở mấy quán cà phê nhạc mở bành bành ở rạp hát Văn Hoa Đa Kao Tân Định .

Sữa đậu nành của tiệm bán đậu nành gần nhà tôi đã nhạt mà sữa đậu nành bán trong chợ Phú Nhuận còn nhạt hơn . Một ly nhỏ chừng đâu 100 ml , một ngàn đồng . Hình như tôi thấy không có qui định nào để chế biến đậu nành . Cứ như tôi tự làm lấy , một chén cơm đậu nành ngâm nước lã một đêm , xong đem ra cho vào máy xay đậu nành , lọc đi lọc lại ra còn chừng ba lít sữa . Uống rất thơm , đậm đà và quyện thơm mùi sữa béo ngậy .

Bỗng có tiếng xe gắn máy chạy tới đầu ngõ nhà tôi tắt bặt . Không nghe tiếng còi xe bóp inh ỏi như nhà bà Hai bán cơm kế bên . Cửa sắt nhà bà ta lúc nào cũng đóng , mỗi lần họ về từ ông bố , bà vợ đến cậu con trai quen lệ bóp còi tin tin . Mỗi lần như vậy chúng tôi đều phải ngẩng đầu nhìn ra đầu ngõ xem là ai . Chú Tôn em rể tôi nói hoài với họ , nhưng họ như nước đổ lá khoai , nghe qua tai này lọt qua tai kia . Chán rồi nên chú em không nói nữa .

Lần này chắc là khách đặc biệt tới thăm . Tôi biết lúc nãy có một bà gọi điện thoại tới hỏi thăm tôi .

Tôi mở cổng sắt nho nhỏ để bà khách đẩy xe Honda Future vào trong sân trước nhà . Sân này để được chừng hai chiếc xe gắn máy là muốn hết chỗ . Bên này được cái hay là cái xe phải đi theo người , phải cách người không quá mấy mét . Kẻo không ăn trộm khiêng xe đi mất , chủ xe có chạy theo cũng không kịp .

Qua cuộc điện đàm tôi biết bà ta là bác sĩ mắt phụ tá cho bác sĩ Nam .
- Chào bác sĩ , mời vào trong nhà .

Bà bác sĩ ăn mặc rất bình dân như mọi bao công nhân viên chức bình thường . Áo sơ mi trắng , quần tây dài . Nhiệm vụ hằng ngày của bà ta là đi tới từng nhà bệnh nhân đã được giải phẫu qua tay của bác sĩ Nam . Bên Mỹ làm gì có bác sĩ đến tận nhà tái khám cho bệnh nhân . Nếu có chăng thì là những người giàu có dư dả mướn y tá đến tận nhà để chăm sóc hoặc là người sắp sửa đi chầu Chúa , biết không qua được con trăng này , bệnh viện sẽ gởi y tá đến túc trực ngày đêm để chăm sóc bệnh nhân trong những giờ phút cuối cùng .

Bà bác sĩ nở nụ cười tươi như hoa lan :
- Ông đợi có lâu không ? Như thường lệ tôi có bổn phận tái khám cho bệnh nhân . Con mắt ông đến đâu rồi . Bác sĩ đã tái khám cho ông rồi à ! Mắt còn hơi đỏ . Ông nằm xuống cái ghế , để tôi chỉ cách ông rỏ mắt bằng thuốc rửa này . Thuốc viên trăng trắng này ngày 2 lần , thuốc vàng vàng kia ngày 2 lần , thuốc viên con nhộng ngày 3 lần , còn chai thuốc nước ngày rỏ mấy lần cũng được . Nhớ dùng bông gòn thấm như vầy , kẻo không nó chảy ra ướt áo .

Lời bà bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng , làm như tôi không bằng đứa trẻ lên mười .

Tôi nói chuyện bâng quơ với bà ta dăm ba câu , biết bà ta nói chuyện khá bình dân , giản dị .
- Chị là bác sĩ mắt , có bao giờ chị tự giải phẫu cho người nào chưa ?
- Chưa , chỉ phụ tá cho bác sĩ Nam thôi , đưa dao đưa kéo thôi .
- Tôi thấy bác sĩ Nam chắc khéo tay lắm nên ngày nào phòng mạch cũng đầy bệnh nhân . Ổng năm nay cũng hơn 65 tuổi rồi phải không chị ?

Bà bác sĩ gật đầu :
- Tay ổng khéo lắm , nhứt là lúc bỏ cái miếng thủy tinh thể vào trong con ngươi . Nó bé như sâu , có bốn càng . Đặt nó xuống là nó xoè bốn chân bám chặt vào . Người làm phẫu thuật mà không khéo cứ gắp ra gắp vô sẽ làm trầy làm tổn thương tròng mắt .

Tôi biết tay bác sĩ Nam , lúc khám mắt tay không bị run . Mắt ổng vẫn còn sáng . Những vị này mà học võ thuật , nhất là học môn ném ám khí theo ông Lục Phỉ Thanh phái Võ Đang , ngồi cách xa bức vách tường dăm năm sáu thước mà ruồi đậu trên vách , ném phi châm nhỏ như kim , mười con dính cả mười vào vách .

Tách nước trà mà bà nhà tôi rót cho khách vẫn còn nguyên . Chúng tôi trao đổi với nhau vài câu chuyện . Bỗng bà nhà tôi lấy tay hất hất tay tôi . Biết ý , tôi móc trong túi ra đếm đâu chừng 50 ngàn .
- Bác sĩ cầm lấy đổ xăng nhé .

Bà ta cầm ngay bỏ vào trong túi và sau đó chào từ giã ra về .

Tôi biết bồi dưỡng như thế là không đúng . Từ ngữ bồi dưỡng ngày nay không còn có ý nghĩa đẹp như ngày xưa . Khi xưa những người làm công tác khoa học hay tiếp xúc với hoá chất , hay vật tư xăng dầu , chúng tôi mỗi tháng được bồi dưỡng được một kí đường cát trắng , nửa kí sữa bột . Mặc dù thứ này dùng để tẩm bổ cho cơ thể , lấy lại những gì mất mát nhưng cuối cùng các thứ bồi dưỡng này chúng tôi đem bán hết để đổi lấy tiền mua mấy thứ khác tiện ích hơn . Tôi nhận thấy mỗi lần biếu một chút ít tiền bồi dưỡng cho bất cứ người nào , chẳng có một ai từ chối , từ chị hộ lý trong bệnh viên , chị thu ngân . Có lẽ chúng tôi đã làm hư hỏng , làm biến đổi cái tính cần kiệm liêm chính vô tư mà hiện nay nhà nước Việt Nam đang hô hào cả nước chống tham nhũng . Có những người buôn bán thức hôm thức khuya như mấy bà trong chợ , các bà đi bưng tô bún dĩa cơm lại không được tí tiền bồi dưỡng . Có những công nhân quét rác trong chợ , mặt mũi lem nhem ngày đêm cận kề với bao mùi hôi thối lại không có tiền bồi dưỡng . Tiền này chỉ để dành cho những người đầy tờ nhân dân thôi , phục vụ cho dân thì dân có bổn phận trà nước lại một tí . Tôi nghĩ cả nước từ trên xuống dưới , bao bộ máy công quyền , hàng dọc cũng như hàng ngang , phải có bồi dưỡng thì mới hoạt động được . Bạn không tin lời tôi nói ư ! Bạn có thể mở các trang lưới điện tử , hay mua báo Công An , Thanh Niên hằng ngày . Ông nọ bà kia bồi dưỡng quá mức bị người ta phanh phui ra hàng đống .

Bồi dưỡng nếu dịch hay chuyển ngữ ra tiếng Anh là có lẽ là chữ " Kickback " là hay nhất .
Sáng hôm sau thấy tôi chuẩn bị đi tái khám , bà nhà tôi hỏi han :
- Ông có cần tui dắt đi không ?

Tôi thầm nghĩ giá như tôi đeo kính râm lại có người cầm tay dắt đi từ trong chợ ra đến đầu đường Phan Đình Phùng , chắc cũng được bố thí vài ngàn đồng .
- Không cần bà ơi ! Bà cứ tiếp tục ngủ đi . Tối qua tui thấy bà cứ trằn trọc hoài à .

Trong phòng khám , bác sĩ Nam sau khi xem xét kỹ lưỡng con mắt tôi :
- Mắt tốt lắm , chỉ đo đỏ thôi . Tôi kê toa cho ông mua thuốc về nhà rỏ nhé .
- Bác sĩ ơi ! Mắt tôi sao vẫn không thấy rõ lắm hả bác sĩ ?

- Tôi coi rồi , mắt trái của ông từ 12 độ bây giờ xuống còn 5 độ . Để vài ngày nữa mắt lành hẵn , tôi sẽ làm một cuộc giải phẩu nhỏ thôi . Bây giờ ông cứ yên tâm ra về . Mai sẽ có y sĩ tới tận nhà khám cho .

Lại mổ nữa , tôi ngán nhất là việc mổ đi mổ lại . Tôi bước ra ngoài phòng khám , lòng đầy phân vân . Thứ Sáu tuần sau cả gia đình tôi sẽ trở về Mỹ . Giá như hôm nay con mắt trái của tôi làm tốt thì thứ Ba tuần sau giải phẫu mắt phải kia . Nhưng giờ đây mọi chuyện đều không như ý muốn . Nếu để yên tình trạng này mà về Mỹ . Một mắt 5 độ còn con kia đến 12 độ . Lòng vẫn không biết quyết định ra sao , tôi về hỏi thăm ý kiến mọi người trong gia đình . Cô em tôi khuyên :
- Được dịp làm luôn đi anh . Cho chị và các cháu về trước . Anh cứ ở đây yên tâm dưỡng bệnh .

Thế là tôi đi xe ôm lên đại lộ Nguyễn Huệ vào văn phòng máy bay Eva đổi lại chuyến bay của tôi về Mỹ .

Nhân tiện tôi ghé vào nhà sách ở đường Nguyễn Huệ mua vài cuốn sách Cờ tướng thuận pháo nghịch pháo của Quách Trung Bí .

Nhà sách Fahasa rất khang trang . Sách đủ loại được bày biện trên các kệ sách . Dĩ nhiên những hàng đầu trưng bày sách về triết học Mác Lê Nin hay văn thơ Cách Mạng . Các cô nhân viên trong áo dài màu hồng nhạt xinh xắn đứng rảnh rang nhìn khách ra vào . Thấy tôi cứ mày mò các hàng sách trên kệ , một cô tiến đến gần , niềm nở :
- Chú muốn kiếm sách nào hả chú ? Sách cờ tướng hả chú , chú vào góc kia . Tha hồ chú lựa nhé .

Cuốn sách cờ tướng loại bìa cứng giá đến 100 ngàn , còn loại bìa thường chừng vài chục ngàn . Sách đề giá bao nhiêu , ra tính tiền trả bấy nhiêu . Không tính thuế phụ trội 8 % như thành phố tôi đang ở . Tùy nơi có thể hơn hoặc kém một chút . Nhưng ở Mỹ trong tiệm sách , có vài loại sách còn lại dăm ba cuốn và được bán on sale , có khi đến 75 % . Nhưng bên Việt Nam tôi chưa thấy sách bán khuyến mãi bao giờ .

Vừa khệ nệ khiêng sách vào nhà , bà nhà tôi la hoảng lên :
- Mắt mũi ông như vậy , mà còn đọc sách chi nổi .

Tôi chối bai bải :
- Không , tui sẽ nhờ cháu Vinh đọc sách giùm , rồi tui nhẩm cho thuộc , giống như mình chơi cờ mù vậy .

Bà nhà tôi giận dỗi : " Ông muốn làm gì thì làm .

Tôi quay sang cô em tôi :
- Này cô Thu , cháu Vinh đâu rồi , à nó đây rồi , hai bác cháu mình lên lầu .

Đến chiều hôm đó trên sân thượng nhà , văng vẳng tiếng nói :
- Bác đi trước nhé , Pháo 2 bình 5 .
- Cháu tiếp đây , Pháo 8 bình 5 .

Chừng đâu nửa tiếng cháu Vinh lên tiếng :

- Thôi mình đổi qua chơi cờ khác đi bác . Chơi cờ úp .
- Úp là sao .

Cháu Vinh giảng giải :
- Cờ như bây giờ là cờ mở , mỗi bên mười sáu quân xếp theo đúng vị trí thứ tự . Năm anh chốt thì đứng canh bên bờ sông , sau đó là hai thằng đại pháo và cuối cùng là hàng chiến sĩ xe ngựa . Tướng thì núp trong cung . Còn cờ úp , trừ anh tướng ra , tất cả quân cờ đều úp xuống . Khi vào khai cuộc , hai người chơi đều xoa quân cờ của bên đối thủ , úp quân cờ xuống cũng theo vị trí xe pháo mã . Nhưng hoàn toàn không biết con đó là quân cờ gì . Thoạt tiên như cháu đi tiên , mà cháu nắm con cờ nằm ở vị trí con pháo 2 . mở ra thí dụ là con mã , thì nó phải bước đi theo chân mã , nếu nó là con tượng thì nó sẽ đi hình chéo , có thể băng qua sông chiếu bắt tướng . Có nghĩa là bất cứ con cờ nào đều có thể qua sông để chiếu bí tướng .
- Thế con tướng có chạy qua sông để chém đầu tướng địch như ông Quan Công " Qua năm ải chém sáu tướng " thời nhà Hán không ?
- Cháu hổng biết ổng , nhưng cờ úp thì tướng không qua sông , chỉ lòng vòng trong cung thôi . Cờ chơi cũng vui lắm , bác thử nhé .
- Bác mắt mũi thế nào có biết con nào đâu nằm đâu mà đi . Thôi mình chơi cờ mù đi .
- Hổng được bác ơi ! Má cháu cấm chơi cờ mù ,
- Sao vậy ?
- Má cháu biểu "Kiêng."

10/13/2009

Saturday, October 3, 2009

Trên con đường vào chợ Phú Nhuận để vào ngõ nhà cô em tôi , một bà đứng cạnh chiếc xe đạp trên có giỏ bắp luộc miệng rao ơi ới :
- Ngô ngô đây , nóng hổi . Mười ngàn bốn bắp .

Tôi ghé lại , nhìn vào trong cái giỏ .
- Bắp này có dẻo không chị ?

Bà bán bắp trong bộ quần áo bạc màu , đáp :
- Dạ, bắp này sao lại không dẻo . Bác mua thử cho cho chị nhà xơi .

Tôi chỉ vào hàm răng tôi :
- Chị à ! Hôm qua tui mua của chị mười ngàn đến những năm trái bắp . Về nhà tui mới cạp mới có mấy cái . Hai ba cái răng giả tui rớt ra và dính vào trái bắp dẻo của chị . Chị biết không , trái bắp của chị làm tui mất mấy triệu để làm lại .

Bà ta nhìn tôi chưng hửng , chối bai bải :
- Chắc bác lầm rồi . Hôm qua em đâu có bán chỗ này . Thôi bác không mua thì thôi , để cho em bán nốt mấy trái bắp ngô để còn về nấu cơm cho chồng .

Tôi nói đùa với bà ta thôi , chớ thật ra là sáng hôm kia lúc đi ngang qua chợ hàng cá tôi trông thấy một cậu đẩy xe bán bánh bao chỉ . Mua về chục cái để khoe với với bà nhà tôi . Cô em tôi nhìn thấy mấy cái bánh bao chỉ , cười tươi :
- Sao anh tìm ra hay vậy . Lâu quá rồi em mới gặp bánh bao chỉ . Em bận buôn bán suốt sáng nên ít khi nào gặp mua loại bánh bao này .

Bánh bao chỉ nhỏ nhắn trắng tinh như bánh dày, nhưng bên trong trộn nhân mứt dừa hay đậu xanh . Bánh thơm phức và ngọt dịu không như cái bánh donut bên Mỹ ngọt ngay . Bánh này mềm dịu nhưng tôi cảm thấy như đang cắn vào một vật cứng . Tôi lấy ra xem , nhìn vào mãi mới nhận ra đó là mấy cái răng giả dính theo . Tôi phân vân tự hỏi cái bánh bao chỉ dẻo quá dính chặt vào răng hay tại vì mấy cái răng làm khéo quá . Bên Mỹ này trồng vài cái răng như vậy , bảo hiểm y tế đã trả tôi nghĩ cũng vài ngàn đô la .
Tôi nhớ đến một câu chuyện vui trên mạng lưới , mà không ngờ lại xảy ra một trường hợp na ná đến cho tôi .

Vào một đêm ba mươi tối đen như mực , trời lại mưa lâm râm . Trên đường vắng xảy ra một tai nạn giao thông giữa hai chiếc xe hơi . Một ông lão chập choạng bước ra mắng mỏ xối xả vào một cậu thanh niên :
- Lái xe cái kiểu gì vậy , móp xe tui mà mà còn làm cái hàm răng giả tui hư hết trơn rồi .

Cậu kia rối rít xin lỗi ông cụ, nhưng ông cụ kia cứ mắng sa sả :
- Cậu biết không , không có răng tui lấy gì mà ăn .
- Thì cụ làm răng giả khác . Hãng bảo hiểm xe sẽ đền bù cho cụ .

Ông cụ gắt :
- Cậu không biết gì hết . Bây giờ mà hẹn bác sĩ cũng vài ngày , rồi khám , rồi đo đạc , thử tới thử lui cũng hết vài tuần . Trong thời gian đó tôi lấy chi ăn uống đây , ăn cháo hả ?

Cậu thanh niên trầm ngâm một lát , hớn hở nói :
- Cụ chờ cháu một chút .

Nói xong cậu chạy ra phía sau cái xe của cậu , mở cái nắp thùng xe và lôi ra một va li màu đen tuyền . Bên trong cái va li đó đầy ắp những bộ răng trắng vàng đủ cỡ .

Cậu ta bước tới nói với ông lão :
- Cụ ơi ! Cụ há miệng ra cho cháu thử . À ! Bộ này không vừa lắm , chắc bộ kia , cũng không vừa . Bộ này , được rồi cụ ạ , khít khao thật là vừa vặn . Cụ nhai tới nhai lui xem sao .

Ông lão gật đầu , giọng nói có vẻ hồ hỡi :
- Có lẽ được rồi cháu .Nhưng mà tui hỏi thiệt với cháu , nhìn mặt cháu thông minh sáng láng , cháu là nha sĩ học ở trường Trung Cấp Y Dược phải không ?

Cậu thanh niên bình thản đáp lại :
- Dạ thưa cụ , cháu chưa hề học ở đó bao giờ . Cháu chỉ là " mortician" thôi .

Tôi không biết ở Việt Nam có cái nghề này không . Ông/Bà mortician chuyên môn hoá trang và sửa soạn "make up" cho người chết . Người quá cố được trang điểm đẹp như vậy để họ hàng khách khứa vào phúng điếu bớt sợ sệt . Bạn muốn biết rõ về nghề này , xin vào trang wikipedia để coi thêm .

Trong góc bếp cô em út tô đang lui cui sửa soạn bữa cơm trưa . Bên cạnh bồn rửa chén là một chồng bát dĩa ngổn ngang trong đó . Thấy vậy tôi định xăn tay áo lên lăn vào giúp .

Cô Thu em tôi ngăn lại :
- Thôi để em , anh chị là khách mà . Mấy khi gia đình anh chị về Việt Nam . Em làm một mình được rồi .

Một khi cũng gần hết hầu bao , nói chi đến mấy khi . Gia đình tôi ở đây đã hơn tháng nên mọi sinh hoạt trong nhà tôi biết khá nhiều . Sau những bữa cơm trưa chiều cô em tôi lại vén tay áo rửa chén và dọn dẹp . Tôi nghĩ các bà mẹ Việt Nam thật giỏi chịu đựng , thương chồng thương con không muốn họ nhúng tay chân làm những công việc thường nhật đó . Đã vậy có vài gia đình , ông chồng về nhà trong dáng điệu say sưa , thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ nhà mà chả có bà vợ nào dám hó hé . Luật pháp Việt Nam vẫn còn nhiều dễ dãi cho quí ông quá .

Gia đình cô em tôi bốn người cộng với chúng tôi và mấy đứa cháu có đến mười mấy người . Tất cả đều ngồi bệt xuống đất . Cô em tôi khệ nệ mang ra một tô lớn canh chua cá hổ . Bình thường thì cô em hay nấu canh chua cá bông lau , nhưng vì ngày hôm qua chú Tôn đi câu xách về mấy con cá hổ mà chú cứ nhất quyết gọi là cá phi Đài Loan .

Lúc chú Tôn mang cá về , tôi nhìn chúng nó to bằng hai bàn tay , mình dẹp , da trắng nhờn nhợt như cá chim . Hàm răng trắng nhọn và lởm chởm như răng cá mập . Tôi mang máng là hình như đã gặp ở đâu . Đúng rồi cá Piranha , giống cá ăn đủ loại sinh vật nếu lọt vào vùng nước sinh sống của chúng ở Nam Mỹ . Bên Việt Nam gọi là cá hổ , cá cọp gì đó . Không hiểu mấy ông chủ hồ cá ở Hạnh Thông Tây gọi là cá phi Đài Loan , chắc có lẽ gọi vậy cho oai .

Tôi định mang cá ra làm sạch , nhưng ngại làm dơ nhà dơ cửa , bèn xách ra hàng cá . Một chị hàng cá từng quen với chú em đi đời của tôi trông thấy tôi tươi cười :

- Anh mới đi câu về hả ?
- Không , mấy con này là của chú Tôn câu . Chị làm sạch mấy con cá này rồi tui trả tiền công cho chị .

Tôi không mặc cả giá cả với chị ta , Sau khi chị bán cá làm xong , chặt đầu mổ bụng cắt khúc , tôi trả cho chị 30 ngàn . Chị ta cám ơn rối rít . Về sau tôi mới biết sáng chị ta phụ việc bưng tô chén cho hàng bún hàng phở chỉ được trả có 30 ngàn một ngày .

Ngoài canh chua ra , cô em còn chiên thêm mấy khúc cá hổ nữa , nhìn sơ cũng khá bắt mắt , chúng vàng rực quyện với mùi mỡ hành thơm phức .

Ai nấy vừa ăn thử miếng cá đều lắc đầu :
- Eo ơi , cá gì ăn không ngon tí nào hết .

Thịt cá hổ vừa nhạt , lại lắm xương nhỏ . Thử miếng cá hổ chiên , nó cũng dở như nhau . Nhưng không sao , cô em tôi lúc nào cũng có thịt sườn chiên dành riêng cho hai đứa con trai cưng của cổ . Hèn gì tôi về chợ này hơn cả tháng , chả khi nào thấy họ bày bán loại cá này . Loại cá này có lẽ không thích hợp ngon miệng với loài người nhưng là thức ăn khoái khẩu của loài rái cá . Một chú rái cá một ngày có thể xơi tái vài chục con cá loại này .

Buổi chiều hôm đó tôi lại gặp chị bán cá , chị ta mặt sáng lên hỏi tôi :
- Hôm nay anh có đi câu không , nếu có để em làm cá cho .
- Không , nếu có chắc đi câu cá mập quá .

oooooOOOOooo

Chiều hôm sau hai vợ chồng tôi đáp xe lên bệnh viện Phú Nhuận . Dạo này cuối tháng Bảy mưa hay đổ bất chợt . Bầu trời xám đục , mưa lất phất bay . Chúng tôi lên lầu , hỏi thăm và được chỉ cho phòng mổ , nơi đây họ gọi là phòng tiểu giải phẫu . Bên ngoài mưa rớt xuống , rơi những hạt mưa bay hắt vào mặt chúng tôi . Nước mắt rơi hay mưa rơi đây . Bà nhà tôi nắm chặt lấy tay tôi . Tôi cũng biết chuyện này không phải lớn lao gì cho lắm , nhưng giả sử chuyện giải phẫu không thành công , thì tôi thành độc nhãn đại hiệp . Về Mỹ chắc khó có thể trở lại nghề điện tử được . Tôi chỉ biết úp mặt cầu nguyện thôi . Tôi nghĩ bụng mình còn nhát gan hơn cả vợ mình . Tôi từng đi biển , vượt sông nhưng lúc ra đi có đôi có cặp , không bằng người đàn bà vượt cạn mồ côi một mình . Tôi đã từng bình tĩnh đối diện với công an cửa khẩu Tây Ninh lúc vượt biên (chuyến này không thành công ) , từng đối mặt với lính Nam Dương trên giàn khoan , họ lăm le tay súng đòi đuổi chúng tôi , họ cấp lương thực nhưng không cho ở lại . )

Tối nay chỉ có hai người vào mổ mắt cườm . Chúng tôi được mặc một bộ áo màu xanh dương . Chân không được mang giày dép . Một cô y tá cho tôi uống vài viên trụ sinh . Trong phòng tiểu giải phẫu , tôi gặp lại bác sĩ Phong . Ông ta bảo tôi nằm xuống trên một chiếc băng ca , và tiêm thuốc tê vào mí mắt bên trái . Xong chúng tôi ngồi đợi bên ngoài đâu chừng mươi phút .

Tôi được dẫn vào nằm trên một giường giải phẫu . Hai ba ngọn đèn bạch quang sáng rực trên mắt tôi . Lúc này bác sĩ Nam và và bác sĩ phụ tá tới . Họ mang găng tay và bịt mũi miệng .

Tôi chỉ thấy mang máng họ đẩy một cái máy lên trên đầu , và nghe tiếng soẹt soẹt trên con mắt trái tôi . Vì đã chích thuốc tê nên tôi không cảm thấy đau .

Chừng đâu mười phút cuộc tiểu giải phẫu này xong . Sau khi dùng miếng băng tròn bịt mắt trái tôi lại , bác sĩ Nam dặn dò :
- Giải phẫu rất tốt đẹp , anh ngày mai tới khám .

Tôi cám ơn bác sĩ và các vị phụ tá và bước ra ngoài . Lúc này tôi không đeo kiếng , mắt phải tôi cận lên đến gần 10 độ . Bà nhà tôi bước tới dìu tôi xuống đường . Ngoài đường mưa còn rơi lất phất , đèn điện đã lên sáng lờ mờ .

3/10/09
Mổ mắt

Bệnh viện Phú Nhuận không có vẻ bề thế hoành tráng như bệnh viện Thống Nhất hay chợ Rẫy , nó có dáng dấp như một trung tâm y khoa nhỏ , như bên Mỹ nó tương đương với một clinic nào đó. Bệnh viện không có mái che chính giữa . Bốn chung quanh là những phòng khám bệnh hoặc văn phòng hành chánh . Ban công lát gạch
ô vuông xam xám , trông có vẻ hơi bẩn . Mặc dù nhân công thường hay quét dọn hay lau chùi , nhưng vẫn không thể nào tẩy xóa hết từng vết dơ bụi bậm từ ngoài đường bay tràn vào .

Tôi gặp một chị độ chừng bốn mươi tuổi trong bộ áo bà bà xanh dương nhạt .

- Chào chị , chị biết chỗ nào để đóng tiền mổ mắt không ?
- Bây giờ đã trưa rồi , chị Mai thu ngân sắp đi ăn rồi . Thôi chú cứ ngồi ở đây khoảng đâu chừng một hai giờ để chờ chỉ trở lại nhé .

Tôi cám ơn , ngồi đại xuống một cái băng dài dành cho người bệnh , đợi một lát thấy chán tôi tự nhủ : " Ngồi đợi chi vậy , thiên hạ đi ăn thì mình cũng đi ăn . " Giờ ăn trưa đến , tôi cảm thấy đói bụng , bèn bước xuống lầu và tìm ra một nơi có bảng đề " căng tin " , trong có kê vài cái bàn .

- Chào bà chủ .

Bà chủ tiệm nở nụ cười , nói với giọng xứ Bắc :
- Không , em "nà" đầy tớ nhân dân thôi , đâu đến phiên em làm chủ . Thế anh muốn ăn món chi , ở đây có phở , bún bò , cơm sườn ...
- Tui kiêng không ăn thịt , chị có cơm cá quả kho tiêu không ?
- Dạ không . Quả không mà "nóc" cũng không , thế bác xơi cá hú nhé .
- Cá hú là cá tra phải không chị ?
- Không , cá tra nó ăn cái kia , còn cá hú thì không . Thế bác có muốn ăn không thì bảo ?
- Dạ , cho tui cá nào cũng được .

Ở góc tường treo một máy truyền hình , leo nhéo một giọng ca lanh lảnh : " ... đôi mắt như lửa soi, đốt thiêu quân thù này... (1)

Hình như cái cô ca sĩ trong ti vi đang ví von trêu ghẹo tôi . Mắt tôi đang mờ nhòe , nhìn cảnh vật cứ như nhòa đi mà cô ta cứ " mắt anh như lửa soi hay ngời sáng " gì đó .

Trước phòng thu ngân tôi thấy vài người bệnh đã ngồi chờ sẵn đó . Cạnh tôi là hai ba phụ nữ nước da khá trắng trẻo . Khi tôi hỏi thăm mà cứ thấy bà này không trả lời mà lại quay sang một chị khác . Bà này thông dịch hộ :
- Hai bà này người Campuchia , họ không biết nói tiếng Việt . Họ xuống đây đi mổ mắt cườm .
- Chắc hai bà này là Hoa kiều . Trên Nam Vang không có bác sĩ chuyên khoa về mổ mắt hả chị ?

Chị ta quay sang hỏi hai bà kia , và dịch lại :
- Hồi xưa thì có , nhưng dạo sau này họ mổ bằng mã tấu không hà.

Đang tán dóc bỗng nghe có tiếng gọi tôi . Tôi bước vào căn phòng thu ngân . Phòng này thật khiêm nhượng , có kích thước 2 x 3 mét vừa đủ cho hai ba người ngồi .

- Chào chị Mai .
- Sao ông biết tên tui . Phải cái chị hộ lý mập mập như vầy nói với ông không ?

A thì ra cái chị hướng dẫn tôi đi tìm hồi nãy là hộ lý , tức là làm những công việc lặt vặt linh tinh trong cơ quan . Trước đây tôi cứ tưởng hộ lý như là một chị bí thư riêng nào đó của một thủ trưởng cao cấp nào đó .

- Ông đóng bốn trăm đô la .

Chị Mai cầm bốn tờ giấy xanh giơ lên cao soi tới soi lui , xem chừng có phải là tiền giả không .

Tôi cười :
- Tiền thiệt đấy , chỉ trừ khi nào mà chị thấy hình ảnh tôi trên tờ giấy đô la . Đó mới là tiền giả .

Tôi không hiểu sao có cái lệ đóng tiền bằng Mỹ kim mà không bằng tiền ông Hồ . Bây giờ có tờ 500 ngàn cũng xinh đẹp ra phết , tính ra giá trị cũng bằng 30 đô Mỹ . Tôi nghe đâu đây sẽ in ra tờ một triệu đồng . Không biết cầm vài tờ có thành triệu phú không .

Có lần một người Mỹ trong hãng cầm lấy hai ba tờ giấy bạc Việt Nam khoe với tôi .
- Andy , you xem tờ này là tiền Việt Nam phải không ? You xem nó bằng bao nhiêu đô Mỹ .
- Bằng bao nhiêu đô Mỹ à . Tờ năm ngàn này chỉ hơn 25 xu Mỹ chút ít .

Hắn trợn mắt không tin . Tôi bèn mở một trang mạng , chỉ cho hắn xem : " Đấy you xem , một đô bằng 16000 đồng Việt Nam , tin chưa . Tôi không hiểu tại sao bác Mao vĩ đại nặng non tạ , chỉ gấp đôi bác Hồ nhà mình mà tiền bác Mao lại có giá trị gấp hơn 2000 lần . Trung Quốc cái gì cũng vĩ đại hơn chăng !

- Xong rồi , mai chú chú trở lại 7 giờ sáng để khám tổng quát .

Đi giải phẫu mắt có vướng mắc chi khám tay chân tim gan phèo phổi . Nghe vậy tôi chẳng buồn cãi lại . Họ làm việc ở bệnh viện lâu năm , đủ chuyên nghiệp hơn tôi .

Sáng hôm sau tôi lại theo chị hộ lý đi qua một phòng khám khác để thử lượng đường trong máu . Tưởng hiện đại làm sao , chớ cái máy thử đường , bên Mỹ nhà tôi cũng có một cái . Máy nhỏ nhắn , nhỏ bằng phân nửa bàn tay tôi, máy này thường biếu không trong các tiệm bách hóa Walgreen , CVS , nhưng muốn xài thì phải cần có que thử . Một hộp que thử chừng vài chục que , chừng đâu 50 đô . Công việc thử này giản đơn thôi . Dùng kim bấm lên đầu ngón tay , nặn ra chút máu , xong quẹt lên que thử . Thế là tự động máy đếm đo . Dưới 100 là được .

- Xong rồi chú qua bên nội khoa khám .

Tôi đi ra ngoài kiếm chị hộ ly . Tìm mãi mới thấy chị đang dọn dẹp một góc nào đó . Đi theo chị rồi lên lầu , té ra phòng khám nội khoa nằm kế bên phòng thu ngân .

Bác sĩ Phong dáng hơi thấp . Nhìn mặt ổng , tôi đoán chừng lối xấp xỉ 40 tuổi .

Vạch mắt tôi ra xem xét , bác sĩ Phong hỏi :
- Anh có bị cao máu ?
- Không
- Mỡ cao ? Không hả ? Đường cao ? Không hả ? Thế là tốt . Tối mai đúng 8 giờ lên đây , bác sĩ Nam mổ cho .
- Thế bác sĩ không giải phẫu à ?
- Không , tôi đang thực tập .

Bên cạnh tường là một bức tranh lập thể , tôi ngắm nghía mãi vẫn chưa đoán là vẽ cái chi .
- Bức tranh này à ! Quí lắm , có một bệnh nhân sau khi mổ mắt biếu tặng . Hôm đó cô Mai mang tấm tranh này vào , nói rằng có người tặng cho tôi .

Tôi không dám quyết đoán đó là hình gì , có thể là hình vẽ con mắt hay con sâu gì đó , sợ nói ra bác sĩ Phong giận , dám bỏ luôn ngành chuyên khoa mắt , nên tôi chỉ cười nói không biết .

Chú thích :
1. Bài ca Cùng anh tiến quân trên đường dài của Huy Du và Xuân Sách .

2/10/09