Sunday, June 28, 2009

Hien mau

Hiến máu

Sáng nay trong thánh lễ cha chánh xứ kêu mời giáo dân ra làm việc thiện : hiến máu.

Đã từ lâu , có lẽ gần 40 năm tôi chưa cho máu lại. Dạo ấy tôi nhớ là Trung Tâm Tiếp Huyết Gò Vấp gì đó. Từ nhà tôi ,chợ Phú Nhuận lái xe đạp chừng 20 phút là tới. Hiến máu xong người ta cho tôi một cái thẻ rồi mang qua tiệm phở ngõ đối diện ăn tô phở tái chín không phải trả tiền. Tôi không nhớ lúc đó gọi là gì , nhưng bây giờ hình như là bồi dưỡng nghiệp vụ .

- Nhớ nhá ! Xin quí vị " tí huyết " thôi , nhưng công việc bác ái của quí vị sẽ giúp đỡ rất nhiều các bệnh nhân đang chờ quí vị. Các nhân viên y tế họ đang ở bên cạnh nhà thờ , trong hội trường giáo xứ.

Xong thánh lễ tôi hỏi bà nhà tôi có muốn hiến máu không và bà nhà tôi lắc đầu lia lịa.
- Vậy thì bà nhờ ai chở về nhà nhé , tui vô cho máu .

Trong hội trường dăm nhân viên y tế người Mỹ của hội Carter Blood Drive đã chờ sẵn tươi cười chào chúng tôi. Cả nhà thờ lễ sáng mấy trăm người , nhưng vào đây hiến máu chắc được bảy tám người. Sau khi đưa bằng lái xe coi mặt mũi tên tuổi chúng tôi được đưa vào máy vi tính laptop. Mỗi người một tờ giấy loằng ngoằng những câu hỏi tiếng Anh . Một cô gái mặt mày khá sáng sủa , nói tiếng Anh không thông thạo lắm với một cậu nhân viên y tế người Mỹ , ra điều là không hiểu mấy chục câu hỏi bằng tiếng Anh. Tôi tài khôn , góp ý :
- Cô ta không hiểu những câu hỏi này , tôi có thể giúp cô ta trả lời Yes No được không?


Cậu ta khăng khăng nhất định không chịu.
- Phải cần thông dịch viên.

A ! Vậy thì trong nhà thờ giáo xứ tôi có rất nhiều bác sĩ trẻ người Việt , tiếng Việt của họ có lẽ không bằng tiếng Anh , nhưng để dịch mấy chục câu này ra tiếng Việt chắc dư khả năng.

Cậu ta lại lắc đầu tiếp :
- He/she must be a certified interpreter. (Phải là thông dịch viên được chứng nhận.)

Gớm ! Tôi nghĩ trong bụng : " Đi hiến máu mà khó khăn quá , hèn gì vô đây chỉ có dăm bảy mạng. "

Sơn , một ông cùng chung khu Tử Đạo với tôi góp ý :
- Hay là anh chỉ cho tôi câu nào trả lời Yes là tôi có thể làm được.

Tôi nhìn vào tờ giấy có mấy chục câu hỏi , đếm được có ba câu trả lời Yes. Are you healthy today? (Hôm nay ông/bà khoẻ mạnh không? ) , Have you read all informations about blood donation? Ông/bà có đọc hết phần tin tức về sự hiến máu chưa? ) và Are you a male? (Ông là phái nam? ).

Ông Sơn cười toe toét :
- Úi dào ơi ! Dễ quá chừng ! Có khác gì đi thi quốc tịch Mỹ . Chỉ cần học mấy câu trả lời Yes thôi , còn bao nhiêu cứ lắc đầu No hết.

Bà nhà tôi lúc đi thi vào quốc tịch cũng vậy. Bả nhớ tổng cộng có 6 câu trả lời Yes , còn lại là No : "Tui chỉ nghe bà quốc tịch mở miệng " Heo du é vờ (Have you ever... ) là tui trả lời nô ngay. Tui thi có một lần là đậu , không như ông , phải hai lần mới qua cầu .

Điền đơn xong tôi được một cô nhân viên y tế chỉ tay :
- Ông qua cái bàn bên kia ngồi chờ nhé !

Một cô y tế khác người Mỹ trạc tuổi con gái thứ hai của tôi , cầm tờ giấy lúc nãy và đọc từng câu hỏi cho tôi trả lời. Chuyện này đối với tôi quá dễ thôi , hỏi tôi có từng bị viêm gan không , có bị bịnh AIDS không , có từng ăn nằm với ai đồng phái không , có từng bị những chứng bệnh về hoa liễu phong tình không , và còn nhiều thứ bịnh mà tôi không hiểu hết nghĩa .
- Bây giờ tôi lấy ít máu của bác để thử nghiệm "Iron" (chất sắt ).

Tôi hơi ngạc nhiên vì cách thức lấy kim bấm "một cái chạch " y hệt như cách trích máu để thử lượng đường của tôi hàng tuần một , nhưng có lẽ cái kim của cô ta to hơn thì phải , bởi vì máu ra khá nhiều.
- Chất sắt quan trọng lằm , nó liên quan đến hồng huyết cầu. Lượng ấn định được phép lấy máu tặng phải là 12 đến 20.
- Vậy của tui bao nhiêu?
- Mười lăm , bác trung bình , xong rồi bác ký tên dưới đây . Bác qua bên cái giường đặt ở góc kia nằm chờ cho máu.

Nằm trên cái giường tự động điều chỉnh bằng tay sơ sài , tôi ngó qua bên cạnh , bắt gặp một cậu thanh niên cùng xứ.
- Máu của cậu máu gì vậy?
- Máu dê .

Tôi bật cười , hỏi lại :
- Không biết tiếng Mỹ gọi máu dê là gì , hay là máu băm lăm .
- Gọi là Goat Blood hay Thity-Five Blood Mỹ chả hiểu gì đâu . Nói loạng quoạng họ lại hiểu mình hành hạ súc vật. Đi mua dê ở chợ trời về , cột nó ở đuôi xe rồi bắt nó chạy theo xe cho nó toát mồ hôi , có vài ông bị cảnh sát bắt rồi.

Cô nhân viên y tế giao cho tôi một trái banh cao su nhỏ , bảo tôi bóp chặt ba lần , lần cuối nắm chặt nó , đừng buông ra . Cô ta có vẻ rành nghề , đâm cái kim vào mạch máu chính của tôi .
- Bao lâu thì việc cho máu này xong hả cô?
- Chừng bảy phút , tối đa là mười phút . Ông cảm thấy trong người ra sao?
- Người tôi thì không có gì , nhưng cánh tay hơi tê rần.

Cô ta quay sang một nam nhân viên cầu cứu . Ông ta chỉnh lại cánh tay tôi , cho thấp xuống một tí , và gỡ một sợi dây nịt kẹp chặt phần cánh tay trên của tôi.
- Tại cô kẹp ông ta hai lần dây. We have a little problem right here. (Chúng ta có vấn đề nhỏ ở đây. )

Họ nói loáng thoáng với nhau , tôi dù rằng tai hơi điếc cũng hiểu đôi chút. Thắt dây ta rốt kiểu này như là kẹp chặt cánh tay khi bị rắn cắn. Chừng 10 phút là tay tôi đi đời. Tôi có đọc một câu chuyện vui là một ông nằm trong thương , miệng được trợ thông bằng ống dưỡng khí oxy , một cô y tá cũng hỏi tương tự như thế. Ông ta thở hổn hển : " Cô ơi làm ơn đừng dẫm chân lên cái ống dây hơi của tôi. "

- Ông đếm 1,2,3 rồi bóp trái banh một lần nhé .

Tôi cố gắng bóp trái banh được vài lần , và cảm thấy bàn tay mấy ngón yếu hẵn đi.
- Cô ơi ! Hiến máu thường là bao nhiêu là đủ .
- Cũng ít thôi , chừng nửa lít máu ( one pint ) cộng thêm một bịch nhỏ để thử nghiệm thêm.

Tôi nhớ không lầm , lần đầu tiên tôi được lấy chừng 150 cc (150 ml ). Lần này gấp ba. Thôi mà cũng được , tôi qua tôi đi ăn buffet A1 một tiệm Trung Hoa (all you can eat ). Trong người có lẽ dư thừa , chắc không sao.

Xong xuôi tôi ngồi dậy từ từ đi tới một góc khác. Người vẫn bình thường , chân vẫn không run , không đến nỗi phải ca bài Khúc Thuỵ Du : " Vì sao môi anh nóng , vì sao chân anh lạnh.... vì sao và vì sao.... "

Một bà Mỹ trạc tuổi tôi đon đả mời :
- Ông uống nước ngọt nhé , ăn đồ ngọt được không?

Lúc này trong hội trường giáo xứ đã mở máy lạnh. Mặc dù bên ngoài mới cuối tháng sáu , trời đã nóng bức 103 độ F. Tôi không cảm thấy khát và khô miệng. Tôi cười và nói đùa với bà ta :
- Đây là lần thứ hai tôi cho máu. Lần đầu cho , tôi được tặng bữa ăn bíp tếch phi. (Beefsteak free ).

Khi đó là ăn phở , nhưng nếu dùng chữ Phở mắc công lại dịch ra lôi thôi.
Bà ta tròn xoe mắt : " Really ! " (Thật không ! )

Tôi ra khỏi hội trường không thấy bóng dáng bà nhà tôi ở đâu. Xách cái điện thoại di động ra gọi về nhà , mấy đứa con trả lời rằng bà nhà tôi chưa thấy về . Tôi ngạc nhiên tự hỏi : " Lúc vào cho máu là 9 giờ 15. Bây giờ là 10 giờ 30. Từ đây về nhà bả đi bộ cao tay lắm là 15 phút. Chẳng lẽ đi chợ , không đúng. Từ đây ra chợ đi bộ cũng 15 phút , mặc đồ đẹp đi lễ chẳng lẽ khệ nệ tay vác thức ăn về . Tôi biết tánh bà nhà tôi lắm. Con nhà lính nhưng tính nhà quan. Vất vả tay chân thân thể là không có mặt. Chẳng lẽ bà nhà tôi lại vào xem lễ tiếp , siêng năng thế ư ! Tôi vào trong nhà thờ để ý xem bà nhà tôi ngồi ở góc nào. Không thấy đâu , tôi lại đi ra ngoài .

Bỗng nghe tiếng điện thoại reo :
- Ông đó hả !
- Bà ở đâu vậy? Tui kiếm bà khắp nơi như thể tìm chim vậy.
- Chim chiếc gì ! Tui mới đi bộ về tới nhà , ông ngồi góc nào mà tui vô tìm hổng thấy , bèn lội bộ về nhà . Chiếc giầy ông mua tặng tui bữa nọ làm tui tróc hết miếng da chân . Giầy chi mà dỏm quá !

28/6/09