Saturday, March 20, 2010

Thành phố Cần Thơ

Cháu Vi tuy mới 12 tuổi nhưng nhờ giống tốt nên cháu đã cao xấp xỉ như tôi và chắc chắn rồi đây sẽ đẫy đà hơn tôi , nghe má nó nói ít nhất cũng gần 70 kí .

Nó có nhiều mộng tưởng , có lần nó thủ thỉ với tôi :
" Cháu ước mơ sau này cháu trở thành siêu sao bóng đá như Beckingham ."

Tôi nhìn thân hình đẫy đà của nó rồi thở dài :

- Nếu vậy cháu phải tập chạy hàng ngày thân hình mới thon thả được . Bác nghĩ mãi có một môn này thích hợp cho cháu nhưng sợ cháu không thích .

- Môn gì hả bác ?

Mắt nó long lanh nhìn tôi ra dáng chờ đợi .
- Su mô .
- Là môn đá banh kiểu mới hả bác .

Tôi ngập ngừng :
- Là môn vật cổ truyền của người Nhật .

Nó tươi cười :
- Cái đó cháu khỏi cần học , trong lớp cháu vô địch , hổng có thằng nào vật lộn lại cháu . Bác không tin à , bác hỏi thằng Bi thằng Bơ mà hôm bữa chúng đến nhà cháu chơi bác thấy đó .

À ! Thì ra hai cậu bé nhỏ nhắn thường hay tới rủ cháu Vi đi giựt cô hồn trong mấy cái hẻm gần nhà cô em tôi . Chúng nó đồng sàng đồng lứa vơi nhau , nhưng cháu Vi khi đứng chung với mấy đứa bạn ,có thể nói nó to gấp ba lần những đứa bạn cùng trang lứa . Bởi vậy mấy ngay này tôi nằm trên lầu ba mà còn nghe tiếng ơi ới rủ rê gọi cháu Vi đi giựt cô hồn ở các nhà hàng xóm chung quanh .

Hai bác chúng tôi mon men qua cầu Công Lý , chiếc cầu nho nhỏ dựng tạm để tất cả loại xe gắn máy bắt buộc phải chạy qua . Từ bên kia cách cái cầu chừng trăm thước hai anh cảnh sát mặc sắc phục ung dung đứng chờ sẵn . Cậu nào lái xe gắn máy không chịu đi ngang qua cầu tạm mà cứ phăng phăng tiến qua chiếc cầu lớn có lẽ sẽ bị lôi vào phạt vạ .

Tôi nghe vài tiếng còi hoen hoét của anh cảnh sát , và đồng thời thấy anh ta bước ra gần giữa đường lộ , một tay cầm ba toong một tay giơ tay chỉ vào một cô , mặt che mạng lưới ton ton chạy tới . Chắc hẵn phen này cô ta cũng bị giấy phạt hơn trăm ngàn .

Từ bên này đường hai bác cháu cẩn thận luồn lách qua hàng dòng xe gắn máy đủ loại rồi băng qua bên kia đường . Từ trên mặt đường rơi rớt những tờ giấy màu vàng có vạch hàng chữ đỏ , đó là tiền vàng mã rơi rác khắp nơi . Đi ngang chùa Vĩnh Nghiêm trong gian phòng Tịnh Thất đường , lúc nào cũng có vài ban nhạc ò e trong điệu nhạc đưa đám .

Cách đây mấy ngày tôi đã thử đi xe buýt của hệ thống chuyên chở công cộng . Trước 75 chỉ có vài tuyến lộ như Sài Gòn qua Tân Định và Bà Chiểu , hoặc Sài Gòn Chùa Vĩnh Nghiêm -Tân Sơn Nhất . Bây giờ có cả mấy chục tuyến đường chạy ngang dọc cả Sài Gòn . Đợi chờ không lâu tôi thấy một xe buýt chạy ào tới . Bề ngoài nó sơn màu xanh nhạt khắc hẵn màu đỏ vàng ngoài Hà Nội .
Tôi quay sang hỏi cháu Vy :
- Đố cháu nhá , xe buýt ngoài Hà Nội sơn màu đỏ vàng , còn trong Sài Gòn sơn xanh . Thế cháu có biết xe nào sơn đen trắng không ?

Nó ngẫm nghĩ một chút rồi hớn hở đáp :
- Đen trắng thì cháu chưa thấy , nhưng xe sơn màu đen thì bác cứ nhìn cái nhà kế bên chùa Vĩnh Nghiêm thì thấy ngay .

Xe số 7 mang hành khách qua đường Lý Chính Thắng (Yên Đỗ cũ), rồi tách quẹo phải qua đường Võ thị Sáu qua Bệnh Viện Tai Mũi Họng len qua nhà thờ Chúa Cứ Thế rồi tiến thẳng lên đường 3 tháng 2 ( Trần Quốc Toản cũ ) . Tôi chưa từng lái xe buýt nhưng giá như mà cho tôi lái tôi cũng chẳng dám len trên những xe đủ loại trên những con đường này . Qua những dãy phố dọc theo đường 3 tháng 2 , tôi chẳng còn nhận khuôn viên trường đại học Quốc Gia Hành Chánh mà thay thế vào đó là một nhà văn hoá to lớn đồ sộ (hình như bây giờ gọi là Cung Văn Hóa 3 tháng Hai thì phải ). Hai bác cháu bước xuống xe buýt và đợi chờ chuyến xe buýt 34 để mang chúng tôi tới tận Xa Cảng miền Tây .
Được bao vây quanh bởi các bức tường gạch , Xa Cảng Miền Tây rộng rãi không bằng Xa Cảng Miền Đông , nhưng nó đủ chứa vài chục xe khách mà ngày xưa gọi là xe đò . Tôi bước tới một chỗ bán vé , hỏi giá xe đi xuống Cần Thơ bao nhiêu .

Cô thu ngân trông thấy tôi đứng tần ngần sẳng giọng:
- Ông mua mấy vé ?
- Hai , nhưng hổng biết vé xe này là vé đứng hay vé ngồi .

Cô thu ngân tròn xoe đôi mắt nai :
- Chú nói gì tui không hiểu , thôi chú lên xe đi , xe đậu tuốt đằng kia kìa .

Chuyện vé đứng vé nằm vé ngồi tôi nghe được từ trong các mạng lưới Vietnam Express , Tin Nhanh Viet Nam nói về các Hành Trình Xe từ Hà Nội Thanh Hóa hay đi vài nơi khác . Xe khách 70 chỗ ngồi mà nó phải chở đến 150 mạng . Đây tôi xin thuật lại :
"Xe 70 chỗ ngồi nhưng chở gần 150 người rục rịch lăn bánh rời bến xe Giáp Bát theo lộ trình Hà Nô.i-Thanh Hóa. Sáu giờ trên xe với chặng đường gần 200km từ người già, trẻ nhỏ đứng trên xe với tư thế “lặc chân cò”, những khuôn mặt ái ngại, những tiếng rên từ những người bị say xe. Đó chính là cảnh tượng hãi hùng khi đi xe dịp lễ này. "

Chiếc xe khách sẽ mang chúng tôi về Cần Thơ có hình dáng như một loại xe đò 50 chỗ ngồi như những năm tháng 1980 , nhưng giờ đây nó ngắn hơn . Tôi đếm có vào khoảng 20 chỗ ngồi . Cháu Vy vào hàng ghế cuối . Ngồi kế tôi là một ông mặc áo quần trông có vẻ lam lũ , áo đã ngả qua màu cháo lòng . Xe chưa chạy máy đang rồ ga chạy bịch bịch nhè nhẹ . Ông nọ ngồi kế tôi rất tự nhiên lôi ra một điếu thuốc , bật lửa và nhả khói thuốc bay tỏa khắp những hàng ghế sau . Tôi nhăn mày khó chịu . Một cô gái ngồi trái ông ta thốt lên :

- Chú à . Chú không thấy cái bảng cấm hút thuốc đầu xe không ?

Ông ta tảng lờ nhìn quanh quẩn và cứ lặng yên nhả khói .

Ở Việt Nam phạt vạ vẫn chưa được thi hành hay chế tài một cách nghiêm túc . Nếu như ở thành phố Singapore người vi phạm sẽ bị ghi phạt khoảng 500 tiền đô Singapore . Ở Mỹ và châu Âu tôi không biết giá là bao nhiêu vì tôi chưa từng nghe nói ai vi phạm luật trên . Tại Sài Gòn tôi từng đi xe tắc xi khá nhiều vì bà nhà tôi chê đi xích lô không an toàn vả lại không chở được nhiều người . Nhưng từ khi tôi còn ở lại đây tôi rất ghét đi tắc xi vì hầu như lúc nào cũng vậy , vừa lên xe tôi đã ngửi thấy mùi thuốc lá ảm trên các băng ghế . Vì thế về sau tôi chọn một phương tiện di chuyển khác an toàn , rẻ hơn . Đó là xe buýt , trong xe hoàn toàn không có mùi thuốc lá và rất an toàn dù đi trong đường lộ hay ra ngoài các đường cao tốc . Duy chỉ có một điều là tôi lúc nào tay cũng thò vào trong túi quần để xem cái bóp còn hay mất .

May thay bên tay phải tôi còn dư một chỗ trống sát thành xe, nơi tôi có thể quay mặt sang để thở hít không khí ngoài trời . Xe đủ chỗ và tới tài, xe phải chạy để nhường chỗ cho xe khác tới phiên . Xe chạy vọt đi mang lại vài luồng không khí mới dù rằng ngoài đường phố trong Chợ Lớn khói xe vẫn lảng vảng bay toả trong không gian mịt mờ .

Con đường dẫn chúng tôi về miền Tây khá êm , bên Mỹ đường cũng êm như thế thôi , nhưng có một điều khác lạ hơn những thành phố trên thế giới mà tôi đã đi qua là lúc nào cũng có tiếng te te còi bóp inh ỏi . Hình như có vẻ xe nói rằng tao là chiếc xe to đây , các ngươi không tránh ra thì biết . Qua khỏi Long An nhà cửa trở nên thưa thớt . Nhà cửa đủ loại từ nhà gạch tường cao hai ba tầng đến những cái nhà tranh nhà tôn mọc san sát bên những hàng cây dừa , cây gòn . Có những hàng quán cho mướn võng chênh vênh . Vài ba ông khách nằm đong đưa dưới tàn cây mát , bên cạnh dựng vài chiếc xe Honda . Ngày xưa tôi còn thấy những cánh đồng lúa tươi xanh chen lẫn với vài mái tranh ẩn khuất trong những rặng trâm bầu . Giờ đây hàng quán chen đua thi nhau mọc loạn xạ . Nếu như cho phép chúng có thể đưa nhau ra tới giữa đường lộ . Đôi khi tôi bắt gặp xe đò chạy chậm lại , chạy theo đúng tốc độ ghi sẵn trên đường , thì ra bác tài thấy bóng dáng hai anh công an đang ngồi chễm chệ trên hai chiếc xe mô tô to lớn . Chắc chắc bác tài nào vi phạm sẽ bị các anh này rượt xe đuổi theo ngay . Xe vượt qua vài con kinh con rạch , nước sông đục màu vàng mang theo phù sa len lỏi vào tận xóm làng . Tới nhả ba Trung Lương xe quẹo mặt để đi về Cái Bè Cai Lậy . Lúc trước tôi theo thằng bạn thân về quê hương Mỹ Tho của nó , bao giờ xe cũng chảy thẳng và về tới bến đỗ ở ngay hồ nước . Xe vẫn nhịp nhàng băng qua cây cầu Bắc Mỹ Thuận , cây cầu mà người Nhật đã góp vốn ODA ra giúp . Nó vắt qua con sông Tiền dưới làn nước luôn luôn đục lớp phù sa , để miên man xuôi ra biển cả . Dọc theo con cầu thỉnh thoảng có vài bà nghiêng vai nhịp đều khiêng đôi quanh gánh để tiến về nhà hay ngôi chợ nào đó . Thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài ngôi nhà có mặt tiền (bây giờ hay gọi là mặt bằng) sửa thành cửa quán trên có đề biển " Phở Nai phở Miền Tây . Té ra bây giờ món phở đã lan tràn xuống tận miền Tây để cạnh tranh với món hủ tiếu Mỹ Tho và biết đâu sẽ thách đố với cả món bún cá Kiên Giang .


Xe khách đậu vào hẵn trong chiếc phà . Chúng tôi bước ra ngoài và tìm một chỗ cao để nhìn toàn cảnh xa xa .
Cây cầu Cần Thơ nằm bên trái chúng tôi , nó mới xây được vài nhịp . Nghe đâu phải đến năm 2010 cây cầu này mới hoàn thành đúng kỳ hạn . Mới đầu thi công đã xảy ra nhiều sự cố trục trặc đáng tiếc như từng xảy ra tai nạn vào năm 2007 đã khiến 54 công nhân thiệt mạng và 200 người bị thương. Theo tin tức trong nước , lỗi này hoàn toàn do sự thi công thiết kế của ba công ty Nhật đấu thầu TNK . Không hiểu rồi đây chiếc cầu bắc qua sông Hậu sẽ tồn tại với thời gian được bao lâu .

Khi xe khách vừa đỗ tại bến xe Cần Thơ thì trời đổ mưa . Tôi xem đồng hồ , giờ này mới 12 giờ trưa . Vào những tháng bảy tháng 8 mùa mưa trời có thể mưa bất chợt bất cứ lúc nào. Lúc buổi sáng lúc buổi trưa lúc ban chiều . Hai bác cháu chúng tôi vội chạy vào ẩn núp dưới mái hiên của của bến đậu . Một ông trong chiếc áo mưa đi về phía chúng tôi nói :
- Đi về đâu anh Hai ?

Tôi nhìn ông ta quan sát một lát . Nét mặt ông ta bình dị như mọi người lao động quanh năm , sớm nắng chiều mưa . Da mặt sạm đen , nét mặt khô cứng dày dạn phong sương . Tôi không ngần ngại , hỏi thẳng ông ta :

- Nếu anh chở hai bác cháu tui đi lòng vòng thành phố Cần Thơ , anh lấy bao nhiêu ?

Ông ta nghe đến đây biết chúng tôi không phải là dân địa phương, nên mặt hớn hở tươi hẵn ra . Tay ông ta vuốt vài giọt nước mưa vương vải trên mặt :
- Em , em tính anh một trăm ngàn một người , nhưng em không thể chở một lúc hai người được . Nếu anh bằng lòng em kêu thằng bạn em chở cháu đi .

Vừa nghe qua cháu Vy nhà tôi vội vàng phản đối :
- Bác An ơi ! Má cháu dặn dò rằng đi đâu cháu cũng theo chân bác , cháu sợ bị bắt cóc lắm ?

Tôi nhìn thân hình to lớn của thằng cháu tôi , tuy mới 12 tổi nhưng nó cao hơn một thước bảy , mẹ nó bảo tôi nó cân nặng đến gần 80 kí lô . Với dáng dấp như vầy nó thuộc vào loại hạng nặng nếu nó thi tập luyện các môn điền kinh Olympic .

Tôi từ tốn bảo nó :

- Cháu cứ yên trí để cho chú Ba này chở đi lòng vòng đi tham quan thành phố Cần Thơ . Bác nghĩ hổng có ai dám bắt cóc cháu đâu .

Nói xong tôi quay sang anh xe ôm :

- Được rồi , tôi đồng ý với giá biểu như anh nói . Bây giờ chúng tôi đang đói bụng , anh xem ở thành phố này có chỗ nào quán cơm nào bình dân , giá rẻ nhưng ngon mới được . Hai anh chắc là thổ dân ở đây , hẵn phải rành lắm .

Hai anh xe ôm quay đầu bàn bạc với nhau điều gì đó , rồi thong thả nói :

- Tui nghĩ chỉ có quán cơm bà Sáu là ăn được . Hai bác cháu lên xe ngồi cho chắc nhé .

Xe chạy lòng vòng qua vài con đường nhỏ , bỗng hai chiếc xe dừng xe trước một ngõ hẽm nho nhỏ . Anh xe ôm chỉ vào một tiệm cơm nằm trong hẽm :

- Đó là quán cơm bà Sáu . Hai bác cháu cứ tự nhiên đi vào . Chúng tôi chờ ngoài này .

Chúng tôi bước vào một quán cơm bình dân như mọi mọi quán cơm khác . Nó không có cửa chính đẩy ra đẩy vô . Bên trong kê chừng hơn chục cái bàn . Khách ngồi khá đông . Tuy nhiên khi chúng tôi bước vào , một cô hầu bàn bước tới và chỉ cho chúng tôi một cái bàn trống trên còn vướng vất vài cái dĩa cơm dư thừa mà họ chưa kịp dọn dẹp .

Cô hầu bàn nhanh nhẩu :

- Chờ một chút nhé , để tui lau sơ cái bàn cho sạch .

Nói xong cô ta vội bê chồng mấy cái dĩa cơm thừa trên tay và dùng một cái khăn lau qua loa trên mặt bàn .

Một cô hầu bàn khác bước tới hỏi :
- Hai cha con dùng món gì ?

Nghe cô ta gọi hai bác cháu tôi là hai cha con , tôi cũng chẳng buồn đính chính , tôi đáp :
- Ở đây có món gì ăn chay không . Không hả ? Vậy có món cá hay đậu hũ cũng được ?

Cô hầu bàn lắc đầu , lấy ngón tay chỉ vào một cái thực đơn được vẽ vào trên một bức tường . Tôi chăm chú nhìn , trên cái thực đơn có ghi như sau :

- Cơm gà quay
- Cơm gà nướng ướp xả ớt
- Cơm gà nướng ngũ vị hương .
- Cơm thịt sườn
- Cơm bì sườn chả

Đọc thoáng qua tôi thấy toàn là cơm gà hay cơm thịt heo , không nướng cái này thì nướng cái nọ . Tôi chợt nghĩ ra điều gì và nói :

- Cho tui một đĩa cơm gà nướng , còn cháu thì sao , có ăn giống như bác không ?

Nó nhìn thoáng qua cái thực đơn treo tường đó , lắc đầu nói :
- Bác gọi cho cháu đĩa cơm sườn .

Tôi chợt mỉm cười , mẹ nó thường hay bảo tôi , một tháng 30 ngày , bữa nào cũng phải có món cơm thịt sườn cốt lết chiên . Bây giờ rời vú mẹ đi tận tới cuối chân trời góc bể cũng không quên được món cơm sườn mà mẹ đã nuôi ăn từ tấm bé .

Chẳng bao lâu cô hầu bàn dọn thức ăn cho chúng tôi . Cháu Vy hít hà một đĩa cơm sườn còn nghi ngút khói , hương thơm ngạt ngào . Còn tôi một đĩa cơm gà nướng to không kém gì của cháu Vy . Những miếng gà to bằng hai đốt tay vàng ửng tỏa hương thơm ngào ngạt . Tôi nhai thử một miếng ức trắng , nó ngọt và thơm , thịt vừa ăn không bở như thịt gà Mỹ . Dù tôi không rành ăn như bà nhà tôi , nhưng tôi cũng đoán ra đây là thịt gà trống thiến . Nó không săn thịt như thịt gà núi mà tôi từng nếm qua trên ngọn núi Yên Tử ngoài Bắc .

Bây giờ bụng đã lưng lửng , tôi mới có dịp ngó ngang ngó dọc xem những thực khách ngồi chung quanh . Cách tôi một bàn tôi nhận thấy mấy ông công an trong sắc phục xanh cũng đang nhìn chầm chọc chúng tôi . Có lẽ vì thói quen nghề nghiệp , bỗng thấy chúng tôi là khách lạ phương xa đến . Họ đưa mắt dọ dẫm nhìn xem chúng tôi . Giá như vào những năm 75 hay 80 chắc hẵn thế nào chúng tôi cũng bị họ bước tới hỏi xem giấy tờ tùy thân , nhưng giờ này là năm 2008 không khí cũng dễ thở hơn . Tôi có giấy tờ đầy đủ nên tôi cứ tỉnh bơ như không , quay sang đĩa cơm định tiếp tục xơi tiếp . Tôi chợt nhận ra cháu Vy đang giương mắt nhìn tôi , rồi nó bỗng nói :

- Bác không ăn nữa à ?

Tôi ngó sang cái dĩa cơm sườn của nó , trên đĩa cơm đã sạch sành sanh . Tôi biết nó hãy còn đói , bèn nói :
- Nếu cháu chưa no có thể ăn nốt phần cơm của bác .

Nó vội vàng cám ơn và bưng ngay đĩa cơm gà về trước mặt nó .
Nó vừa ăn vừa hít hà mũi :
- Cơm gà ở đây ngon quá bác , biết vậy cháu chả kêu cơm sườn
làm chi . Thịt gà ở đây ngon thiệt bác . Mai mốt cháu về trển biểu má cháu mua gà Cần Thơ ăn .

Ăn xong đĩa cơm nó phủi tay :
- Xong rồi bác , mình đi thôi .

Tôi gọi tính tiền . Cô hầu bàn nhanh nhẩu dùng viết ghi ghi chép chép vài dòng rồi đưa cho tôi một mảnh giấy nho nhỏ :

- Tám mươi lăm ngàn .

Tôi giựt mình . Thông thường tôi hay ghé vào mấy cái quán cơm bình dân trong các chợ Phú Nhuận Bà Chiểu hay chợ Phạm văn Hai thường một dĩa cơm hai món giá tiền rất khiêm nhường . Một đĩa cơm gạo sóc nâu một chén canh chua một nhát cá chừng mười một ngàn . Tôi tính nhẩm cao tay lắm cũng 50 chục ngàn , không ngờ vọt lên tới 80 chục ngàn , tức khoảng gần 5 đô la Mỹ . Có lẽ dạo này thịt gà thịt heo nuôi nấng khó khăn nên giá cả cứ vùn vụt leo thang chăng .

Ăn no rồi hai bác cháu chúng tôi lững thững bước ra ngoài ngõ . Hai anh xe ôm vẫn ngồi vắt chân lên yên chờ đợi chúng tôi .
Xe chạy chừng đâu mươi phút , trời lại đổ mưa . Hai anh xe ôm vội vàng dừng xe lại , khoác lên người một chiếc áo mưa poncho của lính . Ông ta quay mặt lại hỏi tôi :
- Anh cần mặc áo mưa không ?
Hay nhỉ trời mưa ướt áo sẽ lạnh rét căm căm , ai mà chẳng cần .
Tôi gật đầu :
- Anh ghé chỗ nào để tui mua hai cái áo mưa .

Anh xe ôm vội vàng chạy đi một khoảng , ghé vào một cái sạp nho nhỏ ở góc phố , dừng xe lại .

Tôi trả tiền và mặc lên người . Chiếc áo mưa mỏng dính , mỏng còn hơn chiếc bánh tráng bông hồng làm gỏi tôm cuốn .

Dưới làn mưa mờ nhạt tôi ngồi đằng sau anh xe ôm , thấy loáng thoáng đường phố Cần Thơ khá rộng rãi thênh thang . Nơi đây ít xe cộ , thỉnh thoảng chỉ có vài chiếc xe gắn máy thoáng qua và đi biền biệt vào cuối đường . Xe đưa tôi qua chợ Cần Thơ , anh xe ôm giới thiệu :
- Đây là cái chợ Cần Thơ , anh xem nó đẹp không ?
- Ừ đẹp và mới nữa , chắc nó mới được tu sửa ?

Mặt ngoài chợ được sơn kẻ "Chợ Cần Thơ " trên làn sơn vàng còn mới tinh . Tôi nhìn thoáng vào trong chợ , trong đó hoang vắng chỉ còn lẻ tẻ vài gánh hàng rong . Có lẽ giờ này buổi trưa nên họp chợ đã tan rồi chăng . Tôi chợt hỏi :

-Tui nghe nói gần đây có nhà hàng Hoa Sứ nổi tiếng đất Cần Thơ phải không ?

Anh xe ôm hình như lo chăm chú cảnh vật trước mặt , lơ đãng trả lời :
- Nhà hàng đó hả ? Đâu có gì đặc biệt .

Không biết anh Ba xe ôm này sao , chứ tôi nghe trong đài Radio Saigon 890 đây là nhà hàng phục vụ ăn uống , có đầy đủ các món ăn đặc sản Cần Thơ như mắm cá kèo , ếch hầm bơ , đuông nướng chao , thịt cò năm món . Nơi đây có các cô gái Cần Thơ trong bộ áo bà ba hồng duyên dáng ra phục vụ khách .
- Nhà hàng đó cũng thường thôi , nếu anh ở qua đêm tui sẽ chở anh tới chỗ này còn hay hơn ,ngon hơn gấp bội phần , nhưng kẹt một nỗi anh lại có thằng cháu đi theo ...

Nghe mấy cái chuyện ấm ớ đó bây giờ tôi không muốn nghe, tôi trả lời :
- Không , tui định bụng ở đây chừng vài giờ là quay về Sài Gòn , thế ngoài cái bến Ninh Kiều mưa lất phất bên sông , ở đây còn chỗ nào coi nữa không ?

Giọng anh ta rè rè qua làn nước mưa :
- Có chớ để tui chở anh qua chợ nổi Cái Răng . Chợ này nổi tiếng khắp vùng , anh biết tạo sao người ta gọi là chợ nổi Cái Răng không ?

- Không , tui nghĩ là dân miệt này thường đặt tên cho con cái thật xấu xí .

- Không phải vậy anh Hai , Cái Răng là nghe ông bà ngày xưa thuật lại là thuở ấy có con cá sấu chết nhe răng trôi dạt vào bến đó , nhe cả hàm răng nhọn hoắt nên đặt luôn cái tên là Cái Răng .

Từ bên cây cầu nhỏ , tôi nhìn qua chợ nổi Cái Răng . Trên bến chỉ lèo tèo vài ghe bập bềnh theo sóng nước .

- Ủa chợ nổi gì mà chả có ghe cộ gì hết vậy ?

Anh Ba xe ôm nói với giọng xa vắng :
- Tại anh tới không đúng giờ đúng giấc , vả lại trời đổ mưa thế này ai mà tới buôn bán . Ghe cộ cũng phải đi kiếm cái gì mà bỏ bụng .

- Tui nghe nói là ghe muốn bán cái chi thì treo lên cây sào món đó để bán phải không anh Ba ?

- Ờ , đúng vậy . Họ bán đủ loại các sản phẩm miệt vườn được treo trên một cây sào cắm trước mũi ghe gọi là "cây bẹo". Người mua chỉ cần nhìn vào "cây bẹo" là biết ngay ghe bán thứ gì , treo trái dừa thì bán dừa , treo xoài thì bán xoài .

- Vậy có người hỏi tui ở Cần Thơ có cái gì treo mà không bán , có cái bán mà không treo ?

Anh Ba xe ôm chợt cười lên :
- Dân địa phương như tui ai mà chẳng biết thì mấy hàng hủ tiếu hàng bún mắm làm sao mà họ treo tô hủ tiếu lên tít trên cao được nên họ đâu có treo .