Saturday, July 24, 2010

Dọc theo bến đò Bình Khánh tôi trông thấy chừng đâu bảy tám bà cụ hoặc những cô gái trạc chừng 12 ,13 tuổi ngồi sau những gánh hàng bán dừa nước . Mắt họ lơ đãng nhìn theo dòng người qua lại . Chợt một bà già với khuôn mặt nhăn nhúm , miệng móm hẵn trông thấy tôi bèn mời mọc :

- Cậu Hai ! Mua ít dừa ăn giải khát đi cậu .

Tôi rất ngại ngùng khi phải dùng các loại nước giải khát hay sinh tố bán dọc các lề đường khu xóm . Nước lã được pha chế ắt hẵn là từ vòi nước phông tên hay từ một nguồn nước không rõ lai lịch . Ở Việt Nam được khuyến cáo không nên uống nếu chưa được đun sôi .

Những mảnh dừa nước trắng phau phau nằm sấp ngửa trong cái châu nhôm trắng nham nhám . Nước đá cục lểnh mểnh bồng bềnh trên mặt chậu . Tôi ngần ngừ .

- Mua đi cậu , dừa này già mới vừa bóc xong , thơm phức nè cậu .

Những lời đó có lẽ đủ sức thuyết phục tôi . Có gì đâu , nếu chẳng may đau bụng thì tôi đã có sẵn mấy viên Imodium ở nhà .

- Vậy thì cụ lấy cho cháu ... một bịch à không ... năm bịch . Cụ cột dây thun cho chắc nhé . Cháu mang về nhà mới ăn .

Cụ già với hàm răng móm mém tươi cười nhanh nhẩu bọc lại năm bịch dừa nước trao cho tôi :

- Lần sau cậu ghé qua đây nhớ sang hàng dừa nước của tui nhé .

Qua phà đón xe về Sài Gòn và về Phú Nhuận cũng hơn một tiếng , trời cũng vừa nhá nhem . Ánh đèn điện bên đường vừa bật sáng .

Bữa cơm tối đó , cả gia đình cô em tôi quây quần bên chiếc bàn gỗ nho nhỏ trong phòng khách . Một đĩa thịt cốt lết chiên , vài con cá bống kèo kho tộ màu nâu vàng và một tô canh có những chiếc lá ngả sang màu vàng uá . Tôi nhìn tô canh không có vẻ quen thuộc lắm , lá không giống như lá chanh , cũng không giống như lá ngót .

Cô em tôi tươi cười bảo :
- Ăn đi anh , canh này chắc anh chưa bao giờ xơi phải không . Canh chua lá giang đó anh .

Tôi nếm thử , mùi vị chua , chua nhè nhẹ , không gay gắt như dứa nhưng không thơm bằng . Nó lại nham nhám không mềm dịu như bông so đũa .

Tôn chồng cô em tôi xen vào :
- Mấy cái lá này trên vùng kinh tế mới mọc hoang dại um tùm , tụi em bứt lá ra thử , nó có mủ trắng . Hoa thì mọc từng chùm , có chỗ màu hồng có nơi thì hồng lạt . Người ta biểu lá giang có tính dược cao , chữa được nhiều bệnh . Nhưng hổng nên dùng thường xuyên , dễ bị lủng ruột . Nhứt là hổng nên nấu bằng nồi nhôm vì nó ra nhiều ten lắm . Muốn an toàn thì phải mua nồi i nóc xi đáp mới được .

Tôi nghĩ chỉ có quê hương Việt Nam mới có những ngọn rau ngọn cỏ đặc dị thơm ngon như vậy , được nhặt nhạnh từ những cánh rừng , những bờ kinh bờ ruộng những loài hoa cỏ không tên tuổi , rồi được dân gian đem về thử nghiệm ăn thử .

Tôi ậm ừ rồi hỏi tiếp :
- Trên vùng kinh tế mới , dân nghèo thấy mẹ lấy chi mà nấu .

Tôn cười buồn :
- Thì hổng ăn canh chua , xơi khoai mì mãi mãi mà anh .

Tôi nhớ đến những ngày tháng tị nạn tại đảo Kuku mỗi đầu người cứ năm ngày được phân phát một bịch thực phẩm , trong đó có một kí gạo , hai lon đồ hộp . Đồ hộp chỉ gồm có hai ba loại duy nhất , không paté thì lòng dạ bò hoặc móng heo hầm nhừ . Ăn đâu chừng một tuần lễ , bọn chúng tôi không thân nhân , không tiền trợ cấp, xót xa lòng dạ , bèn rủ nhau đi ra bìa rừng nhặt nhạnh vài cọng cỏ trai , rau sam , rau mồng gà . Cỏ trai mùi vị nhàn nhạt như cỏ , rau sam toàn là những cọng già dai nhanh nhách , rau mồng gà vị lại đăng đắng . May mắn là không có mạng nào đi theo ông bà ông vải .

Cô em tôi nhìn chăm chăm vào tôi rồi hỏi :

- Canh lá giang ăn được không anh , em nấu với râu tôm cho nó mặn mà . Sao nó chua à . Không , anh tự nhiên mà ăn . Dưới bếp còn cả nguyên nồi canh lá giang để dành cho anh .

Cơm nước xong , tôi lôi ra mấy bịch dừa nước ra mời cả nhà cô em tôi :
- Dừa nước này tui mới mua ở Nhà Bè , còn tươi nguyên .

Cô em tôi mở bịch nước dừa ra , đưa vô mũi ngửi :
- Mèn đét ui ! Có mùi chua , chắc là họ nạo dừa từ ngày hôm qua .

Tôi cũng xé một bịch khác ra , rồi ngửi :
- Ừ ! Vậy mà mấy bà ngoài đó rối rít mời : " Dừa tươi đây , dừa tươi đây ."

Saturday, July 17, 2010

Tôi tò mò hỏi thêm :
- Cái con này ăn ra làm sao , các cháu ăn qua bao giờ chưa ?

Bọn trẻ trong xe có đứa gật đầu .
- Con này dễ làm lắm chú . Trước tiên rửa sạch chúng nó rồi đem ngâm với nước vôi vài giờ . Chặt bỏ cái phần da này rồi lộn ngược nó rửa sạch , bóp với muối dấm .

Cứ như theo cách chúng chỉ dẫn thì phương pháp này giống như tẩy rửa bộ đồ lòng của heo gà .

- Cách nấu nướng như thế nào ?

- Ai thì cháu không biết , tụi cháu cứ luộc lên xong chấm nước mắm chanh ớt . Khi ăn nó sừng sực dòn dòn , ngọt còn hơn mực nang tuổi còn chưa lớn .

- Còn như nhà hàng họ sửa soạn ra sao ?
- Nhà hàng thì họ bày ra nhiều trò lắm chú , như là Long Tu Quá Hải , Kiến Long Tại Điền .

Cũng là mấy ông khách Việt kiều , các bác đại gia đỏ có tiền có bạc rủng rỉnh về Việt Nam ăn chơi hưởng thụ . Từ nhà hàng này qua nhà hàng khác , từ quán karaoke đến các vũ trường sang trọng . Tôi đã từng nghe , xem qua các cuốn DVD chiếu những đêm Sài Gòn ăn chơi không thiếu gì các món ăn vật lạ mà nếu như bà Từ Hi Thái hậu sống lại cũng bật ngữa . Dơi ba món , máu rắn , mật gấu pha rượu whisky , thằn lằn núi , rắn hổ Taipan , rắn mamba Phi châu , rồi dần dần đến những con côn trùng ếch nhái bọ hung, nhện bò cạp như ở Thái Lan , tạo ra những nhu cầu bất cập , những cái không cần thiết cho đời sống . Có một lần chúng tôi ngồi trên xe tắc xi khi đi xuống chợ Bến Thành mua sắm . Mấy đứa con chỉ trỏ vào các cửa hàng ăn sang trọng gần dinh Độc Lập cũ , các quán ăn nhậu thật sang trọng . Chúng nó nhận xét :

- Bố nói là người dân Việt Nam nghèo đói lắm mà , bố nhìn vào các cửa hàng ăn uống xem . Nghèo khổ gì đâu bố !

Lúc đó thật tình tôi không biết trả lời ra sao . Chúng tôi đã đi qua từ Đà Nẵng ,Huế , Hội An , Hà Nội , Ninh Bình, Quảnh Ninh , Hạ Long , Sài Gòn với những vẻ hào nhoáng bề ngoài , của một số các bin đinh nhà hàng sang trọng của Sài Gòn Hà Nội . Chúng tôi được xem qua những cảnh đẹp như kẻ cưỡi ngựa xem hoa làm sao đánh giá đúng mức được . Chúng nó không có dịp đi xa ra khỏi ngoại thành ra ngoài miệt An Phú Đông , miệt Bình Thới , Bình Triệu có những dãy nhà lụp xụp nhà mái lá tranh dột nát , có những mái lều ủ dột chỉ được bao phủ bằng những tấm ni lông rách nát .

Trước khi đến bến phà Bình Khánh bọn trẻ một lần nữa ào ào xô lấn chen ra khỏi xe . Chúng đứng dáo dác như thể đang tìm ai . Những đứa con trai con gái khuôn mặt đầy những vết sình với quần áo lem nhem bẩn thỉu . Tôi liên tưởng đến những phích to lớn treo đầy các ngả tư ngả năm trên thành phố Việt Nam , những bảng vẽ to lớn tô đậm những hàng chữ Lao Động Là Vinh Quang . Nhưng nếu chúng nó không lội sình lội bùn , lang thang chắc chắc là chúng sẽ chết đói . Phải chăng đó là hình ảnh tương lai của dân tộc Việt Nam ?



Saturday, July 10, 2010

Chuỗi hạt xoàn giáp cúc

Chiều thứ sáu bầu trời thành phố Fort Worth mây đen kéo đến che phủ mọi nơi . Vài giọt nước mưa vội vàng bắn tung tóe trên mặt kiếng xe . Tôi bước nhanh vào văn phòng bảo hiểm gần khu chợ Việt Nam tôi ở . Chị Thu Trúc ngồi thơ thẩn trên cái bàn gỗ , chợt nhìn thấy tôi , cười tươi và chào hỏi :
- Chào chú , hôm nay Thu Vân giúp gì cho chú đây ?

Tôi mỉm cười chào lại , mở xấp giấy báo lôi ra một tập hồ sơ bảo hiểm nhà đặt lên bàn làm việc của cô ta .

- Chị Trúc ơi ! Cách đây hơn tháng , tui có " claim " với hãng bảo hiểm của chị là mái nhà tui bị gió lớn , wind damage . Hãng bảo hiểm cho người xuống định giá rồi đền tui có ba ngàn . Chị coi xem , ba ngàn đâu có đủ tiền để lợp lại mái nhà . Này nhá , theo bản định giá thì mái nhà phải đền là 9000 đô , trừ tiền Less Non Recover Depreciation 4000 , còn năm ngàn , trừ tiền " deductable một phần trăm 2000 . Rốt cuộc đền tui có ba ngàn thôi . Tui đưa cái hồ sơ bảo hiểm này cho thằng con trai tui đọc suốt tuần nay , rồi hai cha con tui mò mày mãi mà vẫn không thấy cái khúc nào đoạn nào nói về cái khoản trừ " Depreciation " , chị chỉ cho tui xem .

Chị Trúc đang nở nụ cười bỗng tắt lịm , nói trơ ra :
- Ảnh đọc có hiểu không ?
- Chắc hiểu chút chút , nó mới học xong .
- Học xong lớp ESL à ?
- Không phải , tốt nghiệp Master về " Computer Network "

Nghe tôi nói , cô ta không cười nữa , mở hồ sơ nhà xem xét . Lớp ESL có nghĩa là English as a second language . Môn Anh văn để dạy cho những người vô Mỹ mà khả năng nói viết Anh Ngữ còn hạn hẹp . Master là bằng Cao học , bây giờ ở Việt Nam gọi nôm na là Phó Tiến Sĩ .

Tôi biết chị ta ngang cỡ tuổi con tôi , mới qua Mỹ chừng hơn chục năm , ngày xưa cũng học lớp ESL và có thời đi làm chung hãng phôn Nokia đứng dây chuyền cùng với bà nhà tôi . Sau vài đợt sóng gió biển dâu , hãng xưởng ở Mỹ thi đua nhau cho công nhân nghỉ việc laiđoff , chị ta khéo léo xin vào thư ký cho một hãng bảo hiểm .

Trong hãng điện tôi làm bây giờ , ông xếp bày đặt ra cái lệ mới . Mỗi chiều thứ Năm , téch ni sơn tụi tôi thay phiên nhau để " Cross training " , có nghĩa là huấn luyện lẫn nhau . Anh Smith giỏi về cái mạch điện "transmit " để chỉ cho người khác biết , ông Brown biết về máy chỉ cao độ cũng vậy . Đầu tiên một anh Mỹ , tên là Paul chỉ cách cho chúng tôi biết cách cột bó dây ... điện , làm sao để bó lại những sợi điện , mà anh ta nói rằng rất có ích trong việc gọn gàng trong hệ thống điện máy bay . Một anh khác chỉ dạy lại cách đọc trị số các điện trở resistor trong mạch điện . Chuyện này làm chúng tôi bực mình lắm . Cách đây mấy chục năm đi học lớp điện tử căn bản , anh nào mà chẳng học cách đọc này , black là zero , brown là một . Bây giờ lại lôi ra mấy thứ cũ xì cũ xiếc ra làm trò . Đến một tuần đến phiên tôi , tôi đề nghị với họ là dạy về ESL , dù sao hồi bên đảo Galang thời còn tị nạn tôi cũng là thầy dạy ESL cho đồng bào tị nạn . Tụi Mỹ nghe ESL hỏi nghĩa là gì , biết được họ phá lên cười ầm ĩ cả phòng . Một anh đầu đen nói tiếng Anh cà ngọng cà ngọng dạy tiếng mẹ đẻ cho họ .

Sau một lúc lật qua lật lại hồ sơ bảo hiểm , những trang giấy tiếng Anh mờ mịt những chữ là chữ , cô Thu Trúc sờ càm nói :
- Cháu coi mãi cũng chẳng thấy , nhưng như cháu đã nói . Nếu như chú mua bảo hiểm nhà với giá cao thì bảo hiểm đền cho chú 100 phần trăm . Còn như bây giờ chú muốn mua thấp , giá nhà bảo hiểm cho là 250 ngàn , chú mua có 170 ngàn , bảo hiểm đâu có đền đủ đâu .
- Cô nói sao vậy ? Năm ngoái đi mua nhà , nhà băng gọi xuống hãng bảo hiểm cô , bảo tôi mua . Căn nhà được bảo hiểm đến 220 ngàn cơ mà .

Cô Thu Trúc nghiêm giọng :
- Theo như cháu biết , trên tờ giấy kê khai "Itemize" thì nó không có chữ " Replacement Cost " . Không có những chữ này thì bảo hiểm sẽ khấu trừ tiền hư hao . Mái nhà chú cũ , xây chục năm rồi , nên giá trị chỉ còn phân nửa thôi .

Nghe cô ta nói luyên thuyên một hồi , tôi bèn bảo :
- Vậy thì bây giờ cô coi một số hồ sơ , xem xem có anh nào đề chữ " Replacement Cost " cót cót gì đó không ?

Tôi đứng bên cạnh nhìn thoáng qua bàn tay cô Thu Trúc , bấm tới bấm lui trên màn hình computer .
- Hổng có chú . Thôi bây giờ chú về nhà , chú gọi cho văn phòng chính hãng bảo hiểm , trình bày sự việc với họ . Hôm nay là chiều thứ Sáu giờ này họ chắc đóng cửa rồi , thứ Hai chú gọi cho họ .

Ra ngoài đường , lòng tôi cảm thấy buồn tưng tức làm sao . Kỳ này chắc phải đi kiếm hãng bảo hiểm khác mà mua . Nhưng mà , các hãng bảo hiểm khác khi giở hồ sơ nhà của tôi ra , trên computer sẽ hiện ra dữ kiện , biết mái nhà hư hỏng không biết họ có bán cho hay không .


Trên bàn ăn nhà bếp , bà nhà tôi bày biện vài đĩa thức ăn . Một đĩa rau cải ngọt luộc , một đĩa dưa leo , một khúc cá yellow bass kho còn sót lại , một đĩa gà ram , một đĩa thịt paté chiên , một đĩa đậu hũ chiên và một tô nước rau .

Con Linda nhà tôi ngắm nghía mấy cái đĩa trên bàn , nói :
- Má má ! Hôm nay hổng có thức ăn mới hả má ?

Nhà tôi thức ăn ăn không hết , cất vào trong tủ lạnh . Từ thứ Hai hai món cho đến thứ Sáu thì đã năm sáu món . Tôi chỉ ăn rau với cá thôi , mấy món kia để dành cho họ .

Thy , đứa con thứ hai tôi cầm đũa khuấy khuấy mấy cọng rau luộc , cười tươi nói :
- Má , má ! Điểm thi MCAT về rồi .

Hai tháng qua tôi thấy con bé Thy lúc nào cũng ôm cuốn sách luyện thi MCAT . MCAT là chữ viết tắt của Medical College Admissions Test , bài thi vào trường y khoa cho Mỹ và Canada . Cuốn sách dày cộm , dày hơn bảy tám cuốn Đại Đường Song Long tôi đang luyện , tôi có coi thử . Mở ra tôi tá hỏa tam tinh , nào là các phương trình đại số x y , công thức hóa học C cộng H cộng N gì quá xá , các mạch điện r , i chạy loạn xạ . Thấy mặt mày nó lúc nào cũng đăm chiêu . Hôm nó đi thi về , nhăn nhó : " Bài thi gì mà dài quá , thi đến năm tiếng đồng hồ . " Tôi an ủi : "Hông được lần này thì lần sau ." Lúc đó nó thở dài : " Lần này là lần thứ hai bố , lần thứ nhất kết quả chưa về . "


Khi trước tôi nhắc đến cậu Vinh Xằng (Vincent) con ông anh vợ tôi , nó thi MCAT được 35 điểm và được mấy trường y chấp nhận , mặt nó không nói nhưng tôi biết nó có nhiều nỗi lo lắng , ưu tư .
- Điểm được bao nhiều hả con ?

- Hai mươi bảy bố .

Tôi không rành lắm về bảng điểm này . Nhưng tôi cũng biết là điểm trung bình . Cô Thu con ông anh vợ tôi , bác sĩ chuyên khoa ung thư lần đầu tiên thi MCAT cũng chỉ có 25 . Lần sau thì tôi không biết , chắc hơn ba mươi .

Bà nhà tôi xen vô :
- Thế con có pass không ?

Con bé Thy nhà tôi nói :
- Bây giờ con phải học cho xong năm chót , đồng thời nộp điểm GPA và điểm MCAT cho các trường y .

Bà nhà tôi nói :
- Khi nào con biết con pass .

Tôi bèn cắt nghĩa chữ PASS cho bà nhà tôi , đây không phải là đậu hay đỗ , mà là do các trường y họ sẽ tuyển sinh . Anh nào hay chị nào giỏi , điểm nào cao thì họ sẽ lựa chọn .

Bà nhà tôi gắt lên :
- Ông làm như tui không biết . Tui nói con Thy nó hiểu , giải thích rồi . Đâu cần ông phải nói lôi thôi .


Như thằng lớn hồi xưa bảo đi học mắt học răng , ai khuyên cũng hổng chịu . Đó bây giờ vô hãng làm , mai thấy người này bị laid off , mốt thấy người kia nghỉ việc . Ai nấy đều có mười mấy năm thâm niên mà còn bi. huống gì nó .

Con Thy cười :
- Thì ảnh năm nay ghi tên đi học thêm về Biology , nhưng ảnh tính học về mấy con cho' con mèo gì đó , nhưng chị Phụng vợ sắp cưới của ảnh hổng chịu , bảo là nhà mới mua cả hai trăm ngàn , chỉ sao trả nổi .

Tôi cười lái câu chuyện qua ngả khác :
- Bây giờ mà bà nuôi tui thì ....thì tui cũng đi học bác sĩ mắt . Đừng nói mắt chứ mũi răng tóc tiếc học hết . Chứ vô mấy trường chuyên khoa chắc hông nổi .

Cả nhà đều cười ầm lên .

Khi cơm tối xong , chợt nghe tiếng điện thoại vang lên :
- Anh An đó hả ! Em là Chu đây , anh có rảnh qua nhà em tối nay hát karaoke . Hôm nay có thêm vài người bạn cỡ tuổi em . Chị Ba hớt tóc đầu ngõ , anh Tư làm nail cuối xóm .

Tôi nói lời cám ơn :
- Mấy giờ mới hát dzây anh ?
- Chín giờ .
- Trời đất , giờ đó tui sửa soạn đi ngủ rồi .
- Ngủ chi mà sớm dzậy ?
- Quen rồi , cứ giờ đó mắt cứ đờ ra . Ngủ chỉ đến hai ba giờ sáng là thức giấc . Vậy xem đến lúc đó mà tui thấy khoẻ qua anh chơi nhé . Thôi chào anh Chu nhé .

Lu'c ddo' bà nhà tôi đang lôi mấy cái hộp nữ trang ra .
- Ông xem , cái nhẫn hột xoàn hơn ca ra này bóng không .

Tôi liếc nhìn xem , hạt kim cương sáng loáng , lấp lánh màu tim tím .
- Hình như là giáp cúc . Bà mua chắc cũng vài ngàn .

- Vài ngàn con khỉ khô , nếu mà thiệt cũng cả chục ngàn . Cái này tui mua ở Việt Nam hơn trăm đô , cái chuỗi kia có nhận sáu hạt hồng bảo thạch tui mua bên Thái cũng trăm đô . Ông coi nước hột xoàn bên Thái nó cũng sáng hơn hạt đá Việt Nam nhiều . Cái này mà đeo lên bữa đám cưới thằng con mình hợp với cái áo dài tui may bên Việt Nam .
- Tui thấy bà ít khi đeo mấy cái hạt này lắm .
- Ông thiệt là hổng hiểu gì hạt xoàn hết , thứ này lâu lâu mới đeo thôi . Đeo mãi nó tróc nó trầy hết . Ông bảo ông học giỏi gì cũng biết , mà sao chuyện này ông dốt thế .

Thật ra đôi khi tôi kể cho bà nhà tôi ngày xưa có thử qua mấy cái máy đo độ cứng hardness , độ co kéo tensile strenght . Kim cương có độ cứng nhất , còn mấy cái hạt đá thủy tinh thì không biết độ cứng là bao nhiêu . Nếu có cũng chẳng dám thử . Tôi quay mặt đi dấu đi nỗi buồn vô cớ , nghĩ đến cái chuỗi hạt kim cương của bà vợ của một công chức người Pháp . Đánh đổi cả cuộc đời mình vì chuỗi hạt kim cương giả .

Ngày 10 tháng bảy năm 2010

Saturday, July 3, 2010

Vừa lúc ấy chiếc xe khách thình lình lắc mình đỗ vào một bên vệ đường , khiến hành khách chúng tôi bổ nhào về đằng trước . Một đám bọn trẻ hai mươi bốn , hai mươi lăm lao nhao chen chúc leo lên xe . Đứa nào đứa nấy mặt mày lem nhem những sình là sình , đất bùn đen xám còn vương vải trên những khuôn mặt còn non trẻ và trên cả áo quần . Có thể nói toàn thể con người từ đầu đến chân đầy một màu xám đen , mầu của đất sình . Tay đứa nào cũng khệ nệ khiêng một thùng can nhựa hai mươi lít , trong chứa những chất đen đen , bên ngoài cũng đầy vết sình đen . Chúng ào ào bước vô tìm chỗ ngồi ở những băng ghế phía sau . Một số hành khách sợ lem dính vào quần áo họ vội vàng chen lên hàng ghế đầu xe .

Tuy những khuôn mặt như những cô bé lọ lem Cinderella , nhưng tôi vẫn nhận ra nguồn sinh lực trẻ trung của chúng , với nét mặt hớn hở vui tươi . Tuổi chúng nó chắc cũng ngang ngang tầm cỡ con tôi . Nhìn xuống thùng can nhựa đầy vết sình đen , tôi không hiểu rõ chúng đựng những thứ gì . Chúng đi buôn chăng , buôn gạo buôn muối buôn đường . Chắc là không rồi ! Hay là chúng nó đi buôn đất . Đất đây có một nghĩa đen thực sự , không như đi buôn dân bán đất như của một số người độc quyền yêu nước , mà họ bán luôn một phần đất của quê hương này . Tôi quay xuống dưới , nhìn sang một cô gái . Cô ta ngồi trên lòng một chàng trai trẻ . Có lẽ xe không còn đủ chỗ ngồi , nên họ ngồi chồng lên nhau chăng ? Tôi đoán hai đứa trẻ này có lẽ là đôi tình nhân hay là cặp vợ chồng , vì theo cử chỉ điệu bộ thân thiết âu yếm với nhau , không có vẻ gì là thẹn thùng mắc cỡ .

Nghe tôi hỏi vật gì chứa đựng trong thùng can nhựa , cô gái với mái tóc sình đen , ánh mắt đầy vẻ tinh nghịch , nói rõ to :
- Con ...

Tôi nghe ba tiếng đó , âm thanh gọn gàng, chắc nịch , làm da mặt tôi hơi nóng bừng lên . Tôi không nghĩ những lời nói đó bình dân nhưng đầy sự thô tục mà phát ra từ miệng một cô bé xinh xắn như vậy . Giá như mà nó là u ... u thì còn có vẻ nhẹ nhàng thanh tao hơn chăng , những tiếng mà mẹ hay gọi những cậu con bé bỏng , cu Tí ơi ! cu Tèo ơi ! Đằng này lại là âm vận " ặc ặc " vừa cộc lộc dung tục . Nhưng tôi lại không cảm thấy có một nét tục tĩu nào , có lẽ là những chữ thường dùng của bọn trẻ miền Nam này chăng . Khác rất nhiều so với cách dùng từ chửi bậy của một số trẻ con ngoài Bắc . Nghe xong rồi phật ý bỏ đi liền .

Nói xong cô ta lấy bàn tay đầy sình âu yếm xoa xoa lên đầu chàng trai trẻ ngồi cùng ghế với cô . Tôi hình dung ra một gã ăn mày dáng nho nhỏ , áo quần lam lũ , mặt mũi lem nhem bùn đất , một Hoàng Dung cùng sánh vai với gã Quách Tĩnh bên lầu Phượng Các trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu . Quách Tĩnh đang vòng tay ôm eo ôm , mang đang mơ màng gật đầu ngủ . Có lẽ sau những ngày lao động vất vả chăng ?


Tôi thắc mắc hỏi tiếp :
- Các cháu tìm được mấy con vật này ở đâu vậy ?

Cô gái lọ lem đó nhanh nhẩu đáp :
- Thì ở chỗ tụi cháu lên xe đó bác .

Cô bé nói chuyện huề vốn , đúng thì đúng thật . Cái chỗ chúng tìm được đào được chắc hẵn là ở vòng vòng những khu gần đó . Nhưng là chỗ nào , ý tôi nghĩ là giá như mình muốn đi tìm đi mò mấy con đó thì tìm nơi mô .

Tìm em như thể tìm chim
Chim bay xứ Bắc anh tìm biển Nam
Giờ đây trôi nổi phương này
Chim bay lưu lạc tới ngay xứ này

Những cánh rừng tràm rừng đước rừng mắm chen chúc nhau , đua nhau mọc . Không có ai dẫn đường chỉ lối , biết đâu mà tìm .

Một cháu khác xen vô :
- Nói vậy chớ , từ đó vô trỏng còn khá xa . Phải lội bộ lội sình bùn mấy cây số nữa mới tới chỗ đào mấy con này .
- Cuốc xẻng đâu , hổng thấy các cháu mang theo người .

Cô bé cười , một nụ cười thật tươi :
- Tụi chái dấu hết ở trỏng rồi . Khi vô trỏng chỉ cần mang theo cái thùng nhựa này thôi .

Nói xong cô bé thò bàn tay vào trong thùng nhựa , lôi ra một con vật nho nhỏ . Nó chỉ bé bằng ngón tay trỏ hay ngón tay cái tôi . Đen sì bám đầy bùn đất , nó ngo ngoe co dãn thun ra thun vô như con đĩa . Những con đĩa mà anh em tù cải tạo thường âu yếm gọi là sâm biển , nướng chúng lên thì chúng cũng thơm phức như những con đuông cây dừa lửa .
- Thế các cháu mang về ăn về nhậu à ?

Cô bé lắc đầu nói :
- Bán .
- Bán cho ai , chú chẳng khi nào chú thấy bày bán ngoài chợ cả .
- Giống này hổng dám bán ngoài chợ đâu chú , công an bắt thấy mẹ . Quốc cấm đó chú . Cái này giao cho mối lái , họ đón tụi cháu rồi về giao cho các nhà hàng .
- Một kí chừng bao nhiêu hả cháu ?

Cô bé chép miệng , ngập ngừng một chút :
- Chừng trăm ngàn . Nhưng vất vả lắm chú ơi ! Tụi con lội sình lội bùn đến mấy cây số , nhiều lúc nước mặc nước lợ ngập qua cổ họng , rồi lặn hụp trồi lên trồi xuống bao phen , mò mẫm đào mò mãi . Một thùng như vậy may mắn cũng một ngày , có khi hai ngày . Chỗ này không có phải lội qua chỗ khác . Mương này không có lại bơi qua mương kia . Công an thỉnh thoảng nổ súng vây bắt tụi con . Tụi con phải bỏ hết đồ nghề , thùng thiết bỏ chạy lấy thân . Chạy thoát ra ngoài bìa rừng cũng hổng dễ , công an cũng ra ngoài rình rập để bắt .