Sunday, November 28, 2010

Trên chuyến máy bay của hãng hàng không Thai Airline lố nhố hành khách , hầu hết là khách du lịch người Việt , bởi đâu đâu cũng oang oang những tiếng ồn ào , tiếng chửi thề văng tục . Cái bản chất cố hữu quốc hồn quốc túy mang theo qua tận xứ người .

Sài Gòn qua Thái Lan máy bay chỉ bay gần hai giờ thế mà chúng tôi được phục vụ một bữa ăn tối theo tiêu chuẩn của các hãng hàng không lớn . Các nữ tiếp viên người Thái xinh đẹp hỏi han lịch sự với nụ cười trên môi :
- Ông bà có muốn dùng thêm gì chăng ?

Cách phục vụ của họ khác hẵn với các tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airline , mặt mũi lúc nào cũng lạnh nghiêm , nụ cười thiếu hẵn trên môi .

Khi đến phi trường quốc tế Suvarnabhumi trời đã nhá nhem tối . Qua khỏi cổng hải quan , đoàn chúng tôi bước ra khỏi tòa nhà và bước vào một chiếc chuyên chở dân dụng , xe này nhỏ hơn xe buýt loại 52 chỗ ngồi . Hành khách người ngồi kẻ đứng lắc lư với những thanh thép vắt vẻo trên đầu . Cảnh tượng xảy ra y hệt như những năm sau 1990 đổi mới ở phi trường Tân Sơn Nhất .

Tôi hỏi anh trưởng đoàn đứng cạnh đó :
- Anh Mạnh à ! Tui nghe nói phi trường này to lớn hiện đại nhất Đông Nam Á , sao bây giờ xuống cấp quá vậy !

Anh ta cười hì hì vài tiếng , rồi đáp lại :
- Bác thấy đó , nước ta càng ngày càng văn minh tiến bộ . Xã hội ta sắp sửa tiến lên ...

Lời của anh ta chưa kịp dứt , xe bỗng dừng lại khiến mọi người trên xe nghiêng ngả .Trong ánh sáng lờ mờ trong đêm tối , những cây cột xi măng , dàn sắt bao bọc chung quanh các terminal to lớn sừng sững in trên nền trời .


Một thiếu nữ người Thái trong y trang cổ truyền dân tộc đứng cạnh một chiếc xe buýt to lớn , mỗi khi từng người bước lên xe , cô ta với nụ cười tươi tắn trên môi và hai tay chắp trước ngực khẽ cúi đầu chào . Một lối chào như các vị tu tăng Phật giáo vẫn thường chắp tay hành lễ . Điều này khiến chúng tôi khá bối rối , xưa kia trong khi tập huấn nhu đạo , chúng tôi thường gấp người chào mỗi khi ra giao đấu , còn như trong quân ngũ thì giơ tay chào lối nhà binh , trong Hướng Đạo cứ giơ cao bàn tay với ba ngón tay chụm tay như biểu tượng hoa huệ tinh khiết . Thôi thì mình khẽ gật đầu chào lại như mọi người vậy .

Lối chào cung kính của người Thái gọi là wai , nó có thể biểu lộ một lời cám ơn hay xin lỗi ai đó . Nó tương tự như của người Ấn , Añjali Mudrā ,namasté hay của người Miên sampeah. Cánh tay càng đưa cao càng biểu lộ lòng tôn kính bấy nhiêu .

Tôi từng đi qua nhiều nước từ Á đến Âu châu nhưng chưa từng nơi nào được đón chào niềm nở trong sự lịch thiệp và trang trọng như vậy . Tệ nhất là vào năm 1980 tôi cùng với vài người bạn vừa đặt chân tới thành phố Battambang của Cao Miên . Vừa vào tới nhà một người dân thường để tạm trú qua đêm để hôm sau đi về Sisophone rồi tiến qua biên giới Thái thì phải tất tả vùng chạy thụt mạng vì có công an du kích Miên bố ráp . Kế là Trung quốc lúc đến đã có mấy anh công an mặt lạnh lùng dòm trừng trừng vào cái chiếu khán sắp hết hạn của tôi .

Wednesday, November 24, 2010

Một chuyến du lịch qua Thái

Ðúng 5 giờ chiều gia đình chúng tôi năm người , hai vợ chồng già với ba cô con gái , đã có mặt tại sân bay nội địa phi trường Tân Sơn Nhất . Khi đóng tiền đầy đủ cho hãng du lịch Saigon Tourish , mỗi người bất kể lớn nhỏ là khoảng 400 đô . Một chương trình packet như vậy qua du lịch bên Thái bao gồm tiền vé máy bay khứ hồi , khách sạn , ăn uống , tham quan các điểm chính du lịch trong năm ngày với số tiền như vậy có lẽ là quá hời .

Trước đó vài ngày gia đình chúng tôi lơn tơn đi lòng vòng thành phố Sài Gòn được hơn nửa tiếng . Con bé Linda mười tuổi nhăn nhó mặt mày than :
- Bố ơi ! Ði du lịch gì mà sao mỏi chân quá !

Giá nó mà còn bé hai ba tuổi , tôi có thể cõng bế nó trên lưng . Nhưng nó lớn xác như vậy , sao mà cõng nỗi . Vừa lúc đó một bà cụ trong quần áo lam lũ , mặt xạm đen đang còng lưng , trên vai quẩy nặng đôi gánh hàng rong . Tôi quay lại khẽ nói với con Linda :
- Con biết bà lão gánh hàng đi bán , và bán cái gì không ?

Linda nheo mắt nhìn theo chân bà lão thoăn thoắt bước nhanh , qua mặt chúng tôi để băng qua con lộ về hướng đường Nguyễn Huệ , nó hớn hở nói :
- Biết chớ bố , "nó" bán mấy trái cây đó mà !

Tôi cười xòa , chữa lời cho nó :
- Bên này , con gặp người lớn tuổi , con phải gọi là bà lão ông lão hay là bà cụ ông cụ , chớ đừng gọi là nó , họ nghe được sẽ mắng cho . Con thấy không ? Bà lão nhìn có lẽ già cả như bố , vai lại mang hai hàng giỏ trái cây như vậy , bà lão đó còn đi nhanh nhẹn hơn bố con mình nữa . Con còn muốn than thở nữa không ?

Linda mặt bí xị :
- Không ?

Trong văn phòng hãng du lịch Saigon Tourist , mấy cô nhân viên trong đồng phục áo dài màu xanh nước biển ngước lên nhìn chúng tôi , mặt nghiêm không nở nụ cười . Họ lại cắm cúi loay hoay trên cái mặt màn hình . Tôi tiến đến một bà đang ton hót với một đồng nghiệp .
- Ði Thái Lan một chuyến bao nhiêu hả chị ?

Bà ta trả lời với giọng Bắc đặc , rồi đưa cho tôi một cái brochure (tập sách mỏng) , trong đó có ghi một gói packet đi tour (du lãm ) qua Bangkok , thăm cung điện Hoàng Gia , Chùa Lục Ngọc , xem bãi biển Pattaya , coi vài chương trình biểu diễn về đêm của đoàn vũ công dân tộc Thái .
- Ðược rồi , ông nộp hai ngàn đô la cho năm người .

Tôi ngạc nhiên hỏi lại :
- Thế tui nộp bằng tiền đồng Việt Nam không được à ?

Bà ta lắc đầu cương quyết :
- Không , chúng tôi chỉ nhận Mỹ kim thôi . Ông là người Mỹ nên phải trả bằng Mỹ kim .
Tôi nheo đôi mắt lại :
- Sao bà biết chúng tôi là người Mỹ ?

Bà ta nhếch nụ cười , giả lả :
- Xem các con của ông bà tía lia đằng kia thì biết .

Theo thời giá tháng Sáu năm 2008 , một đô la chính thức đổi được 16650 đồng Việt Nam , nhưng lúc đó không hiểu sao , đồng tiền Việt Nam bị chao đảo theo thị trường chứng khóan . Giá chợ đen một Mỹ kim đổi được đến hơn mười tám ngàn . Giá như trả theo tiền Việt Nam chúng tôi có thể tiết kiệm được vài chục Mỹ kim .

Chúng tôi mỗi người được phân phát một cái nón lưỡi trai màu trắng đục , trên có thêu hàng chữ Saigon Tourist . Ai thắc mắc thì được trả lời : " Để dễ nhận dạng là đoàn của mình , trẻ em lạc dễ tìm kiếm . "

Hơn 5 giờ một chút một nhóm người đầu đen lố nhố tụ họp lại khá đông . Một cậu thanh niên dáng dong dỏng , mặt hơi tai tái bước ra , tay cầm một lá cờ nhỏ trắng hình tam giác rồi giơ cao lên khỏi đỉnh đầu , phất qua phất lại , nói lớn :
- Quí vị đi du lịch Thái Lan của Sài Gòn Tourist thì tập họp lại đây . Chúng ta không còn nhiều thời gian lên . Khẩn trương lên quí vị .

Trong đám đông một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên :
- Tổ cha nó , lúc nào cũng tranh thủ khẩn trương . Đi ăn cướp à !

Một tiếng khác át đi :
- Nói nhỏ đi cha nội , qua bển (Thái) muốn nói gì thì nói .

Anh trưởng đoàn dõng dạc , nói to hơn :
- Tôi tên là Mạnh , tên nghe mạnh bạo lắm nhưng thật ra yếu xìu à . Bây giờ quí vị cho xin sổ hộ chiếu và visa để tôi còn trình hải quan .

Không biết du khách đi du lịch Âu châu , Mỹ châu ra sao chớ từ Việt Nam qua các nước Thái , Miên , Tân gia ba , Hồng Kông mọi giấy tờ tùy thân , sổ thông hành passport đều do anh hay chị hướng dẫn tour nắm giữ .



Friday, November 19, 2010

Lễ các Thánh

Lễ các Thánh

Nói thật ngày xưa nói chuyện đi lễ lậy tôi rất lười . Bây giờ vào các ngày lễ buộc lễ trọng , tôi phải đi xem lễ cùng với bà nhà tôi . Lễ Các Thánh năm nay trời Texas thật đẹp , gió nhè nhẹ man mát như vào thu .

Như thường lệ sau ba bài đọc Kinh Thánh , cha xứ ra ngoài khỏi bục giảng để giảng kinh cho cộng đồng dân Chúa .
- Kính thưa quí vị , nhân ngày lễ Các Thánh tối qua tôi nghiền ngẫm cả đêm để đọc sách tiểu sử các Thánh . Các vị biết không ? Mỗi người chúng ta bất cứ ai làm nghề nghiệp gì cũng đều có một vị Thánh bảo hộ chúng ta ...

Chợt trong đầu óc tôi nghĩ ngay đến ông Thánh An tôn , thánh bản mệnh của tôi . Tôi đoán già đoán non ông Thánh đó chắc là người Âu châu , vì có lần tôi nhìn thấy ổng mặc chiếc áo dòng nâu sẫm , tay cầm cây thánh giá thật to ôm trước ngực . Nhìn ổng , tôi có những cảm quan xa lạ , không thân thiết mấy .

Tiếng nói đều đều của cha xứ vẫn êm dịu :
- Các vị không tin à , để tôi đơn cử ra một ví dụ nhé ... À xem ! Ai mà bị nhức đầu thì cầu xin ông Thánh Anthony Baldinucci , vị
thánh này ngày xưa bị chứng nhức đầu kinh niên . Ai mà bị nhức đầu thì cứ cầu xin sẽ hết bịnh ngay . Còn ai mà hút thuốc lá thuốc lào bị ho húng hắng thì cầu xin Thánh Joseph Javier . Này các vị à , các bà các cô làm nghề tóc thì biết cầu nguyện cho ai không ? Đó là Thánh Ma ri Madeglena , Thánh này ngày xưa lấy tóc mình mà lau chân cho Chúa ...

Chợt cha xứ dừng lại , không giảng tiếp vì có tiềng cười ầm lên .
- Các bà các cô cười gì thế ... à , chị kia nói lớn lên một chút . Chị nói là Thánh bảo hộ cho quí vị làm " neo " à .

Cha xứ đưa tay gãi đầu một chút , rồi tiếp tục nói :
- Tôi cũng có ý định đó nhưng đọc mãi vẫn chưa thấy , quí vị ai mà biết thì cho tôi xin . Còn ai làm nghề khai thuế mà thì xin ông Thánh Mat thiêu .

Trong lòng tôi nghĩ ngay đến Thánh Giu se , Thánh này từng là thợ mộc , làm nghề sửa nhà sửa cửa cho bà con láng giềng người Do Thái . Nhưng theo các nhà thần học , cho rằng Thánh Giu se làm một nghề lao động đủ mọi việc , mộc , làm vườn , trồng nho . Trong các ngụ ngôn của các sách Phúc Âm đầy rẫy những hình ảnh đó qua lời giảng dạy của Chúa Giê su .

Một ông trạc tuổi tôi ngồi bạnh tôi khều tay tôi nói nhỏ :
- Tui đi câu cá , cá không chịu cắn mồi , vậy cầu xin ông Thánh nào .

Tôi quay người nghiêng qua , nhận biết đó là ông Thức bạn già hay đi câu cá mà tôi thỉnh thoảng gặp ngoài hồ nước .
- Bác Thức hả ! Hình như có mấy vị Thánh Tông Đồ đầu tiên họ đang đánh cá rồi được Chúa gọi đi theo , ông Thánh Phê rô đó . Bác cứ cầu xin vừa được cá vừa về sau lại lên Thiên Đàng .

Trên đường đi về nhà , bà nhà tôi ngồi cạnh tôi hớn hở reo lên :
- Tui nhớ ra rồi , tại cha xứ không nhớ . Các Thánh làm nghề neo có đến 12 vị , ông Thánh Phê Rô , ông Thánh Gioan , Thánh Gia cô bê . Mấy ổng lúc trước theo chân Chúa qua cái làng nho nhỏ rồi múc nước rửa chân cho Chúa . Rửa chân thì đúng là nghề làm "neo " của mấy bà mấy cô .

Mới đầu nghe tôi chưa phân biệt đúng hay sai , tôi phá lên cười . Bỗng tôi chợt nhớ một điều gì :
- Bà à ! Hình như đâu phải mười hai vị Tông đồ rửa chân cho Chúa Giê su đâu , chính là Ngài phải hạ thấp người xuống , trước buổi tiệc ly , Chúa Giê su cởi áo ngoài rồi cúi xuống rửa chân cho 12 vị tông đồ . Thánh Phê rô còn biểu Chúa tắm cho ổng nữa . Bà quên rồi sao ! Chính là Chúa mới là vị bảo hộ đó .

Ngoài trời dần tối , vài vì sao le lói hiện ra trên trời . Trong cái ra dô trên xe , văng vẳng tiếng hát của ca sĩ Ý Lan ngọt ngào :
- Con quỳ lạy Chúa trên trời,
sao cho con lấy được người con yêu.
Đời con đau khổ đã nhiều,
từ khi thơ dại đủ điều đắng cay.
Số nghèo hai chục năm nay,
xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo.

Chúa ơi! Chúa ơi!

Hoang Hac ngày 2 tháng 11 năm 2010

Tiệm giặt


Tiệm giặt

Một buổi chiều sau khi đi làm về , tôi nghe tiếng bà nhà tôi đứng ở góc bếp vang vang lên :
- Chủ Nhật này tui đi làm ở tiệm giặt . Ông ở nhà lo cơm nước cho tụi nhỏ .

Tôi nghĩ thầm mấy cái tiệm quần áo chung quanh khu nhà tôi ở , họ đâu cần mướn người để trông coi tiệm . Tôi lửng lơ hỏi lại :
- Tiệm giặt nào vậy ?
- Thì chị Mỹ giới thiệu tui với ông Ðặng chủ tiệm của chị đó .
- Làm ở đâu bà biết không ?
- Ở tận chợ trời Arlington .

Từ nhà tôi chạy xe tới đó cũng ngót nghét 45 phút . Những con đường ngắn hơn như xa lộ 360 hay 30 đều hay bị kẹt xe . Cả năm nay bà nhà tôi bị cho nghỉ việc từ một hãng may nón . Thất nghiệp cho ăn được chín tháng rồi cúp . Công việc lương thấp bảy tám đô không phải là không khó kiếm , nhưng vì tiếng Anh tiếng u của bà nhà tôi cao quá , nói Mỹ , Mỹ cứ phải "what what " hoài nên họ không muốn mướn .

Giá như bà nhà tôi đọc được chút tiếng Anh , tôi có thể nói với bà Mỹ làm ở phòng modified hàn vớ vẩn mấy cái đèn LED bé xíu , nhận vô làm thử . Biểu bả học thêm nghề neo , bả nhăn mặt kêu lên : " Giời ơi ! Ông biết tui bị dị ứng , nghẹt mũi quanh năm , làm cái nghề đó hơi hóa chất bốc lên ngùn ngụt , tui chịu sao thấu . Có người giới thiệu vô làm vệ sinh nhà thương , bà than van :
- Ông hông biết gì hết trơn . Có nguời vô đó làm , họ sai vô làm quét dọn ở nhà xác . Tui thì tui sợ ma lắm , ông thích làm thì vô đó mà làm .

Ông bà ta có câu nhất nghệ tinh nhất thân vinh , nhưng có thể chỉ đúng ở Việt Nam thôi . Qua xứ Mỹ phải biết nhiều nghề mới có thể xoay sở tìm việc làm . Nhất là phải biết nói và viết tiếng Anh để đi xin việc .
- Bà làm mỗi ngày mấy giờ ?
- Bảy giờ sáng đến hai giờ chiều . Thứ Bảy nghỉ , Chủ Nhật từ 7 giờ đến 10 giờ đêm .
- Vậy là bà làm 15 tiếng ngày Chủ Nhật , sáng thứ Hai lại đi làm 7 giờ sáng . Thôi thì chiều Chủ Nhật tui lên thế cho bà mấy tiếng để bà nghỉ ngơi , và nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn . Nhưng mà công việc có khó nhọc gì không bà ?

Bà nhà tôi mỉm cười , nói nhẹ nhàng để an ủi tôi :
- Không , chỉ đứng dòm chừng khách , khi nào họ tới đổi tiền lẻ 25 xen ở máy đổi tiền thì ông ra giúp họ thôi . Ở đó có hai máy , một cái thì nó không nhận tiền đô mới , còn máy kia tiền nào cũ quá nhăn quá nó cũng không nhận . Khách hàng toàn tụi đen hay Mễ , có người không đút tiền vào máy , giả bộ kêu lên máy không " work " thì ông phải ra xử lý .

- Xử lý làm sao ? Tụi nó to con thấy bà .
- Ðâu phải xử lý cái kiểu Việt Nam đâu . Ông chỉ cho tụi nó cái bảng đề trên cái máy , chữ này viết bằng tiếng Anh . Ông chủ ổng nói là : " Phải kêu người coi tiệm trước khi đút tiền vào máy . Tiền mất sẽ không chịu trách nhiệm .

- Chỉ có vậy thôi à ?
- Còn nữa , thỉnh thoảng ông lấy chổi quét rác hay phẩy phẩy xà bông bột dính trên máy giặt .
- Vậy thôi sao ?
- Chưa hết , thùng rác nào đầy thì mang đi đổ .

Tôi gật đầu :
- Công việc nhàn quá .

Qua đến Chủ Nhật tôi xách xe chạy lên chỗ tiệm giặt . Tiệm nằm ngay ở một ngả tư nên tìm nó không khó khăn chi lắm . Tôi mở cửa kiếng bước vô . Trong tiệm giặt loe hoe vài người khách Mễ . Bà nhà tôi đang cầm chổi phây phẩy vài cọng rác . Vừa trông thấy tôi bà nhà tôi mừng ra mặt . Trong phòng hơi nóng hừng hực , mặt bà nhà tôi nhễ nhại mồ hôi . Ngoài trời Texas nóng đến 105 độ . Tiệm giặt xung quanh toàn cửa kính nên sức nóng xuyên qua tạo nên hấp nhiệt như là hiệu ứng nhà kiếng .

Tôi hỏi khẽ :
- Trong này hổng có máy lanh à ?

Bà nhà tôi chỉ vào một góc tường:
- Có một cái , nhưng đâu có đủ . Ở đây cả mấy chục máy giặt máy xấy lại thêm trời bên ngoài nóng quá . Bây giờ tui chỉ ông cách mở alarm khi đóng cửa đi về .

Nói xong bà nhà tôi đi vô một căn phòng rất bé nhỏ vừa vặn kê một chiếc máy may Juki và một cái ghế nhỏ .

- Ðây nhá , số alarm ông đừng cho ai biết . Ông bấm xong , tắt đèn tắt quạt rồi đi nhanh ra ngoài cửa , khóa cửa chính lại . Nhưng ông chủ tiệm dặn là đừng có giựt giựt cái chìa khóa . Nếu bị kẹt thì cứ xoay qua xoay lại .

Tôi cầm lấy cái chìa khóa rồi vặn thử , khóa lại cửa chính . Cũng đâu khó gì , bây giờ xoay lại là mở ra . Nhưng không hiểu tại sao ổ khóa lại cứng ngắc , không di chuyển lên xuống . Tôi nghe tiếng bà nhà tôi cằn nhằn :
- Ðã biểu ông rồi , ông chỉ cần xoay nhè nhẹ thôi . Bây giờ khóa cửa nhốt tui với tụi đen tụi Mễ trong này .

May mà lúc này chưa có chuyện gì xảy ra . Nếu có thì chắc họ cũng đập cửa kiếng chun ra ngoài thôi . Mồ hôi tôi đổ từng giọt , định dùng sức vặn chìa khóa thì bỗng nghe một giọng nói đàn ông :
- Ông đừng mở như vậy , kẻo nó gãy . Mở như vầy nè .

Ông ta cầm chìa khóa , xoay nhè nhẹ qua bên phải . Cách một tiếng , cửa đã mở .

Ðó là một người ông Việt Nam vóc dáng tầm thước , mặt vuông với đôi mắt khá sắc bén . Tôi chào ông ta .
- Anh chắc là ông Ðặng chủ tiệm giặt ?
- Dạ , đúng . Còn anh là chồng bà kia ?
- Dạ .
- Tôi nhìn thấy anh mở cửa , tôi nghĩ chắc anh hổng làm nghề ăn trộm được quá .

Qua dăm câu chuyện làm quen tôi được biết ông ta quê ở Ðà Nẵng , qua Mỹ được hơn hai mươi năm . Mới đầu làm lắp ráp dây chuyền ở hãng máy bay LTV thuộc thành phố Grand Prairie và sau đó làm thương mại .

- Bây giờ tôi có vài cái bin đinh cho mướn , vài cái convenience store . Tiệm giặt này có vài cái . Thế anh sao không làm business .

Tôi cười giả lả .
- Tui đâu biết làm business , biểu tui hồ nào ở đâu , cá loại nào , câu một ngày được mấy con thì tui biết . Mở tiệm giặt này có ăn không anh ?

Ông Ðặng cười nhẹ , lắc đầu .
- Thì ông xem đấy , máy giặt thường 75 cent , xấy 50 cent . Khách hàng cũng lai rai thôi .
- Tiệm này máy móc chắc hơn trăm ngàn ?

Ông ta cười thành tiếng .
- Vậy là anh hổng biết gì rồi . Mỗi cái máy Speed Queen loại commercial cũng vài ngàn . Ông đếm quanh đây xem có bao nhiêu cái máy . Tiệm này hơn ba trăm ngàn đô đấy .
- Bỏ bao nhiêu thứ tiền chỉ thu lại tiền cắc thôi sao .
- Thu lại cũng chẳng bao nhiêu . Anh xem đấy , tiệm giặt phải mướn hai người . Tiền đó chỉ đủ trả nhân công và tiền điện tiền nước . Anh lên làm thế bà xã , thôi anh ở lại làm nhé . Tôi phải đi qua coi mấy tiệm khác .

Khách vô giặt quần áo lai rai vài người . Nhàn quá không biết làm gì , tôi vô phòng vệ sinh xách ra một cái chổi và đi quét nhà . Sàn nhà lát gạch men màu trắng đục , đường chỉ viền màu đen . Khi quét vào trong cái đựng rác , tôi để ý thấy là khi quét mấy cọng rác đen đen nhỏ vô trong , lại thấy rác từ từ chạy ra . Tôi quét nó vô, nó lại chạy ra . Lần này tôi rướn mắt nhìn kỹ , thì ra đó những con gián đen đen bé xíu . Ðã từ lâu tôi không thấy chúng . Ai qua Mỹ trong những thời gian đầu lập nghiệp mà lại không sống chung với chúng .

Sau khi hướng dẫn nghề nghiệp , cách vận tác trông coi tiệm giặt ra sao , bà nhà tôi lái xe ra về .

Khách Mỹ Mễ ra vô đâu chừng vài người , người thì đem bỏ quần áo chăn mền vào giặt , kẻ thì đem bỏ vào máy xấy . Chừng đâu một lát sau , một gã Mỹ đen cao to lớn dềnh dàng bước vào chỗ tôi ngồi . Tôi đang ngồi gật gà, nhác nghe tiếng nói ông ổng của gã đen nọ :
- Hây you , sao cái máy giặt kia không quay ?

Tôi ấm ớ hỏi lại :
- Thế ông có bỏ tiền vô không ?

Hắn trợn mắt nhìn tôi , hậm hực nói :
- Chắc you mới đi làm à , tao là thằng trung trực nhứt trên đời .

Tôi nghĩ bụng , máy giặt đặt trong mấy cái tiệm giặt này, có bỏ tiền cắc vô thì nó mới chạy , không tiền lấy cái gì mà nó chạy nó quay . Nghĩ như thế nhưng tôi không dám nói ra ngoài miệng .
- Ðâu máy nào ? Số 20 hả ? Ông đợi một chút nhé , để tui gọi điện thoại cho con vợ tui .

Vừa nói tôi vừa rút cái điện thoại di động ra , bấm số gọi :
- Bà hả ? Có một ông Mỹ đen nói là ổng bỏ tiền vô mà máy hổng chạy .

Có tiếng oang oang từ đầu dây bên kia :
- Tui không biết , ông thử lấy tay đập đập vào thân máy xem nó có chạy không . Máy giặt nhà mình cũng hay giở chứng như vậy .
- Ừ !

Tôi không đấm mà dùng chân đá nhè nhẹ vào cái máy giặt . Cánh cửa của máy giặt bật tung ra . Tôi thở ra khoan khoái , rồi nói với gã da đen :
- Nó không chạy là bởi vì you không đóng cửa cho chặt . Nó có cái khoen khóa như vậy .
Bên kia một bà Mễ to béo vẫy tay gọi tôi lại . Tôi lững thững bước tới .
- Chuyện gì vậy amiga ?
Bà ta xổ một tràng tiếng Mễ , nghe điếc cả tai . Tôi không hiểu . Bà ta chỉ xuống mặt nền gạch . Nước xà bông rỉ trào ra từ miệng nắp máy giặt ngang . Chả cần giỏi tiếng Mễ tôi hiểu ngay là máy giặt có vấn đề . Tôi vội vàng đi nhanh vô phòng chứa vật dụng lau nhà và xách theo một cái cây lau bếp . Cứ lau , vắt đến đâu , nước trong máy cứ trào ào ào ra . Tôi gọi phôn di động cho bà nhà tôi , trình bày chi tiết sự cố sự kiếc . Tôi nghe tiếng bà nhà tôi cằn nhằn :
- Chả hiểu sao , ông đi làm có chút xíu mà nhiều lộn xộn quá . Thế này , ông tới mấy cái cầu chì , rồi xem cái máy đó số mấy , cúp nó đi rồi chừng đâu năm phút bật trở lại xem sao .

Nghe lời vợ dạy , tôi tắt máy rồi chờ chừng năm phút . Mà thật đúng như vậy , quá mấy phút máy trở lại reset như vị trí chờ khởi động . Tôi mở cái nắp miệng ra và thấy một cái vớ nhỏ bị kẹt ở nắp máy giặt .
- Amiga , cái này là lỗi ở bà , bà đóng cửa lại mà để cái này thò ra , nên nước trong máy cứ chảy ra . Bà không hiểu à ! Thôi được rồi , để tui vô trong phòng lấy bạc cắc , cho máy chạy cho bà .

Bà nhà tôi gọi điện lại cho tôi . Tôi trình bày sự kiện . Bà nhà tôi cằn nhằn :
- Ðó là lỗi của con mẹ đó . Nó phải trả tiền chớ .

Tôi cười trừ không cãi lại . Tiền đâu phải của mình , bạc cắc nằm trong máy đó là tiền của ông bà chủ tiệm . Máy trục trặc dù cho lỗi của ai thì việc làm vui lòng khách hàng là ưu tiên hàng đầu .

Và tới ngày Chủ Nhật kế tiếp , tôi đang mải mê coi trận đấu bóng chày football giữa Dallas Cowboy và Tennessee . Vài người khách da màu hững hờ đi ngang cái ti vi , không thèm để mắt tới , mặc dù tôi biết họ là fan , người mộ điệu của đội banh Cowboy . Họ bĩu môi : " Chơi dở ẹt ! " Đúng thế , qua sáu trận tỉ đấu đội Cowboy thua năm thắng một .

Cửa mở ra một thiếu phụ Mỹ đen cao lớn dềnh dàng , hai tay ôm một giỏ quần áo dơ bước vô . Theo sau là một cậu bé chừng đâu hai ba tuổi , quần áo tươm tất lon ton chạy theo mẹ . Bà ta loanh quanh mấy cái máy giặt , gọi tôi :
- Cái máy này được bao nhiêu " load " ?

Tôi ngẩn người ra , học tiếng Anh từ thuở lên mười ba tuổi , đi lính học trường Sinh Ngữ Quân Đội , tị nạn làm thông dzật viên , qua Mỹ hơn hai chục năm . Vậy mà nghe xong không biết trả lời làm sao . Tôi nhớ mang máng là bà nhà tôi có lần hỏi tôi chữ LOAD một lần . Tra trong từ điển Webster , hay trang mạng Wikipedia đều cắt nghĩa là một vật nặng , chất hàng vào xe , nạp đạn vô súng .

Tôi ỡm ờ trả lời nước đôi :
- Thì chắc nó có nghĩa là chất quần áo vào trong máy giặt .

Nhưng hôm nay , khách hàng hỏi thẳng là bao nhiêu " LOAD " . Tôi ngẩn người nhưng nghĩ ngay đến câu khác :
- Bà là người khách mới ?

Bà ta mĩm cười , gật đầu .

May quá cạnh đó có một cậu thiếu niên da màu đang loay hoay cho quần áo vào giặt . Tôi dùng câu hỏi đó hỏi cậu ta . Hắn tươi nét mặt , rồi lấy ngón tay chỉ vô một dấu hiệu sơn trắng cạnh nhãn hiệu Speed Queen . Hình vẽ hai cái giỏ (basket ) trống . Tôi hiểu ngay vấn đề nan giải này và xoay sang bà thiếu phụ giơ hai ngón tay :
- Hai .

Nhiều việc khó khăn ta cứ tưởng phải đi tìm nơi xa xăm nào đó , nhưng thật ra nó có thể nằm trong tầm mắt ta . Nó có thể bị một vật nào che khuất , dời nó sang một bên thì chính lúc đó ta có thể tìm chính cái bản ngã ego của mình .

Chú bé con da màu tung tăng trong tiệm giặt , chân mang đôi giày đen còn mới tinh bóng loáng . Trong tiệm lúc nào cũng để một lọ kẹo , tôi cầm lấy lọ kẹo hỏi cậu bé có muốn ăn kẹo không và làm bộ hỏi nó :
- You có muốn đổi đôi giày mới của you lấy viên kẹo này không ? Lại thêm đôi giày cũ của tui nữa .

Cậu bé tuy bước đi còn chập chững , giọng nói còn be be , gật đầu nói Yes . Tôi trao cho nó viên kẹo và bước ra ngoài cửa để còn tiếp tục coi trận đấu thư hùng của đội banh bóng chày Dallas Cowboy . Nắng bên ngoài vẫn còn hanh vàng , gió mùa thu thổi về se lạnh .

HH 19/11/2010