Monday, May 31, 2010

Tôi chợt nhớ đến một bài phóng sự của Nguyễn Phương Lam đăng trên mạng SGGP về Nghề Cào Nghêu mà không khỏi mủi lòng xúc động cho đời sống dân quê miệt này :

" Chúng tôi đến, biển vắng, những con thuyền cũ kỹ nằm chơ vơ quăn queo dưới cái nắng chiều hiu hắt. Bên cạnh sự quạnh quẽ, ảm đạm đến thê lòng của một làng biển là những chú bé, mặt cúi gầm, chân tay thoăn thoắt cầm cần cào sục sạo dưới bãi cát. Thỉnh thoảng các em cúi xuống nhặt nhạnh những con nghêu vừa mới trồi lên khỏi bãi cát để đem về đổi lấy từng lon gạo. Cuộc sống giản đơn, quanh quẩn chỉ có vậy mà đã “ngốn” hết tuổi thơ của bọn chúng trên sân nghêu đầy nắng, gió và sóng biển của huyện Cần Giờ, TPH. CM.

Ở xứ biển này, nếu nói đến một người cào nghêu nổi tiếng thì ai ai cũng nhắc đến ông Quí (Bùi Văn Quí), người làng cào thường gọi bác Quí là “lão cào”. Sở dĩ ông được nhận biệt danh này là vì cuộc đời trên sân nghêu đã ngốn hơn 2/3 số tuổi của ông.
Thân hình gầy guộc, đen rám, ông Quí cho rằng sở dĩ như vậy là do hàng chục năm dãi nắng dầm mưa cùng biển thì làm sao tránh khỏi sự bào mòn của khí hậu biển, đó là mối đe dọa đến khắc nghiệt đối với dân cào. “Biết làm gì hơn bây giờ hở chú, khi cuộc sống ở đây chỉ có nghề này còn hái ra được tiền, còn những nghề khác thì xem như vô vọng. Chẳng lẽ ngồi chờ chết đói hay sao mà không chịu ra biển để cào nghêu mướn chứ”. Trả lời chúng tôi những câu thật ngắn, rồi ông Quí vội vã vác cần cào sải bước về phía biển. Những con sóng chiều mỗi lúc một hung dữ hơn. “Mặc kệ nó, phải đi tìm miếng cơm bỏ bụng cho ngày mai thôi…”. “Lão cào” Quí thì thào trong miệng rồi vội vã vụt đi về phía khơi xa, nơi cơn sóng biển đang giận dữ thét gào…

…“Hôm nay phải chờ màn đêm buông xuống thì con nước thủy triều mới ròng cạn. Chú ráng đợi đi, theo chúng tui một chuyến vui hay buồn là biết liền hà”. Chị Hà Thị Thu, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa kể đủ thứ mọi chuyện về phận người cào nghêu ở đây như để cố gắng mời chúng tôi ở lại. Hơn 8 giờ tối, biển giờ thật sự vắng lặng, chỉ có tiếng sóng xô vào bờ nghe rạt rào vang bên tai. Nhưng những trở ngại đó không đủ để hăm dọa, cản ngăn bước chân những đoàn người cào nghêu chuyên nghiệp ở đây. Từ trên bãi cát mênh mông, họ kéo nhau ra ngoài khơi xa gần cây số, nơi con nước ròng rút đi bỏ lại bãi cát màu xám xịt. Chị Thu thở phào nhẹ nhỏm: “Hôm nay biển lặng và yên ắng thật. Trời cũng quang đãng không mưa dầm như những hôm trước. Đây là thời tiết thích hợp nhất để chúng tui cào đây!”.

- Nếu sống chăm bẵm vào đồng tiền còm cõi này thì những lúc mưa gió trở trời, khi đau bệnh, rồi sinh con đẻ cái, sống thế nào đây? Tôi hỏi.
Chị Thu cười buồn:

- Trời sinh trời nuôi mà chú, lo làm gì cho mất công. Mà mình có tính thì cũng không bằng trời tính đâu chú ạ? Như gia đình tui có 3 đứa con mà chỉ có cần cào này là nuôi cho chúng ăn học. Làm ngày nào xào bữa nấy, nuôi cho nó học được đến đâu thì hay đến đó chứ không biết được. Đứa lớn mới 10 tuổi nhưng trông gầy yếu lắm nên chưa khiêng nổi cần cào, nếu không thì cũng cho nó nghỉ học để gia nhập đội quân cào thuê này thôi.

- Vậy còn chồng chị làm gì ở xứ biển nắng gió này?

Khi nhắc đến cha của những đứa trẻ, chị Thu nghẹn ngào:

- Ba của nó cũng sinh ra và lớn lên từ các bãi nghêu này. Nhưng đến khi sinh ra đứa thứ ba thì mình ông kham không nổi từ đồng tiền cào thuê còm cõi này nên đã bỏ nhà và mẹ con chúng tui ra đi biền biệt. Gia tài mà ông ấy bỏ lại cho tui là 3 đứa con trẻ và một cần cào trị giá 12.000 đồng!

Tôi chợt nghĩ, sự chia tay của một đôi vợ chồng trên sân nghêu này sao lại giản đơn đến thế? Và chị Thu lại bắt đầu một cuộc tảo tần nuôi con trên cái bãi nghêu sóng gió này với một lối thoát mịt mù khi nhìn về tương lai của những đứa con. Những cơn gió cuối mùa tiếp tục xô những con sóng cuồn cuộn vào bờ. Mặc cho cái nắng hanh khô của gió, của hơi muối thốc thẳng vào những gương mặt đen rám, những người cào nghêu ở trên bãi biển Cần Giờ vẫn âm thầm hứng chịu để đổi lấy sự sống, để tồn tại mưu sinh.






Trong khoảng không gian tối mịt, hơn 50 người bắt đầu thoăn thoắt trong bộ cần cào. Có bao nhiêu sức lực họ đều dùng hết trong quãng thời gian này, bởi không thể chậm trễ hơn được nữa, con nước thủy triều lớn đầy sẽ không chờ đợi họ. Trong số hàng chục người nhấp nhô, tận tụy cào, thằng bé trạc chừng 13 tuổi, mình mẩy nó đen nhẻm, tên nó là Biền.
Đưa tay quệt vội dòng mồ hôi nhễ nhại trên trán, Biền đáp lại với tôi gọn lỏn: “Học làm gì hở chú khi cái bụng không no được. Ba mẹ con nói vậy, nên kể từ năm học lớp 1 là con đã biết cào nghêu mướn và bắt đầu tháp tùng theo những người cào nghêu mướn ở bãi biển này rồi. Đến giờ thì con đã trở thành dân cào chuyên nghiệp rồi. Mỗi ngày có hai con nước ròng cạn bất kể ngày hay đêm, từ bãi nghêu này con cũng kiếm thêm được trên 30.000 đồng. Đưa cho cha mẹ 20.000 đồng, còn lại 10.000 đánh bài, hút thuốc, uống cà phê… vậy là vui rồi!”. Vậy là tôi đã hình dung ra được cuộc đời của những người cào nghêu ở đây đơn giản, chỉ có vậy. Kiếm tiền từ nghề cào nghêu thuê mướn là thu nhập chính, là con đường mưu sinh duy nhất của họ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết những số phận sống quanh quẩn với làng biển này có đến hơn 200 con người chứ ít ỏi gì.

Hai thằng bé Bi và Hoàng ở Đồng Hòa, Long Hòa ngồi bó gối bên 2 cây cần cào, mắt đang đăm đắm trông về phía khơi xa. Thỉnh thoảng chúng nó lại hỏi nhau những câu hỏi vô cớ mà từ trước đến nay nó vẫn thường hay hỏi: “Sao hôm nay nước ròng cạn chậm giữ vậy ta. Đã 4 giờ chiều rồi mà sao nước vẫn chưa rút vậy ta…”. Thật ra chúng nó cũng dư biết rằng nước triều rút xuống để cho chúng nó dễ dàng cào nghêu, lúc này không sợ những người lớn giành giựt. Hai đứa bằng tuổi nhau, nhưng Bi trông đầy đặn người hơn Hoàng vì mới vừa đi cào được hơn 3 tháng.

- Thằng Bi nó đã cào trước em mấy năm nay rồi.

- Vậy, hai đứa bao nhiêu tuổi mà cào mấy năm rồi?

- Hai đứa em mới 12 tuổi thôi, nhưng thằng Bi thì đã biết cào nghêu từ năm 6 tuổi lận. Nó nhờ có ba nó là dân cào ở đây nên nó biết cào nghêu sớm. Còn em 3 tháng hè vừa qua được nghỉ học, nên theo nó tập tành cào vậy mà. Má em nói nếu cào được thì má cho nghỉ học luôn để đi cào. Bởi vậy em phải ráng thôi!

Đợt sóng biển bất chợt ùa vào như xé toang những suy nghĩ của chúng tôi. Sóng như cuốn đi những số phận của những đứa trẻ thơ đang bắt đầu bước vào đội quân “cào thuê” ra tận biển xa.


*******
Tôi hỏi anh xe ôm Cần giờ còn chỗ nào đáng xem nữa hay không . Anh ta ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp :
- Ở đây to nhứt , đẹp nhứt là cái nhà ... cái toà nhà Ủy Ban Nhân Dân Huyện Cần Giờ , anh có muốn đi tham quan không ?

Tôi lắc đầu ngoầy ngoậy tỏ ý không muốn đi , vì tôi biết là từ Bắc vô Nam hay từ Nam chí Bắc dọc theo các quốc lộ , tỉnh lộ những cái dinh thự to lớn đẹp đẽ khang trang đều là các toà nhà Ủy Ban Nhân Dân . Chúng nó bề thế tương phản với dãy nhà người dân lụp xụp chung quanh đó .

Anh xe ôm chợt nhớ ra điều gì nói :

- Anh có muốn đi coi Đảo khỉ không ?

Tôi tự nghĩ đám khỉ này có gì mà coi , từ 75 đến giờ chúng tôi đã nhìn chúng quá nhiều . Dù nghĩ vậy tôi vẫn tươi cười gật đầu . Anh ta chạy qua một đường tắt , không chạy ngang qua thị xã . Hai bên đường những ngôi nhà nhỏ nhắn có mái gạch đỏ nâu ẩn hiện giữa những hàng cây ăn trái . Dù xe chạy hơi nhanh , tôi ngồi sau lưng anh xe ôm cũng nhận ra được là những cây xoài rung rinh lá theo chiều gió .

- Ủa , sao ở đây có nhiều xoài quá hả ? Nó có ngon như là xoài gòn , xoài thanh ca gì không ?

Anh ta vui vẻ :
- Ngon hơn nhiều . Đất này là vùng đất phù sa , lại là nước lợ nên hợp giống xoài lắm .

- Miệt này lúc trước là khu rừng Sác nổi tiếng lắm phải không ? Tui nghe bạn tui nói là mấy ổng hoạt động trong này nhiều lắm mà mấy ổng hành quân tìm hổng ra một ông nào . Mấy ổng lặn chui ở đâu mà hay thiệt .

Anh xe ôm cười hề hề :
- Bây giờ muốn tìm mấy ổng hả , dễ lắm cứ ra cái Ủy Ban Nhân Dân thì có khối .

Xe chạy đâu chừng hơn mươi phút ra tới tỉnh lộ , anh xe ôm quẹo trái đoạn anh ta dừng trước tấm biển thật to : " Khu Sinh Thái Cần Giờ " , và anh ta chỉ vô một gian phòng bán vé rồi bảo :

- Tới rồi anh Hai , anh vào mua vé vào xem khỉ . Chúc anh tham quan vui vẻ nhá .

Nhìn quanh tôi không một bóng người , chỉ nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió biển . Giá vé vào cửa không mắc lắm , đâu chừng 20 ngàn đồng . Cô bán vé trao cho tôi tờ vé vào cổng và nói :

- Bác sao không biểu cái anh xe ôm đó chở thẳng vô cổng ?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại :
- Tui tưởng cổng vô là ở đây mà ?

Cô bán vé cười tươi :
- Từ đây vô trong cổng còn khá xa , đi bộ cũng hơn 20 phút . Đây đây có anh Năm chạy xe ôm ra đón khách , để anh Năm chở vô trỏng .

Lại một lần tiền , hình như các bác xe ôm này đã ăn rơ sao đó , chia vùng đất để kiếm ăn . Đúng là rừng nào cọp đó .

ooooOOOOoooo

Dù đang vào mùa hè nhưng dưới những tàn cây cao dọc theo hai ven đường tôi vẫn cảm thấy dễ chịu . Anh Năm xe ôm dừng xe tại một ngả ba rồi tươi cười bảo :
- Anh Hai có gì quí báu đưa cho em giữ cho .

Tôi lắc đầu . Anh Năm xe ôm chỉ vào cái bao ni lông mà tôi cứ khư khư giữ chặt bên người .
- À cái này hả ? Chỉ là những hộp thuốc nam thuốc bắc thôi .

Tuy nói vậy tôi vẫn đưa trao cho anh Năm xe ôm .
- Anh biết sao hông ? Ở đây xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc rồi nên tụi em biết mới dặn dò du khách . Tụi khỉ hỗn lắm , thấy du khách cứ nắm gì trên tay là nhào tới chụp giựt . Có người mất cả máy chụp kỹ thuật cao cấp .

Tôi chợt cười , đáp lại :
- Chuyện đó dễ mà . Xưa tui có đọc một câu chuyện về một anh học trò đi về quê thăm bồ . Anh ta mua được một cái nón mới đội trên đầu , khi đi ngang qua một bìa rừng bị đám khỉ lột mất cái nón và chúng nó nhảy tuốt lên ngọn cây . Thế là chúng nó chuyền nhau cái nón chí chét ầm lên . Anh học trò năn nỉ ỉ ôi , bọn khỉ cứ nhe răng khẹt khẹt . Anh ta tức mình định lấy đá ném lên tụi khỉ , nhưng nghĩ lại nếu làm như vậy bọn khỉ nhái lại hái trái cây ném trả lại thế nào cũng bị bể đầu . Thế như anh Năm anh làm cách nào để lũ khỉ trả lại nón cho anh ?

Anh Năm cười dòn :
- Tui í à , dìa cơ quan lấy súng bắn bỏ mẹ tụi nó .

Tôi chào anh ta rồi bước vào một con đường lát sỏi , đã thấy một bầy khỉ chừng vài chục con đang vây quanh vài cô gái . Tôi chưa hiểu tại sao chúng nó lại bu quanh đám thiếu nữ đó thì một anh bảo vệ khu sinh thái nói lớn :
- Anh Hai anh Hai mua cái này làm quà cho khỉ .
- Bao nhiêu vậy ?
- Hai ngàn một bịch .

Trả tiền xong tôi vừa cầm lấy bịch quà , chưa kịp mở ra xem bên trong là giống gì thì bỗng dưng nghe tiếng gió từ đằng sau vụt tới , gói quà trong tay tôi đã bị một con khỉ to giựt cướp mất . Nó vừa chạy vừa la khẹt khẹt nhào tới một cái mương trước mặt . Hai ba con khỉ đồng bọn thấy vậy cũng nhào tới đòi chia phần . Chúng kêu chí chóe ầm lên , đánh nhau loạn xạ và cả bọn đều nhào xuống cái mương nước đục gần đó .

Tôi nghĩ bụng anh Năm xe ôm nói vậy mà đúng quá . Nếu như du khách mang theo những vật dụng quí giá như bóp , máy chụp hình đeo tòn ten trên tay , lũ khỉ hoang đàng này sẽ giở trò cướp giựt ngay . Bên cạnh tôi có những con khỉ khác , có con là khỉ mẹ còn đang ôm chú khỉ con bé tí đứng dáo dác nhìn tôi . Đám khỉ này chắc không thể nào cạnh tranh với đám khỉ già khỉ đực hồi nãy .
Tôi quay sang hỏi anh bảo vệ kiêm luôn chức bán thức ăn :
- Thức ăn cho khỉ hình như là khoai mì thì phải .

Anh ta gật đầu . Tôi nghĩ thầm : " Bây giờ đất nước khá rồi, dân không ăn khoai mì mãi mãi nữa mà để dành cho lũ khỉ . "
- Anh để thức ăn trong thùng này không sợ lũ khỉ này nhào tới cướp giựt sao ?

Anh bảo vệ rút trong ngăn kéo ra một cái ba toong và một cái ná có buộc dây thun .
- Đứa nào lạng chạng là tui cho một gậy bể đầu ngay , còn không thì cho ăn đạn .

Anh ta vừa nói vừa kéo dang sợi dây thun ra nhắm vào lũ khỉ làm bọn chúng hoảng sợ la ầm chạy thật xa .
Tôi nghĩ thầm : " Đây đúng là vật tổ totem của loài khỉ . Chúng thấy là hoảng sợ mặt mày lấm la lấm lét chạy ra xa ngay . "

Nhìn qua đám thiếu nữ trạc chừng đôi mươi đang đùa dỡn quấn quít bên nhau , tôi chợt thấy một cậu thanh niên mặt mũi nhẵn nhụi bảnh bao , áo quần tươm tất bèn tiến đến làm quen . Nghe cậu ta đáp trả một bằng một tiếng gì lạ hoắc , tôi đoán già đoán non : " Mắt hi hí thế kia không người Nhật thì Đại Hàn , không thể chạy đi đâu được . "
Ngày xưa người ta gọi là Đại Hàn hay Nam Hàn bây giờ hiện đại hơn , được gọi là Hàn Quốc để phân biệt với Triều Tiên . Cậu ta chắc có dây mơ rễ má gì với đám thiếu nữ kia , tôi hiếu kỳ hỏi :
- Cậu đi tìm vợ bên Việt Nam à , chọn được cô nào chưa ?

Cậu ta đáp lại bằng tiếng Anh "Broken English" như tôi , chỉ vào một cô gái nhỏ nhắn mặc chiếc áo bà ba màu tim tím hoa cà . Cô gái đó hình như đoán biết chúng tôi đang chuyện trò về cổ . Cô ta thẹn thùng ửng hồng đôi má , và kéo chúng bạn qua chiếc cầu gỗ bắc ngang một con mương nước đục lợ phù sa .

Cậu Hàn quốc này chừng đâu ba mươi tuổi .
- Anh ở Hán Thành ( Seoul) ?

Cậu ta đáp lại bằng một danh tự lạ hoắc . Tôi nhìn cậu ta vẻ mặt khá thông minh lanh lẹ .
- Anh là kỹ sư hay téch ni son ?

Cậu Hàn quốc lại lắc đầu , chỉ sang mấy con khỉ rồi đưa hai tay ra băm băm như thể dùng thế Song Long Thôi Nguyệt . Tôi đoán chừng có thể cậu ta là bác sĩ thú y hay là cậu bán thịt cầy tơ bên bển vì nghe qua giọng nói Anh ngữ tôi nghĩ là cậu ta mới học lớp Anh ngữ cấp tốc vì hay dùng English by hands .

Bỗng nghe tiếng gọi ơi ơí từ đằng xa " Dong yêu , Dong yêu " của một cô gái , chàng thanh niên bỏ mặc tôi bước vội sang cầu gỗ .

Dong yêu có lẽ là tiếng gọi Yong-Il của Hàn quốc . Tiếng Việt gọi là Chính Nhật .

Tôi lững thững đi theo họ . Chiếc cầu nhỏ hẹp có treo một tấm biển nhỏ " Coi chừng cá sấu " . Nó hình dáng như chữ chi tức là hình chữ Z , bắc cao hơn mặt đất chừng một hai thước . Hai bên cầu có bờ gỗ rào chắn ngang . Phía dưới đất thỉnh thoảng có vài vũng sình lầy đất cát đen xám . Tôi nhìn mãi mà vẫn không thấy chú cá sấu nào , có thể chúng đang ẩn nấp đâu đây hay ngoài bờ kinh rạch . Cách đây hai tháng gia đình tôi có dịp qua Thái Lan , tham quan khu sinh thái cá sấu , nơi có trò biểu diễn cá sấu . Anh làm xiếc người Thái can đảm thò nguyên cái đầu vào họng con cá sấu , miệng nó đang mở rộng toang . Với kình lực trên một ngàn kí lô trên một phân vuông , hàm răng cá sấu có thể nghiền nát cái đầu người như chơi . Còn như nơi đây khu sinh thái , cá sấu rái cá rùa riếc gì cũng vắng tanh như chùa Bà Đanh . Cảnh vật thật tĩnh lặng hoang sơ . Rừng tràm đước , mắm mọc um tùm như thuở hồng hoang .

Chừng mười lăm phút du khách đã thăm viếng khu cá sấu không tên này , chúng tôi lang thang ra ngoài chỗ cũ , nơi anh bảo vệ khư khư ôm lấy thùng bán khoai mì . Một anh nhân viên khác bước tới chào mời :
- Đi ghe thăm rừng U Minh hay chiến khu Rừng Sác không quí khách ?

Mấy cô gái nghe vậy hớn hở vẫy tay và kéo anh Đại Hàn xuống một chiếc xuồng . Họ được cho mặc một cái áo phao cứu sinh đỏ hồng .

- Anh Hai muốn tham quan không ? À ! Hết chỗ rồi , đợi chuyến sau .

Tôi không có cảm hứng đi chơi dạo bằng cái ghe tắc ráng này vì tôi vừa đi mổ con mắt cườm phải được hơn một tuần , nên ngại ngùng không muốn nước bắn vào mắt . Vả lại tôi cũng chẳng lạ lùng gì đến sông nước miệt Cần Giờ này .

Năm 1982 vài người bạn cùng tôi chuẩn bị ghe đi vượt biên . Ghe khởi hành từ Thị Nghè , dọc sông Sài Gòn , Nhà Bè , qua ngả tắt để nhập vào sông Thị Nại rồi ghé bến gỗ Phú Mỹ . Nơi đây sông ngòi chằng chịt . Khi nước ròng dòng sông cạn nên ghe chúng tôi mắc cạn . Chúng tôi phải xuống ghe , lội sình đẩy ghe tới vùng nước sâu hơn . Sình đen ngập tới đầu gối . Quanh quẩn mấy cụm cây đước vài chú còng ba khía bò loẳng ngoẳng chun vô hang . Cảnh vật lúc đó cũng im vắng tĩnh lặng như bây giờ .

31.5.2010