Sunday, October 9, 2011

Chào các bạn

Ngồi chơi xơi nước

(Ngồi chơi sơi nước, Seat Play Eat Water )

Hôm nay TS hân hạnh được nghe loạt chữ mới do anh NX dùng . (Ngồi chơi sơi nước, Seat Play Eat Water ) . Tui tìm trong google chỉ thấy họ đăng một cái bàn có kẹp theo mấy cái ghế cho các cậu trẻ con chừng hơn 1 tuổi ngồi , nghịch và ăn uống .
Ngoài ra , còn tìm được chữ Seat play and eat watermelon . Việt Nam ta , nước thường để uống , nhưng để cho vần điệu nên sau chữ Ngồi chơi thì có vần xơi thì mới hạp âm vần .

Ngày xưa tui có nghe vài câu dịch ra tiếng Anh cho vui :

- No star where ( không sao đâu )

Câu chuyện này làm tui nhớ đến trong 1 trang lưới nọ có đăng cho vui :

"Có một câu ca dao... không có liên quan gì đến chuyện ăn uống nhưng lại bị hiểu lầm rất nhiều:

"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương"

Một anh hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với ông khách người Mỹ câu ca dao trên, dịch "canh gà" tức là ... súp gà (chicken soup), Thọ Xương là mắc xương, hay la Long Live Bone ,Thiên Mụ là mụ trời! Ông Mỹ về viết lại một quyển hồi ký dịch nguyên câu này ra tiếng Anh. Một dịch giả Việt Nam khác đọc được cuốn sách Mỹ, bèn "mắc dịch" như vầy:

"Mụ Trời đánh mấy hồi chuông
Cháo gà húp vội, mắc xương mấy lần" (!!!)

Hay là :

Một anh chàng người Nhật bản có cảm tình với Việt nam, anh ta quyết tâm học Tiếng Việt. Chẳng những thích biết tiếng Việt mà mục tiêu của anh ta là học tiếng Việt để dịch thơ tiếng Việt sang tiếng Nhật bản.
Với lòng quyết tâm cao, sau một thời gian anh ta đã có được tác phẩm đầu tay. Đó là bản dịch hai câu thơ:
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương..."



Anh ta vô cùng phấn khởi, liền đem ngay tác phẩm mới hoàn chỉnh nhờ một người bạn thân(người Việt Nam) đã ở Nhật rất lâu và nói chung là rất rành tiếng Nhật bản nhận xét. Để có lời bình luận chính xác cho tác phẩm đầu tay của bạn, người bạn Việt Nam đem bản dịch của bạn dịch lại thành tiếng Việt thì được kết quả không phải hai câu mà là ... bốn câu thơ như sau:

“Cuồng phong lay ngọn trúc,
Đổ xuống tà vẹt đường.
Vợ Trời đánh một hồi chuông,
Cháo gà húp vội, hóc xương mấy lần...”



Người bạn còn miệng ăn, hết miệng nói... Hóa ra anh bạn Nhật này cũng rất là chăm chỉ học tiếng Việt. Anh ta đã tra cứu từ điển Tiếng Việt và tìm ra được nghĩa của một số từ, đại loại như:
Gió = Cuồng phong ; Đưa = lay(lung lay) ; La = Đổ xuống ; Đà = Tà vẹt ; Thiên = Trời ; Mụ = Vợ ; Canh = Cháo ; Thọ = Hưởng, hóc.
Thành ra anh ta mới có một bản dịch “Tuyệt vời” như trên.
Đúng là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” phải không các bạn?! Học Tiếng Việt không phải chuyện đùa, chưa nói gì đến chuyện dịch thơ T. Việt, phải không nào?!!!...


http://phocuongonline.com...3273%3B%26%237865%3Bp!

Mong chúng ta không như các dịch giả trên chuyển ngữ chuyện trên trời thành dưới đất .

Hôm qua tui vô hãng hỏi thử vài người bạn Mỹ làm chung. Đầu tiên mình đưa ra một ví dụ :

- Hây , man. Tui có một thắc mắc là , người Mỹ ít khi nói thành ngữ. You biết Maxim là gì không? Hông biết hả , thế còn chữ Proverb , Old sayings?

Ông bạn Mỹ cười toe toét gật đầu.

Tôi tiếp lời :
- You có biết người ta nói rằng : " Một con chim trong tay bằng hai con trong đám cây.

Hắn vừa nghe xong lắc đầu :
- You nói sai rồi. Hai con trong bụi rậm. A bird in your hand is worth two in the bush.
- Bụi cây hay bụi rậm giống nhau mà. Thế còn như câu thành ngữ Idiom , Trâu tìm trâu , ngựa tìm ngựa. You hổng hiểu hả? Ví dụ you trong băng đảng , tui cũng ở đó nên tìm nhau.

Hắn ta ngẫm nghĩ một lát :
- Ồ ! Người Mỹ tụi tao có câu : " Birds same the feather flocked together. " Chim cùng màu lông cánh thì tụ họp thành đàn với nhau.

Tôi lái câu chuyện về vần đề chính.
- Bây giờ có người hỏi tui , Sit Play Eat Water. Hổng hiểu hả ? Cái đó nguyên nghĩa là một người làm việc tà tà mà lãnh lương nhiều , làm ít mà ăn nhiều đó.

Hắn đưa ngón tay ra suỵt suỵt làm hiệu :
- You nói nhỏ một chút , xếp tao nghe được thì hổng khá. Kìa ! Mới nhắc mà hắn sắp mò tới.

Về nhà hỏi đứa con gái út đang học lớp 8. Nó nghe xong lắc đầu :
- Mỹ hình như không có câu này. Nhưng mà hồi nãy bố nói thí dụ như các bác sĩ làm ít lãnh lương nhiều. Hổng đúng đâu bố , họ từ bé học nhiều lắm. Work hard play hard.

- Là nghĩa gì hả con?
- Thì làm nhiều ăn nhiều đó bố.

Tôi mò vô trong trang Google tìm được vài thành ngữ. Trong đó có một đoạn Work a little earn a lot of money. Làm ít ăn nhiều , làm đâu ngủ đó , nó lấy mất cưa lấy gì mà kéo . Tôi tưởng nói về các ông thợ cưa cây , nào dè bấm vô nó hiện ra những hàng chữ nói về các ông realtor , bán nhà bán cửa .

Khi tôi viết những dòng này là lúc tôi sắp sửa bán nhà . Sau khi đi ở mướn chừng vài năm , năm 1994 vợ chồng tôi quyết định mua một căn nhà mới ở vùng đông bắc thành phố Fort Worth , nhà này xây năm 1959 tức là nhà đã cũ 35 năm . Chừng mười mấy năm sau khi đi một chuyến về Việt Nam bà nhà tôi chê nhà này trần thấp quá mặc dầu bà nhà tôi có với tay hay rán sức nhảy cũng không chạm tay tới trần nhà . Trần nhà chỉ có 8 feet tức là khoảng 2,43 mét . Tôi biết chắc như vậy bởi vì tôi là dân chơi bóng chuyền tài tử , khi nhảy lên để chắn để cản banh chỉ chạm tay tới đầu lưới mà thôi .

Nhà mới này thuộc thành phố Haltom , phía bắc thành phố Fort Worth xây năm 1999 . Trần nhà khá cao đến 10 feet hơn 3 thước . Nhà cũ mỗi lần thay bóng đèn chỉ cần kê một cái ghế là có thể thay được ngay , bây giờ phải dùng đến một cái thang dài . Nhìn bề ngoài coi cũng được , nhưng mảnh đất thì lại méo . Đầu bé đít to , theo các nhà phong thủy thì nhà này thuộc loại nở hậu , vận mệnh sau này làm ăn khấm khá . Nhìn từ góc chính diện hay trực diện gì đó (bird view ) nhà này có dạng hình thang , mà sau này khách tới mua chê bai đủ điều . Khi mua nhà này tôi nhỏ nhẹ nhắc chừng , bà nhà tôi bĩu môi : " Giời ơi ! Ông cứ tin vớ tin vẩn . Ông xem nhà bà bác của ông ở Ngả Ba Cây Quéo . Nhà mặt tiền thì to đít thì bé mà bác ông làm ăn khấm khá quá chừng .

Nhà này ở đường Blanco nằm ở một vị trí trong một cung hình tròn . Khi ông chuyên viên địa ốc dẫn tới coi nhà , bà nhà tôi nhìn qua là thích thú quá . Trần thì cao bếp thì rộng , vườn sau thừa thãi tha hồ trồng cây trồng rau dù rằng nó có méo mó lệch lạc đôi chút . Nhà này nghe nói của hai vợ chồng cảnh sát Mỹ . Họ ly dị nhau và vì thế ông chồng không đủ khả năng trả tiền nhà , nên bị nhà băng rồi quăng hết đồ đạc trong nhà ra ngoài đường . Nhà nói chung coi cũng được , chỉ cần sơn lại trong ngoài căn nhà . Thảm phải thay , Sàn nhà lót gỗ chủ cũ làm còn dở dang . Ông địa ốc cho lời khuyên : " Chú thím bỏ chừng vài ngàn là có cái nhà đẹp như mới . " Đến khi đặt cọc làm giấy tờ nhà băng đòi hỏi nhà phải sơn sửa , thay thảm bằng thợ chuyên môn . Công là 6500 đô la .
Bà nhà tôi ậm ừ , thôi cũng được chẳng đáng là bao . Sau đó kêu ông thanh tra thanh tre Mỹ gọi là inspector . Người này do ông T. địa ốc giới thiệu tới kiểm tra nhà chừng hơn một giờ đồng hồ , lấy tôi 300 đô . Báo cáo nhà vẫn rất tốt , chỉ cần thay thảm , sơn bên trong nhà , chỉnh lại cửa tự động ga ra và thay một cánh quạt của hệ thồng máy lạnh 2 tấn . Cánh quạt này thay chừng vài chục đô thôi . Thế là tôi về bẩm với bà nhà tôi .

Thế là tôi phải bỏ ra 6500 đô để thay thảm , sơn lại bên trong nhà và sửa lặt vặt vài thứ trong ngoài . Lại thêm 1000 đô đổi loại thảm tốt ở phòng khách , theo hợp đồng họ dùng thảm 6 đô một square yard (gần một thước vuông ) , bà nhà tôi muốn loại 35 đô một square yard . Khi kêu thợ điện lạnh tới thay cánh quạt của máy lạnh nhỏ , ông này là người Việt sau khi xem xét xong nói : " Anh An à , nhà này cái coil (ống dẫn làm lạnh ) của máy 5 tấn bị thủng rồi . "
Tôi cũng học về điện lạnh đến 6 tháng trời nhưng vì học mà không làm thì quên hết lời thầy dạy , thắc mắc hỏi lại : " Làm sao anh biết ? " Anh V. trợn mắt nhìn tôi : " Hôm bữa anh nói anh cũng là dân điện lạnh mà ? " Tôi cười cười không nói .
- Này nhé ! Anh có thấy những vết đen đen ở các lỗ thông hơi trên kia không ?
Tôi ngước nhìn lên trên trần nhà cao , qua các cánh có những vết thâm đen như màu khói xe mà tôi cứ tưởng là tại bụi bậm dính vào , chỉ cần dùng máy hút bụi quẹt quẹt mất cái là sạch bong .
- Vậy nếu thay cái coil đó bao nhiêu hả anh ?
- Loại đó thuộc máy Trane 5 tấn . Anh biết mà máy Trane mắc lắm ... à thôi tôi lấy anh hai ngàn đô chẵn .

Lòng tôi cảm thấy như có ai xát muối , bà nhà tôi biết được thế nào cũng mắng mỏ cho tôi một trận : " Tôi đã bảo ông gọi thơ inspector Mỹ xuống coi , ông lại kêu thợ Việt tới , cái gì cũng tốt cái gì cũng ô - kê , bây giờ thì ...
Khi trả tiền xong tôi xin cái hóa đơn , ông V. điện lạnh qua điện thoại cứ khất lần : " Em bận việc quá anh à ! " Qua vài ngày sau , thợ sơn sửa thay thảm xong , trả tiền đầy đủ . Hai ông thợ Mễ cười cám ơn rối rít và không quên trao cho tôi một tờ hóa đơn bằng giấy học trò viết nguệch ngoạc bằng vài dòng chữ tiếng Anh .

Tôi đi quanh xung quanh nhà , lòng tự nhủ : " Nhìn qua thì nó cũng giống như nhà mới , lần này chắc hẵn là an cư lạc nghiệp . Bà nhà mình đi Đức chơi vài tuần về chắc sẽ thích lắm . Thôi mình vô bên trong xem lại cái cánh cửa ga ra , lúc trước nó hơi méo . Mấy ông thợ Mễ này khéo thật ! Không biết làm cách nào họ sửa mà cho cánh cửa lên xuống thẳng băng ."

Tôi bấm cái control , cửa ga ra lên xuống được vài lần rồi tự nhiên méo , lệch nghiêng qua một bên .
- Chết cha !

Cái ga ra đôi co' một cái tấm bảng nhôm hay sắt gì đó to tổ chảng , nếu như nó hoạt động tốt , bạn chỉ cần giựt cái chốt gần động cơ trục kéo thì có thể nhắc lên nhắc xuống dễ dàng .Còn như nó lệch méo qua một bên thì vô phương . Tôi vốn là dân Hướng đạo có bằng hạng nhì bèn nghĩ cách tháo ra từng miếng . Thoạt tiên gỡ miếng dưới cùng rồi từ từ đến tấm gần cuối cùng mà cửa vẫn còn méo . Lúc đó gần 10 giờ tối khu nhà này không một bóng người qua lại để tôi xin giúp đỡ (help help ! ) . Đến công đoạn cuối cùng tôi mới nhìn qua hai bên cánh cửa ga ra , thì ra một bên bị sút dây cáp mà tôi không nhìn thấy . Đến bây giờ nhìn ba cái mảnh cửa đã được tháo ra và vì nó to và cồng kềnh khi tháo gỡ ra nó nhìn có vẻ hơi móp méo . Giờ này biết gọi ai , thợ chuyên môn sửa cửa ga ra đâu có làm việc . Thế là tôi gọi cho cậu con trai tới ráp lại . Hai cha con hì hục vài tiếng , dĩ nhiên cửa ga ra vẫn méo qua một bên như từ lúc vợ chồng tôi đi coi nhà và cánh cửa còn lõm ra lõm vào .
Qua ngày hôm sau gọi thợ đến . Ông này là người Mễ , nói tiếng Mỹ lưu loát :
_ Amigo ! Cánh cửa này phải thay , tiền công tiền đô tám trăm đô .

Tôi tái mặt , lần này chắc chết .
- Thế nếu thay luôn cả bộ vừa máy vừa cửa hết bao nhiêu ?
- Một ngàn đô cả thuế .

Tôi đành bấm bụng gật đầu . Dân thợ chuyên môn có khác . Một mình ông ta vừa tháo vất bỏ cánh cửa ga ra cũ , máy kéo cửa ga ra vừa thay cái mới chưa đầy bốn tiếng đồng hồ . Hắn không dùng thước đo , hay cục chì plummet để đo độ thẳng góc . Cứ nhắm nhắm rồi xiết ốc , chỉnh chỉnh vài cái lại xiết bù lon . Cánh cửa mới có khác , lên xuống chạy êm ru không giống như cái cánh cửa ga ra lúc trước chạy ầm ầm như xe tăng .

Thế là toi hết chục ngàn . Cái nhà bây giờ lên đến 140 ngàn mà nó vẫn là nhà cũ .

Sunday, September 18, 2011

Sau khi nghe tôi trình bày tự sự , cha chánh xứ biểu :
- Ngày xưa Hội Thánh không chuẩn y cho việc cưới xin như vậy . Luật dạy rằng cả hai vợ chồng phải cùng theo một đạo để sau này việc dạy dỗ con cái nó vô nề nếp hơn , nhưng bây giờ luật cũng thay đổi , không nên ép buộc người phối ngẫu bên kia phải vô đạo . Luật cũng nói rằng đạo ai thì người ấy giữ , miễn là sao cho thuận vợ thuận chồng là được . Nhưng có điều cháu Huy nhà anh đó , nó là con nhà có đạo thì phải theo Luật Chúa . Cô kia không cần phải theo đạo Chúa , hai đứa nó chỉ cần học một lớp giáo lý hôn nhân do nhà thờ tổ chức .

Tôi vội ngắt lời cha chánh xứ :
- Dạ thưa cha , hai đứa chúng nó đã ghi tên học ở trường trung học Nolan rồi cha . Lớp này do một cha Mỹ giảng dạy , con nghĩ tụi nó không rành tiếng Việt nên ngại ngùng tới đây .

Trường trung học phổ thông Nolan là một trường tư thục công giáo nằm dọc theo xa lộ I-30 gần đường Oakland . Nhiều người Việt Nam hay Mỹ trắng khá giả thường cho con cái theo học trường này . Tiền học một năm bây giờ khoảng bảy hay tám ngàn đô la . Mấy đứa con gái tôi không theo học ở đây mà học ở trường Dunbar High School , một trường học nằm ở khu Tây Nam thành phố Fort Worth . Học sinh đến 99% là Mỹ đen . Trường trung học Riverside gần nhà tôi ở , chúng nó chê là học sinh toàn dân Mễ . Ði ngang qua trường học đó tôi đôi khi thấy một hai cô cậu tuổi teen , mới chừng mười mấy tuổi đời đứng ôm nhau mùi mẫn .

Cha xứ mỉm cười :
- Thôi cũng được , trường nào cũng là trường . Khi nào học xong biểu chúng nó tới đây gặp tui , rồi tui sẽ rao giảng phép hôn phối tại nhà thờ mấy tháng trước khi làm phép chuẩn cho các cháu .

Việc tuyên bố các cặp sắp tổ chức lễ cưới nhà thờ thường thường được nêu tên trước giờ thánh lễ . Sau mỗi lần rao tên như : " Anh Trần văn Xoài con ông bà Trần văn Mít sắp kết hôn với cô Nguyễn thị Nở con ông bà Nguyễn văn Tèo . Ai biết có điều gì ngăn trở xin trình cho cha xứ biết . " Ðiều ngăn trở này có nghĩa là một trong hai kẻ đương hôn đã lập gia đình với kẻ khác . Tôi biết sau năm 1954 vài ông đã để vợ ngoài Bắc vô Nam đơn độc lẻ loi rồi tìm người chứng giả để trình cho cha xứ làm phép cưới tại nhà thờ . Nếu có người biết được chuyện này , và trình báo cho các cha sở tại thì các ngài sẽ không làm phép hôn phối .

Cha xứ thong thả nói tiếp :
- Ðây là tờ đơn xin làm phép chuẩn phép cưới tại nhà thờ , trong đây có chữ ký ông bà và ông bà xui gia .

Tôi liếc nhìn sơ qua tờ giấy , lòng ngao ngán nghĩ thầm : " Hai vợ chồng tui ký tên làm chứng cho con mình chưa từng lập gia đình thì được rồi , nhưng cái bên xui gia kia đưa tờ giấy này cho họ ký , họ biết ngay là tổ chức đám cưới tại nhà thờ Công Giáo . Hai ổng bả đâu bằng lòng chịu ký .

Nhìn thấy bản mặt tôi tỏ vẻ phân vân , ông cha xứ hỏi :
- Sao vậy ông ? Có điều chi trắc trở ?

Tôi liền trình bày những điều khó nghĩ khó giải quyết cho êm đẹp :
- Ổng bả người Tàu họ nhứt định không chịu cho con gái họ theo đạo cũng như tổ chức phép cưới tại nhà thờ .

Cha xứ ngẫm nghĩ một lát rồi nói :
- Thôi vầy , thay vì cha mẹ cô ta ký tên thì để một người nào thân trong gia đình cổ ký thay cũng được , nhưng ít nhứt cũng trên 18 tuổi .

Bên tôi ông bà nội ngoại đều nằm xuống đất từ lâu rồi , còn bên kia ông bà nội ngoại còn đầy đủ . Tôi biết chắc là ông bà nội ngoại của con dâu tương lai tôi đều trên 18 tuổi kể cả các cô chú dì của nó , nhưng nếu nhờ họ thì ông bà xui gia phải biết .

Về nhà tôi gọi điện thoại cho thằng con trai tôi , trình bày mọi việc và biểu nó khi nào rảnh xuống lấy tờ đơn đem về mà ký tên .

- Tao và má mày ký tên rồi đó , mày đem về đưa cho con Phụng làm sao thì làm . Ba mẹ nó không ký thì nhờ hai đứa em gái nó ký cũng được . Tiếng Việt mày không rành lắm , để tao cắt nghĩa ra tiếng Mỹ trong tờ đơn này . Ký tên ở đây là làm chứng nhân hai đứa bay chưa từng lập gia đình bao giờ . Mày cũng hiểu phép rao phép cưới không phải tao đặt ra . Luật Hội Thánh nói rằng : " Ðiều gì mà Thiên Chúa kết hợp thì loài người không thể phân chia . "

Con trai tôi ngắt lời :
- Bố à ! Ai có thể phân chia chúng con ?

Tôi cười hề hề :
- Ai dám chia cách tụi bay . Nhưng điều này hàm ý một nghĩa khác . Thí dụ mày đã lấy một cô gái nào đó rồi hay con Phụng nó cũng lấy chồng rồi , mà mày đã ra nhà thờ làm phép cưới thì mày không thể ra bất cứ nhà thờ nào làm phép lần thứ hai .

Bên Việt Nam có nhiều trường hợp cha mẹ hay can thiệp vào chuyện hôn nhân con cái , ép con cái lấy người này lấy người kia . Cách đây không lâu bên tiểu bang Utah một cô gái Mỹ xách súng shotgun về nhà cha mẹ bắn bể đồ đạc lung tung trong nhà sau khi cha mẹ cô ta không đồng ý cho cô ta lấy một anh chàng lực điền làm việc trong một nông trại gần đó .

Giọng nói thằng con trai tôi lớn tiếng hơn :
- Thì bố mẹ biết con chưa từng lấy ai mà , cả con Phụng cũng vậy , bố mẹ biết mà .

- Bởi vậy , tao ký tên làm chứng cho mày rồi . Chỉ chờ bên kia nữa thôi .

Cậu con trai cả nhà tôi im lặng không nói thêm lời nào , xách tờ đơn mang đi .

19/9/2011

Sunday, September 11, 2011

Thằng cháu nội

Qua vài tuần sau đó hai vợ chồng dự tiệc cưới con của một người bạn . Ông bạn này có con gái là bác sĩ chuyên về gây mê , người chồng cũng là bác sĩ nhưng lại là người Mỹ . Vì thế họ không tổ chức tiệc cưới ở các hàng Tàu hay Việt quanh vùng mà chọn ngay một nhà hàng Mỹ ở khu downtown thành phố Fort Worth . Khách mời rất là chọn lọc , tổng cộng khoảng chừng đâu đó 100 người .

Khi chúng tôi được chỉ định ngồi vào một bàn ăn có đánh số sẵn . Tôi ngó nhìn quanh quẩn các quan khách quanh bàn thì toàn là các vị có chức sắc trong nhà thờ chúng tôi . Cảnh trang trí trong nhà hàng rất sang trọng . Vòm trần cao vút treo lơ lửng những ngọn đèn chúc đài tỏa ánh sáng vàng nhạt . Khăn bàn ăn trắng muốt trải gọn gàng với những bộ dĩa dao thìa muỗng . Các nhà hàng Thanh Thanh hay Kow Loong tại thành phố Arlington khi bày biện trên bàn ăn chỉ gồm có một cái nĩa , một cái muỗng được gói ghém trong một cái khăn trắng tinh và không quên một đôi đũa long phụng . Ðây là lần đầu tiên tôi đi dự một đám cuới Mỹ nên không khỏi ngỡ ngàng . Nhưng tôi có đọc một bài viết của anh Tây Ðộc nói về cách sắp đặt bộ dao chén nĩa của các nhà hàng Mỹ . Nhìn trên bàn thấy có con dao thì chắn chắc họ sẽ dọn cho mình xơi món bíp tếch hay một món gà chiên gà quay gì đó . Một cái thìa thì biết hôm nay sẽ có một món súp . Súp gì chứ súp Mỹ nhìn thấy là không muốn ăn . Không cải bắp hầm gà bơ thì cải đắng hầm thịt heo ướp mặn . Một cái nĩa thì cho biết họ sẽ dọn sà lách cho mình ăn . Món này không giống như món rau trộn Việt Nam nôm na mình gọi là món gỏị Món salad Mỹ thông thường trộn bởi rau diếp hay sà lách Ý , vài cọng rau dền Mỹ spinach , vài sợi cà rốt , trộn bơ hay phó mát .

Trở lại cái bàn ăn tiệc cưới đêm hôm đó , tôi nhìn thấy trên bàn có một bộ dao nĩa . Ba con dao và ba cái nĩa . Không có thìa muỗng . Ngồi chung bàn với các vị chức sắc rất khó mà mở miệng . Không ông chủ tịch thì ủy viên tài chánh , ủy viên truyền giáo , ông nào ông nấy đều lớn tuổi hơn tôi và dĩ nhiên đi họp hành với mấy ổng , miệng ông nào ông nấy đều to hơn tôi . Tuy vậy tánh tôi hay xuề xòa bèn mở đầu câu chuyện :
- Thưa các bác , hôm nay chúng ta chắc chắn sẽ có sáu món ăn . Này nhé , ba con dao là họ sẽ dọn cho chúng ta xơi ba món thịt chiên xào . Ðể tui đoán thử , thịt bò bíp tếch Kobe nè , à ... tiếp theo là gà rang muối ...

Một bà mệnh phụ chung bàn góp ý :
- Thêm món vịt Bắc Kinh quay dòn .

Tôi nở nụ cười tươi :
- Hổng biết a , tui nghĩ Mỹ không biết ăn thịt vịt . Tui nghĩ là món thịt heo rừng ướp mặn .

Bà khách kia mở tròn đôi mắt :
- Sao ông biết ?
- Tui đoán chừng thôi , vì dạo này heo rừng sanh sôi nảy nở quá chừng nên chánh phủ Mỹ ra thông tư khuyến khích dân chúng nên xơi thịt heo rừng thay thế cho bò .

Giọng bà khách trở nên yếu xìu :
- Thế à !

Tôi tiếp tục câu chuyện :
- Còn cái nĩa chắc là ba món rau trộn . Ðể tui đoán xem , cải bắp trộn sữa và bơ , món này quí bác khá rành mà , tiệm Church Chicken đó , họ gọi là Cole Slaw .Món kế là cải xanh trộn mayonaire .

Tôi nhận thấy khuôn mặt mấy quan khách quanh bàn dài ra .
- Và hôm nay không có món súp nào .
- Sao vậy ?
- Thì không có thìa muỗng .

Bà khách kia miệng vẫn nói cứng :
- Chưa chắc à .

Bà nhà tôi táy máy cầm tờ thực đơn cắm giữa bình bông đặt chính giữa bàn .
- Ông nói sai rồi ông ơi ! Dù tui không đọc đọc tiếng Mỹ nhưng tui biết trên này họ ghi chỉ có ba món .
- Ðâu đâu bà đưa cho tui xem . À ! thì ra vậy chỉ có ba món thôi à . Ðể tui dịch ra nghe xem .

Tôi cầm lấy xem qua và dịch ngay :
- Thịt cừu ướp muối bơ với miến khô . Món thứ hai là hạt điều trộn spinach với hột ngò và món thứ ba rất quen thuộc thịt bò bíp tếch . Nếu ai ăn chay thì có món cá hồi nướng hành với bơ Thụy Sĩ .

Bà khách kia nhướng đôi lông mày có vẻ không tin :
- Ông làm gì mà đọc và dịch ngay ra thế ?

Tôi cười cười :
- Bà không tin à ! Tí nữa thì bà biết ngay .

Quả thật như vậy , chừng đâu lối nửa giờ có năm người hầu bàn trong y phục xinh xắn quần đen ,áo sơ mi trăng với chiếc áo ghi lê đen , hai tay bưng hai đĩa ngang tầm mắt của họ . Với một động tác thuần thục synchonize họ đặt năm cái đĩa xuống bàn trước mặt năm người chúng tôi . Và sau đó rất nhịp nhàng họ xoay qua bên trái , để năm đĩa kia xuống trước mặt năm vị khách còn lại . Trên chiếc đĩa hoa văn xanh nhạt , một miếng thịt nâu nhạt với vài sợi bún miến Vercimelli quăn queo , điểm tô thêm vài cọng ngò Mỹ . Tôi kiêng thịt nên không đụng vào , chỉ nhón nhén gắp mấy cọng miến trắng đục .

- Ăn được đấy bà ! Họ có trộn thêm rượu vang . Ðây bà ăn thêm phần thịt trừu ướp bơ Thụy Sĩ hay Ðan Mạch gì đó .

Bà nhà tôi hơi nhăn mặt :
- Thôi ông ơi ! Thịt chi mà hôi quá tui không xơi nỗi .

Tôi nhận thấy vòng quanh bàn các vị tai to mặt lớn cũng ngồi im lặng mặt mũi nghiêm nghị không nói gì , trước mặt họ món thịt cừu vẫn còn nguyên không động đậy . Giá như nhà hàng mang ra các món dê xào lăn hay tái dê gì đó , tôi chắc chắn trên dĩa sẽ sạch bong , vì tôi biết mỗi lần họp hành các vị đó thường hay đưa ý kiến thui vài con dê để tăng khẩu vị trong những dịp lễ Tết Việt Nam .

Chừng lối mươi phút các anh chị hầu bàn lại xoay quanh bàn thu dọn chén đĩa . Tôi nhận thấy họ mang đi một con dao và một cái nĩa . Theo trình tự như vậy đêm nay chỉ được dọn ra ba món ăn thôi . Món thứ hai cũng thanh đạm như món trước , vài cọng rau spinach lấm tấm vài hạt điều xắt mỏng , chỉ một gắp vô miệng là hết . Rau spinach Mỹ hay ăn sống trộn chung vài thứ linh tinh gì đó . Dạo mới qua Mỹ vào mùa đông , các chợ Việt Nam không có rau cỏ Việt như rau muống , rau dền rau lang , bà nhà tôi ra chợ Mỹ thấy rau spinach này hay hay mang về nấu canh với tôm khô . Nó chẳng giống rau dền mà cũng không giống như mồng tơi .

Món thứ ba đa phần thực khách chọn thịt bò bíp tếch , tôi chọn món cá hồi Alaska . Nó được ướp tí muối , dầu ô liu , hành nên vị nhàn nhạt không đậm mùi quê hương dân tộc Việt . Ngó qua đĩa thịt bò của bà nhà tôi trơ trơ những miếng thịt bò còn đỏ tươi . Bà nhà tôi chắc lưỡi :
- Bò gì mà còn sống nguyên . Giá như tui còn trẻ răng riếc còn nguyên còn nhai nỗi , giờ đây như hoa rụng ven sông .

Lúc ra ngoài lên xe để về nhà , bà nhà tôi nói dỗi :
- Thằng Huy nhà mình mà làm đám cưới tại nhà hàng Mỹ là tui cũng không đi .

Ông bà mình có câu : " Ðầu xuôi đuôi lọt " . Vợ chồng tôi có bốn đứa . Một trai ba gái . Thằng đầu lòng dường như có nhiều trục trặc . Nó mà không xuôi dòng thì mấy đứa em nó sau này ra sao . Tôi thở dài :
- Bà ơi ! Dù sao nó cũng là con mình . Bà làm mẹ không đi thì coi sao được . Chẳng lẽ tui vác con gà mái theo sao .

Saturday, September 3, 2011




Thằng cháu nội

Tran D.Anh

Nhìn cái bản mặt thằng cháu nội của tui , tui nghĩ thầm là nó y hệt như mẹ của nó . Mắt một mí , đuôi mắt lại xênh xếch lên y chang như những người mà dân Việt trong nước gọi là người anh em hữu nghị láng giềng khổng lồ 16 chữ vàng . Vâng , mẹ cháu là con của ông bà người Tiều Châu sinh sống ở Sóc Trăng đã mấy đời .

Gia đình tôi theo đạo Công giáo lâu rồi , nên khi hai vợ chồng tui qua nhà ông bà Tiều Châu để bàn chuyện đám hỏi đám cho thằng con lớn của tôi muốn cho con dâu tương lai theo đạo . Ông Tiều Châu lắc đầu nhất quyết nói không : " Nị hông biết a , ngày xưa ngộ cũng học trường " lạo " a , mấy ông cha "lói " nhiều quá . Sáng "lào" cũng bắt tụi "lày " đứng lên đọc kinh ê a ... Đức Chúa Trời có chín điều "lăn " ...

Tôi ngó sang bà nhà tôi mỉm cười . Ông Tiều Châu quả thật có học trường đạo và sửa đổi luôn Ten Commandments của hai tảng đá mà ông Môi sen vác về từ đỉnh núi Sinai .
Ông Tiều Châu nói tiếp :
- Thằng Huy nó hổng "gành" tiếng Việt , nó vô đây với con Phụng mà cứ ấp a ấp úng .

Tôi lại nghĩ trong bụng , ông người Tàu này chê thằng con trai tôi nói tiếng Việt không rành rõi như ông . Chẳng lẽ sắp làm sui gia mà tí tí mà bắt bẻ nhau từng chút . Tôi lựa lời đáp lại cho xuôi chiều :
- Chắc tụi nó muốn thưa chuyện xin cưới hỏi gì đó phải không ?

Ông Tiều Châu đôi mắt xếch nheo lên :
- Tui nào cấm cản tụi nó đâu , nhưng có điều tui hông cho con Phụng theo đạo mấy ông . Bây giờ ông bà muốn con Phụng theo đạo , thì tui bắt thằng Huy vô chùa với tui có được không ?

Từ khi bước vào nhà ông bà Tiều Châu này , tôi để ý không thấy treo hình ảnh hay bàn thờ Phật gì cả . Ngay cả một góc thờ vị Thánh Quan Công râu dài mặt đỏ cũng không có . Tôi cười xuôi theo câu chuyện , giá như chúng tôi còn ở quê nhà , đố mà vào được nhà người Tàu xin cưới hỏi cho cậu con trai người Việt . Theo như tôi biết , trai Tàu lấy gái Việt thì dễ , nhưng gái Tàu gã cho trai Việt họ không thích lắm . Tôi có thằng cháu hơn tôi một tuổi quen với một cô gái người Tàu Chợ Lớn . Ba mẹ cô ta không đồng ý hai đứa qua lại nên cô cậu bỏ trốn lên Đà Lạt . Ai ngờ tụi nó đi xe đò đến Bảo Lộc bị ba mẹ cô ta nhờ xe cảnh sát đuổi theo bắt lại . Rốt cuộc hai đứa nó mỗi người mỗi ngả .

- Được chứ ông , nhập gia thì tùy tục . Ông cứ bắt nó lên chùa làm sư xem nó có chịu không ?

Cái gì thì bắt nó làm được , chứ bắt nó lên chùa làm sư thì tôi chắc trăm phần trăm là nó không chịu . Ngay cả việc ngày chủ nhật đi xem thánh lễ mà nó cứ khất dần . Con cái lớn rồi , mình già cả nói đôi lần thì thôi . Nói quá chúng nó lại bảo già cả rồi nói nhiều quá . Nhức cả đầu .

Chuyện chỉ có vậy thôi , nhưng lại gây ra phiền phức . Hai vợ chồng tôi không ép buộc con gái ông bả vô đạo , dĩ nhiên ông bả không được ép con trai tôi lên chùa tụng kinh . Nhưng có điều ông bả không chịu cho con gái ra làm lễ cưới tại nhà thờ Công Giáo . Điều này làm bà nhà tôi giận dỗi ra mặt .
- Nói vậy thì làm sao thằng con trai tui ra nhà thờ làm lễ cưới , à cứ gọi là làm phép chuẩn đi . Không có mặt cô dâu mấy quí cha đâu có chịu .

Tôi coi phim Hồng Kông mấy gia đình người Tàu làm lễ cưới , lúc quay mặt lạy trời lạy đất gì đó mà thiếu mặt cô dâu hay chú rể thì dùng con gà trống hay gà mái để thay thế . Nhưng hôm đó tôi không thể mang chuyện này ra bàn được . Chúng tôi không biết làm sao , xin phép ông bả đi về . Mặc tụi nó muốn làm gì thì làm , nhưng bà nhà tôi nói xẳng : " Tụi nó không làm lễ cưới tại nhà thờ là hổng có mặt tui . "

Còn tiếp

Wednesday, August 17, 2011

Rửa bằng gì

Rửa bằng gì

Chủ Nhật vừa qua ( ngày 7/8/2011 ) như thường lệ tôi lên tiệm giặt làm thế cho bà nhà tôi . Công việc ở đây thật nhàn hạ , sáng sớm 7 giờ vô bấm thẻ ăn giờ rồi mở cửa chờ khách đến giặt giũ . Nhưng vừa qua trời Texas quá nóng trên 100 độ F , buổi sáng khách vắng hoe , không một bóng người .

Tôi dạo này mê đọc chuyện mp3 rồi đăng trên mấy cái diễn đàn đọc truyện . Đọc một khúc chừng 10 phút , nhưng vì đọc quá hay , chừng vài câu đọc lộn chữ hay ngừng lại để lấy hơi . Do đó tôi nhờ cái software Cool Edit mà một người bạn giới thiệu cho free , sửa đi sửa lại và phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ . Tưởng làm sao , đăng vào được vài bài mp3 có vài người bạn cằm rằm : " Chuyện hay mà người đọc quá dở ." Dạo đó tôi đang đọc bộ truyện Nạp Thiếp Ký của Mộc Dật đến chương 77 , một mình tôi tự bêu tự diễu , hết đọc bằng giọng đàn ông rồi sang giọng đàn bà . Truyện này khá dài đến 500 chương . Bà nhà tôi thấy ngày nào tôi cũng ê a trong phòng , bả tưởng tôi đang tụng kinh Kim Cang hay Huê Nghiêm gì đó , ai dè là đang luyện đọc truyện chùa cho thiên hạ nghe . Thế là bà nhà tôi cằn nhằn tôi không hết lời . " Ủa ! Tưởng ông rửa chén cho tui , ai dè ông chui vô đây luyện chưởng ? "

Thế là tôi đâm nản , nếu đọc hết truyện Nạp Thiếp Ký chắc phải đến ... vài năm . Một hôm tôi tình cờ vô trang lưới Hột Mít , tải xuống truyện Hành Trình Về Phương Đông , tác giả là một người Mỹ , tiến sĩ Beard T. Spalding , dịch giả là Nguyên Phong . Chuyện đọc khá hấp dẫn , nói về một phái đoàn khảo cứu người Anh do trường đại học Oxford tài trợ . Họ qua xứ Ấn Độ để nghiên cứu về thế giới tâm linh huyền bí .
Nào là Tiến Sĩ Spalding gặp vị thầy Emil (mà dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt tạm gọi là Tuệ Minh ) , ông thầy chiêm tinh bói một quẻ cho một vị khoa học gia trong nhóm khảo cứu , gặp một tiến sĩ người Ai Cập nói chuyện ngày xửa ngày xưa của thời Văn Minh Ai Cập , đến gặp một thầy fakir chữa đủ thứ bệnh vân vân...

Tôi ra thư viện gần nhà tôi , hỏi người quản lý mượn sách đó về xem , nhưng họ nói sách đó cũ quá , không có lưu trữ. Thôi đành nhờ người bạn copy giùm bản truyện đó theo dạng PDF về coi chơi, nó có tất cả 6 cuốn ( 6 volumes ). Đọc sơ một lượt , quả thật truyện Hành Trình Về Phương Đông của Nguyên Phong chỉ lấy ý của Dr. Spalding đoạn đầu khi nói về Dr. Spalding đi lang thang gặp đạo sĩ Ấn nào đó. Còn lại bao nhiêu tôi nghĩ dịch giả đã lượm lặt từ nơi đâu thì tôi không được biết.

Tôi vào trang lưới VN Thư Quán thấy có một truyện nữa , tựa đề là Á Châu Huyền Bí , tác giả cũng là Dr. Blair D. Spalding , người dịch là Nguyễn Hữu Kiệt. So lại với bản chánh , thấy bản dịch khá đúng , dù rằng dịch giả không dịch từng câu ra từng câu hay ra từng đoạn. Tôi nghĩ rằng họ cũng sợ bị thưa kiện khi dịch truyện của người khác mà không xin phép tác quyền , nhất là luật về Copyright ở Mỹ nên họ đổi tên tựa đề. Dịch chùa đã không được xu nào , mà còn bị kiện tụng mất tiền nữa là đằng khác.
Tuy vậy cái truyện Hành Trình Về Phương Đông do Nguyên Phong dịch (tào lao ) làm cho tôi thích thú hơn bản chính của Tiến Sĩ Spalding . Câu truyện có nhiều đoạn nói về các vị Lạt Ma Tây Tạng biết cách rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian , nghĩa là bạn có thể đi từ thành phố Sài Gòn qua San Francisco chừng vài phút . Người Tàu lấy ý này của Ấn Độ và viết truyện kiếm hiệp ra phép Xúc Địa Thành Thốn . Hoặc là phải biết ngồi Thiền Minh Sát cho tâm ý đạt đến một sự rung động nào đó để có thể hòa nhập vào Tâm Thức Bồ Đề và vô niết bàn . Tôi thích quá , mơ tưởng đến việc gặp được một vị Chân Sư nào đó điểm đạo cho mình , để mình có thể bay tới bay lui trong vũ trụ mênh mông này .


Trong khi chờ đợi sự điểm đạo này , tôi vẫn vừa trông chừng khách vô giặt sấy quần áo , và dùng laptop để chỉnh sửa truyện mp3 Á Châu Huyền Bí mà tôi đang đọc dở . Bỗng thình lình ông chủ tiệm giặt mở cửa bước vào . Tôi vội vàng đứng dậy ra chào :
- Chào anh Phát , lâu quá mới gặp anh ?
- Ừ , cũng khỏe . Sao tui nghe ông Ấn Độ làm ngày hôm qua thứ Bẩy đó , ổng nói ổng vô phòng vệ sinh thấy mấy hai cái núm vặn mở tắt nước , làm cho khách khứa đi vệ sinh xong hổng có nước rửa tay .

Tôi vội vàng thanh minh thanh nga cho bà nhà tôi vì công việc trông chừng tiệm giặt này là của bà nhà tôi , tôi làm thế giờ cho bà nhà tôi thôi .
- Ừ , để tui gọi hỏi bả xem . " Bà ui , ông Phát ổng biểu cái phòng vệ sinh mất toi hai cái nắp vặn , hôm tối thứ Sáu bà xem nó còn ở đó không ?

Tôi nghe tiếng bà nhà tôi trả lời với giọng ấm ức :
- Có mà , tối nào trước khi về tui cũng lau chùi phòng vệ sinh , xong xuôi tui còn mở nước rửa tay nữa . Nếu mà mất cắp làm sao tui làm sao rửa tay được .

Tôi quay sang ông Phát cười cầu tài :
- Hồi sáng này tui phát giác ra nó mất hai cái nút vặn đó , tui nghĩ thầm chắc dạo này trời Texas nóng quá , lại không mưa nên tháo ra để tiết kiệm nước .

Ông Phát cười ruồi :
- Nói vậy là chết rồi , mình mở "business " làm ăn , ai lại hà tiện chút chút vậy . Thành phố họ biết mình làm vậy , nó xuống thanh tra thanh tre phạt mấy ngàn đô đó .

Quả thật mình suy bụng ta ra bụng người . Đến tuổi 60 mình vẫn đi làm bấm thẻ ăn lương giờ . Dân làm ăn họ đầu óc tính khác , mới có chừng 50 tuổi đã làm chủ mấy bin đinh có tiệm giặt tiệm bán tạp hóa (convience store ) .


Chiều nay thứ Ba đi làm về , tôi thấy bà nhà tôi đang gọt mấy trái dưa leo để nấu canh . Thông thường thì bà nhà tôi mua bí hay bầu về nấu canh với tôm , nhưng năm nay trời nóng quá , mấy cây bí hay bầu chẳng ra một trái nào , trái lại dưa leo thì cứ đủng đỉnh nặn ra vài trái . Canh dưa leo ăn cũng ngon , nó lại một mùi vị đặc trưng , nhưng bạn phải nhớ là gọt vỏ , bỏ ruột . Nấu canh hay xào với tôm thịt gì cũng được .

Bà nhà tôi vừa gọt dưa leo vừa nói :
- Ông biết không , gần đến giờ đi về bỗng có một bà da đen bước vô xin đi nhờ " restroom" . Ở đây buồng vệ sinh chỉ dành cho khách hàng tới giặt sấy thôi . Con mẹ đó đâu phải là khách hàng của mình , bả đi xồng xộc tới chỗ tui ngồi , hậm hực nói :
- Ủa , tiệm tùng gì mà buồng vệ sinh hổng có nước rửa tay gì vậy ?

Tôi bèn cười , hỏi bà nhà tôi :
- Thế bà có mở cửa cái buồng nhỏ bên cạnh , chỗ để đồ lau chùi quét dọn , nó cũng có cái bồn nước .

Bà nhà tôi cười cười :
- Khùng à , khách hàng thì mình lấy nước cho họ rửa . Còn con mẹ đó , còn lâu . Tui trả lời là không có nước . Con mẹ đó bèn hỏi ngược lại : " Thế you đi ị , đi tiểu xong you rửa bằng cái gì ."
Lúc đó tay tui đang cầm cái chai Cleaning nước màu tim tím , trả lời tỉnh bơ : " Thì bằng cái chai này nè , nó đề chữ là kill 99 phần trăm vi rút . Bà có cần rửa trong rửa ngoài , thì tui cho bà mượn .

Tung Sơn 9/8/2011

Saturday, January 22, 2011

Tiếng Anh tiếng u

Một buổi tối nọ hai vợ chồng già tôi ngồi chuẩn bị ăn cơm tối . Trên bàn một đĩa rau xà lách son trộn thịt bò xào , một dĩa rau súp lơ trắng xào với tôm thẻ và một chén cá catfish kho từ mấy tuần trước .

Bà nhà tôi mặt mày không vui lắm , lằm bằm :
- Nhà mình sáu người , đứa lớn có nhà ở riêng , hai cô kia đi học khuya mới về . Con Linda chiều đi học về đã xơi một bụng no rồi . Giờ đây chỉ còn hai vợ chồng già ngồi ăn thôi . À ! Mà này ông ! Tui đã dặn ông nhiều lần rồi , ông chẳng chịu nghe tui gì hết .

Tôi ậm ừ :
- Tui chả lúc nào mà chẳng nghe lời bà .
- Ông ấy à ! Ông mua ba cái rau súp lơ trắng , nhà này hổng có ai ăn mà ông mua chi cái bông cải to đến như vầy . Nó nặng cả hai pounds lận , thôi thì ông ráng ăn cho hết cái nồi rau súp lơ xào này đi .

- Bữa nọ tui nói với bà rồi , chợ Target nó on sale 99 xen một cái .
- Thì ông lựa cái nào nho nhỏ đủ mình ông thôi .
- Ừ !

Tôi gật đầu đồng thuận cho qua chuyện . Hôm nọ đi chợ Target đại hạ giá súp lơ trắng và bông cải xanh . Bình thường một bông như vậy khoảng 2 đô . Nó sale 99 xen một bông thì tội vạ gì mà không lựa cái bông nào vừa to vừa tươi .

Khi xưa còn ở quê nhà mẹ tôi thường nấu canh khoai tây súp lơ cà rốt cho bọn anh em chúng tôi . Mấy thứ này giá cả khá mắc mỏ so với các loại rau bình dân như rau muống rau dền mồng tơi . Buổi sáng sớm mấy bà bán rau kêu phở ăn điểm tâm , chiều ế ẩm bán không hết hai ba thứ này đã gọt sẵn bán cho khách , bèn mang đến tận nhà mẹ tôi một vài rổ để trừ nợ ăn phở .

Bà nhà tôi không thích ăn món nào thì chẳng bao giờ mua .
- Xu xu , xu hào mấy thứ ấy ăn vào chỉ tội nhức mình nhức mẩy thôi . Củ cải à , không khá gì hơn . Bắp cải trắng xanh gì cũng thế thôi . Khoai tây ăn nhiều , nó lại nhiều tinh bột dễ gây bệnh tiểu đường .
- Vậy thì bà chỉ ăn toàn rau cải không à ?
- Ờ ! Chỉ có loại cải ngọt nấu thì lũ con nhà này mới ăn . Cải đắng đố chúng đụng đến một miếng .

Chuyện chợ búa bếp núc chớ dại bàn vào với mấy bà . Mùa đông tháng giá ba thứ rau dân dã rau muống rau dền rau đay mắc như vàng .

Nhìn những cọng xà lách son xanh mơn mởn nằm trong dĩa , tôi nhớ đến một câu chuyện nghe trên đài ra dô chiều nay .

- Chiều nay tui đi làm về , ngồi trên xe nghe đài ra dô 890 AM nghe một bà nói về đề tài chương trình sức khỏe gì đó , bả có nhắc đến một loại cỏ biển . Thế bà có biết cỏ biển là giống chi không ?
Bà nhà tôi đang và miếng cơm vào miệng bỗng dừng lại suy nghĩ đôi chút rồi hớn hở đáp :
- Chắc là rong biển phải không ông ?

Tôi không ngờ bà nhà tôi trả lời nhanh như vậy .
- Ðúng rồi bà , có lẽ cái bà trên đài dịch từ chữ Seaweed tiếng Anh ra tiếng Việt , thành ra “Cỏ biển “. Cách đây hai ba năm tôi có nhờ mấy bạn ở Hà Nội trong trang mạng Trái Tim VN dịch hộ một trang tiếng Anh về Thực Phẩm Miền Ðông Nam Á . Trong đó có một chữ Lemon grass , bạn đó dịch là Cỏ Chanh .
- Cỏ tranh nghe thường quá mà .
- Không phải thứ cỏ tranh trong cái bịch nước mía lau bà hay mua uống đó đâu . Chanh đây là trái chanh đó .

Có một lần dịch đến một chữ Kickback trong một đoạn cũng trong cuốn sách đó , tui làm biếng tra tự điển , dịch là đá giò lái . Sau có một anh bạn nhắc nhở là dịch tầm bậy . Chữ Kickback có nghĩa là hối lộ giống như là danh từ bồi dưỡng mà mấy ông bà cán mai cán cuốc hay dùng .

- Ờ hén , ông nói làm tui cũng nhớ đến chiều thứ Bảy đi lễ . Lúc xuống xe con Kim nhà mình đi khập khiễng , tui hỏi nó chân làm sao đó . Nó biểu chân nó đang ngủ . Tui không hiểu hỏi mấy chị em chúng nó . Đứa nào đứa nấy đều nói y chang như thế .

Tôi nghe qua không khỏi bật cười :
- Tụi nó nói vậy là đúng rồi bà . Khi xưa tui ngồi sửa mấy cái floppy drive bây giờ gọi là dĩa mềm , chân cẳng tê rần rần như là kiến bò , hỏi tụi Mỹ họ nói là your legs are sleeping . Mấy đứa con mình giỏi tiếng Việt quá nên dịch ra vậy .

Trong tiếng Anh tiếng Mỹ có nhiều chữ nhìn thoáng qua đơn giản nhưng lại rắc rối . Có vài chữ của người Ăng lê thường dùng nhưng rất lạ tai đối với người Mỹ hoặc ngược lại . Trong hãng điện cũ của tôi có nhiều anh lúc nào cũng kè kè cuốn truyện tiểu thuyết dày chừng vài trăm trang . Hỏi anh ta đọc cái gì vậy , anh ta trả lời gọn gàng : "Inca gold , you đọc được chăng ? " Đọc thì cũng được , mới mở vài trang đầu tôi lẩm nhẩm thấy bật ngửa . Tác giả Clive Cussler là một nghiên cứu sinh về đại dương học , ông ta chuyên viết về những chuyện mạo hiểm ly kỳ và dùng toàn những chữ khó . Tôi khen tặng anh bạn cùng hãng vài lời rồi thình lình hỏi anh ta một chữ tiếng Anh mà tôi không rành cách đọc : QUAY . Chữ này có nghĩa là cầu tàu , bến tàu , bến cảng tương đương với chữ Port , wharf . Thoạt đầu anh ta phát âm : kwei (quây) , kwi: (qui) . Tôi lắc đầu nói không đúng , biểu anh ta nói thêm vài lần nữa . Thế là anh ta nói tùm lum , quay , quai , quê v.v... Cuối cùng anh ta chịu thua .
- Thế chữ đó nói ra sao hả you ?

Tôi nói chậm rãi :
- Ki .

Hắn lắc đầu :
- Thật là điên . Tụi tao chưa nghe bao giờ lạ quá nhỉ ! À này Andy , có lần tui nghe you khen một cậu kỹ sư Mỹ , cậu này lúc trước có huấn luyện tụi mình mấy cái mạch điện khuếch đại .

Tôi ậm ờ :
- Không nhớ , you nhắc lại xem sao .

Hắn thong thả tiếp :
- You khen nó đẹp trai , you look very handsome . Bữa đó tui thấy cậu Mỹ mặt đỏ nhừ bước thẳng đi . You còn nhe răng cười nữa .

Tôi cười chữa thẹn :
- Tại ngôn ngữ của you rắc rối quá , chữ handsome đẹp trai bên nước tui khen họ có sao đâu .
- Bên này khác , you khen nó như vậy . Nó tưởng you là người lại cái là gay đó .

Dạo năm 1966 có một anh sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học . Dĩ nhiên anh ta phải thi tuyển và vượt qua nhiều cuộc khảo hạch từ những bài luận văn cũng như là đối đáp . Qua Mỹ anh ta quen được một cô gái Mỹ tóc vàng . Hai người còn đang trong tình trạng sơ giao . Một buổi tối anh ta buồn tình đi dạo quanh những dãy nhà nội trú trong trường , nhớ cô bạn Mỹ mới quen cũng ở gần đó , bèn đi tới trước cửa phòng trọ gõ cửa . Cô gái Mỹ hé cửa , tóc tai còn đang rối bù , mặt mũi chưa son phấn , nhìn thấy anh sinh viên nọ lủng bủng nói : " Hey Dam , why don ' t you give me a ring ? " Anh chàng nọ lớ ngớ hỏi lại : " Sao em cưng nói chi mà lạ rứa ? Mình mới quen nhau vài tháng mà bắt tui phải trao cho em cái nhẫn đính hôn ! " Cô gái Mỹ cười khúc khích : " You chả hiểu thành ngữ Mỹ một chút nào hết . Give me a ring có nghĩa điện thoại báo trước cho tui . "

Người bạn Mỹ trong hãng làm điện thoại nghe qua tủm tỉm cười :
- Thì tui đây cũng vậy thôi . Năm ngoái mình qua bên thành phố London . Mà you biết London ở đâu không ?
- Biết sao không ! Bên nước Anh đó . Tui chưa qua bển nhưng nghe nói thành phố toàn sương mù dầy đặc .
- Làm sao you biết ?
- Thì ... lúc còn bé học cuốn sách L' Anglais Vivant , lớn hơn chút thì học Let 's learn English , English for today . Già hơn nữa thì English for tonight .
- À ! You nói đến “Tonight” tui mới nhớ lại đêm hôm đó xuống phi trường Heatrow có một cô người Anh ra đón . Cổ tự xưng là nhân viên cùng hãng với mình rồi đưa tui về khách sạn mà cô ta đã đặt trước theo lịch trình của hãng . Theo phép lịch sự tui mời cổ đi uống ly nước cam giải khát . Cô ta đâu chịu uống ba cái thứ nước đó , kêu vài ly rượu mạnh Scotch whisky . Cô ta choáng váng nên tui dìu cổ về phòng . Trước khi đẩy cửa vô , cô ta còn níu áo tui nói : " Ngày mai 9 giờ sáng hẹn gặp ở lobby nhé . À này anh Bob , nếu mai mà ... mà chưa gặp tui , thì ... thì anh cứ lên phòng tui ... knock me up . Nhớ nhé ! " Rồi sáng hôm sau tui ngồi đợi cô ta ở phòng tiếp tân khách sạn đến hơn chín giờ . Tui nhờ mấy cô tiếp tân gọi lên cho cổ . Cô ta nhắc là tại sao tui không chịu lên tận phòng cổ ... knock her up . À này Andy , you có hiểu knock her up tiếng Mỹ có nghĩa là gì không ?

Tôi lắc đầu tỏ vẻ không hiểu mấy , knock knock là mấy tiếng cọc cọc gõ cửa .
- Tui chỉ biết bài Knock three times thôi , Knock out là uýnh cho bất tỉnh .
- Vậy à , thế là tui lên tận cửa phòng cổ gõ cạch cạch mấy tiếng . Trong phòng cổ vọng ra : " Ai thế ? " Tui đáp : " Vampire " . Lại có tiếng nhỏ nhẹ : " Vampire who ? " . Tui đáp lại : “Vampire State Building .”

Tôi biết anh chàng Bob cùng hãng đang nói tiếu lâm , cười mỉm . Cô người Anh hỏi vọng ra ai đó . Anh ta đáp là ma cà rồng . Cô ả lại hỏi tiếp : Ma cà rồng nào ? Anh ta nói : Vampire State Building . Vampire State Building là tên một ban nhạc từ nước Na uy . Một lúc sau cô người Anh mặt mày tươi rói bước ra , khẽ hỏi tui : " Sao sáng nay Bob không lên phòng em ... knock me up in the morning ? Tui thản nhiên đáp : " Tui có vợ rồi , không thể nào knock you up được . " Cô gái cùng hãng đó chợt hiểu ra , phá lên cười một tràng dài : " À you hiểu lầm rồi , bên Anh tụi tui . Knock me up có nghĩa là lên tận cửa , gõ cạch cạch như vầy nè , đánh thức tui dậy. Không phải là nghĩa tầm bậy tầm bạ như các người Mỹ ông đâu .

Đến đây thì tôi cũng đoán ra lờ mờ chữ Knock Me Up . Tra từ điển nó có nghĩa là ăn nằm với một người nào .

Vừa lúc đó một ông bạn người Ấn độ đứng gần đó , nghe chuyện tầm xàm của hai chúng tôi , bèn góp chuyện :
- Chính tôi cũng gặp một chuyện cười ra nước mắt , vắt giò vắt cẳng mà chạy . Cách đây không lâu một người bạn Ấn mời vợ chồng chúng tôi tới dự một buổi tiệc ăn mừng con gái hắn tốt nghiệp bác sĩ . Hôm đó hắn mời đông người lắm , hầu hết là người Ấn như tôi . Thức ăn thức uống bày la liệt như nhà hàng Mỹ vậy .

Tôi xen vô :
- Thế mấy vị quan khách đó có dùng tay mà ăn không ?

Ông bạn Sam của tôi cười hì hì vài tiếng rồi tiếp :
- Họ dùng tay mà cho vô miệng ăn , ai mà cấm nhưng đa số đều mặc Âu phục ăn uống như vậy coi sao đặng .

Mấy ông hay bà người Ấn làm trong hãng điện thoại tôi làm nói tiếng Anh trôi chảy lưu loát . Hỏi chuyện ra mới biết Ấn độ có nhiều sắc dân nhiều thổ ngữ , dù có tiếng Hindi tiêu chuẩn làm ngôn ngữ chính nhưng họ đều có học tiếng Anh từ tiểu học . Vài ba chữ họ phát âm theo giọng người Ăng lê nghe điếc con rái . Nhiều khi phải hỏi lại họ và yêu cầu họ nói chầm chậm .

- Các ông biết không , ngoài một số thức phẩm người Ấn chúng tôi hay ăn , còn có vài loại snack ăn thêm nữa . Ông bạn tôi tối đó sau khi lên trên bục cao nói lời cám ơn các vị quan khách bạn bè đến dự buổi ăn mừng cô con gái tốt nghiệp rồi giới thiệu tới các món ăn đặc sản quê hương hắn và sau cùng với tiếng Anh giọng miền Nam Ấn hắn nói : " There is "s n a k e " in our ball " . Lúc ấy cả phòng nhốn nháo lên , ùa chạy ra cửa chính , chen lấn để tìm đường chạy trốn khỏi bị rắn cắn . Tôi đứng bên cạnh hắn hiểu ra câu chuyện , giựt lấy cái microphone cất giọng to lên : " Quí ông quí bà ơi , ông bạn Patel tui nói lộn rồi , ông ta nói là " There is SNACK in our room " . Snack chớ không phải snake , thức ăn lặt vặt ăn cho vui mồm vui miệng chớ không phải rắn thần hai ba đầu của chúng ta đâu . " Thế là cả đám người Ấn quay trở lại , cười ồn ào ầm ĩ cả lên .

Hơn mười giờ đêm tôi vào giường chuẩn bị đi ngủ , thấy bà nhà tôi còn đang bận dán mắt vào mấy bộ phim Hồng Kông trên ti vi bèn khẽ nói :
- Ngày mai bà không thức dậy sớm nổi thì có cần tui "Knock you up" không ?
- Vớ vẩn .

HH 21/1/2011

Saturday, January 8, 2011



Xe buýt chở đoàn chúng tôi ra khỏi khách sạn tiến đến những cây cầu vượt ngang dọc vắt vẻo chồng lên nhau . Nhìn chúng cao lắc lẻo y như những con thằn lằn khổng lồ đang bò lổn ngổn uốn khúc . Chúng không khác gì với đường xá xa lộ như bên Mỹ . Chỉ có một vài điều hơi khác là dưới chân các bệ chống nâng đỡ các mảng bê tông xi măng của xa lộ rác rến vương vải lung tung chen lẫn với các vũng nước đầy sình lầy đen ngòm .

Khách du lịch trong đoàn hầu hết là người Việt trong nước , lần đầu tiên qua xứ người thấy những cảnh lạ trước mắt nhìn chằm chằm khen ngợi không ngớt .
Thỉnh thoảng bên cạnh các quảng trường mênh mông có treo một bức hình khổng lồ vẽ chân dung một mệnh phu nhân , dung nhan xinh đẹp . Một ông khách thắc mắc hỏi :
- Hình ai vậy anh Khục Khặc ?

Anh trưởng đoàn người Thái liếc nhìn tấm hình và quay lại nói :
- Ồ ! Ðó là bà chị của nhà vua Thái , sắp sửa đến ngày sinh nhật bà và để lòng tôn kính dân chúng vẽ ra để mọi người dân biết mà mua bông tặng . Ai cần mua bông tặng cho bả cứ gởi tiền cho tui .

Xe dừng lại một con đường có tên ngoằn ngoèo tiếng Thái , phía dưới có phụ đề tiếng cái La Tinh . Dọc hai bên đường là những hàng cây cau cao vút , bên trong những dinh thự sơn trắng .
Lúc ấy khoảng 10 giờ sáng , từng đoàn xe buýt xe du lịch đủ loại tiến tới đổ khách xuống tham quan . Chúng tôi cứ thế mà bước theo anh trưởng đoàn tay cầm ngọn cờ trắng vây vẫy .
Trước mặt chúng tôi là Cung Ðiện Hoàng Gia bao bọc bởi những tường rào thấp . Du khách có thể nhìn xuyên qua , không như Tử Cấm Thành bên Trung Hoa hay Cung Ðiện Hoàng Gia Nhật được che quanh bằng những bức tường cao vời vợi .

Với lối kiến trúc rất đặc trưng xứ Thái mái cung điện cong cong vút lên ở các góc cung điện


Đối diện với Cung Điện Huy Hoàng , bây giờ không còn là chỗ nghỉ ngơi và làm việc của quốc vương Thái là một bãi đất trống . Anh trưởng đoàn giơ tay phẩy phẩy ngọn cờ trắng :
- Quí khách ơi , mau tập họp lại một chút .

Một bà thắc mắc :
- Chi vậy ông Khục Khặc .
- Chụp hình mà , chụp xong rồi ai muốn hình thì gởi tiền cho tui . Bây giờ là 10 giờ 15 hẹn quí khách 12 giờ tập họp nơi đây chúng ta tranh thủ ăn trưa rồi chúng ta đi tham quan phố Tàu .

- Thế anh có vô tham quan với chúng tôi không ?

Anh ta lắc đầu rồi bước tới một góc cây bồ đề đầy bóng mát ngồi nghỉ .


Thế là anh ta để mặc chúng tôi tự do đi theo đoàn người du lịch đông đảo . Vé vào cổng mỗi người được phân phát một tấm . Qua hai ba lần cổng quẹo trái quẹo phải , trước mắt tôi là những ngôi chùa , đền đài hình tháp nhọn vàng óng ánh lấp lánh dưới ánh nắng ban trưa . Cạnh tôi là hai bức tượng thần nhăn mày nhăn mặt , răng nanh dài cả khúc .

Đó là tượng thần Yak , vị thần bảo vệ bên ngoài Wat Phra Keaw , Chùa Lục Ngọc . Đằng kia là Thần điểu Karine - nửa thân trên là người , nửa dưới là chim . Xa xa là những con Ngũ đầu xà được dát vàng nhe nanh , nằm gác trước cổng chùa . Hầu hết các vị thú thần bên Thái đều xuất xứ từ nền văn minh Ấn độ , nơi có đạo Bà la môn thờ rất nhiều thần linh .

Nhìn chúng tuy hình thể có khác với sự miêu tả của sách Sáng Thế của người Do Thái như các vị thần Cherubim có hai cánh rực lửa canh gác vườn địa đàng Eden , hoặc các vị thần A tu la giương nanh giương vuốt nhưng tôi nghĩ chúng có thực , hiện hữu ở một nơi nào đó trong khoảng không gian mịt mùng.

Tôi tự hỏi không hiểu sao các chùa Thái lại có quá nhiều vàng như vậy . Một đất nước tôn sùng đạo Phật lại có quá nhiều vàng không khỏi khiến cho nước láng giềng Miến Ðiện đem quân sang gây chiến và cướp đi pho tượng Phật nặng năm tấn vàng .

Tám ngọn tháp chedi (Phra Asada Chedi) được dựng dọc theo Chùa Lục Ngọc . Hình dáng các loại tháp này có lẽ phát nguyên từ đất nước Chùa Tháp Khờ me , prasat , nơi trú ngụ của nhà vua hay một vị thần linh nào đó . Nhưng ở đây chedi có một nghĩa khá rộng rãi hơn là một tầng tháp pagoda . Tầng sát đất tượng trưng cho địa ngục , tầng giữa là thế gian loài người và tầng trên cùng là niết bàn . Khi các tín đồ thành kính đi lòng vòng qua các tháp chedi ba lần , họ tin là có thể bước thẳng vào cổng niết bàn mà không cần phải giác ngộ .

Tôi có người bạn học ở UT ở Austin, Texas . Hắn đọc xong cuốn Thượng Đế Chi Mê của Huỳnh Di tin rằng con người không cần phải ngồi Thiền để nhập Niết Bàn hay ăn năn sám hối được Chúa thương gọi về nước Thiên Đàng . Hắn cứ nghĩ làm sao tìm ra được bộ máy nào đó có thể đi thẳng vô đúng tầng số dao động của cõi vô thức vĩnh hằng của vũ trụ . Có lẽ hắn coi quá nhiều phim giả tưởng khoa học như là Back To The Future .

Nếu như được Thái Lan nên tạc thêm tượng thần Midas (ông này còn có người gọi là ông vua Midas có khả năng gold touch , nghĩa là ông ta sờ bất cứ vật nào đều biến thành vàng.)

Khi chúng tôi sắp bước vô Chùa Lục Ngọc thấy dưới nền sân chùa giày dép lổn ngổn . Tôi biết đó là phong tục tôn nghiêm của người Thái khi bước vào chùa để chiêm bái tượng Phật bằng ngọc xanh lam .

(Theo từ điển wikipedia , chùa Wat Phra Keo được đặt theo tên của chùa Hoàng Hôn bên Ấn Độ, xưa kia là một ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ 17, sau được vua Tak Sin chọn làm chùa của hoàng gia, đồng thời cũng là cung điện. Tên chính thức và đầy đủ của chùa này là Chùa Phrạc -Srỉ -Rách-ta-na-Sả-đa-ram (tiếng Thái: วัดพระศรีรัตนศาสดาราม, chuyển tự Latinh thành Phra Si Rattana Satsadaram), nhưng hay được gọi tắt là Chùa Phra Kaew (วัดพระแก้ว). Người nước ngoài thường gọi là chùa Phật Ngọc.

Điện chính là ubosoth trung tâm có bức tượng Phật ngọc. cao 54 phân . Dù bức tượng này có kích thước nhỏ nhưng đây lại là tượng Phật quan trọng nhất đối với người Thái Lan. Các truyền thuyết cho rằng bức tượng này xứ từ Ấn Độ, nhưng tượng đã xuất hiện lần đầu ở Vương quốc Campuchia chư hầu và được tặng cho vua của Vương quốc Ayutthaya . Miến Điện đánh bại Ayuttaya và người ta lo sợ tượng đã biến mất. Một thế kỷ sau, tượng Phật ngọc lại xuất hiện ở Chiang Saen, sau một trận mưa dông đã xói lớp đất phủ xung quanh tượng. Sau đó tượng đã được đưa đến Chiang Rai, sau đó là Chiang Mai, nơi đó tượng được hoàng tử Setatiratt đưa đến Luang Prabang, khi bố của ông mất và ông đã lên ngôi của quốc gia chư hầu đó của Xiêm La. Trong những năm sau tượng được chuyển đến quốc gia Viêng Chăn, chư hầu của Xiêm La. Trong thời gian quân Haw từ phía Bắc xâm lược, Luang Prabang đã thỉnh cầu sự giúp đỡ của Xiêm La chống lại quân xâm lược. Vua Lào đã tấn công quân Xiêm từ phía sau, do đó Phật ngọc đã quay trở về Xiêm khi vua Taksin đánh nhau với Lào và tướng của ông Chakri (sau này là vua Rama I) đã lấy bức tượng từ Viêng Chăn. Đầu tiên tượng được đưa đến Thonburi và năm 1784 tượng được đưa đến địa điểm hiện nay. Wat Preah Keo, ở Phnom Penh, ngày nay được nhiều người Campuchia xem là nơi bức tượng phải ở đúng chỗ của nó còn người Lào lại cho rằng Haw Phra Kaew ở Viêng Chăn mới là địa điểm đúng của bức tượng.


Hiện thời, viên ngọc Lục Bảo đức Phật đặt trên án thờ có chiều cao 11 mét rất vẻ tôn kính, do cây dù được xếp chín tầng bảo toàn yên tĩnh. Những quả bóng bằng thủy tinh ở hai bên tượng trưng cho nhật nguyệt. Mỗi năm ba lần, lúc khởi đầu năm mới, nhà vua chủ tọa việc thay đổi chiếc áo khoác bên ngoài Phật Lục Bảo . Áo thụng không tay khoác ngoài thắt long bằng vàng, có nhiều hạt kim cương đắt giá dùng cho mùa hạ, chiếc áo điểm lốm đốm kim cương trông có vẻ giàu sang dùng cho mùa mưa và chiếc áo tráng lớp men bằng vàng nguyên chất dùng cho mùa mát.
Những bức tường hành lang bao quanh sân của chùa được sơn phết với những tấm bích họa tường thuật hoạt động mang tính chất anh hùng thời Ramakien. Những tấm bích họa được vẽ đều căn cứ vào nguồn gốc suốt triều đại hoàng đế Rama III (1824-1850), nhưng được phục hồi nhiều lần. Những bức họa tiêu biểu cho câu chuyện khởi đầu bên tay trái, khi du khách rảo bước quanh hành lang mới lĩnh hội được ý nghĩa. Những trận chiến đấu mang tính cách anh hùng, những đám diễu hành, v.v. đều được thể hiện tất cả trên những bức vẽ.
Những phiến đá cẩm thạch được dựng lên những cây cột đứng trước những họa phẩm, được khắc lên những bài thơ hay có liên quan đến mỗi tình tiết của câu chuyện.
Chùa mở cửa đón khách hàng ngày, từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30, và từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30, giá vé vào tham quan cho mỗi khách là 200 baht. )
Dù rằng thời tiết xứ Thái nóng quanh năm như ở miền Nam Việt Nam , nhưng theo luật lệ nơi đây du khách vào thăm cung điện cũng như các chùa chiền đều phải mặc quần dài . Ai quên thì nơi đây có sẵn dịch vụ cho thuê quần dài . ( Bên Roma thì khách mặc áo không được hở vai , váy phải dài hơn đầu gối . Tấm khăn nhựa để che được cho free . )
Tôi không tin Thượng Đế ngự trong các bức tượng dù chúng làm bằng vàng bằng ngọc hay bằng gỗ quí. Chúng chỉ là sáng tác của các nhà nghệ sĩ , nghệ nhân theo tâm tưởng lờ mờ mà tạc ra hình Chúa , Phật . Trong chùa khá nhiều người chắp tay đỉnh Phật lâm râm khấn vái . Tôi không nghe họ cầu nguyện xin xỏ thứ gì nhưng chắc chắn không tiền tài tình duyên thì công danh lợi lộc . Bước ra khỏi chùa để tìm đôi giày mới tôi mua đã … mười năm , bà nhà tôi vẫy tay gọi tôi lại :
- Ông chụp cho tui một tấm kỹ niệm .

Nói xong bà nhà tôi chắp hai tay lại để trước ngực .
- Bà không khấn vái xin gì à ?
- Có , tui xin được trúng lô tô .
- Của Thái hay Việt Nam .
- Của Mỹ mới nhiều chứ mấy nước kia có là bao . À ! Mà này , ông làm gì mà lúi cúi khom người kiếm cái gì vậy ?
- À ! Tui đang đi tìm đôi giầy mới của tui . Ở đây trước sân chùa sao thiên hạ cởi giày dép ra nhiều thế . Bà bà , bà kiếm cho tui cái bao rác thật to .
- Chi vậy ?
- Để gom góp vào một chỗ mang về khách sạn lục lọi thế nào cũng tìm ra .
- Ông vớ vẩn .

7/1/2011