Sunday, September 18, 2011

Sau khi nghe tôi trình bày tự sự , cha chánh xứ biểu :
- Ngày xưa Hội Thánh không chuẩn y cho việc cưới xin như vậy . Luật dạy rằng cả hai vợ chồng phải cùng theo một đạo để sau này việc dạy dỗ con cái nó vô nề nếp hơn , nhưng bây giờ luật cũng thay đổi , không nên ép buộc người phối ngẫu bên kia phải vô đạo . Luật cũng nói rằng đạo ai thì người ấy giữ , miễn là sao cho thuận vợ thuận chồng là được . Nhưng có điều cháu Huy nhà anh đó , nó là con nhà có đạo thì phải theo Luật Chúa . Cô kia không cần phải theo đạo Chúa , hai đứa nó chỉ cần học một lớp giáo lý hôn nhân do nhà thờ tổ chức .

Tôi vội ngắt lời cha chánh xứ :
- Dạ thưa cha , hai đứa chúng nó đã ghi tên học ở trường trung học Nolan rồi cha . Lớp này do một cha Mỹ giảng dạy , con nghĩ tụi nó không rành tiếng Việt nên ngại ngùng tới đây .

Trường trung học phổ thông Nolan là một trường tư thục công giáo nằm dọc theo xa lộ I-30 gần đường Oakland . Nhiều người Việt Nam hay Mỹ trắng khá giả thường cho con cái theo học trường này . Tiền học một năm bây giờ khoảng bảy hay tám ngàn đô la . Mấy đứa con gái tôi không theo học ở đây mà học ở trường Dunbar High School , một trường học nằm ở khu Tây Nam thành phố Fort Worth . Học sinh đến 99% là Mỹ đen . Trường trung học Riverside gần nhà tôi ở , chúng nó chê là học sinh toàn dân Mễ . Ði ngang qua trường học đó tôi đôi khi thấy một hai cô cậu tuổi teen , mới chừng mười mấy tuổi đời đứng ôm nhau mùi mẫn .

Cha xứ mỉm cười :
- Thôi cũng được , trường nào cũng là trường . Khi nào học xong biểu chúng nó tới đây gặp tui , rồi tui sẽ rao giảng phép hôn phối tại nhà thờ mấy tháng trước khi làm phép chuẩn cho các cháu .

Việc tuyên bố các cặp sắp tổ chức lễ cưới nhà thờ thường thường được nêu tên trước giờ thánh lễ . Sau mỗi lần rao tên như : " Anh Trần văn Xoài con ông bà Trần văn Mít sắp kết hôn với cô Nguyễn thị Nở con ông bà Nguyễn văn Tèo . Ai biết có điều gì ngăn trở xin trình cho cha xứ biết . " Ðiều ngăn trở này có nghĩa là một trong hai kẻ đương hôn đã lập gia đình với kẻ khác . Tôi biết sau năm 1954 vài ông đã để vợ ngoài Bắc vô Nam đơn độc lẻ loi rồi tìm người chứng giả để trình cho cha xứ làm phép cưới tại nhà thờ . Nếu có người biết được chuyện này , và trình báo cho các cha sở tại thì các ngài sẽ không làm phép hôn phối .

Cha xứ thong thả nói tiếp :
- Ðây là tờ đơn xin làm phép chuẩn phép cưới tại nhà thờ , trong đây có chữ ký ông bà và ông bà xui gia .

Tôi liếc nhìn sơ qua tờ giấy , lòng ngao ngán nghĩ thầm : " Hai vợ chồng tui ký tên làm chứng cho con mình chưa từng lập gia đình thì được rồi , nhưng cái bên xui gia kia đưa tờ giấy này cho họ ký , họ biết ngay là tổ chức đám cưới tại nhà thờ Công Giáo . Hai ổng bả đâu bằng lòng chịu ký .

Nhìn thấy bản mặt tôi tỏ vẻ phân vân , ông cha xứ hỏi :
- Sao vậy ông ? Có điều chi trắc trở ?

Tôi liền trình bày những điều khó nghĩ khó giải quyết cho êm đẹp :
- Ổng bả người Tàu họ nhứt định không chịu cho con gái họ theo đạo cũng như tổ chức phép cưới tại nhà thờ .

Cha xứ ngẫm nghĩ một lát rồi nói :
- Thôi vầy , thay vì cha mẹ cô ta ký tên thì để một người nào thân trong gia đình cổ ký thay cũng được , nhưng ít nhứt cũng trên 18 tuổi .

Bên tôi ông bà nội ngoại đều nằm xuống đất từ lâu rồi , còn bên kia ông bà nội ngoại còn đầy đủ . Tôi biết chắc là ông bà nội ngoại của con dâu tương lai tôi đều trên 18 tuổi kể cả các cô chú dì của nó , nhưng nếu nhờ họ thì ông bà xui gia phải biết .

Về nhà tôi gọi điện thoại cho thằng con trai tôi , trình bày mọi việc và biểu nó khi nào rảnh xuống lấy tờ đơn đem về mà ký tên .

- Tao và má mày ký tên rồi đó , mày đem về đưa cho con Phụng làm sao thì làm . Ba mẹ nó không ký thì nhờ hai đứa em gái nó ký cũng được . Tiếng Việt mày không rành lắm , để tao cắt nghĩa ra tiếng Mỹ trong tờ đơn này . Ký tên ở đây là làm chứng nhân hai đứa bay chưa từng lập gia đình bao giờ . Mày cũng hiểu phép rao phép cưới không phải tao đặt ra . Luật Hội Thánh nói rằng : " Ðiều gì mà Thiên Chúa kết hợp thì loài người không thể phân chia . "

Con trai tôi ngắt lời :
- Bố à ! Ai có thể phân chia chúng con ?

Tôi cười hề hề :
- Ai dám chia cách tụi bay . Nhưng điều này hàm ý một nghĩa khác . Thí dụ mày đã lấy một cô gái nào đó rồi hay con Phụng nó cũng lấy chồng rồi , mà mày đã ra nhà thờ làm phép cưới thì mày không thể ra bất cứ nhà thờ nào làm phép lần thứ hai .

Bên Việt Nam có nhiều trường hợp cha mẹ hay can thiệp vào chuyện hôn nhân con cái , ép con cái lấy người này lấy người kia . Cách đây không lâu bên tiểu bang Utah một cô gái Mỹ xách súng shotgun về nhà cha mẹ bắn bể đồ đạc lung tung trong nhà sau khi cha mẹ cô ta không đồng ý cho cô ta lấy một anh chàng lực điền làm việc trong một nông trại gần đó .

Giọng nói thằng con trai tôi lớn tiếng hơn :
- Thì bố mẹ biết con chưa từng lấy ai mà , cả con Phụng cũng vậy , bố mẹ biết mà .

- Bởi vậy , tao ký tên làm chứng cho mày rồi . Chỉ chờ bên kia nữa thôi .

Cậu con trai cả nhà tôi im lặng không nói thêm lời nào , xách tờ đơn mang đi .

19/9/2011

Sunday, September 11, 2011

Thằng cháu nội

Qua vài tuần sau đó hai vợ chồng dự tiệc cưới con của một người bạn . Ông bạn này có con gái là bác sĩ chuyên về gây mê , người chồng cũng là bác sĩ nhưng lại là người Mỹ . Vì thế họ không tổ chức tiệc cưới ở các hàng Tàu hay Việt quanh vùng mà chọn ngay một nhà hàng Mỹ ở khu downtown thành phố Fort Worth . Khách mời rất là chọn lọc , tổng cộng khoảng chừng đâu đó 100 người .

Khi chúng tôi được chỉ định ngồi vào một bàn ăn có đánh số sẵn . Tôi ngó nhìn quanh quẩn các quan khách quanh bàn thì toàn là các vị có chức sắc trong nhà thờ chúng tôi . Cảnh trang trí trong nhà hàng rất sang trọng . Vòm trần cao vút treo lơ lửng những ngọn đèn chúc đài tỏa ánh sáng vàng nhạt . Khăn bàn ăn trắng muốt trải gọn gàng với những bộ dĩa dao thìa muỗng . Các nhà hàng Thanh Thanh hay Kow Loong tại thành phố Arlington khi bày biện trên bàn ăn chỉ gồm có một cái nĩa , một cái muỗng được gói ghém trong một cái khăn trắng tinh và không quên một đôi đũa long phụng . Ðây là lần đầu tiên tôi đi dự một đám cuới Mỹ nên không khỏi ngỡ ngàng . Nhưng tôi có đọc một bài viết của anh Tây Ðộc nói về cách sắp đặt bộ dao chén nĩa của các nhà hàng Mỹ . Nhìn trên bàn thấy có con dao thì chắn chắc họ sẽ dọn cho mình xơi món bíp tếch hay một món gà chiên gà quay gì đó . Một cái thìa thì biết hôm nay sẽ có một món súp . Súp gì chứ súp Mỹ nhìn thấy là không muốn ăn . Không cải bắp hầm gà bơ thì cải đắng hầm thịt heo ướp mặn . Một cái nĩa thì cho biết họ sẽ dọn sà lách cho mình ăn . Món này không giống như món rau trộn Việt Nam nôm na mình gọi là món gỏị Món salad Mỹ thông thường trộn bởi rau diếp hay sà lách Ý , vài cọng rau dền Mỹ spinach , vài sợi cà rốt , trộn bơ hay phó mát .

Trở lại cái bàn ăn tiệc cưới đêm hôm đó , tôi nhìn thấy trên bàn có một bộ dao nĩa . Ba con dao và ba cái nĩa . Không có thìa muỗng . Ngồi chung bàn với các vị chức sắc rất khó mà mở miệng . Không ông chủ tịch thì ủy viên tài chánh , ủy viên truyền giáo , ông nào ông nấy đều lớn tuổi hơn tôi và dĩ nhiên đi họp hành với mấy ổng , miệng ông nào ông nấy đều to hơn tôi . Tuy vậy tánh tôi hay xuề xòa bèn mở đầu câu chuyện :
- Thưa các bác , hôm nay chúng ta chắc chắn sẽ có sáu món ăn . Này nhé , ba con dao là họ sẽ dọn cho chúng ta xơi ba món thịt chiên xào . Ðể tui đoán thử , thịt bò bíp tếch Kobe nè , à ... tiếp theo là gà rang muối ...

Một bà mệnh phụ chung bàn góp ý :
- Thêm món vịt Bắc Kinh quay dòn .

Tôi nở nụ cười tươi :
- Hổng biết a , tui nghĩ Mỹ không biết ăn thịt vịt . Tui nghĩ là món thịt heo rừng ướp mặn .

Bà khách kia mở tròn đôi mắt :
- Sao ông biết ?
- Tui đoán chừng thôi , vì dạo này heo rừng sanh sôi nảy nở quá chừng nên chánh phủ Mỹ ra thông tư khuyến khích dân chúng nên xơi thịt heo rừng thay thế cho bò .

Giọng bà khách trở nên yếu xìu :
- Thế à !

Tôi tiếp tục câu chuyện :
- Còn cái nĩa chắc là ba món rau trộn . Ðể tui đoán xem , cải bắp trộn sữa và bơ , món này quí bác khá rành mà , tiệm Church Chicken đó , họ gọi là Cole Slaw .Món kế là cải xanh trộn mayonaire .

Tôi nhận thấy khuôn mặt mấy quan khách quanh bàn dài ra .
- Và hôm nay không có món súp nào .
- Sao vậy ?
- Thì không có thìa muỗng .

Bà khách kia miệng vẫn nói cứng :
- Chưa chắc à .

Bà nhà tôi táy máy cầm tờ thực đơn cắm giữa bình bông đặt chính giữa bàn .
- Ông nói sai rồi ông ơi ! Dù tui không đọc đọc tiếng Mỹ nhưng tui biết trên này họ ghi chỉ có ba món .
- Ðâu đâu bà đưa cho tui xem . À ! thì ra vậy chỉ có ba món thôi à . Ðể tui dịch ra nghe xem .

Tôi cầm lấy xem qua và dịch ngay :
- Thịt cừu ướp muối bơ với miến khô . Món thứ hai là hạt điều trộn spinach với hột ngò và món thứ ba rất quen thuộc thịt bò bíp tếch . Nếu ai ăn chay thì có món cá hồi nướng hành với bơ Thụy Sĩ .

Bà khách kia nhướng đôi lông mày có vẻ không tin :
- Ông làm gì mà đọc và dịch ngay ra thế ?

Tôi cười cười :
- Bà không tin à ! Tí nữa thì bà biết ngay .

Quả thật như vậy , chừng đâu lối nửa giờ có năm người hầu bàn trong y phục xinh xắn quần đen ,áo sơ mi trăng với chiếc áo ghi lê đen , hai tay bưng hai đĩa ngang tầm mắt của họ . Với một động tác thuần thục synchonize họ đặt năm cái đĩa xuống bàn trước mặt năm người chúng tôi . Và sau đó rất nhịp nhàng họ xoay qua bên trái , để năm đĩa kia xuống trước mặt năm vị khách còn lại . Trên chiếc đĩa hoa văn xanh nhạt , một miếng thịt nâu nhạt với vài sợi bún miến Vercimelli quăn queo , điểm tô thêm vài cọng ngò Mỹ . Tôi kiêng thịt nên không đụng vào , chỉ nhón nhén gắp mấy cọng miến trắng đục .

- Ăn được đấy bà ! Họ có trộn thêm rượu vang . Ðây bà ăn thêm phần thịt trừu ướp bơ Thụy Sĩ hay Ðan Mạch gì đó .

Bà nhà tôi hơi nhăn mặt :
- Thôi ông ơi ! Thịt chi mà hôi quá tui không xơi nỗi .

Tôi nhận thấy vòng quanh bàn các vị tai to mặt lớn cũng ngồi im lặng mặt mũi nghiêm nghị không nói gì , trước mặt họ món thịt cừu vẫn còn nguyên không động đậy . Giá như nhà hàng mang ra các món dê xào lăn hay tái dê gì đó , tôi chắc chắn trên dĩa sẽ sạch bong , vì tôi biết mỗi lần họp hành các vị đó thường hay đưa ý kiến thui vài con dê để tăng khẩu vị trong những dịp lễ Tết Việt Nam .

Chừng lối mươi phút các anh chị hầu bàn lại xoay quanh bàn thu dọn chén đĩa . Tôi nhận thấy họ mang đi một con dao và một cái nĩa . Theo trình tự như vậy đêm nay chỉ được dọn ra ba món ăn thôi . Món thứ hai cũng thanh đạm như món trước , vài cọng rau spinach lấm tấm vài hạt điều xắt mỏng , chỉ một gắp vô miệng là hết . Rau spinach Mỹ hay ăn sống trộn chung vài thứ linh tinh gì đó . Dạo mới qua Mỹ vào mùa đông , các chợ Việt Nam không có rau cỏ Việt như rau muống , rau dền rau lang , bà nhà tôi ra chợ Mỹ thấy rau spinach này hay hay mang về nấu canh với tôm khô . Nó chẳng giống rau dền mà cũng không giống như mồng tơi .

Món thứ ba đa phần thực khách chọn thịt bò bíp tếch , tôi chọn món cá hồi Alaska . Nó được ướp tí muối , dầu ô liu , hành nên vị nhàn nhạt không đậm mùi quê hương dân tộc Việt . Ngó qua đĩa thịt bò của bà nhà tôi trơ trơ những miếng thịt bò còn đỏ tươi . Bà nhà tôi chắc lưỡi :
- Bò gì mà còn sống nguyên . Giá như tui còn trẻ răng riếc còn nguyên còn nhai nỗi , giờ đây như hoa rụng ven sông .

Lúc ra ngoài lên xe để về nhà , bà nhà tôi nói dỗi :
- Thằng Huy nhà mình mà làm đám cưới tại nhà hàng Mỹ là tui cũng không đi .

Ông bà mình có câu : " Ðầu xuôi đuôi lọt " . Vợ chồng tôi có bốn đứa . Một trai ba gái . Thằng đầu lòng dường như có nhiều trục trặc . Nó mà không xuôi dòng thì mấy đứa em nó sau này ra sao . Tôi thở dài :
- Bà ơi ! Dù sao nó cũng là con mình . Bà làm mẹ không đi thì coi sao được . Chẳng lẽ tui vác con gà mái theo sao .

Saturday, September 3, 2011




Thằng cháu nội

Tran D.Anh

Nhìn cái bản mặt thằng cháu nội của tui , tui nghĩ thầm là nó y hệt như mẹ của nó . Mắt một mí , đuôi mắt lại xênh xếch lên y chang như những người mà dân Việt trong nước gọi là người anh em hữu nghị láng giềng khổng lồ 16 chữ vàng . Vâng , mẹ cháu là con của ông bà người Tiều Châu sinh sống ở Sóc Trăng đã mấy đời .

Gia đình tôi theo đạo Công giáo lâu rồi , nên khi hai vợ chồng tui qua nhà ông bà Tiều Châu để bàn chuyện đám hỏi đám cho thằng con lớn của tôi muốn cho con dâu tương lai theo đạo . Ông Tiều Châu lắc đầu nhất quyết nói không : " Nị hông biết a , ngày xưa ngộ cũng học trường " lạo " a , mấy ông cha "lói " nhiều quá . Sáng "lào" cũng bắt tụi "lày " đứng lên đọc kinh ê a ... Đức Chúa Trời có chín điều "lăn " ...

Tôi ngó sang bà nhà tôi mỉm cười . Ông Tiều Châu quả thật có học trường đạo và sửa đổi luôn Ten Commandments của hai tảng đá mà ông Môi sen vác về từ đỉnh núi Sinai .
Ông Tiều Châu nói tiếp :
- Thằng Huy nó hổng "gành" tiếng Việt , nó vô đây với con Phụng mà cứ ấp a ấp úng .

Tôi lại nghĩ trong bụng , ông người Tàu này chê thằng con trai tôi nói tiếng Việt không rành rõi như ông . Chẳng lẽ sắp làm sui gia mà tí tí mà bắt bẻ nhau từng chút . Tôi lựa lời đáp lại cho xuôi chiều :
- Chắc tụi nó muốn thưa chuyện xin cưới hỏi gì đó phải không ?

Ông Tiều Châu đôi mắt xếch nheo lên :
- Tui nào cấm cản tụi nó đâu , nhưng có điều tui hông cho con Phụng theo đạo mấy ông . Bây giờ ông bà muốn con Phụng theo đạo , thì tui bắt thằng Huy vô chùa với tui có được không ?

Từ khi bước vào nhà ông bà Tiều Châu này , tôi để ý không thấy treo hình ảnh hay bàn thờ Phật gì cả . Ngay cả một góc thờ vị Thánh Quan Công râu dài mặt đỏ cũng không có . Tôi cười xuôi theo câu chuyện , giá như chúng tôi còn ở quê nhà , đố mà vào được nhà người Tàu xin cưới hỏi cho cậu con trai người Việt . Theo như tôi biết , trai Tàu lấy gái Việt thì dễ , nhưng gái Tàu gã cho trai Việt họ không thích lắm . Tôi có thằng cháu hơn tôi một tuổi quen với một cô gái người Tàu Chợ Lớn . Ba mẹ cô ta không đồng ý hai đứa qua lại nên cô cậu bỏ trốn lên Đà Lạt . Ai ngờ tụi nó đi xe đò đến Bảo Lộc bị ba mẹ cô ta nhờ xe cảnh sát đuổi theo bắt lại . Rốt cuộc hai đứa nó mỗi người mỗi ngả .

- Được chứ ông , nhập gia thì tùy tục . Ông cứ bắt nó lên chùa làm sư xem nó có chịu không ?

Cái gì thì bắt nó làm được , chứ bắt nó lên chùa làm sư thì tôi chắc trăm phần trăm là nó không chịu . Ngay cả việc ngày chủ nhật đi xem thánh lễ mà nó cứ khất dần . Con cái lớn rồi , mình già cả nói đôi lần thì thôi . Nói quá chúng nó lại bảo già cả rồi nói nhiều quá . Nhức cả đầu .

Chuyện chỉ có vậy thôi , nhưng lại gây ra phiền phức . Hai vợ chồng tôi không ép buộc con gái ông bả vô đạo , dĩ nhiên ông bả không được ép con trai tôi lên chùa tụng kinh . Nhưng có điều ông bả không chịu cho con gái ra làm lễ cưới tại nhà thờ Công Giáo . Điều này làm bà nhà tôi giận dỗi ra mặt .
- Nói vậy thì làm sao thằng con trai tui ra nhà thờ làm lễ cưới , à cứ gọi là làm phép chuẩn đi . Không có mặt cô dâu mấy quí cha đâu có chịu .

Tôi coi phim Hồng Kông mấy gia đình người Tàu làm lễ cưới , lúc quay mặt lạy trời lạy đất gì đó mà thiếu mặt cô dâu hay chú rể thì dùng con gà trống hay gà mái để thay thế . Nhưng hôm đó tôi không thể mang chuyện này ra bàn được . Chúng tôi không biết làm sao , xin phép ông bả đi về . Mặc tụi nó muốn làm gì thì làm , nhưng bà nhà tôi nói xẳng : " Tụi nó không làm lễ cưới tại nhà thờ là hổng có mặt tui . "

Còn tiếp