Sunday, September 11, 2011

Thằng cháu nội

Qua vài tuần sau đó hai vợ chồng dự tiệc cưới con của một người bạn . Ông bạn này có con gái là bác sĩ chuyên về gây mê , người chồng cũng là bác sĩ nhưng lại là người Mỹ . Vì thế họ không tổ chức tiệc cưới ở các hàng Tàu hay Việt quanh vùng mà chọn ngay một nhà hàng Mỹ ở khu downtown thành phố Fort Worth . Khách mời rất là chọn lọc , tổng cộng khoảng chừng đâu đó 100 người .

Khi chúng tôi được chỉ định ngồi vào một bàn ăn có đánh số sẵn . Tôi ngó nhìn quanh quẩn các quan khách quanh bàn thì toàn là các vị có chức sắc trong nhà thờ chúng tôi . Cảnh trang trí trong nhà hàng rất sang trọng . Vòm trần cao vút treo lơ lửng những ngọn đèn chúc đài tỏa ánh sáng vàng nhạt . Khăn bàn ăn trắng muốt trải gọn gàng với những bộ dĩa dao thìa muỗng . Các nhà hàng Thanh Thanh hay Kow Loong tại thành phố Arlington khi bày biện trên bàn ăn chỉ gồm có một cái nĩa , một cái muỗng được gói ghém trong một cái khăn trắng tinh và không quên một đôi đũa long phụng . Ðây là lần đầu tiên tôi đi dự một đám cuới Mỹ nên không khỏi ngỡ ngàng . Nhưng tôi có đọc một bài viết của anh Tây Ðộc nói về cách sắp đặt bộ dao chén nĩa của các nhà hàng Mỹ . Nhìn trên bàn thấy có con dao thì chắn chắc họ sẽ dọn cho mình xơi món bíp tếch hay một món gà chiên gà quay gì đó . Một cái thìa thì biết hôm nay sẽ có một món súp . Súp gì chứ súp Mỹ nhìn thấy là không muốn ăn . Không cải bắp hầm gà bơ thì cải đắng hầm thịt heo ướp mặn . Một cái nĩa thì cho biết họ sẽ dọn sà lách cho mình ăn . Món này không giống như món rau trộn Việt Nam nôm na mình gọi là món gỏị Món salad Mỹ thông thường trộn bởi rau diếp hay sà lách Ý , vài cọng rau dền Mỹ spinach , vài sợi cà rốt , trộn bơ hay phó mát .

Trở lại cái bàn ăn tiệc cưới đêm hôm đó , tôi nhìn thấy trên bàn có một bộ dao nĩa . Ba con dao và ba cái nĩa . Không có thìa muỗng . Ngồi chung bàn với các vị chức sắc rất khó mà mở miệng . Không ông chủ tịch thì ủy viên tài chánh , ủy viên truyền giáo , ông nào ông nấy đều lớn tuổi hơn tôi và dĩ nhiên đi họp hành với mấy ổng , miệng ông nào ông nấy đều to hơn tôi . Tuy vậy tánh tôi hay xuề xòa bèn mở đầu câu chuyện :
- Thưa các bác , hôm nay chúng ta chắc chắn sẽ có sáu món ăn . Này nhé , ba con dao là họ sẽ dọn cho chúng ta xơi ba món thịt chiên xào . Ðể tui đoán thử , thịt bò bíp tếch Kobe nè , à ... tiếp theo là gà rang muối ...

Một bà mệnh phụ chung bàn góp ý :
- Thêm món vịt Bắc Kinh quay dòn .

Tôi nở nụ cười tươi :
- Hổng biết a , tui nghĩ Mỹ không biết ăn thịt vịt . Tui nghĩ là món thịt heo rừng ướp mặn .

Bà khách kia mở tròn đôi mắt :
- Sao ông biết ?
- Tui đoán chừng thôi , vì dạo này heo rừng sanh sôi nảy nở quá chừng nên chánh phủ Mỹ ra thông tư khuyến khích dân chúng nên xơi thịt heo rừng thay thế cho bò .

Giọng bà khách trở nên yếu xìu :
- Thế à !

Tôi tiếp tục câu chuyện :
- Còn cái nĩa chắc là ba món rau trộn . Ðể tui đoán xem , cải bắp trộn sữa và bơ , món này quí bác khá rành mà , tiệm Church Chicken đó , họ gọi là Cole Slaw .Món kế là cải xanh trộn mayonaire .

Tôi nhận thấy khuôn mặt mấy quan khách quanh bàn dài ra .
- Và hôm nay không có món súp nào .
- Sao vậy ?
- Thì không có thìa muỗng .

Bà khách kia miệng vẫn nói cứng :
- Chưa chắc à .

Bà nhà tôi táy máy cầm tờ thực đơn cắm giữa bình bông đặt chính giữa bàn .
- Ông nói sai rồi ông ơi ! Dù tui không đọc đọc tiếng Mỹ nhưng tui biết trên này họ ghi chỉ có ba món .
- Ðâu đâu bà đưa cho tui xem . À ! thì ra vậy chỉ có ba món thôi à . Ðể tui dịch ra nghe xem .

Tôi cầm lấy xem qua và dịch ngay :
- Thịt cừu ướp muối bơ với miến khô . Món thứ hai là hạt điều trộn spinach với hột ngò và món thứ ba rất quen thuộc thịt bò bíp tếch . Nếu ai ăn chay thì có món cá hồi nướng hành với bơ Thụy Sĩ .

Bà khách kia nhướng đôi lông mày có vẻ không tin :
- Ông làm gì mà đọc và dịch ngay ra thế ?

Tôi cười cười :
- Bà không tin à ! Tí nữa thì bà biết ngay .

Quả thật như vậy , chừng đâu lối nửa giờ có năm người hầu bàn trong y phục xinh xắn quần đen ,áo sơ mi trăng với chiếc áo ghi lê đen , hai tay bưng hai đĩa ngang tầm mắt của họ . Với một động tác thuần thục synchonize họ đặt năm cái đĩa xuống bàn trước mặt năm người chúng tôi . Và sau đó rất nhịp nhàng họ xoay qua bên trái , để năm đĩa kia xuống trước mặt năm vị khách còn lại . Trên chiếc đĩa hoa văn xanh nhạt , một miếng thịt nâu nhạt với vài sợi bún miến Vercimelli quăn queo , điểm tô thêm vài cọng ngò Mỹ . Tôi kiêng thịt nên không đụng vào , chỉ nhón nhén gắp mấy cọng miến trắng đục .

- Ăn được đấy bà ! Họ có trộn thêm rượu vang . Ðây bà ăn thêm phần thịt trừu ướp bơ Thụy Sĩ hay Ðan Mạch gì đó .

Bà nhà tôi hơi nhăn mặt :
- Thôi ông ơi ! Thịt chi mà hôi quá tui không xơi nỗi .

Tôi nhận thấy vòng quanh bàn các vị tai to mặt lớn cũng ngồi im lặng mặt mũi nghiêm nghị không nói gì , trước mặt họ món thịt cừu vẫn còn nguyên không động đậy . Giá như nhà hàng mang ra các món dê xào lăn hay tái dê gì đó , tôi chắc chắn trên dĩa sẽ sạch bong , vì tôi biết mỗi lần họp hành các vị đó thường hay đưa ý kiến thui vài con dê để tăng khẩu vị trong những dịp lễ Tết Việt Nam .

Chừng lối mươi phút các anh chị hầu bàn lại xoay quanh bàn thu dọn chén đĩa . Tôi nhận thấy họ mang đi một con dao và một cái nĩa . Theo trình tự như vậy đêm nay chỉ được dọn ra ba món ăn thôi . Món thứ hai cũng thanh đạm như món trước , vài cọng rau spinach lấm tấm vài hạt điều xắt mỏng , chỉ một gắp vô miệng là hết . Rau spinach Mỹ hay ăn sống trộn chung vài thứ linh tinh gì đó . Dạo mới qua Mỹ vào mùa đông , các chợ Việt Nam không có rau cỏ Việt như rau muống , rau dền rau lang , bà nhà tôi ra chợ Mỹ thấy rau spinach này hay hay mang về nấu canh với tôm khô . Nó chẳng giống rau dền mà cũng không giống như mồng tơi .

Món thứ ba đa phần thực khách chọn thịt bò bíp tếch , tôi chọn món cá hồi Alaska . Nó được ướp tí muối , dầu ô liu , hành nên vị nhàn nhạt không đậm mùi quê hương dân tộc Việt . Ngó qua đĩa thịt bò của bà nhà tôi trơ trơ những miếng thịt bò còn đỏ tươi . Bà nhà tôi chắc lưỡi :
- Bò gì mà còn sống nguyên . Giá như tui còn trẻ răng riếc còn nguyên còn nhai nỗi , giờ đây như hoa rụng ven sông .

Lúc ra ngoài lên xe để về nhà , bà nhà tôi nói dỗi :
- Thằng Huy nhà mình mà làm đám cưới tại nhà hàng Mỹ là tui cũng không đi .

Ông bà mình có câu : " Ðầu xuôi đuôi lọt " . Vợ chồng tôi có bốn đứa . Một trai ba gái . Thằng đầu lòng dường như có nhiều trục trặc . Nó mà không xuôi dòng thì mấy đứa em nó sau này ra sao . Tôi thở dài :
- Bà ơi ! Dù sao nó cũng là con mình . Bà làm mẹ không đi thì coi sao được . Chẳng lẽ tui vác con gà mái theo sao .