Sunday, December 14, 2008


Giọt nắng quê hương

Về quê

- Bố ơi ! Có phôn nè !

Tôi cầm lấy cái điện thoại từ tay con Linda , áp vào tai nghe :
- Anh An hả , em là Thu đây .
- Trời ơi ! Tui kiếm cô gần chết . Hôm bữa cô gọi cho cô Loan rồi cổ biểu tui mua cho cần câu máy câu gì phải không ?

Cô Loan, cô Thu là hai đứa em gái tôi , sinh đẻ trong Nam , lại ở khu người Nam nên giọng nói đặc sệt người miền này .
- Không anh , ông xã em anh Tôn đó , ảnh chỉ cần cái máy câu thôi . Năm ngoái anh gởi về cho ảnh cái máy chi mà to quá , cho ảnh cái nào nho nhỏ . Ảnh câu mấy con cá rô cá sặc rằn thôi .

Xưa tôi đi câu ở miệt phường 13 quận Tân Bình , chỉ cần một cần câu trúc dài loẳng quẳng bảy tám thước , cọng cước chỉ một hai ký là đủ .

- Này cô út ! Nghe nói bên Việt Nam thực phẩm lên giá dữ lắm phải không ?
- Dạ !
- Thí dụ như phở bao nhiêu một tô ?
- Anh nói loại phở nào , như em bán trong chợ thì lúc trước 12 ngàn , em muốn lên giá 13 ngàn nhưng ngại quá , sợ lên giá hổng ai tới ăn . Còn ngoài đường phố có chỗ ba mươi mấy ngàn , có chỗ hai mươi mấy ngàn .
- Còn gà vịt tôm cá thì sao ?
- Gà hai ký một con thì 240 ngàn , bò một trăm hai một ký , tôm cua cũng đắt lắm .
- Còn rau muống rau đay thì sao ?
- Mấy thứ đó thì rẻ lắm .
- Ừ , mai mốt tui về bển , cô cứ mua mấy thứ rau tui ăn . Lúc này tui kiêng thịt ăn chay rồi , chỉ ăn cá thôi .
- Cá cũng mắc lắm anh ơi ! Xăng dầu lên dữ quá hổng ai dám đi biển nữa .
- Còn chuyện này nữa . Nghe nói cô Loan làm giấy bảo lãnh cho gia đình cô qua Mỹ nữa . Chà ! Diện anh em cũng khá lâu . Nhưng nghe là cô qua đây tính làm nghề gì để sống ?

Cô em tôi ngập ngừng đôi chút :
- Thì chị Loan biểu em qua đó làm nghề neo (nail) giống chỉ .
- Trời đất , cô mắt kém như vậy , làm sao mà làm được nghề làm móng tay móng chân . Tui nghe nói cắt móng tay cho mấy bà da đen , hơi chạm vào da thịt , mấy bả giơ cẳng đạp một cái , văng ra tuốt ngoài góc nhà kìa . Còn chồng của cô ngoài việc vắt bún ép bún ra còn biết nghề gì nữa không ?
- Dạ không anh , à ! Hình như còn ... đi giăng câu . Nhưng nghe anh nói chuyện làm em nản quá . Thôi em bai nhé , để em còn đi chợ nấu cơm trưa cho ảnh .

Vừa bỏ cái phôn xuống bàn , tôi nghe tiếng bà nhà tôi reo réo đằng sau :
- Tui nghe ông nói chuyện với cô em út ông , tui cũng nản quá !
- Nản sao bà ?
- Bên Việt Nam người ta mong mỏi Việt kiều về thăm quê hương , sau nữa là đãi ăn những món cao sang mỹ vị , không gà thì bò heo . Ông về ông chỉ biết ăn rau muống với nghêu sò ốc hến thôi à ?

- Cao lương chớ không phải là cao sang .
- Tui không biết , ông bây giờ thất nghiệp . Lương còn không có , còn chi mà mà thấp với cao .

Nói đến đây bà nhà tôi ngó quanh quẩn xuống bếp , rồi mang tô cơm nguội vào lò vi ba hâm nóng lại .
- Nhà mình sao phí phạm của trời thế ! Gạo bây giờ hôm qua tui ra chợ Việt Nam lên tới 23 đô một bịch 25 pao (cân Anh = 453 gram) , mà họ chỉ bán giới hạn mỗi người hai bịch thôi .
- Sao lạ vậy ? Tui tưởng có tiền muốn mua bao nhiêu thì mua .
- Hông được , ông chủ tiệm nói là nhiều người mua hàng chục bịch , cất để đó cuối năm bị mốc rồi mang ra trả lại , ổng nói không chơi cái màn đó .
- Thế bà có mua thêm gạo để dành ăn không ?
- Ông ra ga ra xe xem còn mấy bịch ?
- Tui xem rồi còn 6 bịch 25 pao .
- Ờ , tui dặn chị Ba Râu mua cho tui 5 bịch rồi . Ông Vĩnh Bình gởi con cho chỉ đó , hôm qua ổng chạy ra tiệm đại lý Cosco mua cả một xe gạo . Tụi Mỹ nó chẳng nói năng gì , nó còn nói nếu mua trên 45 bao nó sẽ chở đến tận nhà .

Đến buổi trưa bà Ba Râu gọi điện thoại sang biểu tôi khiêng gạo về . Tôi chả dại gì mà vác với khiêng . Bây giờ già rồi , gối mỏi lưng còng . Bèn dùng cáng hai bánh kéo về cất ở patio . Năm ngoái nhà tôi mua hơn chục bịch , vài bao cuối mở ra ăn thì xem có mọt . Con bé Linda nhà tôi cứ chỉ vào chén cơm :
- Bố à ! Con gì mà đen đen vậy ?
- Mọt đó con . Ăn được không ! Được tất . Bên quê nhà cào cào châu chấu người ta còn xơi hết .
- Eo ơi ! Ghê thế , ai mà dám ăn .
- Con không xem chương trình Bizzard Food đài 69 sao , cái ông Andrew qua Việt Nam tìm tòi về thực phẩm lạ kỳ thế giới . Ổng nhai nghiến ngấu hột vịt lộn , rồi giơ ngón tay cái lên khen là số một .
- Ờ ! Cái đó ăn ngon đó bố .

Ngày tôi mới sang Mỹ ở nhà ông anh vợ tuốt thành phố Oklahoma , nhà lại ở bên chợ Cao Nguyên . Sáng hôm đó tôi lững thững ra trước nhà hóng gió . Trước cửa tiệm một xe vận tải chất đầy những bao gạo Rồng Xanh Rồng Đỏ . Một hai ông công nhân khòm lưng vác từng năm bao một . Ông chủ tiệm người Hoa Chợ Lớn xấn tới bên tôi hỏi :

- Anh có muốn làm việc không ?
- Làm cái gì ông ?
- Thì vác gạo mang vào trong kho .
- Thế ông trả công làm sao ?
- Thì theo bảng lương nhà nước Mỹ , 3 đô 25 xu một giờ .

Tôi ngó lên trên xe chở hàng rồi lắc đầu , nếu cộng cả tôi vào là ba người , vác cả ngàn bao gạo . Tính ra chừng ba giờ là xong . Mình lãnh được chừng 10 đô . Chả bỏ công , từ bé đến giờ chưa bao giờ phải ăn no vác nặng .

- Gạo Mỹ này mua ở Cosco ăn được không bà ?
- Ông giỏi tiếng Mỹ lắm mà , sao ông không chịu đọc hàng chữ đề trên bao gạo . Nè có chữ Việt Nam , Gạo Nàng Thơm .
- Chữ bé như con kiến , bố ai để ý . Tôi đọc báo Người Việt , có ông luật sư nào đó kêu gọi dân chúng Việt Nam đừng mua gạo Thái Lan với giá cao . Giữ lại biên nhận rồi gởi về cái địa chỉ gì đó . FBI sẽ điều tra với bọn người Hoa lợi dụng cơ hội này tăng giá gạo quá mức . Họ khuyên là nên ăn gạo Mỹ , gạo trồng ở Miền Victoria Texas thiếu giống gì .
- Nhưng mà gạo Mỹ ăn khô lắm , tui ăn không được .
- Không có thì chịu khó nhai thôi . Có gạo là quí rồi , ngày xưa mình còn nhai bo bo nữa mà , mõi họng chết cha . Hình như mình gọi là cái đây ?
- Là cao lương đó .

oooooOOOoooo

Nhà hai vợ chồng cháu vợ tôi nằm kế cận trường tiểu học , đồ sộ với những mô hình kiến trúc mới , trông rất bắt mắt . Bà nhà tôi cứ mỗi lần tới nhà ai có vẻ mơi mới là chỉ muốn đi mua nhà mới ngay . Những căn nhà ở khu này to lớn khang trang , có diện tích không dưới 4000 bộ vuông (square feet) ít nhất cũng ngót nghét nửa triệu đô là trở lên .

- Cháu Mẫn à ! Hồi nãy cô chú tới đây mà hai cháu chưa về . Chú chạy ngang qua cái nhà đằng kia , ngoài góc đường có trồng một cây hoa hồng hoa nở đẹp ơi là đẹp .
- Nhà nào chú ?
- Cái nhà đo đỏ ở góc đường đối diện bên kia kìa . Bông hoa ba bốn màu , cái đỏ cái cam cái hồng thẩm .
- Cháu nghĩ họ trồng một bụi mấy cây đó chú .
- Không phải đâu cháu . Mới đầu chú cũng nói nhứ thế , sau cô nói ra xem lại . Thì ra chỉ có gốc thôi , không hiểu là loại bông hồng gì sao mà ghép hay vậy . Nhà chú cũng có hai cây hồng , nhưng bông nào cũng nở hai màu trắng đỏ hoặc cam hồng .

Mẫn cười :
- Mấy cái bông hoa cháu không rành đâu . Ấy ! Chú coi chừng ! Tí nữa đầu chú va vào cái chậu bông treo ngoài phòng khách .

Nghe vậy tôi chợt ngó lên cao . Một chậu bông sứ bao bọc những vòng nhựa sơn màu đồng gạch cua treo lơ lửng ngang tầm mắt , nó được máng cạnh tường .
- Sao cháu không treo nó cao lên vậy cháu ?

Mẫn cười mỉm :
- Nhà cháu biểu treo như vậy mới đẹp . Hồi nãy ba cháu với mấy người khách cũng bị va vào , nhưng mà không sao hết . Cái chậu bông bằng nhựa mà . Thôi cháu phải đi tiếp khách đây . Chú lại kia tiếp chuyện với ba cháu đi .

Bên góc bếp bày biện những món thức ăn đầy màu sắc hài hòa , một mâm heo quay da đỏ ực , một mâm xôi gấc bay thơm phưng phức , một khay tôm càng chiên bột . Chả giò cuốn nhỏ trong một dĩa to .

Bà chị họ tôi , Oanh đang loay hoay khuấy cái gì trong nồi .
- Chà ! Chị Hai nấu cái chi mà thơm quá dzậy ?
- Súp măng cua .
- Còn cái chả giò sao chị làm khéo thế . Bên này ngoài tiệm họ làm cái nào cái nấy to tổ chảng , nhìn thấy là không muốn ăn . Dầu mỡ không hà . Món này hình như là gỏi ốc , sao chị làm khéo thế ! Thôi bây giờ chị ra mở nhà hàng , em ra phụ giúp cho chị .

Chị Oanh ngập ngừng đôi chút :
- Chú cứ nói giỡn hoài . Ra nhà hàng cực lắm chú không biết à !
- Biết sao không biết chị ! Hồi mới qua đây anh Hai và em đi rửa chén ở nhà hàng Mỹ cực chết cha . Sáng sớm vô nhà bếp , mấy đống chén dĩa xếp cao ngất ngưởng cao hơn đầu người . Nghĩ lại mà phát sợ .

Bà nhà tôi tay cầm chén súp măng cua , ngồi vào bàn , xen chuyện :
- Vậy mà hơi tí ông lại biểu tui ra mở tiệm bán phở , bán bún bò .
- Thì bà nấu ngon quá mà ! Mấy đứa con bà cứ khen má sao nấu ngon quá .
- Mèo khen mèo dài đuôi thôi . Ông không nhớ cái ông Vũ nhà thờ mình đó . Ổng mở cái tiệm phơ? ở góc đường 28 , quảng cáo ăn phở đặc biệt 4 đô 99 phi (free) nước ngọt . Vậy mà tui chạy xe ngang chả có ma nào vô ăn . Tháng sau ổng lại dán cái băng rôn :" Bún bò Huế đặc biệt , 4 đô 99 " . Cũng chẳng có khách nào ghé ăn . Mấy tháng sau tui lại thấy ....

- À ! Ổng lại đăng bảng bán Craw fish (một loại tôm đất ) đại hạ giá phải không ? Bây giờ ổng không bán thức ăn nữa . Ổng mở tiệm cắt móng tay , có free nước ngọt . Tui gặp ổng hỏi tại sao . Ổng cười cười nói : "Mẹ kiếp , mấy thằng bạn tốt trời đánh thánh đâm . Khi mình gọi chúng nó tới nhà ăn phở , chúng nó cứ bảo mình nấu ăn ngon . Sao anh Vũ không mở tiệm phở , chúng em sẽ ra ăn ủng hộ . Thế mà khi mình mở tiệm , chả thấy mặt mũi thằng nào ra ghé . Thì ra ! Hễ có ăn chùa ăn free thì không tiếc gì lời khen . Thế bà có muốn ra mở tiệm bán bún bò Huế nữa chăng ?

Khách khứa cả hai bên nội ngoại kéo tới lai rai , già trẻ lớn bé mấy chục người . Chúng tôi mấy người kéo nhau ra ngồi trên bàn ăn bằng gỗ hồng tâm , trên có phủ tấm khăn xanh lục . Phía trên treo ngọn đèn chandelier treo (đèn chúc đài , có nhiều bóng treo lơ lưng dưới trần nhà ) sáng lấp lánh .

Chị Nam người chị họ với bà nhà tôi , kéo chiếc ghế bằng gỗ hồng tâm xệch ra ngoài :
- Mình ngồi đại ở đây cho rồi . Chủ nhà không mời , mình cứ ngồi , không sao hết .

Chị Oanh nói tiếp :
- Tôi thấy chúng nó làm như vầy cũng tiện . Khách tới ăn tự tiếp lấy mà ăn , kiểu xeo xẹc vít (self-service ) tiện lợi lắm . Ai muốn ăn gì thì ăn . Ăn xong chén dĩa giấy cho hết vào bao rác . Thế là xong .

Vừa nói chị thong thả gắp miếng chả giò vào chén :
- Nghe nói cô chú định về Việt Nam chơi ?
- Dạ .
- Bao lâu ?
- Chừng hơn một tháng . Chủ yếu là cho các cháu đi xem các danh lam thắng cảnh quê mình . Bên Tây cũng đi coi cảnh mấy nước rồi . Nhưng sợ các cháu về bển có bị dị ứng đồ ăn thức uống gì không ? Như con Kim nhà này cứ ra ngoài biển là da nó cứ đỏ ửng lên , uống mấy thứ thuốc mà không hết , vậy mà nó lên máy bay trở về Mỹ hết ngay .
- Thế chú có biết cô Thúy lúc trước ở cạnh nhà mình trên thành phố Oklahoma không ?
- Biết chớ chị ?

- Chú biết không ? Gặp cổ nói phét lác quá trời . Cô nói về Việt Nam cổ tắm mấy thứ nước phông tên ngứa mình ngứa cổ . Mỗi ngày cổ mua mấy bình nước suối để tắm .
- Bây giờ cổ làm nghề gì mà xài sang dữ vậy ?
- Đi làm neo người ta bỏ mẹ . Nói dóc cũng vừa vừa thôi chớ .
- Hồi đó chị về năm nào ?

Chị Oanh từ tốn nói tiếp :
- Tui hả ? Cách đây khoảng bốn hay năm năm gì đó . Hồi đó tui về đi chừng chục người mướn một chiếc xe van hai mươi mấy chỗ ngồi . À ! Cô chú ! Đừng mướn loại xe đó !
- Sao vậy chị ?
- Loại xe to đó lúc ra ngoài Hà Nội lúc đi chơi thăm viếng hay đi ăn kiếm chỗ đậu khó lắm .

Chuyện xe cộ to kềnh tìm chỗ đậu không những tại các thành phô ở Việt Nam , mà ngay cả các thành phố bên Pháp , Đức , Ý cũng khó khăn vô cùng . Nhất là bên thủ đô Ba Lê các xe hơi chiếc nào chiếc nấy đều hơi bị méo đầu móp đít vì khi đậu xe quá sát vào nhau , đến khi ra xe , tài xế phải de về sau , húc đằng trước mới có chỗ đi ra được .
- Thế chị có ra ngoài Đà Lạt không ? Có thác Cam Ly , có hồ Than Thở , có đồi thông hai mộ .

Bà nhà tôi chen vào :
- Lên trển chán thấy mồ . Mưa ri rí suốt ngày . Hồ Than Thở gì mà bé còn hơn cái hồ vịt gần nhà mình nữa .

Bên Texas tôi ở không hiểu sao lại có nhiều cái hồ con con , rộng đến khi cả mấy mẫu héc ta . Trong các phim video clip các ca sĩ hay đứng hát quanh quẩn bên các cái hồ này , lúc nào cũng có cả chục con vịt , ngan ngỗng , vịt trời lò dò quanh đó . Thằng bạn câu cá trời đánh của tôi đi câu ở mấy cái hồ mãi không được cá , ấm ức xách cái lưới tung bắt mấy con vịt về làm tiết canh nhậu . Có lần hắn khoe tôi xơi thử trứng ngỗng . Ăn nó ngai ngái không ngon thơm như trứng gà . Lâu lâu gặp hắn , hỏi han xem còn đi bắt vịt ngoài hồ không . Hắn nhe răng cười : " Bị cảnh sát cho tích kịt mấy trăm đô . Em sợ lắm ! " .

- Rồi chị có ra ngoài Huế không ?
- Ra cả rồi , chả có gì coi !
- Sao lạ vậy chị ? Em nghe mấy người bạn khen ngoài đó đẹp lắm . Có cầu Trường Tiền sáu vài mươi hai nhịp , Ai lồng ngồng tắm có kịp về không ? Có tiếng hát hò sông Hương ...
- À ! Chú nhắc đến sông Hương tôi mới chợt nhớ . Chú Xuyên cậu em rể tôi đó , lúc về bển , chú mướn nguyên một chiếc thuyền ra ngoài sông Hương ngắm trăng . Hôm bữa trời lại oi oi , sóng nước gì dập dềnh , tui đi đường xa mệt quá chừng . Tôi nghe được hai bà bài Vân Lâu núi Ngự gì đó , mắt tôi như cứ sụp xuống , mệt chán quá tôi đòi về khách sạn ngủ . Nhưng ông chủ ghe biểu không được : " Quí khách đã bao nguyên chiếc ghe , còn có cả đoàn văn nghệ hát chèo dân tộc xứ Huế . Họ phải hát hò đủ BỐN tiếng mới về . Thật chán ơi là chán ! .

Khi còn ở Việt Nam tôi chỉ mới bước chân tới Nha Trang , Bình Định , Đà Nẵng . Chưa có dịp ghé thăm xứ Huế mơ mộng . có các em nữ sinh Đồng Khánh áo dài tha thướt trên cầu Trường Tiền , lại chưa có dịp ngủ đò trên sông Hương , lắc lư theo nhịp sóng tiếng hò khoan nhặt Nam Ai Nam Bình .

- Thế chị đi ăn ở Việt Nam có món gì đặc biệt ngon hay lạ ? Có mấy cậu trẻ khoe nhắng nhít lên là món rắn hổ mang xào ớt hay dơi cắt tiết pha với rượu thuốc . Mỗi món như vậy cả vài trăm đô như chơi .

Chị Oanh lắc đầu nhăn mặt :
- Tôi ấy à ! Có lần chúng tôi ghé đến một ngôi chùa phải đi đò mất cả tiếng , nên bảo chú tài xế ngồi đợi . Rồi đi ghé qua một cái quán bên đường . Chú em tôi dặn chủ quán làm một món đặc biệt vô cùng quí , bổ dưỡng vô cùng . Con gì mà nó nho nhỏ như vầy ?
- Có lẽ là con mang con mễn .
- Không phải , nó lại tròn tròn như quả dưa .

Tôi sực nhớ ra trên kênh đài du lịch , du khách qua thăm xứ Việt , nhâm nhi mấy miếng thịt con trút , gật gù khen ngon .

- À ! Chị muốn nói đến con trút hay có người còn gọi là tê tê . Da giáp vẩy cứng . Ở Mỹ có một loài tương tự armadillo , con này hay vi trùng bệnh phong cùi , nó hay băng ngang qua xa lộ ban đêm nên hay bị xe cán trúng lắm . Thịt nó em thấy người ta đem luộc lên cho mềm , xắt mỏng đem chiên , rồi thêm hành tỏi chanh ớt .
- Không , món này chú em tôi dặn là hầm với thuốc bắc . Tôi nhai thử một miếng thấy dai và có vị tanh tanh . Tôi muốn ói không thử nữa . Mà món này rất mắc , chú em tôi tiếc , bảo chủ quán gói lại đem về . Lúc ra xe cho chú tài xế , chú ấy cứ nức nở khen ngon .

Giống trút hay tê tê nơi trú ngụ thường ở Á ,Phi và Bắc Mỹ. Người Á châu thường cho là thịt trút có tính bổ dưỡng cao cho người già cả , nhiều sữa cho các sản phụ , nên được coi là loại thuốc quý hay một món ăn cao lương.

Vài người quen trong xứ đạo ngồi nghe chuyện , có ông hỏi tôi :
- Sao ông trưởng khu ! Dạo này thấy ông siêng năng đi đọc kinh dữ a .
- Ông Tư khỏe không ? Ông thuộc khu Tử Đạo phải không ? Sáng mai lễ Chủ Nhật nhờ ông dâng của lễ .

Vợ ông Tư ngồi kế bên vui vẻ đỡ lời chồng :
- Ông Trưởng Khu cứ yên chí , mai chúng em thế nào cũng có mặt , xin tiền hộ anh .
- Nhưng khi khu dâng của lễ thì thường có bốn ông . Nay anh chị muốn dâng thì xin cho cả gia đình cùng lên .

- Thế thì em xin kiếu . Lần sau anh muốn thì phải báo cho em cả tháng để em chuẩn bị các thứ .

Ông Ba Râu ngồi đầu bàn khẽ khàng , xen vào :
- Cho bả biết để đeo vài thứ lóng lánh trên ngón tay ấy .

Bà nhà tôi cười nhẹ nói :
- Các bác biết không . Ông nhà tôi cứ gọi phôn mời họ đọc kinh , mà chả ai bắt phôn hết .

Tôi từ tốn phân trần :
- Như lần trước tới phiên xin tiền . Tôi phải nhờ ông chồng bà Quí một tay .

Ông Ba Râu nói :
- Phải cái ông già lấy bả trẻ hơn ổng vài chục tuổi không . Có lần tui đi đọc kinh nhà ổng , vừa bước chân vào nhà thấy để bàn thờ ông Thần Tài hay Quan Công ngồi chễm chệ dưới đất . Nhà có đạo ai lại thờ cúng lung tung như thế .
- Tui nghe nói ổng trở lại đạo rồi mà .

Tôi tiếp lời :
- Có mà , tôi hay thấy ông hay xem lễ . Siêng năng lắm , hễ nhờ xin tiền dâng của lễ là ổng không bao giờ từ chối . Nhưng tôi không hiểu cái ông Quan Công đó có trở lại đạo chưa ?

Mọi người cười ồ lên , lại tíu tít quanh những câu chuyện đâu đâu .

oooOOOooo

Trời đã vào xuân , cây cối đã khoác lên màu xanh mạ non . Những nụ hồng vàng trắng cam đỏ e ấp nở dưới ánh nắng ban mai .

Tiếng bà nhà tôi văng vẳng ngoài vườn sau :
- Ông ra mà xem . Nước chảy lênh láng ở góc đằng kia kìa .

Căn nhà cũ tôi ở xây từ năm 1959 , lúc mua là năm 1994 . Tính đến bây giờ nó đã già đến 50 tuổi . Khi mà mua nó , hệ thống tưới nước chung quanh vẫn hoạt động tốt , chỉ trừ một mảng bên góc trái nhà tôi . Nơi đó không có nước , cỏ dại mọc tứ tung . Chẳng hiểu sao , dạo này mấy cái vòi nước (pop up ) ở khúc vườn đó cứ rỉ rả chảy nước ra . Nhà mua lại tôi không biết hệ thống tưới nước chôn ngoằn ngoèo dưới đất hình thù ra sao . Trên vườn cỏ Bermuda cọng dài xanh mướt đan chằng chịt chẳng biết mô tê nào mà mò . Hỏi thăm thằng bạn học về cơ khí , hệ thống tưới cỏ tự động (sprinkle system ) hoạt động như thế nào .
- Trời ơi ! Mày hỏi tao cái đó , nhức đầu lắm . Tốt nhứt thằng nào ri rỉ , mày cứ bịt nó lại .

Thằng bạn thân tốt nghiệp kỹ sư cơ khí đã lâu năm phán như vậy . Thầy nói sao lại không tin . Tôi xách xe chạy lên tiệm Home Depot , một siêu thị chuyên bán đồ xây dựng sửa chữa nhà cửa , và mua được tám vòi nhựa , trên có nắp vặn kín .

Tôi xoay thử hộp kiểm soát mạch điện đặt ở ga ra . Sân trước , sân bên hông phải , sân sau vòi xịt lên nước vương vải xoè đều , riêng thằng bên trái tự nhiên vọt lên , nhưng dòng nước yếu xìu . Tôi đếm được tám anh . Để yên đó , tôi cẩn thận đào ven ven từng anh lên , và thay bằng vòi bịt chặt lại .

Bà nhà tôi hỏi han tôi :
- Ông đã sửa chỗ bị rò chưa ?

Tôi hí hửng :
- Rồi , bà cứ yên chí . Thợ rành nghề , ba mươi năm kinh nghiệm mà bà .
- Sao mà ông sửa nhanh thế . Tui tính kêu thợ ống nước tới sửa . Nhưng mà thôi , rửa tay nhanh lên vào ăn cơm .

Qua hôm sau , ông Mỹ láng giềng chỉ cho tôi xem . Nước lênh láng , xâm xấp ướt sũng khu vực đó . Chỗ đó rộng cả mấy thước vuông , chả biết chỗ nào mà mò . Tôi đành ra khoá lại đường nước chính . Chờ khi nào nước rút bớt , đất khô đi . Lúc đó mình mở trở lại ra xem xét . À ! Thì ra còn một anh nữa . Thế là tôi bịt kín anh ta lại . Xong ! Ra mở hệ thống tưới cỏ .

Bà nhà tôi la toáng lên :
- Ông ra xem kìa . Góc kia nước vọt lên quá trời .

Bình thường nước chảy ra ri rỉ , tôi bịt chúng nó lại thì không sao . Đằng này chẳng hiểu sao chỗ đó hôm nay giở chứng hoạt động , cái van (solenoid) mở ra , sức ép nước lên cả chục ký trên phân vuông . Anh nào yếu sẽ bị tung ra .

Ngán ngẩm tôi đành tháo ráp bằng những vòi pop up cũ , và khóa chặt đường nước tưới cỏ . Hạ hồi phân giải . Không có nước vào thì không có nước ra . Y như sách Cửu Âm Chân Kinh biểu : " Đạo trời có dư thì có thiếu , có cao thì có thấp , không vào thi không ra . "

Bạn có rảnh xin vào đây để xem và có cần tu bổ sửa sang xin nhớ gọi cho tôi :

ôooooOOOOOooooo

Về quê

Bước ra khỏi chuyến bay khởi hành từ Dallas , chúng tôi hỏi thăm cổng nào tới hãng máy bay Eva .
- Đấy , ông bà cứ đi theo cái hướng N và S đó .

Phi trường Dallas có mấy terminal ABCE , còn phi trường này Seattle Tacoma ngoài những cổng A, B lại thêm terminal N & S . Tôi không hiểu N & S là cái chi và cứ đi theo mũi tên chỉ . Nơi đây chúng tôi đã thấy lố nhố dân đầu đen xếp hàng để check in . Một cô tiếp viên hàng không đang giải thích với một bà người Việt , tay kéo một bé gái đang say sưa ngủ trên xe đẩy :
- Chị bây giờ phải trở về nơi lấy hành lý của hãng American Airlines , lấy hành lý rồi xách qua đây hoặc là chị cầm tờ giấy này biểu họ chuyển sang đây .

Bà hành khách mặt bí xị , không biết phải làm sao . Tay dắt xe đẩy hướng ra cổng . Bà nhà tôi hỏi tôi :
- Sao hồi nẫy ông có nói hành lý mình về tới Sài Gòn không ?
- Có chứ bà .
- Ừ ! Chớ không lại như bà ta thì khốn khổ .

oooOOOooo

Tới Taipei , chúng tôi phải qua trạm kiểm soát hành lý xách tay một lần nữa , và cứ tưởng phải đi một đoạn rất xa để tìm cổng C3 . Nào dè , lần này chỉ đi khoảng hơn vài trăm thước đã tới , Dọc bên hông các cửa hàng đã mở ra rất sớm để chào bán . Cửa hàng Sony bán thiết bị điện tử máy ảnh laptop ... LG bán vài màn hình HDTV . Có một cửa hàng bày bán các con mèo Kitty màu hường rất dễ thương . Chúng tôi ghé vào một cửa hàng ăn uống , đứng ngẫm nghĩ không biết chọn món nào . Lúc đi ông bán vé máy bay nói chắc nịch : " Khi nào đói , anh cứ việc biểu mấy cô tiếp viên đưa mì gói là họ đưa cho anh thôi . " Lúc mà tôi hỏi , cô tiếp viên Eva xinh xắn lắc đầu nói không . Tôi ăn thử tô mì gà , uống một miếng , rồi đẩy cả tô mì sang cho bà nhà tôi :
- Bà ăn thử xem , mì Đài Loan nấu ra sao ? Giống mì gói hả !

Bà nhà tôi và mấy đứa con tôi gật đầu đồng tình .
- Các con biết cách nào ăn mì gói cho thiệt ngon miệng không ?

Mấy đứa con tôi lắc đầu . Tôi gật gù nói tiếp :
- Lúc trên máy bay bố có coi phim Le grand chef của Hàn Quốc , ông đầu bếp vĩ đại được giải thưỏng Vua Bếp . Ống nấu mì gói cho nhà vua Hàn Quốc Kim Jong Sun gì đó . Ăn xong nhà vua cảm động quá mức , khóc nức nở , và nói qua làn nước mắt : " Nhà ngươi nấu mì làm ta nhớ đến mẹ ta quá , ăn y hệt mì gói bán ngoài chợ . " Nguyên tắc chính để ăn mì gói thiệt ngon là để bụng thiệt đói .

Tô mì gà tính ra là 7 đô la . Trên máy bay tôi cứ mơ tưởng được tô bún ốc thơm phức mùi tía tô xanh , nào dè vẫn chưa được . Mới đầu nhìn các cô tiếp viên hàng không , tôi tưởng dân Đài Loan xinh đẹp vô cùng , chân cẳng dài , dáng người thon thon . Bây giờ thấy mấy bà bán ở các cửa hàng này , thì họ cũng giống như người Việt mình thôi .

Chúng tôi quày quả hành lý xách tay thủng thẳng đi về hướng hải quan để khai báo . Thoáng qua các cửa sổ , phi trường Tân Sơn Nhất đã được xây cất lại . Một màu xanh nhạt với kiến trúc hài hòa . Dọc hành lang bày biện vài chậu hoa phong lan . Cái gì nhìn cũng mới . Chúng tôi qua làm thủ tục nhập khẩu nhập cảnh cũng dễ dàng , không cần phải có thủ tục đầu tiên . Tới khu nhận hành lý , tôi vội vã đi tìm các hành lý . Chúng tôi năm người mười cái va li . Bà nhà tôi đã cẩn thận cột dây vải đủ màu hoa , cùng màu với mấy cái quần đùi đã may cẩn thân túi trong túi ngoài :
- Ông cứ nhét tiền vào mấy cái túi này , không sợ mất .

Chúng tôi là những người ra sau cùng . Tìm mãi mới thấy được vài ba cái . Va li nặng đến 50 cân . Cái ở bên này cái ở bên đầu kia vòng xoay của khu Baggage Claim . Đồ đạc của mình chí được vài cái , còn lại của bà con hàng xóm gửi . Nhỡ thất lạc không biết ăn nói với người ta làm sao , trong đó chỉ toàn bánh kẹo , xà bông kem đánh răng . Lần sau có đi thì lẵng lặng như tờ , chứ không đi du lịch cứ phải lo ngay ngáy mấy cái hành lý này , nhiều khi bực cả người . May thay có hai ba anh hải quan kiểm hàng xăng xái :
- Anh cứ để cho em kiếm xe đẩy cho .

Hành lý qua máy quang tuyến để kiểm tra . Bà nhà tôi móc cho 20 đô tiền hoa hồng . Ngoài kia nắng rọi chan chan , bà con ơi ới vẫy tay . Thấy ai vẫy gọi , tưởng người nhà ra đón nhưng không phải . Tới góc kìa mới nhận ra người thân . Lần này tay bắt mặt mừng , chứ không tui tủi nước mắt như lần trước tôi về thăm mẹ mất .

oooooooOOOOOooooo

Trên các tuyến đường Hoàng văn Thụ , Phan Đình Phùng từng dòng xe chen chúc , len lỏi nhau , xe hơi ô tô , xe gắn máy hai bánh cứ chen vai sát trên các dãy phố hẹp .
- Eo ơi ! Ghê quá bố !

Chúng tôi ngồi trên xe Toyota 7 chỗ ngồi , nhìn qua cửa kính quan sát các tay lái xe gắn máy lắt léo thật sát vào đầu xe . Cách nhau đôi khi chỉ còn vài phân . Hầu hết là xe gắn máy Honda Future , Dream .
- Sao bây giờ không thấy các loại xe Honda đam , Honda 67 ?

Chú tài xế nhoẻn miệng cười :
- Mấy xe dẹp hết rồi anh ? Cảnh sát mà thấy họ phạt ngay , lấy cả xe đi .


Chỉ hơn 20 phút xe đậu trước đầu chợ , vẫn quen thuộc như ngày nào . Con đường vào chợ nước ươn ướt lấp xấp . Các gánh , sạp bầy bán rau cải trái cây mơn mởn tươi xanh . Xoài tượng , măng cụt , chôm chôm , bơ sáp , bòn bon đủ mọi loại mơn mởn khoe màu trong nắng chiều . Các quán cà phê thơ thẩn vài ông nhâm nhi ly cà phê chiều , miệng phì phà điếu thuốc ba con 5 . Tiếng rao hàng ơi ới mời khách qua đường :
- Anh mua dùm em vài chục "Dật lộn " nha .
- Măng cụt tươi lắm này anh , mua " dzìa" làm quà cho chị Hai nè .

Tôi chỉ cười , bước qua các bà bán quanh chợ . Căn nhà lụp xụp của mẹ tôi không còn nữa , cô em út bây giờ sửa sang lại , cho nó lên ba tầng lầu . Nền được lót bằng loại gạch bóng năm tấc vuông bóng loáng .

Chú em tôi phì phà điếu thuốc trên môi :
- Anh thấy sao ? Saì Gòn có gì thay đổi chăng ?
- Có chứ , lúc đi từ phi trường về đây , qua công viên Hoàng văn Thụ , đường xá thay đổi khá nhiều , cửa hàng thương hiệu mọc lên đầy dẫy . Tui nghĩ không có thành phố nào trên thế giới lại có nhiều đến thế . Nhưng vấn đề xe cộ lại quá nhiều , nhiều chỗ kẹt cứng , rồi tui thấy xe chạy như vậy nguy hiểm quá , dù rằng ai cũng phải đội nón an toàn. Hồi đó tui đọc trên mạng lưới , có một ông phó tiến sĩ nào đó chế tạo ra nón an toàn hộ bằng nửa trái dừa . Vừa rẻ vừa có đầy tính sáng tạo . Sao không thấy ai đội hết vậy ?

Cô em út tôi xách về một bịch trái cây , nào xoài tượng , chôm chôm , măng cụt , na , mận .
- Đấy các cháu ăn đi . Con Thy mê trái này lắm mà . Bên này từ hồi Việt Kiều về , ai cũng đòi trái này nó mới lên giá . Chứ ngày xưa đâu có vậy .

Những cái múi măng cụt trắng nõn , ngọt dìu dịu .
- Các cháu ăn trái này , đừng có nhả hột ra , nuốt luôn vào bụng .

Con bé Linda nhà tôi cầm trái cóc :
- Thế trái này , hột có nuốt được không ?

Lần đầu tiên nhìn và ăn thử một số các loại trái cây , na , măng cụt , chôm chôm , nhãn , bòn bon . Có trái ăn được hột có quả phải nhè ra .
- Ừ ! Tui cũng quên mua cho cô út loại cherry Mỹ , loại này màu hồng huyết dụ , ăn ngọt đậm đà hơn . Bên đó còn có trái Tuna , nó giông giống như trái nhào , bên trong lại nhiều hột như ổi , ăn thì cứ nuốt chửng .

Mới hơn sáu giờ chiều , trời dần tối . Vài cơn mưa đổ ập xuống , mang lại những cơn gió mát trong không gian mịt mờ.