Saturday, August 11, 2012


Khoác áo y sinh

Hôm nay thứ Bảy 21/7/2012 tôi thức dậy sớm như mọi ngày , dù rằng đêm qua luyện phim bộ Nam Hàn Bác sĩ Bong Dae Hee đến gần 1 giờ đêm . Giờ này 5 giờ sáng bà nhà tôi cùng hai cô gái út còn đang trong giấc mộng . Theo chương trình ngày hôm nay chúng tôi phải đi tham dự một buổi White Coat Ceremony của cô con gái thứ tôi . Tôi không biết gọi là gì theo tiếng Việt Nam mình .

Cứ như theo lời ông anh họ tôi , ngày này là ngày các sinh viên đàn anh đàn chị khoác áo trắng cho các sinh viên y khoa năm thứ nhất . Lời ông anh họ tôi nói là tôi phải tin , bởi vì ông ta là ba của năm vị bác sĩ y khoa , dù rằng ông ta và tôi ngày xưa học hành cũng chẳng giỏi giang gì . Ông ta đi buôn heo buôn bò , còn tôi theo ông ta đi vác bò vác heo . Qua bên này ông ta đi làm trong sở Mỹ , người Mỹ vẫn thường nói đùa gọi ông ta là Father of Doctors , dù rằng hiện nay đang thất nghiệp lãnh tiền trợ cấp an sinh xã hội .

Có tiếng reng reng của chiếc điện thoại di động , bà nhà tôi nhắc lên và bên kia có tiếng léo nhéo của cậu con trai lớn nhà tôi :
- Ba má tới chưa ? Chưa à ! Người ta đã vào hội trường auditorium đầy cả người .

Thế là bà nhà tôi quay sang tôi gắt lên :

- Ông nhanh lên , làm gì mà chậm vậy , ông biểu hai đứa út rửa mặt đánh răng nhanh lên chứ .

Tôi ngó sang bà nhà tôi , áo chưa mặc quần chưa cài nút trong khi tôi đã lên bộ quần áo mới rồi . Sáng nay 7 giờ tôi vô trong khoang quần áo lôi ra một cái áo polo mới toanh , áo này do bà nhà tôi mua on sale ở tiệm Dillard tặng tôi đã năm năm . Mỗi lần tôi đi ngang qua mấy dãy treo quần áo mới ở các tiệm Dillard , Macy là bà nhà tôi gắt lên :
- Áo quần ông cả trăm cái , có cái còn mới nguyên chưa mặc lần nào .

Ở các tiệm đó vào tháng Hai và tháng Tám hay on sale 70 % và có khi ra tính tiền bớt thêm 30 hay 40 % nữa , thành ra một cái áo sơ mi năm hay sáu chục đô tính ra chỉ còn mười đô , hoặc áo polo có hiệu chừng mười mấy đô . Không phải tôi là người có tính hà tiện keo kiệt gì , có đôi guốc mới cứ kè kè mang bên hông . Chỉ vì suốt ngày suốt tháng đi làm hãng Mỹ áo thun quần jean . Ngày đầu tiên đi làm , ông xếp Mỹ gọi tôi vô văn phòng : " You đi làm việc ở đây , công việc assembly mà , đừng có mặc " Dress shirt và đeo " Tie " nữa . " Mỗi tuần đi lễ chỉ mặc một lần rồi lại treo chúng nó lên , nên hầu như còn mới lắm .

Lúc đó mới 7 giờ mà thấy tôi ăn mặc đã sẵn sàng , bà nhà tôi liếc xéo tôi :
- Làm gì mà sửa soạn sớm thế , 9 giờ rưỡi mới bắt đầu mà . Mình 9 giờ khởi hành cũng là vừa .

Từ căn nhà mới tôi ở khu Mỹ đen đường Cook và xa lộ I 30 tới hội trường Will Roger tôi đoán chừng là độ 20 phút là tới . Ngồi bên cạnh bà nhà tôi liếc hình đồng hồ vận tốc rồi cằn nhằn :
- Ðường cho chạy 60 " mai " mà ông ... chỉ chạy có 50 thôi à !

Tôi thì già rồi , mắt mũi kém cõi nên cứ theo qui định đường cho chạy bao nhiêu thì cứ thế mà chạy , vả lại dạo này thành phố thiếu ngân quĩ nên mấy thầy cảnh sát công lộ hay ra ngoài đường rình bắt mấy anh chị chạy xe quá tốc độ .

- Bà có thấy cái bảng chỉ đường kia không , nó đề là 50 , đường đang sửa sang , chạy quá sẽ phạt gấp đôi .

Nếu chạy quá 20 dặm tiền phạt khoảng 200 Mỹ kim , gấp đôi là 400 .

Tôi nói vói ra đằng sau :
- Kim à ! Gọi cho anh hai con , hỏi nó đi đường vô .

Con Kim nhà tôi bấm điện thoại rồi gọi cho anh nó :
- À ! Nó biểu bố vô exit đường Montergory , quẹo phải rồi đi thẳng gặp đường Lancaster rồi quẹo trái . Xong parking ở sân khu nhà thương .


Tôi ở thành phố Fort Worth đây gần ba chục năm nên đường xá cũng khá rành . Hội trường Will Roger đáng lý ra gặp đường Lancaster thì quẹo phải mới đúng . Ðằng này nó biểu quẹo trái . Nhưng bà nhà tôi ngồi bên cạnh tôi chỉ đường thì làm sao tôi dám cãi . Chạy xe gần tới nơi tôi liếc sang bên trái đường Lancaster là một bệnh viện UNT to tướng , nhưng bên phải tôi một đoàn xe theo đuôi chạy chầm chậm quẹo mặt để vào sân hội trường .

Tôi quay sang nói với bà nhà tôi :
- Theo bà thì sao , quẹo trái để đậu xe bên sân trường y khoa UNT thì free đấy , nhưng chúng ta phải đi một khoảng ... còn như quẹo phải thì như theo cái bảng giá treo đầu đường là năm đô la , bà tính sao ?

Dạo này bà nhà tôi nằm hay mỏi lưng nên trả lời ngay :
- Thôi đi vô trả năm đô đi ông , trời hôm nay mới hơn chín giờ mà hơn 90 độ F , biểu tui đi bộ chết tui quá .

Thì ra cậu con trai tiếc năm Mỹ kim lệ phí nên đậu xe cách đây hơn 500 thước . Vợ chồng nó còn trẻ còn dung dăng dung dẻ được , cuốc bộ vài cây số coi như là đi tập thể dục thể thao thôi .

Chúng tôi thong dong vào cửa hội trường , đã có sẵn mấy cô cậu sinh viên trao cho chúng tôi một tập giấy mỏng là Chương trình ngày White Coat Ceremony . Những hàng ghế bên dưới đã đầy nghẹt người , chúng tôi lên cầu thang tìm chỗ ngồi ở tầng trên hội trường . Vợ chồng cậu con trai tôi cùng thằng bé cháu nội tôi đã ngồi vào một góc nào đó . Thằng bé Gavin đang tu chai sữa trông thấy bà nhà tôi vội chìa chai sữa ra . Bà nhà tôi cười hớn hở :
- Gavin cháu tui đây , cho bà ẵm nào .

Lúc đặt tên cho con trai của nó , hai vợ chồng nó chẳng hề hỏi han ý kiến chúng tôi , nó nói :
- Tụi con đặt tên nó là Gavin . Mình gọi nó là Vinh theo tiếng Việt mình đó bố .

Tôi gật đầu . Cháu nội là Vinh , ba nó là Uy . Uy Vinh nghe cũng được lắm .
- Thế còn tên lót , có theo chữ Ðình của bố không ?

Nó lắc đầu :
- Không bố , con đặt tên lót nó là Phong , nghe được không bố ?

Tôi lại gật đầu :
- Ừ ! Uy - Phong nghe cũng được lắm .

Bà nhà tôi nghe xong cũng mỉm cười tỏ vẻ nhứt trí như ngôn từ của các bác đỉnh cao trí tuệ . Ðến khi nó trao cho chúng tôi một tấm ảnh chụp hình cháu nội tôi , bé sơ sinh cùng hàng chữ chua là : GAVIN PHONG TRAN . Trời đất ơi , may là cháu nội tôi là con trai dù có phong trần đường đời gió bụi chắc cũng không sao . Và còn hơn nữa , nó không đặt tên cháu là Trung Trực , kẻo trong khai sinh cháu , lại đọc là Trần Trùng Trục .

Tôi liếc nhìn xung quanh . Bên dưới bên trên đầy ắp những người là người . Ða phần là dân da trắng , loáng thoáng chừng chục người dân da vàng mà tôi đoán người Á châu , không dám phỏng chắc là người Việt Nam . Một hai gia đình người Mỹ đen , dăm ba gia đình người Ấn độ . Bên trên sân khấu tôi trông thấy 19 vị ngồi ngay ngắn trong áo choàng trắng y khoa , có lẽ đó là các giáo sư bác sĩ giám đốc hay trưởng khoa các ban ngành . Bên trái treo một băng rôn đề hàng chữ UNT HEALTH SCIENCE CENTER , phía dưới lại thêm hàng chữ Texas College of Osteopathic Medicine . Tôi tạm dịch là Trung Tâm Khoa Học Sức Khỏe UNT ( UNT là chữ viết tắt của University of North Texas ) và Phân Khoa Osteopathic .

Những hàng ghế đầu dưới hội trường là các sinh viên y khoa , tôi lẩm nhẩm đếm thử , có cả đến vài trăm người . Hôm nọ cô con gái thứ tôi bảo mỗi năm trường chỉ nhận khoảng 200 sinh viên mà thôi . Ðến lúc ăn trưa tôi hỏi nó và được biết trong số đó có ba loại sinh viên , nhóm đầu tiên lên mặc áo choàng trắng là P.A . (P.Ạ là chữ viết tắt của Physician Assistant , Phụ Tá Bác Sĩ ) , nhóm thứ hai là P.T. ( PT là chữ viết tắt của Physician Therapy ) . Nhóm thứ bà là nhóm của cô con gái tôi D.O .

Viết tới đây tôi nhớ lại trong một phim của Mr. Bean , ông ta đóng vai một y sĩ P.T. Ông ta ra ngoài đóng cái bảng hiệu ngoài cửa văn phòng : "MR. BEAN ,Therapist " Tôi tra trong mạng lưới vdict dot com , chữ Therapy dịch là ngành chữa bệnh . Nhưng đó ngành y học về phép chỉnh hình nắn xương cho bệnh nhân . Cái bảng này do đóng đinh khéo quá , có ngày nó rơi xuống , gãy làm đôi . Khi Mr. Bean ghép lại để treo lên vô tình không chú ý để chữ Therapist thành ra The rapist . Chữ sau này có nghĩa xấu là kẻ cưỡng dâm hay nói một cách khác là Thằng Dâm Tặc .

Sau vài vị giáo sư y khoa lên bục giảng nói hùng hồn bài diễn văn dài dằng dặc mà tôi nghe chữ được chữ không . Thỉnh thoảng thính giả cười ồ lên , ngay cả đến các con tôi cũng vậy , chỉ có tôi và thằng cháu nội cũng cười cũng vỗ tay dù rằng hai ông cháu chẳng hiểu là bao nhiêu . Tiếp theo là phần giới thiệu các tân sinh viên . Theo từng hàng họ bước lên sân khấu . Mỗi sinh viên trao một tấm thiếp đề tên họ và trường đại học mà họ đã tốt nghiệp . Có người từ tiểu bang Oklahoma , có kẻ từ California , nhưng hầu hết là từ tiểu bang Texas nơi gia đình tôi định cư .


Cô con gái tôi năm ngoái tốt nghiệp ngành sinh học tại thành phố Arlington Texas với hạng ưu 3.95 . Nhưng với điểm thi MCAT lần đầu 27 và hai lần sau chỉ đưọc 24 nên dù có nộp đơn vào các trường MD trong Texas vẫn không thấy họ gọi . Duy nhất có trường y khoa ở thành phố Lubbock phỏng vấn nhưng cháu không có kinh nghiệm về y khoa hay làm việc thiện nguyện nào đó nên không được nhận . Vợ chồng tôi biết cháu buồn lắm , học ròng rã bốn năm bao đèn sách mà ước mơ tưởng chừng tan trong mây khói . Một hôm bà nhà tôi lật trang báo Bút Việt , trong đó có văn phòng một bác sĩ cần một thư ký receptionist , rành tiếng Anh tiếng Việt . Bốn người được phỏng vấn và con gái tôi được chọn . Lương bổng tôi không dám nói ra ở đây vì nó rất khiêm tốn . Trường MD không nhận thì tôi bảo nó nộp đơn vào các trường DO ở Mỹ . Tôi biết có một cậu chơi bóng chuyền với chúng tôi đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở nước Costa Rica , vì trong nước Mỹ không có trường nào nhận . Miễn là có chí thì làm quan , có gan thì làm giàu . Nhưng học ngành y khoa phải có óc thông minh và trí nhớ . Hai năm đầu tiên các sinh viên phải bù đầu bù óc để học . Một năm học toàn thời là khoảng 35 tín chỉ . Như ngày xưa tôi học ở TCC có 8 tín chỉ mà rớt lên rớt xuống ( TCC là trường cao đẳng cộng đồng hạt Tarrant ). Vậy mà nhờ Chúa thương , tháng Ba nằm 2012 có hai trường DO nhận , một ở thành phố Pittsburg , một ở Virginia . Tôi phải đóng 1500 Mỹ kim đặt cọc để giữ chỗ . Học phí một năm là 30000 Mỹ kim , cộng tiền ăn tiền ở khoảng hơn 20 chục ngàn . Mỗi năm nó phải mượn nợ 50 ngàn Mỹ kim . Cái điều tôi lo lắng nhất trên thành phố Pittsburg quan cảnh rất đẹp , nhưng đến mùa đông trời hay mưa và tuyết . Ðường xá đầy núi đèo lên đồi xuống dốc . Thân gái dặm trường thiên lý xa xôi . Chúng tôi hàng đêm vẫn cầu nguyện cho cháu được trường DO thuộc thành phố Fort Worth này nhận vào , vì cháu được giấy báo là nằm trong Waiting List ( nghĩa là trong danh sách chờ đợi , hễ có anh chị nào bỏ , không học thì hi vọng sẽ được nhận chính thức ) . Nếu được niên phí chỉ có khoảng 10 ngàn đô . Ăn ở thì không phải tốn đồng nào . Nếu tốt nghiệp bốn năm cháu chỉ mượn nợ khoảng 40 chục ngàn Mỹ kim . Cuối tháng Sáu cháu được giấy báo được nhận chính thức .

Trong đoàn sinh viên từ từ tiến lên sân khấu tôi nhận thấy có vài ba cô sinh viên người Trung Ðông vì nhận ra họ ngay là vì cách ăn mặc đặc trưng của họ , chùm khăn lên đầu . May thay họ chỉ chùm đầu chứ không che mặt hay mang khăn burka che cả mặt mặt mũi , chỉ hở đôi mắt mà thôi . Từng người trao cho vị giáo sư bác sĩ áo choàng của họ , để rồi được vị này khoác lên người . Ðó là lễ nghi tiền lệ của trường đại học y khoa UNT , White Coat Ceremony .

Tôi nhớ lại ngày xưa tôi vô Binh Chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa , khoác áo chiến binh thủy thủ màu xanh dương . Khi tốt nghiệp khoá Sinh Ngữ Quân Ðội tôi chờ đi học huấn nghệ tại thành phố San Diego Mỹ . Ðó là một nghế rất hiếm hoi ở Việt Nam , Quản Kho ( Mỹ gọi là Storekeeper ) . Tôi sáng sáng lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân để nhận Sự Vụ Lệnh rồi lặn mất . Một buổi chiểu có anh bạn hạ sĩ quan vào tận khu nhà tôi ở để tìm tôi . Ðến khi kiếm được tôi trong một ngõ có bày cuộc cờ tướng , anh ta bảo tôi và trao cho cái Sự Vụ Lệnh là 5 giờ sáng phải có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất và trao cho tôi một bộ quân phục đại lễ Hải Quân màu đen tuyền . Trong thời chiến trước năm 1975 , binh chủng Hải Quân VNCH có nhiều loại quân phục tuỳ theo quân hàm cấp bậc . Các cấp sĩ quan hạ sĩ quan bộ tiểu lễ chỉ là áo sơ mi trắng , quần trắng nón trắng . Riêng bộ đại lễ thì khác nhau nhiều lắm . Binh lính chúng tôi đại lễ là chiếc áo trắng có cái cổ to vuông rộng bay phất phới đằng sau . Riêng tôi được cấp phát cho chiếc áo đại lễ len màu đen tuyền , có lẽ nghĩ rằng bên Mỹ trời rất lạnh nên phòng ngừa trước thì hơn . Ðến khi tôi qua bên thành phố San Diego tháng 7 trời mát mẻ nắng hanh vàng . Ngày đầu tiên đi học tất cả mọi học viên phải ra ngoài sân để vận dụng thân thể . Trong quảng trường rộng mênh mông cả ngàn lính hải quân đều trong quân phục tiểu lễ màu trắng tinh , chỉ có mình tôi là trong quân phục đại lễ màu đen tuyền .

Khoác áo y sinh

Từ trên ban công cao phía trên và sau hội trường tôi cố gắng chụp vài tấm ảnh nhưng ở nơi đây không thể nào chụp hình cận ảnh . Ðèn đuốc không thật sáng . Tôi khó lòng chụp được tấm ảnh nào cho rõ nét .

Mãi đến hơn một giờ lễ khoác áo cho các sinh viên y khoa mới xong . Sau đó là tan hàng , các sinh viên lần lượt bước ra ngoài sân để gặp mặt với thân nhân và người quen . Ngoài sân trời thật nắng và cái nóng của miền bắc Texas đã lên đến con số 100 độ F .

Sau khi chụp vài tấm hình kỷ niệm với cô con gái , tôi hỏi đám con tôi :

- Hôm nay đi ăn mừng đâu đây ? Hay là mình tới tiệm buffet A1 gần nhà .

Mấy đứa con tôi nghe đến chữ A1 , chúng nó lắc đầu nguầy nguậy .

A1 là một tiệm ăn bán buffet , all you can eat , muốn ăn gì thì ăn . Từ cơm chiên , gà nường , bò xào , tôm luộc , ếch chiên bơ , tôm crawlfish đỏ au , nghêu Bắc kinh xào tàu xì .

Con bé Linda nhà tôi nhanh nhẩu :

- Chị Thy đã đặt chỗ ở nhà hàng Mỹ rồi bố . Tiệm Joe Garcia đó bố .

Nghe đến chữ tiệm Mễ , hai vợ chồng tôi cảm thấy một nỗi niềm ngán ngẩm dâng đến tận cổ . Chíp tortilla chấm với tương ớt salsa , món ăn này trong nhà lúc nào mà chẳng có . Cơm chiên Mễ ướp hương vị củ nghệ cumin nhạt nhẽo . Ðặc biệt lúc nào cũng có món đậu trắng xào sền sệt .

Năm ngoái khi cháu tốt nghiệp đại học UTA , Texas chúng tôi đã tới một nhà hàng Nhật ăn sushi . Ngồi hơn một giờ mới được dọn lên ăn . Vừa tốn tiền mà lại không no .

Tiệm ăn Joe Garcia nằm trong khu Tây Bắc thành phố Fort Worth . Khu này tập trung dân Mễ . Hàng quán , siêu thị . Trên các xe hơi do các ông bà Mễ lái thì đầy tiếng nhạc ầm ĩ điệu nhạc samba hay paso double .

Nhìn từ bên ngoài tiệm này bình dân , không có vẻ sang trọng . Nhưng khi bước vào bên trong , các bàn ăn dãy ghế được xếp quanh những cây cao bóng rợp , chen chúc với những bụi cây cảnh . Nơi đây khá thích hợp cho những đôi nam nữ hẹn hò . Chúng tôi bước vào trong nhà hàng và tìm một vào một bàn có máy điều hòa không khí . Chúng tôi chín người , nhưng khi kêu thức ăn chỉ có gọi có năm đĩa thôi . Phần ăn là Chicken Fajita hay Beef Fajitas . Món này là Bánh tráng bắp cuốn với thịt bò hay thịt gà nướng với hành tây .Ngoài ra bên cạnh còn dọn thêm bơ và ớt salsa cay sè .

Tôi hỏi cô con gái tôi :

- Bố ở xa quá nhìn không rõ lắm . Hình như các sinh viên y khoa bố thấy hình như phái nữ nhiều hơn phái nam phải không ?

Cháu gật đầu . Tôi hỏi tiếp :

- Bố tưởng con gái bố nhỏ nhon nhất trường , nhưng hình như có vài cô gái Việt còn nhỏ con hơn phải không ?

Nó lại gật đầu vì bận gắp thức ăn cho người bồ người Tàu của nó .

- Vậy mai mốt con đi học ở trường y về rồi về nhà ăn cơm chung với bố mẹ .

Nó lắc đầu :

- Không , con tự nấu ăn chung với anh Văn đây .

Lòng tôi dâng lên nỗi buồn man mác khác . Con gái tôi lấy lý do lúc trước đi làm ở văn phòng bác sĩ , nó nại lý do đi làm quá xa , tốn xăng tốn nhớt nên dọn ra ở chung với anh bồ người Tàu .

Nó nói tiếp :

- Tụi chúng con ăn uống dễ lắm, bố . Mai mốt con cứ nấu nguyên nồi canh khoai tây cà ri ăn suốt tuần .

Giá như chúng tôi còn ở Việt Nam chắc hẵn tôi đã la làng , dợt cho nó một trận . Nhưng ở bên Mỹ chúng tôi chỉ biết nhe răng cười trừ . Con cái trên 18 tuổi bố mẹ không có quyền can thiệp vào chuyện đời tư của chúng nó . Tôi có một người bạn thân . Ông ta có cô con gái lớn , tuổi chừng 25 hay 26 gì đó tốt nghiệp thạc sĩ về kinh tế . Cô ta chưa có bồ bịch , nhưng còn còn ở chung với bố mẹ . Có những ngày nó đi chơi khuya về , mở cưa ra thấy bạn tôi còn ngồi chờ cửa . Nó nói với giọng không vui :

- Con lớn rồi ba , ba đừng có làm như vậy nữa .

Sau này cháu tìm được một việc làm ở nơi xa và nó dọn tuốt lên Chicago ở luôn .

Sông có khúc , người có lúc . Nhưng sông ở bên Mỹ lòng vòng quanh co , con người cũng vì thế mà thay đổi theo khung cảnh và thời gian . Ðối với bố mẹ thì con cái vẫn mãi mãi là trẻ thơ dù chúng nó trở thành cái gì chăng nữa .

Cậu con trai tôi ẵm thằng Phong Trần lên :

- Sao Gavin lớn lên mặc áo nào ? Muốn khoác áo choàng trắng như cô Thy không ?

Tôi bật cười :

- Lúc đó thì chưa biết , nhưng bây giờ còn đang mặc tả lót , phải không Gavin .

13/8/2012