Friday, August 21, 2009

Sài Gòn những ngày nắng hạ

Sài Gòn những ngày nắng hạ

Từ Hà Nội về tới Sài Gòn , tôi vừa bước chân vào nhà cô em tôi , gặp cháu Vinh con út của cô em , nó nhanh nhẩu mách :
- Bác An biết không ? Bác Huê mới gây lộn với má cháu .

Tôi có khoảng tám đứa em . Hai đứa kế tôi đã đi bán muối . Còn lại là những đứa nhỏ bé tuổi từ 40 đến 50 . Cô Huê , thứ năm tuy nhỏ người nhưng cả chợ đều sợ , không phải vì cô ta giỏi võ gì nhưng sợ bị ăn vạ , cô ta hay chửi đông đổng ra rả ngoài chợ . Mỗi lần cô em tôi la lối ngoài chợ , mấy cái loa giăng mắc đầu cột điện phải nhường nhịn vài phần . Ban quản lý chợ bực bội lắm mà không biết phải làm sao .

Hai chị em sống nhờ vào sạp phở do bà già tôi để lại ngoài chợ . Lúc trước bán phở gà , nhưng từ khi có dịch cúm gia cầm bao nhiêu gà vịt thiêu sạch nên gà vịt hiếm hoi mắc mỏ nên đổi qua phở bò . Từ việc trên cao bay xuống đất , gà trở nên bò thì có vẻ dễ dàng hơn là trâu bò muốn thành chim phượng .

Một hôm nọ tôi hỏi cô em út út tôi :
- Sao cô không bán phở gà lại , chớ bây giờ trong chợ có vài quán bán phở bò , làm sao cạnh tranh lại họ ? Nhất là cái bà bán bún bò sát cái sạp bên cô bán một tô bảy ngàn , còn cô tô phở mười ba ngàn .

Cô em út tôi thở dài :
- Có lần em mua gà về bán lại , đang bán ngon lành , bỗng dưng nghe tiếng loa oang oang đầu chợ : " Bà con coi chừng dịch cúm gà cúm dzịt , hiện nay các tỉnh phía Nam đang lây lan ... " . Hỏi anh , khách nào mà dám ngồi xuống ăn phở gà của em nữa .

Vâng cái gì chứ cái ống loa to tổ chảng của ban quản lý chợ nó lớn miệng lắm , ang ảng suốt ngày . Không có cái mồm nhân dân nào bằng nó .

Thế mà không hiểu làm sao cô thứ năm nhà tôi lại gây lộn với cô út nhà tôi .
- Anh coi , buôn bán bây giờ ế ẩm , chỉ hơi tí gắt gỏng với khách . Người ta xin ít rau rau thơm , chỉ đưa toàn là gọng cho khách . Hờn nguýt người này gắt người kia mất cả khách làm sao em bán nổi .

- Cô trả công cho cô Huê bao nhiêu một ngày ?
- Bảy chục ngàn , còn bao cà phê ăn sáng ăn trưa , chưa kể chỉ hay ăn lặt vặt ngoài chợ .

Tôi tính ra một tháng 30 ngày , bảy lần ba hai mươi mốt , vị chi là hai triệu mốt . So với lương công nhân may dệt chỉ vào khoảng một triệu rưỡi đến một triệu tám . Nếu như tiện tặn thì với số tiền công như vậy gia đình cô Huê em tôi bốn người cũng đủ sống . Chồng cô ta là một người gốc Hoa , sinh sống hằng ngày bằng cách chạy xe ôm và chở hàng mướn cho các bà buôn bán ngoài chợ .

Tôi cất tiếng gọi đứa bé út nhà cô Thu .

- Vinh à ! Gọi cô Huê giùm bác .

Nó le te chạy một lát . Một lúc sau đã thấy dáng cô Huê từ ngoài chợ bước vào nhà . Nước mắt cô em tôi ràn rụa . Vừa trông thấy mặt tôi , cô ta ấm ức tức tưởi :
- Anh xem con Thu nó nghỉ bán luôn . Em lấy gì mà sinh sống ?

Tôi chép miệng , an ủi :
- Bây giờ không có việc làm , cô ra xin cái cơ quan nhà nước nào đó như là Cơ quan an sinh xã hội trợ giúp khẩn cấp cho .

Tiếng cô ta càng nức nở càng nghẹn ngào hơn . Tôi biết nói vậy là hơi quá đáng. Tôi biết cái xã hội hiện nay làm gì có chương trình phụ cấp xã hội cho người nghèo , tàn tật , thất nghiệp như các nước Bắc Mỹ hay Âu châu . Như gia đình bà chị vợ tôi qua định cư ở Phần Lan , ngoài vấn đề chính phủ trợ cấp tiền mướn một căn chung cư hai phòng (1) , tiền điện , tiền nước tháng cả ngàn đồng Euro , gia đình chỉ còn được hưởng phụ cấp thực phẩm và chương trình y tế miễn phí .

Làm theo sức hưởng theo nhu cầu . Mai mốt ta xây dựng một nước Việt Nam giàu gấp mười lần bây giờ v.v...

Những lời giảng huấn trong những buổi học tập chính trị bồi dưỡng từ sau những năm 1975 vẫn còn canh cánh bên lòng . Nếu mà nói công bằng , mấy nước ở Bắc Âu mới thật là các nước theo xã hội chủ nghĩa .

Bây giờ nhìn xung quanh dân đen ở Việt Nam cơm bữa no bữa đói sống lây lắt qua ngày . Trông chờ vào các cơ quan công quyền giúp đỡ . Tôi nghĩ chắc phải đến vài ngàn năm nữa . Theo các báo cáo Xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm
mới tiến một bước . Từ Sài Gòn ra Hà Nội một ngàn bảy trăm cây số . Cứ làm bài toán chia ra thì biết . Ông Cắt Mắt (Karl Max ) sống dậy cũng tủi hổ mà chun xuống đất mất : " Tao biết vậy chẳng thèm viết cuốn Tư Bản Luận làm chi cho mất thì giờ . Đi nhậu sướng hơn . "

Tôi hỏi khéo cô Huê em tôi :
- Chồng cô làm gì vậy cô ?
- Dạ ảnh chạy xem ôm .
- Khá không ?
- Hông biết .
- Sao vậy ?
- Có nhiêu tiền thằng chả nướng hết vào số đề với sổ xố .
- Nó có đưa cô đồng nào không ?
- Hông , không có đồng bạc nào hết .
- Thế thì hôm nay nghỉ bán , cô có ăn gì chưa ?


Cô Huệ lắc đầu .
- Thôi cô cầm lấy hai trăm ngàn về mua gạo nấu cơm .

Cô em tôi hớn hở cầm ngay tiền ngoây ngoẩy bước đi ngay .

Một chốc sau hai vợ chồng cô út tôi trở về nhà . Chồng cô út , Tôn bực dọc nói ngay :
- Em đã nói con vợ em rồi . Mặc kệ chỉ . Chứ buôn bán kiểu này chỉ có nước dẹp tiệm sớm .
- Sao không giao cho cô Huê cái quán phở đó để cô ta sinh sống ?
- Thôi đi anh . Giỏi lắm được vài ngày , khách chạy đi hết . Có lần nhà em trao cho cái sập phở đó cho chỉ để tập bán mà sinh sống . Được hơn một tuần , chỉ gây lộn với khách chợ . Khách xin thêm tí nước lèo , chỉ dùng dằng : " Không có thêm thắt gì hết ." Khách xin thêm ít bánh phở . Chỉ la lên : " Bánh dạo này mắc lắm . " .

Chuyện xin xỏ thêm tại các hàng quán tại các chợ VN không phải hiếm hoi gì . Nhưng giá sinh hoạt mắc mỏ , thứ gì cũng lên giá . Hành lá , ngò gai , húng quế trước năm ngàn một bó . Giờ đây lên tới mười ngàn . Chẳng những vậy , ớt chanh bánh phở thứ nào cũng leo thang , nhất là thịt bò trở nên hiếm hoi , 240 ngàn một ký . Giá thịt bò còn đắt hơn cả bên Mỹ . Ở Việt Nam trong các chợ bán thịt bò , mười con đến chín là thịt trâu . Buôn bán quen biết lắm mới có thể phân biệt thịt nào là trâu thịt nào là thịt bò . Mỡ thịt trâu trắng hơn , nên các bà hàng thịt thường dùng nghệ bôi vào để khách tưởng lầm đó là thịt bò . Cô em út tôi trái ngược lại với cô chị , buôn bán giao dịch với khách niềm nở lắm , khách xin thêm ít nước lèo . Dạ , có ngay . Tí giá , thêm hành trần . Được , có liền .

Chú thích :
1. Chung cư 2 phòng : Ở Bắc Mỹ nhà 2 phòng , có nghĩa là nhà có 2 phòng ngủ. Phòng khách , nhà bếp phòng ăn không tính vào. Nhà 3 phòng là nhà có 3 phòng ngủ cộng với 1 phòng khách , 1 nhà bếp , 1 ga ra.

HH 2/8/09


Sài Gòn những ngày nắng hạ (tt)

- Giao cái quán phở này tụi em đâu có ngại . Nhà em có ở nhà chơi , em đi bán bún dù gì dẫu gì gia đình em cũng đủ sống mà .

Tôi không biết người khác làm việc sinh sống có khổ cực không , chứ chú Tôn chồng cô út tôi nhàn hạ lắm . Sáng 6 giờ đi bỏ bún cho các mối ngoài các chợ lòng vòng ngoài Sài Gòn . Tám giờ đã thấy mặt chú trở về nhà , nhâm nhi ly cà phê đá . Khoảng 10 giờ đi thu tiền từ các mối lái . Trưa về nhà nghỉ ngơi . Hai ba giờ chiều có bữa xách cần đi câu , có bữa xách lồng mang chim cho nó đấu hót với nhau .

Lúc đó cô em út dọn cơm tối lên . Như thường lệ chúng tôi hơn chục người ngồi bệt xuống nền gạch . Bên Mỹ chúng tôi ngồi ăn cơm quanh cái bàn gỗ , hoặc là mỗi người mỗi tô một góc sô pha , vừa ăn vừa nhìn ti vi .

Con Linda nhà tôi thắc mắc :

- Má à ! Con thấy hình như nhà Việt Nam ai cũng ngồi dưới đất xơi cơm .

Câu nói của con gái út làm tôi sực nhớ lại . Gia đình mẹ tôi , bác chú dì tôi , mỗi lần dọn cơm đều quanh quẩn bên chiếc mâm thau . Bên nhà ông già vợ tôi không ngồi dưới đất , mà chễm chệ trên cái đi văng , và cũng trên cái giường gỗ ván đó ông cụ bố vợ lại nghỉ ngơi trên đó . Mặc dù nhà có kê một cái bàn ăn trên có lót tấm kiếng trong vắt .

Từ khi gia đình tôi ở tạm nhà cô em tôi đến nay , bữa ăn nào cũng có món thịt sườn hay cốt lết heo chiên . Không thì đùi gà ướp mắm tỏi chiên dòn . Đến khi bà nhà tôi bưng đĩa rau brocolli luộc , dưa leo xắt mỏng , các đứa con tôi thi nhau gắp rau và chấm nước mắm .

Cô em út tôi ngạc nhiên :
- Trời ơi ! Tưởng mấy cháu kén ăn như chị , nghĩ mãi không biết làm món gì cho các cháu ăn . Dè đâu tụi nó dễ ăn vậy . Ngày mai cô luộc rau muống , rau dền, cải bắp , cải ngọt nhé .

Các con tôi quay lại nhìn má chúng nó mỉm cười . Tôi lên tiếng phản đối :
- Tụi nó một tuần chỉ ăn một lần thôi . Tôi một tuần ba bốn lần cũng được , nhưng các cháu tụi nó thì không . Cô mà luộc lên chỉ khổ thân tôi .

Cô em tôi cười , thủng thẳng nói :
- Con anh chị dễ ăn thiệt . Thằng Vinh , thằng Bình nhà em chẳng khi nào đụng đến mấy món đó . Chúng thích nhứt là mấy món chiên . Ăn quanh năm suốt tháng cũng được .

Bên chỗ tôi ở bên Mỹ , ngoài các món ăn thuần túy Việt Nam mà má chúng nó nấu cho ăn , thỉnh thoảng ra tiệm Domino Pizza , hay Pizza Hut mua pizza ăn . Sợi mì Ý spaghetti dài loẳng ngoẳng với sốt cà chua đỏ thắm . Đôi khi tôi mang về cơm gà chiên biryani của người Ấn hay Bangalesh . Thỉnh thoảng cả nhà rủ nhau đi ăn sushi Nhật hay sườn bò Đại Hàn . Đúng ra các con tôi thuộc loại dễ ăn , cứ ngon miệng là xơi .

Cạnh góc tường nhà cô em tôi vắt vẻo một mảnh giấy , nhìn kỹ là giấy chứng nhận là Nhà Văn Hóa . Tôi thắc mắc hỏi và được trả lời :

- Tụi em đâu có công lao gì đâu . Cái thằng Bình lớn nhà em vào đoàn Thanh Niên , hay xung phong ra ngoài phường hoăc ra ngoài Bờ Kè (con rach Nhiêu Lộc chảy ngay gần chợ Phú Nhuận) làm dọn rác rến nên được ban khen .

- Vậy con cô Huệ có cháu Hùng đi bộ đội có được ban khen gì không ?

- Được chớ , nhà có con em đi bộ đội , phường còn cho cho một cái bằng khen Nhà Văn Hoá to gấp đôi cái tờ giấy nhà em . Em vẫn hay biểu chỉ nhà chị là nhà " Dzăng Hóa ", sao chị không Dzăng hoá cứ gây gổ với khách hàng chợ vậy ? Lần trước chỉ gây sự um sùm ngoài chợ . Ban quản lý chợ gọi chỉ lên viết tờ tự kiểm . Em phải năn nỉ mãi họ mới tha cho . Nếu không là họ không cho chỉ buôn bán ngoài chợ .

Tôi cũng biết mấy cái bằng khen , nhà văn hoá hay con cháu liệt sĩ cách mạng chỉ là mấy mảnh giấy . Họ nhìn mãi mà không thể dùng nó vào việc chi . Không thể nào cầm nào đi cầm đi bán để đổi ra tiền . Sau 75 cơ quan định chuẩn được nhà nước tiếp thu, và tôi được lưu dung ở lại làm việc với họ . Suốt sáu năm làm việc tôi chưa hề có được bằng ban khen nào , toàn là những tờ tự kiểm hay tự phê bình . Đại loại hứa là sẽ không ngủ trưa trong giờ làm việc , không đi la cà uống cà phê , hay là không được đóng cửa phòng ngồi luyện cờ tướng . Những việc đó kín đáo thế mà cũng có người soi mói ra được .

21.8.09