Sunday, January 24, 2010

Thành phố Cần Thơ

Tôi ngó nhìn cái đồng hồ đeo tay . Hơn bảy giờ rồi , tôi đứng dậy bảo anh chủ quán tính tiền cà phê cho tôi và cho luôn mấy cậu thanh niên ngồi uống cà phê quanh đó .

Thấy vậy Hòa cười tươi nói :
- Mai anh ra uống cà phê nhé để tụi em nghe anh nói chuyện về đời sống bên Mỹ .

Tôi gật đầu mỉm cười và bước về ngõ hẻm trở về trong khu chợ . Ở bên Mỹ coi những cuốn DVD Rainbow hay TT gì đó có chiếu vài cảnh trong nhà hàng hay hàng quán nào đó vài món ăn độc đáo sáng tạo hoặc những tô bún ốc ngào ngạt mùi mỡ hành thơm phức. Tôi ở chợ hơn tháng , sáng sáng không phở của cô em tôi thì ghé sang quán cậu em chồng của cô Thu em tôi , chú Tẻng bán bánh ướt bên kia chợ . Với một dĩa bánh ướt đầy ắp chú ấy tính tiền tôi chỉ có tám ngàn đồng (tính ra tiền đô chưa đến 50 cents) , kế bên có bà bán đậu hũ . Đậu hũ hay còn gọi là đậu phụ được bày trên một tấm vám nhỏ và mỏng . Miếng đậu hũ mỏng nhỏ hơn những miếng đậu ở các tiệm tofu bên Mỹ rất nhiều . Giá một miếng bên đây chừng một đô la , còn bên Việt Nam giá tương đối rẻ hai ngàn đồng một miếng . Đôi khi lại ghé sang một chị bán bánh mì gần quán phở cô em tôi . Lần nào cũng vậy cô ta đều tính tôi 4000 đồng một ổ và cứ thế cô ta cứ nhìn tôi mỉm cười . Về sau tôi mới biết cạnh bà bán đậu hũ bán bánh mì không , giá thường 1500 đồng , loại hai ngàn đặc hơn cầm nặng tay hơn . Từ đó đi ngang quán bánh mì của cô nàng đã bán cho tôi 4000 đồng , tôi nhất quyết không mua nữa . Cô ta chỉ im lặng nhìn tôi có vẻ hờn trách .

Chợ Phú Nhuận ở ngay trong dân cư đa số là người Nam nên chỉ có một cái gánh bán bún riêu trước cổng nhà thờ Phú Quí , nhưng sáng sớm sửa sọan than củi bếp núc . Bún riêu ít ra cũng phải tám giờ mới bán . Mãi sau đi hỏi thăm mấy người quen mới biết bên hông chợ cá , đối diện với hàng bán cua sò nghêu ốc có một hàng bún riêu . Nói là quán cũng không đúng , nó chỉ là một cái bàn thấp nho nhỏ bày biện vài hủ ớt , ống đựng đũa muỗng và kế bên là một nồi nước dùng . Bà chủ là người Bắc dáng người thon thon có khuôn mặt trái soan , trông khá xinh , giọng nói ỏn ẻn dễ thương như cô bồ tôi ngày xưa cất tiếng chào mời :
- Bác xơi gì chưa , ghé vào hàng em làm một tô bún riêu nhé ?


Tôi nhìn xung quanh , kế bên bà chủ quán một nồi nước dùng đang bốc khói ngào ngạt , lơ lửng những cánh riêu cua màu gạch non cộng thêm màu vàng ửng của hạt điều . Tôi chợt hỏi :
- Chị không có ốc ?

Bà chủ quá vẫn nụ cười tươi :
- Sao lại không có hả bác ? Ốc em xào riêng vào một cái tô đây nè . Em thường bán bún riêu , ai muốn thêm ốc thì có ngay đây mà .

Sau khi làm một tô bún riêu ốc bưu , tôi ăn vẫn chưa đã thèm . Nhưng không dám kêu thêm vì cái giống phở hay bún chỉ nên ăn một tô thôi . Tô bún ốc của Hà Thành vẫn đầy tưởng tượng trong trí tôi . Bún ốc phải có bỗng rượu ăn hơi chua chua mới đúng điệu . Đằng này chỉ là bún riêu có vị chua bằng mấy cà chua hay pha thêm nước me vào làm sao cũng không giống .

Lúc trở về nhà , đi ngang qua hàng cô bán nghêu sò . Cô Hằng đưa mắt nhìn và lên tiếng mời :
- Sao lâu quá không thấy anh ghé đến mua sò của em .

Nhìn những giỏ sò nghêu ốc đủ loại chất đầy trên các kệ . Nước vẫn rơi rớt bên các giỏ sò . Tôi mỉm cười :
- Bà nhà tôi và các cháu về Mỹ rồi , một mình tui biết ăn sò với ai đây .

Như ở bên Mỹ ăn không hết , cứ cho chúng vào bao ni lông quăng vào ngăn đông đá , khi nào thèm lôi ra xơi tiếp . Nói xong tôi ngoay ngoắt đi ngay không dám đứng lại để nghe thêm tiếng chào mời của cô hàng bán sò , kẻo tôi cầm lòng không đặng .

Về đến nhà mới hơn bảy giờ , giờ này quán cà phê đầu cầu Kè chưa có tay nào đánh cờ tướng . Tôi bắt gặp cháu Vi con cô em tôi đang thức giấc . Nó đang chuẩn bị lôi trái banh ra ngoài cổng để ra tập đá . Tôi gọi giật lại :

- Ê Vi ! Cháu muốn đi chơi với bác không ?

Nó lưỡng lự đôi chút rồi nói :
- Đi đâu hở bác ?
- Đi Cần Thơ .

Mắt cháu Vi sáng rực lên , nó bèn bỏ trái banh vào một góc nhà , vội chạy ra ngoài ngõ :

- Để cháu ra báo với má cháu . Bác đợi một chút nhé .

Chừng năm phút sau nó chạy về với giọng nói hổn hển :
- Má cháu nói được , đi với bác má cháu ô kê liền .