Saturday, December 5, 2009

Có công mài sắt có ngày nên kim

Ông bà mình có câu Có công mài sắt có ngày nên kim . Lúc còn bé từ thuở mài đũng quần ở nhà trường , tôi thường nghe các thầy cô nói đi nói lại câu tục ngữ này nhiều lần nhưng tôi cũng chẳng chú tâm đến nó nhiều . Bởi vì chẳng ai bỏ công bỏ sức để mài dũa cục sắt thành cây kim bé xíu . Kim may kim khâu nhìn chúng nhan nhản đâu cũng có , nhất là mấy cây kim cúc ghim sẵn trong cái áo may sẵn ở các cửa hàng , cần chi phải đi mài dũa tạo thành cây kim như vậy .

Tôi vào hãng ADI này làm cũng gần được cả năm , công việc chính là "modify " mấy cái dụng cụ điện hay đồng đồ điện tử của các loại máy bay trực thăng . Trong số này thường chế tạo tại Mỹ nhưng có một loại đồng hồ đo xăng dầu lại sản xuất của Pháp . Trên mặt đồng hồ này có một cái nút bấm Reset được vặn chặt bằng một con tán bằng sắt hình lục giác có bề ngang chừng sáu ly , đường kính trong bốn ly . Đôi khi các loại đồng hồ gởi vào trong hãng tôi làm lại thiếu mất con tán ốc này , có thể là do chuyên viên tháo ráp của máy hãng máy bay khi tháo mở đã làm rớt ra ngoài , rớt xuống một cái khe máy nào chăng . Mấy cái nút này , linh kiện phụ tùng ở Mỹ không phải là không có , nhưng con tán ốc lại theo kích thước đo đạc bằng đơn vị đo lường theo nước Anh . Nó lôi thôi vô cùng , này nhé một dặm Anh bằng một ngàn mấy trăm Yard , thước Anh . Một yard bằng ba "Foot " (bộ) , một foot bằng 12 inches (đốt ) , một đốt lại chia ra làm 8 vạch nhỏ . Tôi nhớ là khi dắt bà nhà tôi nạp đơn xin việc vào vài hãng may hay hãng giấy lúc làm bài toán đổi qua đổi lại mấy đơn vị đo lường kiểu Anh Mỹ này , bà nhà tôi bực mình lắm la toáng lên . Bởi thế các con ốc con tán Mỹ không thể nào xiết vào vừa vặn vào con tán của Pháp . Con người còn có thể gượng ép kết hợp hôn nhân của hai màu da khác nhau , Mỹ trắng lấy Mỹ đen hoặc Mỹ vàng hoặc ngược lại , nhưng sắt thép chúng cứng lắm , ép chúng xiết vào là chúng nó gãy ngay .

Không thử được đồ Mỹ thì đành phải đặt hàng mua hàng của chính hãng Intertechnique của Pháp . Người bạn đồng nghiệp sau khi hỏi giá , cho tôi biết một cái nút reset be bé như vậy là gần một ngàn đô Mỹ , trong khi giá cả của một cái nút tương tự như vậy trong sách Mouser chỉ có chừng mười Mỹ kim mà thôi , nhưng con này lại không chui vào cái lổ nhỏ hẹp của đồng hồ đo xăng dầu . Trong hãng ADI này tôi có dư thì giờ , nhàn nhã không biết làm gì bèn lấy một con tán ốc khác , cũng thuộc đơn vị đo lường của Pháp , cùng đường kính trong , nhưng bề dày lại là chín mi li mét . Thế là tôi dùng hai ngón tay kẹp lấy con tán mài trên giấy nhám để chà cho nó mòn đi để cho nó còn đúng sáu ly như mẫu chuẩn ban đầu . Nhưng con tán thì bé , ngón tay tôi to như như chuối sứ , mài tới mài lui mãi cả giờ đồng hồ vẫn chưa suy suyển được bao nhiêu . Lúc này lòng tôi chợt nghĩ đến câu tục ngữ ông bà mình đã dạy : "Có công mài sắt có ngày nên kim ." nên tôi quyết tâm thực hiện bằng được . Theo nghĩa bóng ông bà mình dạy bảo là chịi khó ráng học hành , mai mốt lớn thành công trên đường đời mà . Bạn bè tôi đa số đã thành công , có đứa bác sĩ tiến sĩ , có đứa kỹ sư kỹ siếc riêng tôi vẫn là ông thợ không ra thợ thầy lại không ra thầy , dở dở ương ương bây giờ ngồi đây mài sắt . Được một cái là bây giờ hiện đại lắm , ở nhà tôi thu âm mp3 vào cái USB , truyện hồi ký Thép Đen của nhà văn Đặng Chí Bình vào trong hãng , cho vào máy computer của hãng vừa làm vừa nghe . Nghe đến đoạn ông ta ở trong xà lim ngục tối , tả cảnh đêm tối muỗi mòng bay tới chích ông ta tơi bời . Ông ta lại không có thân nhân vào thăm nuôi bèn đánh cắp hay nhặt được một cây đinh dài năm phân và mài trên nền xi măng suốt bao ngày tháng , cuối cùng thành được một cây kim để có thể tạo thành một cái mùng bằng các mảnh vải vụn mà ông ta lén lượm lặt được trong nhà xí .

Giọng đọc của ông Trần Bỉnh Nam thật ấm , trầm buồn , qua những đoạn trên không khỏi làm tôi xót xa bồi hồi thương cảm cho người tù xấu số .

Quả thật sau vài giờ vất vả mài trên mấy tờ giấy nhám , con tán thép đã nhỏ đi khá nhiều , nhưng mấy đầu ngón tay đã trầy trụa rướm máu hồng . Nhưng không sao tôi đã thực hiện được lời cổ nhận dạy : Có công mài sắt có ngày nên kim .

Bỗng bên tai tôi chợt nghe tiếng cãi vả lớn tiếng của hai người . Họ cãi nhau bằng tiếng Mỹ và nhất là trong lúc hăng say to miệng nên tôi không hiểu họ đang nói gì . Bỏ cái headphone ra khỏi đầu tôi trông thấy ông xếp da đen người Kenya đang múa tay , giọng to hẵn ra :
"Tao không thích mày , mày vô đây nói vậy là làm sao . Tao năm nay ba mươi mấy tuổi đầu mà mày nói tao hey you guy babies , tao như vậy là bế bi của mày à ? "

Tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra làm sao , bỗng thấy ông Mỹ trắng , David cứ sấn tới , giọng to lớn tiếng không kém gì ông Mỹ đen xếp tôi . Thấy vậy đám tech tụi tôi bèn đi tới , kẻ nắm tay người nắm vai lôi hai người ra . Một anh đồng nghiệp tên là Javier sau khi đẩy anh Mỹ trắng ra cái phòng làm việc tech shop của chúng tôi quay sang hỏi tôi :
- Andy , you có nghe được câu chuyện đầu đuôi ra sao không , có nghe được thằng David biểu thằng Philip là bế bi không ?

Ông bà mình có dạy rằng trâu bò húc nhau , ruồi muỗi chết lây . Tụi Mỹ mà có đấm đá nhau , mình người Á Đông nhỏ con chớ có dại gì mà chạy vào can chúng nó . Một quả đấm của chúng nó tuy không bằng Mike Tyson hay Holyfield võ sĩ vô địch quyền Anh hạng nặng , nhưng cũng không thua kém chúng nó là bao nhiêu nên chớ dại gì đâm đầu vào .

Biết thân biết phận tôi cười mỉm :
- You không thấy tao đang nghe nhạc hay sao ?

Hắn thắc mắc hỏi thêm :
- You nghe cái gì vậy ?

Tôi bình thản đáp lại :
- Ồ ! Là bản The Winner take it all của ban nhạc ABBA đó .

5/12/2009