Buổi trưa ánh nắng chan hoà khắp toàn vịnh Hạ Long . Mặt biển lung linh ánh bạc . Con thuyền du lịch một lần nữa đưa chúng tôi chen qua những hòn đảo đủ hình dạng mọc chơ vơ trên biển trời xanh mênh mông .
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song.."
Đó là hai câu trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận khéo tả cảnh sóng nước xanh xanh trên mặt nước.
Không bao lâu thuyền chúng tôi cặp ngang với vài chiếc du thuyền khác giữa biển trời . Chính giữa là một chiếc phà bu quanh bởi các du khách với những ơi ới gọi nhau .
Một bác thuyền chài gọi bông bổng :
- Bu mày ơi ! Vớt con cá nằm góc kia cho quan khách này.
Lâu lắm rồi tôi nghe lại câu " Bu mày ơi " để gọi vợ mình. Tiếng này là tiếng đặc thù của các người dân miền Bắc , có thể là do chữ bú mớm đọc trại ra mà thành . Khi mới lấy nhau chúng tôi hay gọi với nhau là mình ơi mình à , đến khi được đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Uy. Từ đó tôi hay gọi nhà tôi là "Má thằng Uy ơi ! Về nhà tôi cần bà gấp .... ". Một hôm con bé út nhà tôi thắc mắc , hỏi má nó : " Má à ! Tại sao bố cứ gọi má là " Má thằng Uy " mà không gọi là "má Linda" , chúng con cũng là con của bố má vậy? Tôi phải cắt nghĩa mãi cho nó , rồi chúng nó cười với nhau.
Hầm chứa cá được bao bọc bởi hàng lưới ni lông đen thẩm , vài chú cá bơi lẳng lặng phía dưới và chúng nó dãy đành đạch khi bác thuyền chài vớt bỏ lên sàn thuyền.
Tôi hỏi bác ta :
" Cá này là bống mú hả bác ? Còn chú cá kia? Cá nụ hả ? Bao nhiêu một kí vậy bác ?
Bác ta thản nhiên trả lời :
" Ba trăm nghìn ! "
Một con cá bống mú xanh xen lẫn vài đốm đen , mập ú y chang như loại cá striper bass sọc dưa mà tôi thường đi câu bên các hồ ở Mỹ. Tính ra một con cá như vậy hơn một trăm Mỹ kim. Thấy nhà tôi chần chừ không biết có nên quyết định mua hay không , tôi nói vào :
" Mua đi bà , hai ông bà người Tàu cũng muốn ăn chung con cá với mình. Thì cứ coi như mình đi câu cá bị phạt tiền vậy mà. "
Vào năm 1990 giá tiền phạt cho mỗi con cá bị vi phạm luật câu , như câu cá nhỏ hơn kích thước hay quá số lượng ấn định là 110 đô . Bây giờ nghe đâu lên giá là 150 đô . Đã bị phạt tiền mà cá còn bị cảnh sát tịch thu không được xơi .
Bác thuyền chài hớn hở gạ hỏi thêm :
- Bà mua thêm cua ghẹ chúng em nhé ! Vừa mập mạp vừa ngon bổ !
Hỏi ra giá cả mấy con ghẹ xanh màu loang lổ không rẻ lắm , bà nhà tôi lắc đầu :
- Bên Mỹ ghẹ thiếu cha gì ! Nhiều khi khuyến mãi "on sale" có một đô rưỡi một cân thôi.
Trời đã quá trưa , tôi xách con cá quay trở về thuyền cùng với các nhóm khác. Ai nấy trả giá tới trả lui cũng bằng ấy tiền. Anh Năm Mập khẽ dặn dò chúng tôi : " Các bác cứ đưa cho chị vợ ông chủ thuyền đằng sau kìa , muốn ăn kiểu nào , chiên xào hấp nướng cứ biểu họ , và nhớ cho họ tiền típ. "
Anh Năm Mập đã khéo lo xa . Những chuyện vặt vẽo đó ai mà không biết. Còn vẽ đường cho hươu chạy .
Bàn bên kia có mấy cháu nhỏ bày ra chơi bầu cua cá cọp. Một bé trai lớn tiếng : " Tao đặt bên này , a ! Trúng rồi ! Ba con ghẹ !
Tôi bỗng nghe mẹ chúng nó nhỏ nhẹ bảo : " Mấy đứa lần sau phải nói là ba con cua . Nói vậy người ta cười cho. "
Khoảng đâu chừng một giờ , bà đầu bếp của du thuyền khệ nệ mang từng tô từng dĩa cá còn bốc khói nghi ngút. Cá bống mú chưng tương , canh chua cá bống mú , bống mú chiên giòn.
Giống cá này bên Mỹ thường hay bán trong các chợ Việt , giá đến 6 hay 7 Mỹ kim một cân Anh , nghĩa là khoảng 12 hay 13 Mỹ kim một kí , nhưng cá thường là cá đông đá , thịt nhợt nhạt tai tái làm sao ngon bằng cá con sống nhăn đem làm thịt ngay.
Hai ông bà người Tàu cùng với gia đình tôi năm người dù bụng đói meo cũng không thể nào xơi hết được con cá bống mú năm kí lô. Các dĩa cá đủ món nằm chênh vênh trên bàn. Tôi mời ông bà người Tàu : " Cô chú ăn hết đi , kẻo phí của trời. "
Họ nhìn nhau rồi lại mời chúng tôi ăn tiếp. Tôi nhìn mấy dĩa cá rồi ngán ngẩm lắc đầu :
- No quá rồi , ăn thêm nữa chắc bội thực.
Khoảng năm 2000 tôi cùng ba người bạn qua Bắc kinh và Thiên Tân huấn luyện cách chế tạo lắp ráp một loại board điện tử cho các loại điện thoại di động. Khi từ biệt họ đãi chúng tôi tại một nhà hàng khá sang. Trong các món ăn ngoài món gà Hải Nam , tôm sọc rằn luộc chấm muối chanh có một món cá hấp ăn rất ngon miệng. Hỏi họ thì được biết là cá " grouper " , cá này được nuôi trong bồn nước đặt trong nhà hàng. Tôi nhìn xem cá mú này to lắm cũng chỉ hai kí là to nhất. Một con cá như vậy cho bàn tiệc mười hai người , mỗi người chừng hai gắp là hết sạch sành sanh. Bây giờ con cá mú to vậy , ngon vậy mà gắp mãi cũng chưa hết . Bởi vậy khi xưa Trạng Quỳnh để cho vua Lê thật đói bụng rồi cho thưởng thức món " Đại Phong " , là xơi tương hột . Khi đói quá , ăn cái gì mà chả ngon.
Ngày xưa ở Sài Gòn mẹ tôi cứ hay nức nở khen các loại cá miền Bắc : " Ngon nhất là Chim , Thu , Nụ , Đé , ấy con cá rô cá lóc trong này sao ngon bằng. "
Cá chim , cá thu tôi có ăn thử rồi. Nhất là loại cá thu loại chừng chục kí trở lại , thịt mềm ngon ngọt vô cùng. Cá nụ , cá đé tôi chưa từng ăn , nên không biết nó ngon dở thế nào. Nhưng bà nhà tôi khen cá đé đem chiên dòn , còn thơm hơn cá chim nữa. Một ông bạn tôi gốc miền Trung , cũng là dân đánh cá miền biển , nghe tôi khen mấy loại cá ngon miền Bắc , bĩu môi chê : " Sao ngon ngọt bằng cá nhám quê tôi , nấu với măng chua thì ngon nhất hạng trên đời. " Còn anh Nam bạn tôi quê ở Mỹ Tho thường hay tấm tắc khen : " Mấy giống cá đó sao bằng cá quê tôi , cá trèn kết. Đem phơi khô một nắng rồi đem chiên dòn , ngồi lai rai với vài miếng xoài tượng , nhứt trên đời. "
Ngồi bâng khuâng trên khoang thuyền , nghe sóng vỗ rì rào bên mạn thuyền , lòng tôi nghĩ đến mai này không biết người dân Việt có còn nhớ còn được ăn đến những loài cá biển được nổi tiếng qua từng thời gian. Và xin gởi đến các bạn bài thơ Bài Ca Ngư Phủ của Trần Mộng Tú .
Bài Ca Ngư Phủ
Cá ơi!
Thôi giã từ nhau nhé
những chiếc vẩy hồng vẩy bạc của ta ơi
cái đuôi em ngúc ngoắc ngoài khơi
xa xôi lắm ta không còn với tới
em lặn xuống thật sâu
em sẽ bơi về đâu
tầu ta bồng bềnh tìm em trên sóng
chưa thấy em ta đã chết cùng tầu
chưa thấy em xác ta đã trôi theo rong trên biển
hay thân ta bị bắt giam trên một vùng đất không quen
Cá ơi!
Thôi giã từ nhau nhé
những chiếc vẩy hồng vẩy bạc của ta ơi
em bơi về phía Nam hay tạt về phía Bắc
làm thế nào ta tìm lại được nhau
Ta gọi tên em bằng ngôn ngữ nước nào!
Ta đứng trên bờ bối rối
Hồng ơi, Chim, Thu, Nụ, Đé ơi!
ở quê ta những tên đó có tự lâu rồi
các em chính là một phần đời sống Việt
Rong rêu ơi!
có nhớ bao lần theo cá về cùng lưới
em mang cả đại dương vào khoang thuyền này
ta nhặt mầu xanh trên những ngón tay gầy
thấy đời ta với rong rêu là một
Ta đi trên bờ hát bài ca ngư phủ
Trường Sa ơi nước chẩy về đâu!
Hoàng Sa ơi có nhớ những thân tầu
đã nhuộm trắng những vệt loang của muối
Ông cha ta đã bao đời tiếp nối
giữ từng giọt nước thiêng liêng
Hoàng Sa ơi !
Trường Sa ơi!
Đảo của ta ơi!
Có ai đó nhầm tên em với tên phụ nữ
nên bán em đi không cần giấy thông hành.
(Trần Mộng Tú )
Hoang Hac 21 tháng 6 năm 2009
Sunday, June 21, 2009
Subscribe to:
Posts (Atom)