Cô em tôi chợt lên tiếng :
- Anh Hai còn ở đây mấy ngày nữa , muốn ăn uống gì thì cứ biểu tụi em , hay là mai em mua hột vịt lộn dzìa ăn .
- Ủa ! Ở chợ này hổng bán hột gà lộn à !
Cô em tôi nhíu mắt ngạc nhiên :
- Có gà lộn à !
- Có chớ , bên Mỹ họ bán đầy ở ngoài các chợ Việt Nam , bảy tám chục xen (cent) một trứng . Mấy người bạn anh đôi khi ra ngoài hồ lượm được cả hột ngỗng lộn nữa , mời mấy người bạn Mỹ về nhà nhậu . Có khi họ làm cả tiết canh ngỗng mời họ nhậu . Tụi Mỹ nhí nhắng hỏi :" Cái giống gì vậy ? Tụi bạn anh trả lời : " Vietnamese Pizza " .
- Pizza sao nó hổng giống như pizza của Ý , mềm nhũn à !
- Mềm nhũn nhưng mặn mà lắm .
Đến khi họ biết là Vietnamese pizza chế biến từ tiết con ngỗng , chu chao ui , tụi nó chạy vô phòng vệ sinh thiệt lẹ .
Cô em tôi chợt lên tiếng hỏi :
- Anh Hai có ăn qua bột chiên bao giờ chưa .
Tôi lắc đầu , lòng chưa hề nghĩa đến cái món bột nào dùng để chiên . Bột nào mà chẳng chiên được , từ bột gạo , bột mì , bột mìn tinh , bột sắn . Cứ rán cứ chiên lên là xơi được tất . Thật ra tôi không thích ăn những món nào chiên hay rán . vì những thứ này đầy những dầu mỡ .
Từ nhà cô em tôi ra đến đầu chợ chừng mươi phút .Ban đêm trên đầu chợ mấy chục năm qua vẫn có bày biện vài hàng quán bán đêm . Xe bán sâm bổ lượng của ông già người Tàu . Xe sinh tố của bà Năm Mập , một sập bán ốc nghêu sò ốc hến và cạnh đó là một xe đẩy hai bánh của chú Tư Bánh Ít .
Tôi thảng thốt kêu lên :
- Mèn đét ơi ! Tưởng bột chiên là giống gì . Món này ngày xưa thỉnh thoảng tôi ghé qua ngang rạp hát Kinh Thành gần chợ Tân Định xơi hoài . Nhưng món này ăn chừng một dĩa thôi , qua đến đĩa thứ hai xơi hông nỗi .
Cô em tôi mỉm cười :
- Anh Hai xơi hổng nổi chớ con Dung nó ăn đến ba dĩa lận .
- Dung nào vậy ?
- Con cô Tư đó anh quên rồi sao ? Năm ngoái cô Loan có dắt con Dung về Việt Nam chơi . Tiện thể nó rủ một người bạn cùng phái học cùng lớp về chơi . Cô nhỏ đó Mỹ trắng , tóc vàng . Hôm tụi nó về đây chơi , cả chợ đều ngắm nhìn đều khen đẹp . Con bé đó mỗi tối thích ra đầu chợ ăn món bột chiên này lắm . Ăn xong hai đĩa tụi nó còn gọi mỗi đứa hai ly nước mía đầy vung . À , có chuyện này em kể cho anh nghe . Bữa đó ,em dắt hai đứa nó ra đây thì có một thằng cha nào ngồi nhậu , trên bàn còn vương vải mấy dĩa ốc . Trông thấy cô gái Mỹ xinh đẹp , hắn làm bộ, xì xô xì xào với cô gái Mỹ một hồi , mà không thấy cô gái Mỹ trả lời lấy một câu , hắn quay sang hỏi em : " Chị Út ơi ! Con nhỏ Mỹ bộ nó hổng biết tiếng Mỹ sao vậy ! Em hỏi nó bằng tiếng Mỹ thông dụng , nó cũng làm thinh , em dùng Anh ngữ cao cấp hơn một chút , nó cũng im luôn . Tóc vàng vàng chắc hổng phải Mỹ . Anh biết không , về nhà em mới hỏi con Trân bạn nó . Con Trân mới thông dịch như vầy : " Nó hiểu chớ , hắn ta nói tiếng Anh tiếng Mỹ cỡ nào mà nó chẳng hiểu . Có điều là ... hắn nói nham nhở quá . Đầu tiên nó khen cháu đẹp . Beautiful ! Kế đến nó hẹn , nó rủ đi xi nê , rồi nếu được nó hỏi tui có bằng lòng lấy hắn không ? "
Qua hôm sau em gặp hắn , biểu là nó không phải là người Mỹ mà là dân Tây . Hắn cười nhe răng rồi nói : "Để mai mốt em học tiếng Tây rồi tìm nó nói chuyện . " Rồi mãi đến khi hai đứa nó về Mỹ , bắt gặp hắn , tay hắn cầm cuốn sách dạy tiếng Pháp , miệng còn lẩm bẩm : " La tete là cái đầu , je t'aime là tui yêu em vô cùng .. je t'aime je t'aime . .
Lần này là lần thứ ba tôi trở về Việt Nam và khi ra phi trường Tân Sơn Nhất đi về Mỹ tôi nhất quyết không mang theo hành lý túi giỏ xách tay theo người . Dù nó to hay bé . Khi lần đầu tiên về Việt Nam thăm mẹ tôi bệnh nặng , hành lý quần áo cá nhân , quần đùi quần lót áo thun không về kịp nên tối đó tôi không có quần áo để thay . Ban đêm chợ búa đều đóng cửa . Đến lần thứ hai đã có kinh nghiệm đau thương , tôi luôn luôn kè kè bên mình một cái túi xách tay nho nhỏ , trong đó chỉ có một hai cái quần đùi áo thun , kem và bàn chải đánh răng . Đến khi ra phi trường trở về Mỹ , tôi đang lơ ngơ lơ ngớ trong phòng đợi , bỗng chợt thấy hai anh đầu đen bước tới . Sắc mặt nghiêm nghị , mắt nhìn thẳng vào tôi , gằn giọng ra lệnh :
- Ông kia ! Mở cái túi xách ra cho chúng tôi kiểm tra .
Tôi sửng sốt , tự hỏi nơi đây sao lại những người mặc thường phục ngang nhiên xét đồ xét đạc hành khách . Tôi e dè hỏi lại :
- Các ông là công an ?
Một trong hai người nặng giọng :
- Đúng vậy . Mở giỏ ra . Chúng tôi theo dõi ông từ khi ông vào đến đây . Trong đó có cái gì mà khiến ông phải khư khư ôm chặt nó vậy ?
Dù bực mình , nhưng tôi vẫn nhếch nụ cưòi lấy lòng :
- Giỏ có gì đâu .
Vừa nói tôi vừa mở banh cái túi giỏ ra . Bên trong chỉ vỏn vẹn hai cái quần đùi và lổng chổng cái bàn chải đánh răng .
Mặt tên công an dài hẵn ra , chưng hửng tưởng rằng phen này bắt được một tay trùm bạch phiến có tầm cỡ quốc tế . Hắn cố lấy tay lục lọi một hồi lâu , thật kỹ . Xem chừng không có gì họ xin lỗi , ngoay ngoắt bỏ đi .
Từ trên cánh máy bay của hãng Eva , Hàng Không Đài Loan , ngồi cạnh một cửa sổ kính , tôi ngó ra ngoài . Những dãy nhà tôn nhà gạch chập chùng phía dưới . Mái tôn xam xám lẫn lộn màu nâu sét rỉ từ từ trở thành nhỏ đi khi máy bay tiến lên cao độ . Dòng sông Sài Gòn vàng đục lững lờ uớn cong . Một đám mây trắng bay ngang che khuất tầm mắt tôi , nước mắt tôi như muốn muốn nhoè ra . Quê mẹ tôi đây , giờ đã xa hẵn rồi .
Khi ra khỏi máy bay American Airlines để vào phòng lấy hành lý , tôi nhìn đồng hồ biết rằng giờ này hơn bốn giờ sáng . Nơi đây tôi chợt thấy một ông đầu đen đang đứng chờ hành lý sắp sửa chạy vòng qua khung thép chuyên chở hành lý . Ông này tôi quá quen , ông là chủ một siêu thị khá nổi tiếng ở thành phố Arlington .
- Khỏe không anh Ba ?
Ông ta quay sang , gặp tôi nở nụ cưòi chào . Giọng ông ta lơ lớ nửa Tàu nửa Việt .
- Nị mới Việt Nam dề hả ?
- Ừ ! Còn ông ? Về VN lấy thêm bà vợ nhỏ nữa hả ?
- Ngộ hổng dám à , con vợ nị biết được uýnh thấy mụ nội .
- Thế ông về chơi chăng ?
Ông Ba lắc đầu .
- Dzìa mua đất .
À ! Lại có thêm một người nghe lời dụ dỗ ngon ngọt . Người về Việt Nam mua nhà mua đât có kẻ thành công có người thất bại . Bạn bè , người thân cháu chắt tôi thỉnh thoảng cũng gọi điện thoại rủ rê tôi hùn hạp mua nhà mua đất . Tôi cứ cười trừ . Làm ăn với Việt Cộng họ có nhiều thứ luật , cả một rừng luật thay đổi liên miên , nay thế này mốt thế nọ . Chẳng biết khi nào mà đón mà đỡ .
- Đất ở đâu vậy ? Phú Mỹ Hưng ?
Ông ta lắc đầu .
- Ở đó mắc bỏ mẹ , mua xa một chút giá rẻ hơn .
- Anh đứng tên đất ?
- Không , nhờ ông anh tui .
- Thế anh gặp bọn cán bộ , họ có vui vẻ tiếp chuyện không ?
Ông ta mặt tiu nghỉu , giọng trầm buồn :
- Mẹ kiếp , mấy chả mặt thì ngu như bò còn miệng thì hét ra lửa . Lần này tui về làm ăn với tụi nó một chuyến thôi , lần sau tui đếch thèm .
Tôi mường tượng ra những con người trong thời đại tiên tiến , mặt mũi trông không đến đỗi ngu si lắm , cái óc toàn tính chuyện nhảy vọt năm năm mười năm , những lỗ miệng phun ra lời gầm thét , chửi mắng như rồng rắn . Tôi tự nghĩ hoài , không biết đó là những con sinh vật nào trên trái đất này lại có thể tồn tại được trong mấy chục năm qua . Phải chăng là con rồng bảy đầu mười sừng trong sách cổ nói ư ?
Tôi xin mượn lời của một người bạn Hàn Lệ Nhân để kết thúc một chuyến về thăm quê hương :
Tôi là con chim lạc bầy từ muôn chim kiếp trước
Tôi là mây bay ngàn đời trên trời tha phương
Quê mẹ trong tôi chỉ là văn chương
Ai về quê hương nhặt giùm vài ba nhánh lúa
Ôm chặt trong tay bồi hồi nghe lòng say say
Quê mẹ tôi đây ! quê mẹ tôi đây !
Hoang Hac ngày 20 tháng 8 năm 2010
Thursday, August 12, 2010
Subscribe to:
Posts (Atom)