Saturday, January 8, 2011



Xe buýt chở đoàn chúng tôi ra khỏi khách sạn tiến đến những cây cầu vượt ngang dọc vắt vẻo chồng lên nhau . Nhìn chúng cao lắc lẻo y như những con thằn lằn khổng lồ đang bò lổn ngổn uốn khúc . Chúng không khác gì với đường xá xa lộ như bên Mỹ . Chỉ có một vài điều hơi khác là dưới chân các bệ chống nâng đỡ các mảng bê tông xi măng của xa lộ rác rến vương vải lung tung chen lẫn với các vũng nước đầy sình lầy đen ngòm .

Khách du lịch trong đoàn hầu hết là người Việt trong nước , lần đầu tiên qua xứ người thấy những cảnh lạ trước mắt nhìn chằm chằm khen ngợi không ngớt .
Thỉnh thoảng bên cạnh các quảng trường mênh mông có treo một bức hình khổng lồ vẽ chân dung một mệnh phu nhân , dung nhan xinh đẹp . Một ông khách thắc mắc hỏi :
- Hình ai vậy anh Khục Khặc ?

Anh trưởng đoàn người Thái liếc nhìn tấm hình và quay lại nói :
- Ồ ! Ðó là bà chị của nhà vua Thái , sắp sửa đến ngày sinh nhật bà và để lòng tôn kính dân chúng vẽ ra để mọi người dân biết mà mua bông tặng . Ai cần mua bông tặng cho bả cứ gởi tiền cho tui .

Xe dừng lại một con đường có tên ngoằn ngoèo tiếng Thái , phía dưới có phụ đề tiếng cái La Tinh . Dọc hai bên đường là những hàng cây cau cao vút , bên trong những dinh thự sơn trắng .
Lúc ấy khoảng 10 giờ sáng , từng đoàn xe buýt xe du lịch đủ loại tiến tới đổ khách xuống tham quan . Chúng tôi cứ thế mà bước theo anh trưởng đoàn tay cầm ngọn cờ trắng vây vẫy .
Trước mặt chúng tôi là Cung Ðiện Hoàng Gia bao bọc bởi những tường rào thấp . Du khách có thể nhìn xuyên qua , không như Tử Cấm Thành bên Trung Hoa hay Cung Ðiện Hoàng Gia Nhật được che quanh bằng những bức tường cao vời vợi .

Với lối kiến trúc rất đặc trưng xứ Thái mái cung điện cong cong vút lên ở các góc cung điện


Đối diện với Cung Điện Huy Hoàng , bây giờ không còn là chỗ nghỉ ngơi và làm việc của quốc vương Thái là một bãi đất trống . Anh trưởng đoàn giơ tay phẩy phẩy ngọn cờ trắng :
- Quí khách ơi , mau tập họp lại một chút .

Một bà thắc mắc :
- Chi vậy ông Khục Khặc .
- Chụp hình mà , chụp xong rồi ai muốn hình thì gởi tiền cho tui . Bây giờ là 10 giờ 15 hẹn quí khách 12 giờ tập họp nơi đây chúng ta tranh thủ ăn trưa rồi chúng ta đi tham quan phố Tàu .

- Thế anh có vô tham quan với chúng tôi không ?

Anh ta lắc đầu rồi bước tới một góc cây bồ đề đầy bóng mát ngồi nghỉ .


Thế là anh ta để mặc chúng tôi tự do đi theo đoàn người du lịch đông đảo . Vé vào cổng mỗi người được phân phát một tấm . Qua hai ba lần cổng quẹo trái quẹo phải , trước mắt tôi là những ngôi chùa , đền đài hình tháp nhọn vàng óng ánh lấp lánh dưới ánh nắng ban trưa . Cạnh tôi là hai bức tượng thần nhăn mày nhăn mặt , răng nanh dài cả khúc .

Đó là tượng thần Yak , vị thần bảo vệ bên ngoài Wat Phra Keaw , Chùa Lục Ngọc . Đằng kia là Thần điểu Karine - nửa thân trên là người , nửa dưới là chim . Xa xa là những con Ngũ đầu xà được dát vàng nhe nanh , nằm gác trước cổng chùa . Hầu hết các vị thú thần bên Thái đều xuất xứ từ nền văn minh Ấn độ , nơi có đạo Bà la môn thờ rất nhiều thần linh .

Nhìn chúng tuy hình thể có khác với sự miêu tả của sách Sáng Thế của người Do Thái như các vị thần Cherubim có hai cánh rực lửa canh gác vườn địa đàng Eden , hoặc các vị thần A tu la giương nanh giương vuốt nhưng tôi nghĩ chúng có thực , hiện hữu ở một nơi nào đó trong khoảng không gian mịt mùng.

Tôi tự hỏi không hiểu sao các chùa Thái lại có quá nhiều vàng như vậy . Một đất nước tôn sùng đạo Phật lại có quá nhiều vàng không khỏi khiến cho nước láng giềng Miến Ðiện đem quân sang gây chiến và cướp đi pho tượng Phật nặng năm tấn vàng .

Tám ngọn tháp chedi (Phra Asada Chedi) được dựng dọc theo Chùa Lục Ngọc . Hình dáng các loại tháp này có lẽ phát nguyên từ đất nước Chùa Tháp Khờ me , prasat , nơi trú ngụ của nhà vua hay một vị thần linh nào đó . Nhưng ở đây chedi có một nghĩa khá rộng rãi hơn là một tầng tháp pagoda . Tầng sát đất tượng trưng cho địa ngục , tầng giữa là thế gian loài người và tầng trên cùng là niết bàn . Khi các tín đồ thành kính đi lòng vòng qua các tháp chedi ba lần , họ tin là có thể bước thẳng vào cổng niết bàn mà không cần phải giác ngộ .

Tôi có người bạn học ở UT ở Austin, Texas . Hắn đọc xong cuốn Thượng Đế Chi Mê của Huỳnh Di tin rằng con người không cần phải ngồi Thiền để nhập Niết Bàn hay ăn năn sám hối được Chúa thương gọi về nước Thiên Đàng . Hắn cứ nghĩ làm sao tìm ra được bộ máy nào đó có thể đi thẳng vô đúng tầng số dao động của cõi vô thức vĩnh hằng của vũ trụ . Có lẽ hắn coi quá nhiều phim giả tưởng khoa học như là Back To The Future .

Nếu như được Thái Lan nên tạc thêm tượng thần Midas (ông này còn có người gọi là ông vua Midas có khả năng gold touch , nghĩa là ông ta sờ bất cứ vật nào đều biến thành vàng.)

Khi chúng tôi sắp bước vô Chùa Lục Ngọc thấy dưới nền sân chùa giày dép lổn ngổn . Tôi biết đó là phong tục tôn nghiêm của người Thái khi bước vào chùa để chiêm bái tượng Phật bằng ngọc xanh lam .

(Theo từ điển wikipedia , chùa Wat Phra Keo được đặt theo tên của chùa Hoàng Hôn bên Ấn Độ, xưa kia là một ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ 17, sau được vua Tak Sin chọn làm chùa của hoàng gia, đồng thời cũng là cung điện. Tên chính thức và đầy đủ của chùa này là Chùa Phrạc -Srỉ -Rách-ta-na-Sả-đa-ram (tiếng Thái: วัดพระศรีรัตนศาสดาราม, chuyển tự Latinh thành Phra Si Rattana Satsadaram), nhưng hay được gọi tắt là Chùa Phra Kaew (วัดพระแก้ว). Người nước ngoài thường gọi là chùa Phật Ngọc.

Điện chính là ubosoth trung tâm có bức tượng Phật ngọc. cao 54 phân . Dù bức tượng này có kích thước nhỏ nhưng đây lại là tượng Phật quan trọng nhất đối với người Thái Lan. Các truyền thuyết cho rằng bức tượng này xứ từ Ấn Độ, nhưng tượng đã xuất hiện lần đầu ở Vương quốc Campuchia chư hầu và được tặng cho vua của Vương quốc Ayutthaya . Miến Điện đánh bại Ayuttaya và người ta lo sợ tượng đã biến mất. Một thế kỷ sau, tượng Phật ngọc lại xuất hiện ở Chiang Saen, sau một trận mưa dông đã xói lớp đất phủ xung quanh tượng. Sau đó tượng đã được đưa đến Chiang Rai, sau đó là Chiang Mai, nơi đó tượng được hoàng tử Setatiratt đưa đến Luang Prabang, khi bố của ông mất và ông đã lên ngôi của quốc gia chư hầu đó của Xiêm La. Trong những năm sau tượng được chuyển đến quốc gia Viêng Chăn, chư hầu của Xiêm La. Trong thời gian quân Haw từ phía Bắc xâm lược, Luang Prabang đã thỉnh cầu sự giúp đỡ của Xiêm La chống lại quân xâm lược. Vua Lào đã tấn công quân Xiêm từ phía sau, do đó Phật ngọc đã quay trở về Xiêm khi vua Taksin đánh nhau với Lào và tướng của ông Chakri (sau này là vua Rama I) đã lấy bức tượng từ Viêng Chăn. Đầu tiên tượng được đưa đến Thonburi và năm 1784 tượng được đưa đến địa điểm hiện nay. Wat Preah Keo, ở Phnom Penh, ngày nay được nhiều người Campuchia xem là nơi bức tượng phải ở đúng chỗ của nó còn người Lào lại cho rằng Haw Phra Kaew ở Viêng Chăn mới là địa điểm đúng của bức tượng.


Hiện thời, viên ngọc Lục Bảo đức Phật đặt trên án thờ có chiều cao 11 mét rất vẻ tôn kính, do cây dù được xếp chín tầng bảo toàn yên tĩnh. Những quả bóng bằng thủy tinh ở hai bên tượng trưng cho nhật nguyệt. Mỗi năm ba lần, lúc khởi đầu năm mới, nhà vua chủ tọa việc thay đổi chiếc áo khoác bên ngoài Phật Lục Bảo . Áo thụng không tay khoác ngoài thắt long bằng vàng, có nhiều hạt kim cương đắt giá dùng cho mùa hạ, chiếc áo điểm lốm đốm kim cương trông có vẻ giàu sang dùng cho mùa mưa và chiếc áo tráng lớp men bằng vàng nguyên chất dùng cho mùa mát.
Những bức tường hành lang bao quanh sân của chùa được sơn phết với những tấm bích họa tường thuật hoạt động mang tính chất anh hùng thời Ramakien. Những tấm bích họa được vẽ đều căn cứ vào nguồn gốc suốt triều đại hoàng đế Rama III (1824-1850), nhưng được phục hồi nhiều lần. Những bức họa tiêu biểu cho câu chuyện khởi đầu bên tay trái, khi du khách rảo bước quanh hành lang mới lĩnh hội được ý nghĩa. Những trận chiến đấu mang tính cách anh hùng, những đám diễu hành, v.v. đều được thể hiện tất cả trên những bức vẽ.
Những phiến đá cẩm thạch được dựng lên những cây cột đứng trước những họa phẩm, được khắc lên những bài thơ hay có liên quan đến mỗi tình tiết của câu chuyện.
Chùa mở cửa đón khách hàng ngày, từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30, và từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30, giá vé vào tham quan cho mỗi khách là 200 baht. )
Dù rằng thời tiết xứ Thái nóng quanh năm như ở miền Nam Việt Nam , nhưng theo luật lệ nơi đây du khách vào thăm cung điện cũng như các chùa chiền đều phải mặc quần dài . Ai quên thì nơi đây có sẵn dịch vụ cho thuê quần dài . ( Bên Roma thì khách mặc áo không được hở vai , váy phải dài hơn đầu gối . Tấm khăn nhựa để che được cho free . )
Tôi không tin Thượng Đế ngự trong các bức tượng dù chúng làm bằng vàng bằng ngọc hay bằng gỗ quí. Chúng chỉ là sáng tác của các nhà nghệ sĩ , nghệ nhân theo tâm tưởng lờ mờ mà tạc ra hình Chúa , Phật . Trong chùa khá nhiều người chắp tay đỉnh Phật lâm râm khấn vái . Tôi không nghe họ cầu nguyện xin xỏ thứ gì nhưng chắc chắn không tiền tài tình duyên thì công danh lợi lộc . Bước ra khỏi chùa để tìm đôi giày mới tôi mua đã … mười năm , bà nhà tôi vẫy tay gọi tôi lại :
- Ông chụp cho tui một tấm kỹ niệm .

Nói xong bà nhà tôi chắp hai tay lại để trước ngực .
- Bà không khấn vái xin gì à ?
- Có , tui xin được trúng lô tô .
- Của Thái hay Việt Nam .
- Của Mỹ mới nhiều chứ mấy nước kia có là bao . À ! Mà này , ông làm gì mà lúi cúi khom người kiếm cái gì vậy ?
- À ! Tui đang đi tìm đôi giầy mới của tui . Ở đây trước sân chùa sao thiên hạ cởi giày dép ra nhiều thế . Bà bà , bà kiếm cho tui cái bao rác thật to .
- Chi vậy ?
- Để gom góp vào một chỗ mang về khách sạn lục lọi thế nào cũng tìm ra .
- Ông vớ vẩn .

7/1/2011