Chợ Đồng Xuân
Lần trước chúng tôi không đủ thì giờ nên không được đi xem đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm . Buổi chiều tháng bảy trời êm ả , gió nhè nhẹ làm sóng hơi gợn lăn tăn trên mặt hồ . Khách tham quan chắc đâu chừng vài chục người . Chính giữa là một lồng kính chứa xác vỏ rùa . Mu rùa khá to , dài gần cả thước . Một ông cụ đứng bên cạnh chỉ trỏ :
- Con rùa này sống hơn 500 năm rồi .
Thấy làm lạ vì gặp được nhà thông thái bác học xứ Bắc , tôi ngạc nhiên hỏi :
- Thế ông làm cách cách nào biết nó sống hơn 500 năm ?
Ông ta trố mắt nhìn tôi :
" Thì thì người ta bảo thế . Ông không trông thấy cái mu rùa có khắc chữ "Lê Lợi Hoàn Kiếm bằng chữ Quốc Ngữ à ? Thời Hậu Lê đến nay cũng hơn năm trăm năm phải không ?
Có một lần gia đình tôi đi câu cá thỉnh thoáng câu được một vài chú rùa với mu rùa hơi vàng ửng . Nó chỉ to bằng hai bàn tay của tôi . Bà nhà tôi chép miệng :" Lại câu được một ông Thần Kim qui , thả đi ông ! "
Tôi cười và tháo gỡ lưỡi câu ra khỏi miệng nó :" Đi đi thần . Lần sau mà bắt gặp ngài là thành lẫu Kim qui ngay . "
Bên ngoài cổng là một thanh niên ngồi thổi sáo , mắt bị mù . Tôi không biết ông ta có phải là Trương Chi năm xưa không , nhưng tiếng sáo cậu ta nghe sao buồn bã quá , gợi nhớ lại Mị nương của cậu đi lấy chồng xứ lạ .
Bên kia đường cạnh cây đa cổ thụ to tướng , một cổng chào với các chữ vàng đỏ nhấp nháy : " Chuẩn bị đón chào 1000 năm đất Thăng Long . " , và có hàng chữ đếm ngược báo còn bao ngày nữa sẽ tới ngày mở hội . Chắc ngày ấy Hà Nội sẽ tưng bừng ăn mừng rất lớn . May mà chúng tôi tới thăm Hà Nội vào giờ này , chứ không vào ngày lễ Hội lớn , đông người kẹt xe chẳng đi được đến đâu .
Buổi tối chúng tôi đi tham quan chợ đêm Đồng Xuân . Nguyên một dãy phố Hàng Đào , Hàng Ngang , Hàng " dọc " .... đèn đuốc sáng trưng . Trên con phố hàng quán bày bán chủ yếu là quần áo đủ loại , từ quần áo phụ nữ áo trong áo ngoài ,hàng mỹ ký vòng khoen , nhẫn , dây chuyền mạ kim loại sáng bóng , nhưng không hề bày bán áo tứ thân tứ thiếc có lẽ ít khách mua chăng . Khung cảnh cũng từa tựa bên Bắc Kinh , hiếm có chỗ bày bán mấy chiếc áo xường xám xẻ dọc tới háng . Người đi xem khá đông đúc , có chỗ phải chen chúc dò dẫm đi . Tôi cẩn thận mang ít tiền bạc thôi , có mất thì chỉ chút ít thôi . Tôi nghe phong phanh là có một số du khách bị móc túi , lên Ban Quản Lý Chợ Đồng Xuân khiếu nại và được trả lời :" Chúng tôi chỉ quản lý các gian hàng cửa hiệu buôn bán trong này thôi . Còn cái việc trộm cắp chúng tôi biết chúng nó là ai đâu mà bắt . " Không thấy bóng dáng người ăn xin đứng lang thang hay ngồi bệt xuống đất lạy ông lạy bà . Duy nhất chỉ có hai đứa bé một trai một gái chừng năm sáu tuổi nằm trên một mái hiên một cửa hàng đã đóng cửa , bên trên treo một băng rôn chữ vàng :
Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người
Chúng nằm chèo khoeo , mặt mũi áo quần bẩn thỉu . Nhìn hai cảnh tượng ấy có vẻ mỉa mai quá . Bên cạnh là một cái nón cũ mèm . Khách qua đường thương tình , có người thảy vào cho vài ngàn đồng . Tôi đứng ở góc xa quan sát chúng . Được một chốc hai đứa trẻ đó vơ ít tiền thu được và chạy vọt đi . Chắc chúng đi kiếm một cái quán nhỏ nào để mua thức ăn tối chăng . Tôi cũng không hiểu là có rất nhiều người dân xứ Bắc Trung Nam , người nghèo rất nhiều , bị mất ruộng đất cũng khá do sự xây cất các sân gôn , các nhà máy hay khu chế xuất . Họ không được đền bù thỏa đáng . Dân nghèo không có tiền trợ cấp hay lương thực hàng tháng . Họ sống ở đâu , lang thang nơi nào . Quả thật chúng tôi không biết .
Sáng thứ bảy ngoài đường phố Hà Nội mưa lất phất bay . Giờ này mới chừng sáu rưỡi sáng , trời hơi ửng sáng . Tôi bước ra ngoài khách sạn , tính tản bộ lòng vòng quanh xem dân tình sống làm sao . Cách đó không xa một cái quán ven đường bày biện vài chiếc ghế đẩu . Xung quanh một vài ông ngồi kéo điếu thuốc lào rọt rọt , bên cạnh là bát nước chè xanh còn nghi ngút hơi khói . Tôi đi lòng vòng khắp mấy con phố không thấy dáng một quán cà phê ven đường . Ngay cả đến hàng bún măng bún mộc bún riêu bánh cuốn cũng chưa mở . Thành phố Thiên Tân , Bắc Kinh cũng vậy , sáng sớm mọi sinh hoạt có vẻ trễ nải hơn . Càng đi về các vĩ tuyến cao , con người càng làm biếng , thức dậy trễ hơn chăng .
Một hai ngày trước , sáng nào cũng xuống nhà hàng khách sạn ăn sáng , tôi gặp vài nhân viên nhà bếp đang sửa soạn thức ăn . Nghe tiếng phở Hà Nội có tiếng từ lâu , tôi nói cô nhà bếp cho một chén phở tái . Tôi gọi là chén chớ không phải là tô vì cái chén nhỏ hơn cái tô nhiều . Nước phở trong vắt nhàn nhạt đậm đà toàn hương vị bột ngọt . Phở ngon nhất là nước lèo (nước dùng ) , những thứ khác chỉ là phụ thôi . Không có rau thơm , ngò gai húng quế . Vài cọng giá cũng không thể nào kéo lại sự thèm thuồng của hương vị phở . Cách đây hơn 20 năm bà nhà tôi có dịp ra Hải Phòng kêu tô phở tái chín . Phở cũng không rau rợ gì , bên cạnh là một chén mì chính để khách tự nhiên thêm thắt cho khẩu vị mình . Ngày hôm nay tôi không thể nào ăn hết chén phở nhỏ . Tôi không biết nhà văn Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng miêu tả các tô phở sao ngon lành quá , không bút mực nào kể xiết . Có lẽ phải nhịn thật đói ba bốn bữa chăng .
Sáng khoảng 7 giờ từ trong khách sạn nhìn ra ngoài , tôi nhìn thấy một xe công an đang hốt vài cái ghế , thúng quang gánh của một bà cụ lên xe . Bà cụ nhìn theo có vẻ tiếc nuối , ngẩn ngơ không biết lấy tiền đâu mà sống qua ngày . Cạnh đây là một bác đang ngồi rút căm xe cho một khách qua đường . Khách là một bà sồn sồn, nhìn dáng có lẽ là công nhân một xí nghiệp nào đó .
- Bác chỉnh hộ em cái phanh xe . Em phanh phanh mãi mà nó không chịu dừng lại .
- Chị làm cách nào mà phanh xe ?
- Thì em phanh phanh như thế này .
- Không đúng , chị phải nhảy xuống xe dùng dép mà phanh lại , phanh xe mới lâu hư .
Bây giờ Hà Nội cũng như Sài Gòn đầy xe gắn máy mô tô nhưng vẫn có khá nhiều xe đạp . Tôi không biết có còn cảnh một người lái , một người được đèo đằng sau phải đẩy xe cho có đà rồi nhảy phóc lên băng sau xe . Y như biễu diễn trò xiếc vậy .
Bà nhà tôi rủ tôi đi xem chợ Long Biên bán trái cây hoa quả . Chúng tôi hỏi thăm đường . Băng qua phố Nguyễn Hữu Huân và băng qua đường là khu chợ Long Biên . Vì trời mưa nên đường vào chợ lầy lội , tạo nên một lớp sình khá dày . Dù tôi đi thật chậm , nhỉnh mũi dép Nhật lên cao , nhưng đất sình đen vẫn bắn lên cả quần áo . Muà này họ bày bán đủ loại trái cây , ngoài các loại hoa quả ưa chuộng như măng cụt , cam sành , cam Bố Hạ , nhãn Hưng Yên còn có những đặc sản từ miền Nam đưa lên như chôm chôm , xoài cóc và có cả những giỏ cần xé đầy loại xoài Thái xinh xắn . Chợ Long Biên bán sỉ và lẻ cho khách hàng và con buôn .
Vừa lúc ấy chúng tôi gặp hai ông bà người Tàu , tiện thể chúng tôi rủ qua chợ Đồng Xuân . Trời vẫn còn mưa lai rai nên chúng tôi đón tắc xi qua chợ Đồng Xuân . Xe đi chưa đầy hai phút đã tới chợ . Ngôi chợ khá sạch sẽ , tươm tất như chợ Bến Thành , Sài Gòn , nhưng không đông khách bằng . Khi ra tới ngoài này , chúng tôi được dặn dò phải khéo lịch sự khi mua hàng , kẻo bị mắng vốn vào mặt . Tôi lẽo đẽo theo bà nhà tôi qua hàng chạp phô . Thấy vợ chồng tôi bà chủ sạp hớn hở chào mời :
- Ông cần thứ gì ? Nấm đông cô hả . Hàng của em tốt nhất chợ đấy . Mua nhiều em tính rẻ cho .
Một bà bên sạp khác nhoẻn miệng cười tươi :
- Hay là mua bưởi của em nhé ! Vừa to vừa ngọt .
Nhìn mặt bà chủ sạp khá xinh xắn , tôi mường tượng đến năm xưa ông Trạng Quỳnh mua chim bồ câu ở một góc chợ Đồng Xuân, tôi ngài ngại không dám đáp lại .
Giá cả trong chợ Đồng Xuân tương đối rẻ hơn các chợ trong Sài Gòn , như chợ Phú Nhuận , Bà Chiểu hày chợ Bến Thành , Kim Biên . Hầu hết các sạp đều bày bán các hàng đồ khô , các loai đậu đen , đỏ xanh vàng . Hàng bún miến được bọc trong các bao bì ni lông . Đặc biệt họ trưng bày một loại bún gói trong bọc màu xanh rêu nhàn nhạt , có vẻ mông mốc .
- Bún chi mà lạ vậy bà chủ ?
Bà chủ quán tươi cười :
- Không phải bún đâu bác . Đó là rau tiến vua . Rau này ngày xưa chỉ dành riêng làm gỏi cho vua chúa ăn thôi . Bác mua vài kí về làm quà .
- Sao chị lại biết mua về làm quà biếu ?
- Ui chua chao ơi , nhìn mặt bác là biết ngay .
TS 10.7.09
Saturday, July 11, 2009
Subscribe to:
Posts (Atom)