Khách sạn chúng tôi tạm trú có tên là Twin Hotel , nhìn thoáng qua nó có vẻ khá khang trang sạch sẽ , cao chừng mười mấy tầng , nhưng nó chỉ được xếp vào loại 3 sao . Trước khi chúng tôi nhận tấm thẻ điện tử để mở cửa phòng , anh Khục Khặc dặn dò :
- Quí khách nào muốn đi coi chợ đêm thì nửa tiếng sau xuống tập họp nơi đây , tôi sẽ dần quí vị đi thăm cho biết .
Nghe từ đằng sau , một giọng nói của một bà vang lên :
- Chợ đêm bán thứ gì vậy ông ? Có hủ tiếu hay bò kho gì chăng ?
Ông Khục Khặc cười nhẹ :
- Hổng có đâu . Chợ đó bán toàn là trái cây hông à . Nhưng mà tôi dặn quí khách một chút . Đừng mua sầu riêng với lại măng cụt . Tại sao à ! Khách sạn này ngoài chúng ta ra còn có nhiều du khách Âu Mỹ , nhiều người họ không chịu nổi cái mùi vị thơm tho này đâu . Còn măng cụt thì khách sạn họ không chịu , nhựa của nó dính vấy vô thì hổng giặt ra .
Trong phòng , tôi hỏi bà nhà tôi có muốn đi xem chợ trái cây của xứ Thái không , và đáp lại là cái lắc đầu nguầy nguậy :
- Tưởng cái gì chớ chợ bán trái cây hồi xửa hồi xưa ngày nào mà tui chẳng đi coi . Ông có muốn đi thì xuống đó mà đi , để mẹ con đi ngủ .
Tôi chợt nhớ lại , đúng vậy . Bà nhà tôi và cậu con trai lớn đã ở trại tị nạn Panat Nikhom , Thái Lan gần chín tháng . Người Thái dựng lều lợp chợ để bán đồ đạc thức ăn cho dân tị nạn . Từ món phở , hủ tiếu , bún riêu bún ốc cho đến các thứ rau rợ , như rau muống bầu bí dền mồng tơi . Bà nhà tôi cứ nhắc nhớ đến một thứ mà bên Mỹ ít có bán , tỏi gà . Mười baht một kí . Năm 1987 một mỹ kim đổi chừng 20 baht .
Nghe vậy tôi hơi buồn một tí , đi du lịch gì mà cứ đến tối lại chun vô giường sớm quá . Thức giấc vào khoảng bốn giờ sáng , tôi không biết phải làm gì . Mở ti vi thì ồn quá , chun vô mền phá bà nhà tôi thì không tốt . Tôi bèn lò mò ra cầu thang máy để xuống tầng chệt khách sạn . Bên cạnh đó là một bàn thờ nho nhỏ trên có để một pho tượng toàn thân sơn thếp vàng óng ánh . Mặc dù không hiểu nhiều về lịch sử và các nhân vật xứ Thái , nhưng tôi cũng đoán ra đó là tượng khắc tạc nhà vua Thái đương thời , vua Bhumibol Adulyadej . Khoảng năm 1960 tôi có dịp nhìn thấy ảnh nhà vua này trong các tờ báo Chính Luận , Tin Sáng ở Sài Gòn . Dạo đó có lẽ ông ta có dịp đi thăm viếng miền Nam do lời mời của cố tổng thống Ngô Đình Diệm .
Ông vua này mặt mũi lúc nào cũng nghiêm nghị , lạnh lùng . Thuở còn bé tôi nghe một ông thợ hớt tóc gần nhà, nói là nhà vua hình như bị một chứng bệnh gì đó không sống quá 60 tuổi . Nào ngờ những lời bốc tướng đó đoán trật lất . Nhà vua Thái năm nay 80 tuổi vẫn còn mạnh khỏe , tuy rằng ông vẫn hay ra vào nhà thương luôn (?) .
Đang đứng lớ ngớ quan sát pho tượng nhà vua Thái , bỗng tôi cảm thấy như có ai đứng đằng sau lưng . Quay lưng lại tôi thấy ngay , đó là một gã đàn ông trong trang phục Âu Tây đang dòm chừng tôi . Tôi khẽ chào và bước hẵn ra một bên . Ông khách kia bước tới bức tượng vàng chắp hai tay lại đưa lên mặt , vái vái vài cái rồi bỏ đi . Thái độ của ông ta rất thành khẩn và trang trọng . Đợi ông ta rảo bước đi xa , tôi quay lại bàn thờ nhỏ đó và đứng nhìn tiếp . Tượng này không biết toàn đúc bằng vàng thật hay chỉ là sơn son thếp vàng như cái ông bác nhà tôi , mà hình như dựng đặt để ở trong góc các hội trường lớn bé . Xứ Thái nổi tiếng là nơi có nhiều chùa vàng chùa ngọc , đỉnh được dát bằng vàng thật lóng lánh chiếu sáng cả một góc trời , có lẽ nào đâu lại làm hàng giả như cái của ông bác tôi . Mà giá như được đúc bằng vàng thật , chắc cũng không tồn tại được được bao lâu . Tự dưng tôi lại linh cảm như ai đứng dòm ngó sau lưng tôi , quay lại tôi nhận ra có một bà sồn sồn , da dẻ hơi ngâm ngâm . Tôi đành phải bước đi và dòm chừng xem . Bà ta cũng giơ hai tay lên ngang mặt , xá xá mấy cái trước cái tượng toàn thân của vua Thái . Quả thật , nhà vua Thái trong suốt gần sáu mươi năm trị vì , được coi như tại vị lâu nhất trong các quân vương trên thế giới , và được sự kính trọng tôn kính của toàn dân Thái Lan . Tại quê hương tôi thì sao , tôi chưa bao giờ thấy bất cứ một ai đứng trước di ảnh hay di tượng ông bác đó van vái xá xá gì đó , hoặc có chăng chỉ là những lời ai oán của hàng trăm ngàn người dân bỏ mạng trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất hay của toàn thể Quân Dân Cán Chính của miền Nam Việt Nam sau 75 đến nay .
Ngay khi bước ra khỏi khách sạn , tôi thấy ngạc nhiên . Tối đêm qua chung quanh khách sạn vắng như chùa bà Đanh , bỗng dưng bây giờ xuất hiện những sạp bán quần áo đủ màu đủ kiểu . Chủ các sạp im ắng sắp xếp quần áo hàng hóa trên các dãy dây phơi . Tôi đi lòng vòng quanh khu đó xem xét coi ra sao . Không thấy có hàng quán cà phê hay quán ăn . Như ở Sài Gòn hay bất cứ thành phố lớn nhỏ nào , nơi nào có sạp hàng buôn bán là có quán cà phê dã chiến hay tiệm bán nước , bán cơm ngay và dĩ nhiên không thể nào thiếu được tiếng cười nói ồn ào của khách hàng . Ngoài đường lộ thỉnh thoảng có tiếng máy nổ bịch bịch của xe tuk tuk , một loại xe chuyên chở nhẹ tương tự như xe lam ba bánh của Sài Gòn trước năm 75 . Vài chiếc tắc xi , xe hàng chạy ngang . Nhưng không hề nghe tiếng bóp còi xe inh ỏi như ở quê hương tôi . Kẻ buôn bán , khách đi chợ giờ này chưa đông lắm , họ trả giá mặc cả . Chủ sạp chủ quán ai nấy đều có một máy tính cộng trừ nhân chia bằng điện tử . Họ giao dịch với nhau qua những con số hiện trên máy tính . Khi tôi qua bên Bắc Kinh, hay Thiên Tân cũng vậy . Ngôn ngữ thì bất đồng nhưng đồng thuận ngay với những con số . Ở Việt Nam chưa được phổ thông lắm , hay có chăng chỉ giới hạn vài chỗ như ở chợ Bến Thành , nơi có nhiều du khách ngoại quốc tới mua sắm . Lúc này một Mỹ kim đổi được 33 tiền baht . Tôi hỏi thử vài mẫu áo quần , giá cả cũng khá rẻ . Một áo sơ mi hay áo thun polo chừng ba đô , quần dài chừng vài đô . Áo thể thao hàng nhái của Polo , Tommy , Cá sấu , Nike giá rẻ . Tôi thì không mặc hàng đồ hiệu . Hàng thật còn chưa mua , huống chi là hàng đồ giả . Bên Pháp , Đức , Ý , Anh hành khách qua những phi trường quốc tế nếu mang hay mặc trên người hàng nhái lại sẽ bị phạt tiền , có thể đến hàng trăm đô cho mỗi loại .
Saturday, December 11, 2010
Subscribe to:
Posts (Atom)