Về Mỹ
Anh tài xế tắc xi ViNa Sun chất vài va li vào cốp xe xong và hỏi chúng tôi :
- Ông bà vào cổng nước ngoài hay quốc nội . Nước ngoài hả ? Ô kê .
Anh tài xế dùng chữ Ô Kê vô tội vạ . Có lẽ biết chúng tôi là người nước ngoài về nên ông ta mới vậy . Còn nếu như gặp cán bộ đi công cán thì sao , có thể anh ta nghiêm trang mời : "Mời các đồng chí " nên " xe .
Xe đang đi chầm chậm ngay ngả ba đường tại phi trường Tân Sơn Nhất . Đường vào cổng đi trong nước phải quẹo trái . Đường đi nước ngoài , hai ba tuyến nhập lại một . Anh tài xế trẻ này nhanh nhẹn bóp còi inh ỏi , tiến xe lên , len lỏi chen vào được trong hàng xe hơi .
Chúng tôi ngồi trong xe , lắc đầu mở to mắt ra nhìn .
- Ở đây sao các bác tài không nhường nhịn nhau , chậm đi một chút có sao đâu ! Len lấn kiểu này dễ xảy ra tai nạn lắm .
Anh tài xế đáp :
- Chạy như hai bác chắc đến tối cũng chưa vào được cổng ngoài . Hai bác và các em cứ yên tâm ngồi , thế nào cũng vào cổng đúng giờ mà .
Phi trường Tân Sơn Nhất cửa đi nước ngoài bao giờ cũng đầy người , kẻ đón người đưa . Có người sụt sùi tiễn người thân , có kẻ vui mừng sung sướng . Hôm nay chính tôi lại đưa tiễn bà nhà tôi và mấy đứa con về Mỹ .
Bà nhà tôi dặn dò :
- Mắt mũi ông như vậy , nhớ lúc về đừng mua sắm gì hết .
- Sao vậy ?
- Thì vai xách nách mang nặng hại cho con mắt lắm .
- Ừ . Thôi đưa tui mấy cái sổ thông hành . Đó ! Mấy cô ở quầy soát vé ra làm việc rồi . Bà với mấy đứa nhỏ đứng đây để tui đưa vé cho họ .
Khi đến phiên chúng tôi , cô sóat vé trong đồng phục xanh dương xem qua mấy cuốn sổ passport và coi tới mấy tờ nhập cảnh visa .
- Chú ơi ! Trong bốn cái này có một cái không hợp lệ .
- Không hợp lệ là sao hả cô ?
- Cái ngày tháng của bà nhà ông hết hạn rồi . Hôm nay là ngày 26 tháng 7 mà trên tờ visa ngày hết hạn là 26 tháng 6 .
Chúng tôi đều ngạc nhiên , xin cô ta mấy tờ visa coi lại . Tất cả đều giống nhau , ngày hết hạn ở Việt Nam là 15 tháng 9 , trừ tờ của bà nhà tôi . Mấy tờ visa làm bên Mỹ khi qua bên Thái Lan thì bên Việt Nam tịch thu hết và chúng tôi phải đóng lệ phí 40 đô cho mỗi người làm lại visa khác để nhập cảnh vào Việt Nam .
- Bây giờ chúng tôi phải làm sao ?
Trong đầu tôi thoáng qua một ý nghĩ : " Thủ tục đầu tiên " chăng ? Đóng thì đóng chẳng lẽ ở lại đây sao .
Cô soát vé giơ tay chỉ :
- Ông bà đi theo con đường đó đó . Ở góc bên phải có trạm công an , ông bà cứ đưa giấy tờ cho họ xem .
Chúng tôi đang lơn tơn đi tìm xem văn phòng trạm công an nằm đâu , chợt nghe tiếng ai gọi giật lại :
- Anh chị đi đâu vậy ?
Chúng tôi quay lại , bắt gặp một anh công an trong quân phục chỉnh tề , nhưng chân lại đi dép nhựa .
- Dạ , có cái tờ visa này của bà nhà tôi lại hết hạn . Tất cả năm người đều từ Thái Lan về , qua cửa khẩu này đóng dấu mà không hiểu sao cái tờ này kỳ cục quá .
Anh công an trẻ tuổi nhìn chúng tôi một lát đoạn chăm chăm vào mớ visa chúng tôi đưa trình , hắng giọng :
- Công an cửa khẩu chúng tôi chẳng bao giờ sai trái cả . Cái này tại cơ quan nào làm sai đấy thôi . Anh chị cứ ngồi ở đây để tôi vào trình thủ trưởng xem sao .
Khoảng chừng đâu 30 phút , anh công an cầm tờ nhập cảnh giao trả cho tôi . Lần này phải nhìn cho kỹ . Trên ngày hết hạn họ xoá đi và đề ngày tháng khác . Bên cạnh đóng một dấu công an hình ngôi sao đỏ .
- Xong rồi , như tôi đã nói . Việc này là do bên Công ty du lịch Saigon Tourist ghi bậy .
Tôi nói lời cám ơn , chẳng buồn cãi lại làm chi , chúng tôi chỉ cần làm đúng thủ tục để còn mau chóng ra chờ máy bay đi về .
Chúng tôi vòng trở lại chỗ soát vé . Nơi đây chỉ còn lại gia đình chúng tôi với mấy cái va li . Tôi đứng đợi xem hành lý có thoát được sự kiểm tra của hải quan không rồi mới trở về .
Năm 2000 tôi có dịp qua bên Bắc Kinh cùng với ba người bạn cùng hãng . Lúc qua trạm kiểm soát công an , chúng tôi trình passport và chỉ mình tôi bị giữ lại và được đưa vào một gian phòng . Tôi hỏi lý do thì anh công an trọ trẹ bằng tiếng Anh : " Mặt ông không giống hình trên sổ hộ chiếu . " Rồi ông công an đó trình sổ thông hành cho một anh công an khác có lẽ là cấp trên của anh ta . Qua lời đối thoại của hai người bằng tiếng Trung Hoa , lâu lâu họ lại chỉ vào hình chụp của sổ passport và quay sang trỏ qua tôi . Hình trên passport tôi không mang kiếng . Nhận định ra thế tôi vội vàng tháo mắt kiếng xuống . Anh công an cấp trên nhìn tôi thật kỹ , cuối cùng vẫy tay cho đi .
Tất cả hành lý của chúng tôi đều được tải chuyền bằng đường băng và qua một máy khám bằng quang tuyến .Thấy tôi đứng lòm nhòm ngoài cửa , một ông trong sắc phục màu cà phê sữa , có lẽ cũng là công an hải quan , bước ra hỏi :
- Phải cái va li của anh không ? Trong này chứa đồ quốc cấm .
- Dạ có gì cấm ạ ?
- Ông không thấy à , đấy tôi lôi ra cho ông xem . Toàn là DVD Karaoke của Paris By Night , Asia .
Tôi đoán chừng đâu một trăm dĩa . Những dĩa này nguyên thủy sản xuất ở Mỹ hay Pháp gì đó , nhưng mấy bản sao này được sao chép tại Việt Nam . Bây giờ châu về hiệp phố cũng không được . Các ổng gọi là cấm thì nó là cấm .
Tôi không muốn mua mấy thứ này về Mỹ , nhưng không hiểu sao cô em tôi quí chúng tôi quá , ra ngoài thương đa Tax mua tặng cho . Theo như tôi biết mỗi đĩa như vậy chừng đâu 15 đến 20 ngàn , có thể là một đô một dĩa .
- Ông bà bây giờ phải đóng phạt ... hai trăm đô .
Bà nhà tôi hơi bực trong lòng , sẵng giọng :
- Thôi bỏ nó đi . Ca ra ca vô . Ông mà ca tui chẳng ngủ nghê gì được hết .
Ông công an hải quan nhìn dáng bà nhà tôi , dịu giọng xuống :
- Thôi được , chỉ phạt nhẹ cảnh cáo thôi . Tám chục đô . Xong rồi , chúc ông bà và các cháu thượng lộ bình an .
Tôi chỉ tiễn đưa vợ con tôi tới trạm công an thôi . Vì qua khỏi trạm này , công an sẽ lấy lại tờ nhập cảnh . Tôi còn ở lại đến cuối tháng Tám mới về . Mấy đứa con vẫy chào bước đi , lòng tôi như thắt lại . Chưa bao giờ phải xa chúng nó dù là vài ngày .
Trên đường ra cổng ngoài phi trường , tôi chợt thấy một ông mặt mày có vẻ bâng khuâng đi cùng hướng với tôi . Nhìn ông ta có vẻ quen quen . Tôi nhíu mày nghĩ ngợi :
- Phải ông Tửng làm ở chợ May Tét không ?
Ông ta ngập ngừng nhìn tôi rồi gật đầu :
- Lúc trước làm ở đó , giờ nghỉ rồi . Ông không biết cái chợ May Tét dẹp tiệm rồi sao ?
- Có nghe qua , hình như lúc trước là chợ May Hảo . Chợ này đang làm ăn được quá , tự nhiên đổi tên thành May Tét ( đúng ra tên chợ là May Teh , nhưng bà con đầu đen , đọc khó quá thành thử gọi là May Tét cho dễ ) . Rốt cuộc chợ te tua , có lẽ không đủ tiền trả tiền sở hụi nên dẹp tiệm )
- Trông anh cũng quen quá , ở Arlington phải hông ?
- Không , tui ở thành phố Fort Worth , thỉnh thoảng đi chợ trên này . À này anh về Việt Nam chơi hả , thăm gia đình ? Ông cụ bà cụ còn khỏe mạnh không ?
Ông Tuấn lắc đầu buồn bã :
- Không , ông bả mất "gồi " .
Ông ta tên là Tuấn , nhưng nghe mấy bà đi chợ quen gọi là anh Tửng , anh ta cũng vui vẻ đáp lại . Tuấn Tứng Tửng gì nghe cũng na ná như nhau . Đồng âm nhưng khá phản nghĩa . Qua giọng nói của ông ta có lẽ là người Hoa sinh sống ở Sóc Trăng Rạch Giá gì đó . Âm rờ hay nói thành gờ .
- Dzậy anh về chơi đi thăm các cảnh quan Việt Nam hả ?
Ông Tuấn lắc đầu :
- Cảnh kiếc có gì mà coi , tui dìa coi mắt vợ .
Câu trả lời của ông ta làm tôi chưng hửng quá . Theo lời bà nhà tôi kể lại . Anh Tửng này lấy cô Muối con bà Lạc Đà . Chồng bà họ Đà con cháu Đà Lôi , cháu chắt gì đó của Thành Cát Tư Hãn , có thời di cư sang Vân Nam lập nghiệp , gặp bà Lạc ở Móng Cái . Sau 75 ông bà này di tản sang Hồng Kông và cuối cùng về thành phố tôi đang ở . Bà ta lấy chồng họ Đà , nên sang đổi thành Đà thị Lạc . Người Mỹ trong hãng bà ta cứ gọi bà ta là Lac Da , âm nghe na ná như là Lạc Đà . Tôi cũng nghe trước khi lấy cô Muối , ông Tửng này đã có vợ con ở Việt Nam . Và với cô Muối đã có thêm một mặt con . Ông Tửng này có lẽ cũng ngang cỡ tuổi tôi , gần sáu bó rồi mà vẫn còn gân sức để qua cầu . Con người ta qua cầu gió bay một lần cũng đủ , mà ông ta gió kéo qua cầu đến ba bốn lần .
- Coi mắt vợ rồi , sao hôm nay về Mỹ còn quay trở lại . Thương ai nhớ ai quá rồi chăng ?
- Ừ ! Đúng ra giờ này tôi trên đường về Mỹ , nhưng lúc nãy làm xong thủ tục , cân đong hành lý cũng xong "gồi" . Tui nhớ cô vợ nhỏ bé quá , bèn đi ra ngoài cửa tâm sự cho vơi niềm nhớ . Nào dè ngồi mãi coi lại đồng hồ , chạy vội vào thì phi cơ đã bay xa rồi . Đáng lý ra phi trường phải gọi loa mới được chớ.
- Không sao đâu anh Tửng , tuần trước tui ra đổi vé ngày về , cũng gặp một cậu thanh niên lâm vào trường hợp như ông . Thay vì Tiễn anh ra phi trường , ông có thể hát bản Tình Ca Người Ở Lại .
Đột nhiên mắt ông Tửng trở nên mơ màng :
- À há ! Tối qua tụi tui hát Karaoke , em cứ ca bài Ở lại nhé anh .
Và ông ta chợt hát lên khe khẽ :
... Ở lại nhớ cho , trong ta tình còn cơn nắng . Một ngày bên em , nơi ta là nỗi nhớ ngàn năm .
Giọng ông ta thật trầm ấm , nếu ông ta phát âm chuẩn giọng Hà Nội , có lẽ tiếng hát ông ta không thua kém gì ca sĩ Quang Dũng .
Ông Tửng và tôi hai người ở lại , nhưng mang hai tâm sự khác nhau . Một đằng nỗi buồn da diết , mang nỗi nhớ những chiều mưa ngập tràn thương nhớ , còn một đằng dòng sông yên ắng , bỗng dưng một chiều dâng sóng , rồi cuồng điên yêu ai một tình yêu vô vọng .
- Ở lại xót xa
Đừng quên tay còn hơi ấm
Từng giọt yêu thương
Ta nghe "gơi gớt " vào thinh không
Chu' thi'ch : Ở lại nhé em . Ta'c gia? Dieu Huong .
7/11/2009
Saturday, November 7, 2009
Subscribe to:
Posts (Atom)