Friday, December 24, 2010


------------------------

Một chuyến du lịch qua Thái

Bảy giờ sáng tôi trở về khách sạn , lên trên phòng vẫn thấy mẹ con nhà tôi còn đang say giấc ngủ . Tôi lặng lẽ quay xuống tầng hai khách sạn tìm cái gì lót bụng . Ở đây chúng tôi được đãi ăn sáng free , theo kiểu buffet muốn ăn muốn uống chi , cứ tự nhiên ( vô tư ) thả giàn . Tuy là khách sạn 3 sao , nhưng tôi thấy họ phục vụ những món ăn sáng khá phong phú . Từ bánh mì lát mỏng sandwich , bánh mì Pháp , bánh croissant con cua , cereal đủ loại đến sữa tươi , nước cam , cà phê v.v...

Tôi đang thư thả ngắm nhìn phong cảnh lờ mờ của thành phố Bangkok qua khung cửa kính lờ mờ xa xa , bỗng nhiên một đoàn người mấy chục mạng từ đâu kéo đến ,ồn ào như tổ ong vỡ . Đàn ông có đàn bà có , đầu đội nón lưỡi trai xanh dương bu đến các dãy bàn có thức ăn . Nghe tiếng nói lổn ngổn và đầy chất giọng quê hương , tôi biết ngay đó là những người đồng bào của mình . Họ ăn uống một cách thật tình , muỗng nĩa va chạm linh kinh .
- Ê mạy , món này ăn ra sao ? Dùng xiên hay thìa ? A ! Cái món ni lạ rứa , nhìn giông giống như thịt ba chỉ . Còn trứng chi mà toàn mùi bơ . Khó ăn quá ! Thủ trưởng ơi ! Xin họ chai nước mắm được không ?

Không cần phải nhìn sang qua bàn của họ , tôi cũng biết họ đang xơi món gì . Đó là bacon , một loại thịt ba rọi thái mỏng chiên với dầu ăn . Mùi vị thơm tho như tóp mỡ . Trứng là món scramble eggs tương tợ như trứng bác của dân miền Bắc , đập vài quả trứng vào chảo , quậy quậy lên chừng mươi phút . Nhưng ở quê hương hoặc dùng muối hay nước mắm để nêm nếm , ở đây là khách sạn quốc tế nên món trứng này được dùng bơ thay thế .
Qua cách gọi ơi ới thủ trưởng thủ triết , tôi biết ngay những vị khách du lịch này không phải là Việt kiều , mà chắc họ cũng không phải là Việt kẹt vì những người dân bị kẹt lại ở quê nhà tiền đâu họ đi du lịch . Cũng chẳng phải là Việt cộng , vì qua lối ăn mặc theo lối công nhân , mặt mày họ vẫn còn son trẻ . Rất khác mấy ông Việt cộng tôi gặp khi chúng tôi đi ngang qua phi trường Hồng Kông để định cư ở Mỹ . Vào tháng 7 năm 1983 theo từng đợt , chúng tôi dân tị nạn khoảng 20 mạng lếch thếch từ đảo Galang sang Singapore bay rồi tới Hồng Kông để chuyển tiếp bay sang San Francisco . Tôi trên người chỉ có bộ đồ duy nhất , cái áo sơ mi bạc màu cùng cái quần jean Đức . Nói là quần Đức cho sang chớ thật ra là quần đứt cúc . Và lúc đó đi ngược đường là một toán người , nhìn qua cách phục sức chúng tôi biết ngay họ là những ông cán bộ đi công cán ở nước ngoài và bây giờ trở về nước . Chân họ đi dép nhựa , quần ka ki xanh Nam Định , áo trắng sơ mi bỏ ngoài quần và không quên trên đầu có một cái nón cối . Chúng tôi nhìn họ và họ cũng nhìn chăm chăm chúng tôi , không ai nói một lời . Chỉ trong vài phút , tầm mắt đã xa dần , chính những người anh em cùng dòng máu đã xua đuổi chúng tôi ra đi tìm vùng đất mới .

Tôi cười cười , hỏi ngay vị thủ trưởng của họ vừa bước trờ tới :
- Mấy ông du lịch Thái Lan mới sang chăng ?

Ông ta quay người lại . Nhìn dáng dấp ông ta chừng đâu hơn bốn mươi tuổi , mặt nghiêm , lạnh lùng trả lời :
- Không , chúng tôi tham quan xứ Thái rồi .

Nói xong ông ta ngoảnh mặt nhìn đám khách đang ồn ào ăn uống :
- Này các đồng chí , khẩn trương lên . Kẻo chúng ta không kịp ra phi trường thì khốn .

Đợi ông ta bước đi xa xa , tôi mới hỏi vài ông đang ngồi trên một bàn cạnh tôi :
- Mấy anh làm việc ở đâu vậy ?

Một anh nhanh nhẩu đáp :
- Ở tổng cục dầu khí miền Nam .
- Đi như vậy tự túc à ?
- Không , công ty bao cấp gần hết . Chúng em chỉ trả thêm chừng trăm đô la thôi cho mỗi người .

Chà ! Đoàn người cả mấy chục mạng được công ty bao cho đi du lịch chơi . Chắc hẵn công ty này cũng như công ty Vinashin làm ăn khấm khá lắm . Các công ty quốc doanh này trên thì báo cáo lỗ lã , nhưng lời lãi thì chia nhau ra xài . Cục dầu khí đưa nhân viên đi chơi , mà chắc nhân viên này phải là những người có thành tích phấn đấu cao , đạt được những chỉ tiêu . Còn như chúng tôi sau 75 lưu dung làm việc tại Viện Đ. C . thuộc Cục Đo lường Chất Lượng , mỗi năm hay mỗi mùa sau vài ngày Chủ Nhật lao động xã hội chủ nghĩa , cả sở làm lên Biên Hòa cuốc đất trồng khoai mì khoai lang . Cuối mùa mỗi nhân viên chia được một dúm khoai .

Hôm nao trò chuyện với một người bạn chung sở , nhắc lại chuyện ngày đó . Ảnh thỉnh thoảng được hai cô đồng nghiệp thỉnh thoảng ra mảnh vườn khoai XHCN bứt lá khoai mì khoai lang vô nấu canh bồi dưỡng . Nghĩ đến đây lòng tôi thấy nao nao buồn . Buồn một phần vì số phận đất nước con người Việt Nam , một phần là vì không được hai cô X. cô S. nấu cho ăn bồi dưỡng .


24/12/2010