Sài Gòn những ngày nắng hạ
Mấy anh em tôi đang ngồi bàn tán chuyện trò, bỗng nhác thấy một cậu trong quân phục màu xanh lá cây bước vào trong nhà . Chú Tôn giới thiệu :
- Thằng Hùng , con cô Huê đó .
Hồi năm 1995 tôi về thăm mẹ tôi , cháu Hùng ốm yếu nhỏ xíu hay chơi bắn bi ngoài đầu ngõ . Bây giờ trong quân phục xanh có lẽ chưa bao giờ được ủi thẳng li nếp và tôi nhìn mãi mới nhận ra nét mặt hơi giống mẹ cháu , cô Huê em tôi .
- Chào bác , bác ở Mỹ mới về .
- Ờ , bác ở Mỹ về đây ở cả tháng rồi , và bác chuẩn bị về Mỹ . Cháu vào bộ đội lâu chưa ?
- Dạ , cũng được một năm .
- Vậy đang đóng quân ở đâu ?
- Cháu chưa đóng quân vì đang huấn luyện quân sự . Hôm nay cháu về đây thăm bác . Ngày mai cháu đi tập bắn .
Sau 75 tôi từng tiếp xúc với vài anh bộ đội , nhưng đối với họ tôi có cái gì ngài ngại không dám hỏi hay bẻ lại những luận điệu thường ngày của họ . Nay gặp người cháu vào bộ đội , tôi e dè ướm hỏi thử :
- Cháu vào bộ đội học những gì ?
- Thì hầu hết cháu học về chính trị , bồi dưỡng nghiệp vụ , giữ vững tư tưởng .
- Thế thì bộ đội cháu có cảm nghĩ gì đối với người Mỹ trong cuộc chiến vừa qua .
- Bác muốn nói đến đế quốc Mỹ đó chăng . Chúng cháu vẫn phải học để căm thù bọn chúng .
À ! Hơn ba mươi năm qua , lòng hận thù của họ vẫn chưa tiêu tan .
- Thế thì đối với bọn Trung Quốc bá quyền phương Bắc thì sao ?
- Dạ , phải nhớ đến Mười Sáu Chữ Vàng , Láng giềng hữu nghị , Hợp tác toàn diện ,Ổn định lâu dài , Hướng tới tương lai .
- Vậy bác coi trong nét thấy họ nói là " Láng giềng khốn nạn , Cướp đất toàn diện, Lấn biển lâu dài , Thôn tính tương lai .
- Bác đừng nghe họ nói bậy nè .
Đúng vậy công tác vận động tư tưởng phải được chỉ đạo từ Bộ Chính Trị Đảng , họ nói sao thì quân và dân nghe như vậy . Anh nào nghe được thì cứ gật đầu , không ưng thì coi gương mấy bác ủng hộ dân chủ .
Cô em út tôi trông thấy nó , hỏi khéo :
- Sao mầy , mẹ mày hổng làm chà bông cho mày ăn , sao bò về sớm thế ?
Tôi đưa mắt nhìn cô em út , ra dáng dò hỏi . Cô em tôi cười :
- Bộ đội này đói lắm anh .
- Uả ! Tui tưởng trong bộ đội thức ăn phải có tiêu chuẩn , phải đầy bổ dưỡng để lính còn đi đánh giặc chớ .
- Nó hả , ở nhà ăn sung sướng quen rồi . Sáng không ăn phở , bún bò thì cơm tấm cá lóc kho tiêu . Trong quân trường nó nhai làm gì nổi mấy thức ăn bộ đội .
Hùng là con lớn của cô Huệ em tôi . Cao thước sáu , cân nặng giỏi là 45 kí . Tôi cũng có một đứa cháu Nam , con cô Lan , là em gái thứ tư ,đang phục vụ trong Thủy quân Lục Chiến Mỹ, bây giờ họ gọi nôm na là Lính Thủy Đánh Bộ . Có lần gặp cháu trong dịp nghỉ phép hàng năm , cháu kể lại là người Việt Nam vào hàng ngũ lính Mỹ , thường nhỏ con và thiếu kí lô . Lúc vào quân đội chỉ có mấy chục kí , sau khi mỗi ngày phải ăn đủ tiêu chuẩn của quân đội , bữa ăn sáng một ly sữa , hai lát bánh mì trét phô mai , hoặc thêm vài miếng bacon , thịt ba rọi hoặc là vài thìa trứng bắc . Trưa tối ngoài hamburger , xúc xích , khoai tây chiên còn có nhiều thức ăn để chọn , cá hồi xốt bơ , mì spaghetti , pizza . Chừng đâu một năm sau cháu Nam cân nặng hơn 70 kí và hiện nay cháu đang phục vụ trên chiến trường Iraq .
- Cháu nghe nói anh Nam là lính đánh thuê cho Mỹ phải không bác ?
Nghe câu nói của cháu Hùng đầy những thành kiến , tôi không biết làm sao cắt nghĩa giải thích cho suông đây .
- Giả sử cháu cùng gia đình cháu qua Mỹ định cư , thì coi như là thường trú nhân . Sau năm năm cháu có thể xin thi vào quốc tịch Mỹ . Cháu đến năm 18 tuổi , không thích tiếp tục đi học nữa , hoặc có thể đi kiếm việc làm , hoặc đăng ký vào quân đội Mỹ , hải quân không quân , thủy quân lục chiến ...
- Thế vào hải quân có cần biết bơi không ?
- Không .
- Vậy thì thằng bạn cháu tào lao không à . Nó kể lại là hôm vô phỏng vấn , thằng nào biết bơi thì vào hải quân , thằng nào biết sửa nhà sửa cửa thì vô quân cụ , còn như nó nói hay bị cà lăm ...
- Thì vô toán phòng không .
- Sao bác hay quá vậy . Nó sau này biệt phái về Sư Đoàn Phòng Không Bảo Vệ Thủ Đô .
- Như cháu đi lính như vậy , gọi là đi nghĩa vụ quân sự , sau một năm rưỡi . Thế cháu có định đi học lại không ?
- Cháu cũng không biết . Như thằng Hùng bạn cháu phục viên ra ngoài , được cấp cho một mảnh giấy để xin học nghề điện tử . Nó cầm tờ đó vào các cơ quan hay trung tâm dạy nghề . Đâu đâu họ cũng biểu đầy chỗ rồi , sang năm hãy tới . Cháu thấy vậy không biết phải làm sao .
- Thế nhà nước trợ cấp được bao nhiêu ?
- Chừng hơn hai triệu .
Tôi tính ra có lẽ hơn 150 Mỹ kim . Với số tiến ít ỏi này không biết cháu Hùng có thể làm được gì . Như cháu Nam tôi hàng tháng lãnh được khoảng 1700 đô la . Sau 5 năm phục vụ quân ngũ , nếu đi vào đại học sẽ được đài thọ học phí sách vở chỗ ăn chốn nghỉ hoàn toàn miễn phí .
- Mai mốt cháu tính làm gì ?
Hùng ngần ngừ đôi chút , dửng dưng đáp :
- Có lẽ làm nghề "dân biểu " như ba cháu , hoặc là ra ngoài mấy cái quán cà phê phụ việc .
Tôi nghe cô út kể lại , cháu Hùng thuở bé là cháu ngoan bác Hồ , nó mong mỏi được ra thăm lăng Bác với niềm ước mơ mãnh liệt sau mỗi lần ra thăm được tặng một ổ bánh mì không . Sáng nào nó cũng nghêu ngao hát " Đêm qua em mơ gặp bác Hồ.... ". Giá mà như tôi sẽ hát hơi khác một tí. May mà nó không ra thăm vì sẽ thất vọng vô bờ , vì bây giờ không còn bánh mì để biếu tặng nữa .
Thanh niên nam nữ Việt Nam từ thuở bé phải học tập theo gương Bác , lớn lên tí nữa vào trường lớp phải nghe theo thầy cô học triết lý Karl Max ,Lenin , tư tưởng bác Hồ . Ra khỏi trường trung học lại phải tập làm quen với súng . Và ra đời làm quen với chiếc xe ôm hay gánh hàng rong .
- Sao cháu không đi làm bảo vệ ?
Hùng chép miệng :
- Làm bảo vệ phải to con , biết vò vẻ võ nghệ . Nhỏ con như cháu biết vật nổi ai .
Tôi biết đám con cháu nhà tôi , không có ai làm chức cao quyền rộng trong xã hội hiện nay , không có đủ quyền lực và tiền tài để đưa con cháu ra nước ngoài du học hay tu nghiệp . Ra đời lại lận đận với hai bàn tay trắng tay đen , nối tiếp cuộc đời của cha mẹ để lại .
11/9/09
Tôi đang nằm coi truyền hình tuốt trên tầng hai , bỗng nghe tiếng cô em út văng vẳng gọi dưới tầng trệt :
- Anh An ơi ! Có cô nào tới kiếm anh nè .
Tôi hơi ngạc nhiên , vì từ hôm tôi về VN chơi đến nay chỉ có vài người bạn trên nét . Khi nào uống cà phê thì họ gọi cho tôi . Đâu có ai biết cửa nẻo nào mà tìm đến . Tôi thủng thẳng bước xuống nhà . Khách là cô em gái của người bạn thân tôi học từ thuở bé . Hắn bây giờ ở bên Mỹ cách nhà tôi nửa giờ lái xe .
- Ngồi chơi cô Thanh .
Cạnh cô Thanh là giỏ trái cây xinh xắn , bao gọn vài trái chôm chôm , na , nhãn , mãng cầu , thanh long , măng cụt . Cô em gái bạn tôi cũng khéo , có lẽ không biết tính kén ăn của tôi . Trái cây hoa quả tôi chỉ ăn có hai loại , chuối và đu đủ , nên tôi dửng dưng nhìn giỏ hoa quả . Cái này chỉ béo cho mấy đứa con gái của tôi thôi .
Tôi cười xã giao và tay đỡ lấy giỏ trái cây .
- Tới chơi thôi cần chi mà khách sáo thế .
- Đâu có chi anh . Em tính nhờ anh là tuần sau anh về Mỹ hả ?
- Ừa .
- Nếu vậy cho em gởi ít quà cho anh Tư em được không anh An ?
- Được thôi , nhưng đừng quá 50 cân .
- Không , em chỉ gởi cho ảnh tí cá cơm chiên với tí mắm ruốc . Anh đi đường cẩn thận coi chừng nó bị đổ .
Ngồi nói chừng dăm ba câu chuyện , tôi quay sang hỏi thăm hoàn cảnh gia đình cô em bạn tôi .
- Sao anh Thanh chồng cô dạo này ra sao ? Tui muốn gặp ảnh chuyện trò vài câu .
- Anh Thanh hả ? Ảnh ra ngoài Hà Nội họp rồi . Tuần sau ảnh mới "dzìa " .
Thanh là bạn đồng học cùng lớp với cô em gái bạn tôi , có gia đình cách mạng . Tôi không biết bố anh ta làm đến chức gì , nhưng qua lời bạn tôi kể lại là chồng cô ta coi sóc mấy cái cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia . Mỗi lần về thăm vợ , hắn giao cho vợ một túi da đầy ăm ắp tiền đô la .
Tôi cười và nói đùa :
- Bây giờ anh đang thất nghiệp , em hỏi anh Thanh có công việc nào giới thiệu cho anh làm được không . Cứ tháng tháng có một tập cặp da dày cộm là được rồi .
Cô Thanh cười , khoe đôi hàm răng đều và đẹp :
- Anh An nói chơi hoài . Ảnh công chức nhân viên nhà nước , lương bổng có là bao nhiêu .
Tôi nói lảng sang chuyện khác :
- Thế còn hai đứa con cô học bên Úc đến đâu rồi ?
- Dạ , đứa lớn sắp sửa lấy bằng thạc sĩ , còn thằng em mới vào học năm thứ hai .
- Vậy nhà cô cũng khá quá , lo được các cháu du học tử tế .
- Đâu có gì anh . Tại vì nhà em bán đi vài mẫu đất là có tiền cho các cháu đi học thôi .
Tôi không hiểu mấy ông đi tập kết ra Bắc , sau 75 trở về lấy tiền đâu mà mua đất hay là được nhà nước chia chác cho ít đất đai để trả công ơn to tát của họ .
Ngồi tán ngẫu được dăm phút , cô em gái bạn tôi từ giã ra về . Tôi nói vói theo :
- Ủa ! Xe gắn máy Honda Dream của anh Tư gởi về cho em lần trước đâu ?
- Để ở nhà , còn em bây giờ ... ra ngoài đầu đường có tài xế đưa đón rồi . Thôi chào anh em về .
17/9/09
Saturday, September 12, 2009
Subscribe to:
Posts (Atom)