Sunday, June 28, 2009

Hien mau

Hiến máu

Sáng nay trong thánh lễ cha chánh xứ kêu mời giáo dân ra làm việc thiện : hiến máu.

Đã từ lâu , có lẽ gần 40 năm tôi chưa cho máu lại. Dạo ấy tôi nhớ là Trung Tâm Tiếp Huyết Gò Vấp gì đó. Từ nhà tôi ,chợ Phú Nhuận lái xe đạp chừng 20 phút là tới. Hiến máu xong người ta cho tôi một cái thẻ rồi mang qua tiệm phở ngõ đối diện ăn tô phở tái chín không phải trả tiền. Tôi không nhớ lúc đó gọi là gì , nhưng bây giờ hình như là bồi dưỡng nghiệp vụ .

- Nhớ nhá ! Xin quí vị " tí huyết " thôi , nhưng công việc bác ái của quí vị sẽ giúp đỡ rất nhiều các bệnh nhân đang chờ quí vị. Các nhân viên y tế họ đang ở bên cạnh nhà thờ , trong hội trường giáo xứ.

Xong thánh lễ tôi hỏi bà nhà tôi có muốn hiến máu không và bà nhà tôi lắc đầu lia lịa.
- Vậy thì bà nhờ ai chở về nhà nhé , tui vô cho máu .

Trong hội trường dăm nhân viên y tế người Mỹ của hội Carter Blood Drive đã chờ sẵn tươi cười chào chúng tôi. Cả nhà thờ lễ sáng mấy trăm người , nhưng vào đây hiến máu chắc được bảy tám người. Sau khi đưa bằng lái xe coi mặt mũi tên tuổi chúng tôi được đưa vào máy vi tính laptop. Mỗi người một tờ giấy loằng ngoằng những câu hỏi tiếng Anh . Một cô gái mặt mày khá sáng sủa , nói tiếng Anh không thông thạo lắm với một cậu nhân viên y tế người Mỹ , ra điều là không hiểu mấy chục câu hỏi bằng tiếng Anh. Tôi tài khôn , góp ý :
- Cô ta không hiểu những câu hỏi này , tôi có thể giúp cô ta trả lời Yes No được không?


Cậu ta khăng khăng nhất định không chịu.
- Phải cần thông dịch viên.

A ! Vậy thì trong nhà thờ giáo xứ tôi có rất nhiều bác sĩ trẻ người Việt , tiếng Việt của họ có lẽ không bằng tiếng Anh , nhưng để dịch mấy chục câu này ra tiếng Việt chắc dư khả năng.

Cậu ta lại lắc đầu tiếp :
- He/she must be a certified interpreter. (Phải là thông dịch viên được chứng nhận.)

Gớm ! Tôi nghĩ trong bụng : " Đi hiến máu mà khó khăn quá , hèn gì vô đây chỉ có dăm bảy mạng. "

Sơn , một ông cùng chung khu Tử Đạo với tôi góp ý :
- Hay là anh chỉ cho tôi câu nào trả lời Yes là tôi có thể làm được.

Tôi nhìn vào tờ giấy có mấy chục câu hỏi , đếm được có ba câu trả lời Yes. Are you healthy today? (Hôm nay ông/bà khoẻ mạnh không? ) , Have you read all informations about blood donation? Ông/bà có đọc hết phần tin tức về sự hiến máu chưa? ) và Are you a male? (Ông là phái nam? ).

Ông Sơn cười toe toét :
- Úi dào ơi ! Dễ quá chừng ! Có khác gì đi thi quốc tịch Mỹ . Chỉ cần học mấy câu trả lời Yes thôi , còn bao nhiêu cứ lắc đầu No hết.

Bà nhà tôi lúc đi thi vào quốc tịch cũng vậy. Bả nhớ tổng cộng có 6 câu trả lời Yes , còn lại là No : "Tui chỉ nghe bà quốc tịch mở miệng " Heo du é vờ (Have you ever... ) là tui trả lời nô ngay. Tui thi có một lần là đậu , không như ông , phải hai lần mới qua cầu .

Điền đơn xong tôi được một cô nhân viên y tế chỉ tay :
- Ông qua cái bàn bên kia ngồi chờ nhé !

Một cô y tế khác người Mỹ trạc tuổi con gái thứ hai của tôi , cầm tờ giấy lúc nãy và đọc từng câu hỏi cho tôi trả lời. Chuyện này đối với tôi quá dễ thôi , hỏi tôi có từng bị viêm gan không , có bị bịnh AIDS không , có từng ăn nằm với ai đồng phái không , có từng bị những chứng bệnh về hoa liễu phong tình không , và còn nhiều thứ bịnh mà tôi không hiểu hết nghĩa .
- Bây giờ tôi lấy ít máu của bác để thử nghiệm "Iron" (chất sắt ).

Tôi hơi ngạc nhiên vì cách thức lấy kim bấm "một cái chạch " y hệt như cách trích máu để thử lượng đường của tôi hàng tuần một , nhưng có lẽ cái kim của cô ta to hơn thì phải , bởi vì máu ra khá nhiều.
- Chất sắt quan trọng lằm , nó liên quan đến hồng huyết cầu. Lượng ấn định được phép lấy máu tặng phải là 12 đến 20.
- Vậy của tui bao nhiêu?
- Mười lăm , bác trung bình , xong rồi bác ký tên dưới đây . Bác qua bên cái giường đặt ở góc kia nằm chờ cho máu.

Nằm trên cái giường tự động điều chỉnh bằng tay sơ sài , tôi ngó qua bên cạnh , bắt gặp một cậu thanh niên cùng xứ.
- Máu của cậu máu gì vậy?
- Máu dê .

Tôi bật cười , hỏi lại :
- Không biết tiếng Mỹ gọi máu dê là gì , hay là máu băm lăm .
- Gọi là Goat Blood hay Thity-Five Blood Mỹ chả hiểu gì đâu . Nói loạng quoạng họ lại hiểu mình hành hạ súc vật. Đi mua dê ở chợ trời về , cột nó ở đuôi xe rồi bắt nó chạy theo xe cho nó toát mồ hôi , có vài ông bị cảnh sát bắt rồi.

Cô nhân viên y tế giao cho tôi một trái banh cao su nhỏ , bảo tôi bóp chặt ba lần , lần cuối nắm chặt nó , đừng buông ra . Cô ta có vẻ rành nghề , đâm cái kim vào mạch máu chính của tôi .
- Bao lâu thì việc cho máu này xong hả cô?
- Chừng bảy phút , tối đa là mười phút . Ông cảm thấy trong người ra sao?
- Người tôi thì không có gì , nhưng cánh tay hơi tê rần.

Cô ta quay sang một nam nhân viên cầu cứu . Ông ta chỉnh lại cánh tay tôi , cho thấp xuống một tí , và gỡ một sợi dây nịt kẹp chặt phần cánh tay trên của tôi.
- Tại cô kẹp ông ta hai lần dây. We have a little problem right here. (Chúng ta có vấn đề nhỏ ở đây. )

Họ nói loáng thoáng với nhau , tôi dù rằng tai hơi điếc cũng hiểu đôi chút. Thắt dây ta rốt kiểu này như là kẹp chặt cánh tay khi bị rắn cắn. Chừng 10 phút là tay tôi đi đời. Tôi có đọc một câu chuyện vui là một ông nằm trong thương , miệng được trợ thông bằng ống dưỡng khí oxy , một cô y tá cũng hỏi tương tự như thế. Ông ta thở hổn hển : " Cô ơi làm ơn đừng dẫm chân lên cái ống dây hơi của tôi. "

- Ông đếm 1,2,3 rồi bóp trái banh một lần nhé .

Tôi cố gắng bóp trái banh được vài lần , và cảm thấy bàn tay mấy ngón yếu hẵn đi.
- Cô ơi ! Hiến máu thường là bao nhiêu là đủ .
- Cũng ít thôi , chừng nửa lít máu ( one pint ) cộng thêm một bịch nhỏ để thử nghiệm thêm.

Tôi nhớ không lầm , lần đầu tiên tôi được lấy chừng 150 cc (150 ml ). Lần này gấp ba. Thôi mà cũng được , tôi qua tôi đi ăn buffet A1 một tiệm Trung Hoa (all you can eat ). Trong người có lẽ dư thừa , chắc không sao.

Xong xuôi tôi ngồi dậy từ từ đi tới một góc khác. Người vẫn bình thường , chân vẫn không run , không đến nỗi phải ca bài Khúc Thuỵ Du : " Vì sao môi anh nóng , vì sao chân anh lạnh.... vì sao và vì sao.... "

Một bà Mỹ trạc tuổi tôi đon đả mời :
- Ông uống nước ngọt nhé , ăn đồ ngọt được không?

Lúc này trong hội trường giáo xứ đã mở máy lạnh. Mặc dù bên ngoài mới cuối tháng sáu , trời đã nóng bức 103 độ F. Tôi không cảm thấy khát và khô miệng. Tôi cười và nói đùa với bà ta :
- Đây là lần thứ hai tôi cho máu. Lần đầu cho , tôi được tặng bữa ăn bíp tếch phi. (Beefsteak free ).

Khi đó là ăn phở , nhưng nếu dùng chữ Phở mắc công lại dịch ra lôi thôi.
Bà ta tròn xoe mắt : " Really ! " (Thật không ! )

Tôi ra khỏi hội trường không thấy bóng dáng bà nhà tôi ở đâu. Xách cái điện thoại di động ra gọi về nhà , mấy đứa con trả lời rằng bà nhà tôi chưa thấy về . Tôi ngạc nhiên tự hỏi : " Lúc vào cho máu là 9 giờ 15. Bây giờ là 10 giờ 30. Từ đây về nhà bả đi bộ cao tay lắm là 15 phút. Chẳng lẽ đi chợ , không đúng. Từ đây ra chợ đi bộ cũng 15 phút , mặc đồ đẹp đi lễ chẳng lẽ khệ nệ tay vác thức ăn về . Tôi biết tánh bà nhà tôi lắm. Con nhà lính nhưng tính nhà quan. Vất vả tay chân thân thể là không có mặt. Chẳng lẽ bà nhà tôi lại vào xem lễ tiếp , siêng năng thế ư ! Tôi vào trong nhà thờ để ý xem bà nhà tôi ngồi ở góc nào. Không thấy đâu , tôi lại đi ra ngoài .

Bỗng nghe tiếng điện thoại reo :
- Ông đó hả !
- Bà ở đâu vậy? Tui kiếm bà khắp nơi như thể tìm chim vậy.
- Chim chiếc gì ! Tui mới đi bộ về tới nhà , ông ngồi góc nào mà tui vô tìm hổng thấy , bèn lội bộ về nhà . Chiếc giầy ông mua tặng tui bữa nọ làm tui tróc hết miếng da chân . Giầy chi mà dỏm quá !

28/6/09


Sunday, June 21, 2009

Vịnh Hạ Long (tiếp theo)

Buổi trưa ánh nắng chan hoà khắp toàn vịnh Hạ Long . Mặt biển lung linh ánh bạc . Con thuyền du lịch một lần nữa đưa chúng tôi chen qua những hòn đảo đủ hình dạng mọc chơ vơ trên biển trời xanh mênh mông .

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song.."

Đó là hai câu trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận khéo tả cảnh sóng nước xanh xanh trên mặt nước.

Không bao lâu thuyền chúng tôi cặp ngang với vài chiếc du thuyền khác giữa biển trời . Chính giữa là một chiếc phà bu quanh bởi các du khách với những ơi ới gọi nhau .

Một bác thuyền chài gọi bông bổng :
- Bu mày ơi ! Vớt con cá nằm góc kia cho quan khách này.

Lâu lắm rồi tôi nghe lại câu " Bu mày ơi " để gọi vợ mình. Tiếng này là tiếng đặc thù của các người dân miền Bắc , có thể là do chữ bú mớm đọc trại ra mà thành . Khi mới lấy nhau chúng tôi hay gọi với nhau là mình ơi mình à , đến khi được đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Uy. Từ đó tôi hay gọi nhà tôi là "Má thằng Uy ơi ! Về nhà tôi cần bà gấp .... ". Một hôm con bé út nhà tôi thắc mắc , hỏi má nó : " Má à ! Tại sao bố cứ gọi má là " Má thằng Uy " mà không gọi là "má Linda" , chúng con cũng là con của bố má vậy? Tôi phải cắt nghĩa mãi cho nó , rồi chúng nó cười với nhau.

Hầm chứa cá được bao bọc bởi hàng lưới ni lông đen thẩm , vài chú cá bơi lẳng lặng phía dưới và chúng nó dãy đành đạch khi bác thuyền chài vớt bỏ lên sàn thuyền.

Tôi hỏi bác ta :
" Cá này là bống mú hả bác ? Còn chú cá kia? Cá nụ hả ? Bao nhiêu một kí vậy bác ?

Bác ta thản nhiên trả lời :
" Ba trăm nghìn ! "

Một con cá bống mú xanh xen lẫn vài đốm đen , mập ú y chang như loại cá striper bass sọc dưa mà tôi thường đi câu bên các hồ ở Mỹ. Tính ra một con cá như vậy hơn một trăm Mỹ kim. Thấy nhà tôi chần chừ không biết có nên quyết định mua hay không , tôi nói vào :
" Mua đi bà , hai ông bà người Tàu cũng muốn ăn chung con cá với mình. Thì cứ coi như mình đi câu cá bị phạt tiền vậy mà. "

Vào năm 1990 giá tiền phạt cho mỗi con cá bị vi phạm luật câu , như câu cá nhỏ hơn kích thước hay quá số lượng ấn định là 110 đô . Bây giờ nghe đâu lên giá là 150 đô . Đã bị phạt tiền mà cá còn bị cảnh sát tịch thu không được xơi .

Bác thuyền chài hớn hở gạ hỏi thêm :
- Bà mua thêm cua ghẹ chúng em nhé ! Vừa mập mạp vừa ngon bổ !

Hỏi ra giá cả mấy con ghẹ xanh màu loang lổ không rẻ lắm , bà nhà tôi lắc đầu :
- Bên Mỹ ghẹ thiếu cha gì ! Nhiều khi khuyến mãi "on sale" có một đô rưỡi một cân thôi.

Trời đã quá trưa , tôi xách con cá quay trở về thuyền cùng với các nhóm khác. Ai nấy trả giá tới trả lui cũng bằng ấy tiền. Anh Năm Mập khẽ dặn dò chúng tôi : " Các bác cứ đưa cho chị vợ ông chủ thuyền đằng sau kìa , muốn ăn kiểu nào , chiên xào hấp nướng cứ biểu họ , và nhớ cho họ tiền típ. "

Anh Năm Mập đã khéo lo xa . Những chuyện vặt vẽo đó ai mà không biết. Còn vẽ đường cho hươu chạy .

Bàn bên kia có mấy cháu nhỏ bày ra chơi bầu cua cá cọp. Một bé trai lớn tiếng : " Tao đặt bên này , a ! Trúng rồi ! Ba con ghẹ !

Tôi bỗng nghe mẹ chúng nó nhỏ nhẹ bảo : " Mấy đứa lần sau phải nói là ba con cua . Nói vậy người ta cười cho. "

Khoảng đâu chừng một giờ , bà đầu bếp của du thuyền khệ nệ mang từng tô từng dĩa cá còn bốc khói nghi ngút. Cá bống mú chưng tương , canh chua cá bống mú , bống mú chiên giòn.

Giống cá này bên Mỹ thường hay bán trong các chợ Việt , giá đến 6 hay 7 Mỹ kim một cân Anh , nghĩa là khoảng 12 hay 13 Mỹ kim một kí , nhưng cá thường là cá đông đá , thịt nhợt nhạt tai tái làm sao ngon bằng cá con sống nhăn đem làm thịt ngay.

Hai ông bà người Tàu cùng với gia đình tôi năm người dù bụng đói meo cũng không thể nào xơi hết được con cá bống mú năm kí lô. Các dĩa cá đủ món nằm chênh vênh trên bàn. Tôi mời ông bà người Tàu : " Cô chú ăn hết đi , kẻo phí của trời. "

Họ nhìn nhau rồi lại mời chúng tôi ăn tiếp. Tôi nhìn mấy dĩa cá rồi ngán ngẩm lắc đầu :
- No quá rồi , ăn thêm nữa chắc bội thực.

Khoảng năm 2000 tôi cùng ba người bạn qua Bắc kinh và Thiên Tân huấn luyện cách chế tạo lắp ráp một loại board điện tử cho các loại điện thoại di động. Khi từ biệt họ đãi chúng tôi tại một nhà hàng khá sang. Trong các món ăn ngoài món gà Hải Nam , tôm sọc rằn luộc chấm muối chanh có một món cá hấp ăn rất ngon miệng. Hỏi họ thì được biết là cá " grouper " , cá này được nuôi trong bồn nước đặt trong nhà hàng. Tôi nhìn xem cá mú này to lắm cũng chỉ hai kí là to nhất. Một con cá như vậy cho bàn tiệc mười hai người , mỗi người chừng hai gắp là hết sạch sành sanh. Bây giờ con cá mú to vậy , ngon vậy mà gắp mãi cũng chưa hết . Bởi vậy khi xưa Trạng Quỳnh để cho vua Lê thật đói bụng rồi cho thưởng thức món " Đại Phong " , là xơi tương hột . Khi đói quá , ăn cái gì mà chả ngon.

Ngày xưa ở Sài Gòn mẹ tôi cứ hay nức nở khen các loại cá miền Bắc : " Ngon nhất là Chim , Thu , Nụ , Đé , ấy con cá rô cá lóc trong này sao ngon bằng. "

Cá chim , cá thu tôi có ăn thử rồi. Nhất là loại cá thu loại chừng chục kí trở lại , thịt mềm ngon ngọt vô cùng. Cá nụ , cá đé tôi chưa từng ăn , nên không biết nó ngon dở thế nào. Nhưng bà nhà tôi khen cá đé đem chiên dòn , còn thơm hơn cá chim nữa. Một ông bạn tôi gốc miền Trung , cũng là dân đánh cá miền biển , nghe tôi khen mấy loại cá ngon miền Bắc , bĩu môi chê : " Sao ngon ngọt bằng cá nhám quê tôi , nấu với măng chua thì ngon nhất hạng trên đời. " Còn anh Nam bạn tôi quê ở Mỹ Tho thường hay tấm tắc khen : " Mấy giống cá đó sao bằng cá quê tôi , cá trèn kết. Đem phơi khô một nắng rồi đem chiên dòn , ngồi lai rai với vài miếng xoài tượng , nhứt trên đời. "

Ngồi bâng khuâng trên khoang thuyền , nghe sóng vỗ rì rào bên mạn thuyền , lòng tôi nghĩ đến mai này không biết người dân Việt có còn nhớ còn được ăn đến những loài cá biển được nổi tiếng qua từng thời gian. Và xin gởi đến các bạn bài thơ Bài Ca Ngư Phủ của Trần Mộng Tú .

Bài Ca Ngư Phủ

Cá ơi!
Thôi giã từ nhau nhé
những chiếc vẩy hồng vẩy bạc của ta ơi
cái đuôi em ngúc ngoắc ngoài khơi
xa xôi lắm ta không còn với tới
em lặn xuống thật sâu
em sẽ bơi về đâu
tầu ta bồng bềnh tìm em trên sóng
chưa thấy em ta đã chết cùng tầu
chưa thấy em xác ta đã trôi theo rong trên biển
hay thân ta bị bắt giam trên một vùng đất không quen

Cá ơi!
Thôi giã từ nhau nhé
những chiếc vẩy hồng vẩy bạc của ta ơi
em bơi về phía Nam hay tạt về phía Bắc
làm thế nào ta tìm lại được nhau
Ta gọi tên em bằng ngôn ngữ nước nào!

Ta đứng trên bờ bối rối
Hồng ơi, Chim, Thu, Nụ, Đé ơi!
ở quê ta những tên đó có tự lâu rồi
các em chính là một phần đời sống Việt

Rong rêu ơi!
có nhớ bao lần theo cá về cùng lưới
em mang cả đại dương vào khoang thuyền này
ta nhặt mầu xanh trên những ngón tay gầy
thấy đời ta với rong rêu là một

Ta đi trên bờ hát bài ca ngư phủ
Trường Sa ơi nước chẩy về đâu!
Hoàng Sa ơi có nhớ những thân tầu
đã nhuộm trắng những vệt loang của muối
Ông cha ta đã bao đời tiếp nối
giữ từng giọt nước thiêng liêng

Hoàng Sa ơi !
Trường Sa ơi!
Đảo của ta ơi!
Có ai đó nhầm tên em với tên phụ nữ
nên bán em đi không cần giấy thông hành.
(Trần Mộng Tú )

Hoang Hac 21 tháng 6 năm 2009

Sunday, June 7, 2009

Vịnh Hạ Long (tiếp theo)

Đường lên động Thiên Cung đầy ắp người . Động này cách mặt biển chừng đâu 25 thước . Du khách từ từ leo lên bước từng bực theo dốc đá , chầm chậm tiến lên cao . Vách núi cheo leo, hai bên tán lá rừng che phủ rậm rạp um tùm, không khí mát dễ chịu , không nóng hầm hập như có lần chúng tôi leo lên đỉnh nhà thờ Chánh Toà Phê rô ở thành phố La mã . Du khách có đủ hạng người từ Việt kiều , khách nước ngoài , da trắng da vàng nhưng không thấy khách da đen có mặt nơi đây . Phần lớn là các em học sinh được bảo trợ đi tham quan , mặt mày hớn hở vui tươi , chuyện trò lanh lợi như mấy con sáo sậu .

Từ chân đảo leo được cửa vào Động Thiên Cung mất gần một giờ . Chen chúc từng bước với vài ngàn người . Quả thật , như sách xưa đã nói ai muốn vào Nước Trời phải qua được khung cửa hẹp . Chen vai sát cánh với chục tỉ người qua khung cửa hẹp . Chắc khó khăn lắm với muôn ngàn gian nan vất vả .

Qua khung cửa hẹp , một lòng động mở toang với chiều cao trên trăm thước . Trong động từng khối thạch nhũ rũ xuống từ vòm cao . Từ ở hốc núi chúng tạo thành hàng ngàn hình trạng muôn vẽ . Dưới ánh đèn lung linh xanh đỏ tím vàng đặt dấu dưới các hốc đá . So với động thạch nhũ ở thành phố San Antonio bên Mỹ thì hang Thiên Cung rộng rãi to lớn hơn . Khoang chính có thể chứa cả ngàn người .

Tôi lần mò tới một hốc đá , xem thử loại đèn màu này là ai chế tạo . Các ngọn đèn huỳnh quang in rõ những hàng chữ : " Made in China " . Tôi không biết rồi đây ông bạn láng giềng lại nhân cơ hội này , tuyên bố với thế giới rằng vịnh Hạ Long này là của Trung quốc vĩ đại , không tin các ngài cứ tới mà xem . Chữ rõ rành rành , không thể chối cãi được nhé :" Cái lày là của ngộ mà ! Made in China "

Trong số du khách cả ngàn người này co rất nhiều đoàn du lịch theo tour . Mỗi góc đá lại được một cô hay một anh hướng dẫn giới thiệu từng hình ảnh trong động : " Bà con nhìn cái hình tuốt trên góc trái . Đó là nàng Mây cùng vua Rồng đang tình tự . Bên cạnh là con mãng xà ghen tị chờ họ đang say đắm trong tình yêu để nuốt vào bụng . Cạnh đó là Nam Tào Bắc Đẩu đang ngồi xơi thịt cầy với ông Lã Đồng Tân ."

Tất cả những hình ảnh đó như mơ như thực vừa được hoá đá nơi nàỵ . Chúng tạo nên một bức tranh đơn điệu hoành tráng đủ mọi dạng thể theo ý thích từng người . Trong đó nổi bật từng nhân vật trong truyện cổ tích xưa, khắc chạm trổ mềm mại ung dung với từng chi tiết bày biện chi tiết tỉ mỉ qua năm tháng trôi qua .

Một bà du khách trầm trồ khen ngợi , chỉ lên một hình tượng nằm góc phía tây :" Anh Năm Béo ơi ! Hình kia là ông Bill Clinton tóc hung vàng đang ngồi ôm bà nào vậy ? "

Anh trưởng đoàn sụyt một tiếng : " Chị Hai ơi ! Nói nhỏ tiếng một tí . Ông Clinton không có tới đây , ổng chỉ ghé Hà Nội ăn phở thôi , còn ôm bà nào thì tui hổng biết. "

Một vài giọt nước thỉnh thoảng theo vách đá rỉ rả xuống . Con bé út nhà tôi chợt hỏi :
- Nước này uống được không bố ?
- Được chớ , nó còn sạch sẽ hơn nước vòi ở nhiều thành phố nữa . Nó đã được lọc qua bao nhiêu lớp khoáng thạch mới rỏ từng giọt xuống đây . Con khát nước à ! Có cần bố múc nước cho con nhé ! .
- Không cần đâu bố . Con uống nước chai tốt hơn .

Chúng tôi quanh quẩn ngắm nghé trên động Thiên Cung khoảng một giờ . Ông trưởng đoàn phất cờ ra hiệu : " Bà con ơi ! Ai muốn qua tham quan động Đầu Gấu thì theo tui . "

Nghe vậy tôi lắc đầu nói với bà nhà tôi : " Thôi , tui xuống dưới bến đợi bà và mấy đứa con . Động Đầu Gấu đầu cọp chắc cũng như động Thiên Cung này thôi . Mấy cái hang động này nếu có bày tiên nữ nhảy múa thì mới có thể hấp dẫn du khách được . Chớ nhìn mãi mấy tượng thạch nhũ hoài rồi tưởng tượng ra ông kia bà nọ cũng chán .


Đường lên trời coi bộ mỏi đầu gối vất vả , nhưng khi bước xuống núi tôi cảm thấy dễ chịu thư giãn thư gián vô cùng . Giờ này gần buổi trưa , ánh nắng chan hòa khắp hòn đảo .