Sunday, September 27, 2009

Khám mắt

Chừng một tuần lễ nữa gia đình tôi sẽ bay về Mỹ , theo lịch trình là khoảng cuối tháng 7 . Một buổi tối anh em chúng tôi ngồi hàn huyên ngoài phòng khách . Tình cờ cô Thu em tôi nhắc đến bệnh áp suất cao của mắt cô , glucoma . Trong họ hàng nhà tôi chẳng có ai bị bệnh này , mà không hiểu sao chỉ có cô em út mắc chứng này . Mấy đứa con tôi giống hệt như tôi , đứa nào cũng đeo kiếng dày cộm . Bây giờ mắt tôi nhìn một vật nó cứ nhòa nhòa hẵn đi .

Cô em tôi đề nghị :
- Gần nhà mình ở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển có ông thầy thuốc chữa hay lắm .

Tôi cứ nghĩ là một thầy lang nào đó đã từng khám tai cho tôi , và nói chắc cú như bắp là tai bị thế này thế nọ .

- Hay như thầy Hư Trúc ở Linh Thứu Sơn không ?

Cô em tôi mở to mắt nhìn tôi .
- Nói giỡn chơi với cô thôi . Hư Trúc là nhân vật hư cấu trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung . Thầy này học được cách chữa bệnh trên núi Thiên Sơn , rồi tự mổ mắt ráp mắt cho cô A Tử . Ổng tên là gì vậy ?
- Nguyễn Thành Nam . Bác sĩ tây y đàng hoàng a .

Tưởng là ai , chứ ông Nam này tôi có nghe vài người ở khu nhà tôi nhắc đến . Bà chủ tiệm cho mướn phim Hồng Kông khoe với tôi là mắt bả được bác sĩ Nam mổ , con mắt trái còn sáng hơn con mắt phải mổ tại Mỹ .

Ở Mỹ giá biểu để giẩi phẫu hai con mắt cận bị cườm khoảng chừng mười ngàn Mỹ kim . Dạo đó nếu trừ đi phần khấu trừ tôi phải trả thêm khoảng 3400 dô . Đến khi hãng cho laid off không còn bảo hiểm nữa nên không biết tính làm sao .

- Ở đây bên Việt Nam người ta mổ hà rằm . Ổng làm mau lắm , còn nhanh hơn gà đẻ trứng nữa .

Cô em tôi ví von sao hay vậy , chuyện giải phẫu mắt với chuyện gà đẻ khác nhau nhiều lắm . Con cháu tôi T. , bác sĩ mắt ở Mỹ khuyên tôi :" Chú đừng nên về bển mổ mắt vì mổ mắt không khéo dễ bị nhiễm trùng sau khi giải phẩu , có thể bị mù . Tốt nhất chú nên làm bên này . "

Tôi cũng biết nền y khoa tân tiến xứ này , càng có sự chăm sóc hiện đại bao nhiêu thì cái hầu bao của bệnh nhân càng vơi bớt đi . Có rất nhiều người Mỹ chưa qua khỏi cơn bệnh mà đã phải khai phá sản . Hổng biết là "chapter " 3 hay 7 hoặc 11 đây .

Tôi đưa mắt nhìn bà nhà tôi tỏ ý dò hỏi . Bà nhà tôi lo lắm . Miệng cứ lô bô là tôi chẳng làm việc gì nên hồn , nhưng nghe tôi tỏ ý đi mổ cườm mắt là bà nhà tôi khuyên can : " Thôi ông ơi ! Chẳng may mà ông bị lòa cả hai mắt như ông nội thằng Huy , thì khốn khổ (cho tui )! "

Vâng , trời sinh ra con người quí nhất đôi mắt . Ai thì tôi không biết , chứ coi gương ông cụ bố tôi thì biết .

Cô em còn dẫn chứng ra vài người nữa khiến tôi yên tâm . Sáng 7 giờ tôi lội bộ tới phòng khám bệnh . Từ nhà cô em tôi tới đây chỉ chừng dăm bảy phút . Buổi sáng từng dòng người ngồi trên xe gắn máy , xe đạp ồ ạt tiến ra đường .

Sau khi tôi khai bệnh sơ sài với cô y tá và được cấp một cuốn sổ bệnh lý màu xanh dương . Qua cách ăn mặc sơ sài của tôi , có lẽ cô ta coi tôi như mọi người dân bình thường tới khám mắt . Bên Mỹ mà vô phòng khám của bất kỳ y sĩ bác sĩ nào , Tây cũng như Ta , đều ghi rõ ràng đầy đủ tên họ , địa chỉ , việc làm cũng như là số an sinh xã hội . Bên Việt Nam thì chưa , nếu mà có thì không biết lấy con số nào mà ghi , có lẽ bịa ra một con số đề nào chăng .

- Ông vô kia ngồi chờ bác sĩ Nam .

Phòng khám bệnh này ngày xưa có lẽ là một căn nhà bình dân ở thôi . Dù có sửa sang nó vẫn không thể nào giống như một phòng khám bên Mỹ . Nội nhìn cái tấm bảng quảng cáo to tổ chảng treo lửng lơ trên cửa tiệm thì biết . Mặt bằng cửa hiệu dài bao nhiêu thì tấm biển hiệu dài bấy nhiêu . Nhìn một khu phố giăng giăng những biển hiệu cửa tiệm , Mì Ký Hưng Long , Nhà may Long Hội , Cửa Hàng Việt Tiến , khách nước ngoài có lẽ phải hoa mắt lên . Nhưng về đây hơn một tháng cũng đã quen dần , không như bên Mỹ các văn phòng bác sĩ tấm biển treo bé con con chừng vài gang tay . Không phải các ông bà ấy không biết kéo cho to ra , nhưng vì luật lệ thành phố , city code không cho phép .

Cùng ngồi trong khám , tôi nhìn thấy chừng đâu chừng chục người , đàn ông đàn bà đủ cỡ. Một cậu khá trẻ , hỏi ra mới 41 tuổi đã bị cườm . Trước giờ tôi nghĩ chắc hơn 50 tuổi mới bị thôi , hoá ra bệnh mờ mắt chẳng tránh một ai . Hầu như người Việt Nam bị khá nhiều . Dân mình ít có ai chịu đeo kiếng râm hay là kính mát để ngăn cản tia cực tím của mặt trời . Khi xưa chúng tôi thường hay chơi banh ngoài trời , mắt hay thỉnh thoảng nhìn vào mặt trời chói chan . Người có mắt màu xanh lơ như người Âu Mỹ thì ít bị cườm mắt hơn người có mắt màu nâu . Khi các tia tử ngoại này rọi vào mắt , thủy tinh thể sẽ biến dạng , trở thành đục , nhìn sâu vào trong mắt hiện ra một làn mờ đục . Nó trong đục như mây nên có tên là cataract , ta gọi là cườm vì nó màu trắng đục như cườm .

Bác sĩ Nam dáng dong dỏng cao , có lẽ hơi tôi một chục tuổi . Sau khi khám mắt tôi xong , bác sĩ Nam gật gật đầu :
- Ông bị cườm rồi . Ông cầm hồ sơ này tới bệnh viện Phú Nhuận làm thủ tục rồi tối mai tám giờ mổ mắt trái .

Bệnh nhân ngồi xếp hàng trong phòng trong chừng đâu vài người . Khi tôi đứng dậy là có người khác tiến vào ngồi trước mặt bác sĩ để khám mắt .

Đây mới đúng là có tính chuyên nghiệp của y học thời nay . Xưa kia Hư Trúc tiên sinh trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm mổ luôn một lúc hai con mắt cho cô em A Tử . Mổ một con có bị trục trặc gì cũng còn con kia nhìn đỡ . Chơi cả hai mắt , nếu chẳng may bị gì thì thành Kha Trấn Ác mất .

Bệnh viện Phú Nhuận nằm ngay ngả ba Nguyễn Trọng Tuyển và đường Hoàng văn Thụ (đường Công Lý cũ ) . Xe gắn máy được gởi xe bên trong và tất nhiên phải trả tiền . Tôi bước vào , hỏi thăm nơi mổ mắt là chỗ nào .

Tuesday, September 22, 2009

Tiệc cưới

Tôi rất là ngại ngùng mỗi lần đi dự tiệc cưới hỏi ở mấy nhà hàng ở quanh đây , Kowloong , Thanh Thanh . Mười lần như một , không súp măng cua cho đẩy bột năng thì thịt bò xào hành tỏi hắc lên tận mũi .

Thiệp mời 6 giờ chiều , nhưng tôi cứ đủng đỉnh mà tới vì dư biết người Việt Nam ta có thói quen hay đi trễ . Cho nên ở đây thường có câu : " Không ăn đậu không phải là người Mễ , không đi trễ không phải là người Việt Nam ."

Sáu giờ rưỡi tôi có mặt tại nhà hàng Thanh Thanh , gặp bác T. một nhân vật chính trong lễ cưới , bố chú rể .

- Bác thấy bác Voi đâu không ?
- Có , mới đây mà . Chắc chạy ngoài sân đậu xe hút thuốc .
- Vậy mà bác nói với tui là tới sớm quá , người ta biểu là bác ấy tham ăn .

Ai thì tôi không biết , chứ bác Voi nhà tôi thì tôi khá rành . Tham ăn như bác thì không , nhưng tham nói thì nhiều . Tôi cứ suy nghĩ mãi mới hiểu vì sao bác ấy lại vậy .

- Dạo này tui không thấy bác vào Đặc Trưng làm thơ làm thiếc .

Bác T. trong bộ áo com lê đen , áo sơ mi hồng xinh đẹp cười :
- Trong ấy đâu còn ai đâu , người quen đi đâu hết rồi . Bây giờ tôi mở một blogger , hằng ngày có cả mấy trăm người vào xem . Trong đó vui lắm ....

Tôi ngắt ngang :
- Phải blogger của bác là Mẹ Nấm hay Người Buôn Gió không ?

Bác T. cười :
- Được vậy là phước . Nhưng đa số là anh em ở bên Việt Nam , và mấy người đó cũng hay vào chơi trong blogger của tôi .

Tôi nghĩ bụng : " May bác ở bên này , chứ bác mà ở bên đó chắc công an mời bác lên làm việc rồi . "
- Vậy bác cho tui cái tên blogger của bác , để về nhà tui vô chơi .
- Dễ thôi , "Multiple đót com . "
- Multiple có phải là số đông phải không ?
- Ừ ! Bác đợi chút nhé . Tôi ra ngoài kia đón chào khách .

ooooOOOOoooo

Mãi hơn 7 giờ tối khách khứa vào khá đầy đủ . Trên bàn tiệc mười người phủ khăn voan trắng , trên có đặt một lọ bông tú cầu màu trắng nhạt pha lẫn sắc xanh . Tôi đang ngồi chung bàn với mấy người quen trong giáo xứ , nhác trông thấy bác Voi cùng hai người bạn kéo ghế ở một góc bàn chỗ it ai để ý nhất .

Bác Voi giới thiệu một cậu thanh niên còn khá trẻ , ăn mặc thường phục áo sơ mi trắng quần đen :

- Đây là cha xứ một giáo xứ Lạc Đạo ngoài Bắc , phải không cha ?

Ông ta cười :

- Không phải xứ Lạc Đạo đâu , mà là xứ nhỏ ở Bùi Chu thôi .

Có dạo tôi nghe một cha trên nhà dòng Đồng Công nói về xứ Lạc Đạo , tôi tưởng là ngài nói giỡn chơi , sau về nhà lục lạo trên nét mới biết xứ này có thật .

Giáo xứ Lạc Đạo thành lập vào năm 1968 , thuộc địa phận Nha Trang . Bây giờ thuộc Giáo Xứ Chính Toà , thuộc địa phận Phan Thiết .

- Thôi vậy chúng con mời cha vào bàn cùng với cha xứ nhà con , cái bàn tuốt trên kia kìa .

Tôi cứ chỉ cái bàn tiệc chính giữa đại sảnh nhưng vẫn không thấy các cha xứ , cha phó của nhà thờ ở đâu .

Cha Cẩn xứ Bùi Chu ngại ngùng :

- Để tôi ngồi chỗ này cũng được .

Khách cưới nghe nói có một khách là linh mục vội vàng mời mọc :

- Cha lên trên kia cùng dự tiệc với các cha khác .

Một ông ngồi chung bàn với chúng tôi e dè :

- Ngồi chung bàn với các cha các cụ khó mở miệng nói chuyện . Nói năng lúc nào cũng phải giữ ý giữ tứ .

Sau phần khai mạc , và giới thiệu thành phần hai bên đàng tai đàng gái , cha xứ lên làm phép bữa ăn :

- Kính thưa hai họ , hôm nay chúng ta chứng kiến thông gia của hai họ , và nhất là sự hiệp thông của hai bên sui gia . Một bác tên là Thức và một bên là bác Tỉnh . Vậy xin quí vị chúc mừng cho hai bác "Tỉnh Thức " để rồi chúng ta cầu nguyện Thiên Chúa chúc phúc cho bữa tiệc này .

Tỉnh thức là chữ được hay dùng trong Kinh Thánh . Chúa Giê Su hay nhắc nhở loài người chúng ta lúc nào cũng " Tỉnh Thức " để chờ ngày trở lại của Chúa lần thứ hai trong ngày Tận Thế . Ngày này sẽ đến rất bất ngờ như kẻ trộm lẻn vào trong nhà , không biết lúc nào sẽ xảy ra . Giáo phái Nhân Chứng Đức Jehovah có một tạp chí Awake xuất bản hàng tháng .

Đúng như tôi dự đoán món tráng miệng đầu tiên là súp măng cua đặc sệt bột năng , nhưng lần sau hình như họ có thái thêm măng tây , nhai nghe sừng sực . Các món ăn bây giờ càng chế biến thật hiện đại . Có lẽ sau này cho thêm măng cùng trúc . Món thứ hai là gỏi thập cẩm cà rốt củ cải trắng ngâm dấm trộn chung với thịt heo , thịt gà luộc .

Tôi quay sang hỏi bác Voi :

- Bác có bao giờ thử ăn gỏi Tiến Vua chưa ? Ngoài ngó sen ,bồn bồn , củ cải trắng còn trộn thêm rau Tiến Vua ,
- Chưa , ăn ra làm sao ?
- Rau Tiến Vua cọng dài như đậu đũa . Bên Việt Nam họ bán khô , về đây mình luộc sơ sơ rồi để ráo nước , cắt từng cọng nhỏ chừng ba bốn phân gì đó , rồi trộn thêm tôm sú bóc vỏ .

Vài người cùng bàn gật gật đầu : " Tôi cũng thử rồi , ăn cũng được . Ngon hơn cái dĩa gỏi này nhiều . "

Bác Voi biểu lộ vẻ đồng tình :
- Thế làm vua sướng thật .

oooOOOooo

Tiệc cưới

Người hầu bàn bưng một dĩa khác lên , món thịt bò lá lốt . Nhìn lá lốt bóng loáng gói trọn miếng thịt bò màu nâu sẫm , . Món này thì không có tôi . Khách chưa kịp ăn hết thì món Tôm hùm xào ớt xanh ớt đỏ (bell peper) được bưng lên :

Một ông ngồi chung bàn phê bình :
- Ăn món này thật phiền phức . Cầm tay thì sợ dính vào áo vét , mà không ăn thì tiếc .
- Vậy bác dùng đũa mà xơi .

Món tôm hùm , cua rang muối mà dùng đũa chắc đến đêm mới xong một cái càng . Cả nhà tôi không thích cái món cua tôm xào hành gừng , ăn có một miếng thôi mà phải mất cả chục tờ giấy lau . Bà nhà tôi cứ hay than thở : " Thà như họ đem đi luộc , chấm muôi tiêu chanh ăn còn ngon hơn . "

Tôm hùm (lobster) được các nhà hàng sử dụng nấu nướng là loại tôm hùm của tiểu bang Main , nên thường gọi là Main Lobster . Loại này có hai càng to , to hơn loại cua đá . Bên tiểu bang Cali có một loại khác , không có càng mà là hai cái râu dài , nên thường được gọi là tôm rồng . Tôm này không bán ở ngoài chợ . Chỉ có dân đi câu cá mới bắt mà về ăn thôi . Loại tôm này thuộc loại quí , tuyệt chủng nên cấm đánh bắt . Mỗi chú tôm nếu bị cảnh sát bắt tiền phạt có thể lên đến ngàn đô . Một người bà con của tôi hay đi câu tôm rồng này . Anh ta kể lại là muốn đi câu tôm cần có một dây cước loại chịu được sức kéo tensil strength khoảng 20 cân Anh (gần 10 kí ) , vài ba lưỡi câu ba ngạnh và nhớ xách theo một cân mực làm mồi . Khi ra đến bờ đá , mình giả bộ xách theo cần câu cá và dĩ nhiên là mang theo hai rổ . Một rổ chứa cá , còn rổ kia mình mang ra dấu kín vào mấy cái hốc đá . Người câu tôm cũng giả bộ ngồi ngóng trời mây , nhưng giữa hai đùi mình thả dây cước có móc mồi mực trắng xuống cái hang tối om phía dưới men sát mực nước biển đang vỗ miên man vào bờ . Khi nào thấy tôm ăn mồi , thì giựt thật mạnh cho lưỡi 3 móc ăn chặt vào mình tôm . Thế là người và tôm dành dật phần thắng về mình . Có nhiều khi con tôm rồng nặng đến vài kí , ra khỏi mặt hang nó vẫy vùng soành soạch . Nhớ mặc loại quần jean thật dày , để chi vậy , đó là khi tôm vừa dãy đành đạch là cho nó vào giữa hai đùi kẹp chặt lại . Khi nó vùng vẫy dữ dội khiến mấy người Mỹ dạo xung quanh đó để ý . Họ báo cảnh sát là bỏ bu . Và về sau này tôi điện thoại hỏi anh ta chừng nào đi câu tôm thì nhớ kêu tôi . Anh ta dấm dớ trả lời : " Sau mấy lần đó , con vợ em hổng cho em đi câu tôm nữa . Nó cằn nhằn là đi câu tôm hai cái đùi em nhức nhối cả tuần , chả mần ăn gì được nổi . Chuyện vợ chồng nó tôi không dám bàn thêm .

Trong ngành ẩm thực của Trung Hoa có lẽ bắt gặp món duy nhất có lẽ là gà luộc Hải Nam , còn trong các món ăn của người Việt thì không kể xiết , gà luộc , heo luộc , cầy tơ luộc ,tôm cua luộc . Kể đến rau thì nhiều lắm hầu hết rau nào cũng luộc được . Có lẽ xứ Tàu là nơi khá lạnh lẽo nên họ thường dùng dầu mỡ trong các món ăn không xào thì chiên quay .

Tôi không hiểu sao chớ thực đơn của người Việt rất nhiều món ăn rất ngon . Các tiệc cưới miền Bắc thì hầu như không thể thiếu món gà mái tơ luộc da vàng tươi đầy ắp trên dĩa men xứ Bát Tràng , miến gà xào lòng gà và đĩa giò lụa thơm phức . Nếu mà sang hơn có thể món heo quay . Dân dã bình dân hơn có thể chỉ bày biện vài dĩa cầy tơ với tô rựa mận . Trong Nam thì không thể thiếu món cà ri gà với khoai lang khoai môn hầm chung với xả nguyên cây .

Bên Mỹ ở những vùng tôi ở quanh đi quẩn lại chỉ dăm bảy tám món . Nhắm mắt cũng biết là món chi . Súp măng cua , Tôm lăn bột xay thành từng cục to bằng trái banh tennis . Thịt bò xào hành gừng , Tổ chim xào rau thập cẩm , tổ chim đan bằng những miếng khoai tây chiên đôi khi nhai mỏi cả miệng . Chim cút quay , chim này đông đá mang ra ướp ngũ vị hương dai như thịt chim đa đa một thời đi lấy chồng .

Một bà khách nhìn bác Voi , mời mọc :
- Bác ăn đi chớ , tui thấy bác chả ăn gì . Hay là bác chê đồ ăn này nấu dở

Bác Voi cười giả lả :
- Cám ơn chị , nãy ở nhà tôi xơi hai gói mì con cua rồi . Còn bác Cò , sao bác hổng xơi gì hết .

Tôi cười :
- Tui hả ,tui không giống như bác . Đợi ăn cưới xong mới về nhà xơi mì gói .

Nhân có một vài quan khách hát giúp vui , bác Voi chỉ tôi :
- Bác Cò lên làm vài bài . Dưới này tôi ủng hộ vỗ tay khen .
- Thôi mà bác Voi , tui nghe bác ca hay như Tuấn Ngọc , bác lên hát bản Riêng Một Góc Trời , rồi tui ở dưới cũng vỗ tay .

Vừa nhắc đến ca sĩ , bác vội móc cái điện thoại di động :
- Í chết , có cô ca sĩ Lan Mắt Nhung hát ở đây đây . Bác Cò có muốn gặp cô ta không ?

Tôi từ chối :
- Thôi thôi bác ơi ! Để cho cô ta yên thân . Mà hỏi thật bác , làm sao biết cô ta ở Mây Hồng . Đó là khiêu vũ trường cách nhà hàng Thanh Thanh có vài chục thước . Sao tui nghi bác quá , chắc hay trốn vợ xuống đây nhảy đầm lén quá .

Tui đề nghị với bác Voi là hai anh chị cùng tập dợt để thi khiêu vũ quốc tế do Paris by Night tổ chức Celebrity Dance .

- Bác thấy ca sĩ Thanh Tuyền nhảy Tango không , già như chỉ mà nhảy đẹp như vậy .
- Điệu tango dễ múa mà .
- Không dễ đâu bác Voi ơi , đó là một trong những điệu khiêu vũ khó nhất , phải làm mặt nghiêm như thế vầy , đá chân như thế kia , te như thế nọ ...
- Trông bác Cò diễn tả y như là đang vật Judo nội dung trăm kí . Thế có được giải gì không ?
- Có , được một cái cúp đồng .
- Vậy thôi à , tưởng là được vài trăm ngàn tiền thưởng mới bỏ công tập dượt .

Khi ấy bác Thức trai bác Thức gái cùng đàng gái , cô dâu chú rể bước tới để chào bàn . Tôi quay sang hỏi chú rể đang tươi cười , mặt đỏ gay có lẽ là rượu thấm tim hồng .
- Cháu là Âu văn Thiện phải không ?

Chú rể nhoẻn miệng cười :
- Dạ .
- Vậy cháu hình như có người anh hay người em gì đó có tên là Âu Dương Phong phải không ?

Chú rể mặt trở nên tư lự , đang nặn trí nhớ để nghĩ ngợi , chưa kịp trả lời thì mấy bà sồn sồn đã cười ngất .

Trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, Âu Dương Phong có biệt danh là Tây Độc ngang hàng với các đại cao thủ khác như Đông Tà Hoàng Dược Sư , Bắc Cái Hồng Thất Công và Nam Đế Đoàn Chính Hưng .

- Thế thì bác Cò nhất quyết không lên hát à ?
- Nói thật với bác , lúc trước thất nghiệp ở nhà ò è tập hát với cái Cool Edit của anh Triển Chiêu gởi cho . Tui hát to quá làm bà nhà tui ngủ không được , nên ra ngoài bàn ăn ngồi trên cái laptop ư ử hát . Hôm đó bà nhà tui mắc cái chứng chi , từ phòng ngủ bước ra hỏi con Linda : " Hình như mấy con chó Bô Ba , Tô Phù đang gầm gừ giành xương ăn phải không ? Đuổi chúng nó vào chuồng để má ngủ ! " Bác biết không , con bé Linda tuy nhỏ nhưng nói năng từ tốn lắm : " Không phải chó nó giành ăn uýnh lộn đâu . Đó là tiếng ư ử của bố đang tập hát tuốt đằng góc kia . "

Một bà ngồi cách tôi vài người cười , góp ý :
- Thế bác không giận à !
- Giận hả ? Vợ con của mình mà . Thế chị không nghe Chúa nói à : " Làm cha thì phải nghiêm minh , nhưng đừng dữ dằn với con cái kẻo chúng nó kinh sợ . " Tôi không muốn chúng nó nói mình "mean " . Đã vậy không hết , có lần trong bữa ăn chiều , cô con gái lớn rất tự nhiên thuật lại một câu chuyện thường ngày : " Một buổi sáng nọ , hình như là bảy tám giờ sáng thì phải , con đang ngủ bỗng nghe tiếng chó sủa ăng ẳng ngoài sân cỏ trước nhà . Hai con chó Chihuahua nhà mình thường ở sân cỏ sau , chúng nó ra sân trước chạy lung tung dễ bị mất trộm lắm . Con vén rèm cửa sổ ngó ra ngoài , tưởng là chó sủa khách đi đường , nào dè ... tiếng đó là tiếng của bố đang giả làm tiếng chó . Bố sủa như vầy nè ... ẳng ẳng . Con không hiểu tại sao bố làm thế , con nói vậy bố có giận con không ? Các vị biết là có nên giận hay không ?
- Chắc bác tức giận chúng nó lắm hả . Con tui thì tui đét vào mông .
- Tui hả , tui chỉ cười thôi và cắt nghĩa với nó là thường thường tôi ra sân cỏ trước để tưới cỏ . Bên nhà hàng xóm có con chó lông vàng , to cao như thế vầy , cứ mỗi lần gặp tôi là nó cứ sủa vang lên , nhưng nó khôn lắm , biết tôi cầm cái vòi xịt là trốn mất . Tôi đành phải giả ra tiếng chó sủa để dụ nó ra khỏi cái chuồng , theo cái kế " Điệu cẩu ly sơn " . Tôi cầm sẵn cái vòi xịt nước , hễ thấy nó là xịt ngay . Ở Mỹ quí bác biết rồi , dùng đá dùng cây mà ném nó thì có ngày cảnh sát mời về bót làm việc . Tội " hành hạ súc dzật . "

Tiệc cưới

Trên sân khấu ông M.C giới thiệu một bài ca do khách giới thiệu :
- Sau đây là bản Cốc Rượu Mừng do chị Chảnh Chọe trình bày . Xin quí vị cho ca sĩ một tràng vỗ tay .

Nhìn thấy gương mặt quan khách ngỡ ngàng , ông MC giải thích :
- Dạ thưa quí quan khách , theo tập tục cưới hỏi , người Việt chúng ta hay tránh những chữ xa cách , ly biệt , tách biệt , nên tui tạm thay Ly Rượu Mừng bằng Cốc Rượu Mừng .

Đằng sau bàn của chúng tôi bà con hai họ vẫn còn đang đi chào bàn . Chú rể trong hơi men rượu tình nồng :

- Mời mời ! cạn ly , cạn ly , hổng có cạn cốc kiếc gì ráo chọi . Dzô !

Này giờ tôi nhìn chai rượu Remi Martel vẫn còn nằm nguyên chai trên bàn , tôi ngạc nhiên hỏi bác Voi :
- Ủa , dạo này bác kiêng rượu bia rồi à .

Bác Voi tay cầm ly nước trà , nhỉnh mắt lên :
- Bác Cò hay nhỉ , bác có thấy tôi uống bia rượu bao giờ ?

Tôi ngạc nhiên , không nhẽ mình già rồi chăng , lẩm cẩm rồi sao . Năm kia có dạo anh em trên DT gặp mặt , bác ta còn mở chai Tequila vàng nghệ mời anh em mà , hôm đó bác còn lẫy Kiều đi bán cháo ở chợ Đồng Xuân . Tôi nhìn tách trà còn vương khói nghi ngút :
- Vậy thì mời bác cạn chung trà , trà này không đặc biệt , mà là đặc sắc phải không bác ?

Ngồi cách tôi hai ba người là vợ chồng người bạn mới quen trong xứ đạo .
- Chị Bảo Thái không dùng cơm chiên à ?

Chị ta lắc đầu :
- Tui no rồi , mà tui nói thiệt với anh , tui không thích cái tên Bảo Thái này . Anh còn nhớ chuyện ông Trạng Quỳnh ngày xưa không nhỉ . Hồi bé mình đọc truyện , tưởng là chỉ có trong cổ tích dân gian , nào dè đến khi lấy chồng, gặp ông này đây . Tên gì lại không đặt , đặt ngay tên Bảo Thái .

Ông chồng nghe vợ phàn nàn , chỉ ngồi tủm tỉm cười .
- Đã vậy hết đâu , ảnh họ Mai . Khi qua Mỹ mình phải đổi họ thành Mai . Ông già bà già tui đặt tên tui là Nguyễn thị Đẹp , nên khi đổi họ thành ra Mai Đẹp . Nghe có bực không chớ , bây giờ không đẹp sao , phải mai mới đẹp .

Chị ta làm tôi nhớ đến một câu đố của người xưa , nói về mai .

Hôm nay mưa mai ướt
Ngày mai mưa mai ướt

Câu đố này tả cây mai , hôm nay nắng thì mai khô , mưa thì nó ướt . Chỉ có vậy thôi .

Khi mâm tráng miệng trên có cắt đầy những miếng trái cam vàng ửng là tôi biết tiệc đã đến giờ tan . Tôi vẫy tay chào vài vị khách còn ngồi lại trên bàn .

Bên ngoài nhà hàng Thanh Thanh , bác Voi cùng người bạn bên Úc mới qua Mỹ chơi được vài tuần đang đứng hút thuốc lá .

- Xin lỗi anh bạn , trong đó nãy ồn quá không nghe rõ tên anh . Cho biết quí danh được không ?
- Dạ , tôi tên Hùng .
- Chào anh Hùng , anh thấy đời sống bên Mỹ này ra sao sau vài tuần ở đây ?

Ông Hùng ngẫm nghĩ một lát , rồi nói :
- Nói thật với anh , nước Mỹ có vẻ xô bồ quá .

Ông ta dùng chữ xô bồ , khiến tôi liên tưởng đến cuộc sống xa hoa đầy trụy lạc .

- Ý tôi muốn nói là nước Mỹ có vẻ lúc nào cũng bận bịu . Người ta cứ chạy theo công việc , làm sáng làm đêm .
- Còn bên bển , cuộc sống ra sao ?
- Nhàn lắm , hai vợ chồng tôi đến tuổi này "retire" rồi . Con cái cũng lớn nên chúng tôi không phải lo lắng , còn anh chị thì sao ?

Tôi thở dài :
- Đường còn khá dài , đứa bé út tui năm nay mới học lớp sáu . Còn phải hơn chục năm anh ạ .

Bác Voi xen vào :
- Bác Cò còn đỡ a . Tôi có người bạn tuổi gần bảy mươi còn tòm tem về Việt Nam lấy cô vợ chừng đâu hai mươi . Bảo lãnh sang đây , một hôm ổng bồng con cho nó bú , cô vợ đang nằm xem ti vi , rồi cãi nhau với vợ gì đó xong không hiểu sao lại tát cho con vợ trẻ một cái . Chắc có lẽ tuổi già sức yếu bồng con , mỏi lưng mỏi gối nên đâm bực .
- Rồi sao nữa ?
- Thế là con vợ gọi ngay cảnh sát còng tay về bót , rồi "bail bond" hết mấy ngàn .
- Thế ông ta có thêm đứa con nào để tay bồng tay dắt không ?

Bác Voi chặc lưỡi :
- Chắc không rồi , lâu quá không thấy ổng gọi phôn . Tôi nghĩ chắc ổng ngủm củ tỏi rồi .

- Còn tiệc cưới ăn uống hôm nay anh Hùng thấy được không ?
- Tuyệt diệu , nhưng thấy bà con ăn uống không khí thế chút nào .Nhất là cái bà chị ngồi xeo xéo với tôi cứ thỉnh thoảng lại giơ bàn tay lên ngắm nghía . Tôi thấy bà ta có hai cái nhẫn hột xoàn to lắm , chắc phải đến hai ly một cái . Không biết có phải là đồ thật không ?

Tôi cười :
- Chắc có lẽ là đồ dỏm . Anh biết mà, bây giờ thiên hạ ra đường ai mà lại đeo thứ thiệt để chúng giựt cho à .

Tôi biết bà Bảo Thái , hai vợ chồng có cả mấy chung cư cho mướn , có cây xăng , tiền bạc chắc rủng rỉnh , nên tôi nghĩ nhẫn hột xoàn của bà ta có lẽ là thật . Nếu không lại như câu chuyện Xâu Chuỗi Kim Cương của nhà văn Guy de Maupassant của Pháp . Bà là vợ một công chức bình thường người Pháp , đi ăn cưới nhuưng không có nữ trang đeo và chị ta chạy đi mượn một chuỗi đeo cổ bằng kim cương . Lúc ra về chị ta mới sực nhớ không biết chuỗi đó rớt ở đâu . Chị ta hốt hoảng đi tìm khắp nơi mà không thấy . Để có tiền mua lại chuỗi hột xoàn na ná như thế , chị ta phải từ bỏ cuộc sống tương đối nhàn hạ của vợ một công chức thường . Sau mười năm làm việc vất vả , đủ mọi việc từ đi gánh nước mướn , giặt giũ quần áo cho kẻ khác . Cuối cùng một ngày chị ta gặp lại người bạn , bà này không nhận ra chị ta . Đến khi chị ta tự xưng tên , và nói rõ nguyên nhân đã biến đổi cuộc đời chị thành một bà nhà quê . Bà bạn ôm chầm lấy chị ta , nức nở trong tiếng khóc : " Bạn ơi ! Xâu chuỗi đó chỉ là món hàng giả thôi , nó made in China , chị ơi ! "

Vừa lúc đó hai vợ chồng bạn bước ra ngoài , chị Bảo Thái nũng nịu với chồng :
- Anh à ! Anh có thấy cái nhẫn hột xoàn hai ly tám của em đâu không ?

Anh chồng cười mỉm chi , ôm lấy vai vợ :
- Có lẽ anh trở thành gã nhà quê quá !

2/10/09

nguồn: http://www.vandan.vn/

Saturday, September 12, 2009

Nhung ngay nang ha

Sài Gòn những ngày nắng hạ

Mấy anh em tôi đang ngồi bàn tán chuyện trò, bỗng nhác thấy một cậu trong quân phục màu xanh lá cây bước vào trong nhà . Chú Tôn giới thiệu :
- Thằng Hùng , con cô Huê đó .

Hồi năm 1995 tôi về thăm mẹ tôi , cháu Hùng ốm yếu nhỏ xíu hay chơi bắn bi ngoài đầu ngõ . Bây giờ trong quân phục xanh có lẽ chưa bao giờ được ủi thẳng li nếp và tôi nhìn mãi mới nhận ra nét mặt hơi giống mẹ cháu , cô Huê em tôi .

- Chào bác , bác ở Mỹ mới về .
- Ờ , bác ở Mỹ về đây ở cả tháng rồi , và bác chuẩn bị về Mỹ . Cháu vào bộ đội lâu chưa ?
- Dạ , cũng được một năm .
- Vậy đang đóng quân ở đâu ?
- Cháu chưa đóng quân vì đang huấn luyện quân sự . Hôm nay cháu về đây thăm bác . Ngày mai cháu đi tập bắn .

Sau 75 tôi từng tiếp xúc với vài anh bộ đội , nhưng đối với họ tôi có cái gì ngài ngại không dám hỏi hay bẻ lại những luận điệu thường ngày của họ . Nay gặp người cháu vào bộ đội , tôi e dè ướm hỏi thử :

- Cháu vào bộ đội học những gì ?
- Thì hầu hết cháu học về chính trị , bồi dưỡng nghiệp vụ , giữ vững tư tưởng .
- Thế thì bộ đội cháu có cảm nghĩ gì đối với người Mỹ trong cuộc chiến vừa qua .
- Bác muốn nói đến đế quốc Mỹ đó chăng . Chúng cháu vẫn phải học để căm thù bọn chúng .

À ! Hơn ba mươi năm qua , lòng hận thù của họ vẫn chưa tiêu tan .

- Thế thì đối với bọn Trung Quốc bá quyền phương Bắc thì sao ?
- Dạ , phải nhớ đến Mười Sáu Chữ Vàng , Láng giềng hữu nghị , Hợp tác toàn diện ,Ổn định lâu dài , Hướng tới tương lai .
- Vậy bác coi trong nét thấy họ nói là " Láng giềng khốn nạn , Cướp đất toàn diện, Lấn biển lâu dài , Thôn tính tương lai .
- Bác đừng nghe họ nói bậy nè .

Đúng vậy công tác vận động tư tưởng phải được chỉ đạo từ Bộ Chính Trị Đảng , họ nói sao thì quân và dân nghe như vậy . Anh nào nghe được thì cứ gật đầu , không ưng thì coi gương mấy bác ủng hộ dân chủ .

Cô em út tôi trông thấy nó , hỏi khéo :
- Sao mầy , mẹ mày hổng làm chà bông cho mày ăn , sao bò về sớm thế ?

Tôi đưa mắt nhìn cô em út , ra dáng dò hỏi . Cô em tôi cười :
- Bộ đội này đói lắm anh .
- Uả ! Tui tưởng trong bộ đội thức ăn phải có tiêu chuẩn , phải đầy bổ dưỡng để lính còn đi đánh giặc chớ .
- Nó hả , ở nhà ăn sung sướng quen rồi . Sáng không ăn phở , bún bò thì cơm tấm cá lóc kho tiêu . Trong quân trường nó nhai làm gì nổi mấy thức ăn bộ đội .

Hùng là con lớn của cô Huệ em tôi . Cao thước sáu , cân nặng giỏi là 45 kí . Tôi cũng có một đứa cháu Nam , con cô Lan , là em gái thứ tư ,đang phục vụ trong Thủy quân Lục Chiến Mỹ, bây giờ họ gọi nôm na là Lính Thủy Đánh Bộ . Có lần gặp cháu trong dịp nghỉ phép hàng năm , cháu kể lại là người Việt Nam vào hàng ngũ lính Mỹ , thường nhỏ con và thiếu kí lô . Lúc vào quân đội chỉ có mấy chục kí , sau khi mỗi ngày phải ăn đủ tiêu chuẩn của quân đội , bữa ăn sáng một ly sữa , hai lát bánh mì trét phô mai , hoặc thêm vài miếng bacon , thịt ba rọi hoặc là vài thìa trứng bắc . Trưa tối ngoài hamburger , xúc xích , khoai tây chiên còn có nhiều thức ăn để chọn , cá hồi xốt bơ , mì spaghetti , pizza . Chừng đâu một năm sau cháu Nam cân nặng hơn 70 kí và hiện nay cháu đang phục vụ trên chiến trường Iraq .

- Cháu nghe nói anh Nam là lính đánh thuê cho Mỹ phải không bác ?

Nghe câu nói của cháu Hùng đầy những thành kiến , tôi không biết làm sao cắt nghĩa giải thích cho suông đây .

- Giả sử cháu cùng gia đình cháu qua Mỹ định cư , thì coi như là thường trú nhân . Sau năm năm cháu có thể xin thi vào quốc tịch Mỹ . Cháu đến năm 18 tuổi , không thích tiếp tục đi học nữa , hoặc có thể đi kiếm việc làm , hoặc đăng ký vào quân đội Mỹ , hải quân không quân , thủy quân lục chiến ...
- Thế vào hải quân có cần biết bơi không ?
- Không .
- Vậy thì thằng bạn cháu tào lao không à . Nó kể lại là hôm vô phỏng vấn , thằng nào biết bơi thì vào hải quân , thằng nào biết sửa nhà sửa cửa thì vô quân cụ , còn như nó nói hay bị cà lăm ...
- Thì vô toán phòng không .
- Sao bác hay quá vậy . Nó sau này biệt phái về Sư Đoàn Phòng Không Bảo Vệ Thủ Đô .
- Như cháu đi lính như vậy , gọi là đi nghĩa vụ quân sự , sau một năm rưỡi . Thế cháu có định đi học lại không ?
- Cháu cũng không biết . Như thằng Hùng bạn cháu phục viên ra ngoài , được cấp cho một mảnh giấy để xin học nghề điện tử . Nó cầm tờ đó vào các cơ quan hay trung tâm dạy nghề . Đâu đâu họ cũng biểu đầy chỗ rồi , sang năm hãy tới . Cháu thấy vậy không biết phải làm sao .
- Thế nhà nước trợ cấp được bao nhiêu ?
- Chừng hơn hai triệu .

Tôi tính ra có lẽ hơn 150 Mỹ kim . Với số tiến ít ỏi này không biết cháu Hùng có thể làm được gì . Như cháu Nam tôi hàng tháng lãnh được khoảng 1700 đô la . Sau 5 năm phục vụ quân ngũ , nếu đi vào đại học sẽ được đài thọ học phí sách vở chỗ ăn chốn nghỉ hoàn toàn miễn phí .

- Mai mốt cháu tính làm gì ?

Hùng ngần ngừ đôi chút , dửng dưng đáp :

- Có lẽ làm nghề "dân biểu " như ba cháu , hoặc là ra ngoài mấy cái quán cà phê phụ việc .

Tôi nghe cô út kể lại , cháu Hùng thuở bé là cháu ngoan bác Hồ , nó mong mỏi được ra thăm lăng Bác với niềm ước mơ mãnh liệt sau mỗi lần ra thăm được tặng một ổ bánh mì không . Sáng nào nó cũng nghêu ngao hát " Đêm qua em mơ gặp bác Hồ.... ". Giá mà như tôi sẽ hát hơi khác một tí. May mà nó không ra thăm vì sẽ thất vọng vô bờ , vì bây giờ không còn bánh mì để biếu tặng nữa .

Thanh niên nam nữ Việt Nam từ thuở bé phải học tập theo gương Bác , lớn lên tí nữa vào trường lớp phải nghe theo thầy cô học triết lý Karl Max ,Lenin , tư tưởng bác Hồ . Ra khỏi trường trung học lại phải tập làm quen với súng . Và ra đời làm quen với chiếc xe ôm hay gánh hàng rong .

- Sao cháu không đi làm bảo vệ ?

Hùng chép miệng :
- Làm bảo vệ phải to con , biết vò vẻ võ nghệ . Nhỏ con như cháu biết vật nổi ai .

Tôi biết đám con cháu nhà tôi , không có ai làm chức cao quyền rộng trong xã hội hiện nay , không có đủ quyền lực và tiền tài để đưa con cháu ra nước ngoài du học hay tu nghiệp . Ra đời lại lận đận với hai bàn tay trắng tay đen , nối tiếp cuộc đời của cha mẹ để lại .

11/9/09

Tôi đang nằm coi truyền hình tuốt trên tầng hai , bỗng nghe tiếng cô em út văng vẳng gọi dưới tầng trệt :

- Anh An ơi ! Có cô nào tới kiếm anh nè .

Tôi hơi ngạc nhiên , vì từ hôm tôi về VN chơi đến nay chỉ có vài người bạn trên nét . Khi nào uống cà phê thì họ gọi cho tôi . Đâu có ai biết cửa nẻo nào mà tìm đến . Tôi thủng thẳng bước xuống nhà . Khách là cô em gái của người bạn thân tôi học từ thuở bé . Hắn bây giờ ở bên Mỹ cách nhà tôi nửa giờ lái xe .

- Ngồi chơi cô Thanh .

Cạnh cô Thanh là giỏ trái cây xinh xắn , bao gọn vài trái chôm chôm , na , nhãn , mãng cầu , thanh long , măng cụt . Cô em gái bạn tôi cũng khéo , có lẽ không biết tính kén ăn của tôi . Trái cây hoa quả tôi chỉ ăn có hai loại , chuối và đu đủ , nên tôi dửng dưng nhìn giỏ hoa quả . Cái này chỉ béo cho mấy đứa con gái của tôi thôi .

Tôi cười xã giao và tay đỡ lấy giỏ trái cây .
- Tới chơi thôi cần chi mà khách sáo thế .
- Đâu có chi anh . Em tính nhờ anh là tuần sau anh về Mỹ hả ?
- Ừa .
- Nếu vậy cho em gởi ít quà cho anh Tư em được không anh An ?
- Được thôi , nhưng đừng quá 50 cân .
- Không , em chỉ gởi cho ảnh tí cá cơm chiên với tí mắm ruốc . Anh đi đường cẩn thận coi chừng nó bị đổ .

Ngồi nói chừng dăm ba câu chuyện , tôi quay sang hỏi thăm hoàn cảnh gia đình cô em bạn tôi .

- Sao anh Thanh chồng cô dạo này ra sao ? Tui muốn gặp ảnh chuyện trò vài câu .
- Anh Thanh hả ? Ảnh ra ngoài Hà Nội họp rồi . Tuần sau ảnh mới "dzìa " .

Thanh là bạn đồng học cùng lớp với cô em gái bạn tôi , có gia đình cách mạng . Tôi không biết bố anh ta làm đến chức gì , nhưng qua lời bạn tôi kể lại là chồng cô ta coi sóc mấy cái cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia . Mỗi lần về thăm vợ , hắn giao cho vợ một túi da đầy ăm ắp tiền đô la .

Tôi cười và nói đùa :

- Bây giờ anh đang thất nghiệp , em hỏi anh Thanh có công việc nào giới thiệu cho anh làm được không . Cứ tháng tháng có một tập cặp da dày cộm là được rồi .

Cô Thanh cười , khoe đôi hàm răng đều và đẹp :
- Anh An nói chơi hoài . Ảnh công chức nhân viên nhà nước , lương bổng có là bao nhiêu .

Tôi nói lảng sang chuyện khác :
- Thế còn hai đứa con cô học bên Úc đến đâu rồi ?
- Dạ , đứa lớn sắp sửa lấy bằng thạc sĩ , còn thằng em mới vào học năm thứ hai .
- Vậy nhà cô cũng khá quá , lo được các cháu du học tử tế .
- Đâu có gì anh . Tại vì nhà em bán đi vài mẫu đất là có tiền cho các cháu đi học thôi .

Tôi không hiểu mấy ông đi tập kết ra Bắc , sau 75 trở về lấy tiền đâu mà mua đất hay là được nhà nước chia chác cho ít đất đai để trả công ơn to tát của họ .

Ngồi tán ngẫu được dăm phút , cô em gái bạn tôi từ giã ra về . Tôi nói vói theo :
- Ủa ! Xe gắn máy Honda Dream của anh Tư gởi về cho em lần trước đâu ?
- Để ở nhà , còn em bây giờ ... ra ngoài đầu đường có tài xế đưa đón rồi . Thôi chào anh em về .

17/9/09