Saturday, December 12, 2009

Căn nhà mơ ước

Chú Tôn chồng cô em út vừa chan canh chua bông so đũa vào chén cơm , chợt lên tiếng :
- Sao mình không mở truyền hình coi . Hôm nay họ chiếu Ngôi Nhà Mơ Ước coi cũng được lắm .

Trên kênh HTV vài dòng chữ hiện lên . Tôi tưởng đó là tên một cuốn phim hay một vở kịch nào đó . Nhưng không ... đây là một phim phóng sự về các căn hộ nghèo sống loanh quanh bên các bờ sông rạch . Có cảnh chiếu lên một mái che xiêu vẹo , cả nhà chỉ có một cái chiếu rách vừa dùng để làm chỗ nằm nghỉ ngơi vừa để trải làm chỗ ăn uống . Trong màn hình nhỏ , căn nhà của ông ta có lẽ là cái chòi thì đúng nghĩa hơn . Vách được bao bọc bởi những tấm ni lông bạc màu rách tua tủa , phất phơ theo làn gió .

Qua vài lời giới thiệu và giải thích của cô biên tập viên , căn nhà mơ ước được tài trợ bởi vài công ty X , cơ quan Y nào đó . Họ quyên được một số tiền , và dùng số tiền đó mua một số vật tư xây dựng sơ sài để xây cất một căn nhà nhỏ bé , một ngôi nhà bằng gạch với tường sơn màu xanh dương nhàn nhạt . Chủ nhà mới là ông Nguyễn Như Vân cùng bà vợ và bốn đứa con đứng khép nép một bên .

BTV Lan Hương cầm microphone nhẹ nhàng hỏi :
- Thế anh chị làm gì để sinh sống ?

Người chồng nước mắt ràn rụa :
- Chả dấu với chị , hai vợ chồng đi lượm ve chai , bao ni lông cũ ...

Đến đây ông ta ngập ngừng , nhưng chúng tôi cũng biết vợ chồng ông ta làm nghề gì , đó là nghề đi bới rác .

- Mấy đứa nhỏ có cắp sách đến trường không ?
- Dạ không , tiền em làm còn chưa đủ mua gạo , làm gì có dư để trả tiền học phí , tiền sách vở , quần áo rồi còn có nhiều thứ linh tinh nữa , học kèm ...
- Thế thì các cháu ở nhà làm gì ?
- Thằng lớn trông thằng bé , thằng bé thì coi thằng bé hơn .
- Bây giờ ông bà có được căn nhà mới này , cảm nghĩ ông ra sao ?
- Dạ thưa cô , gia đình chúng em cám ơn lắm . Chúng em không bao giờ nghĩ đến có được một ngôi nhà mơ ước này .

Một ông được giới thiệu là ông chủ tịch xã và vài người trong bộ máy chính quyền . Ông ta cầm một gói quà , rổn rảng cất giọng :
- Thưa quí đồng hương cô bác , đất nước bây giờ vẫn còn nhiều cái khó khăn , còn nhiều cái khắc phục . Nhưng chính quyền xã chúng tôi nhận thấy rằng gia đình anh Nguyễn Như Vân quá thiếu thốn không có khả năng để tạo dựng một mái nhà êm ấm cho gia đình ảnh . Ngay xã chúng ta vẫn còn nhiều mặt để khắc phục , nhưng Ủy Ban Nhân Dân Xã X chúng tôi nhất trí quyên cho gia đình anh Vân một ít để có thể mua sắm vài vật dụng cần thiết trong sự sinh hoạt hằng ngày .

Anh Vân đưa hai tay ra nhận cái phong bì với đôi dòng lệ rưng rưng , và cả gia đình lớn bé cùng cúi đầu cảm tạ .

Chú Tôn với giọng nhỏ nhẹ :
- Anh thấy sao ? Coi cảm động không ?

Tôi quay mặt che dấu những cảm xúc mãnh liệt đang dâng cao trong lòng . Nước mắt tôi như muốn trào ra .

Chương trình Ngôi Nhà Mơ Ước không ít thì nhiều đã đánh động lòng người , đánh động cái lương tâm của những con người còn tình nhân bản , mặc dù xã hội càng ngày càng phân biệt sự giàu nghèo của các tầng lớp nhân dân .

- Chương trình Căn nhà mơ ước có lâu chưa hả chú Tôn ?
- Hình như được mấy năm rồi anh . Để em nhớ lại xem , lúc đó em mới mua xe cho thằng lớn nhà em . Vào cuối năm 2005 thì phải .
- Chương trình này mỗi tuần mỗi chiếu , vậy chỉ có một hộ khẩu có được một ngôi nhà mơ ước phải không ?

Chú em tôi ngập ngừng nói:
- Hình như vậy đó anh .

Tôi tính nhẩm trong bụng , một năm phân phát cho 52 căn hộ . Nước Việt Nam ta hiện nay có chừng 80 triệu dân , đổ đồng một hộ tám người . Chia ra có khoảng 10 triệu căn hộ . Theo như chú thì dân nghèo vào khoảng bao nhiêu nhỉ . Tám mươi bảy mươi hay năm mươi phần trăm . Năm mươi hả ? Cứ gọi là có một triệu căn hộ thật nghèo . Vậy phải mất đến 20 ngàn năm Việt Nam ta mới phân phối hết các Ngôi Nhà Mơ Ước .

Vào những năm 80 , cơ quan chúng tôi có chừng 100 nhân viên . Hàng năm cơ quan được phân phối hai chiếc xe đạp theo giá tiêu chuẩn của xí nghiệp , rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường . Tôi còn nhớ năm ấy , cơ quan nhất trí nhường lại hai chiếc xe đạp ấy cho hai ông cán bộ trưởng phòng . Làm theo sức hưởng theo nhu cầu . Vâng cái nhu cầu đó có lẽ đến năm thứ 50 mới đến phiên tôi được mua được một chiếc . Nhưng sợ đến đó già rồi , chân cẳng rụng rời còn hơi sức đâu mà đạp .

Chú Tôn bùi ngùi nói :
- Anh còn nhớ không, lúc mới giải phóng gia đình tụi em nghe mấy ông nội này họp tổ dân phố rồi kêu gọi mọi người dân đi kinh tế mới .
- Cả gia đình chú đi hả ?
- Không , chia làm hai . Một nửa bám trụ ở lại đây , nửa kia có ông già em , anh Ba, Anh Tư , em và chú Út lên trển .
- Trên đó trồng gì để sống ?
- Ở trển toàn cỏ tranh cỏ gai dày đặc không à . Lúc đó em mới chừng mười tuổi chớ mấy ,đâu biết làm gì . Hễ ba em và hai anh dùng phảng dùng liềm phát cỏ thì em đi gom lại phơi khô .
- Thế ở trển có trồng chuối hay bắp ngô khoai gì không ?
- Dạ không anh . Toàn là khoai mì .

Tôi bật cười , vẫy tay gọi cháu Bi lại :
- Bi à ! Cháu vào Đội Thiếu Nhi có hay hát không ?
- Dạ có .
- Bây giờ bác hát bản này xem có nghe quen quen không .

Dù bây giờ tôi già rồi với giọng khàn khàn vịt đực , nhưng nghe cũng rõ ràng tôi hát khe khẽ :
- Tổ quốc ơi ! Ăn khoai mì mãi mãi . Từ trận thắng hôm nay ta ăn độn dài dài ...

Cháu Vi nét mặt hớn hở vỗ tay :
- Bác hát hay quá . Bản nhạc này nghe quen quen . Bác chế ra à ?

Tôi chối ngay như thể ông Phê rô chối Chúa ba lần :
- Đâu có cháu , mà cháu nói nho nhỏ một chút kẻo công an nghe được thì bác cháu không gặp mặt nhau được .

Chú Tôn nói chen vào :
- Anh đừng lo , bây giờ mấy cái chuyện đó thường lắm . Nhà nào trong xóm này cũng có đầu máy ti vi mở nhạc vàng ủm tỏm lên . Công an nghe quen rồi cũng làm lơ .

Nhưng để phòng bất trắc , tôi dặn dò :
- Nhưng cháu khi họp đội , cháu đừng cái ca khúc tự bêu tự diễu đấy nhá .
- Dạ bác .

Dạo ấy gia đình chúng tôi đã nghe theo lời thuyết phục của ông anh bà con của tôi từ ngoài Bắc vào , khuyên là dù bất cứ trường hợp nào đừng lên vùng kinh tế mới . Anh đơn cử ra nhiều trường hợp của nhiều gia đình ngoài đó cũng đi khai khẩn đất hoang . Dân thị thành có bao giờ quen với việc chân lấm tay bùn , quen với công việc đồng áng . Và họ nghẹn ngào với cuộc sống khổ cực này .

Chú Tôn mơ màng nói tiếp :
- Lúc ấy khổ lắm anh ơi . Ngày ngày ăn khoai mì , lâu lâu má em lên tiếp tế được ít gạo . Nhà cửa ọp ẹp đâu được như vầy , cũng xiêu vẹo như căn nhà ông Vân lúc trước . Lúc đó tụi em chỉ ước muốn có được Căn Nhà Mơ Ước như vầy , mộng mơ mãi có thằng cha nào tới xây đâu . Mắn cuội khíu chọ nên bò về thành phố ở .
- Chú nói cái gì lạ quá , tui không hiểu ?

Cả nhà bật lên những tiếng cười dòn :
- Là muỗi cắn khó chịu đó bác An .

Nói đến muỗi , thật là lạ . Chung quanh ngôi chợ đầu các cống rãnh nhưng từ khi tôi về tạm trú nơi đây , ít thấy nghe chú muỗi nào vo ve bên tai .

- Còn như chú út Hy nhà mình thì sao . Chú thuộc diện bần cố nông mà . Nghề ngỗng thì không , việc làm thì không có .

Chú Tôn cười :
- Ảnh tuy vậy nhưng bên nhà vợ , ông già vợ cắt cho miếng đất nhỏ . Tuy là nhà nền đất , mái lá tranh nhưng nhìn còn có vẻ tươm tất hơn cái chòi của ông Nguyễn Như Vân .

Nhìn những người dân lam lũ đối mặt với cái nghèo , vật lộn với từng bữa cơm manh áo . Gia đình nào cũng dăm năm sáu đứa con , mặt mũi lem luốc ngơ ngơ ngáo ngáo đứng nhìn , lòng tôi không khỏi đau xót . Đã hơn 30 năm đất nước thanh bình , nhưng người dân với lợi tức đồng niên không quá 500 Mỹ kim , vẫn phải đối mặt với những khó khăn chồng chất của tháng ngày khổ cực .

Chú Thích : Bài ca Tình Đất Đỏ Miền Đông của Trần Long Ẩn : " Tổ quốc ơi...ta yêu người mãi mãi... Từ trận thắng hôm nay...ta xây lại bằng mười... Từ trận thắng hôm nay...ta xây lại đẹp hơn... Được hát lại như sau: Tổ quốc ơi...ăn khoai mì ngán quá... Từ Giải Phóng vô đây...ta ăn độn dài dài... Từ Giải Phóng vô đây...ta ăn độn bằng hai...

TS ngày 12/12/2009

Saturday, December 5, 2009

Có công mài sắt có ngày nên kim

Ông bà mình có câu Có công mài sắt có ngày nên kim . Lúc còn bé từ thuở mài đũng quần ở nhà trường , tôi thường nghe các thầy cô nói đi nói lại câu tục ngữ này nhiều lần nhưng tôi cũng chẳng chú tâm đến nó nhiều . Bởi vì chẳng ai bỏ công bỏ sức để mài dũa cục sắt thành cây kim bé xíu . Kim may kim khâu nhìn chúng nhan nhản đâu cũng có , nhất là mấy cây kim cúc ghim sẵn trong cái áo may sẵn ở các cửa hàng , cần chi phải đi mài dũa tạo thành cây kim như vậy .

Tôi vào hãng ADI này làm cũng gần được cả năm , công việc chính là "modify " mấy cái dụng cụ điện hay đồng đồ điện tử của các loại máy bay trực thăng . Trong số này thường chế tạo tại Mỹ nhưng có một loại đồng hồ đo xăng dầu lại sản xuất của Pháp . Trên mặt đồng hồ này có một cái nút bấm Reset được vặn chặt bằng một con tán bằng sắt hình lục giác có bề ngang chừng sáu ly , đường kính trong bốn ly . Đôi khi các loại đồng hồ gởi vào trong hãng tôi làm lại thiếu mất con tán ốc này , có thể là do chuyên viên tháo ráp của máy hãng máy bay khi tháo mở đã làm rớt ra ngoài , rớt xuống một cái khe máy nào chăng . Mấy cái nút này , linh kiện phụ tùng ở Mỹ không phải là không có , nhưng con tán ốc lại theo kích thước đo đạc bằng đơn vị đo lường theo nước Anh . Nó lôi thôi vô cùng , này nhé một dặm Anh bằng một ngàn mấy trăm Yard , thước Anh . Một yard bằng ba "Foot " (bộ) , một foot bằng 12 inches (đốt ) , một đốt lại chia ra làm 8 vạch nhỏ . Tôi nhớ là khi dắt bà nhà tôi nạp đơn xin việc vào vài hãng may hay hãng giấy lúc làm bài toán đổi qua đổi lại mấy đơn vị đo lường kiểu Anh Mỹ này , bà nhà tôi bực mình lắm la toáng lên . Bởi thế các con ốc con tán Mỹ không thể nào xiết vào vừa vặn vào con tán của Pháp . Con người còn có thể gượng ép kết hợp hôn nhân của hai màu da khác nhau , Mỹ trắng lấy Mỹ đen hoặc Mỹ vàng hoặc ngược lại , nhưng sắt thép chúng cứng lắm , ép chúng xiết vào là chúng nó gãy ngay .

Không thử được đồ Mỹ thì đành phải đặt hàng mua hàng của chính hãng Intertechnique của Pháp . Người bạn đồng nghiệp sau khi hỏi giá , cho tôi biết một cái nút reset be bé như vậy là gần một ngàn đô Mỹ , trong khi giá cả của một cái nút tương tự như vậy trong sách Mouser chỉ có chừng mười Mỹ kim mà thôi , nhưng con này lại không chui vào cái lổ nhỏ hẹp của đồng hồ đo xăng dầu . Trong hãng ADI này tôi có dư thì giờ , nhàn nhã không biết làm gì bèn lấy một con tán ốc khác , cũng thuộc đơn vị đo lường của Pháp , cùng đường kính trong , nhưng bề dày lại là chín mi li mét . Thế là tôi dùng hai ngón tay kẹp lấy con tán mài trên giấy nhám để chà cho nó mòn đi để cho nó còn đúng sáu ly như mẫu chuẩn ban đầu . Nhưng con tán thì bé , ngón tay tôi to như như chuối sứ , mài tới mài lui mãi cả giờ đồng hồ vẫn chưa suy suyển được bao nhiêu . Lúc này lòng tôi chợt nghĩ đến câu tục ngữ ông bà mình đã dạy : "Có công mài sắt có ngày nên kim ." nên tôi quyết tâm thực hiện bằng được . Theo nghĩa bóng ông bà mình dạy bảo là chịi khó ráng học hành , mai mốt lớn thành công trên đường đời mà . Bạn bè tôi đa số đã thành công , có đứa bác sĩ tiến sĩ , có đứa kỹ sư kỹ siếc riêng tôi vẫn là ông thợ không ra thợ thầy lại không ra thầy , dở dở ương ương bây giờ ngồi đây mài sắt . Được một cái là bây giờ hiện đại lắm , ở nhà tôi thu âm mp3 vào cái USB , truyện hồi ký Thép Đen của nhà văn Đặng Chí Bình vào trong hãng , cho vào máy computer của hãng vừa làm vừa nghe . Nghe đến đoạn ông ta ở trong xà lim ngục tối , tả cảnh đêm tối muỗi mòng bay tới chích ông ta tơi bời . Ông ta lại không có thân nhân vào thăm nuôi bèn đánh cắp hay nhặt được một cây đinh dài năm phân và mài trên nền xi măng suốt bao ngày tháng , cuối cùng thành được một cây kim để có thể tạo thành một cái mùng bằng các mảnh vải vụn mà ông ta lén lượm lặt được trong nhà xí .

Giọng đọc của ông Trần Bỉnh Nam thật ấm , trầm buồn , qua những đoạn trên không khỏi làm tôi xót xa bồi hồi thương cảm cho người tù xấu số .

Quả thật sau vài giờ vất vả mài trên mấy tờ giấy nhám , con tán thép đã nhỏ đi khá nhiều , nhưng mấy đầu ngón tay đã trầy trụa rướm máu hồng . Nhưng không sao tôi đã thực hiện được lời cổ nhận dạy : Có công mài sắt có ngày nên kim .

Bỗng bên tai tôi chợt nghe tiếng cãi vả lớn tiếng của hai người . Họ cãi nhau bằng tiếng Mỹ và nhất là trong lúc hăng say to miệng nên tôi không hiểu họ đang nói gì . Bỏ cái headphone ra khỏi đầu tôi trông thấy ông xếp da đen người Kenya đang múa tay , giọng to hẵn ra :
"Tao không thích mày , mày vô đây nói vậy là làm sao . Tao năm nay ba mươi mấy tuổi đầu mà mày nói tao hey you guy babies , tao như vậy là bế bi của mày à ? "

Tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra làm sao , bỗng thấy ông Mỹ trắng , David cứ sấn tới , giọng to lớn tiếng không kém gì ông Mỹ đen xếp tôi . Thấy vậy đám tech tụi tôi bèn đi tới , kẻ nắm tay người nắm vai lôi hai người ra . Một anh đồng nghiệp tên là Javier sau khi đẩy anh Mỹ trắng ra cái phòng làm việc tech shop của chúng tôi quay sang hỏi tôi :
- Andy , you có nghe được câu chuyện đầu đuôi ra sao không , có nghe được thằng David biểu thằng Philip là bế bi không ?

Ông bà mình có dạy rằng trâu bò húc nhau , ruồi muỗi chết lây . Tụi Mỹ mà có đấm đá nhau , mình người Á Đông nhỏ con chớ có dại gì mà chạy vào can chúng nó . Một quả đấm của chúng nó tuy không bằng Mike Tyson hay Holyfield võ sĩ vô địch quyền Anh hạng nặng , nhưng cũng không thua kém chúng nó là bao nhiêu nên chớ dại gì đâm đầu vào .

Biết thân biết phận tôi cười mỉm :
- You không thấy tao đang nghe nhạc hay sao ?

Hắn thắc mắc hỏi thêm :
- You nghe cái gì vậy ?

Tôi bình thản đáp lại :
- Ồ ! Là bản The Winner take it all của ban nhạc ABBA đó .

5/12/2009