Thursday, April 22, 2010

Sáng hôm sau Chủ Nhật chúng tôi đi lễ sáng 8 giờ . Dạo này ông tân trưởng khu Tử Đạo đi về Việt Nam chơi nên tôi thay thế ông ta đi dâng của lễ . Tôi đang cuối nhà thờ để khoác cái áo vét xanh đen cho cùng đồng phục với ba ông khác thì bỗng nhiên bị anh Lưu khe khẽ kéo áo lại . Anh ta nói nho nhỏ :
- Ê ! Hôm qua câu có cá không ?

Tôi gật đầu và ra hiệu tí nữa sẽ tiếp chuyện .

- Ông biết không sáng thứ Bảy bà già tôi sai đi mua gà ở chợ trời Manfields . Cái thằng cha bán gà nói chắc chắn là gà trống tơ , hổng tin thì cứ coi cái cựa , mà thật tôi coi rõ lắm nó chưa có . Vậy mà đến chiều tối đi câu về phải làm sạch mấy chục con cá mệt phờ cả người . Tôi định đến sáng mai làm thịt mấy con gà đó . Nào dè trời vừa chạng vạng tối mấy con gà thổ tả nó thi đua gáy vang lên ò ó o ...

Cậu ta dù nói nhỏ nhưng vẫn làm chia trí những người ngoan đạo đứng cuối nhà thờ . Tiếng suỵt suỵt bảo cậu ta hãy im đi . Nhưng qua một lúc cậu ta không thể nào nhịn được lại nói :
- Ông già tôi giận quá chửi tôi um sùm rồi bảo tôi đem nhốt chúng vào ga ra xe . Ông biết mà , hàng xóm Mỹ mà biết nhà chúng tôi mua gà về nuôi hay làm thịt ăn , họ sẽ báo cảnh sát phạt bỏ mẹ . Nhưng mà nhốt đâu thì nhốt , chúng cứ thi nhau gáy quá . Ông biết không , một hai giờ sáng vẫn còn gáy . May là đêm đó trời mưa tí tách nên Mỹ không nghe tiếng gáy . Ông già bà già tôi lầm bầm mãi mà tôi không biết phải làm sao . May sao trong nhà có thằng cháu ở Việt Nam mới qua , nó mới 11 tuổi thôi . Nó bảo sao chú không lấy dây thun cột cái mỏ lại . Đúng thiệt , không biết nó học được kế đó của ai mà hay quá .

Wednesday, April 21, 2010

Đầu Xuân

Khi trời Texas vào mùa xuân là lòng tôi như mở hội . Mùa câu cá đã đến . Từ đầu tháng Ba hai vợ chồng hăm hở đi mua bằng câu cá . Năm nay nó lại lên giá 30 đô la Mỹ . Cách năm 25 năm nó chỉ có năm Mỹ kim thôi .

Bà nhà tôi cằn nhằn :
- Sao biết có cá không mà tốn đến mấy chục đồng bạc . Phí cả tiền !

Tôi cứ tảng lờ như không nghe gì hết cứ bảo mua đi kẻo không cảnh sát hay nhân viên kiểm lâm kiểm ngư xét bằng câu , không có họ phạt đến 200 đô la . Thế là chúng tôi lò mò lên hồ Lake Worth , ngồi cả ngày được hai con cá sand bass . Qua ngày hôm sau chạy lên hồ Weatherford , cách nhà chúng tôi khoảng 45 phút lái xe . Nhưng hình như trời không chiều lòng chúng tôi , đi không lại về không .

Qua tuần sau tôi đi làm trong hãng , gặp một ông xếp Việt Nam , planning manager tươi cười nói :
- Andy ! You có đi câu không ?

Nói đến đây ông ta chuyển sang tiếng Anh , tôi tạm dịch ra tiếng Việt :
- Ba tao hôm Chủ Nhật câu được bốn con hybrid bass to đến thế này .

Nhìn hai cánh tay của ông Lam dang ra , tôi đoán nó to và cân nặng ít nhứt là 4 hay 5 kí lô (chừng 8 đến 10 pounds) . Hỏi câu ở đâu , hắn liền nói là hồ Tawakani . Cái hồ này nằm ở thành phố Wills Point về phía đông thành phố Dallas 40 dặm . Tôi hỏi cách câu thế nào . Ông ta liền chỉ dẫn ngay , không dấu diếm điều gì , thật là người tốt bụng .

- Nó ăn mồi giả , đầu trắng đít xanh .

Cái gì chớ mấy con mồi giả tôi ít khi nào mua , bởi vì chúng đắt tiền , mỗi con có khi đến vài đô la . Chúng lại hay mắc đá nằm dưới lòng hồ , câu cả ngày nếu không khéo mất toi đến mấy chục con . Nghề của tôi là đi chài cá mòi , cá cơm ngay tại hồ . Cá mồi còn tươi sống bơi loẳng ngoẳng nên cá lớn hay đớp ngay .

Qua hôm sau tôi gọi vào hãng xin nghỉ bệnh . Hãng này nhỏ không có tiêu chuẩn cao , mỗi năm chỉ được 3 ngày sick . Tôi làm cả một năm rười mới được 5 ngày vacation và 3 ngày bệnh . Từ thành phố Fort Worth tới hồ Tawakani chạy theo xa lộ 20 . lại vào giờ cao điểm đi làm tôi tôi đó phải mất hơn hai giờ . Khi tôi xuống hồ , ngay tại đập nước . Đây là spillway , nước tràn ra khi nào hồ cao nước . Lúc đó vào khoảng 9 giờ sáng , tôi hỏi thăm vài người câu cá gần đó . Một ông Lào chỉ vào một sợi dây cá , được hai ba con cá lai bass , mỗi con chừng bốn năm kí . Nhìn vào mấy con mồi giả , có người câu bằng jig trắng có người xài con jig xanh lá cây . Trong thùng đồ câu của tôi chỉ có vài con jig trắng 2 đuôi . Tôi dùng red marker sơn đỏ vào đuôi để cá nhìn cho rõ . Trước khi câu tôi đi chài mồi , chài mãi mà vẫn không có cá mồi . Loại cá shad tôi vẫn hay dùng . Chắc là trời còn lạnh quá nên chúng chưa kịp sinh sôi nẩy nở .

Nhìn cách câu của vài người Mỹ đứng bên cạnh . Họ quăng ra rồi từ từ kéo rê vào , tôi bắt chước cứ quăng ra lại lôi vào . Dĩ nhiên vào giữa tháng Ba nước hồ còn rất lạnh , tôi phải mặc cái quần chống nước , nhưng khổ một nỗi nó là nó bị rách dưới gót chân , nên nước thấm vào từ từ . Tôi không biết tại sao từ khi tôi xuống đập chẳng có ai câu được con nào . Thế là có người bỏ đi về , có người mới xuống hồ lại quăng mồi giả quay quay tiếp . Câu đến trưa cảm thấy đói bụng tôi thay đồ thay đạc lên xe chạy đi kiếm cái gì ăn , cũng như đi mua mồi câu , tìm mua con tôm crawfish . Cách đây 2 năm bà con người Việt ông già bà già xuống đây câu được cá quá trời . Vừa lên tới chỗ đậu xe tôi gặp 2 ông Việt Nam đang chuẩn bị mặc đồ câu , cần câu xuống hồ chiến đấu . Họ hỏi tôi đi đâu , tôi nói là đi mua con crawfish . Họ nói quanh đây không có đâu , phải về tận chợ Nam Hưng Arlington hay chợ Trường Nguyên bên Dallas mới có . Tôi nghĩ bụng giờ này mà quay trở về hai nơi đó cũng mất tiếng rưỡi , thà là đi về nhà ngủ còn hơn . Từ đó chạy ra ngả ba đầu đường mất hơn 15 phút , có tiệm bán mồi câu . Tôi bước vào hỏi thăm một gã chủ tiệm người Mỹ , tiệm vắng tanh chả có một bóng người . Hỏi ra thì ông chủ cho biết là 15 đô một cân Anh cho một cân con Crawfish .

Tôi nghĩ thầm 15 đô một pao tôm , ở đây bán mắc gấp 5 lần giá bán ngoài chợ . Thôi mình chạy thử ra ngoài chợ Walmart cách đây chừng nửa giờ lái xe . . Vào chợ hỏi thăm và được biết chỉ có bán loại tôm này đã luộc chín và cất trong tủ đông đá . Tôi bèn gọi cho hai người bạn mới quen đang câu trên hồ :

- Hê lô ! Anh Chao hả ! Ở Walmart chỉ có crawfish luộc rồi , thế cá có đớp không ?

Từ cái phôn rè rè tiếng văng vẳng phát ra : " Ăn cái đầu ông đó "

Trở về hồ Tawakani tôi lại xuống đập câu tiếp , quăng ra kéo vô . May thay đến 7 giờ tối được một con . Về nhà bà nhà tôi thắc mắc :
- Ông đâu cả ngày mất cả ngày bệnh , tốn bao nhiêu tiền xăng chỉ được có một con thế sao ? Sao tui nghi ông hát bài "Giăng câu" quá !

Qua đến thứ Sáu tuần này (16/4/10) hãng cho về sớm , tôi vội vàng chạy xe xuống hồ Weatherford . Hồ này nằm về hướng tây của thành phố Fort Worth nửa giờ lái xe . Chài mồi cá cơm (ghost fish) , quăng ra chờ đợi . Sau ba tiếng câu được 4 con cá yellow bass , to bằng cá sặc rằn Việt Nam . Nó chỉ dài khoảng bảy hay tám "inch" , đem chiên thì ăn giống như cá sand bass . (Cá sand bass ngoài chợ Việt Nam thì ghi là cá mè cá diếc nhưng tôi nghĩ là không phải ) , cá yellow bass câu bao nhiêu thì câu , không hạn định số lượng và chiều dài . Cá sand bass mỗi ngày chỉ được tối đa là 25 con , mỗi con phải dài hơn 10 inches ( 25 phân) .

Lúc trước thường thường tôi hay thả nó về hồ , nhưng từ khi quen được anh bạn Lưu mới quen . Anh ta nói rằng cá yellow bass đừng chiên mà đem kho thì ăn rất là "khí thế " .

Tôi không biết nhà anh Lưu kho cá thế nào , nhưng từ khi bà nhà tôi xuống nhà bà chị dâu của bà coi nhà dùm một vài tuần khi bà này qua tiểu bang coi sóc cháu ngoại mới sinh . Trong tủ lạnh có một dĩa cá rô mề kho rau răm kho cả tuần lễ rồi . Cả nhà bà chi dâu từ lớn đến bé không một ai thích ăn loại cá rô be bé thế này , lắm xương mà mùi vị hăng hăng rau răm . Thế là bà nhà tôi xách mang về cho tôi xơi . Mẹ tôi hồi xa xưa hay kho cá với dưa chua , nhưng cá rô mề kho với rau răm tôi chưa ăn thử . Hôm ấy bà nhà tôi dọn cơm ra với một dĩa cá yellow bass kho tộ . Xen lẫn mấy khúc cá là những cọng rau răm , lá kho héo chỉ trơ lại những cọng là cọng . Tôi nếm thử nó thơm béo ngậy như cá rô mề , ngọt và chắc . Mùi rau răm quyện cùng chất đường ngọt dịu làm sao .

Kim , đứa con gái thứ ba trong gia đình tôi phàm ăn như tôi cũng gắp miếng cá nhai thử rồi buột miệng kêu :
" Dạo này con thấy má kho cá mà kho cả mấy cọng cỏ trong này . "

Chắc là nó thấy mẹ nó lui cui cặm cụi ngoài vườn suốt ngày , hết cào cỏ vén đất để trồng rau .

Qua ngày thứ Bảy trời mưa lúc tạnh lúc đổ ào ào . Cơm trưa xong tôi xách xe trực chỉ hướng xa lộ North 121 để đi lên cái đập hồ Lewisville , cách nhà tôi chừng 45 phút lái xe . Đi chừng nửa đường bỗng nghe tiếng điện thoại reng trong túi .
" Hê lô hê lô ! Andy hả ! Cá sand bass đang ăn quá ! Xuống đây mau lên "

Đó là tiếng nói của anh bạn Lưu mới quen , hắn đang câu tại hồ Weatherford . Tôi ngạc nhiên mới chiều tối hôm qua ngồi suốt ba giờ đồng hồ chỉ được bốn con bé tí teo , mà giờ đây hắn nói là câu cá gần đầy thùng rồi . Thùng cooler Igloo nếu mà cá sand bass đầy thùng thì có đến cả trăm con . Không biết hắn đi câu với mấy người mà dám lấy cả trăm con . Mỗi con quá số lượng ấn định , tiền phạt có thể đến 150 đô . Tôi không dám khuyên ai hết , vì ai nấy đều biết câu cá biết luật lệ rồi . Chính tôi cũng bị phạt mấy lần rồi , nên câu đủ số lượng và hạn định luật cho phép .

Lòng tôi phân vân hết sức , không biết nên đi tiếp hay quay ngược đường trở về nhà rồi rủ bà nhà tôi đi câu . Và cuối cùng tôi quyết định quay xe về nhà và bảo bà nhà tôi chuẩn bị thêm mấy thứ cần thiết . Khi vợ chồng tôi xuống hồ Weatherford thì trời đang mưa , và ông Lưu đã đi về từ hồi nào . Tôi mặc một áo mưa rằn ri kiểu thợ săn mà tôi mua ở chợ trời , bà nhà tôi thì khoác ngoài một cái bao đựng rác ni lông , đục ba cái lổ cho đầu và hai tay ra . Chài mồi xong , rồi quăng ra chờ đợi . Vào chừng 15 phút sau , cá bắt đầu cắn câu . Hai vợ chồng tôi giựt lia giựt lịa . Con nào dài hơn 10 inch thì cho vào giỏ , con nào nhỏ hơn trả nó xuống hồ . Đến lúc này trời mưa nặng hạt , cái áo mưa bắt đầu thấm nước . Tôi hắt xì lia lịa biết là đã bị cảm lạnh bèn nói với bà nhà tôi :
- Thôi mình về nghe bà , mai trời bớt mưa mình xuống đây câu tiếp "

Đây là lần đầu tiên chúng tôi câu cá trong mưa như là những bản tình ca trong mưa , không như những lần trước hễ trời vừa lất phất là bà nhà tôi hối đi về . Lớp bỏ lớp lấy chúng tôi đếm cá chỉ được mười con .

Saturday, April 10, 2010


- Anh Ba ơi ! Nãy giờ đi lòng vòng mãi , không có chỗ nào đặc sắc . Tui nghe dưới miệt này nổi tiếng là vườn cò Bằng Lăng gì đó .

Tiếng anh xe ôm ồm ồm qua làn nước mưa :
- Giờ này cò kiếc gì nữa , anh Hai hổng nghe bà con hát là trời mưa tháng tám hà rầm , cò ăn cò ngủ cò dò lên cây . Thôi để tui chở anh Hai qua chỗ này nổi tiếng nhứt Cần Thơ .

Nói xong anh xe ôm quay đầu xe băng ngang một con đường lộ rộng thênh thang . Chừng đâu hai mươi phút , hai chiếc xe đậu trước một căn biệt thự có tường sơn màu vàng nhạt , bên ngoài bao quanh bởi hàng rào sắt có mũi nhọn chia chỉa lên trời .

Anh Ba giới thiệu :
- Đây là nhà má ông Dũng một biệt thự đẹp nhứt Cần Thơ đó anh .

Tôi nhìn thoáng qua căn nhà đó , lòng chợt chùng hẵn xuống , nghĩ thầm : " Không biết đến bao giờ mỗi người dân được làm chủ một căn nhà như thế vầy ."

Cần Thơ có lẽ là địa danh nhân kiệt , chưa đầy 30 năm đã có 2 vị thủ tướng (Ông Nguyễn Bá Cần và Ông Nguyễn Tiến Dũng ). Giá như mà tôi có tài bói toán phong thủy như thằng bạn tôi , mai mốt có nằm xuống đất biểu con cháu tìm một cái huyệt Long Kẻo Long Hội nào đó , có thể sau này con cháu được lên làm thủ tướng chăng .

Tôi nói với anh Ba xe ôm :
- Ừ , có lẽ anh đã chở tui xem qua thành phố Cần Thơ rồi . Nó cũng rất đẹp . Thôi anh chở tụi tui ra bến xe đi về Sài Gòn .

Đến bến xe tôi móc tiền trả cho hai anh xe ôm đầy đủ như đã giao ước trước . Anh Ba xe ôm tươi cười :

- Khi nào anh Hai xuống đây chơi nữa , nhớ gọi số điện thoại của tui nhé .

Không biết có dịp nào có dịp quay về thành phố Cần Thơ này nữa hay không , nhưng tôi vẫn mỉm cười chào anh ta và bước vào quầy mua vé xe . Sáng nay xuống đây , chúng tôi đi trên một xe khách bình dân , ngồi cạnh một ông không biết phép lịch sự , luôn luôn nhả khói thuốc làm phiền những người khách kế bên . Tôi mua ngay loại vé đắt hơn một chút , 70 ngàn cho một chỗ ngồi . Loại xe này có máy lạnh . Cửa đóng khép kín , máy lạnh cứ ù ù tuôn ra những làn gió . Loại xe khách này không cho phép hành khách hút thuốc lá trên xe . Mình mẩy tôi gần như ướt đẫm , thấm đầy nước mưa . Cháu Vy nó cũng rên :

- Lạnh quá bác , bác có cách nào cho hết lạnh không ?
- Không , bác cũng lạnh thấy mụ nội . Bác tài xế xuống xe chạy đâu mất rồi , cứ mở máy rung rung hoài .

Tôi vội vàng chun xuống hàng ghế chót , núp đằng sau cái ghế cao để chắn gió lạnh . Ngồi cạnh là một bà sồn sồn chừng 40 tuổi , nét mặt buồn buồn . Trông thấy tôi xen vào , chị ta ne né qua một bên , dựa sát vào thành xe , và ngó qua bên cửa kiếng . Nhìn cách ăn mặc trang sức của chị ta , tôi biết chị ta thuộc hạng người bình dân như tôi .

Khi xe chuyển bánh để hướng về Sài Gòn , tôi bắt đầu hỏi chuyện làm quen :

- Quê chị ở đây ?

Chị ta gật đầu . Tôi hỏi tiếp :

- Thế chị lên trển buôn bán làm ăn hả ?
- Không , tôi và đứa con gái làm trên đó , trong hãng làm viết bi .

À được đây , từ ngày tôi đi chơi ngoài Bắc về , ở trong chợ tiếp chuyện với các bạn hàng cá hàng tôm hàng ốc . Nay có dịp được trò chuyện với người công nhân trong một nước xã hội tiên tiến như nước Việt Nam ngày nay . Tôi mừng rỡ hỏi tiếp :

- Chị làm trong hãng đó bao lâu rồi chị ?
- Ba năm .
- Con gái chị cũng vậy chăng ?
- Ờ .
- Tui nghe nói dưới đây người dân sống ở miệt vườn dư dả lắm mà .

Chị ta lắc đầu :

- Ai có ruộng đất nhiều bây giờ mới khá , chứ bần cố nông như tụi tui làm gì có đất để bán mà dư dả gì .
- Chị về đây thăm người nhà à ?
- Không , em dìa thăm thằng con với ba nó . Nó đang học lớp 10 . Nhà tui có miếng vườn nhỏ xíu à , gia đình em sanh sống sao nổi . Nhơn có người quen trên Sài Gòn rủ rê em vào hãng làm viết bi .

Nói xong chị ta nhìn thẳng vào tôi :
- Nhìn anh , có lẽ anh làm giám đốc một cơ xưởng nào chăng ?

Tôi lắc đầu :
- Tui ấy à , là công nhân nhà báo . Xin lỗi chị nha , tui hơi tò mò một chút . Công nhân bình thường lãnh chừng bao nhiêu một tháng hả chị ?

Chị ta ngần ngừ một lát , nói :
- Triệu mốt .

Tôi tính đổ đồng ra là triệu mốt chia 30 ngày , vậy mỗi ngày được 40 ngàn , lại chia ra 8 giờ làm việc . Vậy mỗi giờ được 5 ngàn đồng , chưa được 30 xu Mỹ . Qua lời chị ta thuật lại . Chị ta cùng đứa con gái chia phòng với hai người khác . Giá tiền trọ là 500 ngàn cho một phòng nhỏ . Dù cho tôi không hỏi nhưng tôi cũng biết những người công nhân ấy sống rất tằn tiện . Bữa cơm chắc sẽ là cơm với vài con cá sặc khô kho mặn hay đậu phọng kho muối .

Dạo những năm 60 , 70 tôi thường lên thăm bà bác tôi . Chồng bác tôi mất sớm . Mỗi lần như thế bác đều bảo tôi ở lại dùng cơm với bác . Bữa cơm nào cũng đều có đĩa rau muống luộc và vài quả cà muối . Lúc ấy tôi ăn mà lúc nào cũng thấy ngon miệng . Mấy người anh họ tôi chẳng khi nào tôi thấy họ ngồi bệt xuống mà ăn với chúng tôi . Giờ đây tôi nghĩ lại thì ra ngày nào họ cũng ăn độc nhất cái món quốc hồn quốc túy mãi cũng ngán tới tận cổ .

- Anh xuống đây thăm bà con chăng ?
Tôi mới kể lại chuyện tôi muốn xuống đây để đi thăm thành phố Cần Thơ và phong cảnh xung quanh , nhưng chẳng được như ý muốn .
- Có , anh xe ôm có chở tui đi ngang qua biệt thự của má ông Dũng , chợ Cần Thơ , Ngân hàng Cần Thơ , Bệnh Viện 175 hay 285 gì đó .

Chị ta nghe đến đây , nói :

- Giá như anh gặp được em ngày hôm qua thì em dẫn anh đi coi chợ nổi Cái Răng , hay qua bên Phong Điền . Nhà em cũng ở gần đó .

- Chị có biết Vườn Cò Bằng Lăng không ?
- Biết mà .
- Nó nằm ở đâu vậy ?
- Huyện Thốt Nốt xã Thới Thuận . Nơi đây xa xưa có nhiều cây bằng lăng hai bên bờ kênh bờ ruộng nên người ta đặt luôn tên cho cây cầu , dòng kênh và luôn cái tên vườn cò .

Tôi sực nhớ lại lời vài người bạn sau khi ra trại tù cải tạo thường hay nhắc nhớ đến cái cây bằng lăng . " Mỗi lần đến mùa xuân nhìn bông bằng lăng nở tim tím dọc bên bìa rừng là tụi mình lại lên đường . " Tôi ngạc nhiên hỏi lại : " Lên đường , đi đâu vậy ? " . "Thì ... lên đường qua trại khác ."

- Sao chị rành quá vậy ?
- Thì hồi đó nhà em có một miếng đất nhỏ bên ấp Thái An . Một hôm tự dưng một đàn cò đâu chừng hơn trăm con bay ào ào xuống vườn em . Chúng mổ sạch đám cá ông già em nuôi . Ông xã em đó , hồi đó ảnh cũng dân Sài Gòn như anh vậy đó , gặp em con gái Cần Thơ , bỏ đi không đặng ở luôn không dzìa .

Nhìn thoáng qua chị Ba Cần Thơ , nước da hơi tai tái , không trắng trẻo lắm như ca dao tục ngữ hay nói "Cần Thơ gạo trắng nước trong . Ai đi đến đó lòng không muốn về ." Nhưng có lẽ chị Ba thân cò lặn lội lên tận Sài Gòn đi làm kiếm tiền gia đình , một nắng hai ba sương thì làm sao da dẻ mịn màng trắng trẻo cho được .

- Rồi ảnh làm sao nữa hả chị ?
- Thì ảnh qua giúp cha em đuổi đàn cò mà ấy đi . Mới đầu ảnh làm bẫy được vài con cò rằn cò rán gì đó để làm mồi nhậu , nhưng ảnh chê thịt cò tanh quá . Sau đó đàn cò đó bay sang đất ruộng của ông Thuyền . Người ta nói là cái gì cũng có cái duyên . Đàn cò đó lại rủ ren thêm những đám cò khác ở nơi khác về , nào là cò xanh , cò đúm , có quắm rồi thêm họ hàng cháu chắt của nó nữa chớ , như là bồ nông , bạc má , điên điẻn , bìm bịp , vạc , diệc , quốc quyết , ui thui nhiều lắm . Hai vợ chồng ông ta bèn cho là của trời cho . Ông cứ lâm râm khấn vái mãi : " Lạy thần hoàng thổ địa , cám ơn đã cho con lấy lại vốn liếng mà con dzợ con đưa con làm vốn làm ăn . Ông thổ địa còn nhớ chăng , hồi đó con đi ngang bờ ruộng này thấy một bầy cò trắng đông lắm , con muốn mua để xách ra chợ bán , nhưng nhìn mãi mà không thấy ai là chủ đám cò này . Chợt con thấy một chú bé mười ba mười bốn tuổi nhìn thấy con dáo dác biết ý con muốn mua bầy cò , liền ra giá . Con móc hết tiền mà con vợ con đưa con đưa hết cho nó rồi ra ngoài vườn bắt cò đem bán . Nào dè ... đàn cò thấy động bèn vỗ cánh bay mẹ lên tận trời xanh . Má ui , dzìa nhà con vợ con túm lấy tóc rồi uýnh con đau thấy mẹ . Bây giờ thần trả con đám cò này , vợ chồng con quyết ý không dám phụ lòng ngài .

Nói xong hai ông bà bàn bạc bỏ ruộng không cày cấy nữa , đi đào ao nuôi cá để nuôi cò, rồi đi mua cây xanh về trồng để cho có chỗ cho cò ở . Từ đó năm tháng trôi qua đàn cò sinh con nảy nở , quanh quẩn trong khu vườn cò độc đáo này , mà lạ thay chúng không hề bay qua xâm chiếm qua phần đất hàng xóm nha .

Tôi nghĩ thầm : " Chúng mà bay sang nhà bà , chồng bà chắc bắn rơi chúng hết ."

- Tui nghe nói là du khách xuống thăm Vườn Cò không khỏi ngây ngất trước vẻ đẹp thiên nhiên , những buổi chiều về đàn cò trắng phau phau chắp cánh bay êm ả về nơi chúng ngự , từng cánh phất phơ dập dìu theo làn gió chiều buổi hoàng hôn .
- Người ta thì sao em hổng biết , chớ ở gần chúng hôi thấy bà nội rồi tiếng cò kêu ang ác tối ngày , ai chịu nỗi nên tụi em bán đất dọn đi chỗ khác .