Saturday, October 3, 2009

Trên con đường vào chợ Phú Nhuận để vào ngõ nhà cô em tôi , một bà đứng cạnh chiếc xe đạp trên có giỏ bắp luộc miệng rao ơi ới :
- Ngô ngô đây , nóng hổi . Mười ngàn bốn bắp .

Tôi ghé lại , nhìn vào trong cái giỏ .
- Bắp này có dẻo không chị ?

Bà bán bắp trong bộ quần áo bạc màu , đáp :
- Dạ, bắp này sao lại không dẻo . Bác mua thử cho cho chị nhà xơi .

Tôi chỉ vào hàm răng tôi :
- Chị à ! Hôm qua tui mua của chị mười ngàn đến những năm trái bắp . Về nhà tui mới cạp mới có mấy cái . Hai ba cái răng giả tui rớt ra và dính vào trái bắp dẻo của chị . Chị biết không , trái bắp của chị làm tui mất mấy triệu để làm lại .

Bà ta nhìn tôi chưng hửng , chối bai bải :
- Chắc bác lầm rồi . Hôm qua em đâu có bán chỗ này . Thôi bác không mua thì thôi , để cho em bán nốt mấy trái bắp ngô để còn về nấu cơm cho chồng .

Tôi nói đùa với bà ta thôi , chớ thật ra là sáng hôm kia lúc đi ngang qua chợ hàng cá tôi trông thấy một cậu đẩy xe bán bánh bao chỉ . Mua về chục cái để khoe với với bà nhà tôi . Cô em tôi nhìn thấy mấy cái bánh bao chỉ , cười tươi :
- Sao anh tìm ra hay vậy . Lâu quá rồi em mới gặp bánh bao chỉ . Em bận buôn bán suốt sáng nên ít khi nào gặp mua loại bánh bao này .

Bánh bao chỉ nhỏ nhắn trắng tinh như bánh dày, nhưng bên trong trộn nhân mứt dừa hay đậu xanh . Bánh thơm phức và ngọt dịu không như cái bánh donut bên Mỹ ngọt ngay . Bánh này mềm dịu nhưng tôi cảm thấy như đang cắn vào một vật cứng . Tôi lấy ra xem , nhìn vào mãi mới nhận ra đó là mấy cái răng giả dính theo . Tôi phân vân tự hỏi cái bánh bao chỉ dẻo quá dính chặt vào răng hay tại vì mấy cái răng làm khéo quá . Bên Mỹ này trồng vài cái răng như vậy , bảo hiểm y tế đã trả tôi nghĩ cũng vài ngàn đô la .
Tôi nhớ đến một câu chuyện vui trên mạng lưới , mà không ngờ lại xảy ra một trường hợp na ná đến cho tôi .

Vào một đêm ba mươi tối đen như mực , trời lại mưa lâm râm . Trên đường vắng xảy ra một tai nạn giao thông giữa hai chiếc xe hơi . Một ông lão chập choạng bước ra mắng mỏ xối xả vào một cậu thanh niên :
- Lái xe cái kiểu gì vậy , móp xe tui mà mà còn làm cái hàm răng giả tui hư hết trơn rồi .

Cậu kia rối rít xin lỗi ông cụ, nhưng ông cụ kia cứ mắng sa sả :
- Cậu biết không , không có răng tui lấy gì mà ăn .
- Thì cụ làm răng giả khác . Hãng bảo hiểm xe sẽ đền bù cho cụ .

Ông cụ gắt :
- Cậu không biết gì hết . Bây giờ mà hẹn bác sĩ cũng vài ngày , rồi khám , rồi đo đạc , thử tới thử lui cũng hết vài tuần . Trong thời gian đó tôi lấy chi ăn uống đây , ăn cháo hả ?

Cậu thanh niên trầm ngâm một lát , hớn hở nói :
- Cụ chờ cháu một chút .

Nói xong cậu chạy ra phía sau cái xe của cậu , mở cái nắp thùng xe và lôi ra một va li màu đen tuyền . Bên trong cái va li đó đầy ắp những bộ răng trắng vàng đủ cỡ .

Cậu ta bước tới nói với ông lão :
- Cụ ơi ! Cụ há miệng ra cho cháu thử . À ! Bộ này không vừa lắm , chắc bộ kia , cũng không vừa . Bộ này , được rồi cụ ạ , khít khao thật là vừa vặn . Cụ nhai tới nhai lui xem sao .

Ông lão gật đầu , giọng nói có vẻ hồ hỡi :
- Có lẽ được rồi cháu .Nhưng mà tui hỏi thiệt với cháu , nhìn mặt cháu thông minh sáng láng , cháu là nha sĩ học ở trường Trung Cấp Y Dược phải không ?

Cậu thanh niên bình thản đáp lại :
- Dạ thưa cụ , cháu chưa hề học ở đó bao giờ . Cháu chỉ là " mortician" thôi .

Tôi không biết ở Việt Nam có cái nghề này không . Ông/Bà mortician chuyên môn hoá trang và sửa soạn "make up" cho người chết . Người quá cố được trang điểm đẹp như vậy để họ hàng khách khứa vào phúng điếu bớt sợ sệt . Bạn muốn biết rõ về nghề này , xin vào trang wikipedia để coi thêm .

Trong góc bếp cô em út tô đang lui cui sửa soạn bữa cơm trưa . Bên cạnh bồn rửa chén là một chồng bát dĩa ngổn ngang trong đó . Thấy vậy tôi định xăn tay áo lên lăn vào giúp .

Cô Thu em tôi ngăn lại :
- Thôi để em , anh chị là khách mà . Mấy khi gia đình anh chị về Việt Nam . Em làm một mình được rồi .

Một khi cũng gần hết hầu bao , nói chi đến mấy khi . Gia đình tôi ở đây đã hơn tháng nên mọi sinh hoạt trong nhà tôi biết khá nhiều . Sau những bữa cơm trưa chiều cô em tôi lại vén tay áo rửa chén và dọn dẹp . Tôi nghĩ các bà mẹ Việt Nam thật giỏi chịu đựng , thương chồng thương con không muốn họ nhúng tay chân làm những công việc thường nhật đó . Đã vậy có vài gia đình , ông chồng về nhà trong dáng điệu say sưa , thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ nhà mà chả có bà vợ nào dám hó hé . Luật pháp Việt Nam vẫn còn nhiều dễ dãi cho quí ông quá .

Gia đình cô em tôi bốn người cộng với chúng tôi và mấy đứa cháu có đến mười mấy người . Tất cả đều ngồi bệt xuống đất . Cô em tôi khệ nệ mang ra một tô lớn canh chua cá hổ . Bình thường thì cô em hay nấu canh chua cá bông lau , nhưng vì ngày hôm qua chú Tôn đi câu xách về mấy con cá hổ mà chú cứ nhất quyết gọi là cá phi Đài Loan .

Lúc chú Tôn mang cá về , tôi nhìn chúng nó to bằng hai bàn tay , mình dẹp , da trắng nhờn nhợt như cá chim . Hàm răng trắng nhọn và lởm chởm như răng cá mập . Tôi mang máng là hình như đã gặp ở đâu . Đúng rồi cá Piranha , giống cá ăn đủ loại sinh vật nếu lọt vào vùng nước sinh sống của chúng ở Nam Mỹ . Bên Việt Nam gọi là cá hổ , cá cọp gì đó . Không hiểu mấy ông chủ hồ cá ở Hạnh Thông Tây gọi là cá phi Đài Loan , chắc có lẽ gọi vậy cho oai .

Tôi định mang cá ra làm sạch , nhưng ngại làm dơ nhà dơ cửa , bèn xách ra hàng cá . Một chị hàng cá từng quen với chú em đi đời của tôi trông thấy tôi tươi cười :

- Anh mới đi câu về hả ?
- Không , mấy con này là của chú Tôn câu . Chị làm sạch mấy con cá này rồi tui trả tiền công cho chị .

Tôi không mặc cả giá cả với chị ta , Sau khi chị bán cá làm xong , chặt đầu mổ bụng cắt khúc , tôi trả cho chị 30 ngàn . Chị ta cám ơn rối rít . Về sau tôi mới biết sáng chị ta phụ việc bưng tô chén cho hàng bún hàng phở chỉ được trả có 30 ngàn một ngày .

Ngoài canh chua ra , cô em còn chiên thêm mấy khúc cá hổ nữa , nhìn sơ cũng khá bắt mắt , chúng vàng rực quyện với mùi mỡ hành thơm phức .

Ai nấy vừa ăn thử miếng cá đều lắc đầu :
- Eo ơi , cá gì ăn không ngon tí nào hết .

Thịt cá hổ vừa nhạt , lại lắm xương nhỏ . Thử miếng cá hổ chiên , nó cũng dở như nhau . Nhưng không sao , cô em tôi lúc nào cũng có thịt sườn chiên dành riêng cho hai đứa con trai cưng của cổ . Hèn gì tôi về chợ này hơn cả tháng , chả khi nào thấy họ bày bán loại cá này . Loại cá này có lẽ không thích hợp ngon miệng với loài người nhưng là thức ăn khoái khẩu của loài rái cá . Một chú rái cá một ngày có thể xơi tái vài chục con cá loại này .

Buổi chiều hôm đó tôi lại gặp chị bán cá , chị ta mặt sáng lên hỏi tôi :
- Hôm nay anh có đi câu không , nếu có để em làm cá cho .
- Không , nếu có chắc đi câu cá mập quá .

oooooOOOOooo

Chiều hôm sau hai vợ chồng tôi đáp xe lên bệnh viện Phú Nhuận . Dạo này cuối tháng Bảy mưa hay đổ bất chợt . Bầu trời xám đục , mưa lất phất bay . Chúng tôi lên lầu , hỏi thăm và được chỉ cho phòng mổ , nơi đây họ gọi là phòng tiểu giải phẫu . Bên ngoài mưa rớt xuống , rơi những hạt mưa bay hắt vào mặt chúng tôi . Nước mắt rơi hay mưa rơi đây . Bà nhà tôi nắm chặt lấy tay tôi . Tôi cũng biết chuyện này không phải lớn lao gì cho lắm , nhưng giả sử chuyện giải phẫu không thành công , thì tôi thành độc nhãn đại hiệp . Về Mỹ chắc khó có thể trở lại nghề điện tử được . Tôi chỉ biết úp mặt cầu nguyện thôi . Tôi nghĩ bụng mình còn nhát gan hơn cả vợ mình . Tôi từng đi biển , vượt sông nhưng lúc ra đi có đôi có cặp , không bằng người đàn bà vượt cạn mồ côi một mình . Tôi đã từng bình tĩnh đối diện với công an cửa khẩu Tây Ninh lúc vượt biên (chuyến này không thành công ) , từng đối mặt với lính Nam Dương trên giàn khoan , họ lăm le tay súng đòi đuổi chúng tôi , họ cấp lương thực nhưng không cho ở lại . )

Tối nay chỉ có hai người vào mổ mắt cườm . Chúng tôi được mặc một bộ áo màu xanh dương . Chân không được mang giày dép . Một cô y tá cho tôi uống vài viên trụ sinh . Trong phòng tiểu giải phẫu , tôi gặp lại bác sĩ Phong . Ông ta bảo tôi nằm xuống trên một chiếc băng ca , và tiêm thuốc tê vào mí mắt bên trái . Xong chúng tôi ngồi đợi bên ngoài đâu chừng mươi phút .

Tôi được dẫn vào nằm trên một giường giải phẫu . Hai ba ngọn đèn bạch quang sáng rực trên mắt tôi . Lúc này bác sĩ Nam và và bác sĩ phụ tá tới . Họ mang găng tay và bịt mũi miệng .

Tôi chỉ thấy mang máng họ đẩy một cái máy lên trên đầu , và nghe tiếng soẹt soẹt trên con mắt trái tôi . Vì đã chích thuốc tê nên tôi không cảm thấy đau .

Chừng đâu mười phút cuộc tiểu giải phẫu này xong . Sau khi dùng miếng băng tròn bịt mắt trái tôi lại , bác sĩ Nam dặn dò :
- Giải phẫu rất tốt đẹp , anh ngày mai tới khám .

Tôi cám ơn bác sĩ và các vị phụ tá và bước ra ngoài . Lúc này tôi không đeo kiếng , mắt phải tôi cận lên đến gần 10 độ . Bà nhà tôi bước tới dìu tôi xuống đường . Ngoài đường mưa còn rơi lất phất , đèn điện đã lên sáng lờ mờ .

3/10/09

No comments:

Post a Comment