Chuỗi hạt xoàn giáp cúc
Chiều thứ sáu bầu trời thành phố Fort Worth mây đen kéo đến che phủ mọi nơi . Vài giọt nước mưa vội vàng bắn tung tóe trên mặt kiếng xe . Tôi bước nhanh vào văn phòng bảo hiểm gần khu chợ Việt Nam tôi ở . Chị Thu Trúc ngồi thơ thẩn trên cái bàn gỗ , chợt nhìn thấy tôi , cười tươi và chào hỏi :
- Chào chú , hôm nay Thu Vân giúp gì cho chú đây ?
Tôi mỉm cười chào lại , mở xấp giấy báo lôi ra một tập hồ sơ bảo hiểm nhà đặt lên bàn làm việc của cô ta .
- Chị Trúc ơi ! Cách đây hơn tháng , tui có " claim " với hãng bảo hiểm của chị là mái nhà tui bị gió lớn , wind damage . Hãng bảo hiểm cho người xuống định giá rồi đền tui có ba ngàn . Chị coi xem , ba ngàn đâu có đủ tiền để lợp lại mái nhà . Này nhá , theo bản định giá thì mái nhà phải đền là 9000 đô , trừ tiền Less Non Recover Depreciation 4000 , còn năm ngàn , trừ tiền " deductable một phần trăm 2000 . Rốt cuộc đền tui có ba ngàn thôi . Tui đưa cái hồ sơ bảo hiểm này cho thằng con trai tui đọc suốt tuần nay , rồi hai cha con tui mò mày mãi mà vẫn không thấy cái khúc nào đoạn nào nói về cái khoản trừ " Depreciation " , chị chỉ cho tui xem .
Chị Trúc đang nở nụ cười bỗng tắt lịm , nói trơ ra :
- Ảnh đọc có hiểu không ?
- Chắc hiểu chút chút , nó mới học xong .
- Học xong lớp ESL à ?
- Không phải , tốt nghiệp Master về " Computer Network "
Nghe tôi nói , cô ta không cười nữa , mở hồ sơ nhà xem xét . Lớp ESL có nghĩa là English as a second language . Môn Anh văn để dạy cho những người vô Mỹ mà khả năng nói viết Anh Ngữ còn hạn hẹp . Master là bằng Cao học , bây giờ ở Việt Nam gọi nôm na là Phó Tiến Sĩ .
Tôi biết chị ta ngang cỡ tuổi con tôi , mới qua Mỹ chừng hơn chục năm , ngày xưa cũng học lớp ESL và có thời đi làm chung hãng phôn Nokia đứng dây chuyền cùng với bà nhà tôi . Sau vài đợt sóng gió biển dâu , hãng xưởng ở Mỹ thi đua nhau cho công nhân nghỉ việc laiđoff , chị ta khéo léo xin vào thư ký cho một hãng bảo hiểm .
Trong hãng điện tôi làm bây giờ , ông xếp bày đặt ra cái lệ mới . Mỗi chiều thứ Năm , téch ni sơn tụi tôi thay phiên nhau để " Cross training " , có nghĩa là huấn luyện lẫn nhau . Anh Smith giỏi về cái mạch điện "transmit " để chỉ cho người khác biết , ông Brown biết về máy chỉ cao độ cũng vậy . Đầu tiên một anh Mỹ , tên là Paul chỉ cách cho chúng tôi biết cách cột bó dây ... điện , làm sao để bó lại những sợi điện , mà anh ta nói rằng rất có ích trong việc gọn gàng trong hệ thống điện máy bay . Một anh khác chỉ dạy lại cách đọc trị số các điện trở resistor trong mạch điện . Chuyện này làm chúng tôi bực mình lắm . Cách đây mấy chục năm đi học lớp điện tử căn bản , anh nào mà chẳng học cách đọc này , black là zero , brown là một . Bây giờ lại lôi ra mấy thứ cũ xì cũ xiếc ra làm trò . Đến một tuần đến phiên tôi , tôi đề nghị với họ là dạy về ESL , dù sao hồi bên đảo Galang thời còn tị nạn tôi cũng là thầy dạy ESL cho đồng bào tị nạn . Tụi Mỹ nghe ESL hỏi nghĩa là gì , biết được họ phá lên cười ầm ĩ cả phòng . Một anh đầu đen nói tiếng Anh cà ngọng cà ngọng dạy tiếng mẹ đẻ cho họ .
Sau một lúc lật qua lật lại hồ sơ bảo hiểm , những trang giấy tiếng Anh mờ mịt những chữ là chữ , cô Thu Trúc sờ càm nói :
- Cháu coi mãi cũng chẳng thấy , nhưng như cháu đã nói . Nếu như chú mua bảo hiểm nhà với giá cao thì bảo hiểm đền cho chú 100 phần trăm . Còn như bây giờ chú muốn mua thấp , giá nhà bảo hiểm cho là 250 ngàn , chú mua có 170 ngàn , bảo hiểm đâu có đền đủ đâu .
- Cô nói sao vậy ? Năm ngoái đi mua nhà , nhà băng gọi xuống hãng bảo hiểm cô , bảo tôi mua . Căn nhà được bảo hiểm đến 220 ngàn cơ mà .
Cô Thu Trúc nghiêm giọng :
- Theo như cháu biết , trên tờ giấy kê khai "Itemize" thì nó không có chữ " Replacement Cost " . Không có những chữ này thì bảo hiểm sẽ khấu trừ tiền hư hao . Mái nhà chú cũ , xây chục năm rồi , nên giá trị chỉ còn phân nửa thôi .
Nghe cô ta nói luyên thuyên một hồi , tôi bèn bảo :
- Vậy thì bây giờ cô coi một số hồ sơ , xem xem có anh nào đề chữ " Replacement Cost " cót cót gì đó không ?
Tôi đứng bên cạnh nhìn thoáng qua bàn tay cô Thu Trúc , bấm tới bấm lui trên màn hình computer .
- Hổng có chú . Thôi bây giờ chú về nhà , chú gọi cho văn phòng chính hãng bảo hiểm , trình bày sự việc với họ . Hôm nay là chiều thứ Sáu giờ này họ chắc đóng cửa rồi , thứ Hai chú gọi cho họ .
Ra ngoài đường , lòng tôi cảm thấy buồn tưng tức làm sao . Kỳ này chắc phải đi kiếm hãng bảo hiểm khác mà mua . Nhưng mà , các hãng bảo hiểm khác khi giở hồ sơ nhà của tôi ra , trên computer sẽ hiện ra dữ kiện , biết mái nhà hư hỏng không biết họ có bán cho hay không .
Trên bàn ăn nhà bếp , bà nhà tôi bày biện vài đĩa thức ăn . Một đĩa rau cải ngọt luộc , một đĩa dưa leo , một khúc cá yellow bass kho còn sót lại , một đĩa gà ram , một đĩa thịt paté chiên , một đĩa đậu hũ chiên và một tô nước rau .
Con Linda nhà tôi ngắm nghía mấy cái đĩa trên bàn , nói :
- Má má ! Hôm nay hổng có thức ăn mới hả má ?
Nhà tôi thức ăn ăn không hết , cất vào trong tủ lạnh . Từ thứ Hai hai món cho đến thứ Sáu thì đã năm sáu món . Tôi chỉ ăn rau với cá thôi , mấy món kia để dành cho họ .
Thy , đứa con thứ hai tôi cầm đũa khuấy khuấy mấy cọng rau luộc , cười tươi nói :
- Má , má ! Điểm thi MCAT về rồi .
Hai tháng qua tôi thấy con bé Thy lúc nào cũng ôm cuốn sách luyện thi MCAT . MCAT là chữ viết tắt của Medical College Admissions Test , bài thi vào trường y khoa cho Mỹ và Canada . Cuốn sách dày cộm , dày hơn bảy tám cuốn Đại Đường Song Long tôi đang luyện , tôi có coi thử . Mở ra tôi tá hỏa tam tinh , nào là các phương trình đại số x y , công thức hóa học C cộng H cộng N gì quá xá , các mạch điện r , i chạy loạn xạ . Thấy mặt mày nó lúc nào cũng đăm chiêu . Hôm nó đi thi về , nhăn nhó : " Bài thi gì mà dài quá , thi đến năm tiếng đồng hồ . " Tôi an ủi : "Hông được lần này thì lần sau ." Lúc đó nó thở dài : " Lần này là lần thứ hai bố , lần thứ nhất kết quả chưa về . "
Khi trước tôi nhắc đến cậu Vinh Xằng (Vincent) con ông anh vợ tôi , nó thi MCAT được 35 điểm và được mấy trường y chấp nhận , mặt nó không nói nhưng tôi biết nó có nhiều nỗi lo lắng , ưu tư .
- Điểm được bao nhiều hả con ?
- Hai mươi bảy bố .
Tôi không rành lắm về bảng điểm này . Nhưng tôi cũng biết là điểm trung bình . Cô Thu con ông anh vợ tôi , bác sĩ chuyên khoa ung thư lần đầu tiên thi MCAT cũng chỉ có 25 . Lần sau thì tôi không biết , chắc hơn ba mươi .
Bà nhà tôi xen vô :
- Thế con có pass không ?
Con bé Thy nhà tôi nói :
- Bây giờ con phải học cho xong năm chót , đồng thời nộp điểm GPA và điểm MCAT cho các trường y .
Bà nhà tôi nói :
- Khi nào con biết con pass .
Tôi bèn cắt nghĩa chữ PASS cho bà nhà tôi , đây không phải là đậu hay đỗ , mà là do các trường y họ sẽ tuyển sinh . Anh nào hay chị nào giỏi , điểm nào cao thì họ sẽ lựa chọn .
Bà nhà tôi gắt lên :
- Ông làm như tui không biết . Tui nói con Thy nó hiểu , giải thích rồi . Đâu cần ông phải nói lôi thôi .
Như thằng lớn hồi xưa bảo đi học mắt học răng , ai khuyên cũng hổng chịu . Đó bây giờ vô hãng làm , mai thấy người này bị laid off , mốt thấy người kia nghỉ việc . Ai nấy đều có mười mấy năm thâm niên mà còn bi. huống gì nó .
Con Thy cười :
- Thì ảnh năm nay ghi tên đi học thêm về Biology , nhưng ảnh tính học về mấy con cho' con mèo gì đó , nhưng chị Phụng vợ sắp cưới của ảnh hổng chịu , bảo là nhà mới mua cả hai trăm ngàn , chỉ sao trả nổi .
Tôi cười lái câu chuyện qua ngả khác :
- Bây giờ mà bà nuôi tui thì ....thì tui cũng đi học bác sĩ mắt . Đừng nói mắt chứ mũi răng tóc tiếc học hết . Chứ vô mấy trường chuyên khoa chắc hông nổi .
Cả nhà đều cười ầm lên .
Khi cơm tối xong , chợt nghe tiếng điện thoại vang lên :
- Anh An đó hả ! Em là Chu đây , anh có rảnh qua nhà em tối nay hát karaoke . Hôm nay có thêm vài người bạn cỡ tuổi em . Chị Ba hớt tóc đầu ngõ , anh Tư làm nail cuối xóm .
Tôi nói lời cám ơn :
- Mấy giờ mới hát dzây anh ?
- Chín giờ .
- Trời đất , giờ đó tui sửa soạn đi ngủ rồi .
- Ngủ chi mà sớm dzậy ?
- Quen rồi , cứ giờ đó mắt cứ đờ ra . Ngủ chỉ đến hai ba giờ sáng là thức giấc . Vậy xem đến lúc đó mà tui thấy khoẻ qua anh chơi nhé . Thôi chào anh Chu nhé .
Lu'c ddo' bà nhà tôi đang lôi mấy cái hộp nữ trang ra .
- Ông xem , cái nhẫn hột xoàn hơn ca ra này bóng không .
Tôi liếc nhìn xem , hạt kim cương sáng loáng , lấp lánh màu tim tím .
- Hình như là giáp cúc . Bà mua chắc cũng vài ngàn .
- Vài ngàn con khỉ khô , nếu mà thiệt cũng cả chục ngàn . Cái này tui mua ở Việt Nam hơn trăm đô , cái chuỗi kia có nhận sáu hạt hồng bảo thạch tui mua bên Thái cũng trăm đô . Ông coi nước hột xoàn bên Thái nó cũng sáng hơn hạt đá Việt Nam nhiều . Cái này mà đeo lên bữa đám cưới thằng con mình hợp với cái áo dài tui may bên Việt Nam .
- Tui thấy bà ít khi đeo mấy cái hạt này lắm .
- Ông thiệt là hổng hiểu gì hạt xoàn hết , thứ này lâu lâu mới đeo thôi . Đeo mãi nó tróc nó trầy hết . Ông bảo ông học giỏi gì cũng biết , mà sao chuyện này ông dốt thế .
Thật ra đôi khi tôi kể cho bà nhà tôi ngày xưa có thử qua mấy cái máy đo độ cứng hardness , độ co kéo tensile strenght . Kim cương có độ cứng nhất , còn mấy cái hạt đá thủy tinh thì không biết độ cứng là bao nhiêu . Nếu có cũng chẳng dám thử . Tôi quay mặt đi dấu đi nỗi buồn vô cớ , nghĩ đến cái chuỗi hạt kim cương của bà vợ của một công chức người Pháp . Đánh đổi cả cuộc đời mình vì chuỗi hạt kim cương giả .
Ngày 10 tháng bảy năm 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment