Friday, November 19, 2010
Tiệm giặt
Tiệm giặt
Một buổi chiều sau khi đi làm về , tôi nghe tiếng bà nhà tôi đứng ở góc bếp vang vang lên :
- Chủ Nhật này tui đi làm ở tiệm giặt . Ông ở nhà lo cơm nước cho tụi nhỏ .
Tôi nghĩ thầm mấy cái tiệm quần áo chung quanh khu nhà tôi ở , họ đâu cần mướn người để trông coi tiệm . Tôi lửng lơ hỏi lại :
- Tiệm giặt nào vậy ?
- Thì chị Mỹ giới thiệu tui với ông Ðặng chủ tiệm của chị đó .
- Làm ở đâu bà biết không ?
- Ở tận chợ trời Arlington .
Từ nhà tôi chạy xe tới đó cũng ngót nghét 45 phút . Những con đường ngắn hơn như xa lộ 360 hay 30 đều hay bị kẹt xe . Cả năm nay bà nhà tôi bị cho nghỉ việc từ một hãng may nón . Thất nghiệp cho ăn được chín tháng rồi cúp . Công việc lương thấp bảy tám đô không phải là không khó kiếm , nhưng vì tiếng Anh tiếng u của bà nhà tôi cao quá , nói Mỹ , Mỹ cứ phải "what what " hoài nên họ không muốn mướn .
Giá như bà nhà tôi đọc được chút tiếng Anh , tôi có thể nói với bà Mỹ làm ở phòng modified hàn vớ vẩn mấy cái đèn LED bé xíu , nhận vô làm thử . Biểu bả học thêm nghề neo , bả nhăn mặt kêu lên : " Giời ơi ! Ông biết tui bị dị ứng , nghẹt mũi quanh năm , làm cái nghề đó hơi hóa chất bốc lên ngùn ngụt , tui chịu sao thấu . Có người giới thiệu vô làm vệ sinh nhà thương , bà than van :
- Ông hông biết gì hết trơn . Có nguời vô đó làm , họ sai vô làm quét dọn ở nhà xác . Tui thì tui sợ ma lắm , ông thích làm thì vô đó mà làm .
Ông bà ta có câu nhất nghệ tinh nhất thân vinh , nhưng có thể chỉ đúng ở Việt Nam thôi . Qua xứ Mỹ phải biết nhiều nghề mới có thể xoay sở tìm việc làm . Nhất là phải biết nói và viết tiếng Anh để đi xin việc .
- Bà làm mỗi ngày mấy giờ ?
- Bảy giờ sáng đến hai giờ chiều . Thứ Bảy nghỉ , Chủ Nhật từ 7 giờ đến 10 giờ đêm .
- Vậy là bà làm 15 tiếng ngày Chủ Nhật , sáng thứ Hai lại đi làm 7 giờ sáng . Thôi thì chiều Chủ Nhật tui lên thế cho bà mấy tiếng để bà nghỉ ngơi , và nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn . Nhưng mà công việc có khó nhọc gì không bà ?
Bà nhà tôi mỉm cười , nói nhẹ nhàng để an ủi tôi :
- Không , chỉ đứng dòm chừng khách , khi nào họ tới đổi tiền lẻ 25 xen ở máy đổi tiền thì ông ra giúp họ thôi . Ở đó có hai máy , một cái thì nó không nhận tiền đô mới , còn máy kia tiền nào cũ quá nhăn quá nó cũng không nhận . Khách hàng toàn tụi đen hay Mễ , có người không đút tiền vào máy , giả bộ kêu lên máy không " work " thì ông phải ra xử lý .
- Xử lý làm sao ? Tụi nó to con thấy bà .
- Ðâu phải xử lý cái kiểu Việt Nam đâu . Ông chỉ cho tụi nó cái bảng đề trên cái máy , chữ này viết bằng tiếng Anh . Ông chủ ổng nói là : " Phải kêu người coi tiệm trước khi đút tiền vào máy . Tiền mất sẽ không chịu trách nhiệm .
- Chỉ có vậy thôi à ?
- Còn nữa , thỉnh thoảng ông lấy chổi quét rác hay phẩy phẩy xà bông bột dính trên máy giặt .
- Vậy thôi sao ?
- Chưa hết , thùng rác nào đầy thì mang đi đổ .
Tôi gật đầu :
- Công việc nhàn quá .
Qua đến Chủ Nhật tôi xách xe chạy lên chỗ tiệm giặt . Tiệm nằm ngay ở một ngả tư nên tìm nó không khó khăn chi lắm . Tôi mở cửa kiếng bước vô . Trong tiệm giặt loe hoe vài người khách Mễ . Bà nhà tôi đang cầm chổi phây phẩy vài cọng rác . Vừa trông thấy tôi bà nhà tôi mừng ra mặt . Trong phòng hơi nóng hừng hực , mặt bà nhà tôi nhễ nhại mồ hôi . Ngoài trời Texas nóng đến 105 độ . Tiệm giặt xung quanh toàn cửa kính nên sức nóng xuyên qua tạo nên hấp nhiệt như là hiệu ứng nhà kiếng .
Tôi hỏi khẽ :
- Trong này hổng có máy lanh à ?
Bà nhà tôi chỉ vào một góc tường:
- Có một cái , nhưng đâu có đủ . Ở đây cả mấy chục máy giặt máy xấy lại thêm trời bên ngoài nóng quá . Bây giờ tui chỉ ông cách mở alarm khi đóng cửa đi về .
Nói xong bà nhà tôi đi vô một căn phòng rất bé nhỏ vừa vặn kê một chiếc máy may Juki và một cái ghế nhỏ .
- Ðây nhá , số alarm ông đừng cho ai biết . Ông bấm xong , tắt đèn tắt quạt rồi đi nhanh ra ngoài cửa , khóa cửa chính lại . Nhưng ông chủ tiệm dặn là đừng có giựt giựt cái chìa khóa . Nếu bị kẹt thì cứ xoay qua xoay lại .
Tôi cầm lấy cái chìa khóa rồi vặn thử , khóa lại cửa chính . Cũng đâu khó gì , bây giờ xoay lại là mở ra . Nhưng không hiểu tại sao ổ khóa lại cứng ngắc , không di chuyển lên xuống . Tôi nghe tiếng bà nhà tôi cằn nhằn :
- Ðã biểu ông rồi , ông chỉ cần xoay nhè nhẹ thôi . Bây giờ khóa cửa nhốt tui với tụi đen tụi Mễ trong này .
May mà lúc này chưa có chuyện gì xảy ra . Nếu có thì chắc họ cũng đập cửa kiếng chun ra ngoài thôi . Mồ hôi tôi đổ từng giọt , định dùng sức vặn chìa khóa thì bỗng nghe một giọng nói đàn ông :
- Ông đừng mở như vậy , kẻo nó gãy . Mở như vầy nè .
Ông ta cầm chìa khóa , xoay nhè nhẹ qua bên phải . Cách một tiếng , cửa đã mở .
Ðó là một người ông Việt Nam vóc dáng tầm thước , mặt vuông với đôi mắt khá sắc bén . Tôi chào ông ta .
- Anh chắc là ông Ðặng chủ tiệm giặt ?
- Dạ , đúng . Còn anh là chồng bà kia ?
- Dạ .
- Tôi nhìn thấy anh mở cửa , tôi nghĩ chắc anh hổng làm nghề ăn trộm được quá .
Qua dăm câu chuyện làm quen tôi được biết ông ta quê ở Ðà Nẵng , qua Mỹ được hơn hai mươi năm . Mới đầu làm lắp ráp dây chuyền ở hãng máy bay LTV thuộc thành phố Grand Prairie và sau đó làm thương mại .
- Bây giờ tôi có vài cái bin đinh cho mướn , vài cái convenience store . Tiệm giặt này có vài cái . Thế anh sao không làm business .
Tôi cười giả lả .
- Tui đâu biết làm business , biểu tui hồ nào ở đâu , cá loại nào , câu một ngày được mấy con thì tui biết . Mở tiệm giặt này có ăn không anh ?
Ông Ðặng cười nhẹ , lắc đầu .
- Thì ông xem đấy , máy giặt thường 75 cent , xấy 50 cent . Khách hàng cũng lai rai thôi .
- Tiệm này máy móc chắc hơn trăm ngàn ?
Ông ta cười thành tiếng .
- Vậy là anh hổng biết gì rồi . Mỗi cái máy Speed Queen loại commercial cũng vài ngàn . Ông đếm quanh đây xem có bao nhiêu cái máy . Tiệm này hơn ba trăm ngàn đô đấy .
- Bỏ bao nhiêu thứ tiền chỉ thu lại tiền cắc thôi sao .
- Thu lại cũng chẳng bao nhiêu . Anh xem đấy , tiệm giặt phải mướn hai người . Tiền đó chỉ đủ trả nhân công và tiền điện tiền nước . Anh lên làm thế bà xã , thôi anh ở lại làm nhé . Tôi phải đi qua coi mấy tiệm khác .
Khách vô giặt quần áo lai rai vài người . Nhàn quá không biết làm gì , tôi vô phòng vệ sinh xách ra một cái chổi và đi quét nhà . Sàn nhà lát gạch men màu trắng đục , đường chỉ viền màu đen . Khi quét vào trong cái đựng rác , tôi để ý thấy là khi quét mấy cọng rác đen đen nhỏ vô trong , lại thấy rác từ từ chạy ra . Tôi quét nó vô, nó lại chạy ra . Lần này tôi rướn mắt nhìn kỹ , thì ra đó những con gián đen đen bé xíu . Ðã từ lâu tôi không thấy chúng . Ai qua Mỹ trong những thời gian đầu lập nghiệp mà lại không sống chung với chúng .
Sau khi hướng dẫn nghề nghiệp , cách vận tác trông coi tiệm giặt ra sao , bà nhà tôi lái xe ra về .
Khách Mỹ Mễ ra vô đâu chừng vài người , người thì đem bỏ quần áo chăn mền vào giặt , kẻ thì đem bỏ vào máy xấy . Chừng đâu một lát sau , một gã Mỹ đen cao to lớn dềnh dàng bước vào chỗ tôi ngồi . Tôi đang ngồi gật gà, nhác nghe tiếng nói ông ổng của gã đen nọ :
- Hây you , sao cái máy giặt kia không quay ?
Tôi ấm ớ hỏi lại :
- Thế ông có bỏ tiền vô không ?
Hắn trợn mắt nhìn tôi , hậm hực nói :
- Chắc you mới đi làm à , tao là thằng trung trực nhứt trên đời .
Tôi nghĩ bụng , máy giặt đặt trong mấy cái tiệm giặt này, có bỏ tiền cắc vô thì nó mới chạy , không tiền lấy cái gì mà nó chạy nó quay . Nghĩ như thế nhưng tôi không dám nói ra ngoài miệng .
- Ðâu máy nào ? Số 20 hả ? Ông đợi một chút nhé , để tui gọi điện thoại cho con vợ tui .
Vừa nói tôi vừa rút cái điện thoại di động ra , bấm số gọi :
- Bà hả ? Có một ông Mỹ đen nói là ổng bỏ tiền vô mà máy hổng chạy .
Có tiếng oang oang từ đầu dây bên kia :
- Tui không biết , ông thử lấy tay đập đập vào thân máy xem nó có chạy không . Máy giặt nhà mình cũng hay giở chứng như vậy .
- Ừ !
Tôi không đấm mà dùng chân đá nhè nhẹ vào cái máy giặt . Cánh cửa của máy giặt bật tung ra . Tôi thở ra khoan khoái , rồi nói với gã da đen :
- Nó không chạy là bởi vì you không đóng cửa cho chặt . Nó có cái khoen khóa như vậy .
Bên kia một bà Mễ to béo vẫy tay gọi tôi lại . Tôi lững thững bước tới .
- Chuyện gì vậy amiga ?
Bà ta xổ một tràng tiếng Mễ , nghe điếc cả tai . Tôi không hiểu . Bà ta chỉ xuống mặt nền gạch . Nước xà bông rỉ trào ra từ miệng nắp máy giặt ngang . Chả cần giỏi tiếng Mễ tôi hiểu ngay là máy giặt có vấn đề . Tôi vội vàng đi nhanh vô phòng chứa vật dụng lau nhà và xách theo một cái cây lau bếp . Cứ lau , vắt đến đâu , nước trong máy cứ trào ào ào ra . Tôi gọi phôn di động cho bà nhà tôi , trình bày chi tiết sự cố sự kiếc . Tôi nghe tiếng bà nhà tôi cằn nhằn :
- Chả hiểu sao , ông đi làm có chút xíu mà nhiều lộn xộn quá . Thế này , ông tới mấy cái cầu chì , rồi xem cái máy đó số mấy , cúp nó đi rồi chừng đâu năm phút bật trở lại xem sao .
Nghe lời vợ dạy , tôi tắt máy rồi chờ chừng năm phút . Mà thật đúng như vậy , quá mấy phút máy trở lại reset như vị trí chờ khởi động . Tôi mở cái nắp miệng ra và thấy một cái vớ nhỏ bị kẹt ở nắp máy giặt .
- Amiga , cái này là lỗi ở bà , bà đóng cửa lại mà để cái này thò ra , nên nước trong máy cứ chảy ra . Bà không hiểu à ! Thôi được rồi , để tui vô trong phòng lấy bạc cắc , cho máy chạy cho bà .
Bà nhà tôi gọi điện lại cho tôi . Tôi trình bày sự kiện . Bà nhà tôi cằn nhằn :
- Ðó là lỗi của con mẹ đó . Nó phải trả tiền chớ .
Tôi cười trừ không cãi lại . Tiền đâu phải của mình , bạc cắc nằm trong máy đó là tiền của ông bà chủ tiệm . Máy trục trặc dù cho lỗi của ai thì việc làm vui lòng khách hàng là ưu tiên hàng đầu .
Và tới ngày Chủ Nhật kế tiếp , tôi đang mải mê coi trận đấu bóng chày football giữa Dallas Cowboy và Tennessee . Vài người khách da màu hững hờ đi ngang cái ti vi , không thèm để mắt tới , mặc dù tôi biết họ là fan , người mộ điệu của đội banh Cowboy . Họ bĩu môi : " Chơi dở ẹt ! " Đúng thế , qua sáu trận tỉ đấu đội Cowboy thua năm thắng một .
Cửa mở ra một thiếu phụ Mỹ đen cao lớn dềnh dàng , hai tay ôm một giỏ quần áo dơ bước vô . Theo sau là một cậu bé chừng đâu hai ba tuổi , quần áo tươm tất lon ton chạy theo mẹ . Bà ta loanh quanh mấy cái máy giặt , gọi tôi :
- Cái máy này được bao nhiêu " load " ?
Tôi ngẩn người ra , học tiếng Anh từ thuở lên mười ba tuổi , đi lính học trường Sinh Ngữ Quân Đội , tị nạn làm thông dzật viên , qua Mỹ hơn hai chục năm . Vậy mà nghe xong không biết trả lời làm sao . Tôi nhớ mang máng là bà nhà tôi có lần hỏi tôi chữ LOAD một lần . Tra trong từ điển Webster , hay trang mạng Wikipedia đều cắt nghĩa là một vật nặng , chất hàng vào xe , nạp đạn vô súng .
Tôi ỡm ờ trả lời nước đôi :
- Thì chắc nó có nghĩa là chất quần áo vào trong máy giặt .
Nhưng hôm nay , khách hàng hỏi thẳng là bao nhiêu " LOAD " . Tôi ngẩn người nhưng nghĩ ngay đến câu khác :
- Bà là người khách mới ?
Bà ta mĩm cười , gật đầu .
May quá cạnh đó có một cậu thiếu niên da màu đang loay hoay cho quần áo vào giặt . Tôi dùng câu hỏi đó hỏi cậu ta . Hắn tươi nét mặt , rồi lấy ngón tay chỉ vô một dấu hiệu sơn trắng cạnh nhãn hiệu Speed Queen . Hình vẽ hai cái giỏ (basket ) trống . Tôi hiểu ngay vấn đề nan giải này và xoay sang bà thiếu phụ giơ hai ngón tay :
- Hai .
Nhiều việc khó khăn ta cứ tưởng phải đi tìm nơi xa xăm nào đó , nhưng thật ra nó có thể nằm trong tầm mắt ta . Nó có thể bị một vật nào che khuất , dời nó sang một bên thì chính lúc đó ta có thể tìm chính cái bản ngã ego của mình .
Chú bé con da màu tung tăng trong tiệm giặt , chân mang đôi giày đen còn mới tinh bóng loáng . Trong tiệm lúc nào cũng để một lọ kẹo , tôi cầm lấy lọ kẹo hỏi cậu bé có muốn ăn kẹo không và làm bộ hỏi nó :
- You có muốn đổi đôi giày mới của you lấy viên kẹo này không ? Lại thêm đôi giày cũ của tui nữa .
Cậu bé tuy bước đi còn chập chững , giọng nói còn be be , gật đầu nói Yes . Tôi trao cho nó viên kẹo và bước ra ngoài cửa để còn tiếp tục coi trận đấu thư hùng của đội banh bóng chày Dallas Cowboy . Nắng bên ngoài vẫn còn hanh vàng , gió mùa thu thổi về se lạnh .
HH 19/11/2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment