Friday, December 24, 2010


------------------------

Một chuyến du lịch qua Thái

Bảy giờ sáng tôi trở về khách sạn , lên trên phòng vẫn thấy mẹ con nhà tôi còn đang say giấc ngủ . Tôi lặng lẽ quay xuống tầng hai khách sạn tìm cái gì lót bụng . Ở đây chúng tôi được đãi ăn sáng free , theo kiểu buffet muốn ăn muốn uống chi , cứ tự nhiên ( vô tư ) thả giàn . Tuy là khách sạn 3 sao , nhưng tôi thấy họ phục vụ những món ăn sáng khá phong phú . Từ bánh mì lát mỏng sandwich , bánh mì Pháp , bánh croissant con cua , cereal đủ loại đến sữa tươi , nước cam , cà phê v.v...

Tôi đang thư thả ngắm nhìn phong cảnh lờ mờ của thành phố Bangkok qua khung cửa kính lờ mờ xa xa , bỗng nhiên một đoàn người mấy chục mạng từ đâu kéo đến ,ồn ào như tổ ong vỡ . Đàn ông có đàn bà có , đầu đội nón lưỡi trai xanh dương bu đến các dãy bàn có thức ăn . Nghe tiếng nói lổn ngổn và đầy chất giọng quê hương , tôi biết ngay đó là những người đồng bào của mình . Họ ăn uống một cách thật tình , muỗng nĩa va chạm linh kinh .
- Ê mạy , món này ăn ra sao ? Dùng xiên hay thìa ? A ! Cái món ni lạ rứa , nhìn giông giống như thịt ba chỉ . Còn trứng chi mà toàn mùi bơ . Khó ăn quá ! Thủ trưởng ơi ! Xin họ chai nước mắm được không ?

Không cần phải nhìn sang qua bàn của họ , tôi cũng biết họ đang xơi món gì . Đó là bacon , một loại thịt ba rọi thái mỏng chiên với dầu ăn . Mùi vị thơm tho như tóp mỡ . Trứng là món scramble eggs tương tợ như trứng bác của dân miền Bắc , đập vài quả trứng vào chảo , quậy quậy lên chừng mươi phút . Nhưng ở quê hương hoặc dùng muối hay nước mắm để nêm nếm , ở đây là khách sạn quốc tế nên món trứng này được dùng bơ thay thế .
Qua cách gọi ơi ới thủ trưởng thủ triết , tôi biết ngay những vị khách du lịch này không phải là Việt kiều , mà chắc họ cũng không phải là Việt kẹt vì những người dân bị kẹt lại ở quê nhà tiền đâu họ đi du lịch . Cũng chẳng phải là Việt cộng , vì qua lối ăn mặc theo lối công nhân , mặt mày họ vẫn còn son trẻ . Rất khác mấy ông Việt cộng tôi gặp khi chúng tôi đi ngang qua phi trường Hồng Kông để định cư ở Mỹ . Vào tháng 7 năm 1983 theo từng đợt , chúng tôi dân tị nạn khoảng 20 mạng lếch thếch từ đảo Galang sang Singapore bay rồi tới Hồng Kông để chuyển tiếp bay sang San Francisco . Tôi trên người chỉ có bộ đồ duy nhất , cái áo sơ mi bạc màu cùng cái quần jean Đức . Nói là quần Đức cho sang chớ thật ra là quần đứt cúc . Và lúc đó đi ngược đường là một toán người , nhìn qua cách phục sức chúng tôi biết ngay họ là những ông cán bộ đi công cán ở nước ngoài và bây giờ trở về nước . Chân họ đi dép nhựa , quần ka ki xanh Nam Định , áo trắng sơ mi bỏ ngoài quần và không quên trên đầu có một cái nón cối . Chúng tôi nhìn họ và họ cũng nhìn chăm chăm chúng tôi , không ai nói một lời . Chỉ trong vài phút , tầm mắt đã xa dần , chính những người anh em cùng dòng máu đã xua đuổi chúng tôi ra đi tìm vùng đất mới .

Tôi cười cười , hỏi ngay vị thủ trưởng của họ vừa bước trờ tới :
- Mấy ông du lịch Thái Lan mới sang chăng ?

Ông ta quay người lại . Nhìn dáng dấp ông ta chừng đâu hơn bốn mươi tuổi , mặt nghiêm , lạnh lùng trả lời :
- Không , chúng tôi tham quan xứ Thái rồi .

Nói xong ông ta ngoảnh mặt nhìn đám khách đang ồn ào ăn uống :
- Này các đồng chí , khẩn trương lên . Kẻo chúng ta không kịp ra phi trường thì khốn .

Đợi ông ta bước đi xa xa , tôi mới hỏi vài ông đang ngồi trên một bàn cạnh tôi :
- Mấy anh làm việc ở đâu vậy ?

Một anh nhanh nhẩu đáp :
- Ở tổng cục dầu khí miền Nam .
- Đi như vậy tự túc à ?
- Không , công ty bao cấp gần hết . Chúng em chỉ trả thêm chừng trăm đô la thôi cho mỗi người .

Chà ! Đoàn người cả mấy chục mạng được công ty bao cho đi du lịch chơi . Chắc hẵn công ty này cũng như công ty Vinashin làm ăn khấm khá lắm . Các công ty quốc doanh này trên thì báo cáo lỗ lã , nhưng lời lãi thì chia nhau ra xài . Cục dầu khí đưa nhân viên đi chơi , mà chắc nhân viên này phải là những người có thành tích phấn đấu cao , đạt được những chỉ tiêu . Còn như chúng tôi sau 75 lưu dung làm việc tại Viện Đ. C . thuộc Cục Đo lường Chất Lượng , mỗi năm hay mỗi mùa sau vài ngày Chủ Nhật lao động xã hội chủ nghĩa , cả sở làm lên Biên Hòa cuốc đất trồng khoai mì khoai lang . Cuối mùa mỗi nhân viên chia được một dúm khoai .

Hôm nao trò chuyện với một người bạn chung sở , nhắc lại chuyện ngày đó . Ảnh thỉnh thoảng được hai cô đồng nghiệp thỉnh thoảng ra mảnh vườn khoai XHCN bứt lá khoai mì khoai lang vô nấu canh bồi dưỡng . Nghĩ đến đây lòng tôi thấy nao nao buồn . Buồn một phần vì số phận đất nước con người Việt Nam , một phần là vì không được hai cô X. cô S. nấu cho ăn bồi dưỡng .


24/12/2010

Thursday, December 23, 2010

Mùa luyện thi

Chiều nay vừa đi làm về đến nhà tôi gặp cô con gái thứ hai của cô đang lững thững đi vô nhà . Tôi hỏi nó :
- Ủa ! Bố tưởng con đi Lubbock rồi chớ ?

Nó cười cười :
- Tối con mới đi . Nghe chị Hai (vợ thằng lớn của tôi ) nói là sáng mai trời thành phố Fort Worth có tuyết .

Tôi nhớ lại buổi sáng nay nghe tin tức trên đài ra dô cũng như trên truyền hình Mỹ loan báo ngày mai cao nhất 49 độ F và thấp nhất 33 độ F .
- Ờ ! Có thể . Trời đất Texas này lạ kỳ lắm . Hôm qua 76 độ hôm nay xuống ba mươi mấy là chuyện thường .

Lubbock là thành phố nằm ở trên vùng tay cán của tiểu bang Texas (Pan handle) . Vĩ tuyến ngang ngửa với thành phố Oklahoma . Dưới này chừng 32 độ nhưng trên đó thấp hơn chừng 10 độ . Con gái tôi sáng ngày mai thứ Sáu có cuộc phỏng vấn của trường đại học y khoa Lubbock . Cách đây mấy tháng nó lấy MCAT , về nhà mặt mày nó rầu rĩ , rồi bỗng dưng xin tiền má nó đi thi MCAT lại vào hai ba tuần sau . Chừng tháng sau kết quả kỳ thi gởi về cho biết điểm thi là 27 . Với số điểm này cộng với điểm thi ra trường UTA bốn năm 4.0 thì nó có hi vọng được vài trường gọi đi phỏng vấn . Nhưng chuyện nào ngờ điểm thi lần thứ nhì gởi về nhà báo cho biết chỉ có 24 điểm mà thôi . Dung , chị họ nó , bác sĩ chuyên về ung thư biết được chuyện này , nhẹ nhàng khuyên bảo : " Đáng lý ra , em phải chờ kết quả MCAT về . Điểm mà thấp thì mình mới nộp đơn thi lại . Bây giờ điểm thi lần thứ hai của em thấp hơn lần trước , các trường y khoa sẽ căn cứ vào điểm thi nào mới nhất . Như chị đây chẳng hạn , lần thứ nhất chị được 25 điểm . Qua mấy tháng sau chị thi được 30 . " Con bé nhà tôi ngẩn người ra , nói : "Thôi thì để sang năm tốt nghiệp rồi ở nhà luyện thi MCAT . "

Tôi bảo nó :
- Nếu không thì con nộp đơn vô các trường ô đi . (O . D )

Nó lắc đầu nhất quyết không chịu :
- Không , con chỉ muốn vô trường Em Đi thôi . (MD)
Trường D . O hay O . D có người vui tính gọi đùa là Ông đi . Trường MD được gọi là Em đi .

Theo trang mạng vietpho/ykhoa thi`

Đây là nghề được xã hội trọng vọng nhất không chỉ riêng ở Huê Kỳ. Nhiều người Việt Nam muốn bước vào nghề nầy. Mặc dầu ai cũng biết đây là nghề mà mức độ đầu tư về tiền bạc, thời gian, sức lực, trí tuệ... cao nhất. Nghề y là một nghề có cường độ làm việc căng thẳng, đòi hỏi trách nhiệm cao, thời gian đào tạo dài và chi phí đào tạo rất cao. Hầu hết bác sĩ làm việc 60 giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần. Nhưng đây cũng là một trong những nghề đem lại thâu nhập cao nhất và được xã hội trọng vọng xưa tới nay.
Thi vào trường y, sinh viên phải chấp nhận sự cạnh tranh cao và khóc liệt nhất hiện nay. Tỷ lệ thâu nhận rất thấp. Trường y, đặc biệt là trường công lập, được tài trợ chủ yếu từ nguồn thu thuế của tiểu bang, nên trường thường ưu tiên tuyển người trong tiểu bang trước. Một số trường chỉ xét tuyển công dân Hoa Kỳ.
Muốn nợp đơn vào trường y, sinh viên phải có bằng Cử Nhân thường là Cử Nhân Sinh Hoá (Cử Nhân tổng quát cũng vẫn được dự thi MCAT) và phải qua kỳ thi Tuyển sinh vào Trường Y (MCAT).
Kỳ thi tuyển MCAT nầy tiêu chuẩn cao, được tổ chức khắp trên thế giới bằng máy vi tính. Nhiều sinh viên thi nhiều lần không đậu phải chuyển qua thi vào ngành Nha, Nhãn khoa, Dược khoa... tương đối dễ hơn.
Chi phí đào tạo bác sĩ cao, là một trở ngại đáng kể đối với cá nhân và gánh nặng đối với nhà trường. Mỗi sinh viên tốt nghiệp trường y hiện nay phải nợ từ $200,000 -$300,000. Sinh viên giỏi, top 5, có thể theo học ở các trường y qua một số chương trình học bổng gần như toàn phần; gồm cả học phí, chi phí sinh hoạt, bảo hiểm sức khoẻ tối đa là trong 4 năm. Chương trình học bổng cạnh tranh rất quyết liệt. Hàng năm số đơn xin học bổng nhiều gấp 7 lần số học bổng được cấp!
Năm học 2006-2007, theo Hội Các Trường Y Hoa Kỳ, có 3,639 sinh viên Mỹ gốc Á Châu được nhận vào trường y, chiếm 21.14% tổng số sinh viên được nhận. Trong số này có 232 sinh viên gốc Việt Nam. Đây là một tỉ lệ rất cao so với tỉ lệ dân số.

Thế rồi bẵng đi một thời gian , cách đây mấy ngày nó thủ thỉ với bà nhà tôi thứ Sáu 17 tháng 12 này nó được trường y khoa Lubbock gọi đi phỏng vấn lúc 9 giờ sáng .

Tôi hỏi nó :
- Thế con có tiền ăn tiền đổ xăng chưa ?

Nó gật đầu lia lịa :
- Dạ, có rồi .
- Từ đây lên trển lái xe mất bao lâu ?

Nó ngập ngừng đôi chút :
- Con hổng biết , tối nay con cùng đi với bạn con , anh Lam đó bố biết rồi . Lên nhà ba mẹ ảnh ở thành phố Abilene . Sau đó sáng sớm lái xe lên Lubbock .

Bà nhà tôi xen vô :
- Ông vừa coi tin tức trên đó trời có thể có mưa và tuyết rơi . Vậy hai đứa bây tính làm sao , đường mà mưa đá trơn trượt thì nguy hiểm lắm . Sao tụi bây không tính đi máy bay ?

Nghe bà nhà tôi nói chuyện toàn là huề vốn . Chúng nó đã thảo luận , tính trước với nhau rồi . Đi đứng ra sao , ở trọ làm sao thì chúng nó lớn cả rồi . Mình chỉ góp ý theo cái kiểu " second opinion " thôi , có đưa ra ngu kiến cao kiến gì , chúng nó chỉ nghe không cãi lại thôi .
Tôi biết bà nhà tôi mới cho nó mấy trăm để tiêu xài lặt vặt . Con cái bên Mỹ đến khi vào đại học là phải sắm sửa cho nó một cái xe còn khá tốt . Bà nhà tôi nhường cho nó chạy cái xe Toyota Camry 2001 khi nó vô trường UTA năm 2006 . Xe lúc ấy chỉ có hơn 40 ngàn miles . Vậy mà bây giờ đồng hồ kim chỉ đến con số 98 ngàn miles . Tôi biết mỗi tuần xe cần đổ xăng đến hơn 30 đô vì từ nhà tôi ở thành phố Haltom đến trường UTA trên 20 miles . Nó bảo với mẹ nó : " Má có cần người "help " không ? " Bà nhà tôi dạo này đi làm công cho một tiệm giặt laundry của hai vợ chồng người Việt Nam . Sáng từ bảy giờ cho đến hai giờ chiều . Thứ bảy nghỉ , Chủ Nhật làm nguyên ngày .

Bà nhà tôi nghe con nó nói chẳng lẽ lắc đầu từ chối . Thế là hai mẹ con sáng Chủ Nhật lò mò lên tiệm giặt làm việc . Nó lên đó , ngồi trong một phòng nhỏ sửa quần áo có để một máy may Juki và mở sách ra học và làm bài vở . Đến chiều tôi lên thế để hai mẹ con đi về . Một ngày Chủ Nhật 15 tiếng nhân cho 7 , tính ra được 105 đô và bà nhà tôi trả lương cho nó 70 đô . Con bé Linda nhà tôi gần đến lễ Giáng Sinh này cũng hăm hở bảo bà nhà tôi : " Má má , có cần người " Help " không ? "


Bà nhà tôi vừa bưng nồi thịt gà kho nấu ở ga ra vô trong nhà bếp vừa nói :
- Ông à ! Ông có ăn cơm không ? Lúc nào cũng thấy ông ngồi trước mặt cái laptop vậy ông ?

Tôi vội vàng ấn vào cái hình " save " cái câu truyện tào lao đang viết dở dang này và tắt ngay cái máy computer .
- Sao , có cần hâm lại tô cá catfish bà kho tuần trước không ?

Bà nhà tôi lắc đầu :
- Không cần , hôm nay có món gà kho mới nấu , lại còn dĩa bắp cải luộc hôm qua , đậu hũ sốt cà hôm bữa . Cá kho mặn để cả tháng ăn có sao đâu .

Dạo này tôi kiêng ăn thịt , nhưng chỉ kiêng cữ loại thịt nào đo đỏ thôi , chớ gà vịt thì xơi tất . Cá thì ăn thường xuyên , nhất là cá mòi cá herring còn nguyên trong hộp . Bà nhà tôi cứ nhất định cho rằng ăn đồ hộp mãi sẽ bị ung thư . Có lần tôi dỗi hờn : " Cả tháng nay bà có kho con cá nào cho tui đâu ? " Thế là bà nhà tôi vác về một con cá catfish to đến năm sáu "pao " , kho cho tôi ăn nguyên tháng . Có lần ăn trên nhà bà chị dâu của bà , thấy tôi khen cá rô mề kho tộ với rau răm . Bà nhà tôi chiều ý , cũng mua mấy bó rau răm về kho chung với cá bông lau Mỹ này . Cô con gái thứ ba giống tôi lắm , chỉ thích gắp mấy cọng rau răm . Còn hai cô kia lắc đầu : " Má kho cá kiểu gì mà lạ vậy , toàn thấy cỏ là cỏ ! "
Bà nhà tôi âu yếm nói với cô con gái thứ hai :
- Có ăn trái hồng không , để má gọt cho .

Mùa lập đông này là mùa của trái hồng , trái cam . Hồng ở đâu trồng thì tôi không biết , chớ cam trồng ở miền nam Texas rất thơm ngọt vào mùa này . Tôi ngoài hai loại trái cây đu đủ chuối ăn hàng ngày chỉ thích xơi xoài và cóc . Bà nhà tôi không thích xơi mấy loại đó , lâu lâu xách về nhãn thanh long sầu riêng tươi và nhất là măng cụt . Mà mấy bạn biết không những thứ đó bên Mỹ mắc lắm . Giá như tôi cả đời chưa chắc mua đến một đồng . Ở bên quê nhà tôi còn chưa ăn , huống chi bên này .
Tôi khẽ nói với bà nhà tôi :
- Bà kể cho chúng nó nghe chuyện bác Nga nấu mì cà ri đi .

Bà nhà tôi vừa gọt xén những trái hồng tươi thắm vừa nói :
- À ! Bác Nga ở gần nhà cũ của mình đó . Hôm bữa chỉ lên chùa Hương Đạo nấu món chay gi đó để gây quĩ xây dựng nhà chùa . Một ông khách ăn xong , hỏi bác Nga là : " Chị Hai quê ở đâu vậy ? Bác Nga thủng thẳng đáp : " Chú Tư hỏi chi kỳ cục quá , tui với bà xã chú cùng quê miệt Bến Tre . Hai chị em tui chuyện trò hoài , mà chú hổng biết sao ? " Ông khách cười hà hà , chỉ vô tô mì gà chay . Trong cái tô loang loáng những miếng ớt sừng trâu đỏ hường trên nước lèo màu vàng ngầy ngậy . " Tui tưởng chị quê ở Ấn Độ chớ , tô mì gì mà cay quá xá , quá cỡ thợ mộc .

Bà nhà tôi cắt nghĩa cho mấy đứa con gái : " Cách đây mấy ngày trời Texas trở lạnh mấy cây ớt sừng trâu của bác lá heo hắt , mà con biết mấy cây ớt ra trái quá xá . Bác Nga cho má một rỗ , còn thừa bao nhiêu bác mang chùa cúng dường . Nhân tiện mấy bà hay đi cúng Phật mời bác Nga vô nấu đồ ăn chay . Bác Nga nhà mình thấy ớt dư thừa nhiều quá , cho ớt vô chung với nồi mì chay .

Mới hơn bảy giờ trời đã ngã tối đen . Gió lạnh đang tràn về làm lắc lư mấy ngọn cây lê trơ trụi lá . Ánh đèn điện đủ màu mùa Giáng Sinh lấp lánh trên các cửa nhà hàng xóm , báo hiệu một mùa Giáng Sinh sắp đến .

TDA Ngày 17 tháng 12 năm 2010

Cái máy microwave

Từ thành phố New York tôi về định cư ở thành phố Oklakoma . Tháng 8 năm 1983 trời Nữu Ước mát mẻ nắng hanh vàng , nhưng Oklahoma City nắng như đổ lửa . Sài Gòn có nóng cũng không bằng cái nóng nẩy lửa của thành phố này . Nhiệt độ buổi chiều co’ khi lên tới 106 độ F .

Gia đình anh Hạnh , ông anh vợ tôi định cư ở đây đã hai năm . Thấy tôi về ở chung nhà , ổng mừng lắm rủ tôi đi học một khóa điện tử căn bản . Thời gian đó ngành tiện cơ khí và điện tử đang phát triển rầm rộ tại Hoa Kỳ .

Ngày thường hai anh em đi chung cái xe Pontiac cà rịch cà tang tới trường huấn nghệ . Giờ học từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều . Trường này dạy nhiều thứ nghề , tiện - hàn - y tá - điện tử - điện nhà . Khi đi ngang qua một lớp học , nhìn vô trong , ui chao cả lớp đầy nghẹt . Ít nhứt là cả trăm người , người nào người nấy đều mặc áo blouse trắng , và phần lớn đều là phụ nữ trắng có đen có .

Lớp học điện tử của tôi vỏn vẹn chỉ có năm người . ba Mỹ và hai Việt Nam .

Giờ ăn trưa hai anh em chúng tôi xách túi cơm lon ton qua phòng ăn cách đó không xa . Một ông nhìn có vẻ dáng người Á châu đang mặc áo blouse trắng đang đứng hâm cơm trong máy microwave . Tôi bèn làm quen và được biết ông ta cũng là người Việt Nam như chúng tôi .
- Anh học gì ở đây vậy ?

Câu hỏi của tôi quá thừa thãi , vì chỉ nhìn qua cái áo blouse trắng ai cũng biết họ không là nha sĩ cũng là bác sĩ y khoa .
- Tui í à ? À ! Tui học về y tá .


Tôi nhìn anh bạn mới quen với một vẻ ngạc nhiên .
- Hồi nãy tôi có đi ngang qua lớp đó , trong đó toàn là đàn bà con gái không hà . Anh có thấy bất tiện không ?
- Không !
- Học có khó không anh ?
- Hổng khó nhưng mỗi ngày phải học đến cả trăm chữ mới , toàn là chữ trong y học hông à .

- Thế anh vô lớp học chung chạ toàn là mấy bà mấy cô , anh có cảm thấy bối rối bồi hồi gì chăng ?
- Không , nhưng họ rất bối rối mỗi khi tôi bắt chuyện với họ . Cái chén cơm tui hâm xong rồi , tới phiên anh rồi đó .

Tôi thủng thẳng cho cái chén sành vô cái máy , bấm ba phút . Bỗng trong máy nghe tiếng nổ tí tách , vài tia lửa bắn ra nhè nhẹ xung quanh miệng chén . Bụp một tiếng , cái máy ngưng chạy , đèn trong máy tắt cái phụp .Tôi vội vàng mở cái máy ra , hỏi anh bạn mới quen .
- Sao vậy hả anh ?
Anh ta ngập ngừng đôi chút :
- Chắc tại vì anh dùng cái chén sành có viền mạ vàng mạ bạc chung quanh miệng chén đó chăng ? Máy microwave phát ra những tia vi ba đụng phải vật kim khí là sẽ xẹt ra những tia lửa như vậy .

Buổi trưa hôm đó hai anh em chúng tôi ăn cơm canh nguội ngắt .

Một hôm tôi xách vào vài con khô mực , bỏ vào microwave nướng ăn . Trong khi chờ đợi vài phút cho nó chín , tôi đi vào restroom để rửa tay . Vừa mở cửa đi ra tôi nghe tiếng Mỹ la oai oái :
- What 's a fishy smell .
Chao ôi mùi khô mực cháy bốc mùi khét lẹt bay đầy cả hãng ra mọi ngõ ngách . Mỹ đen Mỹ trắng hỏi lẫn nhau : "Cái giống đó của ai vậy "

Đúng ra nướng khô cá khô mực nên để chừng 30 giây hay một phút , đằng này to^i "set " cho đến 3 phút . Cá hay mực cũng đều cháy khét . Ông anh tôi nhìn ngó tôi im lặng mo^.t chu’t ro^`i cười cười :
- Yeah , what a bad smell is !


Mấy ngày sau , ngay trên microwave một tờ cáo thị được dán lên :

No dried seafood in the microwave

Không cho nướng khô mực khô cá thì thôi , thức ăn trong thiên hạ đầy rẫy các thứ khác .
Một lần khác tôi mang theo lunch box , hộp nhựa đựng cơm trưa , trong đó có dưa cải chua . Thức ăn xếp đầy ngăn dưới tủ lạnh . Không hiểu sao , hộp cơm trưa của tôi bị lật úp , và nước dưa chua trào lênh láng ra ngoài . Một kẻ nào đó mở tủ lạnh ra , bèn la toáng lên :
- Food contaminated , everything in this refrigerator must be discarded .
(Thức ăn bị nhiễm trùng , mọi thứ trong tủ lạnh phải bị giục bỏ đi .

Tôi vội vàng bỏ dở lớp học chạy tới bên tủ lạnh mở cánh cửa ra , ngửi thấy mùi dưa chua thơm phức . Tôi nghĩ thầm : " Mấy thằng Mỹ cứ con ta mi nết , mi néo ầm cả lên . Bỏ đi lấy gì mà ăn trưa . Lần sau chừa , nhớ đừng mang dưa chua , giá chua nữa nhé . "

Vài tháng sau tôi mang cơm trưa đi làm . Lần này tôi chỉ ăn cơm với hột gà luộc chấm muối , không dám chan nước mắm vào trong trứng . Nó dậy mùi vị quê hương nữa là chết cha . Qua vài lần khôn hơn một chút . Đi một đàng học một sàng khôn mà , cha ông chúng ta dạy bảo như thế . Tay cầm quả trứng đưa lên miệng cắn , thì tự dưng quả trứng gà nổ tung , bật vào môi dưới , chảy ra một tí máu , và sau đó tôi sờ lên môi , nó sưng vếu lên . Mấy người Mỹ trông thấy thế , cười hô hố lên . Vậy lần sau đừng bấm nguyên cả hột gà trong microwave . Hãy nhớ lấy thià muỗng dằm nó ra thành miếng , trước khi bỏ nó vào máy .

Một buổi sáng thay vì mang gói mì Mama , tôi xách theo một loại cháo cá ăn liền , made in VN . Chỉ có việc đổ nước vào tô , đậy nắp lại , xong bấm ba phút . Trong khi chờ đợi , đi restroom rửa tay , đến khi ngó lại tô cháo cá , thì hỡi ôi ! cháo chiếc nó trào ra ngoài hết . Đã không được ăn , còn phải lau chùi cho sạch cái microwave .

Có khi đến giờ nghỉ giải lao , vài người Mỹ cần dùng cái máy micowave , họ giơ tay ra mở cánh cửa máy . Trong đó hoặc có trái bắp hay một củ khoai tây , họ bực bội nói bằng giọng khá to :
- Andy , cái này của you hả ?

Tôi cười mỉm chi , hỏi họ trong phòng nghỉ có cả đến mấy chục người , sao lại chỉ đích danh tôi mà nêu tên .
- So , vì chỉ có you là người hay nướng bắp nướng khoai bằng microwave mà thôi .

Quay qua quay lại , ở đất Mỹ đã gần 30 năm tóc đã bạc trắng cả đầu, cuộc đời tôi gắn bó với cái máy microwave khá lâu , nhưng vẫn chưa khôn hơn tí nào .

Saturday, December 11, 2010

Khách sạn chúng tôi tạm trú có tên là Twin Hotel , nhìn thoáng qua nó có vẻ khá khang trang sạch sẽ , cao chừng mười mấy tầng , nhưng nó chỉ được xếp vào loại 3 sao . Trước khi chúng tôi nhận tấm thẻ điện tử để mở cửa phòng , anh Khục Khặc dặn dò :
- Quí khách nào muốn đi coi chợ đêm thì nửa tiếng sau xuống tập họp nơi đây , tôi sẽ dần quí vị đi thăm cho biết .

Nghe từ đằng sau , một giọng nói của một bà vang lên :
- Chợ đêm bán thứ gì vậy ông ? Có hủ tiếu hay bò kho gì chăng ?

Ông Khục Khặc cười nhẹ :
- Hổng có đâu . Chợ đó bán toàn là trái cây hông à . Nhưng mà tôi dặn quí khách một chút . Đừng mua sầu riêng với lại măng cụt . Tại sao à ! Khách sạn này ngoài chúng ta ra còn có nhiều du khách Âu Mỹ , nhiều người họ không chịu nổi cái mùi vị thơm tho này đâu . Còn măng cụt thì khách sạn họ không chịu , nhựa của nó dính vấy vô thì hổng giặt ra .

Trong phòng , tôi hỏi bà nhà tôi có muốn đi xem chợ trái cây của xứ Thái không , và đáp lại là cái lắc đầu nguầy nguậy :
- Tưởng cái gì chớ chợ bán trái cây hồi xửa hồi xưa ngày nào mà tui chẳng đi coi . Ông có muốn đi thì xuống đó mà đi , để mẹ con đi ngủ .

Tôi chợt nhớ lại , đúng vậy . Bà nhà tôi và cậu con trai lớn đã ở trại tị nạn Panat Nikhom , Thái Lan gần chín tháng . Người Thái dựng lều lợp chợ để bán đồ đạc thức ăn cho dân tị nạn . Từ món phở , hủ tiếu , bún riêu bún ốc cho đến các thứ rau rợ , như rau muống bầu bí dền mồng tơi . Bà nhà tôi cứ nhắc nhớ đến một thứ mà bên Mỹ ít có bán , tỏi gà . Mười baht một kí . Năm 1987 một mỹ kim đổi chừng 20 baht .

Nghe vậy tôi hơi buồn một tí , đi du lịch gì mà cứ đến tối lại chun vô giường sớm quá . Thức giấc vào khoảng bốn giờ sáng , tôi không biết phải làm gì . Mở ti vi thì ồn quá , chun vô mền phá bà nhà tôi thì không tốt . Tôi bèn lò mò ra cầu thang máy để xuống tầng chệt khách sạn . Bên cạnh đó là một bàn thờ nho nhỏ trên có để một pho tượng toàn thân sơn thếp vàng óng ánh . Mặc dù không hiểu nhiều về lịch sử và các nhân vật xứ Thái , nhưng tôi cũng đoán ra đó là tượng khắc tạc nhà vua Thái đương thời , vua Bhumibol Adulyadej . Khoảng năm 1960 tôi có dịp nhìn thấy ảnh nhà vua này trong các tờ báo Chính Luận , Tin Sáng ở Sài Gòn . Dạo đó có lẽ ông ta có dịp đi thăm viếng miền Nam do lời mời của cố tổng thống Ngô Đình Diệm .

Ông vua này mặt mũi lúc nào cũng nghiêm nghị , lạnh lùng . Thuở còn bé tôi nghe một ông thợ hớt tóc gần nhà, nói là nhà vua hình như bị một chứng bệnh gì đó không sống quá 60 tuổi . Nào ngờ những lời bốc tướng đó đoán trật lất . Nhà vua Thái năm nay 80 tuổi vẫn còn mạnh khỏe , tuy rằng ông vẫn hay ra vào nhà thương luôn (?) .

Đang đứng lớ ngớ quan sát pho tượng nhà vua Thái , bỗng tôi cảm thấy như có ai đứng đằng sau lưng . Quay lưng lại tôi thấy ngay , đó là một gã đàn ông trong trang phục Âu Tây đang dòm chừng tôi . Tôi khẽ chào và bước hẵn ra một bên . Ông khách kia bước tới bức tượng vàng chắp hai tay lại đưa lên mặt , vái vái vài cái rồi bỏ đi . Thái độ của ông ta rất thành khẩn và trang trọng . Đợi ông ta rảo bước đi xa , tôi quay lại bàn thờ nhỏ đó và đứng nhìn tiếp . Tượng này không biết toàn đúc bằng vàng thật hay chỉ là sơn son thếp vàng như cái ông bác nhà tôi , mà hình như dựng đặt để ở trong góc các hội trường lớn bé . Xứ Thái nổi tiếng là nơi có nhiều chùa vàng chùa ngọc , đỉnh được dát bằng vàng thật lóng lánh chiếu sáng cả một góc trời , có lẽ nào đâu lại làm hàng giả như cái của ông bác tôi . Mà giá như được đúc bằng vàng thật , chắc cũng không tồn tại được được bao lâu . Tự dưng tôi lại linh cảm như ai đứng dòm ngó sau lưng tôi , quay lại tôi nhận ra có một bà sồn sồn , da dẻ hơi ngâm ngâm . Tôi đành phải bước đi và dòm chừng xem . Bà ta cũng giơ hai tay lên ngang mặt , xá xá mấy cái trước cái tượng toàn thân của vua Thái . Quả thật , nhà vua Thái trong suốt gần sáu mươi năm trị vì , được coi như tại vị lâu nhất trong các quân vương trên thế giới , và được sự kính trọng tôn kính của toàn dân Thái Lan
. Tại quê hương tôi thì sao , tôi chưa bao giờ thấy bất cứ một ai đứng trước di ảnh hay di tượng ông bác đó van vái xá xá gì đó , hoặc có chăng chỉ là những lời ai oán của hàng trăm ngàn người dân bỏ mạng trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất hay của toàn thể Quân Dân Cán Chính của miền Nam Việt Nam sau 75 đến nay .

Ngay khi bước ra khỏi khách sạn , tôi thấy ngạc nhiên . Tối đêm qua chung quanh khách sạn vắng như chùa bà Đanh , bỗng dưng bây giờ xuất hiện những sạp bán quần áo đủ màu đủ kiểu . Chủ các sạp im ắng sắp xếp quần áo hàng hóa trên các dãy dây phơi . Tôi đi lòng vòng quanh khu đó xem xét coi ra sao . Không thấy có hàng quán cà phê hay quán ăn . Như ở Sài Gòn hay bất cứ thành phố lớn nhỏ nào , nơi nào có sạp hàng buôn bán là có quán cà phê dã chiến hay tiệm bán nước , bán cơm ngay và dĩ nhiên không thể nào thiếu được tiếng cười nói ồn ào của khách hàng . Ngoài đường lộ thỉnh thoảng có tiếng máy nổ bịch bịch của xe tuk tuk , một loại xe chuyên chở nhẹ tương tự như xe lam ba bánh của Sài Gòn trước năm 75 . Vài chiếc tắc xi , xe hàng chạy ngang . Nhưng không hề nghe tiếng bóp còi xe inh ỏi như ở quê hương tôi . Kẻ buôn bán , khách đi chợ giờ này chưa đông lắm , họ trả giá mặc cả . Chủ sạp chủ quán ai nấy đều có một máy tính cộng trừ nhân chia bằng điện tử . Họ giao dịch với nhau qua những con số hiện trên máy tính . Khi tôi qua bên Bắc Kinh, hay Thiên Tân cũng vậy . Ngôn ngữ thì bất đồng nhưng đồng thuận ngay với những con số . Ở Việt Nam chưa được phổ thông lắm , hay có chăng chỉ giới hạn vài chỗ như ở chợ Bến Thành , nơi có nhiều du khách ngoại quốc tới mua sắm . Lúc này một Mỹ kim đổi được 33 tiền baht . Tôi hỏi thử vài mẫu áo quần , giá cả cũng khá rẻ . Một áo sơ mi hay áo thun polo chừng ba đô , quần dài chừng vài đô . Áo thể thao hàng nhái của Polo , Tommy , Cá sấu , Nike giá rẻ . Tôi thì không mặc hàng đồ hiệu . Hàng thật còn chưa mua , huống chi là hàng đồ giả . Bên Pháp , Đức , Ý , Anh hành khách qua những phi trường quốc tế nếu mang hay mặc trên người hàng nhái lại sẽ bị phạt tiền , có thể đến hàng trăm đô cho mỗi loại .

Saturday, December 4, 2010

Đa số hành khách du lịch đều đi theo cặp , vợ chồng , bồ bịch hoặc cả gia đình , nhưng vì nhường cho phụ nữ , trẻ em lên trước và các đôi thanh niên son trẻ nên tôi chiếm một vị trí khá khiêm nhường là ngồi gần cuối xe .

Bên phải là đôi vợ chồng người Tàu Chợ Lớn , sau tôi là cặp vợ chồng người quê ở tỉnh Bắc Ninh .
Xe chuyển bánh . Trên đầu xe một ông tuổi trung niên , dáng dấp ăn mặc lè phè , tay cầm micro và quay mặt về hướng chúng tôi :
- Xin tự giới thiệu với quí khách , tui là Khục Khặc ...

Vừa lúc đó khách du lịch chúng tôi cười vui vẻ , ồ lên những cười nức nẻ . Tôi nói vói lên chỗ bà nhà tôi ngồi cách tôi mấy hàng ghế đầu :
- Bà à ! Ông nội đó nhìn hao hao đến một người mà nhìn có vẻ quen quen quá ! À ! Tui nhớ ra rồi , ổng Khục Khặc chi đó giông giống tài tử Châu Nhuận Phát trong phim Quân Vương và Tôi .

Quân Vương và Tôi được dựng thành phim năm 1956 của hãng điện ảnh Hollywood mô phỏng theo nguyên tác của nhà văn Margaret Landon , Anna and the King of Siam . Phim này do tài tử trọc đầu Yul Brynner đóng vai chính . Còn Châu Nhuận Phát đóng vai nhà vua Thái và Anna năm 1999 với nữ diễn viên từng hai lần đoạt Oscar , Jordie Foster .

Ông người Tàu ngồi cạnh bên tôi , nghe câu hỏi của tôi bèn xen vô :
- Nị lói phải a ! Nhưng thằng cha lày ăn mặc lôi thôi , hổng giống thằng cha Châu Nhuận Phát ăn mặc đẹp đẽ trong phim .

Nói vừa dứt ông ta quay sang bà vợ già của ổng vỗ lên đùi bà vợ ổng một cái làm bà vợ ổng đang mơ màng ngủ phải giật mình .
- Tới rồi à ! Rồi à !

Ông Khục Khặc cũng cười hắc hắc vài tiếng rồi nói tiếp :
- Chào mừng quí khách đến Thái Lan . Bên Việt Nam thì do anh Mạnh hướng dẫn , nhưng qua bên này thì do tui . Tui sanh đẻ bên này nên ba má tui đặt tên tui là Khục Khặc theo tên gọi của người Thái , cho giống tên của xứ này .

Điều này thì đúng , nhập gia tùy tục . Người Việt đi tản cư rải rác ở xứ người cũng phải theo phong tục tập quán của họ để hội nhập vào đời sống của họ . Bên Mỹ, Canada, Anh, Úc có người tên Andy , John , Joe , Cathy . Ở Pháp Paul , Jacqueline . Ở Đức , Lukas, Leoni . Ở Na Uy , Hans , Peder, Ragnhild . Phần Lan , Johannes, Mikael . Để rồi các ông bên xứ Lào , có người được là Sẻng , Xửng , Khẻo . Người Thái và người Lào đều cùng chung một nguồn gốc người Tai , phát xuất từ miền Bắc Thái .

Tên gọi của người Thái , người Lào , người Miên có lẽ tương tự như của người Ấn . Tên và họ khác xa với họ tộc của người Trung Hoa và Việt Nam . Theo cách thức tên và họ đi sau như cách gọi của người phương Tây . Tên họ càng dài càng biểu lộ tính cao sang của họ . Người Thái có vào khoảng trên 45 ngàn họ , 80 phần trăm đều rất đặc trưng . Tên thường gọi cũng vậy . Họ cũng thường hay đổi hay thêm thắt tên họ cho thêm phần trang trọng . Vì thế năm 1913 luật về danh tính của Thái ấn định rõ ràng , mỗi hộ tộc đều phải giữ nguyên . Tên thường gọi chỉ được ghi duy nhất chính thức trong giấy tờ hộ tịch . Vì thế theo luật hộ tịch Thái , chỉ trong những người trong huyết tộc mới cùng mang chung một họ và ít thấy khi nào hai người dưng cùng một tên và họ như nhau . Việt Nam và Trung Quốc chỉ hơn hai trăm họ . Nhất là bên Trung Quốc với dân số 1,3 tỉ người thì không thể không tránh được sự trùng hợp tên họ , Quách Doanh Doanh , Hứa Tung Hoành . Việt Nam thì có Nguyễn văn Thành , Trần văn Hùng , Lê thị Loan v.v...

Cựu thủ tướng Thái , ông Thaksin Shinawatra gốc gác là người gốc Trung Hoa . Tổ phụ ông ta lấy họ Shina (China) cộng thêm watra (nguyên gốc Phạn ngữ có nghĩa là practice , thực hành) .

HH ngày 3/12/2010