Mùa luyện thi
Chiều nay vừa đi làm về đến nhà tôi gặp cô con gái thứ hai của cô đang lững thững đi vô nhà . Tôi hỏi nó :
- Ủa ! Bố tưởng con đi Lubbock rồi chớ ?
Nó cười cười :
- Tối con mới đi . Nghe chị Hai (vợ thằng lớn của tôi ) nói là sáng mai trời thành phố Fort Worth có tuyết .
Tôi nhớ lại buổi sáng nay nghe tin tức trên đài ra dô cũng như trên truyền hình Mỹ loan báo ngày mai cao nhất 49 độ F và thấp nhất 33 độ F .
- Ờ ! Có thể . Trời đất Texas này lạ kỳ lắm . Hôm qua 76 độ hôm nay xuống ba mươi mấy là chuyện thường .
Lubbock là thành phố nằm ở trên vùng tay cán của tiểu bang Texas (Pan handle) . Vĩ tuyến ngang ngửa với thành phố Oklahoma . Dưới này chừng 32 độ nhưng trên đó thấp hơn chừng 10 độ . Con gái tôi sáng ngày mai thứ Sáu có cuộc phỏng vấn của trường đại học y khoa Lubbock . Cách đây mấy tháng nó lấy MCAT , về nhà mặt mày nó rầu rĩ , rồi bỗng dưng xin tiền má nó đi thi MCAT lại vào hai ba tuần sau . Chừng tháng sau kết quả kỳ thi gởi về cho biết điểm thi là 27 . Với số điểm này cộng với điểm thi ra trường UTA bốn năm 4.0 thì nó có hi vọng được vài trường gọi đi phỏng vấn . Nhưng chuyện nào ngờ điểm thi lần thứ nhì gởi về nhà báo cho biết chỉ có 24 điểm mà thôi . Dung , chị họ nó , bác sĩ chuyên về ung thư biết được chuyện này , nhẹ nhàng khuyên bảo : " Đáng lý ra , em phải chờ kết quả MCAT về . Điểm mà thấp thì mình mới nộp đơn thi lại . Bây giờ điểm thi lần thứ hai của em thấp hơn lần trước , các trường y khoa sẽ căn cứ vào điểm thi nào mới nhất . Như chị đây chẳng hạn , lần thứ nhất chị được 25 điểm . Qua mấy tháng sau chị thi được 30 . " Con bé nhà tôi ngẩn người ra , nói : "Thôi thì để sang năm tốt nghiệp rồi ở nhà luyện thi MCAT . "
Tôi bảo nó :
- Nếu không thì con nộp đơn vô các trường ô đi . (O . D )
Nó lắc đầu nhất quyết không chịu :
- Không , con chỉ muốn vô trường Em Đi thôi . (MD)
Trường D . O hay O . D có người vui tính gọi đùa là Ông đi . Trường MD được gọi là Em đi .
Theo trang mạng vietpho/ykhoa thi`
Đây là nghề được xã hội trọng vọng nhất không chỉ riêng ở Huê Kỳ. Nhiều người Việt Nam muốn bước vào nghề nầy. Mặc dầu ai cũng biết đây là nghề mà mức độ đầu tư về tiền bạc, thời gian, sức lực, trí tuệ... cao nhất. Nghề y là một nghề có cường độ làm việc căng thẳng, đòi hỏi trách nhiệm cao, thời gian đào tạo dài và chi phí đào tạo rất cao. Hầu hết bác sĩ làm việc 60 giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần. Nhưng đây cũng là một trong những nghề đem lại thâu nhập cao nhất và được xã hội trọng vọng xưa tới nay.
Thi vào trường y, sinh viên phải chấp nhận sự cạnh tranh cao và khóc liệt nhất hiện nay. Tỷ lệ thâu nhận rất thấp. Trường y, đặc biệt là trường công lập, được tài trợ chủ yếu từ nguồn thu thuế của tiểu bang, nên trường thường ưu tiên tuyển người trong tiểu bang trước. Một số trường chỉ xét tuyển công dân Hoa Kỳ.
Muốn nợp đơn vào trường y, sinh viên phải có bằng Cử Nhân thường là Cử Nhân Sinh Hoá (Cử Nhân tổng quát cũng vẫn được dự thi MCAT) và phải qua kỳ thi Tuyển sinh vào Trường Y (MCAT).
Kỳ thi tuyển MCAT nầy tiêu chuẩn cao, được tổ chức khắp trên thế giới bằng máy vi tính. Nhiều sinh viên thi nhiều lần không đậu phải chuyển qua thi vào ngành Nha, Nhãn khoa, Dược khoa... tương đối dễ hơn.
Chi phí đào tạo bác sĩ cao, là một trở ngại đáng kể đối với cá nhân và gánh nặng đối với nhà trường. Mỗi sinh viên tốt nghiệp trường y hiện nay phải nợ từ $200,000 -$300,000. Sinh viên giỏi, top 5, có thể theo học ở các trường y qua một số chương trình học bổng gần như toàn phần; gồm cả học phí, chi phí sinh hoạt, bảo hiểm sức khoẻ tối đa là trong 4 năm. Chương trình học bổng cạnh tranh rất quyết liệt. Hàng năm số đơn xin học bổng nhiều gấp 7 lần số học bổng được cấp!
Năm học 2006-2007, theo Hội Các Trường Y Hoa Kỳ, có 3,639 sinh viên Mỹ gốc Á Châu được nhận vào trường y, chiếm 21.14% tổng số sinh viên được nhận. Trong số này có 232 sinh viên gốc Việt Nam. Đây là một tỉ lệ rất cao so với tỉ lệ dân số.
Thế rồi bẵng đi một thời gian , cách đây mấy ngày nó thủ thỉ với bà nhà tôi thứ Sáu 17 tháng 12 này nó được trường y khoa Lubbock gọi đi phỏng vấn lúc 9 giờ sáng .
Tôi hỏi nó :
- Thế con có tiền ăn tiền đổ xăng chưa ?
Nó gật đầu lia lịa :
- Dạ, có rồi .
- Từ đây lên trển lái xe mất bao lâu ?
Nó ngập ngừng đôi chút :
- Con hổng biết , tối nay con cùng đi với bạn con , anh Lam đó bố biết rồi . Lên nhà ba mẹ ảnh ở thành phố Abilene . Sau đó sáng sớm lái xe lên Lubbock .
Bà nhà tôi xen vô :
- Ông vừa coi tin tức trên đó trời có thể có mưa và tuyết rơi . Vậy hai đứa bây tính làm sao , đường mà mưa đá trơn trượt thì nguy hiểm lắm . Sao tụi bây không tính đi máy bay ?
Nghe bà nhà tôi nói chuyện toàn là huề vốn . Chúng nó đã thảo luận , tính trước với nhau rồi . Đi đứng ra sao , ở trọ làm sao thì chúng nó lớn cả rồi . Mình chỉ góp ý theo cái kiểu " second opinion " thôi , có đưa ra ngu kiến cao kiến gì , chúng nó chỉ nghe không cãi lại thôi .
Tôi biết bà nhà tôi mới cho nó mấy trăm để tiêu xài lặt vặt . Con cái bên Mỹ đến khi vào đại học là phải sắm sửa cho nó một cái xe còn khá tốt . Bà nhà tôi nhường cho nó chạy cái xe Toyota Camry 2001 khi nó vô trường UTA năm 2006 . Xe lúc ấy chỉ có hơn 40 ngàn miles . Vậy mà bây giờ đồng hồ kim chỉ đến con số 98 ngàn miles . Tôi biết mỗi tuần xe cần đổ xăng đến hơn 30 đô vì từ nhà tôi ở thành phố Haltom đến trường UTA trên 20 miles . Nó bảo với mẹ nó : " Má có cần người "help " không ? " Bà nhà tôi dạo này đi làm công cho một tiệm giặt laundry của hai vợ chồng người Việt Nam . Sáng từ bảy giờ cho đến hai giờ chiều . Thứ bảy nghỉ , Chủ Nhật làm nguyên ngày .
Bà nhà tôi nghe con nó nói chẳng lẽ lắc đầu từ chối . Thế là hai mẹ con sáng Chủ Nhật lò mò lên tiệm giặt làm việc . Nó lên đó , ngồi trong một phòng nhỏ sửa quần áo có để một máy may Juki và mở sách ra học và làm bài vở . Đến chiều tôi lên thế để hai mẹ con đi về . Một ngày Chủ Nhật 15 tiếng nhân cho 7 , tính ra được 105 đô và bà nhà tôi trả lương cho nó 70 đô . Con bé Linda nhà tôi gần đến lễ Giáng Sinh này cũng hăm hở bảo bà nhà tôi : " Má má , có cần người " Help " không ? "
Bà nhà tôi vừa bưng nồi thịt gà kho nấu ở ga ra vô trong nhà bếp vừa nói :
- Ông à ! Ông có ăn cơm không ? Lúc nào cũng thấy ông ngồi trước mặt cái laptop vậy ông ?
Tôi vội vàng ấn vào cái hình " save " cái câu truyện tào lao đang viết dở dang này và tắt ngay cái máy computer .
- Sao , có cần hâm lại tô cá catfish bà kho tuần trước không ?
Bà nhà tôi lắc đầu :
- Không cần , hôm nay có món gà kho mới nấu , lại còn dĩa bắp cải luộc hôm qua , đậu hũ sốt cà hôm bữa . Cá kho mặn để cả tháng ăn có sao đâu .
Dạo này tôi kiêng ăn thịt , nhưng chỉ kiêng cữ loại thịt nào đo đỏ thôi , chớ gà vịt thì xơi tất . Cá thì ăn thường xuyên , nhất là cá mòi cá herring còn nguyên trong hộp . Bà nhà tôi cứ nhất định cho rằng ăn đồ hộp mãi sẽ bị ung thư . Có lần tôi dỗi hờn : " Cả tháng nay bà có kho con cá nào cho tui đâu ? " Thế là bà nhà tôi vác về một con cá catfish to đến năm sáu "pao " , kho cho tôi ăn nguyên tháng . Có lần ăn trên nhà bà chị dâu của bà , thấy tôi khen cá rô mề kho tộ với rau răm . Bà nhà tôi chiều ý , cũng mua mấy bó rau răm về kho chung với cá bông lau Mỹ này . Cô con gái thứ ba giống tôi lắm , chỉ thích gắp mấy cọng rau răm . Còn hai cô kia lắc đầu : " Má kho cá kiểu gì mà lạ vậy , toàn thấy cỏ là cỏ ! "
Bà nhà tôi âu yếm nói với cô con gái thứ hai :
- Có ăn trái hồng không , để má gọt cho .
Mùa lập đông này là mùa của trái hồng , trái cam . Hồng ở đâu trồng thì tôi không biết , chớ cam trồng ở miền nam Texas rất thơm ngọt vào mùa này . Tôi ngoài hai loại trái cây đu đủ chuối ăn hàng ngày chỉ thích xơi xoài và cóc . Bà nhà tôi không thích xơi mấy loại đó , lâu lâu xách về nhãn thanh long sầu riêng tươi và nhất là măng cụt . Mà mấy bạn biết không những thứ đó bên Mỹ mắc lắm . Giá như tôi cả đời chưa chắc mua đến một đồng . Ở bên quê nhà tôi còn chưa ăn , huống chi bên này .
Tôi khẽ nói với bà nhà tôi :
- Bà kể cho chúng nó nghe chuyện bác Nga nấu mì cà ri đi .
Bà nhà tôi vừa gọt xén những trái hồng tươi thắm vừa nói :
- À ! Bác Nga ở gần nhà cũ của mình đó . Hôm bữa chỉ lên chùa Hương Đạo nấu món chay gi đó để gây quĩ xây dựng nhà chùa . Một ông khách ăn xong , hỏi bác Nga là : " Chị Hai quê ở đâu vậy ? Bác Nga thủng thẳng đáp : " Chú Tư hỏi chi kỳ cục quá , tui với bà xã chú cùng quê miệt Bến Tre . Hai chị em tui chuyện trò hoài , mà chú hổng biết sao ? " Ông khách cười hà hà , chỉ vô tô mì gà chay . Trong cái tô loang loáng những miếng ớt sừng trâu đỏ hường trên nước lèo màu vàng ngầy ngậy . " Tui tưởng chị quê ở Ấn Độ chớ , tô mì gì mà cay quá xá , quá cỡ thợ mộc .
Bà nhà tôi cắt nghĩa cho mấy đứa con gái : " Cách đây mấy ngày trời Texas trở lạnh mấy cây ớt sừng trâu của bác lá heo hắt , mà con biết mấy cây ớt ra trái quá xá . Bác Nga cho má một rỗ , còn thừa bao nhiêu bác mang chùa cúng dường . Nhân tiện mấy bà hay đi cúng Phật mời bác Nga vô nấu đồ ăn chay . Bác Nga nhà mình thấy ớt dư thừa nhiều quá , cho ớt vô chung với nồi mì chay .
Mới hơn bảy giờ trời đã ngã tối đen . Gió lạnh đang tràn về làm lắc lư mấy ngọn cây lê trơ trụi lá . Ánh đèn điện đủ màu mùa Giáng Sinh lấp lánh trên các cửa nhà hàng xóm , báo hiệu một mùa Giáng Sinh sắp đến .
TDA Ngày 17 tháng 12 năm 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment