Monday, December 15, 2008

Giot Nang Que Huong

My , cháu gái bà nhà tôi dắt năm người chúng tôi đi lên tới một khu phố nằm khoảng giữa đường Nguyễn Trọng Tuyển , Phòng Điều Trị Y Học Dân Tộc . Một ông dáng chừng ngoài bốn mươi da dẻ hồng hào , tôi đoán chừng là Đông y sĩ , ngồi trên cái bàn vuông nho nhỏ , hỏi chúng tôi có cần xem bệnh uống thuốc gì không .
- Dạ thưa bác sĩ , con bé Linda nhà tôi sao chân tay nó cứ bị ngứa , rồi gãi lung tung .
- Được rồi để tui coi cho . Cháu nó bị chàm ăn , nên cứ bị ngứa . Cháu nó phải trị liên tục cả tháng mới hết căn bệnh .
- Sao bác sĩ bên ấy biểu cháu bị allergy dị ứng .

Ông thầy lang nghiêm nét mặt :
- Không phải , cháu bị chàm . Bệnh này không khó chữa . Để tôi gọi người cho cháu vô trong chữa bệnh . Đầu tiên là phải giác mấy cái máu bầm ra , rồi ngâm chân vào nước ấm có pha thuốc .

Ngồi rãnh rỗi trong khi chờ đợi , tôi nghĩ thầm : " Đã tới đây rồi sao mình không đi khám bệnh xem sao . " . Tôi xòe bàn tay đưa cho ông y sĩ :
- Tiện đây nhờ bác sĩ khám bệnh cho tui luôn .

Thầy lang chẩn mạch bằng ba ngón tay , mắt lim dim :
- Tui có bị bệnh gì không bác sĩ ?
- Bây giờ đo huyết áp ông 11/7 bình thường thôi . Nhưng theo kinh nghiệm hành nghề của tôi . Trong vòng ba năm ông phải cẩn thận coi chừng .

Tôi hơi giựt mình , thầy lang nói sao giông giống như thằng bạn tôi , thầy phong thủy bói toán . Hai thầy cũng trùng tên họ , chỉ khác nhau chữ lót thôi .

- Theo bác sĩ thì tôi bị gì ? Báo cáo khám nghiệm tui chỉ hơi cao đường , cao mỡ .
- Mạch của ông cho tôi biết ông bị thận .
- Thận yếu hả bác sĩ ?
- Không , chẳng nhũng không yếu mà lại dương . Ông phải tới đây châm cứu 10 ngày liên tục , rồi nghỉ 10 ngày , rồi châm cứu 10 ngày . Ba lần châm cứu thì mới dứt căn bệnh hoàn toàn .

Tôi ngần ngừ không quyết đoán . Về Việt Nam thăm quê hương , định dẫn con cái đi thăm chỗ này chỗ nọ Huế Sài Gòn Hà Nội , bây giờ thoáng nghe thầy lang chẩn bệnh , đưa ra bệnh lý nghe đã hết hồn . Khám bệnh như vậy hết cả những ngày đi chơi .

- Bây giờ tôi cho thuốc hạ âm , vê uống đỡ . Khi nào ông quyết định cứ tới đây .

Nhìn ông ta có dáng đạo mạo , mặt mày tươi sáng hơn các ông thầy lang chỗ tôi ở bên Mỹ , tôi đánh bạo hỏi chuyện :
- Hỏi thật bác sĩ nha , bác sĩ hình như có sống ở nước ngoài ?
- Có , tôi từng ở bên Pháp 17 năm . Ba tôi là bác sĩ tây y , chuyên về tim .
- Vậy thì tại sao bác sĩ lại chọn ngành đông y .

Ông thầy y sĩ chép miệng :
- Thì ... hồi đó ông bị cơ tim nhồi , đưa vào bệnh viện . Bác sĩ tây y lắc đầu chịu thua , may gặp một bác sĩ đông y người Tàu , chẩn bệnh cho thuốc uống hơn chục thang thuốc , rồi hết bệnh ngay . Tôi hỏi anh , vậy anh muốn học ngành nào , Tây y hay Đông y .

Tôi nhìn quanh quẩn qua phòng khám bệnh , dù hơi nằm vào sâu một chút , cách đường chính hơn chục thước , ngang bảy tám thước , chiều sâu hơn hai chục thước . Nhà này tính theo thời giá là mấy trăm cây vàng .

- Phòng khám bệnh này của bác sĩ mua lại giá cao không ?
- Không , của ông già tôi . Lúc trước bị tiếp thu , bây giờ nhà nước cho lại .
- Sao tui nghe nói lấy lại nhà khó khăn lắm mà .
- Trường hợp đặc biệt lắm . Hôm đó tình cờ ông viện trưởng gọi tôi khám bệnh khẩn cấp cho một ông nào đó . Tôi tưởng ông ta chỉ là một ông giám đốc gì đó . Ổng ngủ qua đêm dậy , chân tay không cử động được . Bệnh này đem vô bệnh viện chích là đi đời ngay .
- Ông bị bệnh gì ghê vậy ?

Thầy lang gật đầu :
- Trúng gió . Rồi tôi châm cứu ổng hơn một tiếng là ông đi đứng bình thường . Tôi đâu biết ổng là ai đâu , về sau mới ổng làm lớn lắm . Ổng có hỏi chuyện tôi , tôi kể đâu đuôi câu chuyện về căn nhà của ông già tôi . Anh biết không , chỉ trong hai mươi bốn giờ , tôi lấy lại căn nhà này ngay . Bây giờ căn nhà anh thấy đó .




Về nhà , tôi ngồi kể lại những gì trong phòng mạch cho các em các cháu tôi nghe . Cậu em tôi ngắm nghía tôi một lát , hỏi han :
- Ổng biểu anh bị thận dương , tại sao vậy ?
- À ! Ông nói tại mắt tôi bị đỏ , có nhiều gân máu . Tóc khô, trắng ở gốc .

Bà nhà tôi chen vào :
- Mắt đỏ là ông tối ngày luyện chưởng trên mạng nét , Đại Đường Song Long chết tiệt gì đó , còn tóc ông bị trắng ở gốc thì tuần trước ông mới nhuộm tóc , một tuần lễ thì tóc bạc ông phải nhú lên chớ . Tui nhìn coi cũng đoán được bệnh .
- Rồi ổng nói tui bị điếc một bên , tai nó kêu o o . Ổng nói điều trị cũng hết cả tháng .
- Ông có khám trong tai ông không mà sao ổng biết ?
- Không , ổng chỉ rờ ngón tay khám mạch thôi .
- Tôi nhìn cái đầu ông cũng biết , ông nói chuyện với người ta mà cứ nghiêng một bên thì đứa trẻ lên ba cũng biết , phải không Linda ?
- Dạ .

Bà nhà tôi nhẩn nha nói tiếp :
- Lúc tui ở phòng mạch gặp một bà ăn mặc sang trọng , hỏi tui có muốn mua nhà mua đất ở Sài Gòn không . Bà nói bả có cả chục căn biệt thự lớn lắm , mua thì bà để giá rẻ cho . Tui hỏi bả làm sao mà chị có nhiều nhà thế . " Nhà tiếp thu của những người bỏ ra nước ngoài " . " Rồi bây giờ họ trở về không đòi được nhà hả ? " Bà ta bĩu môi : " Sức mấy mà đòi được ! "

Cậu em tôi hỏi :
- Vậy ba người khám bệnh với vài lọ thuốc viên , chả có nhãn hiệu gì hết , anh trả hết bao nhiêu ?
- Hình như là bốn trăm ngàn đồng .
- Vậy thì mai mốt em chuyển ngành không đi dạy nữa , để đổi qua ngành y coi bộ khá .

oooooOOOOoooo

Chú em tôi năm nay xấp xỉ năm mươi , cao hơn tôi hơn một khúc . Dạo này chú nhìn có da có thịt hơn . Tay luôn luôn cầm điếu thuốc lá .
- Sao chú không bỏ luôn thuốc lá , tui nghe nói chú bị phổi ?
- Dạ, hết rồi . Bây giờ em đi dạy nhiều khi mệt lắm , mà đi khám bác sĩ tìm mãi không ra .
- Thế chú đi dạy ở nhiều trường không ?
- Lúc trước thì được hai ba trường , nhiều tiết . Bây giờ chỉ còn dạy một tiết ở trường đại học Văn Lang thôi .
- Tui tưởng chú dạy giỏi , được sinh viên quý mến chớ !
- Trái lại , cả ban hội đồng giáo sư ghét em lắm .
- Sao vậy ?

Chú em cười nhẹ , miệng phì phà hơi thuốc :
- Thì em chấm bài thi về Tin học , thí sinh 128 đứa em đánh rớt cả 128 đứa . Tụi nó học kém quá , tiêu chuẩn bài thi đâu khó lắm .
- Sao chú không giống như các vị giáo sư khác , làm vậy ai dám nhờ chú chấm bài .
- Đi thi giống như mình đi thi nhảy dây , sợi dây căng tới một mức nào đó . Nhảy qua thì đậu , vướng thì rớt . Cũng có vài lần sinh viên gởi người mang quà cáp tới biếu , em biểu họ mang về hết đi .

Tôi gật đầu đồng tình . Cần kiệm thì không có , nhưng liêm chính thì chú em tôi có thừa .
- Cách đây mấy năm em vướng vào một vụ thưa kiện . Một sinh viên chắc có ai đỡ đầu đâm đơn thưa em chấm bài sai . Vụ này đưa đến Bộ Giáo Dục .
- Bài thi ra sao mà chú đánh rớt ?
- Em nghĩ rằng cậu sinh viên đó cóp pi từ một nguồn nào đó . Bài luận văn làm rất hay , với trình độ như hắn em nghĩ rằng hắn không thể nào đạt được mức như vậy .

Tôi tò mò hỏi thêm :
- Đâu chú nói thử tui nghe xem ?
- Em nói anh cũng chẳng hiểu bao nhiêu . À ! Hình như có một câu như sau : " Can not connect to an FTM server " .

Chú em tôi nói khá nhanh , tôi phải bảo chú ấy viết trên giấy tôi mới hiểu .
- Hình như trước chữ " FTM" phải dùng A .
- Đấy , chính anh tiếng Anh khá như vậy mà còn sai . Em đã thử rất nhiều ông nhiều bà có bằng cử nhân Anh Văn , họ vẫn dùng sai A và AN trong trong câu này . Trên nguyên tắc A được dùng trước phụ âm , AN trước các nguyên âm . Nhưng chữ " FTM" đọc là " Ép Ti Em " nên phải viết chữ AN thay vì A .


Mấy chục năm loay hoay với chữ nghĩa , A AN vẫn còn sai sót .
- Làm sao chú biết vậy ?
- Hồi xưa em nghiên cứu mấy tháng trời về mạo tự A AN nên khá rành . Em thấy cách anh nói tiếng Anh bây giờ không giống như ngày xưa . Giống như là ....

Tôi đỡ lời chú :
- Mấy người Mỹ trong hãng tôi , nói tôi nói tiếng Anh giống hệt như anh chàng diễn viên Hồng Kông Jackie Chan . Nhất là những khi tôi bị canker sore lở miệng , chả có một ông một bà hiểu hết . Tôi nói tiếng Việt mà chị nhà còn chưa hiểu , phải không bà ?
- Hả ?

Ngồi quanh đó nghe câu chuyện tào lao giữa chúng tôi , các con nghe câu trước câu sau .
- Bây giờ tôi hỏi chú nhé , chữ OIL chú đọc làm sao ?
- Oi , mấy cháu hiểu không ?

Mấy đứa con tôi lắc đầu tỏ ra không hiểu .
- Ôn , ong .

Chúng nó vẫn nghệch mặt . Tôi chậm rãi nói :
- Thôi để tôi nói thử chúng nghe nhé : " Oi ồ "

Tức khắc mấy đứa con tôi gật đầu hiểu ngay :
- Là dầu xăng đấy mà .

Chú em tôi phản đối :
- Mấy người nói không đúng giọng của người Anh , giọng nói đó là của dân cao bồi Texas . Nói như em mới đúng giọng người Ăng Lê .

oooooOOOOOoooo

Trong chợ đầy rẫy thức ăn tươi sống từ thịt bò heo lợn . Chỉ có gà đi bộ , tức là gà ta giá cả quá đắt 240 ngàn một con , gần 15 đô , nên vắng bóng các lồng gà ven chợ . Thay thế là loại gà công nghiệp làm sẵn bỏ vào bao , giá tương đối rẻ 55 ngàn một kí . Rau rợ từ rau muống , mồng tơi , dền , đay , cải đắng bí bầu tươi rói . Cá rô cá lóc xoay mình dẫy đành đạch trên các mâm nhôm tròn . Tiếng la ơi ới buổi chợ sáng : " Mua em cá điêu hồng đi anh . " "Mua dùm em ít tôm sú về nấu canh cho chị Hai này anh ... " .

Ở đây hơn một tuần các bà các cô thấy mặt tôi vào sáng sớm cứ mời inh ỏi . Tôi ghé vào một quán nghêu sò ốc hến , vừa ngồi xuống tôi vào một rổ ốc không biết tên . Chị chủ hàng tươi cười :
- Chú ăn ốc bông này hả ? Làm cách nào ?

Tôi ngẩn người ra , ốc thì chỉ có việc luộc ra rồi chấm mắm gừng hoặc muối tiêu chanh . Hỏi như vậy biết đường nào trả lời . Tội ậm ừ không nhất quyết . Một bà trạc bốn mươi tuối đang ngồi khêu ốc kế bên , góp ý :
- Chắc ông này Việt Kiều về , hổng biết đường ăn ốc , toàn là " Ốc chi? " . Thôi làm món ốc rang me cho ổng ăn , rồi tính luôn phần tui cho ổng .

Chị chủ quán nhanh nhẩu gật đầu :
- Được chị Bé .

Tôi quay lại nhìn bà ta , tự nghĩ : " Chị này mà bé , cũng bảy tám chục kí . "

Một trái vịt lộn , đĩa ốc bông và đĩa sò huyết chừng 25 ngàn đồng . Bên cạnh một chị quần áo hơi lếch thếch , áo trắng thành màu xám đen , ngồi rao với giọng miền Trung không nặng lắm :
- Tẹp tươi , tẹp tươi đây . Năm ngàn đồng một lạng .

Nhà tôi năm người cộng với gia đình cô em út tôi bốn người . Nếu ăn thì ít nhất cũng nửa kí . Vài ba bà mua tép cũng chỉ hai hoặc ba lạng thôi .
- Cho tui nửa kí tép . Bao nhiêu chị ? Hai mươi lăm ngàn hả ?

Bà nhà tôi cứ mỗi lần nhìn thấy mấy con tép khô bán bên Mỹ , cứ chép miệng : " Giá như có món tép tươi ăn nhỉ . Nó cứ nhảy tong tóc cả lên , nghĩ đến mà mê .

Tép rang thì phải có món rau . Kế bên là hàng bán cua đồng , với rau đay , mồng tơi , mướp . Những chú cua màu nâu sẫm bò lỗng ngỗng trong chậu . Bà chủ sạp nói giọng Bắc lơ lớ :
- Anh mua cua dùm em . Cua này vừa mập vừa béo .

Tôi ngần ngừ không biết tính ra sao . Bà nhà tôi sáng sớm có dặn rằng , mua chỉ chục con thôi , đủ nồi canh .
- Cho tôi một tá .

Bà ta ngoay mặt dỗi :
- Cua em mà anh chỉ mua thế thôi à ! Làm sao em bán . Ít nhất là cũng nửa kí hay vài lạng . Đây này cua em , em xay sẵn thành bọc rồi . Bọc nhỏ mười ngàn , bọc lớn 15 ngàn . Anh lấy luôn rau đay nhé , một bó không đủ ăn đâu anh , phải bốn bó . Lấy luôn mồng tơi nhé , thêm hai bịch cà ghém . Làm sẵn hết rồi , anh cứ việc về bảo chị nấu cho xơi .

Vừa về đến đầu ngõ gặp cô em , tôi xoè bịch tép cho cô em tôi xem . Nhìn qua cô em tôi lắc đầu :
- Mới hôm qua ăn tôm sú , hôm nay lại tôm tép , mà loại tép riu này em chưa hề ăn qua . Anh cứ nấu mà ăn .

Nói xong cô em tôi quây quả bước thẳng ra chợ bán . Hai anh em cùng một mẹ cha , từ Bắc vào trong Nam 54 . Những món ăn miền Bắc hồi bé mẹ thường nấu cho ăn , rau muống luộc , muống xào , trứng bắc , rau đau nấu cáy , tép rang vắt chanh . Cũng có khi tôi nấu cho cả nhà ăn . Rồi khi vào sống trong chợ toàn người Nam , bây giờ nước mắm chấm rau cô em pha đẫy đường vắt tí chanh ớt làm tôi khó ăn quá .

Bà nhà tôi đang vắt vẻo ngồi uống cà phê sữa :
- Ông mua gì lắm thế ! Đồ ăn đồ uống còn đầy trong tủ lạnh , nào xem ... tôm sú , thịt heo kho tàu . Bây giờ ông vác món gì về vậy ?
- Tép tươi mà bà hay ước ao đấy .
- Tép hả ? Tép này muốn ăn ngon phải cắt đầu cắt đuôi .

Tôi thẫn thờ , mở he hé bịch tép ra . Mấy ngàn con còn đang tưng tưng , bỏ đầu bỏ đuôi phải đến cả ngày .
- Vậy thì tôi mang ra trả , hổng ăn nữa .

Chị hàng tép vẫn còn đó , miệng còn rang inh ỏi . Tôi ngồi xuống bên cạnh , giọng nhỏ nhẹ :
- Chị Hai ui ! Bà nhà tui biểu tép này muốn ăn , phải cắt đầu cắt đuôi . Mà làm sao tui cắt hết , hồi nãy tui mua của chị 25 ngàn , để lại cho chị 15 ngàn thôi .

Nghe qua , chị ta lắc đầu nguầy nguậy :
- Tẹp này bạo chị không thệ căt đầu căt đuôi . Cự việc rang lên , nọ sẽ rụng đầu rụng đuôi . Bây giờ anh cọ cho em , em cũng không lậy tẹp anh được .

Thế là tôi mang tép về nhà loay hoay rửa sạch , nhặt ba cái linh tinh rác rến , phơi cho ráo nước và mang lên bếp cho hành tỏi rang khô . Mùi thơm sực nước mắm loang ra khắp nhà bếp . Ngoài chợ tiếng rao vẫn lanh lảnh buổi chợ đông .

- Ai mua cua mua tép hôn .....

oooooOOOOooooo

Chú em tôi cùng cô bồ sống chung đã nhiều năm (tuy chưa cưới hỏi ) ngồi trên chiếc ghế gỗ trong bàn khách . Lần trước hai vơ chồng chú em tới chơi nhưng tôi đi vắng .
- Thím tên gì vậy ?

Chú em tôi nhanh nhẩu :
- Trân .

Nhìn thoáng qua , cô em dâu tôi có nét hơi lai người Tàu .
- Có , gần hai mươi đời rồi . Dạ , quê em ở Long An . Em hả ? Em họ Trần .
- Ô ! Vậy thì Mỹ sẽ gọi là Tran Tran .


Chú em tôi tay vẫn vân vê điếu thuốc 555 :
- Anh chị và các cháu đi Thái Lan vui không ?
- Vui chứ . Khi nào chú thím có dịp đi Thái cho biết .

Chú ấy biũ môi :
- Trân tháng Tám này đi , còn em thì không ?
- Sao vậy ?
- Em không thích , có lẽ là vì xứ Thái không văn minh văn hóa bằng mình . Nói chung ở châu Á chỉ có Nhật , Trung Quốc , Nam Hàn có nền văn hoá xấp xỉ với mình thôi .

Tôi không thích bàn cãi về các nền văn minh của từng xứ từng miền . Nhưng qua chuyến du lịch xứ Thái mới biết rằng ngoài những lời hướng dẫn của hai đoàn trưởng của hai công ty Saigon Tourist và Donna Tourist , tôi nhận thấy cách cư xử lịch sự của dân Thái có lẽ hơn nhiều dân tộc ở châu Á châu Âu , Mỹ kể cả Việt Nam .

Tông , chú em rể tôi rót bia Saigon vào từng ly :
- Mời các anh . Bia này tuy không bằng Heineken , nhưng đậm đà không kém .

Uống qua vài ly , chú em ngà ngà :
- Anh biết không , bây giờ mình không được gọi dân Thái , dân miền Thượng là dân mọi nữa .
- Vậy gọi là gì ?
- Người dân tộc .
- Vậy mọi da đỏ bên Mỹ phải gọi là gì ?
- Phải gọi là người dân tộc da đỏ .

Tôi bật cười , nói :
- Thiệt ra , mọi da đỏ là do người mình gọi . Khi những năm 30,40 chiếu phim cao bồi uýnh nhau với dân Indian , thấy mặt mày họ sơn xanh sơn đỏ nên đặt chết tên họ . Người dân da đỏ da họ cũng giống như dân châu Á thôi . Nói nãy giờ quên , để tui vô lấy gọt trái Thanh Long đỏ , xoài Gòn của Thái ăn thử .

Chú em mở to mắt ngạc nhiên :
- Ủa có Thanh Long đỏ sao ?
- Có chứ , nó đỏ sậm màu như củ dền . Sao ! Chú ăn thử nó ra sao ?
- Cũng giống như thanh long ruột trắng của mình thôi .
- Lúc ở bên Thái , một bà đi cùng chuyến , nhìn thấy trái này cũng ngạc nhiên như chú . Tui ghẹo bả : " Chị Hai ui , trái này không phải là Thanh Long , mà là trái Hồng Long . " Bả tin như sấm nổ , gật đầu lia chia . Còn xoài Gòn Thái ra sao , ngọt ngay và sừng sực phải không ? Trái cây Thái nổi tiếng với sầu riêng , bòn bon , măng cụt , còn mấy loại khác chắc không bằng .

Chú em tôi tiếp tục ngà ngật :
- Còn heo mọi cũng không được gọi là Heo Mọi nữa , phải gọi là Heo Miền Núi , hay là Heo Dân Tộc .

Chà cái này coi bộ không khá . Người Mỹ bên đó thỉnh thoảng có người nuôi Heo mọi để làm thú cưng (pet) trong nhà . Khi tôi hỏi họ , họ tưng tửng trả lời : "Oh ! Vietnamese Pig, you don't know ??? " Đó là danh tự chính thức cho loại lợn này , cũng như lọai ớt hiểm , Thai hot pepper . Mình văn hoá văn minh biết bao , bây giờ lại phải thành dân tộc sao .

Vừa lúc đó , một cô cháu chú Tông bước vào trong nhà , tay ôm một bọc giầy dép và chào bán :
- Giầy này bền bỉ lắm , chồng cháu làm ở sân bay đi cả chục năm vẫn chưa mòn .

Chiếc giầy da màu nâu sẫm , đế cao su thấp , giá đến gần 400,000 đồng VN (trên 20 đô la ) , tôi lật tới lật lui vẫn không tìm ra xuất xứ nước nào làm .
- Hàng xịn , cao cấp đấy chú .

Chú em tôi nhanh nhẩu hỏi :
- Phải giầy " dân tộc " không cháu ? Lựa cho chú một đôi , cho thím một đôi .

ôooooooOOOOOOoooooo

Trên đường đi thăm nhà chú em út tôi ở miệt Bình Triệu . Xe chạy qua đường Hai Bà Trưng , rẽ sang đường Điện Biên Phủ , thẳng Ngã Tư Hàng Xanh . Các con đường dày đặc đủ loại xe cộ , từ xe buýt sơn xanh vàng An Nhơn Bình Thạnh , xe tắc xi Vinasun , ô tô riêng Toyota , xe gắn máy chen chúc nhau , len lỏi trên các ngả đường . Hầu như không có luật đi đường nào nhất định cho các vị tài xế này . Dù cho có đèn giao thông xanh đỏ , người lái xe gắn máy liếc nhìn xem ở ngả tư đó có cảnh sát giao thông hay không , và cứ vậy họ luồn lách cứ thế mà đi .

Đoạn đường từ đường Điện Biên Phủ tới Ngả Tư Hàng Xanh mở ra nhiều con đường , hai bên có trồng vài cây dừa , cây cọ trên các mảng cỏ xanh tươi . Dọc hai bên , nhà cửa xây san sát , cái cao cái thấp lô nhô như răng ông già bà lão . Đây cửa hàng bán vật tư xây dựng , bên cạnh bán quần áo treo lủng lẳng . Vài bà ngồi bận bịu múc chén chè trao cho khách ven đường . Xe đạp hầu như chạy rất ít trên đường . Ai nấy đều muốn có một phương tiện chuyên chở nhanh hơn để đi làm hoặc vui chơi , xe gắn máy đã giải quyết được vấn đề này . Một thành phố có 10 triệu dân mà có vài triệu xe gắn máy , đường xá lại đang sửa lại cống rãnh thoát nước , các lô cốt nằm ụ trên các con đường , làm sao mà xe cộ không kẹt cứng được .

Chúng tôi ngồi trên xe tắc xi 7 chỗ ngồi . Khi người cháu tôi ngồi chỉ đường cho cậu tài xế :
- Đó , cái hẻm vừa qua . Bác tài quẹo lại giùm .

Thế là xe quay chữ U ngon lành , mặc kệ đoàn xe trước mặt tiến tới . Kẻ chen người lách , làm sao thì làm , miễn có kẽ hở là chun vô . Có lẽ không ai ý thức được việc mình làm , dù trên các biển ngữ treo trên các hẻm ra vào : " Tổ Dân Phố Phường 2 Quyết Tâm Xây Dựng Nền Văn Hóa tốt đẹp " .

Đường ta , ta cứ đi
Nhà ta , ta cứ xây
Ruộng ta , ta cứ cày .

Trên xe tôi hỏi thử cậu tài xế :
- Theo như anh , làm sao để giải quyết nạn kẹt xe như vầy ?

Cậu tài xế ngần ngừ :
- Mấy cái chuyện này làm sao em giải quyết được , để cho mấy ông lớn lo .

Nhà chú em nằm khá sâu trên tỉnh lộ 13 , sát con sông . Cách đây mười mấy năm , khu này còn có những hàng dừa cao ngất , nghiêng ngả theo chiều gió . Bây giờ nhà cửa xây san sát nhau . Chú em tôi được ông bố vợ chia cho một miếng đất . Nhà bề ngang bốn thước , dài hơn chục thước . Chú em tôi hãnh diện khoe :
- Nhà em tự vợ chồng xây lấy , có điều không đủ tiền nên tường không có thép , không kiên cố lắm . Móng nhà em xây 40 phân , tường thì có 10 phân thôi . Còn la phông vợ chồng em tự làm lấy .

Nhìn quanh ngỏ hẻm , vài con mương nước xanh đục . Rau muống , lục bình chen lẫn mọc lẫn lộn .
- Ở đây xa chợ , nhiều khi chúng em làm biếng , cứ việc ra bứt mấy rau dền , rau muống mọc hoang về xào hay luộc về cải thiện bữa ăn .

Cạnh bờ mương , một cái miễu nhỏ nhang hương đang nghi ngút . Tôi nhìn thoáng vào trong , vài hình tượng khắc ngồi chễm chệ .
- Ủa , sao ở đây lại có cái miễu này vậy ?
- Miễu Ngũ Hoàng , thờ Ba Bà Hai Ông , linh lắm anh Hai !
- Linh thiêng làm sao , thím nói rõ cho tui nghe .
- Thì cách dây vài năm , bà Tư bán chè đầu ngõ . Bả nghèo lắm . Lúc trước cái miễu này nhỏ lắm , bả ra khấn vái làm sao đó , mấy ngày sau trúng vé số cặp mười . Thế là bả xây lên căn phố mấy tầng , rồi bả tu bổ lại cái miễu hoang đó .
- Rồi ông chủ tịch phường không nói gì à !
- Dám nói , ông ăn quá xá , anh coi cái nhà đằng kia , hai ba tầng . Nhà ổng xây cấp 2 , còn nhà của em cấp 4 . Gió thổi mạnh là nó muốn rung rinh .

Tôi bật cười , nói :
- Vậy tí nữa chú dẫn tôi ra Miếu Ngũ Hoàng , cầu xin một tí . Nhưng tốt nhứt phải xin trúng lô tô bên Mỹ mới được nhiều . Nhứt là Mega lô tô , trúng đến mấy trăm triệu đô .

Không hiểu sao , từ Mỹ đến thăm nhà người cháu bên vợ và chú em tôi , lần nào cũng bị cúp điện . Ngồi trong nhà không có quạt , trời hầm sắp chuyển mưa . Ai nấy đều toát mồ hôi . May sao trời đổ hột mưa . Mái nhà tí tách vỗ lộp bộp trên mái tôn . Con bé Linda nhà tôi kêu lên :
- Hình như có mưa đá . Kêu to quá .

Bà nhà tôi lên tiếng :
- Không phải đâu , tại mưa rớt trên mái tôn , nên kêu to thôi . Nhà rỗng kêu to đấy con .

Chú em tôi pha trò :
- Ngày xưa điện có 3 tầng , bây giờ điện có 4 tầng .

Chú út Loi nhà tôi , khi còn bé tôi hướng dẫn chú làm bài tập lớp 2 , dạy chú làm toán chu vi và diện tích hình vuông . Nói mãi mà chú không hiểu , tôi tức mình hỏi chú : " Chú bây giờ không học , mai mốt chú lớn lên làm cái gì để sống . " Chú trả lời ngon ơ : " Em đi bán cà rem . "

- Sao lại có bốn tầng ?
- Dạ . Cao thế , Trung thế , Hạ Thế . Bây giờ mỗi lần cúp điện con nhà em lại biểu : " Kỳ thế ! "

Trời hơn sáu giờ , đèn điện không có . Cảnh vật lờ mờ . Chú em út tôi dắt qua nhà chú Thăng , em thứ tư của tôi . Chú đi dạy học mới về . Hai vợ chồng chú thím đang ngồi trên bộ ghế ăn mì gói , bên cạnh là đĩa rau cải luộc . Dưới hai ngọn nến lờ mờ , tôi vẫn nhìn thấy chung quanh tường , các kệ ngổn ngang những sách là sách . có cuốn dày cuốn mỏng .

Chú em phân bua :
- Tưởng chỉ có mình anh tới chơi , ai dè cả gia đình tới .

Nhà tôi chỉ những kê.ngăn sách :
- Chú làm gì mà đọc sách nhiều vậy ?
- Tại chị không biết đó thôi . Có hai loại người đọc sách , một loại đọc chỉ lấy văn bằng , còn loại kia như em , đọc chỉ lấy kiến thức . Ai hỏi gì cũng biết .

Bà nhà tôi cười , lấy tay chỉ vào tôi :
- Như nhà tôi mà như vậy , tôi đem vất đi hết . Để sách vở nhiều như vậy , chỉ tổ cho gián chuột làm tổ .

Tôi chen vào :
- Bởi vậy nên dạo này anh toàn mua sách có hình .

Hai chú em tôi thắc mắc :
- Sao vậy ?
- Sách có chữ tiếng Anh , chỉ đọc không được . Còn sách hình xanh xanh đỏ đỏ thì chỉ thích lắm .

Chú Thăng hỏi thêm :
- Nếu vậy , hai cháu lớn học đại học , chắc sách vở cũng nhiều ?
- Không , chúng nó học xong năm nào , bán sách luôn năm đó để mua sách mới .
- À ! Ra vậy .

Phòng khách nhà chú vuông vắn , 4 mét nhân 4 mét . Sách vở tứ tung đầy ba vách .
- Thế bên trong còn sách nữa không ?
- Còn chứ .
- Thế vợ chồng chú ngủ ở đâu ?

Bà nhà tôi chêm vào :
- Ông hỏi gì mà hay thế ? Thì ngủ trên đống sách , chớ ngủ ở đâu nữa .

Cách đây mấy năm , bà nhà tôi có cho chú năm ngàn đô để chú nâng cao cái nền lên . Mỗi năm vào tháng 9 tháng 10 nước sông dâng cao . Khu miền này đều ngập tới đầu gối . Bao nhiêu tiền chú đều đổ vào mua sách .

Lúc ra về , bà nhà tôi chép miệng :
- Nội bao nhiêu sách , lúc trước chú dành để mua đất xây phòng trọ . Có lẽ bây giờ chú đã là triệu phú ...
- ... Bất đắc dĩ . Bà không nghe chú Loi nhà này nói sao . Chú có bà chị vợ , có mấy căn nhà trọ . Mỗi tháng mỗi phòng 3 nhân 5 mét được hai trăm ngàn . Đến chiều tối họ là công nhân đi làm về , réo um lên : " Bà chủ ơi ! Bơm nước cho chúng em tắm ! Chị Sáu ơi ! Cánh cửa này đóng không chặt , mưa tạt vào ướt hết đồ chúng em ... em rồi !

Ngoài đường ngõ , mưa vẫn rơi tí tách . Cảnh vật tối om xen lẫn ánh đèn dầu le lói . Ánh đèn xe lấp lánh chiếu trên mặt đường lộ .

Trở về nhà cô em út tôi , con bé Linda nhà tôi đòi :
- Bố làm cho con tô mì gói . Lúc nãy ở nhà chú Thăng , con nhìn chú Thăng ăn ngon lành quá .

Bang , con cô em út tôi nhìn vào chén cơm , trên đó vài hạt đậu Hoà Lan chiên giòn mà tôi mua trong siêu thị Thái :
- Sao bác ăn cơm gì lạ vậy ? Chỉ có nước tương với hột đậu .

- Cháu hỏi gì mà KỲ THẾ ! Bác ăn vậy quen rồi .

oooOOOooo

Chú Hùng , em thứ ba tôi , mất cách đây mấy năm vì nghiện xì ke ma túy . Dù có vào các trại cai nghiền , nhưng khi trở ra , chú em tôi vẫn chứng nào tật nấy . Để mưu sinh chú làm nghề mài dao trong chợ . Các bà các cô trong chợ ưa thích lối mài dao của chú . Dao vừa bén , giá lại rẻ , hai ngàn đồng một con . Khi mài dao chú trong cơn say , cứ liếc tới mài lui , dao nào mà chẳng bén .

Hôm qua tôi lơn tơn ra cuối chợ , mấy bà bán cá đon đả chào mời :
- Anh mua cá của em , cá bông lau hay cá tra ? Mua về nấu canh chua cho chị ăn nhé .
- Nhiêu một con ?
- Em không bán con , bán theo kí . Người ta em bán 40 chục ngàn , em lấy rẻ , chỉ có 35 ngàn thôi .

Cá bông lau đầu nhỏ , bụng bự , mình trắng xám . Hình dáng từa tựa như loại cá catfish bày bán trong các chợ Việt bên Mỹ .

Chị bán cá sau khi làm sạch cá , tươi cười hỏi :
- Hình như anh là anh của anh Hùng , ảnh mài dao trong chợ này .

- Ờ , tui là anh của nó . Hôm kia tui nằm ngủ trên tầng chót , cạnh bức hình no' treo trên bàn thờ . Nó báo mộng cho tui là co' vài bà vài cô còn thiếu tiền mài dao của nó .

Hai ba bà bán cá quanh đó , nghe vậy xua tay , lắc đầu nguầy nguậy :
- Hông co' đâu anh , tụi em sòng phẳng lắm , chắc hổng thiếu tiền của ảnh đâu .

Chú em tôi mất vào tuổi 49 , chưa vợ . Dù tướng tá cao ráo , đẹp trai nhưng không cô nào trong chợ ưa thích , có lẽ không muốn phải nuôi ông chồng tối ngày đi mây về gió .

Tôi hỏi đùa thêm :
- Trong các chị xinh đẹp , nói năng nhanh nhẩu ở đây , có ai là bồ của nó ?

Lần này mấy bà lại lắc đầu mạnh hơn :
- Không có ai đâu anh . Đừng trêu tụi em nữa mà .

oooOOOooo

Tôi ngồi quán cà phê xó chợ , chợt nghe một ông chạy xe ôm đậu xe gắn máy , hỏi vọng vào quán . Bà chủ quán đang bận rộn pha cà phê cho khách , nghe không rõ , hỏi lại :
- Ổng hỏi gì vậy anh ?

Tôi lập lại :
- Ổng hỏi ở đây có thuốc lá Ba táp không ?

Mấy cậu thanh niên trong quán cười ầm lên :
- Thuốc lá Bastos ông nội , về đi khám tai đi .

Về nhà cô em út tôi bàn ra :
- Em có hỏi các tiệm thuốc tây , họ nói phải đi khám bác sĩ rồi có toa mới mua được dụng cụ trợ thính . Cái rẻ nhứt hơn một triệu .
- Khám ở đâu vậy ?
- Ở bệnh viện tai mũi họng , gần đường Lý Chính Thắng . Để em nhờ chú em chồng chở đi .

Bệnh viện tai mũi họng có dạng như một clinic bên Mỹ , cao mấy tầng lầu . Gởi xe bên trong , chúng tôi được mấy chú bảo vệ chỉ vào hàng người đang xếp hàng :
- Anh vào đây đóng tiền khám bệnh .

Tiền khám bệnh thường 20 ngàn , khám dịch vụ 50 ngàn . Tôi thắc mắc hỏi chú em khác nhau giữa hai loại khám bệnh :
- Khám dịch vụ thì nhanh hơn , khách không phải đợi lâu .

Bệnh nhân ngồi khám có lẽ tới mấy chục người , ngồi đầy các băng ghế nhựa . Khi bảng số nổi đỏ báo đúng số thứ tự , tôi bước vào phòng khám . Bên trong có hai ông đang ghi tên vào sổ bạ . Một bà có lẽ là bác sĩ đeo kính trắng , miệng che khăn , chỉ trỏ tôi ngồi xuống :
- Bác bao nhiêu tuổi ?
- Dạ , chưa khám lần nào .
- À ! Bác bị tai điếc . Bác đưa tai tôi xem , bác nghe không rõ từ hồi nào ?
- Dạ , tui có đi khám ông đông y sĩ , ổng biểu kinh mạch kỳ mạch gì bị tắt , cần phải châm cứu mười ngày mới hi vọng hết bệnh .

Bà bác sĩ im lặng , xoi tới xoi lui :
- Xong rồi , ông đi thông tai . Ra ngoài kia đóng tiền , rồi lên lầu một , vào phòng tiểu phẩu .

Khám bệnh một lần tiền , đi thông tai một lần tiền . Dịch vụ nào cũng phải có cái này đi trước , cho chắc ăn . Thủ tục đầu tiên mà . Ngoài cửa treo một tấm bích chương :

Bệnh viện Tai Mũi Họng và toàn thể nhân viên quyết tâm :
- Nâng cao nghề nghiệp .
- Chẩn bệnh chính xác .
- Chăm sóc tận tình .

Về đến nhà , bà nhà tôi hỏi :
- Ăn cơm chưa ông ?
- Nghe rồi , lần sau bà nói nhỏ nhẹ một chút . Tai tui không điếc đâu .

oooOOOooo

Từ trên máy bay hàng không VN , Đà Nẵng thấp thoáng dưới làn mây trắng lờ lững . Những mảnh ruộng xanh tươi hình ô chạy dài đến núi Hải Vân , sông Hàn êm đềm trôi êm ả dưới nắng ban mai .

Thành phố với những con đường thẳng tắp ,dọc theo bờ sông Hàn nhà cửa mọc lên san sát . Xe cộ rất ít so với Sài Gòn . Buối sáng còn thấy người dân tắm biển xong thả bộ về .

Sau khi ăn sáng tại một khách sạn địa phương nằm kế bên con sông Hàn , đoàn chúng tôi 21 người được anh hướng dẫn viên đưa thăm viếng một trong những cửa hàng bán đá quý , tượng điêu khắc tại làng Hoà Thạch , Non Nước . Bên ngoài hai ba anh công nhân ngồi dùng búa đẽo , đục tượng sư tử . Theo lời giải thích của anh trưởng đoàn , các nghệ nhân với tay nghề cao , với ý niệm sẵn đã có trong đầu . Họ đục khắc theo ý sáng tạo của riêng mình .Quan Công , Phật Thích Ca , sư tử v.v... Nghề này do ông Huỳnh Bá Quát sáng truyền ở thế kỷ 18 . Nguồn cung cấp chính là đá quí dưới chân núi Ngũ Hành Sơn .

Bên trong cửa hàng bày biện nhiều loại trang trí trong nhà đủ mọi hình trạng . Một chị bán hàng đon đả chào mời :
- En mua cho chỉ con rồng này làm què nhé . (Anh mua cho chỉ con rồng này làm quà nhé . )
- Không chị ạ , tui kiếm xem ở đây có bán tượng con voi to như thế vầy này .

Một con rồng nằm màu xanh lục dài cỡ hai gang tay nặng khoảng 20 kí , nếu mua thì phải đủ cặp , Song Long Tranh Châu , giành nhau ăn thì mới hấp dẫn . Hai con 40 kí , chắc không xách về nỗi .

Nhà bà chị họ tôi bên Houston có một đôi sư tử đực đứng chồm , chắc mua đâu đây ở làng Hòa Thạch . Tống cộng có đến 5 nghìn Mỹ kim kể cả tiền cước phí chuyến chở .



Từ đây đến ngọn Thủy Sơn không xa , một trong sáu ngọn núi Ngũ Hành Sơn . Chùa Tam Thai được xây dựng năm 1630 và dưới thời vua Minh Mạng cho trùng tu lại vì có cô em gái Ngọc Lan tu hành vào năm 1825 .

Anh trướng đoàn thong thả nói :
- Quí khách đến Đà Nẵng sẽ tìm được ba cái ĐÃ , cái thứ nhứt quí vị đang thưởng thức :" LEO ĐÃ " , chiều nay chúng ta sẽ ĐI ĐÃ và tối nay sẽ NGỦ ĐÃ .

Từ dưới chân núi chúng tôi vất vả leo bước lên trăm bậc thang . May mà ở đây cây xanh vươn cao bao bọc , gió thoáng mát . Không như vào hai năm trước tôi leo lên nóc điện Toà Thánh Vatican , không khí chật hẹp , khó thở hơn . Ở đây du khách có thể dừng chân đứng lại nhìn trời non nước vây quanh như thơ Bà Huyện Thanh Quan tả cảnh đèo Ngang . Dừng chân chắc phải đứng lại , chớ không kẻo lại trặc chân trẹo cổ .

Anh trưởng đoàn tiếp tục giảng giải :
- Chúng ta đang đứng tại Vọng Giang Đài ,chỗ này Thủy Sơn , bên tay phải là Thổ Sơn , tuốt góc đằng kia là Hỏa Sơn , ngon chính giữa là Kim Sơn . Kim thì nằm chính giữa , trung tâm vũ trụ lại màu vàng nên được vua chúa các thời đại dùng .

Tôi nghĩ anh trưởng đoàn trẻ tuổi này đi làm nghề phong thủy chắc sẽ nổi tiếng như thầy Tả Ao . Môt chị du khách lên tiếng :
- Thế thì những ngôi mộ nằm dưới chân núi kia thì gọi là gì ?
- Dạ , thì gọi là Nghĩa Trang Sơn .

Biết là anh trưởng đoàn nói đùa , mọi người cười ầm lên .
- Ngày xưa vua lên ngự đây , phải có chỗ vua ngồi chứ . Đó là chỗ chị đang ngồi đó .

Leo lên Vọng Giang Đài thì mỏi chân ,lúc trở xuống có chị la lên :
- Eo ơi ! Nhìn xuống chóng mặt quá !

Một ông nói đùa :
- Vọng Giang Đài hề
Cõng em xuống hề
Để anh giữ trọn lời thề nước non

Nhìn thấy một chân núi bị đẽo đục , tôi hỏi anh trưởng đoàn :
- Nếu như các nghệ nhân ở đây đục đẽo riết , lấy đá quí làm tượng . Chừng vài chục năm chẳng còn Ngũ Hành Sơn nữa , vậy thì làm sao ?
- Hiện nay , Đà Nẵng là nơi chính quyền tập trung để xây dựng làm trung tâm du lịch , nên việc này phải ngưng hẳn . Đá quý lấy từ miền Thanh Hóa , nên thường gọi là đá Thanh , còn ngọc thì từ nước Afghanistan .

Dọc theo bờ biển , có ngọn Hải Vân che chở , bãi cát trắng ngà trải dài bên các hàng dừa . Bên cạnh có những cơ sở du lịch , resort đang xây cất . Có lẽ nơi đây chừng mươi mưòi năm nữa , Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những thành phố du lịch có mức quốc tế nếu như có việc đầu tư quốc tế nhiều hơn , cũng như có sự quảng cáo tin tức đầy đủ hơn .

Anh trưởng đoàn vẫn ôn tồn nói :
- Đà Nẵng may mắn được ông đại biểu quốc hội , Nguyễn Bá Thanh tích cực tranh đấu cho thành phố Đà Nẵng được NĂM KHÔNG : " Không nhà ổ chuột - Không mại dâm - Không trộm cướp - Không ăn xin - Không ma túy . " Quí vị đã ở đây một ngày có thấy ai ăn xin không ? Không phải không ? Vâng , tuy nhiên xin quý vị cẩn thận vẫn hơn . Hôm nay chúng ta sẽ đi thăm bán đảo Sơn Trà . Các bác có biết tại sao quân Pháp lại tấn công vào Đà Nẵng không ? Họ bắn phát súng đầu tiên vào bán đảo này .

Mọi người trong xe đều lắc đầu .
- Dạ thưa , vì đây rất gần triều đình Huế . Nếu cắt được quân triều đình ở đây , với ngọn núi Hải Vân chắn ra cửa biển ngưòi Pháp sẽ chiếm được kinh đô Huế , nhưng nhà Nguyễn quyết tâm chống trả , dù rằng ta có những khẩu thần công , nhưng đạn chúng ta chỉ bắn tới ven tàu của họ thôi . Và họ hai ngày sau , quay trở lại Miền Trong , chiếm thành Gia Định trong hai ngày .

Trên đường tới phố cổ Hội An , chúng tôi ghé đến một cửa hàng may mặc tơ lụa . Các cháu gái tuổi trẻ ngồi cặm cụi thêu những kiểu mẫu trên hàng tơ tằm . Hàng tơ dệt rất thủ công tạo ra những màu sắc rực rỡ .
- Anh ni mua vài chiếc áo ?

Nhìn những chiếc áo sơ mi hồng cam đỏ vàng , tôi lắc đầu :
- Chịu thôi , tui mà mặc vào . Người ta lại biểu tui " Bóng " . Các cô chắc biết nghệ sĩ Thanh Bạch đẹp trai í a .

Trong đoàn chúng tôi có một anh từ Na Uy , đặt may một bộ áo vét . Giá cả nghe chừng 350 đô . Anh ta đứng yên chụp hình để lấy kiểu bởi một cô nhân viên .
- Anh ni , anh khẹp chân anh lại tị cho em nhờ . (Anh này , anh khép chân anh lại tí . )

Cửa hàng bé tí nhưng có đến mười mấy cô bán hàng xinh xắn trong chiếc áo dài xanh nước biển . Bên ngoài các cô thiếu nữ nhỏ nhắn ngồi chăm chú đan thêu những khăn thêu đủ màu sắc . Một du khách trong đoàn lên tiếng :
- Họ thuê các cháu nhỏ mắt mới tinh tường , cỡ như tụi mình chẳng ai mướn .

Từ Đà Nẵng xe quay về Nam hướng về phố cổ Hội An , một thành phố nhà cửa sơ sài , chật hẹp . Những mái nhà bằng gạch nâu đỏ đã hằn lên những vết nứt , cửa nẻo rạn nứt màu nâu sậm .

Anh trưởng đoàn tiếp tục :
- Thành phố Hội An được quốc tế Unesco công nhận là di tích cổ , nhưng khổ . Các chú bác có biết tại sao không ? Khổ là vì không được sửa mới , cái nào hư hại thì tu bổ lại theo kiểu cũ . Cái kèo cái cột cửa ngả đều phải y trang như trước . Tuy nhiên , các cô bác có thấy bên trong nó cổ , nhưng bên ngoài họ bày bán toàn đồ mới không . Tranh vẽ , quần áo , thuốc lá đủ loại . Hầu hết các nhà cổ xây cất theo kiến trúc Trung Quốc , mái ngói cong cong . Duy nhất chỉ còn cái chùa Cầu xây bởi người Nhật . Lúc trước người Nhật tới đây lập nghiệp khá đông , nhưng vì thời nhà Nguyễn khu vực này đạo Công giáo phát triển mạnh , mà Nhật Hoàng không thích nên ổng ra lệnh mọi thần dân phải trở về cố quốc , nếu không sẽ bị xử tử hoặc không bao giờ trở về nước Nhật . Do đó người Hoa đã tràn qua cái cầu này sinh sống .

Chúng tôi vào thăm một ngôi nhà cổ tiêu biểu của phố Hội An . Hầu hết vật tư xây dựng bằng gỗ sơn một màu nâu đen . Trong nhà le lói ánh đèn vàng , không khí nóng và ngộp . Mọi người phe phẩy cây quạt giấy .

Tôi lên tiếng góp ý :
- Sao ở đây không gắn máy lạnh nhỉ ?

Một chị phản đối :
- Vậy thì làm sao gọi là phố cổ được .

Ngoài xa vài chiếc thuyền ba lá đang ngược dòng chèo trên dòng sông Thu Bồn . Vài chị ngồi bên hàng quang gánh rao mời . Tôi nghe toàn chữ khó nghe , bặc bạch gì đó , đành quay sang hỏi một cô trong đoàn gốc Cam Ranh . Cô ta tươi cười cắt nghĩa :
- Bả hỏi anh ba năm mới tắm một lần phải không ? Nói đùa chớ bả mời : " Mời các bác ăn chén thạch cho mát . "

oooOOOooo

Trên đường ra Huế , anh trưởng đoàn ung dung cầm micro hỏi :
- Đoàn chúng ta sẽ qua đèo Hải Vân , một trong những hùng quan của đất nước Việt Nam . Thường thì đi qua đường hầm , nhưng xin hỏi quí khách có ai muốn đi theo đường đèo hay qua đường hầm .

Nghe vậy mọi người trên xe đều giơ tay muốn qua đèo theo triền núi .

- Nếu vậy thì Nguyên chiều quí khách , nhưng vì xe leo núi sẽ tắt máy điều hòa khá nóng xin quý khách thông cảm . Vua Lê Thánh Tông đã ngự ban cho đèo này là Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quang , là ngọn núi đâm ngang ra biển , mạch cuối cùng của dãy Trường Sơn mây mù che phủ quanh năm . Quý khách có thấy đằng xa kia là cảng Tiên Sa , bán đảo Sơn Trà , Cù Lao Chàm , thành phố Đà Nẵng . Nơi đây chia cách xứ Thuận Hóa và Quảng Nam . Quảng có nghĩa là mở rộng , Nam là phương Nam . Khi vua Trần Anh Tông dạo chơi dưới miền này , tình cờ gặp được Chế Mân vua nước Chăm Pa , ông này vừa mất vợ . Khi hai vua đang ngồi nhậu , vua Trần Nhân Tông hơi ngà ngà say , ướm hỏi Chế Mân có muốn lấy công chúa vua không . Nghe vậy Chế Mân tuy tuổi gần sáu chục , nhưng cũng động lòng xuân , gật đầu ngay . Qua hôm sau , Chế Mân nhắc lại chuyện tối qua , vua Trần Nhân Tông biết mình nói hớ , nhưng vua không thể nào nói hai lời , Quân bất hí ngôn , đành kiếm cách chối quanh : " Em nó mới mười ba , chưa đến tuổi xuất giá . Khi nào em nó lớn , tôi hứa sẽ gả cho . " Tưởng nói cho qua loa , nào dè mấy năm sau Chế Mân mang sính lễ tới cầu hôn thật , vua Nhân Tông chới với , bàn bạc với triều đình , và đồng ý nhưng với một điều kiện sính lễ sẽ là Châu Rí Châu Ô . Quí khách đã biết câu chuyện khúc sau rồi chứ gì ?

Vài du khách lắc đầu tỏ vẻ chưa biết .

- Dạ thưa , Chế Mân lúc đó đã sáu mươi , cưng bà công chúa Huyền Trân này lắm , và bà sinh được một hoàng tử tên là Chế Đa Đa . Xưa ông bà mình có câu : "Tiếc thay cây quế giữa rừng . Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo . " Bây giờ theo pháp lệnh nhà nước , mình không được gọi là Mường Mán nữa , gọi là người dân tộc , người đồng bào . Được vài năm vua Chế Mân mất , theo phong tục người Chàm , vua băng hà hoàng hậu sẽ bị thiêu theo chồng . Nghe tin vua Trần Nhân Tông vội sai Trần Khắc Chung đi chiến thuyền vào . Ông này vô đây , nói với các tướng người Chàm là bà Huyền Trân theo phong tục người Chàm sẽ được hỏa thiêu , nhưng theo phong tục người Việt , trước khi chết phải ra biển , hướng về quê cha đất tổ để lạy . Khi ra tới bờ biển , Trần Khắc Chung vội đưa bà ra thuyền nhỏ , chèo nhanh ra thuyền lớn . Nghe nói là họ lênh đênh trên biển mười tháng . Bà công chúa có lẽ vì đó lâm bệnh , và chết . Dân chúng thương bà nên lập đền thờ bà nơi đây .

"Đèo cao thì mặc đèo cao
Đèo mà cao quá anh chui đường hầm

Quí khách biết không , đường hầm không dành cho xe mô tô , nhưng xe này muốn qua thì phải chở bằng xe tải , mỗi chiếc 15 ngàn . "

Xe dừng trên một đoạn dốc , bên cạnh là những quán bán giải khát , dừa , nước lọc . Các bà , cô ơi ới rao mời chào bán , hay mời chụp hình . Một tấm bia đá dựng sừng sững khắc chữ Hán : Hải Vân Quan . Bên dưới biển xanh ôm lượn những mảnh đất ruộng xanh bạt ngàn . Núi rừng phủ bóng mây lãng đãng . Bên dưới bia vài nhánh cà rừng hoa nở tim tím , chen lẫn ngọn lá lốt xanh mơn mởn . Thấp thoáng xa xa bãi biển Lăng Cô xanh da trời bên hàng cát trắng .

- Một tí nữa quí khách sẽ được thưởng thức các món ăn TRỜI HÀNH của Huế , cay từ trong ruột cay ra , cay lột da lột lưỡi . Đó là các món ăn tiêu biểu của Huế , bún bò Huế , cơm Hến . Ngoài ra quí khách có muốn đi ăn bên ngoài tui xin giới thiệu Quán Chèn Hẻng , xin lỗi Quán Chè Hẻm . Nơi đây có bán Chè Heo Quay , Chè Hạt Sen . Quí khách có biết tại sao dân gian người ta hay nói : " Quảng Nam hay cãi , Quảng Ngãi hay lo , Bình Định nằm co , Thừa Thiên ních hết ." Dạ thưa , là bởi vì người Quảng Nam miếng cơm miếng uống họ khó lòng kiếm sống , nên họ rất chăm chỉ học hành . Trong các triều đình ngày xưa từng có nhiều vị quan to xuất thân từ Quảng Nam , như Ngũ Tử Đăng Khoa , Ngũ Phụng Tề Phi , Địa Linh Nhân Kiệt như các ông Trần Quí Cáp , Ông Ích Khiêm . Học trò ở xứ Quảng Nam học rất giỏi , lý luận sắc bén , cho nên thấy dân xứ khác tới kinh đô Huế lập luận không vững vàng nên họ hay cãi lại lắm . Nhưng cãi chi thì cãi nhưng gặp các o Huế , họ cứ câm như hến bị cát vào miệng ...

Học trò trong Quảng ra thi
Gặp cô gái Huế chân đi không đành

Còn người Quảng Ngãi , đất hẹp xứ dân nghèo , mãi lo lắng về cuộc sống . Dân Bình Định quí khách có biết là quê hương của ai không ? Dạ thưa , đó là quê hương của Nguyễn Huệ , nhà Tây Sơn . Khi Nguyễn Ánh thống nhất Việt Nam , ông ta rất thù hận nhà Tây Sơn đã đào mộ tổ tiên ông , nên cho người lấy hài cốt Nguyễn Huệ , Nguyễn Nhạc xay ra , cho vào súng thần công bắn ra ngoài dòng sông . Bởi vậy Bình Định lúc nào cũng bị canh phòng chặt chẽ , sợ rằng dư đảng nhà Tây Sơn nổi dậy . Còn Thừa Thiên ních hết , là nhà Nguyễn xây dựng kinh đô ở Huế , thuộc Thừa Thiên . Bao cái hay đều về đây hết .

Bún bò Huế

Nghe cậu trưởng đoàn trình bày các món ăn xứ Huế hấp dẫn như vậy , chúng tôi mường tượng ra các món đặc sản xứ Huế nổi tiếng cả Việt Nam . Trên tầng năm khách sạn ba sao Duy Tân nằm cách sông Hương êm đềm không xa , chúng tôi leo lên lên thang máy và bước vào phòng ăn có chỗ chứa chừng vài chục người .

Tôi là người đầu tiên thử món bún bò xứ Huế , mặc dù rằng tôi không thích món này bằng phở , nhưng tới đây chẳng lẽ không thử xem nó ngon như thế nào . Vài o Huế nhỏ nhắn xinh xắn miệng cười tươi như hoa hàm tiếu nở muộn mời mọc chúng tôi . Tôi mang tô bún bò Huế bưng ra ngồi sát cạnh ban công , mặt ngó qua toàn cảnh quan sông Hương . Dòng sông xanh êm đềm lững lờ trôi nhè nhẹ . Thấp thoáng xa xa núi Ngự ẩn hiện mờ mờ in trong mây phủ .

Bà nhà tôi kéo chiếc ghế , nhẹ nhàng hỏi tôi :
- Bún bò Huế ngon không ông ?

Tôi ậm ừ , không muốn trả lời thẳng thừng :
- Bà cứ vào ăn thử xem , nước lèo khá trong vắt , như dòng sông Hương chảy ngoài xa đằng kia .

Bé Linda nghe vậy , lanh chanh đi vào múc cho đầy một tô . Nó lúc nào cũng vậy , nghe chữ Bún Bò mắt sáng rực lên .

- Sao bụn bò xự Huệ ngon không con ?

Linda lắc đầu , bĩu môi :
- Dở quá bố , không ngon bằng của má nấu .


Tôi xoay sang hỏi đùa mấy cô gái Huế trong tà áo hồng đang đứng phục vụ :
- Tôi nghe nói bún bò Huế nấu tại cố đô Huế thật là nổi tiếng , và nghe đâu là dùng chính nước sông Hương này nấu phải không ?

Một o Huế xinh xắn cười đáp lại :
- Dạ , không thưa bạc . Bạc nhìn xem dượi sông , có mấy ông đang tắm , nược không được sạch lặm . Nhà hàng chụng chạu nào dạm nậu vậy mô . (Dạ , không thưa bác . Bác nhìn dưới sông , có mấy ông đang tắm , nước không được sạch lắm . Nhà hàng chúng cháu nào dám nấu vậy mô .)

Trên dãy bàn được kê san sát với nhau . Đoàn chúng tôi hai mươi mốt người , chia nhau ngồi vây quanh . Trên bàn chưng bày vài món đặc sản xứ Huế , mít xào mực , canh hến , thịt kho rim với tôm . Đĩa mít xào mực với sơ mít màu tím thẩm , nhai sừng sực nhưng không có mùi thơm của mít .
- Ăn đi bà , sao tui không thấy bà ăn gì hết . Có món sơ mít xào ăn rất ngon , từ bé đến giờ tui mới được ăn .

Bà nhà tôi nhìn tôi với đôi mắt giận dỗi :
- Ngon gì mà ngon , tui từ bé món gì mà chẳng ăn qua . Tại ông chưa từng ăn , cứ khen nức khen nở . Quê tui , sơ mít này thường nấu cho heo ăn không ! Còn canh hến à ! Nấu chi mà lạt như nước ốc .

Tôi quay sang hỏi bé Linda .
- Ăn cũng được bố .

Lúc quay trở về phòng khách sạn , bà nhà tôi càm ràm :
- Ông í à ! Khi nào ăn chung với đoàn . Ông phải ngồi chung bàn với mẹ con chúng tui . Ông qua bàn bên kia , tía lia tía lịa với người ta . Cứ năm người là một bàn , nên nhà hàng họ xếp thằng con trai của cái ông Lang , thằng bé mới mười ba mà ăn khỏe như trâu . Trên bàn có cái chi ăn đâu , được vài miếng thịt nó ngồi xơi gần hết . Ba má nó nhìn thấy , chẳng thèm ngăn cản, còn khuyến khích thêm : " Ăn thêm đi con , ăn cho mau lớn . " Ông thấy con nhà mình không , vài món lạ lùng chúng nó không đụng đũa đến . Lát nữa xuống khách sạn kiếm cái gì ăn .

Ca Huế

Bên kia đường Lê Lợi đối diện với khách sạn , tôi ngó thấy một tiệm ki ốt bán vài thứ cần dùng cho máy ảnh . Lúc ở Sài Gòn tôi đã mua dự trữ bốn cục pin AA , giá mỗi cục là 3000 đồng . Tôi hỏi thử thì được cho biết một gói hai cục 25 ngàn đồng . Chu chao chi mắc rựa !

Khoảng gần 8 giờ tối đoàn chúng tôi tới bến đậu bên dòng sông Hương . Từng đoàn người có lẽ đa số là du khách ghé thăm , người đông nườm nợp như đi trẩy hội . Những con thuyền được trang hoàng bằng hai con rồng cạnh mé thuyền nên được gọi là thuyền rồng chăng . Con thuyền khá rộng đủ sức chứa 50 người . Chúng tôi ngồi vây xung quanh khoang thuyền . Tháng 7 mùa hè khí trời oi bức , mặc dù thỉnh thoảng có vài cơn gió nhè nhẹ thổi loang thoáng trên mặt sông . Con thuyền rồng đưa chúng tôi và ban ca Huế qua cầu Trường Tiền và neo ở đây . Qua vài lời giới thiệu , đây là một trong những ban hát nhạc cung đình Huế . Mở đầu là bài Hò mái nhĩ với tiếng hát điêu luyện của ca sĩ Mai Huyền , với tà áo dài xanh thướt tha trong gió . Tiếng đàn tranh , đàn nguyệt , đàn nhị cùng nhịp phách gõ làm các ca điệu Lưu Thủy, Xuân Phong, Long Hồ, Hạ Giang Nam , Cổ Bàn man mác trầm buồn vào lòng du khách . Xen lẫn là những ca khúc Mười Thương , Hò giã gạo được biến tấu , đối đáp nghe cũng vui tai .

.... Là hù là khoan , khoan lá khoan hò khoan
Thương em , anh cũng chịu .... là hù là khoan

Đây là một dịp được nghe nhạc Live Show , được nghe những ca nữ tài sắc vẹn toàn , trình bày các ca khúc cung đình ngày xa xưa . Du khách ngồi nghe gật gù thưởng thức dù không hiểu hết những lời ca , điệu hò xứ Huế , nhưng với những đóa bông hồng tươi thắm biếu tặng đã khích lệ các tài nữ không ít . Tôi nhớ không lầm có bà hàng xóm nhà tôi có lần ra xứ Huế , nghe hát hò trên sông Hương , chỉ muốn đòi về .

Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao bỗng rơi rơi hoài
Cho lòng nhớ ai

Bài hát u buồn , chầm chậm theo gót chân chúng tôi quay về bến đỗ . Bên bến sông ánh đèn lập loè lung linh như ánh sao . Vài tiếng rao chào mời . Bà nhà tôi mua vài con mực khô , có lẽ nghe tiếng hát Hò mái đẩy nên mệt chăng . Ở đây không có nhiều cửa hàng ăn uống như ở Sài Gòn . Không rành đường xá , chỗ quen biết nên chúng tôi mua đại vài thứ gì đó và quay về khách sạn .
.
Vừa về tới khách sạn , trời đổ mưa . Mưa lất phất bay , mang tiếng hát còn dư âm vọng lại , mang cơn gió lạnh vào lòng . Có lẽ xứ Huế mang nhiều hình ảnh sông núi mênh mang đã rung động nhiều con tim nghệ sĩ xứ Huế .

Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao ...(TCS)

No comments:

Post a Comment