Hoàng Thành Huế
Nhìn tổng quát Hoàng Thành Huế trông hơi giống như Tử Cấm Thành của Trung Hoa mà tôi đã tới thăm viếng vào năm 2000 . Forbidden City của người Trung Quốc bao quanh bằng bức tường cao nghều nghệu , sơn màu tím nhạt , nên được gọi là Tử Cấm Thành . (Tử là mầu tím , ngày xưa cứ tưởng là chết ngắc ) . Bây giờ có người gọi Hoàng Thành Huế là Tử Cấm Thành có lẽ không đúng lắm , vì các bờ tường thành có màu xám loang lổ những đốm đen vượt qua từng thời kỳ sôi động của đất nước .
Từ xa , kỳ đài màu xám đen ngạo nghễ vươn mình lên trời xanh . Bao bọc chung quanh Hoàng Thành là các cầu , hào sâu có tên gọi Kim Thủy . Bên phải là chín khẩu súng cà nông thật to , màu đồng đen , Cửu Vị Thần Công mà vua Gia Long cho đúc vào năm 1803-1804 để tưởng niệm cuộc chiến thắng nhà Tây Sơn , mặc dù chúng chưa từng bắn phát đạn nào trong trận tiền . Ông trưởng đoàn chúng tôi bảo là chúng nằm dàn chào lấy le cho vui .
Qua cửa Ngọ Môn , vào chánh điện Thái Hòa , nơi các vua nhà Nguyễn nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 Âm lịch ), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh , chúng tôi lang thang ngắm các cung điện đền đài . Kiến trúc hầu hết đều tương tự như Tử Cấm Thành bên Trung Hoa . Mái nhà cong hai tầng trên thềm gạch Bát Tràng (Trùng Thiềm Điệp Ốc ) , trên nóc Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), Điện Càn Thành (chỗ ở của vua) không có chín con rồng bò nằm dài như bên Trung Hoa . (Xin mở ngoặc chỗ này , chỉ cần nhìn lên nóc các điện Tử Cấm Thành , có thể biết là nơi vua có ngự đến hay không , hay là để dành cho các quan văn võ ) .
Chúng tôi chỉ được hướng dẫn cho xem vài nơi thôi , đa số các cung , điện còn đang sửa chữa tu bổ lại . Một số điện còn những vết cháy đen , như từng trải qua thời chiến tranh Nam Bắc . Một đứa con trong đoàn không biết rành tiếng Việt , hỏi một cô hướng dẫn bằng tiếng Anh , hỏi sao bị cháy . Cô ta với giọng Huế ngọt ngào đáp : "Bởi vì cháy rừng đã lan vào đây . " . Một ông thắc mắc , nói nhỏ vừa đủ chúng tôi nghe : " Chớ không phải mấy ông đốt phá hồi những năm Mậu Thân 68 à ! " . Trong sử sách bây giờ nói là bị hư hại vào tháng 2 năm 1947 .
Chúng tôi đi vòng qua Hiển Lâm Các , cao 17 thước , và vì thế tất cả các kiến trúc trong Nội Thành không được xây cao hơn Hiển Lâm Các này . Đây là một công trình đẹp , được trùng tu nhiều lần , cũng như Cửu Đỉnh , Thế Miếu thường được giới thiệu . Từ xa nhìn hai cây gì là lạ , cao hơn hai ba chục thước , lá xanh thẫm to hơn bàn tay và được biết là cây ngô đồng . Tôi nhìn mãi mà không thấy chim phượng hoàng tới đậu , mà chỉ nghe tiếng gà gáy trời Nam thôi .
ooooOOOOoooo
Lăng mộ vua nhà Nguyễn
Xe đưa chúng tôi dọc theo bờ Nam sông Hương thơ mộng . Vào mùa hè này vắng bóng các nữ sinh Đồng Khánh áo dài tha thướt với chiếc nón bài thơ . Nhưng các nữ sinh này cỡi xe Honda Future đi học thời buổi này chắc chắc không còn e ấp với chiếc nón lá bay bay qua cầu Trường Tiền , thay vì đó là các chiếc nón nhựa bảo hiểm tròn tròn , xanh đỏ đủ màu . Bây giờ theo luật hiện hành mọi người lái xe gắn máy bắt buộc phải đội nón bảo hiểm . Không tuân theo mỗi vi phạm bị phạt khoảng 200 ngàn đồng Việt Nam .
Độ mười mấy cây số , xe đi vào núi Cẩm Khê bạt ngàn cây cối , các rừng tràm che phủ cả đường đi . Gần ngã ba Bằng Lãng , hai nhánh Tả Trạch , Hữu Trạch nhập nhau tại đây tạo thành con sông Hương êm đềm xuôi về Đông .
- Thưa quý khách . Thông thường các vị vua nhà Nguyễn lúc còn sống hay đi tìm miếng đất dành riêng cho mình lúc nằm xuống . Ngai vàng ở Hoàng Thành có thể bị đánh đổ dành giựt , chớ các lăng mộ không ai muốn dành làm chi .
Dọc theo con đường vào cổng lăng Minh Mạng , bên các căn nhà lụp xụp mái tranh vài cô chú bé khoảng hơn mười tuổi ăn mặc xốc xếch , mặt mày rám nắng lem luốc . Có đứa còn nách bồng bế em , tay cầm cái đồ chơi bằng gỗ có hình hai con gà trống mổ nhau và đua nhau chào khách mua : " Cô chụ mua dùm chạu cại này , để chạu cọ miệng cơm ăn . " Nghe những giọng nói trẻ thơ như van nài có lẽ làm tôi không ít mũi lòng thương hại , nhưng tôi không dám gọi mua , sợ rằng gọi một cháu tới sẽ kéo theo hàng chục đứa lau chau tới chào mua .
Chúng tôi đi qua cổng Tả Hồng Môn vào Lăng (Đại Hồng Môn chỉ được mở ra một lần duy nhất , là khi đưa vua vào chôn cất và bít lại , mọi việc qua lại phải dùng hai cổng Tả Hữu Hồng Môn .) Các cây cao thông , bàng phủ che mát các đồi xanh mướt cỏ cây bao bọc hồ Trừng Minh, Tân Nguyệt , Minh Lâu . Những đoá sen trắng , hồng chen chúc nở rộ thơm ngát khu lăng êm đềm . Một ông có lẽ là nhân viên bảo vệ hay công an coi Lăng , tay cầm cần câu trúc kéo rê mồi nhái bén bằng ống lon sữa bò , mải mê câu cá mắt nhìn chăm chăm theo đường rê mồi . Cách câu kiểu này ngày xưa tôi đã từng câu qua , không như bây giờ dùng máy câu tiện lợi hơn . Tôi có hỏi vài câu nhưng ông ta cứ ậm ừ trong miệng :
- Câu cá ở đây có cần xin phép không ?
- Ừm ....
- Thế ông câu cá gì vậy ?
- Lóc .
- Câu được cá mang về ăn hay thả đi .
- Ăn .
- Tui nghe nói ai ăn cá nuôi ở đây vua hiện về đòi lại cá của ổng .
- Bậy nè ! Ông vua tên chi ?
- Long Hội .
Ông bảo vệ nét mặt tươi hẵn lên :
- À ! Ông vua nằm dưới đây là Minh Mạng .
(Long Hội nói lái là lôi họng . Ai ăn cá bị mắc xương cũng phải lôi họng ra .)
Bà nhà tôi nhìn quanh các đền đài công trình lăng mộ , tấm tắc khen :
- Mấy ông vua ở đây sướng quá nhỉ ! Thời buổi này , đất đai lên giá mắc hơn vàng . Một mình ổng ở một cõi , rộng thênh thang như vầy . Ông già bà già tui chết lâu rồi , chôn ở Bình Hưng Hòa (Sài Gòn), mà nhà nước còn kêu gọi bốc mộ đi chỗ khác .
Một ông du khách đứng kế bên , góp ý :
- Sao không chôn ở Nghĩa Trang Tổ Quốc ? Hôm bữa tui thấy họ làm lễ an táng cho ông Kiệt rềnh rang lắm mà .
- Tui không biết . Anh em tui ở nước ngoài về Sài Gòn để bốc mộ rồi đưa vào lò Bình Hưng Hòa thiêu . Người chết cũng còn khổ huống chi người còn sống .
Từ lăng Minh Mạng qua lăng Tự Đức theo chương trình du lịch của đoàn sắp xếp . Lăng Tự Đực nằm trong một thung lũng hẹp thuộc Dương Xuân Thuận , nay là thôn Thượng Ba , xã Thủy Xuân thuộc thành phố Huế . Khi vua Tự Đức còn sống đã lo nghĩ đến việc xây lăng tẩm cho mình . Mới đầu đặt tên là Vạn Niên Cơ , có ý là tồn tại đến hàng ngàn năm . Sau này có loạn giặc Chày Vôi do dân phu xây lăng nổi loạn vì việc xây lăng quá cực khổ , một phần do các quan lại thúc dục , hành xử quá tàn bạo .
Bởi vậy dân chúng mới có câu :
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân
Sau vụ dẹp loạn này , vua Tự Đức mới đổi tên lăng thành Khiêm Cung , ý muốn để tạ tội với quốc dân .
Hầu hết các công trình đền đài , lăng tẩm đều có chữ Khiêm trong tiếng gọi . Từ Khiêm Cung Môn cửa chính qua nơi thờ các bà vợ vua (103 bà) là Chí Khiêm Đường . Nhà nghỉ mát bên cạnh một ao con xinh xắn , bông sen hồng nở tươi thắm , gọi là hồ Lưu Khiêm . Phía bên trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát tuồng , là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện nay . Vườn nuôi nai , Lộc Khiêm dù rằng nai không còn nữa ,đã bị làm khô nai bán ngoài các quán ven đường .
Trong Ôn Khiêm Đường nơi vua nghỉ ngơi có kê một cái sập ván làm bằng gỗ trắc , nhìn có vẻ cũ kỷ . Một bà du khách thắc mắc :
- Vậy cái này gọi là gì ?
Ông trưởng đoàn tươi cười đáp :
- À ! Gọi là Long Sàn .
- Chớ không gọi là Khiêm Sàn hả .
Bà ta chỉ qua một hàng rào gỗ :
- Còn cái này gọi là chi ?
Tôi xen lời :
- Cha chà ! Cái đó gọi là Long Kẻo .
Mọi du khách trong đoàn mở to mắt , như có ý muốn hỏi .
- Ngày xưa vua đi chơi đêm về , muốn vào cung thì phải leo hàng rào vào , Long Kẻo là leo cổng đó .
Từ lăng Tự Đức trở lên mặt đường,chúng tôi phải bước dốc . Nắng gần đứng bóng , dù vậy chúng tôi còn phải đi thăm Lăng Khải Định nữa .Trong tất cả 13 vị vua nhà Nguyễn chỉ có bảy cái Lăng Tẩm . Đó là Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Dục Đức, Lăng Khải Định. Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại là những vua không có lăng tẩm riêng cho mình. Có ông lên ngôi vua được dăm ngày, dăm tháng bị bệnh chưa kịp xây lăng thì đã mất . Ba ông vua bị phế là Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại.
Khải Định con trai trưởng vua Đồng Khánh, lên ngai năm 1916. Ông này rất hòa hoãn với người Pháp. Mọi ngân sách chi tiêu đều do Pháp cung cấp. Khi xây lăng vua Khải Định phải xin Pháp tăng thuế 30 phần trăm mới có tiền xây cất.
Lăng Khải Định còn gọi là Ứng Lăng, nằm trên một ngọn núi cao Châu Chữ. Khởi công xây năm 1920 và kéo dài 11 năm. Tuy lăng này nhỏ hơn các lăng các vị vua trước nhưng rất tốn kém, cực kỳ công phu, thời gia . Để xây lăng theo lối mới, Khải Định đã cho mời nhiều khiến trúc sư tới tham khảo. Các trụ cổng hình tháp có lối kiến trúc Ấn Độ, dạng mái cong Stoupa của Phật giáo. Nhà bia, cột kèo, vòm cửa theo lối Gothic biến thể của người La Mã. Nhìn chung, lăng có hình thể như một khối hình chữ nhật, vươn cao trên đỉnh đồi cao, mặt ngó qua núi Ứng Sơn chập chùng.
Trong cung Thiên Định, kiến trúc chính của Lăng, các hình tượng, bờ tường được ghép nối bằng các vật liệu sành sứ, thủy tinh. Vua Khải Định từng đặt mua các hàng chén đĩa bằng sứ tốt bên Trung Hoa, Nhật về đập ra từng mảnh, rồi cho thợ lựa ra để ghép nối. Ngoài các phù điêu, bộ tranh tứ quý, khay trà, vương miện còn lưu trữ vật dụng mới như đồng hồ, đèn dầu. Bức tranh trên vòm Cửu Long Ẩn Vân, nằm ẩn hiện trong mây, kiệt tác của Phan văn Tánh một thợ bậc thầy kiến trúc thời đó.
Phía trước là điện Khải Thành, nơi để án thờ và chân dung vua Khải Định, hai bên hông là hai Tả Hữu Trực Phòng dành cho lính bảo vệ Lăng. Tượng vua ngồi chễm chệ bên trên, phần mộ nằm dưới. Trong cùng là bàn thờ bài vị.
Pho tượng đồng Khải Định dó người Pháp đúc được đặt bên phòng trái Lăng, đứng trong một tư thế dựa súng như một thợ đi săn voi về.
Các Lăng Tẩm nhà Nguyễn mỗi cái đều có những nét đặc thù riêng của nền văn hoá Việt Nam , nằm rải rác bên ngoài thành phố Huế . Không như các lăng nhà Minh bên Trung Hoa tôi thăm viếng năm 2000, vua Thái Tổ Chu Nguyên Chương nằm chính giữa và sâu bên trong cùng, các vua hậu nhiệm nằm hai cạnh tạo hình cánh cung . Lăng mộ nhà Minh nằm trong một vùng đất phong thủy khá xinh đẹp .
Tuy Lăng Tẩm nhà Nguyễn là những công trình to lớn, được Unesco quốc tế công nhận là di sản của nền văn minh nhân loại, nhưng được xây dựng trong bối cảnh tương đối hòa bình. Mỗi kiến trúc không ít thì nhiều đã ảnh hưởng rất nhiều đến vận mạng quốc gia. Tiền bạc của cải, công sức dân chúng đã bỏ ra không ít. Xưa có câu " Nhất tướng công , thành vạn cốt khô " . Một người muốn trở thành vị tướng, không ít thì nhiều có rất nhiều người đã nằm xuống để người bước lên . Lịch sử thế giới cho biết nhiều dân tộc đã từng giàu mạnh một thời . Người Maya xây cổ thành hình tháp Stela , Ai cập dựng Kim Tư Tháp Pyramid , dân Khmer với đền Đế Thiên Đế Thích Angkor Wat . Bây giờ những di tích vẫn còn , nhưng với bao công sức tiền tài bỏ ra , các dân tộc này đã kiệt quệ , phân tán trở thành những dân tộc nhược tiểu . Nhưng lịch sử loài người vẫn chưa qua đi , vẫn còn có các công trình xây dựng hoang phí xa hoa , lăng tẩm đền đài cho các lãnh tụ mà họ tự xưng như là tinh hoa của loài người .
Hà Nội và 36 Phố Phường
Phi trường Phú Bài tuy nhỏ nhắn như một sân bay bình thường , nhưng có một cái tên thật kêu , phi trường quốc tế Phú Bài . Chung quanh chúng tôi hầu hết là khách nội địa mũi tẹt da vàng , không hề thấy dáng dấp một ông tây bà đầm nào .
Trên chiếc máy bay Boeing 747 của hãng Hàng Không Việt Nam chúng tôi tìm chỗ ngồi . Một cậu trai trẻ tiếp viên hàng không ăn mặc chỉnh tề nhã nhặn mời :
- Ông bà dùng nước suối ? Một cốc nhé !
Tôi nhanh nhẩu đáp ngay :
- Không , cho tôi ly nước lạnh .
Nói xong tôi quay sang để lo cột cái dây nịt an toàn . Bà nhà tôi nói to bên tai tôi :
- Cậu ta đang hỏi ông kìa . Uống nước chi ? Nước cam , nước Coke ,nước suối ? Người ta hỏi ông đến 3 lần lận .
Tôi vẫn chưa hiểu mình đang trên đường ra Hà Nội , đang được chiêu đãi bằng các tiếp viên trẻ đẹp lịch sự người Bắc .
- Ừ ! Cho tui ly nước lạnh .
Lần này tôi xem chừng cậu thanh niên hơi cau mặt , tỏ vẻ không hiểu , và đầu óc tôi xoay nhanh , dùng chữ khác để diễn tả :
- À ! Cho tôi xin cốc nước .... lọc .
Đây có lẽ là một thói quen từ khi qua ở xứ Mỹ . Nói chuyện nới người Mỹ dùng một chữ nào mà họ có vẻ ngẩn người tỏ vẻ chưa hiểu , hoặc là mình nói giọng quá chuẩn Ăng lê hoặc là mình đang nói ngọng , nên phải dùng một chữ khác thay thế ngay . Cách đây khá lâu tôi còn ở một chung cư tại Bronx , thành phố Nữu Ước . Một hôm tôi đọc một bài luận văn của thủ tướng Churchill về sự động viên tinh thần chiến sĩ Anh trong Đệ Nhị Thế Chiến , và thu âm vào cuộn cát sét . Một bà Mỹ đen hàng xóm đi ngang , ghé vào chơi . Tôi mở máy cho bà ta nghe thử .
- Bà nghe bài này giọng đọc chuẩn không , đúng giọng Ăng Lê không ? (Thủ Tướng Anh nói mà !!!)
Bà ta chăm chú nghe một hồi , bình thản trả lời :
- Tui không hiểu lắm , nhưng có lẽ là lời kêu gọi của thằng cha nào kêu gào về đánh nhau bể đầu đó .
Máy bay đáp xuống phi trường Nội Bài . Có lẽ Cụm Cảng Hãng Không Miền Nam tìm thêm một sân bay nào đó đặt tên có chữ Bài đằng sau như Hỏa Bài , Lịnh Bài hay Tân Sơn Bài thì cả ba miền Bắc Trung Nam đều có sân bay thống nhất như nhau .
Từ đây chúng tôi leo lên một chiếc buýt chở vào trong phi trường . Chiếc xe lắc lư chuyển bánh , mọi người đều với tay lên bám vào những sợi dây treo trên trần xe . Bên cạnh tôi là một cháu gái xinh xắn chừng độ 5 tuổi , cháu nói với mẹ nó :
- Sao mẹ không nắm lấy dây đu ? Mẹ không sợ té à !
Tôi tự mỉm cười . Những từ ngữ thường dùng trong chính trị , chánh sách nhà nước bây giờ được dân gian dùng rộng rãi khá nhiều . "Nắm lấy chính quyền , nắm lấy chủ trương , nắm lấy vấn đề hoặc là các bộ đội ta chiến đấu với khí thế anh dũng , thì bây giờ như cô em tôi sinh sống tại miền Nam , khi nhìn cậu con út cổ ăn uống : "Nhìn nó ăn thiệt là khí thế .... " .
Phi trường Nội Bài lúc trước là một căn cứ không quân mà sau năm 1975 tôi thường nghe vài mẫu chuyện các phi công anh hùng miền Bắc lái Mig 21 ẩn núp vào trong mây , tắt máy và chờ khi máy bay B52 Mỹ tới rồi nổ máy ra tới xung kích , bắn máy bay Mỹ rớt như sung rụng . Sự việc này có lẽ phải được đăng vào trang sách Guinness World Records . Sau này sân bay này được nâng cấp năm 1977 trở thành sân bay quốc tế , hi vọng sẽ tiếp đón được 10 triệu du khách mỗi năm . Phi trường được thi công với ước phí 3 tỉ Mỹ Kim , nhưng trong 3 năm gần đây nhà ga bị dột khi trời mưa lớn . Không hiểu là do kĩ thuật thi công hay do thiết kế hay do các bàn tay các ông tai to mặt bự nhúng vào .
Từ sân bay Nội Bài về Hà Nội mất chừng hơn một tiếng dù rằng chỉ cách Hà Nội 45 cây số . Hai bên đường khá nhiều nhà bốn năm tầng xây cất . Các mái nhà ở đây hơi khác trong Nam , có nhiều cột ăng ten , thu lôi giăng giẳng trên bầu trời . Nghe anh trưởng đoàn , mai mốt đây vào năm 2010 từ sân bay Nội Bài về Hà nội sẽ qua cầu Nhật Tân chừng 10 km , thay vì qua cầu Thăng Long dài hơn 30 km . Qua bờ đê chắn dọc sông Hồng , anh trưởng đoàn giới thiệu vài quán cầy nổi tiếng Hà Nội . Con bé Linda nhà tôi khi được nhà tôi giải thích món thịt cầy là gì , nó vội vàng bịt chặt hai tai lại , tỏ vẻ không muốn nghe . Đường vào Hà Nội loanh quanh những con phố nhỏ , nhà cửa bám san sát vào nhau , các dinh thự xây theo kiến trúc người Pháp cũng giông giống như Sài Gòn . Xe cộ nườm nượp các loại xe gắn máy Honda Dream , Future , vẫn tiếng còi xe bóp inh ỏi . Chúng tôi chia làm hai nhóm ở hai khách sạn khác nhau . Khách sạn Hoàng Lan tôi ở hai sao , còn nhóm bên kia khách sạn Bạch Lan 3 sao . Hai khách sạn 2 sao 3 sao khác nhau một điều là khi ăn sáng , trên bàn ăn khách sạn 3 sao có thêm chiếc bình bông hoa lan thoang thoảng hương thơm . Trời đầu tháng bảy Hà Nội hơi oi ả , hơi nóng bức không như ở Sài Gòn mưa vẫn mưa rơi . Hà Nội ơi ! Giờ này cần những cơn mưa .
15.11.08
Nhà hàng Kim Tân nằm trên một con đường nhỏ chật hẹp . Thế mà không hiểu sao mà bác tài xế lái chiếc buýt du lịch 52 chỗ ngồi len lỏi ngang dọc vào đậu sát bên bờ đưòng phố . Vài cái tiệm ăn bên đường với dăm ba thực khách ngồi nhâm nhi nhậu trên những chiếc đẩu thấp lè tè . Họ chẳng thèm liếc mắt đưa nhìn các du khách lạ lẫm từ phương xa tới thăm , như thể đã quen dần với các đoàn du lịch hàng tuần tới tham quan thành phố Hà Nội . Không công ty Viet Travel thì cũng Saigon Tourist , Hoa Hạ Viễn Đông .
Nhìn thoáng qua các dĩa thức ăn bày biện trên chiếc bàn trải khăn trắng , đĩa rau muống xào tỏi , chén cà pháo muối đục , tô canh bí thịt sườn , một con cá nục chiên vàng và một chén nhỏ nước tương đậm màu , bữa cơm chiều khá thịnh soạn cho phần ăn năm người . Đi du lịch xuyên Việt được vài ngày nên kinh nghiệm phong phú ,chúng tôi chọn bàn ăn đã chia sẵn 5 khẩu phần . Ăn chung trong gia đình không sợ bị nhòm ngó chê bai , muốn ăn muốn gắp chi cứ tự nhiên như ở nhà . Con nhà tôi khéo dạy dỗ lắm, thích miếng nào cứ dùng đũa bới cả lên . Nếu như mà sống ở đây , các cụ các bác lại mắng cho một trận : " Ăn coi nồi , ngồi coi hướng " . Giá như tôi có đem câu này mà nói ví von , chúng nó ngẩn người hỏi lại : " Thế cái nồi là gì hả bố ? " .
Tôi vẫy tay gọi một cô hầu bàn tới :
- Cháu cho tui xin chén nước nước mắm được không ? Nhà chúng tui ăn quen nước mắm rồi , không quen dùng nước tương .
Cô hầu bàn nhoẻn miệng cười :
- Chúng cháu cứ tưởng các bác từ miền Nam ra đây hay chấm nước tương mà , vậy các bác
có dùng thêm mắm tôm không ?
Ngay lúc chúng tôi về thăm quê hương lần này , tại một số vùng cư dân ngoài Bắc đang có vài ca bệnh mà báo chí gọi là bệnh Đau Bụng cấp tính , nhưng theo danh tự chính thức nôm na gọi là Dịch Tả . Hai bệnh này có đặc tính chung là ôm bụng nhăn nhó , nhưng cái trên chỉ cần vài viên Pepto-Bismol hay Immodium vào là hết ngay , nhưng cái dưới không khéo chữa trị là đi thăm ông bà ông cố ngay . Tôi nghe cô hầu bàn nói , sợ quá nên vội vàng lắc đầu ngay . Chén nước mắm màu nâu hồng được dọn ra , không có vài lát ớt đỏ đưa duyên , không có thêm vài giọt chanh xanh cho bớt mặn mòi . Người Hà Nội với chén nước mắm nguyên chất , mặn mà như từ thuở cha ông đi dựng nước . Với chén này bữa trưa ăn không hết , đậy lại và lại dùng tiếp vào bữa tối , vẫn còn có thể dùng tiếp vào buổi trưa hôm sau . Xem ra thì gia đình chúng tôi vẫn còn giữ được truyền thống dân tộc cổ xưa , qua Mỹ vẫn có chén nước mắm thoang thoảng để ở góc bếp . Ở Việt Nam dạo này không thấy cất giữ các món ăn thừa còn lại vào cái chạn , mà mấy người Mỹ hay gọi là "Left over" , còn dư bao nhiêu thức ăn cho vào thùng rác ngay . Con tôi thắc mắc : " Cái chạn là gì hả bố ? " Tôi bèn chỉ vào cái tủ kiếng đựng vài chú tiểu hòa thượng cầm trường côn múa khúc La Hán Thập Bát Quyền : " Nó cũng giống như cái đó , nhưng chung quanh bằng vải lưới , đựng thức ăn còn lại . " Con Linda nhe răng cười : " Vậy mà hôm nọ con đố bố mà bố không biết , cứ ngẩn người ra . Con hỏi bố là" Which tree is used for storing food ? , con nói là Pantry mà bố vẫn chưa hiểu !
(Về sau tôi mới hiểu , đây là một câu đố mẹo , câu đó có nghĩa như sau : "Cây nào dùng để cất chứa đồ ăn . " Pantry là cái chạn , phát âm Pen tri , cái âm tri giông giống như cách phát âm chữ " Tree " . )
Thực khách ngồi ăn uống chuyện trò vui vẻ . Dạo này thời thế thay đổi , miếng ăn miếng uống không như thời bao cấp thời ông Lê Duẫn . Tôi nghe vài bà bác bà dì kể lại , ăn uống trong nhà có cái gì ngon phải dòm chừng hàng xóm , kẻo họ ra họp tổ dân phố phê bình kiểm điểm :" Thưa đồng chí tổ trưởng , nhà bà X cứ nướng chả đùm với giả cầy thơm quá làm nhà chúng cháu không ngủ được cả đêm . Chúng cháu tấm tức lắm , xin tổ dân phố bắt ho. làm tờ tự phê kiểm thảo !
- Các con có biết không , ngày xưa các làng mạc ngoài Bắc họa hoằn mới được bữa tiệc thịnh soạn , mâm cỗ đầy bàn thế này . Nhưng thường không phải các món này ....
Con Linda muốn bịt tai lại , tôi vội chuyển sang :
- Là món thịt lợn với dồi trường , thịt lợn luộc ba chỉ thái mỏng , cháo lòng ...
- Lợn là con gì hả bố ?
- À ! Trong Nam gọi là con heo , ngoài đây là con lợn .
- Vậy sao trong Nam con nghe người ta nói là Bánh da lợn , có ai gọi là Bánh da heo đâu .
- Các cụ ngồi vễnh râu ngồi mâm trên . Mâm là cái đĩa to thường làm đồng thau to như thế vầy , trên đó người ta thường dọn cả các món trên đó . Có một bé gái nhỏ tay ôm con mèo nhị thể ngước nhìn các cụ thắc mắc :
- Các cụ ơi ! Sao mâm đồ ăn của chúng cháu không được linh đình thịnh soạn như các cụ vậy ?
Một cụ có vẻ là ông Tiên chỉ (tương tự như ông Hương Cả trong Nam ) vuốt râu :
- Tại vì ... trên này đều là các bậc trưởng thượng có râu mới được như thế .
Cô bé buồn bã quay mặt xuống , tay vuốt lông chú mèo nhỏ nói thì thầm :
- Mèo ơi mèo ! Mày cũng có râu , sao mày lại ngồi ở đây !!!
Hà Nội và 36 Phố Phường
Chiếc xe lăn bánh đưa chúng tôi dạo qua thành phố Hà Nội với 36 phố phường . Nếu ngồi trên xe xích lô đạp có lẽ chúng tôi tận hưởng những phong cảnh tả thật của Hà Nội phố , nhưng ngồi trên xe buýt chúng tôi chỉ loáng thoáng thấy những hình ảnh phố Hà Nội như trong phim xi nê . Đây nhà hát lớn kia khám Hỏa Lò , thoáng chốc qua Hàng Than Hàng Bạc .
Ông trưởng đoàn giới thiệu :
- Chúng ta đang đi ngang qua hồ Hoàn Kiếm , còn gọi là Hồ Gươm , tục truyền rằng ....
Sự tích con rùa vàng nổi lên đòi lại thanh kiếm quí từ tay anh hùng áo vải , Lê Lợi Bình Định Vương có lẽ hầu hết ai cũng học và hiểu câu chuyện truyền thuyết trên .
Hồ Gươm hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm tên tuổi có lẽ tuổi đã già hơn thành phố Hà Nội . Xưa hồ có tên Lục Thủy, Tả Vọng, Hữu Vọng, Thủy Quân. Đến thế kỉ 15 Lê Lợi khởi nghĩa cùng thanh gươm thần mà người ta cho rằng ông tìm được ở sông Lương, Thanh Hóa quê hương ông . Suốt 10 năm ông đeo thanh gươm đó chinh chiến đánh đuổi giặc Minh , và khi bình định xong ông cùng bá quan văn võ dạo thuyền quanh hồ . Bỗng con ruà vàng nổi lên . Ông giơ thanh gươm Thuận Thiên lên ra lệnh bắt về làm món gỏi Kim Qui Swinhoe . Nhưng thanh gươm như có phép lạ , tuột khỏi thay nhà vua bay về con rùa vàng . Nó ngậm kiếm lặn xuống đáy hồ . Vua Lê cười ha hả cho rằng đây là điềm lành từ nay (năm 1457) đất nước sẽ thái bình và thạnh trị .
Ông trưởng đoàn tiếp lời :
- Thái bình từ đó bao lâu thì quí khách đã biết . Đến thời vua Càn Long bên Tàu lại đưa quân Thanh sang tấn công đất Việt một lần nữa và đến thời Pháp thuộc ....
(Loài rùa Swinhoe có mu rùa mềm tưởng rằng đã bị tuyệt chủng từ lâụ Thế giới hiện chỉ còn 3 con rùa loại này, hai con ở Trung Hoa và 1 con ở hồ Gươm.)
Theo truyền thuyết và một số sách sử có ghi chép về thanh kiếm “Thuận Thiên” Cuốn Lê Thế Ngọc Phả do ông Lê Duy Nhượng cháu sáu đời vua Cảnh Hưng Lê Hiến Tông đọc trong chuyến điền dã Kinh Bắc Cổ như sau: Đêm mồng 10 tháng 12 năm ất Mùi ( 1415) có người ở Cổ Lôi tên là Lê Thận làm nghề đánh cá ở sông Lương , xứ Ma Viên đã kéo lưới thấy được một thanh sắt giống hình thanh kiếm cũ, dài 3 thước, rộng 2 tấc, dầy 3 phân (theo sách Đại Việt Thông Sử thì chỉ nói dài khoảng hơn một thước) trên thanh kiếm có dấu linh phù và câu thần chú :
Thượng Đế sắc mệnh
Bảo kiếm uy cương
Cử chỉ nhất động
Hỏa chiếu vạn phương
Sơn băng địa liệt
Phá tặc thần tàng
Cấp cấp như luật lệnh
Năm đó Lê Lợi 31 tuổi với người bạn thân, Lê Thận, trong một bữa tiệc giỗ tại nhà Lê Thận, Lê Lợi trông thấy dưới gầm giường một khúc thép tỏa ra ánh sáng màu xanh nhạt , ông nghĩ đây là khúc thép trời cho ông . Sau đó Lê Thận biết ý liền dâng tặng . Lê Lợi đem về chùi mài sạch sẽ thì thấy xuất hiện bốn chữ “Thuận Thiên Lê Lợi”. Đến năm Bính Thân (1416) tức một năm sau vào ngày 15 tháng Giêng , Lê Lợi lại tìm thấy một chuôi gươm bằng đồng đen dài 1 tấc 5 phân, dày 4 phân. Lê Lợi mang cả hai báu vật đó ra đứng giữa trời khấn vái , bỗng dưng hai thứ đó gắn với nhau như đúc không thể tách rời được . Đến đêm thanh kiếm tỏa ra hào quang xanh như ngọc . Không bao lâu bà Phạm Thị Ngọc Trần thấy cây đa trước cổng nhà có treo bao kiếm ,Lê Lợi nhảy lên lấy xuống đút thanh kiếm vào thì chúng khít khao vừa vặn . Thế là Lê Lợi biết ngay thần vật, bèn dựng cờ khởi nghĩa, sau mười mấy năm nằm gai nếm mật , Lê Lợi cùng thanh gươm thiêng này đã giết hằng vạn quân Minh phương Bắc xâm chiếm nước Nam. Ngày 15 tháng 04 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế tại điện Kính Thiên Đông Đô (Thăng Long) đặt niên hiệu là Thuận Thiên.
Một năm sau khi đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi , một hôm vua Lê Lợi ngự thuyền rồng quanh hồ Tả Vọng trước kinh thành thì lúc đó Long Vương sai Rùa vàng hiện lên đòi lại thanh gươm năm xưa . Thanh gươm đeo bên hông vua Lê Lợi tự dưng bị động đậy và vua Lê Lợi cũng nghe thấy Rùa vàng nói rằng “Xin bệ hạ giao trả lại gươm cho Long Quân” . Thoáng nghe xong nhà vua tung thanh gươm lẫn bao gươm về phía con Rùa vàng, rùa cắn thanh gươm và lặn tuốt sâu trong làn nước. Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu đổi tên là Hồ Gươm hay là Hồ Hoàn Kiếm.
Câu chuyện được thần thánh hóa : Lưỡi gươm dưới nước, cán gươm trên đất và bao gươm trên cành cây đa . Nhưng dù là chuyện có vẻ dã tưởng không thật , nhưng nó đã đáp lại được nguyện vọng của toàn dân quyết tâm chống quân xâm lăng phương Bắc rất đáng lưu truyền gìn giữ .
Mặt hồ Gươm lung linh ánh bạc , lấp lánh xuyên qua cửa kính . Quanh hồ vài cặp tình nhân ôm nhau thủ thỉ lời tình tự dưới hàng cây xanh . Có vài nhà văn ca tụng Hồ Gươm như một viên ngọc bích trong xanh Ermos nằm giữa cái nền hộp nữ trang bọc nhung xanh hồng, với những con đường thẳng cánh cò bay , hoặc dưới làn mưa nặng hạt Hồ Gươm với Tháp Rùa chênh vênh giữa hồ tạo nên một phong cảnh mơ hồ tuyệt đẹp .
Tiếc thay chúng tôi dạo chơi vào mùa nắng đẹp , chỉ thấy hồ Gươm nhỏ bé (11 mẫu) chơ vơ . Không bóng dáng thuyền rồng với Thần Kim Qui đòi gươm báu .
Hồ Tây mà người Hà Nội thường ca tụng khác hẵn với Tây Hồ của Trung Quốc bên Hàng Châu . Với diện tích hơn 400 mẫu , hồ Tây vẫn được coi như một thắng cảnh của Hà Nội , dù rằng đã thay tên đổi họ . Hồ Mù Sương (Dâm Đàm ) , hồ Kim Ngưu (Trâu vàng ) , Đầm Xác Cáo . Tại sao hồ lại có những cái tên đầy chứng tích lịch sử như vậy . Thuở xưa đầm có con cáo chín đuôi , Cửu vĩ Hồ Ly hay hiện ra phá phách các làng quanh hồ , làng Nhật Tân với ngành trồng hoa đào quất cảnh , làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Kẻ Bưởi với nghề làm giấy , quạt cổ truyền . Dân làng mới cầu khẩn Long Vương , và được Thần dâng nước ngập lên cao , lấp mất hang cáo chín đuôi . Hồ Trâu vàng với sự tích sau : Truyện kể rằng ông Khổng Lồ có biệt tài gom góp hết đồng đen của phương Bắc đem đúc thành chuông. Chuông đánh lên tiếng vang sang bên Bắc.Vì đồng đen là mẹ vàng nên con nghé vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền chạy đi tìm mẹ . Chạy tới bờ hồ nó quần thảo tìm mẹ mãi khiến đất sụt thành hồ. Vì thế về sau này người Trung Quốc phương Bắc lấy cớ này muốn mở mang bờ cõi , cứ lục lọi sang tận biển Nam ra tới khơi ngàn tận hải đảo Trường Sa Hoàng Sa xa xôi .
Chẳng lẽ tới đây chỉ nhìn Hồ Tây thoáng qua như cỡi xe xem hoa sao , chúng tôi và vài người trong đoàn sau khi ăn tối tại khách sạn xin vài bản chỉ đường , lửng thửng dạo quanh . Từ góc đường Nguyễn Hữu Huân , qua phố Hàng Bạc Hàng Mắm gì đó , chúng tôi đã thấy mặt hồ lấp lánh ánh đèn lung linh . Nhìn mãi không thấy đường Cổ Ngư xưa chầm chập bước ta về ... chúng tôi vào một cái quán giải khát ven mé hồ , quán Thủy Tạ , gọi cà phê và kem ly . Ngồi ven cạnh hồ với dăm cái bàn được che dù , chúng tôi vẫn cảm thấy hơi nước tỏa lên và thỉnh thoảng giơ tay đập muỗi chan chát . Mấy đứa con tôi đề nghị sao thành phố không xịt thuốc muỗi D DT , tôi lắc đầu ngẫm nghĩ : " Mấy ông ngoài này nghe thuốc diệt trùng , hay nghĩ đến thuốc Da Cam lắm . " Ở đây bạn có gọi "Ly kem hay cốc kem gì đó , các cô cậu hầu bàn mặt mày tươi tỉnh vẫn hiểu bạn nói gì , và giá cả nơi đây cũng khá cao , một ly sinh tố dâu hay bơ khoảng 50 ngàn đồng (3 đô Mỹ ) . Khi nhà tôi và mấy cháu thuê taxi về khách sạn , tôi hẹn gặp vài người bạn Hà Nội quen trên nét cũng tại quán café Thủy Tạ này . Tôi đề nghị nên lấp các hồ này vì muỗi nhiều quá . Hai người bạn tôi cười không nói . Khi hỏi tôi còn đi tham quan nơi đâu chăng ? Tôi đáp :
- Theo chương trình thì đi coi Vịnh Hạ Long .
Bạn tôi dửng dưng :
- Nơi đó chả có gì coi hết !
Chu chao ! Chuyến ra Bắc lần này chủ yếu đi thăm viếng cảnh Hạ Long một trong những Kỳ Quan Thiên Nhiên Thế Giới mà bà bạn bĩu môi chê thế ư .
- Và còn đi thăm Bác ...
- Vào đó chả có cóc gì mà xem !
- Thế thì theo chị ngoài này có gì đáng đi coi .
Bà bạn tôi ngần ngừ :
- Thì đi Sampa . Cảnh trên đó đồi núi tuyệt đẹp .
Tôi nhớ lại cách đây mấy năm từ thành phố Las Vegas chạy xe một mạch tới Grand Canyon , bảy tám tiếng lái xe . Đứng coi núi rừng vực thẳm trùng trùng , bao cảnh đẹp hoành tráng hùng vĩ mà bà nhà tôi phê phán :
- Giời ui ! Chạy xe bao nhiêu thì giờ , tới đây chỉ có thế vậy thôi à !
Tôi cười xòa :
- Có dịp lần sau sẽ lên thăm .
Hai người bạn Hà Nội tôi mới quen , nhưng nói chuyện rất thoải mái tự nhiên ,thẳng thắn , bộc trực không như các ông mà tôi đã từng làm việc chung sau ngày 30/4 , hay quanh co và nói dóc .
Trên đường về , tôi hỏi về con đường Cổ Ngư , người bạn mới quen trả lời :
- Bây giờ là đường Thanh Niên .
- Hèn gì nhìn mãi không thấy chữ Cổ Ngư .
Khoảng thế kỷ 17 , một góc của Hồ Tây ít sóng, đáy hồ nông hơn chỗ khác, cá tụ tập về nhiều , dân muốn be lại để săn bắt. Trong triều, vua quan lại muốn có chỗ du xuân, thưởng ngoạn cho riêng mình ở ngay chỗ này. Thế là ở nơi đây người ta đắp một con đê chắn góc cái hồ Tây mênh mông . Đê Cố Ngự ra đời với công sức dân các làng Yên Phụ, Yên Quang, Trúc Yên và tiền bạc của triều đình. Thời gian thay đổi, “Cố Ngự” (giữ vững) được dân gian đọc trại đi thành “Cổ Ngư”.
30.11.08
Động Tam Cốc , Ninh Bình
Từ quốc lộ 1A xe du lịch đưa chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ , tiến vào vùng thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình .
Xe vừa dừng trước một hai căn nhà mái tôn thì trời đổ mưa lớn . Bên kia đường là nhà hàng ăn khá sang trọng . Chúng tôi phải qua bên đó để dùng bữa cơm trưa .
Chẳng lẽ ngồi mãi trên xe để chờ cơn mưa tạnh , chúng tôi đành mua vài chiếc áo mưa ni lông bên các quán bên đường . Các bà các cô hàng quán nhoẻn miệng cười tươi :
- Các bác mua thêm vài cái về làm quà cho người thần .
- Giá mỗi cái bao nhiêu ?
- Dạ , mười ngàn đồng .
- Thế cái này có mặc được bền lâu không ?
- Không , chỉ mặc một lần thôi .
Chúng tôi mặc vội chiếc áo mưa , chạy qua nhà hàng . Bên trên đã có nhiều thực khách đang chờ phục vụ . Ông trưởng đoàn sang sảng giới thiệu :
- Hôm nay quí vị sẽ được các món ăn đặc sản của Ninh Bình , Dê Núi xào lăn .
Trên cái bàn tròn trải khăn xanh mượt mà , vài món ăn được dọn ra trông bắt mắt , đầy "ấn tượng " , cơm cháy rang phồng màu vàng thơm ngậy , đĩa thịt dê xào lăn vàng óng ánh , tô thịt heo kho ram , dĩa rau muống xào tỏi . Con bé Linda nhà tôi hỉnh mũi :
- Má má , mấy bữa nay con ra ngoài này , hình như bữa cơm nào cũng có món rau muống xào .
- Ăn đi con , đây là món quốc hồn quốc túy của dân ngoài Bắc chúng ta đó con .
- Má nói sao chớ ở nhà má nấu canh rau muống tôm khô vắt chanh , rau muống luộc chấm nước mắm chanh ớt , rau muống chẻ ăn với bún riêu . Con thấy ở đây toàn rau muống xào tỏi , nước mắm chả thấy chanh ớt đâu .
Tôi gắp thử miếng dê xào lăn . Vị thơm ngon beo béo , không có mùi dê ngai ngái như các món dê xào lăn , dê rựa mận ở khu tôi ở bên Mỹ . Các cô gái hầu bàn xinh xắn lăng xăng tới hỏi :
- Các bác xơi thịt dê được thơm ngon không ?
- Ngon "nhắm" , nhưng tui hỏi thiệt sao miếng thịt dê này da nó dày thế . Tui nghi là thịt heo quá ?
- Dạ không bác , nhà hàng chúng em không làm thịt heo , chỉ có thịt lợn thôi . Dê chúng em làm rất tiêu chuẩn , rất chất lượng .
Có lẽ chúng tôi được hân hạnh thử món dê Sơn Dương mà Từ Hi Thái Hậu đãi các sứ thần tám nước , Bát Quốc Liên Minh . Các thợ săn được lệnh vào khu rừng sâu của Thiên Tân bắt được 6 con dê núi khỏe mạnh . Đưa về nuôi chúng bằng cỏ từ tỉnh Quảng Đông Vân Nam xa xôi hẻo lánh ,cỏ này có tên là Đông Trùng Hạ Thảo quí giá vô ngần (không biết sao chứ ở Việt Nam cỏ này gọi là cỏ gấu ) . Đàn dê ăn ngon ngủ kỹ trở nên béo mập , sau đó chúng sinh đẻ ra bầy dê con , và bầy này cũng nuôi bằng cỏ đó (không chết là may !) , khi được một tuổi đem làm thịt , ngâm chúng vào sữa dê tươi , trong có ngâm hoa hồng trắng , sen trắng . Ngâm đến ngày thứ 10 , những con Sơn Dương Trùng xuất hiện (tôi nghĩ là mấy con dòi ) . Đầu bếp nhặt chúng ra , lăn bột ướp thêm ngũ vị hương , táo Tàu đem chiên , và đem ra đãi khách .
May là ở đây chúng tôi được thưởng thức món Sơn Dương Xào Lăn , chứ gặp của Từ Hi Thái Hậu chắc bà con chạy mất dạng .
Ngắm nghía các cô gái miền Ninh Bình và so sánh các cô gái ngoài Hà Nội sáng nay mà chúng tôi gặp ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, tôi nhận xét ra có vài điều khác biệt . Nhân mùa thi học sinh kéo nhau vào đầy sân Khổng Miếu , bên cạnh Thiên Quang Tĩnh (giếng phản chiếu ánh sánh mặt trời ) . Tuy được các nhân viên bảo vệ dặn dò không được rờ tay chân trên đầu các con rùa trên lưng vác bia đá tiến sĩ .
- Các cháu ơi , không nghe họ nói không được sờ vào đầu các con rùa này à .
Mấy cô gái Hà Nội nhỏ nhắn , cười tươi :
- Không , chúng cháu không có rờ đầu rùa , mấy con này là mấy con ba ba .
Mấy cô gái ở Ninh Bình nhìn rất xinh xắn , nhưng hai vai khá nở nang . Tôi ngẩm nghĩ mãi mà không biết gặp những hình dáng này ở đâu , trong các màn ảnh ti vi hay trong kịch ảnh , cô gái Lam Hồng hay cô gái tải đạn ngoài chiến trường ?
- Tui thấy ngoài cái món dê núi , món cơm cháy này ăn rất ngon . Dòn tan nghe sừng sực trong miệng .
- Vâng , món này rất đạt chỉ tiêu của nhà hàng . Bác có rảnh cứ ghé thăm .
- Cơm cháy này có dễ làm không ?
- Không khó lắm bác ạ ! Bác cứ việc nấu cho cơm cháy khê lên , xong bác mang đi phơi mấy nắng , mấy sương . Thế rồi khi nào dọn lên bác cứ việc rán nó lên , ăn dòn tan trong miệng . Bác cứ vô tư mà xơi .
- Vâng , chúng tui ăn "khí thế" lắm .
Cơm cháy này tôi có đọc trong một cuốn sách Chua Cay Mặn Ngọt của nhà văn nước ngoài , Jeffrey Alford và Naomi Duguid . Ông ta có nhắc đến món ăn cơm cháy này của người Lào (Thai-Lao Crispy Rice Cracker) . Gạo thơm được nấu trong nồi đất lớn với cái đáy nồi rộng hình cánh cung . Đặt trên củi cháy với ánh lửa hồng , dưới đáy nồi sẽ tạo ra miếng cơm cháy vàng thơm ngào ngạt . Hoặc là đem những hạt cơm ép thành bánh , đem phơi khô ở nơi thoáng khí . Trước khi đem đãi khách , mang những miếng cơm chay này trong dầu chiên thật sôi , và chúng sẽ thành những miếng cơm cháy ròn tan trong miệng , thơm ngon ngọt bùi . Đây có lẽ là một cách nấu nướng đầy nghệ thuật của người Trung Hoa , người Thái , và người Lào cũng như có thể là của các dân tộc dùng gạo là chính trong bữa ăn . Chúng ta gọi là món Cơm Cháy Vàng , người Thái, Lào gọi là Khao khop . Họ dùng món này chung với món súp Pad Thái với la' chanh kaffir . Riêng ở nơi đây Cơm Cháy Chiên vàng dùng như một món tráng miệng , có người thêm chút thịt chà bông (ruốc) cho mặn mà , ít thịt mỡ với hành hương tạo thành hương vị độc đáo quê hương của vị vua cờ lau tập trận , Đinh Bộ Lĩnh .
14/12/2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment