Friday, December 24, 2010
------------------------
Một chuyến du lịch qua Thái
Bảy giờ sáng tôi trở về khách sạn , lên trên phòng vẫn thấy mẹ con nhà tôi còn đang say giấc ngủ . Tôi lặng lẽ quay xuống tầng hai khách sạn tìm cái gì lót bụng . Ở đây chúng tôi được đãi ăn sáng free , theo kiểu buffet muốn ăn muốn uống chi , cứ tự nhiên ( vô tư ) thả giàn . Tuy là khách sạn 3 sao , nhưng tôi thấy họ phục vụ những món ăn sáng khá phong phú . Từ bánh mì lát mỏng sandwich , bánh mì Pháp , bánh croissant con cua , cereal đủ loại đến sữa tươi , nước cam , cà phê v.v...
Tôi đang thư thả ngắm nhìn phong cảnh lờ mờ của thành phố Bangkok qua khung cửa kính lờ mờ xa xa , bỗng nhiên một đoàn người mấy chục mạng từ đâu kéo đến ,ồn ào như tổ ong vỡ . Đàn ông có đàn bà có , đầu đội nón lưỡi trai xanh dương bu đến các dãy bàn có thức ăn . Nghe tiếng nói lổn ngổn và đầy chất giọng quê hương , tôi biết ngay đó là những người đồng bào của mình . Họ ăn uống một cách thật tình , muỗng nĩa va chạm linh kinh .
- Ê mạy , món này ăn ra sao ? Dùng xiên hay thìa ? A ! Cái món ni lạ rứa , nhìn giông giống như thịt ba chỉ . Còn trứng chi mà toàn mùi bơ . Khó ăn quá ! Thủ trưởng ơi ! Xin họ chai nước mắm được không ?
Không cần phải nhìn sang qua bàn của họ , tôi cũng biết họ đang xơi món gì . Đó là bacon , một loại thịt ba rọi thái mỏng chiên với dầu ăn . Mùi vị thơm tho như tóp mỡ . Trứng là món scramble eggs tương tợ như trứng bác của dân miền Bắc , đập vài quả trứng vào chảo , quậy quậy lên chừng mươi phút . Nhưng ở quê hương hoặc dùng muối hay nước mắm để nêm nếm , ở đây là khách sạn quốc tế nên món trứng này được dùng bơ thay thế .
Qua cách gọi ơi ới thủ trưởng thủ triết , tôi biết ngay những vị khách du lịch này không phải là Việt kiều , mà chắc họ cũng không phải là Việt kẹt vì những người dân bị kẹt lại ở quê nhà tiền đâu họ đi du lịch . Cũng chẳng phải là Việt cộng , vì qua lối ăn mặc theo lối công nhân , mặt mày họ vẫn còn son trẻ . Rất khác mấy ông Việt cộng tôi gặp khi chúng tôi đi ngang qua phi trường Hồng Kông để định cư ở Mỹ . Vào tháng 7 năm 1983 theo từng đợt , chúng tôi dân tị nạn khoảng 20 mạng lếch thếch từ đảo Galang sang Singapore bay rồi tới Hồng Kông để chuyển tiếp bay sang San Francisco . Tôi trên người chỉ có bộ đồ duy nhất , cái áo sơ mi bạc màu cùng cái quần jean Đức . Nói là quần Đức cho sang chớ thật ra là quần đứt cúc . Và lúc đó đi ngược đường là một toán người , nhìn qua cách phục sức chúng tôi biết ngay họ là những ông cán bộ đi công cán ở nước ngoài và bây giờ trở về nước . Chân họ đi dép nhựa , quần ka ki xanh Nam Định , áo trắng sơ mi bỏ ngoài quần và không quên trên đầu có một cái nón cối . Chúng tôi nhìn họ và họ cũng nhìn chăm chăm chúng tôi , không ai nói một lời . Chỉ trong vài phút , tầm mắt đã xa dần , chính những người anh em cùng dòng máu đã xua đuổi chúng tôi ra đi tìm vùng đất mới .
Tôi cười cười , hỏi ngay vị thủ trưởng của họ vừa bước trờ tới :
- Mấy ông du lịch Thái Lan mới sang chăng ?
Ông ta quay người lại . Nhìn dáng dấp ông ta chừng đâu hơn bốn mươi tuổi , mặt nghiêm , lạnh lùng trả lời :
- Không , chúng tôi tham quan xứ Thái rồi .
Nói xong ông ta ngoảnh mặt nhìn đám khách đang ồn ào ăn uống :
- Này các đồng chí , khẩn trương lên . Kẻo chúng ta không kịp ra phi trường thì khốn .
Đợi ông ta bước đi xa xa , tôi mới hỏi vài ông đang ngồi trên một bàn cạnh tôi :
- Mấy anh làm việc ở đâu vậy ?
Một anh nhanh nhẩu đáp :
- Ở tổng cục dầu khí miền Nam .
- Đi như vậy tự túc à ?
- Không , công ty bao cấp gần hết . Chúng em chỉ trả thêm chừng trăm đô la thôi cho mỗi người .
Chà ! Đoàn người cả mấy chục mạng được công ty bao cho đi du lịch chơi . Chắc hẵn công ty này cũng như công ty Vinashin làm ăn khấm khá lắm . Các công ty quốc doanh này trên thì báo cáo lỗ lã , nhưng lời lãi thì chia nhau ra xài . Cục dầu khí đưa nhân viên đi chơi , mà chắc nhân viên này phải là những người có thành tích phấn đấu cao , đạt được những chỉ tiêu . Còn như chúng tôi sau 75 lưu dung làm việc tại Viện Đ. C . thuộc Cục Đo lường Chất Lượng , mỗi năm hay mỗi mùa sau vài ngày Chủ Nhật lao động xã hội chủ nghĩa , cả sở làm lên Biên Hòa cuốc đất trồng khoai mì khoai lang . Cuối mùa mỗi nhân viên chia được một dúm khoai .
Hôm nao trò chuyện với một người bạn chung sở , nhắc lại chuyện ngày đó . Ảnh thỉnh thoảng được hai cô đồng nghiệp thỉnh thoảng ra mảnh vườn khoai XHCN bứt lá khoai mì khoai lang vô nấu canh bồi dưỡng . Nghĩ đến đây lòng tôi thấy nao nao buồn . Buồn một phần vì số phận đất nước con người Việt Nam , một phần là vì không được hai cô X. cô S. nấu cho ăn bồi dưỡng .
24/12/2010
Thursday, December 23, 2010
Chiều nay vừa đi làm về đến nhà tôi gặp cô con gái thứ hai của cô đang lững thững đi vô nhà . Tôi hỏi nó :
- Ủa ! Bố tưởng con đi Lubbock rồi chớ ?
Nó cười cười :
- Tối con mới đi . Nghe chị Hai (vợ thằng lớn của tôi ) nói là sáng mai trời thành phố Fort Worth có tuyết .
Tôi nhớ lại buổi sáng nay nghe tin tức trên đài ra dô cũng như trên truyền hình Mỹ loan báo ngày mai cao nhất 49 độ F và thấp nhất 33 độ F .
- Ờ ! Có thể . Trời đất Texas này lạ kỳ lắm . Hôm qua 76 độ hôm nay xuống ba mươi mấy là chuyện thường .
Lubbock là thành phố nằm ở trên vùng tay cán của tiểu bang Texas (Pan handle) . Vĩ tuyến ngang ngửa với thành phố Oklahoma . Dưới này chừng 32 độ nhưng trên đó thấp hơn chừng 10 độ . Con gái tôi sáng ngày mai thứ Sáu có cuộc phỏng vấn của trường đại học y khoa Lubbock . Cách đây mấy tháng nó lấy MCAT , về nhà mặt mày nó rầu rĩ , rồi bỗng dưng xin tiền má nó đi thi MCAT lại vào hai ba tuần sau . Chừng tháng sau kết quả kỳ thi gởi về cho biết điểm thi là 27 . Với số điểm này cộng với điểm thi ra trường UTA bốn năm 4.0 thì nó có hi vọng được vài trường gọi đi phỏng vấn . Nhưng chuyện nào ngờ điểm thi lần thứ nhì gởi về nhà báo cho biết chỉ có 24 điểm mà thôi . Dung , chị họ nó , bác sĩ chuyên về ung thư biết được chuyện này , nhẹ nhàng khuyên bảo : " Đáng lý ra , em phải chờ kết quả MCAT về . Điểm mà thấp thì mình mới nộp đơn thi lại . Bây giờ điểm thi lần thứ hai của em thấp hơn lần trước , các trường y khoa sẽ căn cứ vào điểm thi nào mới nhất . Như chị đây chẳng hạn , lần thứ nhất chị được 25 điểm . Qua mấy tháng sau chị thi được 30 . " Con bé nhà tôi ngẩn người ra , nói : "Thôi thì để sang năm tốt nghiệp rồi ở nhà luyện thi MCAT . "
Tôi bảo nó :
- Nếu không thì con nộp đơn vô các trường ô đi . (O . D )
Nó lắc đầu nhất quyết không chịu :
- Không , con chỉ muốn vô trường Em Đi thôi . (MD)
Trường D . O hay O . D có người vui tính gọi đùa là Ông đi . Trường MD được gọi là Em đi .
Theo trang mạng vietpho/ykhoa thi`
Đây là nghề được xã hội trọng vọng nhất không chỉ riêng ở Huê Kỳ. Nhiều người Việt Nam muốn bước vào nghề nầy. Mặc dầu ai cũng biết đây là nghề mà mức độ đầu tư về tiền bạc, thời gian, sức lực, trí tuệ... cao nhất. Nghề y là một nghề có cường độ làm việc căng thẳng, đòi hỏi trách nhiệm cao, thời gian đào tạo dài và chi phí đào tạo rất cao. Hầu hết bác sĩ làm việc 60 giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần. Nhưng đây cũng là một trong những nghề đem lại thâu nhập cao nhất và được xã hội trọng vọng xưa tới nay.
Thi vào trường y, sinh viên phải chấp nhận sự cạnh tranh cao và khóc liệt nhất hiện nay. Tỷ lệ thâu nhận rất thấp. Trường y, đặc biệt là trường công lập, được tài trợ chủ yếu từ nguồn thu thuế của tiểu bang, nên trường thường ưu tiên tuyển người trong tiểu bang trước. Một số trường chỉ xét tuyển công dân Hoa Kỳ.
Muốn nợp đơn vào trường y, sinh viên phải có bằng Cử Nhân thường là Cử Nhân Sinh Hoá (Cử Nhân tổng quát cũng vẫn được dự thi MCAT) và phải qua kỳ thi Tuyển sinh vào Trường Y (MCAT).
Kỳ thi tuyển MCAT nầy tiêu chuẩn cao, được tổ chức khắp trên thế giới bằng máy vi tính. Nhiều sinh viên thi nhiều lần không đậu phải chuyển qua thi vào ngành Nha, Nhãn khoa, Dược khoa... tương đối dễ hơn.
Chi phí đào tạo bác sĩ cao, là một trở ngại đáng kể đối với cá nhân và gánh nặng đối với nhà trường. Mỗi sinh viên tốt nghiệp trường y hiện nay phải nợ từ $200,000 -$300,000. Sinh viên giỏi, top 5, có thể theo học ở các trường y qua một số chương trình học bổng gần như toàn phần; gồm cả học phí, chi phí sinh hoạt, bảo hiểm sức khoẻ tối đa là trong 4 năm. Chương trình học bổng cạnh tranh rất quyết liệt. Hàng năm số đơn xin học bổng nhiều gấp 7 lần số học bổng được cấp!
Năm học 2006-2007, theo Hội Các Trường Y Hoa Kỳ, có 3,639 sinh viên Mỹ gốc Á Châu được nhận vào trường y, chiếm 21.14% tổng số sinh viên được nhận. Trong số này có 232 sinh viên gốc Việt Nam. Đây là một tỉ lệ rất cao so với tỉ lệ dân số.
Thế rồi bẵng đi một thời gian , cách đây mấy ngày nó thủ thỉ với bà nhà tôi thứ Sáu 17 tháng 12 này nó được trường y khoa Lubbock gọi đi phỏng vấn lúc 9 giờ sáng .
Tôi hỏi nó :
- Thế con có tiền ăn tiền đổ xăng chưa ?
Nó gật đầu lia lịa :
- Dạ, có rồi .
- Từ đây lên trển lái xe mất bao lâu ?
Nó ngập ngừng đôi chút :
- Con hổng biết , tối nay con cùng đi với bạn con , anh Lam đó bố biết rồi . Lên nhà ba mẹ ảnh ở thành phố Abilene . Sau đó sáng sớm lái xe lên Lubbock .
Bà nhà tôi xen vô :
- Ông vừa coi tin tức trên đó trời có thể có mưa và tuyết rơi . Vậy hai đứa bây tính làm sao , đường mà mưa đá trơn trượt thì nguy hiểm lắm . Sao tụi bây không tính đi máy bay ?
Nghe bà nhà tôi nói chuyện toàn là huề vốn . Chúng nó đã thảo luận , tính trước với nhau rồi . Đi đứng ra sao , ở trọ làm sao thì chúng nó lớn cả rồi . Mình chỉ góp ý theo cái kiểu " second opinion " thôi , có đưa ra ngu kiến cao kiến gì , chúng nó chỉ nghe không cãi lại thôi .
Tôi biết bà nhà tôi mới cho nó mấy trăm để tiêu xài lặt vặt . Con cái bên Mỹ đến khi vào đại học là phải sắm sửa cho nó một cái xe còn khá tốt . Bà nhà tôi nhường cho nó chạy cái xe Toyota Camry 2001 khi nó vô trường UTA năm 2006 . Xe lúc ấy chỉ có hơn 40 ngàn miles . Vậy mà bây giờ đồng hồ kim chỉ đến con số 98 ngàn miles . Tôi biết mỗi tuần xe cần đổ xăng đến hơn 30 đô vì từ nhà tôi ở thành phố Haltom đến trường UTA trên 20 miles . Nó bảo với mẹ nó : " Má có cần người "help " không ? " Bà nhà tôi dạo này đi làm công cho một tiệm giặt laundry của hai vợ chồng người Việt Nam . Sáng từ bảy giờ cho đến hai giờ chiều . Thứ bảy nghỉ , Chủ Nhật làm nguyên ngày .
Bà nhà tôi nghe con nó nói chẳng lẽ lắc đầu từ chối . Thế là hai mẹ con sáng Chủ Nhật lò mò lên tiệm giặt làm việc . Nó lên đó , ngồi trong một phòng nhỏ sửa quần áo có để một máy may Juki và mở sách ra học và làm bài vở . Đến chiều tôi lên thế để hai mẹ con đi về . Một ngày Chủ Nhật 15 tiếng nhân cho 7 , tính ra được 105 đô và bà nhà tôi trả lương cho nó 70 đô . Con bé Linda nhà tôi gần đến lễ Giáng Sinh này cũng hăm hở bảo bà nhà tôi : " Má má , có cần người " Help " không ? "
Bà nhà tôi vừa bưng nồi thịt gà kho nấu ở ga ra vô trong nhà bếp vừa nói :
- Ông à ! Ông có ăn cơm không ? Lúc nào cũng thấy ông ngồi trước mặt cái laptop vậy ông ?
Tôi vội vàng ấn vào cái hình " save " cái câu truyện tào lao đang viết dở dang này và tắt ngay cái máy computer .
- Sao , có cần hâm lại tô cá catfish bà kho tuần trước không ?
Bà nhà tôi lắc đầu :
- Không cần , hôm nay có món gà kho mới nấu , lại còn dĩa bắp cải luộc hôm qua , đậu hũ sốt cà hôm bữa . Cá kho mặn để cả tháng ăn có sao đâu .
Dạo này tôi kiêng ăn thịt , nhưng chỉ kiêng cữ loại thịt nào đo đỏ thôi , chớ gà vịt thì xơi tất . Cá thì ăn thường xuyên , nhất là cá mòi cá herring còn nguyên trong hộp . Bà nhà tôi cứ nhất định cho rằng ăn đồ hộp mãi sẽ bị ung thư . Có lần tôi dỗi hờn : " Cả tháng nay bà có kho con cá nào cho tui đâu ? " Thế là bà nhà tôi vác về một con cá catfish to đến năm sáu "pao " , kho cho tôi ăn nguyên tháng . Có lần ăn trên nhà bà chị dâu của bà , thấy tôi khen cá rô mề kho tộ với rau răm . Bà nhà tôi chiều ý , cũng mua mấy bó rau răm về kho chung với cá bông lau Mỹ này . Cô con gái thứ ba giống tôi lắm , chỉ thích gắp mấy cọng rau răm . Còn hai cô kia lắc đầu : " Má kho cá kiểu gì mà lạ vậy , toàn thấy cỏ là cỏ ! "
Bà nhà tôi âu yếm nói với cô con gái thứ hai :
- Có ăn trái hồng không , để má gọt cho .
Mùa lập đông này là mùa của trái hồng , trái cam . Hồng ở đâu trồng thì tôi không biết , chớ cam trồng ở miền nam Texas rất thơm ngọt vào mùa này . Tôi ngoài hai loại trái cây đu đủ chuối ăn hàng ngày chỉ thích xơi xoài và cóc . Bà nhà tôi không thích xơi mấy loại đó , lâu lâu xách về nhãn thanh long sầu riêng tươi và nhất là măng cụt . Mà mấy bạn biết không những thứ đó bên Mỹ mắc lắm . Giá như tôi cả đời chưa chắc mua đến một đồng . Ở bên quê nhà tôi còn chưa ăn , huống chi bên này .
Tôi khẽ nói với bà nhà tôi :
- Bà kể cho chúng nó nghe chuyện bác Nga nấu mì cà ri đi .
Bà nhà tôi vừa gọt xén những trái hồng tươi thắm vừa nói :
- À ! Bác Nga ở gần nhà cũ của mình đó . Hôm bữa chỉ lên chùa Hương Đạo nấu món chay gi đó để gây quĩ xây dựng nhà chùa . Một ông khách ăn xong , hỏi bác Nga là : " Chị Hai quê ở đâu vậy ? Bác Nga thủng thẳng đáp : " Chú Tư hỏi chi kỳ cục quá , tui với bà xã chú cùng quê miệt Bến Tre . Hai chị em tui chuyện trò hoài , mà chú hổng biết sao ? " Ông khách cười hà hà , chỉ vô tô mì gà chay . Trong cái tô loang loáng những miếng ớt sừng trâu đỏ hường trên nước lèo màu vàng ngầy ngậy . " Tui tưởng chị quê ở Ấn Độ chớ , tô mì gì mà cay quá xá , quá cỡ thợ mộc .
Bà nhà tôi cắt nghĩa cho mấy đứa con gái : " Cách đây mấy ngày trời Texas trở lạnh mấy cây ớt sừng trâu của bác lá heo hắt , mà con biết mấy cây ớt ra trái quá xá . Bác Nga cho má một rỗ , còn thừa bao nhiêu bác mang chùa cúng dường . Nhân tiện mấy bà hay đi cúng Phật mời bác Nga vô nấu đồ ăn chay . Bác Nga nhà mình thấy ớt dư thừa nhiều quá , cho ớt vô chung với nồi mì chay .
Mới hơn bảy giờ trời đã ngã tối đen . Gió lạnh đang tràn về làm lắc lư mấy ngọn cây lê trơ trụi lá . Ánh đèn điện đủ màu mùa Giáng Sinh lấp lánh trên các cửa nhà hàng xóm , báo hiệu một mùa Giáng Sinh sắp đến .
TDA Ngày 17 tháng 12 năm 2010
Cái máy microwave
Từ thành phố New York tôi về định cư ở thành phố Oklakoma . Tháng 8 năm 1983 trời Nữu Ước mát mẻ nắng hanh vàng , nhưng Oklahoma City nắng như đổ lửa . Sài Gòn có nóng cũng không bằng cái nóng nẩy lửa của thành phố này . Nhiệt độ buổi chiều co’ khi lên tới 106 độ F .
Gia đình anh Hạnh , ông anh vợ tôi định cư ở đây đã hai năm . Thấy tôi về ở chung nhà , ổng mừng lắm rủ tôi đi học một khóa điện tử căn bản . Thời gian đó ngành tiện cơ khí và điện tử đang phát triển rầm rộ tại Hoa Kỳ .
Ngày thường hai anh em đi chung cái xe Pontiac cà rịch cà tang tới trường huấn nghệ . Giờ học từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều . Trường này dạy nhiều thứ nghề , tiện - hàn - y tá - điện tử - điện nhà . Khi đi ngang qua một lớp học , nhìn vô trong , ui chao cả lớp đầy nghẹt . Ít nhứt là cả trăm người , người nào người nấy đều mặc áo blouse trắng , và phần lớn đều là phụ nữ trắng có đen có .
Lớp học điện tử của tôi vỏn vẹn chỉ có năm người . ba Mỹ và hai Việt Nam .
Giờ ăn trưa hai anh em chúng tôi xách túi cơm lon ton qua phòng ăn cách đó không xa . Một ông nhìn có vẻ dáng người Á châu đang mặc áo blouse trắng đang đứng hâm cơm trong máy microwave . Tôi bèn làm quen và được biết ông ta cũng là người Việt Nam như chúng tôi .
- Anh học gì ở đây vậy ?
Câu hỏi của tôi quá thừa thãi , vì chỉ nhìn qua cái áo blouse trắng ai cũng biết họ không là nha sĩ cũng là bác sĩ y khoa .
- Tui í à ? À ! Tui học về y tá .
Tôi nhìn anh bạn mới quen với một vẻ ngạc nhiên .
- Hồi nãy tôi có đi ngang qua lớp đó , trong đó toàn là đàn bà con gái không hà . Anh có thấy bất tiện không ?
- Không !
- Học có khó không anh ?
- Hổng khó nhưng mỗi ngày phải học đến cả trăm chữ mới , toàn là chữ trong y học hông à .
- Thế anh vô lớp học chung chạ toàn là mấy bà mấy cô , anh có cảm thấy bối rối bồi hồi gì chăng ?
- Không , nhưng họ rất bối rối mỗi khi tôi bắt chuyện với họ . Cái chén cơm tui hâm xong rồi , tới phiên anh rồi đó .
Tôi thủng thẳng cho cái chén sành vô cái máy , bấm ba phút . Bỗng trong máy nghe tiếng nổ tí tách , vài tia lửa bắn ra nhè nhẹ xung quanh miệng chén . Bụp một tiếng , cái máy ngưng chạy , đèn trong máy tắt cái phụp .Tôi vội vàng mở cái máy ra , hỏi anh bạn mới quen .
- Sao vậy hả anh ?
Anh ta ngập ngừng đôi chút :
- Chắc tại vì anh dùng cái chén sành có viền mạ vàng mạ bạc chung quanh miệng chén đó chăng ? Máy microwave phát ra những tia vi ba đụng phải vật kim khí là sẽ xẹt ra những tia lửa như vậy .
Buổi trưa hôm đó hai anh em chúng tôi ăn cơm canh nguội ngắt .
Một hôm tôi xách vào vài con khô mực , bỏ vào microwave nướng ăn . Trong khi chờ đợi vài phút cho nó chín , tôi đi vào restroom để rửa tay . Vừa mở cửa đi ra tôi nghe tiếng Mỹ la oai oái :
- What 's a fishy smell .
Chao ôi mùi khô mực cháy bốc mùi khét lẹt bay đầy cả hãng ra mọi ngõ ngách . Mỹ đen Mỹ trắng hỏi lẫn nhau : "Cái giống đó của ai vậy "
Đúng ra nướng khô cá khô mực nên để chừng 30 giây hay một phút , đằng này to^i "set " cho đến 3 phút . Cá hay mực cũng đều cháy khét . Ông anh tôi nhìn ngó tôi im lặng mo^.t chu’t ro^`i cười cười :
- Yeah , what a bad smell is !
Mấy ngày sau , ngay trên microwave một tờ cáo thị được dán lên :
No dried seafood in the microwave
Không cho nướng khô mực khô cá thì thôi , thức ăn trong thiên hạ đầy rẫy các thứ khác .
Một lần khác tôi mang theo lunch box , hộp nhựa đựng cơm trưa , trong đó có dưa cải chua . Thức ăn xếp đầy ngăn dưới tủ lạnh . Không hiểu sao , hộp cơm trưa của tôi bị lật úp , và nước dưa chua trào lênh láng ra ngoài . Một kẻ nào đó mở tủ lạnh ra , bèn la toáng lên :
- Food contaminated , everything in this refrigerator must be discarded .
(Thức ăn bị nhiễm trùng , mọi thứ trong tủ lạnh phải bị giục bỏ đi .
Tôi vội vàng bỏ dở lớp học chạy tới bên tủ lạnh mở cánh cửa ra , ngửi thấy mùi dưa chua thơm phức . Tôi nghĩ thầm : " Mấy thằng Mỹ cứ con ta mi nết , mi néo ầm cả lên . Bỏ đi lấy gì mà ăn trưa . Lần sau chừa , nhớ đừng mang dưa chua , giá chua nữa nhé . "
Vài tháng sau tôi mang cơm trưa đi làm . Lần này tôi chỉ ăn cơm với hột gà luộc chấm muối , không dám chan nước mắm vào trong trứng . Nó dậy mùi vị quê hương nữa là chết cha . Qua vài lần khôn hơn một chút . Đi một đàng học một sàng khôn mà , cha ông chúng ta dạy bảo như thế . Tay cầm quả trứng đưa lên miệng cắn , thì tự dưng quả trứng gà nổ tung , bật vào môi dưới , chảy ra một tí máu , và sau đó tôi sờ lên môi , nó sưng vếu lên . Mấy người Mỹ trông thấy thế , cười hô hố lên . Vậy lần sau đừng bấm nguyên cả hột gà trong microwave . Hãy nhớ lấy thià muỗng dằm nó ra thành miếng , trước khi bỏ nó vào máy .
Một buổi sáng thay vì mang gói mì Mama , tôi xách theo một loại cháo cá ăn liền , made in VN . Chỉ có việc đổ nước vào tô , đậy nắp lại , xong bấm ba phút . Trong khi chờ đợi , đi restroom rửa tay , đến khi ngó lại tô cháo cá , thì hỡi ôi ! cháo chiếc nó trào ra ngoài hết . Đã không được ăn , còn phải lau chùi cho sạch cái microwave .
Có khi đến giờ nghỉ giải lao , vài người Mỹ cần dùng cái máy micowave , họ giơ tay ra mở cánh cửa máy . Trong đó hoặc có trái bắp hay một củ khoai tây , họ bực bội nói bằng giọng khá to :
- Andy , cái này của you hả ?
Tôi cười mỉm chi , hỏi họ trong phòng nghỉ có cả đến mấy chục người , sao lại chỉ đích danh tôi mà nêu tên .
- So , vì chỉ có you là người hay nướng bắp nướng khoai bằng microwave mà thôi .
Quay qua quay lại , ở đất Mỹ đã gần 30 năm tóc đã bạc trắng cả đầu, cuộc đời tôi gắn bó với cái máy microwave khá lâu , nhưng vẫn chưa khôn hơn tí nào .
Saturday, December 11, 2010
- Quí khách nào muốn đi coi chợ đêm thì nửa tiếng sau xuống tập họp nơi đây , tôi sẽ dần quí vị đi thăm cho biết .
Nghe từ đằng sau , một giọng nói của một bà vang lên :
- Chợ đêm bán thứ gì vậy ông ? Có hủ tiếu hay bò kho gì chăng ?
Ông Khục Khặc cười nhẹ :
- Hổng có đâu . Chợ đó bán toàn là trái cây hông à . Nhưng mà tôi dặn quí khách một chút . Đừng mua sầu riêng với lại măng cụt . Tại sao à ! Khách sạn này ngoài chúng ta ra còn có nhiều du khách Âu Mỹ , nhiều người họ không chịu nổi cái mùi vị thơm tho này đâu . Còn măng cụt thì khách sạn họ không chịu , nhựa của nó dính vấy vô thì hổng giặt ra .
Trong phòng , tôi hỏi bà nhà tôi có muốn đi xem chợ trái cây của xứ Thái không , và đáp lại là cái lắc đầu nguầy nguậy :
- Tưởng cái gì chớ chợ bán trái cây hồi xửa hồi xưa ngày nào mà tui chẳng đi coi . Ông có muốn đi thì xuống đó mà đi , để mẹ con đi ngủ .
Tôi chợt nhớ lại , đúng vậy . Bà nhà tôi và cậu con trai lớn đã ở trại tị nạn Panat Nikhom , Thái Lan gần chín tháng . Người Thái dựng lều lợp chợ để bán đồ đạc thức ăn cho dân tị nạn . Từ món phở , hủ tiếu , bún riêu bún ốc cho đến các thứ rau rợ , như rau muống bầu bí dền mồng tơi . Bà nhà tôi cứ nhắc nhớ đến một thứ mà bên Mỹ ít có bán , tỏi gà . Mười baht một kí . Năm 1987 một mỹ kim đổi chừng 20 baht .
Nghe vậy tôi hơi buồn một tí , đi du lịch gì mà cứ đến tối lại chun vô giường sớm quá . Thức giấc vào khoảng bốn giờ sáng , tôi không biết phải làm gì . Mở ti vi thì ồn quá , chun vô mền phá bà nhà tôi thì không tốt . Tôi bèn lò mò ra cầu thang máy để xuống tầng chệt khách sạn . Bên cạnh đó là một bàn thờ nho nhỏ trên có để một pho tượng toàn thân sơn thếp vàng óng ánh . Mặc dù không hiểu nhiều về lịch sử và các nhân vật xứ Thái , nhưng tôi cũng đoán ra đó là tượng khắc tạc nhà vua Thái đương thời , vua Bhumibol Adulyadej . Khoảng năm 1960 tôi có dịp nhìn thấy ảnh nhà vua này trong các tờ báo Chính Luận , Tin Sáng ở Sài Gòn . Dạo đó có lẽ ông ta có dịp đi thăm viếng miền Nam do lời mời của cố tổng thống Ngô Đình Diệm .
Ông vua này mặt mũi lúc nào cũng nghiêm nghị , lạnh lùng . Thuở còn bé tôi nghe một ông thợ hớt tóc gần nhà, nói là nhà vua hình như bị một chứng bệnh gì đó không sống quá 60 tuổi . Nào ngờ những lời bốc tướng đó đoán trật lất . Nhà vua Thái năm nay 80 tuổi vẫn còn mạnh khỏe , tuy rằng ông vẫn hay ra vào nhà thương luôn (?) .
Đang đứng lớ ngớ quan sát pho tượng nhà vua Thái , bỗng tôi cảm thấy như có ai đứng đằng sau lưng . Quay lưng lại tôi thấy ngay , đó là một gã đàn ông trong trang phục Âu Tây đang dòm chừng tôi . Tôi khẽ chào và bước hẵn ra một bên . Ông khách kia bước tới bức tượng vàng chắp hai tay lại đưa lên mặt , vái vái vài cái rồi bỏ đi . Thái độ của ông ta rất thành khẩn và trang trọng . Đợi ông ta rảo bước đi xa , tôi quay lại bàn thờ nhỏ đó và đứng nhìn tiếp . Tượng này không biết toàn đúc bằng vàng thật hay chỉ là sơn son thếp vàng như cái ông bác nhà tôi , mà hình như dựng đặt để ở trong góc các hội trường lớn bé . Xứ Thái nổi tiếng là nơi có nhiều chùa vàng chùa ngọc , đỉnh được dát bằng vàng thật lóng lánh chiếu sáng cả một góc trời , có lẽ nào đâu lại làm hàng giả như cái của ông bác tôi . Mà giá như được đúc bằng vàng thật , chắc cũng không tồn tại được được bao lâu . Tự dưng tôi lại linh cảm như ai đứng dòm ngó sau lưng tôi , quay lại tôi nhận ra có một bà sồn sồn , da dẻ hơi ngâm ngâm . Tôi đành phải bước đi và dòm chừng xem . Bà ta cũng giơ hai tay lên ngang mặt , xá xá mấy cái trước cái tượng toàn thân của vua Thái . Quả thật , nhà vua Thái trong suốt gần sáu mươi năm trị vì , được coi như tại vị lâu nhất trong các quân vương trên thế giới , và được sự kính trọng tôn kính của toàn dân Thái Lan . Tại quê hương tôi thì sao , tôi chưa bao giờ thấy bất cứ một ai đứng trước di ảnh hay di tượng ông bác đó van vái xá xá gì đó , hoặc có chăng chỉ là những lời ai oán của hàng trăm ngàn người dân bỏ mạng trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất hay của toàn thể Quân Dân Cán Chính của miền Nam Việt Nam sau 75 đến nay .
Ngay khi bước ra khỏi khách sạn , tôi thấy ngạc nhiên . Tối đêm qua chung quanh khách sạn vắng như chùa bà Đanh , bỗng dưng bây giờ xuất hiện những sạp bán quần áo đủ màu đủ kiểu . Chủ các sạp im ắng sắp xếp quần áo hàng hóa trên các dãy dây phơi . Tôi đi lòng vòng quanh khu đó xem xét coi ra sao . Không thấy có hàng quán cà phê hay quán ăn . Như ở Sài Gòn hay bất cứ thành phố lớn nhỏ nào , nơi nào có sạp hàng buôn bán là có quán cà phê dã chiến hay tiệm bán nước , bán cơm ngay và dĩ nhiên không thể nào thiếu được tiếng cười nói ồn ào của khách hàng . Ngoài đường lộ thỉnh thoảng có tiếng máy nổ bịch bịch của xe tuk tuk , một loại xe chuyên chở nhẹ tương tự như xe lam ba bánh của Sài Gòn trước năm 75 . Vài chiếc tắc xi , xe hàng chạy ngang . Nhưng không hề nghe tiếng bóp còi xe inh ỏi như ở quê hương tôi . Kẻ buôn bán , khách đi chợ giờ này chưa đông lắm , họ trả giá mặc cả . Chủ sạp chủ quán ai nấy đều có một máy tính cộng trừ nhân chia bằng điện tử . Họ giao dịch với nhau qua những con số hiện trên máy tính . Khi tôi qua bên Bắc Kinh, hay Thiên Tân cũng vậy . Ngôn ngữ thì bất đồng nhưng đồng thuận ngay với những con số . Ở Việt Nam chưa được phổ thông lắm , hay có chăng chỉ giới hạn vài chỗ như ở chợ Bến Thành , nơi có nhiều du khách ngoại quốc tới mua sắm . Lúc này một Mỹ kim đổi được 33 tiền baht . Tôi hỏi thử vài mẫu áo quần , giá cả cũng khá rẻ . Một áo sơ mi hay áo thun polo chừng ba đô , quần dài chừng vài đô . Áo thể thao hàng nhái của Polo , Tommy , Cá sấu , Nike giá rẻ . Tôi thì không mặc hàng đồ hiệu . Hàng thật còn chưa mua , huống chi là hàng đồ giả . Bên Pháp , Đức , Ý , Anh hành khách qua những phi trường quốc tế nếu mang hay mặc trên người hàng nhái lại sẽ bị phạt tiền , có thể đến hàng trăm đô cho mỗi loại .
Saturday, December 4, 2010
Bên phải là đôi vợ chồng người Tàu Chợ Lớn , sau tôi là cặp vợ chồng người quê ở tỉnh Bắc Ninh .
Xe chuyển bánh . Trên đầu xe một ông tuổi trung niên , dáng dấp ăn mặc lè phè , tay cầm micro và quay mặt về hướng chúng tôi :
- Xin tự giới thiệu với quí khách , tui là Khục Khặc ...
Vừa lúc đó khách du lịch chúng tôi cười vui vẻ , ồ lên những cười nức nẻ . Tôi nói vói lên chỗ bà nhà tôi ngồi cách tôi mấy hàng ghế đầu :
- Bà à ! Ông nội đó nhìn hao hao đến một người mà nhìn có vẻ quen quen quá ! À ! Tui nhớ ra rồi , ổng Khục Khặc chi đó giông giống tài tử Châu Nhuận Phát trong phim Quân Vương và Tôi .
Quân Vương và Tôi được dựng thành phim năm 1956 của hãng điện ảnh Hollywood mô phỏng theo nguyên tác của nhà văn Margaret Landon , Anna and the King of Siam . Phim này do tài tử trọc đầu Yul Brynner đóng vai chính . Còn Châu Nhuận Phát đóng vai nhà vua Thái và Anna năm 1999 với nữ diễn viên từng hai lần đoạt Oscar , Jordie Foster .
Ông người Tàu ngồi cạnh bên tôi , nghe câu hỏi của tôi bèn xen vô :
- Nị lói phải a ! Nhưng thằng cha lày ăn mặc lôi thôi , hổng giống thằng cha Châu Nhuận Phát ăn mặc đẹp đẽ trong phim .
Nói vừa dứt ông ta quay sang bà vợ già của ổng vỗ lên đùi bà vợ ổng một cái làm bà vợ ổng đang mơ màng ngủ phải giật mình .
- Tới rồi à ! Rồi à !
Ông Khục Khặc cũng cười hắc hắc vài tiếng rồi nói tiếp :
- Chào mừng quí khách đến Thái Lan . Bên Việt Nam thì do anh Mạnh hướng dẫn , nhưng qua bên này thì do tui . Tui sanh đẻ bên này nên ba má tui đặt tên tui là Khục Khặc theo tên gọi của người Thái , cho giống tên của xứ này .
Điều này thì đúng , nhập gia tùy tục . Người Việt đi tản cư rải rác ở xứ người cũng phải theo phong tục tập quán của họ để hội nhập vào đời sống của họ . Bên Mỹ, Canada, Anh, Úc có người tên Andy , John , Joe , Cathy . Ở Pháp Paul , Jacqueline . Ở Đức , Lukas, Leoni . Ở Na Uy , Hans , Peder, Ragnhild . Phần Lan , Johannes, Mikael . Để rồi các ông bên xứ Lào , có người được là Sẻng , Xửng , Khẻo . Người Thái và người Lào đều cùng chung một nguồn gốc người Tai , phát xuất từ miền Bắc Thái .
Tên gọi của người Thái , người Lào , người Miên có lẽ tương tự như của người Ấn . Tên và họ khác xa với họ tộc của người Trung Hoa và Việt Nam . Theo cách thức tên và họ đi sau như cách gọi của người phương Tây . Tên họ càng dài càng biểu lộ tính cao sang của họ . Người Thái có vào khoảng trên 45 ngàn họ , 80 phần trăm đều rất đặc trưng . Tên thường gọi cũng vậy . Họ cũng thường hay đổi hay thêm thắt tên họ cho thêm phần trang trọng . Vì thế năm 1913 luật về danh tính của Thái ấn định rõ ràng , mỗi hộ tộc đều phải giữ nguyên . Tên thường gọi chỉ được ghi duy nhất chính thức trong giấy tờ hộ tịch . Vì thế theo luật hộ tịch Thái , chỉ trong những người trong huyết tộc mới cùng mang chung một họ và ít thấy khi nào hai người dưng cùng một tên và họ như nhau . Việt Nam và Trung Quốc chỉ hơn hai trăm họ . Nhất là bên Trung Quốc với dân số 1,3 tỉ người thì không thể không tránh được sự trùng hợp tên họ , Quách Doanh Doanh , Hứa Tung Hoành . Việt Nam thì có Nguyễn văn Thành , Trần văn Hùng , Lê thị Loan v.v...
Cựu thủ tướng Thái , ông Thaksin Shinawatra gốc gác là người gốc Trung Hoa . Tổ phụ ông ta lấy họ Shina (China) cộng thêm watra (nguyên gốc Phạn ngữ có nghĩa là practice , thực hành) .
HH ngày 3/12/2010
Sunday, November 28, 2010
Sài Gòn qua Thái Lan máy bay chỉ bay gần hai giờ thế mà chúng tôi được phục vụ một bữa ăn tối theo tiêu chuẩn của các hãng hàng không lớn . Các nữ tiếp viên người Thái xinh đẹp hỏi han lịch sự với nụ cười trên môi :
- Ông bà có muốn dùng thêm gì chăng ?
Cách phục vụ của họ khác hẵn với các tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airline , mặt mũi lúc nào cũng lạnh nghiêm , nụ cười thiếu hẵn trên môi .
Khi đến phi trường quốc tế Suvarnabhumi trời đã nhá nhem tối . Qua khỏi cổng hải quan , đoàn chúng tôi bước ra khỏi tòa nhà và bước vào một chiếc chuyên chở dân dụng , xe này nhỏ hơn xe buýt loại 52 chỗ ngồi . Hành khách người ngồi kẻ đứng lắc lư với những thanh thép vắt vẻo trên đầu . Cảnh tượng xảy ra y hệt như những năm sau 1990 đổi mới ở phi trường Tân Sơn Nhất .
Tôi hỏi anh trưởng đoàn đứng cạnh đó :
- Anh Mạnh à ! Tui nghe nói phi trường này to lớn hiện đại nhất Đông Nam Á , sao bây giờ xuống cấp quá vậy !
Anh ta cười hì hì vài tiếng , rồi đáp lại :
- Bác thấy đó , nước ta càng ngày càng văn minh tiến bộ . Xã hội ta sắp sửa tiến lên ...
Lời của anh ta chưa kịp dứt , xe bỗng dừng lại khiến mọi người trên xe nghiêng ngả .Trong ánh sáng lờ mờ trong đêm tối , những cây cột xi măng , dàn sắt bao bọc chung quanh các terminal to lớn sừng sững in trên nền trời .
Một thiếu nữ người Thái trong y trang cổ truyền dân tộc đứng cạnh một chiếc xe buýt to lớn , mỗi khi từng người bước lên xe , cô ta với nụ cười tươi tắn trên môi và hai tay chắp trước ngực khẽ cúi đầu chào . Một lối chào như các vị tu tăng Phật giáo vẫn thường chắp tay hành lễ . Điều này khiến chúng tôi khá bối rối , xưa kia trong khi tập huấn nhu đạo , chúng tôi thường gấp người chào mỗi khi ra giao đấu , còn như trong quân ngũ thì giơ tay chào lối nhà binh , trong Hướng Đạo cứ giơ cao bàn tay với ba ngón tay chụm tay như biểu tượng hoa huệ tinh khiết . Thôi thì mình khẽ gật đầu chào lại như mọi người vậy .
Lối chào cung kính của người Thái gọi là wai , nó có thể biểu lộ một lời cám ơn hay xin lỗi ai đó . Nó tương tự như của người Ấn , Añjali Mudrā ,namasté hay của người Miên sampeah. Cánh tay càng đưa cao càng biểu lộ lòng tôn kính bấy nhiêu .
Tôi từng đi qua nhiều nước từ Á đến Âu châu nhưng chưa từng nơi nào được đón chào niềm nở trong sự lịch thiệp và trang trọng như vậy . Tệ nhất là vào năm 1980 tôi cùng với vài người bạn vừa đặt chân tới thành phố Battambang của Cao Miên . Vừa vào tới nhà một người dân thường để tạm trú qua đêm để hôm sau đi về Sisophone rồi tiến qua biên giới Thái thì phải tất tả vùng chạy thụt mạng vì có công an du kích Miên bố ráp . Kế là Trung quốc lúc đến đã có mấy anh công an mặt lạnh lùng dòm trừng trừng vào cái chiếu khán sắp hết hạn của tôi .
Wednesday, November 24, 2010
Ðúng 5 giờ chiều gia đình chúng tôi năm người , hai vợ chồng già với ba cô con gái , đã có mặt tại sân bay nội địa phi trường Tân Sơn Nhất . Khi đóng tiền đầy đủ cho hãng du lịch Saigon Tourish , mỗi người bất kể lớn nhỏ là khoảng 400 đô . Một chương trình packet như vậy qua du lịch bên Thái bao gồm tiền vé máy bay khứ hồi , khách sạn , ăn uống , tham quan các điểm chính du lịch trong năm ngày với số tiền như vậy có lẽ là quá hời .
Trước đó vài ngày gia đình chúng tôi lơn tơn đi lòng vòng thành phố Sài Gòn được hơn nửa tiếng . Con bé Linda mười tuổi nhăn nhó mặt mày than :
- Bố ơi ! Ði du lịch gì mà sao mỏi chân quá !
Giá nó mà còn bé hai ba tuổi , tôi có thể cõng bế nó trên lưng . Nhưng nó lớn xác như vậy , sao mà cõng nỗi . Vừa lúc đó một bà cụ trong quần áo lam lũ , mặt xạm đen đang còng lưng , trên vai quẩy nặng đôi gánh hàng rong . Tôi quay lại khẽ nói với con Linda :
- Con biết bà lão gánh hàng đi bán , và bán cái gì không ?
Linda nheo mắt nhìn theo chân bà lão thoăn thoắt bước nhanh , qua mặt chúng tôi để băng qua con lộ về hướng đường Nguyễn Huệ , nó hớn hở nói :
- Biết chớ bố , "nó" bán mấy trái cây đó mà !
Tôi cười xòa , chữa lời cho nó :
- Bên này , con gặp người lớn tuổi , con phải gọi là bà lão ông lão hay là bà cụ ông cụ , chớ đừng gọi là nó , họ nghe được sẽ mắng cho . Con thấy không ? Bà lão nhìn có lẽ già cả như bố , vai lại mang hai hàng giỏ trái cây như vậy , bà lão đó còn đi nhanh nhẹn hơn bố con mình nữa . Con còn muốn than thở nữa không ?
Linda mặt bí xị :
- Không ?
Trong văn phòng hãng du lịch Saigon Tourist , mấy cô nhân viên trong đồng phục áo dài màu xanh nước biển ngước lên nhìn chúng tôi , mặt nghiêm không nở nụ cười . Họ lại cắm cúi loay hoay trên cái mặt màn hình . Tôi tiến đến một bà đang ton hót với một đồng nghiệp .
- Ði Thái Lan một chuyến bao nhiêu hả chị ?
Bà ta trả lời với giọng Bắc đặc , rồi đưa cho tôi một cái brochure (tập sách mỏng) , trong đó có ghi một gói packet đi tour (du lãm ) qua Bangkok , thăm cung điện Hoàng Gia , Chùa Lục Ngọc , xem bãi biển Pattaya , coi vài chương trình biểu diễn về đêm của đoàn vũ công dân tộc Thái .
- Ðược rồi , ông nộp hai ngàn đô la cho năm người .
Tôi ngạc nhiên hỏi lại :
- Thế tui nộp bằng tiền đồng Việt Nam không được à ?
Bà ta lắc đầu cương quyết :
- Không , chúng tôi chỉ nhận Mỹ kim thôi . Ông là người Mỹ nên phải trả bằng Mỹ kim .
Tôi nheo đôi mắt lại :
- Sao bà biết chúng tôi là người Mỹ ?
Bà ta nhếch nụ cười , giả lả :
- Xem các con của ông bà tía lia đằng kia thì biết .
Theo thời giá tháng Sáu năm 2008 , một đô la chính thức đổi được 16650 đồng Việt Nam , nhưng lúc đó không hiểu sao , đồng tiền Việt Nam bị chao đảo theo thị trường chứng khóan . Giá chợ đen một Mỹ kim đổi được đến hơn mười tám ngàn . Giá như trả theo tiền Việt Nam chúng tôi có thể tiết kiệm được vài chục Mỹ kim .
Chúng tôi mỗi người được phân phát một cái nón lưỡi trai màu trắng đục , trên có thêu hàng chữ Saigon Tourist . Ai thắc mắc thì được trả lời : " Để dễ nhận dạng là đoàn của mình , trẻ em lạc dễ tìm kiếm . "
Hơn 5 giờ một chút một nhóm người đầu đen lố nhố tụ họp lại khá đông . Một cậu thanh niên dáng dong dỏng , mặt hơi tai tái bước ra , tay cầm một lá cờ nhỏ trắng hình tam giác rồi giơ cao lên khỏi đỉnh đầu , phất qua phất lại , nói lớn :
- Quí vị đi du lịch Thái Lan của Sài Gòn Tourist thì tập họp lại đây . Chúng ta không còn nhiều thời gian lên . Khẩn trương lên quí vị .
Trong đám đông một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên :
- Tổ cha nó , lúc nào cũng tranh thủ khẩn trương . Đi ăn cướp à !
Một tiếng khác át đi :
- Nói nhỏ đi cha nội , qua bển (Thái) muốn nói gì thì nói .
Anh trưởng đoàn dõng dạc , nói to hơn :
- Tôi tên là Mạnh , tên nghe mạnh bạo lắm nhưng thật ra yếu xìu à . Bây giờ quí vị cho xin sổ hộ chiếu và visa để tôi còn trình hải quan .
Không biết du khách đi du lịch Âu châu , Mỹ châu ra sao chớ từ Việt Nam qua các nước Thái , Miên , Tân gia ba , Hồng Kông mọi giấy tờ tùy thân , sổ thông hành passport đều do anh hay chị hướng dẫn tour nắm giữ .
Friday, November 19, 2010
Lễ các Thánh
Nói thật ngày xưa nói chuyện đi lễ lậy tôi rất lười . Bây giờ vào các ngày lễ buộc lễ trọng , tôi phải đi xem lễ cùng với bà nhà tôi . Lễ Các Thánh năm nay trời Texas thật đẹp , gió nhè nhẹ man mát như vào thu .
Như thường lệ sau ba bài đọc Kinh Thánh , cha xứ ra ngoài khỏi bục giảng để giảng kinh cho cộng đồng dân Chúa .
- Kính thưa quí vị , nhân ngày lễ Các Thánh tối qua tôi nghiền ngẫm cả đêm để đọc sách tiểu sử các Thánh . Các vị biết không ? Mỗi người chúng ta bất cứ ai làm nghề nghiệp gì cũng đều có một vị Thánh bảo hộ chúng ta ...
Chợt trong đầu óc tôi nghĩ ngay đến ông Thánh An tôn , thánh bản mệnh của tôi . Tôi đoán già đoán non ông Thánh đó chắc là người Âu châu , vì có lần tôi nhìn thấy ổng mặc chiếc áo dòng nâu sẫm , tay cầm cây thánh giá thật to ôm trước ngực . Nhìn ổng , tôi có những cảm quan xa lạ , không thân thiết mấy .
Tiếng nói đều đều của cha xứ vẫn êm dịu :
- Các vị không tin à , để tôi đơn cử ra một ví dụ nhé ... À xem ! Ai mà bị nhức đầu thì cầu xin ông Thánh Anthony Baldinucci , vị
thánh này ngày xưa bị chứng nhức đầu kinh niên . Ai mà bị nhức đầu thì cứ cầu xin sẽ hết bịnh ngay . Còn ai mà hút thuốc lá thuốc lào bị ho húng hắng thì cầu xin Thánh Joseph Javier . Này các vị à , các bà các cô làm nghề tóc thì biết cầu nguyện cho ai không ? Đó là Thánh Ma ri Madeglena , Thánh này ngày xưa lấy tóc mình mà lau chân cho Chúa ...
Chợt cha xứ dừng lại , không giảng tiếp vì có tiềng cười ầm lên .
- Các bà các cô cười gì thế ... à , chị kia nói lớn lên một chút . Chị nói là Thánh bảo hộ cho quí vị làm " neo " à .
Cha xứ đưa tay gãi đầu một chút , rồi tiếp tục nói :
- Tôi cũng có ý định đó nhưng đọc mãi vẫn chưa thấy , quí vị ai mà biết thì cho tôi xin . Còn ai làm nghề khai thuế mà thì xin ông Thánh Mat thiêu .
Trong lòng tôi nghĩ ngay đến Thánh Giu se , Thánh này từng là thợ mộc , làm nghề sửa nhà sửa cửa cho bà con láng giềng người Do Thái . Nhưng theo các nhà thần học , cho rằng Thánh Giu se làm một nghề lao động đủ mọi việc , mộc , làm vườn , trồng nho . Trong các ngụ ngôn của các sách Phúc Âm đầy rẫy những hình ảnh đó qua lời giảng dạy của Chúa Giê su .
Một ông trạc tuổi tôi ngồi bạnh tôi khều tay tôi nói nhỏ :
- Tui đi câu cá , cá không chịu cắn mồi , vậy cầu xin ông Thánh nào .
Tôi quay người nghiêng qua , nhận biết đó là ông Thức bạn già hay đi câu cá mà tôi thỉnh thoảng gặp ngoài hồ nước .
- Bác Thức hả ! Hình như có mấy vị Thánh Tông Đồ đầu tiên họ đang đánh cá rồi được Chúa gọi đi theo , ông Thánh Phê rô đó . Bác cứ cầu xin vừa được cá vừa về sau lại lên Thiên Đàng .
Trên đường đi về nhà , bà nhà tôi ngồi cạnh tôi hớn hở reo lên :
- Tui nhớ ra rồi , tại cha xứ không nhớ . Các Thánh làm nghề neo có đến 12 vị , ông Thánh Phê Rô , ông Thánh Gioan , Thánh Gia cô bê . Mấy ổng lúc trước theo chân Chúa qua cái làng nho nhỏ rồi múc nước rửa chân cho Chúa . Rửa chân thì đúng là nghề làm "neo " của mấy bà mấy cô .
Mới đầu nghe tôi chưa phân biệt đúng hay sai , tôi phá lên cười . Bỗng tôi chợt nhớ một điều gì :
- Bà à ! Hình như đâu phải mười hai vị Tông đồ rửa chân cho Chúa Giê su đâu , chính là Ngài phải hạ thấp người xuống , trước buổi tiệc ly , Chúa Giê su cởi áo ngoài rồi cúi xuống rửa chân cho 12 vị tông đồ . Thánh Phê rô còn biểu Chúa tắm cho ổng nữa . Bà quên rồi sao ! Chính là Chúa mới là vị bảo hộ đó .
Ngoài trời dần tối , vài vì sao le lói hiện ra trên trời . Trong cái ra dô trên xe , văng vẳng tiếng hát của ca sĩ Ý Lan ngọt ngào :
- Con quỳ lạy Chúa trên trời,
sao cho con lấy được người con yêu.
Đời con đau khổ đã nhiều,
từ khi thơ dại đủ điều đắng cay.
Số nghèo hai chục năm nay,
xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo.
Chúa ơi! Chúa ơi!
Hoang Hac ngày 2 tháng 11 năm 2010
Tiệm giặt
Tiệm giặt
Một buổi chiều sau khi đi làm về , tôi nghe tiếng bà nhà tôi đứng ở góc bếp vang vang lên :
- Chủ Nhật này tui đi làm ở tiệm giặt . Ông ở nhà lo cơm nước cho tụi nhỏ .
Tôi nghĩ thầm mấy cái tiệm quần áo chung quanh khu nhà tôi ở , họ đâu cần mướn người để trông coi tiệm . Tôi lửng lơ hỏi lại :
- Tiệm giặt nào vậy ?
- Thì chị Mỹ giới thiệu tui với ông Ðặng chủ tiệm của chị đó .
- Làm ở đâu bà biết không ?
- Ở tận chợ trời Arlington .
Từ nhà tôi chạy xe tới đó cũng ngót nghét 45 phút . Những con đường ngắn hơn như xa lộ 360 hay 30 đều hay bị kẹt xe . Cả năm nay bà nhà tôi bị cho nghỉ việc từ một hãng may nón . Thất nghiệp cho ăn được chín tháng rồi cúp . Công việc lương thấp bảy tám đô không phải là không khó kiếm , nhưng vì tiếng Anh tiếng u của bà nhà tôi cao quá , nói Mỹ , Mỹ cứ phải "what what " hoài nên họ không muốn mướn .
Giá như bà nhà tôi đọc được chút tiếng Anh , tôi có thể nói với bà Mỹ làm ở phòng modified hàn vớ vẩn mấy cái đèn LED bé xíu , nhận vô làm thử . Biểu bả học thêm nghề neo , bả nhăn mặt kêu lên : " Giời ơi ! Ông biết tui bị dị ứng , nghẹt mũi quanh năm , làm cái nghề đó hơi hóa chất bốc lên ngùn ngụt , tui chịu sao thấu . Có người giới thiệu vô làm vệ sinh nhà thương , bà than van :
- Ông hông biết gì hết trơn . Có nguời vô đó làm , họ sai vô làm quét dọn ở nhà xác . Tui thì tui sợ ma lắm , ông thích làm thì vô đó mà làm .
Ông bà ta có câu nhất nghệ tinh nhất thân vinh , nhưng có thể chỉ đúng ở Việt Nam thôi . Qua xứ Mỹ phải biết nhiều nghề mới có thể xoay sở tìm việc làm . Nhất là phải biết nói và viết tiếng Anh để đi xin việc .
- Bà làm mỗi ngày mấy giờ ?
- Bảy giờ sáng đến hai giờ chiều . Thứ Bảy nghỉ , Chủ Nhật từ 7 giờ đến 10 giờ đêm .
- Vậy là bà làm 15 tiếng ngày Chủ Nhật , sáng thứ Hai lại đi làm 7 giờ sáng . Thôi thì chiều Chủ Nhật tui lên thế cho bà mấy tiếng để bà nghỉ ngơi , và nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn . Nhưng mà công việc có khó nhọc gì không bà ?
Bà nhà tôi mỉm cười , nói nhẹ nhàng để an ủi tôi :
- Không , chỉ đứng dòm chừng khách , khi nào họ tới đổi tiền lẻ 25 xen ở máy đổi tiền thì ông ra giúp họ thôi . Ở đó có hai máy , một cái thì nó không nhận tiền đô mới , còn máy kia tiền nào cũ quá nhăn quá nó cũng không nhận . Khách hàng toàn tụi đen hay Mễ , có người không đút tiền vào máy , giả bộ kêu lên máy không " work " thì ông phải ra xử lý .
- Xử lý làm sao ? Tụi nó to con thấy bà .
- Ðâu phải xử lý cái kiểu Việt Nam đâu . Ông chỉ cho tụi nó cái bảng đề trên cái máy , chữ này viết bằng tiếng Anh . Ông chủ ổng nói là : " Phải kêu người coi tiệm trước khi đút tiền vào máy . Tiền mất sẽ không chịu trách nhiệm .
- Chỉ có vậy thôi à ?
- Còn nữa , thỉnh thoảng ông lấy chổi quét rác hay phẩy phẩy xà bông bột dính trên máy giặt .
- Vậy thôi sao ?
- Chưa hết , thùng rác nào đầy thì mang đi đổ .
Tôi gật đầu :
- Công việc nhàn quá .
Qua đến Chủ Nhật tôi xách xe chạy lên chỗ tiệm giặt . Tiệm nằm ngay ở một ngả tư nên tìm nó không khó khăn chi lắm . Tôi mở cửa kiếng bước vô . Trong tiệm giặt loe hoe vài người khách Mễ . Bà nhà tôi đang cầm chổi phây phẩy vài cọng rác . Vừa trông thấy tôi bà nhà tôi mừng ra mặt . Trong phòng hơi nóng hừng hực , mặt bà nhà tôi nhễ nhại mồ hôi . Ngoài trời Texas nóng đến 105 độ . Tiệm giặt xung quanh toàn cửa kính nên sức nóng xuyên qua tạo nên hấp nhiệt như là hiệu ứng nhà kiếng .
Tôi hỏi khẽ :
- Trong này hổng có máy lanh à ?
Bà nhà tôi chỉ vào một góc tường:
- Có một cái , nhưng đâu có đủ . Ở đây cả mấy chục máy giặt máy xấy lại thêm trời bên ngoài nóng quá . Bây giờ tui chỉ ông cách mở alarm khi đóng cửa đi về .
Nói xong bà nhà tôi đi vô một căn phòng rất bé nhỏ vừa vặn kê một chiếc máy may Juki và một cái ghế nhỏ .
- Ðây nhá , số alarm ông đừng cho ai biết . Ông bấm xong , tắt đèn tắt quạt rồi đi nhanh ra ngoài cửa , khóa cửa chính lại . Nhưng ông chủ tiệm dặn là đừng có giựt giựt cái chìa khóa . Nếu bị kẹt thì cứ xoay qua xoay lại .
Tôi cầm lấy cái chìa khóa rồi vặn thử , khóa lại cửa chính . Cũng đâu khó gì , bây giờ xoay lại là mở ra . Nhưng không hiểu tại sao ổ khóa lại cứng ngắc , không di chuyển lên xuống . Tôi nghe tiếng bà nhà tôi cằn nhằn :
- Ðã biểu ông rồi , ông chỉ cần xoay nhè nhẹ thôi . Bây giờ khóa cửa nhốt tui với tụi đen tụi Mễ trong này .
May mà lúc này chưa có chuyện gì xảy ra . Nếu có thì chắc họ cũng đập cửa kiếng chun ra ngoài thôi . Mồ hôi tôi đổ từng giọt , định dùng sức vặn chìa khóa thì bỗng nghe một giọng nói đàn ông :
- Ông đừng mở như vậy , kẻo nó gãy . Mở như vầy nè .
Ông ta cầm chìa khóa , xoay nhè nhẹ qua bên phải . Cách một tiếng , cửa đã mở .
Ðó là một người ông Việt Nam vóc dáng tầm thước , mặt vuông với đôi mắt khá sắc bén . Tôi chào ông ta .
- Anh chắc là ông Ðặng chủ tiệm giặt ?
- Dạ , đúng . Còn anh là chồng bà kia ?
- Dạ .
- Tôi nhìn thấy anh mở cửa , tôi nghĩ chắc anh hổng làm nghề ăn trộm được quá .
Qua dăm câu chuyện làm quen tôi được biết ông ta quê ở Ðà Nẵng , qua Mỹ được hơn hai mươi năm . Mới đầu làm lắp ráp dây chuyền ở hãng máy bay LTV thuộc thành phố Grand Prairie và sau đó làm thương mại .
- Bây giờ tôi có vài cái bin đinh cho mướn , vài cái convenience store . Tiệm giặt này có vài cái . Thế anh sao không làm business .
Tôi cười giả lả .
- Tui đâu biết làm business , biểu tui hồ nào ở đâu , cá loại nào , câu một ngày được mấy con thì tui biết . Mở tiệm giặt này có ăn không anh ?
Ông Ðặng cười nhẹ , lắc đầu .
- Thì ông xem đấy , máy giặt thường 75 cent , xấy 50 cent . Khách hàng cũng lai rai thôi .
- Tiệm này máy móc chắc hơn trăm ngàn ?
Ông ta cười thành tiếng .
- Vậy là anh hổng biết gì rồi . Mỗi cái máy Speed Queen loại commercial cũng vài ngàn . Ông đếm quanh đây xem có bao nhiêu cái máy . Tiệm này hơn ba trăm ngàn đô đấy .
- Bỏ bao nhiêu thứ tiền chỉ thu lại tiền cắc thôi sao .
- Thu lại cũng chẳng bao nhiêu . Anh xem đấy , tiệm giặt phải mướn hai người . Tiền đó chỉ đủ trả nhân công và tiền điện tiền nước . Anh lên làm thế bà xã , thôi anh ở lại làm nhé . Tôi phải đi qua coi mấy tiệm khác .
Khách vô giặt quần áo lai rai vài người . Nhàn quá không biết làm gì , tôi vô phòng vệ sinh xách ra một cái chổi và đi quét nhà . Sàn nhà lát gạch men màu trắng đục , đường chỉ viền màu đen . Khi quét vào trong cái đựng rác , tôi để ý thấy là khi quét mấy cọng rác đen đen nhỏ vô trong , lại thấy rác từ từ chạy ra . Tôi quét nó vô, nó lại chạy ra . Lần này tôi rướn mắt nhìn kỹ , thì ra đó những con gián đen đen bé xíu . Ðã từ lâu tôi không thấy chúng . Ai qua Mỹ trong những thời gian đầu lập nghiệp mà lại không sống chung với chúng .
Sau khi hướng dẫn nghề nghiệp , cách vận tác trông coi tiệm giặt ra sao , bà nhà tôi lái xe ra về .
Khách Mỹ Mễ ra vô đâu chừng vài người , người thì đem bỏ quần áo chăn mền vào giặt , kẻ thì đem bỏ vào máy xấy . Chừng đâu một lát sau , một gã Mỹ đen cao to lớn dềnh dàng bước vào chỗ tôi ngồi . Tôi đang ngồi gật gà, nhác nghe tiếng nói ông ổng của gã đen nọ :
- Hây you , sao cái máy giặt kia không quay ?
Tôi ấm ớ hỏi lại :
- Thế ông có bỏ tiền vô không ?
Hắn trợn mắt nhìn tôi , hậm hực nói :
- Chắc you mới đi làm à , tao là thằng trung trực nhứt trên đời .
Tôi nghĩ bụng , máy giặt đặt trong mấy cái tiệm giặt này, có bỏ tiền cắc vô thì nó mới chạy , không tiền lấy cái gì mà nó chạy nó quay . Nghĩ như thế nhưng tôi không dám nói ra ngoài miệng .
- Ðâu máy nào ? Số 20 hả ? Ông đợi một chút nhé , để tui gọi điện thoại cho con vợ tui .
Vừa nói tôi vừa rút cái điện thoại di động ra , bấm số gọi :
- Bà hả ? Có một ông Mỹ đen nói là ổng bỏ tiền vô mà máy hổng chạy .
Có tiếng oang oang từ đầu dây bên kia :
- Tui không biết , ông thử lấy tay đập đập vào thân máy xem nó có chạy không . Máy giặt nhà mình cũng hay giở chứng như vậy .
- Ừ !
Tôi không đấm mà dùng chân đá nhè nhẹ vào cái máy giặt . Cánh cửa của máy giặt bật tung ra . Tôi thở ra khoan khoái , rồi nói với gã da đen :
- Nó không chạy là bởi vì you không đóng cửa cho chặt . Nó có cái khoen khóa như vậy .
Bên kia một bà Mễ to béo vẫy tay gọi tôi lại . Tôi lững thững bước tới .
- Chuyện gì vậy amiga ?
Bà ta xổ một tràng tiếng Mễ , nghe điếc cả tai . Tôi không hiểu . Bà ta chỉ xuống mặt nền gạch . Nước xà bông rỉ trào ra từ miệng nắp máy giặt ngang . Chả cần giỏi tiếng Mễ tôi hiểu ngay là máy giặt có vấn đề . Tôi vội vàng đi nhanh vô phòng chứa vật dụng lau nhà và xách theo một cái cây lau bếp . Cứ lau , vắt đến đâu , nước trong máy cứ trào ào ào ra . Tôi gọi phôn di động cho bà nhà tôi , trình bày chi tiết sự cố sự kiếc . Tôi nghe tiếng bà nhà tôi cằn nhằn :
- Chả hiểu sao , ông đi làm có chút xíu mà nhiều lộn xộn quá . Thế này , ông tới mấy cái cầu chì , rồi xem cái máy đó số mấy , cúp nó đi rồi chừng đâu năm phút bật trở lại xem sao .
Nghe lời vợ dạy , tôi tắt máy rồi chờ chừng năm phút . Mà thật đúng như vậy , quá mấy phút máy trở lại reset như vị trí chờ khởi động . Tôi mở cái nắp miệng ra và thấy một cái vớ nhỏ bị kẹt ở nắp máy giặt .
- Amiga , cái này là lỗi ở bà , bà đóng cửa lại mà để cái này thò ra , nên nước trong máy cứ chảy ra . Bà không hiểu à ! Thôi được rồi , để tui vô trong phòng lấy bạc cắc , cho máy chạy cho bà .
Bà nhà tôi gọi điện lại cho tôi . Tôi trình bày sự kiện . Bà nhà tôi cằn nhằn :
- Ðó là lỗi của con mẹ đó . Nó phải trả tiền chớ .
Tôi cười trừ không cãi lại . Tiền đâu phải của mình , bạc cắc nằm trong máy đó là tiền của ông bà chủ tiệm . Máy trục trặc dù cho lỗi của ai thì việc làm vui lòng khách hàng là ưu tiên hàng đầu .
Và tới ngày Chủ Nhật kế tiếp , tôi đang mải mê coi trận đấu bóng chày football giữa Dallas Cowboy và Tennessee . Vài người khách da màu hững hờ đi ngang cái ti vi , không thèm để mắt tới , mặc dù tôi biết họ là fan , người mộ điệu của đội banh Cowboy . Họ bĩu môi : " Chơi dở ẹt ! " Đúng thế , qua sáu trận tỉ đấu đội Cowboy thua năm thắng một .
Cửa mở ra một thiếu phụ Mỹ đen cao lớn dềnh dàng , hai tay ôm một giỏ quần áo dơ bước vô . Theo sau là một cậu bé chừng đâu hai ba tuổi , quần áo tươm tất lon ton chạy theo mẹ . Bà ta loanh quanh mấy cái máy giặt , gọi tôi :
- Cái máy này được bao nhiêu " load " ?
Tôi ngẩn người ra , học tiếng Anh từ thuở lên mười ba tuổi , đi lính học trường Sinh Ngữ Quân Đội , tị nạn làm thông dzật viên , qua Mỹ hơn hai chục năm . Vậy mà nghe xong không biết trả lời làm sao . Tôi nhớ mang máng là bà nhà tôi có lần hỏi tôi chữ LOAD một lần . Tra trong từ điển Webster , hay trang mạng Wikipedia đều cắt nghĩa là một vật nặng , chất hàng vào xe , nạp đạn vô súng .
Tôi ỡm ờ trả lời nước đôi :
- Thì chắc nó có nghĩa là chất quần áo vào trong máy giặt .
Nhưng hôm nay , khách hàng hỏi thẳng là bao nhiêu " LOAD " . Tôi ngẩn người nhưng nghĩ ngay đến câu khác :
- Bà là người khách mới ?
Bà ta mĩm cười , gật đầu .
May quá cạnh đó có một cậu thiếu niên da màu đang loay hoay cho quần áo vào giặt . Tôi dùng câu hỏi đó hỏi cậu ta . Hắn tươi nét mặt , rồi lấy ngón tay chỉ vô một dấu hiệu sơn trắng cạnh nhãn hiệu Speed Queen . Hình vẽ hai cái giỏ (basket ) trống . Tôi hiểu ngay vấn đề nan giải này và xoay sang bà thiếu phụ giơ hai ngón tay :
- Hai .
Nhiều việc khó khăn ta cứ tưởng phải đi tìm nơi xa xăm nào đó , nhưng thật ra nó có thể nằm trong tầm mắt ta . Nó có thể bị một vật nào che khuất , dời nó sang một bên thì chính lúc đó ta có thể tìm chính cái bản ngã ego của mình .
Chú bé con da màu tung tăng trong tiệm giặt , chân mang đôi giày đen còn mới tinh bóng loáng . Trong tiệm lúc nào cũng để một lọ kẹo , tôi cầm lấy lọ kẹo hỏi cậu bé có muốn ăn kẹo không và làm bộ hỏi nó :
- You có muốn đổi đôi giày mới của you lấy viên kẹo này không ? Lại thêm đôi giày cũ của tui nữa .
Cậu bé tuy bước đi còn chập chững , giọng nói còn be be , gật đầu nói Yes . Tôi trao cho nó viên kẹo và bước ra ngoài cửa để còn tiếp tục coi trận đấu thư hùng của đội banh bóng chày Dallas Cowboy . Nắng bên ngoài vẫn còn hanh vàng , gió mùa thu thổi về se lạnh .
HH 19/11/2010
Thursday, August 12, 2010
- Anh Hai còn ở đây mấy ngày nữa , muốn ăn uống gì thì cứ biểu tụi em , hay là mai em mua hột vịt lộn dzìa ăn .
- Ủa ! Ở chợ này hổng bán hột gà lộn à !
Cô em tôi nhíu mắt ngạc nhiên :
- Có gà lộn à !
- Có chớ , bên Mỹ họ bán đầy ở ngoài các chợ Việt Nam , bảy tám chục xen (cent) một trứng . Mấy người bạn anh đôi khi ra ngoài hồ lượm được cả hột ngỗng lộn nữa , mời mấy người bạn Mỹ về nhà nhậu . Có khi họ làm cả tiết canh ngỗng mời họ nhậu . Tụi Mỹ nhí nhắng hỏi :" Cái giống gì vậy ? Tụi bạn anh trả lời : " Vietnamese Pizza " .
- Pizza sao nó hổng giống như pizza của Ý , mềm nhũn à !
- Mềm nhũn nhưng mặn mà lắm .
Đến khi họ biết là Vietnamese pizza chế biến từ tiết con ngỗng , chu chao ui , tụi nó chạy vô phòng vệ sinh thiệt lẹ .
Cô em tôi chợt lên tiếng hỏi :
- Anh Hai có ăn qua bột chiên bao giờ chưa .
Tôi lắc đầu , lòng chưa hề nghĩa đến cái món bột nào dùng để chiên . Bột nào mà chẳng chiên được , từ bột gạo , bột mì , bột mìn tinh , bột sắn . Cứ rán cứ chiên lên là xơi được tất . Thật ra tôi không thích ăn những món nào chiên hay rán . vì những thứ này đầy những dầu mỡ .
Từ nhà cô em tôi ra đến đầu chợ chừng mươi phút .Ban đêm trên đầu chợ mấy chục năm qua vẫn có bày biện vài hàng quán bán đêm . Xe bán sâm bổ lượng của ông già người Tàu . Xe sinh tố của bà Năm Mập , một sập bán ốc nghêu sò ốc hến và cạnh đó là một xe đẩy hai bánh của chú Tư Bánh Ít .
Tôi thảng thốt kêu lên :
- Mèn đét ơi ! Tưởng bột chiên là giống gì . Món này ngày xưa thỉnh thoảng tôi ghé qua ngang rạp hát Kinh Thành gần chợ Tân Định xơi hoài . Nhưng món này ăn chừng một dĩa thôi , qua đến đĩa thứ hai xơi hông nỗi .
Cô em tôi mỉm cười :
- Anh Hai xơi hổng nổi chớ con Dung nó ăn đến ba dĩa lận .
- Dung nào vậy ?
- Con cô Tư đó anh quên rồi sao ? Năm ngoái cô Loan có dắt con Dung về Việt Nam chơi . Tiện thể nó rủ một người bạn cùng phái học cùng lớp về chơi . Cô nhỏ đó Mỹ trắng , tóc vàng . Hôm tụi nó về đây chơi , cả chợ đều ngắm nhìn đều khen đẹp . Con bé đó mỗi tối thích ra đầu chợ ăn món bột chiên này lắm . Ăn xong hai đĩa tụi nó còn gọi mỗi đứa hai ly nước mía đầy vung . À , có chuyện này em kể cho anh nghe . Bữa đó ,em dắt hai đứa nó ra đây thì có một thằng cha nào ngồi nhậu , trên bàn còn vương vải mấy dĩa ốc . Trông thấy cô gái Mỹ xinh đẹp , hắn làm bộ, xì xô xì xào với cô gái Mỹ một hồi , mà không thấy cô gái Mỹ trả lời lấy một câu , hắn quay sang hỏi em : " Chị Út ơi ! Con nhỏ Mỹ bộ nó hổng biết tiếng Mỹ sao vậy ! Em hỏi nó bằng tiếng Mỹ thông dụng , nó cũng làm thinh , em dùng Anh ngữ cao cấp hơn một chút , nó cũng im luôn . Tóc vàng vàng chắc hổng phải Mỹ . Anh biết không , về nhà em mới hỏi con Trân bạn nó . Con Trân mới thông dịch như vầy : " Nó hiểu chớ , hắn ta nói tiếng Anh tiếng Mỹ cỡ nào mà nó chẳng hiểu . Có điều là ... hắn nói nham nhở quá . Đầu tiên nó khen cháu đẹp . Beautiful ! Kế đến nó hẹn , nó rủ đi xi nê , rồi nếu được nó hỏi tui có bằng lòng lấy hắn không ? "
Qua hôm sau em gặp hắn , biểu là nó không phải là người Mỹ mà là dân Tây . Hắn cười nhe răng rồi nói : "Để mai mốt em học tiếng Tây rồi tìm nó nói chuyện . " Rồi mãi đến khi hai đứa nó về Mỹ , bắt gặp hắn , tay hắn cầm cuốn sách dạy tiếng Pháp , miệng còn lẩm bẩm : " La tete là cái đầu , je t'aime là tui yêu em vô cùng .. je t'aime je t'aime . .
Lần này là lần thứ ba tôi trở về Việt Nam và khi ra phi trường Tân Sơn Nhất đi về Mỹ tôi nhất quyết không mang theo hành lý túi giỏ xách tay theo người . Dù nó to hay bé . Khi lần đầu tiên về Việt Nam thăm mẹ tôi bệnh nặng , hành lý quần áo cá nhân , quần đùi quần lót áo thun không về kịp nên tối đó tôi không có quần áo để thay . Ban đêm chợ búa đều đóng cửa . Đến lần thứ hai đã có kinh nghiệm đau thương , tôi luôn luôn kè kè bên mình một cái túi xách tay nho nhỏ , trong đó chỉ có một hai cái quần đùi áo thun , kem và bàn chải đánh răng . Đến khi ra phi trường trở về Mỹ , tôi đang lơ ngơ lơ ngớ trong phòng đợi , bỗng chợt thấy hai anh đầu đen bước tới . Sắc mặt nghiêm nghị , mắt nhìn thẳng vào tôi , gằn giọng ra lệnh :
- Ông kia ! Mở cái túi xách ra cho chúng tôi kiểm tra .
Tôi sửng sốt , tự hỏi nơi đây sao lại những người mặc thường phục ngang nhiên xét đồ xét đạc hành khách . Tôi e dè hỏi lại :
- Các ông là công an ?
Một trong hai người nặng giọng :
- Đúng vậy . Mở giỏ ra . Chúng tôi theo dõi ông từ khi ông vào đến đây . Trong đó có cái gì mà khiến ông phải khư khư ôm chặt nó vậy ?
Dù bực mình , nhưng tôi vẫn nhếch nụ cưòi lấy lòng :
- Giỏ có gì đâu .
Vừa nói tôi vừa mở banh cái túi giỏ ra . Bên trong chỉ vỏn vẹn hai cái quần đùi và lổng chổng cái bàn chải đánh răng .
Mặt tên công an dài hẵn ra , chưng hửng tưởng rằng phen này bắt được một tay trùm bạch phiến có tầm cỡ quốc tế . Hắn cố lấy tay lục lọi một hồi lâu , thật kỹ . Xem chừng không có gì họ xin lỗi , ngoay ngoắt bỏ đi .
Từ trên cánh máy bay của hãng Eva , Hàng Không Đài Loan , ngồi cạnh một cửa sổ kính , tôi ngó ra ngoài . Những dãy nhà tôn nhà gạch chập chùng phía dưới . Mái tôn xam xám lẫn lộn màu nâu sét rỉ từ từ trở thành nhỏ đi khi máy bay tiến lên cao độ . Dòng sông Sài Gòn vàng đục lững lờ uớn cong . Một đám mây trắng bay ngang che khuất tầm mắt tôi , nước mắt tôi như muốn muốn nhoè ra . Quê mẹ tôi đây , giờ đã xa hẵn rồi .
Khi ra khỏi máy bay American Airlines để vào phòng lấy hành lý , tôi nhìn đồng hồ biết rằng giờ này hơn bốn giờ sáng . Nơi đây tôi chợt thấy một ông đầu đen đang đứng chờ hành lý sắp sửa chạy vòng qua khung thép chuyên chở hành lý . Ông này tôi quá quen , ông là chủ một siêu thị khá nổi tiếng ở thành phố Arlington .
- Khỏe không anh Ba ?
Ông ta quay sang , gặp tôi nở nụ cưòi chào . Giọng ông ta lơ lớ nửa Tàu nửa Việt .
- Nị mới Việt Nam dề hả ?
- Ừ ! Còn ông ? Về VN lấy thêm bà vợ nhỏ nữa hả ?
- Ngộ hổng dám à , con vợ nị biết được uýnh thấy mụ nội .
- Thế ông về chơi chăng ?
Ông Ba lắc đầu .
- Dzìa mua đất .
À ! Lại có thêm một người nghe lời dụ dỗ ngon ngọt . Người về Việt Nam mua nhà mua đât có kẻ thành công có người thất bại . Bạn bè , người thân cháu chắt tôi thỉnh thoảng cũng gọi điện thoại rủ rê tôi hùn hạp mua nhà mua đất . Tôi cứ cười trừ . Làm ăn với Việt Cộng họ có nhiều thứ luật , cả một rừng luật thay đổi liên miên , nay thế này mốt thế nọ . Chẳng biết khi nào mà đón mà đỡ .
- Đất ở đâu vậy ? Phú Mỹ Hưng ?
Ông ta lắc đầu .
- Ở đó mắc bỏ mẹ , mua xa một chút giá rẻ hơn .
- Anh đứng tên đất ?
- Không , nhờ ông anh tui .
- Thế anh gặp bọn cán bộ , họ có vui vẻ tiếp chuyện không ?
Ông ta mặt tiu nghỉu , giọng trầm buồn :
- Mẹ kiếp , mấy chả mặt thì ngu như bò còn miệng thì hét ra lửa . Lần này tui về làm ăn với tụi nó một chuyến thôi , lần sau tui đếch thèm .
Tôi mường tượng ra những con người trong thời đại tiên tiến , mặt mũi trông không đến đỗi ngu si lắm , cái óc toàn tính chuyện nhảy vọt năm năm mười năm , những lỗ miệng phun ra lời gầm thét , chửi mắng như rồng rắn . Tôi tự nghĩ hoài , không biết đó là những con sinh vật nào trên trái đất này lại có thể tồn tại được trong mấy chục năm qua . Phải chăng là con rồng bảy đầu mười sừng trong sách cổ nói ư ?
Tôi xin mượn lời của một người bạn Hàn Lệ Nhân để kết thúc một chuyến về thăm quê hương :
Tôi là con chim lạc bầy từ muôn chim kiếp trước
Tôi là mây bay ngàn đời trên trời tha phương
Quê mẹ trong tôi chỉ là văn chương
Ai về quê hương nhặt giùm vài ba nhánh lúa
Ôm chặt trong tay bồi hồi nghe lòng say say
Quê mẹ tôi đây ! quê mẹ tôi đây !
Hoang Hac ngày 20 tháng 8 năm 2010
Saturday, July 24, 2010
- Cậu Hai ! Mua ít dừa ăn giải khát đi cậu .
Tôi rất ngại ngùng khi phải dùng các loại nước giải khát hay sinh tố bán dọc các lề đường khu xóm . Nước lã được pha chế ắt hẵn là từ vòi nước phông tên hay từ một nguồn nước không rõ lai lịch . Ở Việt Nam được khuyến cáo không nên uống nếu chưa được đun sôi .
Những mảnh dừa nước trắng phau phau nằm sấp ngửa trong cái châu nhôm trắng nham nhám . Nước đá cục lểnh mểnh bồng bềnh trên mặt chậu . Tôi ngần ngừ .
- Mua đi cậu , dừa này già mới vừa bóc xong , thơm phức nè cậu .
Những lời đó có lẽ đủ sức thuyết phục tôi . Có gì đâu , nếu chẳng may đau bụng thì tôi đã có sẵn mấy viên Imodium ở nhà .
- Vậy thì cụ lấy cho cháu ... một bịch à không ... năm bịch . Cụ cột dây thun cho chắc nhé . Cháu mang về nhà mới ăn .
Cụ già với hàm răng móm mém tươi cười nhanh nhẩu bọc lại năm bịch dừa nước trao cho tôi :
- Lần sau cậu ghé qua đây nhớ sang hàng dừa nước của tui nhé .
Qua phà đón xe về Sài Gòn và về Phú Nhuận cũng hơn một tiếng , trời cũng vừa nhá nhem . Ánh đèn điện bên đường vừa bật sáng .
Bữa cơm tối đó , cả gia đình cô em tôi quây quần bên chiếc bàn gỗ nho nhỏ trong phòng khách . Một đĩa thịt cốt lết chiên , vài con cá bống kèo kho tộ màu nâu vàng và một tô canh có những chiếc lá ngả sang màu vàng uá . Tôi nhìn tô canh không có vẻ quen thuộc lắm , lá không giống như lá chanh , cũng không giống như lá ngót .
Cô em tôi tươi cười bảo :
- Ăn đi anh , canh này chắc anh chưa bao giờ xơi phải không . Canh chua lá giang đó anh .
Tôi nếm thử , mùi vị chua , chua nhè nhẹ , không gay gắt như dứa nhưng không thơm bằng . Nó lại nham nhám không mềm dịu như bông so đũa .
Tôn chồng cô em tôi xen vào :
- Mấy cái lá này trên vùng kinh tế mới mọc hoang dại um tùm , tụi em bứt lá ra thử , nó có mủ trắng . Hoa thì mọc từng chùm , có chỗ màu hồng có nơi thì hồng lạt . Người ta biểu lá giang có tính dược cao , chữa được nhiều bệnh . Nhưng hổng nên dùng thường xuyên , dễ bị lủng ruột . Nhứt là hổng nên nấu bằng nồi nhôm vì nó ra nhiều ten lắm . Muốn an toàn thì phải mua nồi i nóc xi đáp mới được .
Tôi nghĩ chỉ có quê hương Việt Nam mới có những ngọn rau ngọn cỏ đặc dị thơm ngon như vậy , được nhặt nhạnh từ những cánh rừng , những bờ kinh bờ ruộng những loài hoa cỏ không tên tuổi , rồi được dân gian đem về thử nghiệm ăn thử .
Tôi ậm ừ rồi hỏi tiếp :
- Trên vùng kinh tế mới , dân nghèo thấy mẹ lấy chi mà nấu .
Tôn cười buồn :
- Thì hổng ăn canh chua , xơi khoai mì mãi mãi mà anh .
Tôi nhớ đến những ngày tháng tị nạn tại đảo Kuku mỗi đầu người cứ năm ngày được phân phát một bịch thực phẩm , trong đó có một kí gạo , hai lon đồ hộp . Đồ hộp chỉ gồm có hai ba loại duy nhất , không paté thì lòng dạ bò hoặc móng heo hầm nhừ . Ăn đâu chừng một tuần lễ , bọn chúng tôi không thân nhân , không tiền trợ cấp, xót xa lòng dạ , bèn rủ nhau đi ra bìa rừng nhặt nhạnh vài cọng cỏ trai , rau sam , rau mồng gà . Cỏ trai mùi vị nhàn nhạt như cỏ , rau sam toàn là những cọng già dai nhanh nhách , rau mồng gà vị lại đăng đắng . May mắn là không có mạng nào đi theo ông bà ông vải .
Cô em tôi nhìn chăm chăm vào tôi rồi hỏi :
- Canh lá giang ăn được không anh , em nấu với râu tôm cho nó mặn mà . Sao nó chua à . Không , anh tự nhiên mà ăn . Dưới bếp còn cả nguyên nồi canh lá giang để dành cho anh .
Cơm nước xong , tôi lôi ra mấy bịch dừa nước ra mời cả nhà cô em tôi :
- Dừa nước này tui mới mua ở Nhà Bè , còn tươi nguyên .
Cô em tôi mở bịch nước dừa ra , đưa vô mũi ngửi :
- Mèn đét ui ! Có mùi chua , chắc là họ nạo dừa từ ngày hôm qua .
Tôi cũng xé một bịch khác ra , rồi ngửi :
- Ừ ! Vậy mà mấy bà ngoài đó rối rít mời : " Dừa tươi đây , dừa tươi đây ."
Saturday, July 17, 2010
- Cái con này ăn ra làm sao , các cháu ăn qua bao giờ chưa ?
Bọn trẻ trong xe có đứa gật đầu .
- Con này dễ làm lắm chú . Trước tiên rửa sạch chúng nó rồi đem ngâm với nước vôi vài giờ . Chặt bỏ cái phần da này rồi lộn ngược nó rửa sạch , bóp với muối dấm .
Cứ như theo cách chúng chỉ dẫn thì phương pháp này giống như tẩy rửa bộ đồ lòng của heo gà .
- Cách nấu nướng như thế nào ?
- Ai thì cháu không biết , tụi cháu cứ luộc lên xong chấm nước mắm chanh ớt . Khi ăn nó sừng sực dòn dòn , ngọt còn hơn mực nang tuổi còn chưa lớn .
- Còn như nhà hàng họ sửa soạn ra sao ?
- Nhà hàng thì họ bày ra nhiều trò lắm chú , như là Long Tu Quá Hải , Kiến Long Tại Điền .
Cũng là mấy ông khách Việt kiều , các bác đại gia đỏ có tiền có bạc rủng rỉnh về Việt Nam ăn chơi hưởng thụ . Từ nhà hàng này qua nhà hàng khác , từ quán karaoke đến các vũ trường sang trọng . Tôi đã từng nghe , xem qua các cuốn DVD chiếu những đêm Sài Gòn ăn chơi không thiếu gì các món ăn vật lạ mà nếu như bà Từ Hi Thái hậu sống lại cũng bật ngữa . Dơi ba món , máu rắn , mật gấu pha rượu whisky , thằn lằn núi , rắn hổ Taipan , rắn mamba Phi châu , rồi dần dần đến những con côn trùng ếch nhái bọ hung, nhện bò cạp như ở Thái Lan , tạo ra những nhu cầu bất cập , những cái không cần thiết cho đời sống . Có một lần chúng tôi ngồi trên xe tắc xi khi đi xuống chợ Bến Thành mua sắm . Mấy đứa con chỉ trỏ vào các cửa hàng ăn sang trọng gần dinh Độc Lập cũ , các quán ăn nhậu thật sang trọng . Chúng nó nhận xét :
- Bố nói là người dân Việt Nam nghèo đói lắm mà , bố nhìn vào các cửa hàng ăn uống xem . Nghèo khổ gì đâu bố !
Lúc đó thật tình tôi không biết trả lời ra sao . Chúng tôi đã đi qua từ Đà Nẵng ,Huế , Hội An , Hà Nội , Ninh Bình, Quảnh Ninh , Hạ Long , Sài Gòn với những vẻ hào nhoáng bề ngoài , của một số các bin đinh nhà hàng sang trọng của Sài Gòn Hà Nội . Chúng tôi được xem qua những cảnh đẹp như kẻ cưỡi ngựa xem hoa làm sao đánh giá đúng mức được . Chúng nó không có dịp đi xa ra khỏi ngoại thành ra ngoài miệt An Phú Đông , miệt Bình Thới , Bình Triệu có những dãy nhà lụp xụp nhà mái lá tranh dột nát , có những mái lều ủ dột chỉ được bao phủ bằng những tấm ni lông rách nát .
Trước khi đến bến phà Bình Khánh bọn trẻ một lần nữa ào ào xô lấn chen ra khỏi xe . Chúng đứng dáo dác như thể đang tìm ai . Những đứa con trai con gái khuôn mặt đầy những vết sình với quần áo lem nhem bẩn thỉu . Tôi liên tưởng đến những phích to lớn treo đầy các ngả tư ngả năm trên thành phố Việt Nam , những bảng vẽ to lớn tô đậm những hàng chữ Lao Động Là Vinh Quang . Nhưng nếu chúng nó không lội sình lội bùn , lang thang chắc chắc là chúng sẽ chết đói . Phải chăng đó là hình ảnh tương lai của dân tộc Việt Nam ?
Saturday, July 10, 2010
Chiều thứ sáu bầu trời thành phố Fort Worth mây đen kéo đến che phủ mọi nơi . Vài giọt nước mưa vội vàng bắn tung tóe trên mặt kiếng xe . Tôi bước nhanh vào văn phòng bảo hiểm gần khu chợ Việt Nam tôi ở . Chị Thu Trúc ngồi thơ thẩn trên cái bàn gỗ , chợt nhìn thấy tôi , cười tươi và chào hỏi :
- Chào chú , hôm nay Thu Vân giúp gì cho chú đây ?
Tôi mỉm cười chào lại , mở xấp giấy báo lôi ra một tập hồ sơ bảo hiểm nhà đặt lên bàn làm việc của cô ta .
- Chị Trúc ơi ! Cách đây hơn tháng , tui có " claim " với hãng bảo hiểm của chị là mái nhà tui bị gió lớn , wind damage . Hãng bảo hiểm cho người xuống định giá rồi đền tui có ba ngàn . Chị coi xem , ba ngàn đâu có đủ tiền để lợp lại mái nhà . Này nhá , theo bản định giá thì mái nhà phải đền là 9000 đô , trừ tiền Less Non Recover Depreciation 4000 , còn năm ngàn , trừ tiền " deductable một phần trăm 2000 . Rốt cuộc đền tui có ba ngàn thôi . Tui đưa cái hồ sơ bảo hiểm này cho thằng con trai tui đọc suốt tuần nay , rồi hai cha con tui mò mày mãi mà vẫn không thấy cái khúc nào đoạn nào nói về cái khoản trừ " Depreciation " , chị chỉ cho tui xem .
Chị Trúc đang nở nụ cười bỗng tắt lịm , nói trơ ra :
- Ảnh đọc có hiểu không ?
- Chắc hiểu chút chút , nó mới học xong .
- Học xong lớp ESL à ?
- Không phải , tốt nghiệp Master về " Computer Network "
Nghe tôi nói , cô ta không cười nữa , mở hồ sơ nhà xem xét . Lớp ESL có nghĩa là English as a second language . Môn Anh văn để dạy cho những người vô Mỹ mà khả năng nói viết Anh Ngữ còn hạn hẹp . Master là bằng Cao học , bây giờ ở Việt Nam gọi nôm na là Phó Tiến Sĩ .
Tôi biết chị ta ngang cỡ tuổi con tôi , mới qua Mỹ chừng hơn chục năm , ngày xưa cũng học lớp ESL và có thời đi làm chung hãng phôn Nokia đứng dây chuyền cùng với bà nhà tôi . Sau vài đợt sóng gió biển dâu , hãng xưởng ở Mỹ thi đua nhau cho công nhân nghỉ việc laiđoff , chị ta khéo léo xin vào thư ký cho một hãng bảo hiểm .
Trong hãng điện tôi làm bây giờ , ông xếp bày đặt ra cái lệ mới . Mỗi chiều thứ Năm , téch ni sơn tụi tôi thay phiên nhau để " Cross training " , có nghĩa là huấn luyện lẫn nhau . Anh Smith giỏi về cái mạch điện "transmit " để chỉ cho người khác biết , ông Brown biết về máy chỉ cao độ cũng vậy . Đầu tiên một anh Mỹ , tên là Paul chỉ cách cho chúng tôi biết cách cột bó dây ... điện , làm sao để bó lại những sợi điện , mà anh ta nói rằng rất có ích trong việc gọn gàng trong hệ thống điện máy bay . Một anh khác chỉ dạy lại cách đọc trị số các điện trở resistor trong mạch điện . Chuyện này làm chúng tôi bực mình lắm . Cách đây mấy chục năm đi học lớp điện tử căn bản , anh nào mà chẳng học cách đọc này , black là zero , brown là một . Bây giờ lại lôi ra mấy thứ cũ xì cũ xiếc ra làm trò . Đến một tuần đến phiên tôi , tôi đề nghị với họ là dạy về ESL , dù sao hồi bên đảo Galang thời còn tị nạn tôi cũng là thầy dạy ESL cho đồng bào tị nạn . Tụi Mỹ nghe ESL hỏi nghĩa là gì , biết được họ phá lên cười ầm ĩ cả phòng . Một anh đầu đen nói tiếng Anh cà ngọng cà ngọng dạy tiếng mẹ đẻ cho họ .
Sau một lúc lật qua lật lại hồ sơ bảo hiểm , những trang giấy tiếng Anh mờ mịt những chữ là chữ , cô Thu Trúc sờ càm nói :
- Cháu coi mãi cũng chẳng thấy , nhưng như cháu đã nói . Nếu như chú mua bảo hiểm nhà với giá cao thì bảo hiểm đền cho chú 100 phần trăm . Còn như bây giờ chú muốn mua thấp , giá nhà bảo hiểm cho là 250 ngàn , chú mua có 170 ngàn , bảo hiểm đâu có đền đủ đâu .
- Cô nói sao vậy ? Năm ngoái đi mua nhà , nhà băng gọi xuống hãng bảo hiểm cô , bảo tôi mua . Căn nhà được bảo hiểm đến 220 ngàn cơ mà .
Cô Thu Trúc nghiêm giọng :
- Theo như cháu biết , trên tờ giấy kê khai "Itemize" thì nó không có chữ " Replacement Cost " . Không có những chữ này thì bảo hiểm sẽ khấu trừ tiền hư hao . Mái nhà chú cũ , xây chục năm rồi , nên giá trị chỉ còn phân nửa thôi .
Nghe cô ta nói luyên thuyên một hồi , tôi bèn bảo :
- Vậy thì bây giờ cô coi một số hồ sơ , xem xem có anh nào đề chữ " Replacement Cost " cót cót gì đó không ?
Tôi đứng bên cạnh nhìn thoáng qua bàn tay cô Thu Trúc , bấm tới bấm lui trên màn hình computer .
- Hổng có chú . Thôi bây giờ chú về nhà , chú gọi cho văn phòng chính hãng bảo hiểm , trình bày sự việc với họ . Hôm nay là chiều thứ Sáu giờ này họ chắc đóng cửa rồi , thứ Hai chú gọi cho họ .
Ra ngoài đường , lòng tôi cảm thấy buồn tưng tức làm sao . Kỳ này chắc phải đi kiếm hãng bảo hiểm khác mà mua . Nhưng mà , các hãng bảo hiểm khác khi giở hồ sơ nhà của tôi ra , trên computer sẽ hiện ra dữ kiện , biết mái nhà hư hỏng không biết họ có bán cho hay không .
Trên bàn ăn nhà bếp , bà nhà tôi bày biện vài đĩa thức ăn . Một đĩa rau cải ngọt luộc , một đĩa dưa leo , một khúc cá yellow bass kho còn sót lại , một đĩa gà ram , một đĩa thịt paté chiên , một đĩa đậu hũ chiên và một tô nước rau .
Con Linda nhà tôi ngắm nghía mấy cái đĩa trên bàn , nói :
- Má má ! Hôm nay hổng có thức ăn mới hả má ?
Nhà tôi thức ăn ăn không hết , cất vào trong tủ lạnh . Từ thứ Hai hai món cho đến thứ Sáu thì đã năm sáu món . Tôi chỉ ăn rau với cá thôi , mấy món kia để dành cho họ .
Thy , đứa con thứ hai tôi cầm đũa khuấy khuấy mấy cọng rau luộc , cười tươi nói :
- Má , má ! Điểm thi MCAT về rồi .
Hai tháng qua tôi thấy con bé Thy lúc nào cũng ôm cuốn sách luyện thi MCAT . MCAT là chữ viết tắt của Medical College Admissions Test , bài thi vào trường y khoa cho Mỹ và Canada . Cuốn sách dày cộm , dày hơn bảy tám cuốn Đại Đường Song Long tôi đang luyện , tôi có coi thử . Mở ra tôi tá hỏa tam tinh , nào là các phương trình đại số x y , công thức hóa học C cộng H cộng N gì quá xá , các mạch điện r , i chạy loạn xạ . Thấy mặt mày nó lúc nào cũng đăm chiêu . Hôm nó đi thi về , nhăn nhó : " Bài thi gì mà dài quá , thi đến năm tiếng đồng hồ . " Tôi an ủi : "Hông được lần này thì lần sau ." Lúc đó nó thở dài : " Lần này là lần thứ hai bố , lần thứ nhất kết quả chưa về . "
Khi trước tôi nhắc đến cậu Vinh Xằng (Vincent) con ông anh vợ tôi , nó thi MCAT được 35 điểm và được mấy trường y chấp nhận , mặt nó không nói nhưng tôi biết nó có nhiều nỗi lo lắng , ưu tư .
- Điểm được bao nhiều hả con ?
- Hai mươi bảy bố .
Tôi không rành lắm về bảng điểm này . Nhưng tôi cũng biết là điểm trung bình . Cô Thu con ông anh vợ tôi , bác sĩ chuyên khoa ung thư lần đầu tiên thi MCAT cũng chỉ có 25 . Lần sau thì tôi không biết , chắc hơn ba mươi .
Bà nhà tôi xen vô :
- Thế con có pass không ?
Con bé Thy nhà tôi nói :
- Bây giờ con phải học cho xong năm chót , đồng thời nộp điểm GPA và điểm MCAT cho các trường y .
Bà nhà tôi nói :
- Khi nào con biết con pass .
Tôi bèn cắt nghĩa chữ PASS cho bà nhà tôi , đây không phải là đậu hay đỗ , mà là do các trường y họ sẽ tuyển sinh . Anh nào hay chị nào giỏi , điểm nào cao thì họ sẽ lựa chọn .
Bà nhà tôi gắt lên :
- Ông làm như tui không biết . Tui nói con Thy nó hiểu , giải thích rồi . Đâu cần ông phải nói lôi thôi .
Như thằng lớn hồi xưa bảo đi học mắt học răng , ai khuyên cũng hổng chịu . Đó bây giờ vô hãng làm , mai thấy người này bị laid off , mốt thấy người kia nghỉ việc . Ai nấy đều có mười mấy năm thâm niên mà còn bi. huống gì nó .
Con Thy cười :
- Thì ảnh năm nay ghi tên đi học thêm về Biology , nhưng ảnh tính học về mấy con cho' con mèo gì đó , nhưng chị Phụng vợ sắp cưới của ảnh hổng chịu , bảo là nhà mới mua cả hai trăm ngàn , chỉ sao trả nổi .
Tôi cười lái câu chuyện qua ngả khác :
- Bây giờ mà bà nuôi tui thì ....thì tui cũng đi học bác sĩ mắt . Đừng nói mắt chứ mũi răng tóc tiếc học hết . Chứ vô mấy trường chuyên khoa chắc hông nổi .
Cả nhà đều cười ầm lên .
Khi cơm tối xong , chợt nghe tiếng điện thoại vang lên :
- Anh An đó hả ! Em là Chu đây , anh có rảnh qua nhà em tối nay hát karaoke . Hôm nay có thêm vài người bạn cỡ tuổi em . Chị Ba hớt tóc đầu ngõ , anh Tư làm nail cuối xóm .
Tôi nói lời cám ơn :
- Mấy giờ mới hát dzây anh ?
- Chín giờ .
- Trời đất , giờ đó tui sửa soạn đi ngủ rồi .
- Ngủ chi mà sớm dzậy ?
- Quen rồi , cứ giờ đó mắt cứ đờ ra . Ngủ chỉ đến hai ba giờ sáng là thức giấc . Vậy xem đến lúc đó mà tui thấy khoẻ qua anh chơi nhé . Thôi chào anh Chu nhé .
Lu'c ddo' bà nhà tôi đang lôi mấy cái hộp nữ trang ra .
- Ông xem , cái nhẫn hột xoàn hơn ca ra này bóng không .
Tôi liếc nhìn xem , hạt kim cương sáng loáng , lấp lánh màu tim tím .
- Hình như là giáp cúc . Bà mua chắc cũng vài ngàn .
- Vài ngàn con khỉ khô , nếu mà thiệt cũng cả chục ngàn . Cái này tui mua ở Việt Nam hơn trăm đô , cái chuỗi kia có nhận sáu hạt hồng bảo thạch tui mua bên Thái cũng trăm đô . Ông coi nước hột xoàn bên Thái nó cũng sáng hơn hạt đá Việt Nam nhiều . Cái này mà đeo lên bữa đám cưới thằng con mình hợp với cái áo dài tui may bên Việt Nam .
- Tui thấy bà ít khi đeo mấy cái hạt này lắm .
- Ông thiệt là hổng hiểu gì hạt xoàn hết , thứ này lâu lâu mới đeo thôi . Đeo mãi nó tróc nó trầy hết . Ông bảo ông học giỏi gì cũng biết , mà sao chuyện này ông dốt thế .
Thật ra đôi khi tôi kể cho bà nhà tôi ngày xưa có thử qua mấy cái máy đo độ cứng hardness , độ co kéo tensile strenght . Kim cương có độ cứng nhất , còn mấy cái hạt đá thủy tinh thì không biết độ cứng là bao nhiêu . Nếu có cũng chẳng dám thử . Tôi quay mặt đi dấu đi nỗi buồn vô cớ , nghĩ đến cái chuỗi hạt kim cương của bà vợ của một công chức người Pháp . Đánh đổi cả cuộc đời mình vì chuỗi hạt kim cương giả .
Ngày 10 tháng bảy năm 2010
Saturday, July 3, 2010
Tuy những khuôn mặt như những cô bé lọ lem Cinderella , nhưng tôi vẫn nhận ra nguồn sinh lực trẻ trung của chúng , với nét mặt hớn hở vui tươi . Tuổi chúng nó chắc cũng ngang ngang tầm cỡ con tôi . Nhìn xuống thùng can nhựa đầy vết sình đen , tôi không hiểu rõ chúng đựng những thứ gì . Chúng đi buôn chăng , buôn gạo buôn muối buôn đường . Chắc là không rồi ! Hay là chúng nó đi buôn đất . Đất đây có một nghĩa đen thực sự , không như đi buôn dân bán đất như của một số người độc quyền yêu nước , mà họ bán luôn một phần đất của quê hương này . Tôi quay xuống dưới , nhìn sang một cô gái . Cô ta ngồi trên lòng một chàng trai trẻ . Có lẽ xe không còn đủ chỗ ngồi , nên họ ngồi chồng lên nhau chăng ? Tôi đoán hai đứa trẻ này có lẽ là đôi tình nhân hay là cặp vợ chồng , vì theo cử chỉ điệu bộ thân thiết âu yếm với nhau , không có vẻ gì là thẹn thùng mắc cỡ .
Nghe tôi hỏi vật gì chứa đựng trong thùng can nhựa , cô gái với mái tóc sình đen , ánh mắt đầy vẻ tinh nghịch , nói rõ to :
- Con ...
Tôi nghe ba tiếng đó , âm thanh gọn gàng, chắc nịch , làm da mặt tôi hơi nóng bừng lên . Tôi không nghĩ những lời nói đó bình dân nhưng đầy sự thô tục mà phát ra từ miệng một cô bé xinh xắn như vậy . Giá như mà nó là u ... u thì còn có vẻ nhẹ nhàng thanh tao hơn chăng , những tiếng mà mẹ hay gọi những cậu con bé bỏng , cu Tí ơi ! cu Tèo ơi ! Đằng này lại là âm vận " ặc ặc " vừa cộc lộc dung tục . Nhưng tôi lại không cảm thấy có một nét tục tĩu nào , có lẽ là những chữ thường dùng của bọn trẻ miền Nam này chăng . Khác rất nhiều so với cách dùng từ chửi bậy của một số trẻ con ngoài Bắc . Nghe xong rồi phật ý bỏ đi liền .
Nói xong cô ta lấy bàn tay đầy sình âu yếm xoa xoa lên đầu chàng trai trẻ ngồi cùng ghế với cô . Tôi hình dung ra một gã ăn mày dáng nho nhỏ , áo quần lam lũ , mặt mũi lem nhem bùn đất , một Hoàng Dung cùng sánh vai với gã Quách Tĩnh bên lầu Phượng Các trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu . Quách Tĩnh đang vòng tay ôm eo ôm , mang đang mơ màng gật đầu ngủ . Có lẽ sau những ngày lao động vất vả chăng ?
Tôi thắc mắc hỏi tiếp :
- Các cháu tìm được mấy con vật này ở đâu vậy ?
Cô gái lọ lem đó nhanh nhẩu đáp :
- Thì ở chỗ tụi cháu lên xe đó bác .
Cô bé nói chuyện huề vốn , đúng thì đúng thật . Cái chỗ chúng tìm được đào được chắc hẵn là ở vòng vòng những khu gần đó . Nhưng là chỗ nào , ý tôi nghĩ là giá như mình muốn đi tìm đi mò mấy con đó thì tìm nơi mô .
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay xứ Bắc anh tìm biển Nam
Giờ đây trôi nổi phương này
Chim bay lưu lạc tới ngay xứ này
Những cánh rừng tràm rừng đước rừng mắm chen chúc nhau , đua nhau mọc . Không có ai dẫn đường chỉ lối , biết đâu mà tìm .
Một cháu khác xen vô :
- Nói vậy chớ , từ đó vô trỏng còn khá xa . Phải lội bộ lội sình bùn mấy cây số nữa mới tới chỗ đào mấy con này .
- Cuốc xẻng đâu , hổng thấy các cháu mang theo người .
Cô bé cười , một nụ cười thật tươi :
- Tụi chái dấu hết ở trỏng rồi . Khi vô trỏng chỉ cần mang theo cái thùng nhựa này thôi .
Nói xong cô bé thò bàn tay vào trong thùng nhựa , lôi ra một con vật nho nhỏ . Nó chỉ bé bằng ngón tay trỏ hay ngón tay cái tôi . Đen sì bám đầy bùn đất , nó ngo ngoe co dãn thun ra thun vô như con đĩa . Những con đĩa mà anh em tù cải tạo thường âu yếm gọi là sâm biển , nướng chúng lên thì chúng cũng thơm phức như những con đuông cây dừa lửa .
- Thế các cháu mang về ăn về nhậu à ?
Cô bé lắc đầu nói :
- Bán .
- Bán cho ai , chú chẳng khi nào chú thấy bày bán ngoài chợ cả .
- Giống này hổng dám bán ngoài chợ đâu chú , công an bắt thấy mẹ . Quốc cấm đó chú . Cái này giao cho mối lái , họ đón tụi cháu rồi về giao cho các nhà hàng .
- Một kí chừng bao nhiêu hả cháu ?
Cô bé chép miệng , ngập ngừng một chút :
- Chừng trăm ngàn . Nhưng vất vả lắm chú ơi ! Tụi con lội sình lội bùn đến mấy cây số , nhiều lúc nước mặc nước lợ ngập qua cổ họng , rồi lặn hụp trồi lên trồi xuống bao phen , mò mẫm đào mò mãi . Một thùng như vậy may mắn cũng một ngày , có khi hai ngày . Chỗ này không có phải lội qua chỗ khác . Mương này không có lại bơi qua mương kia . Công an thỉnh thoảng nổ súng vây bắt tụi con . Tụi con phải bỏ hết đồ nghề , thùng thiết bỏ chạy lấy thân . Chạy thoát ra ngoài bìa rừng cũng hổng dễ , công an cũng ra ngoài rình rập để bắt .
Sunday, June 27, 2010
- Chú Hai , chú Hai coi chừng dập trứng !
Nghe vậy tôi giật mình , ngó dáo dác xung quanh , lòng nghĩ thầm có thể mình ngồi lên một giỏ đựng trứng của bà ta chăng ! Nhưng nhìn mãi chỉ thấy vài giỏ đựng trái cây xung quanh tôi .
- Trứng ở đâu mà dập vậy chị Hai ?
Bà ta cười ỏn ẻn , đáp :
- Chú ngồi lên giỏ trái cây sầu riêng của tôi đó , nó có nhiều gai nhọn lắm đó , tui sợ dập trứng của chú .
Biết chị ta đang chọc ghẹo tôi , tôi mỉm cười không nói , dịch người ngồi lên hàng ghế trên . Ngồi cạnh là một bà tuổi sồn sồn đang chăm chú đọc sách . Tôi liếc sang nhìn , đó là một cuốn sách nhằng nhịt toàn chữ Anh , bèn hỏi nhỏ :
- Chị Hai giỏi há , đọc được sách truyện tiếng Anh ?
Bà ta ngó lên nhìn tôi , nhướn mắt ra :
- Cái này không phải truyện mà là sách giáo khoa dạy tiếng Anh ?
- Chị là giáo sư ?
- Hông , em chỉ là giáo viên .
- Chị dạy lớp mấy ?
- Mười hai .
Tôi nghĩ thầm , giáo viên dạy lớp 12 ít nhất phải tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm , rồi nói đùa với bà ta :
- Dzậy hả chị , tui đang định tìm người dạy bổ túc dzăng hóa , Anh ngữ sơ cấp .
Bà ta hớn hở ngước mắt lên , rồi nhìn tôi ra vẻ dò hỏi :
- Chú định đi công cán ở nước ngoài hả ?
- Hông , học chơi thôi .
- Tui nghĩ chú nói giỡn .
- Thiệt mà , xưa tui có người bạn tên là Bàng đi công cán ở nước ngoài , làm việc ở Nữu Ước . Hắn mê câu cá bắt ốc bắt sò như tui . Một hôm hắn cùng một bác tài xế qua miệt Long Beach mò sò bắt cua thế nào đó bị cảnh sát tới hỏi bằng câu cá . Tiếng Anh tiếng u ấm a ấm ớ , trả lời sao đó bị cảnh sát lôi về bóp phạt . Bởi vậy nếu tui có qua bển , nói tiếng Anh bằng động từ TU QUƠ , biết đâu họ thông cảm cho dzìa .
- Nếu mà chú muốn học bổ túc thiệt , tui lấy giá phải chăng .
Vừa nói bà ta lục lọi trong bóp giỏ lôi ra một miếng danh thiếp nho nhỏ .
- Em tên là Bùi thị Loan , trong đó có số điện thoại của em .
- Ừ, tui cũng có đứa em tên là Lon , bạn bè nó hay gọi nó là nhỏ Gáo không hà !
- Em hông hiểu lắm . Tên Loan đẹp dzậy , sao biến thành Gáo ?
Tôi bèn cắt nghĩa cho bà ta . Thuở xa xưa có một bà tên là Loan , bà này thích bói toán rồi nhờ thầy bói đoán cho một quẻ . Thày không biết chữ , nghe bà ta xưng tên là Loan , âm thì nghe na ná như là Lon , bèn vẽ hình một cái gáo để lát nữa tiện bề cúng kiến . Sau chừng nửa giờ thày quên tên Loan của bà ta , ngó vào tờ giấy vẽ hình rồi âm a : "Địa linh linh , địa linh linh cầu giời phù hộ cho bà .... bà Lê thị ... thị Gáo . "
Bà Loan hình như lơ đãng không chú tâm đến những lời lý giải vớ vẩn đó của tôi .
- Nếu như anh Hai chịu khó học ghi danh vô chương trình tuyển sinh của nhóm chúng tui , đảm bảo với anh Hai là một năm sẽ có văn bằng cử nhân , hai năm có tiến sĩ .
- Sao thằng con tui nó phải học bốn năm mới ra được kỹ sư tin học rồi mất thêm hai năm mới được cái bằng phó tiến sĩ . Kỳ này mà tui được cái bằng tiến sĩ thì mấy thằng bạn nối khố tui phải lé mắt ra mà xem .
28/6/2010
Monday, May 31, 2010
" Chúng tôi đến, biển vắng, những con thuyền cũ kỹ nằm chơ vơ quăn queo dưới cái nắng chiều hiu hắt. Bên cạnh sự quạnh quẽ, ảm đạm đến thê lòng của một làng biển là những chú bé, mặt cúi gầm, chân tay thoăn thoắt cầm cần cào sục sạo dưới bãi cát. Thỉnh thoảng các em cúi xuống nhặt nhạnh những con nghêu vừa mới trồi lên khỏi bãi cát để đem về đổi lấy từng lon gạo. Cuộc sống giản đơn, quanh quẩn chỉ có vậy mà đã “ngốn” hết tuổi thơ của bọn chúng trên sân nghêu đầy nắng, gió và sóng biển của huyện Cần Giờ, TPH. CM.
Ở xứ biển này, nếu nói đến một người cào nghêu nổi tiếng thì ai ai cũng nhắc đến ông Quí (Bùi Văn Quí), người làng cào thường gọi bác Quí là “lão cào”. Sở dĩ ông được nhận biệt danh này là vì cuộc đời trên sân nghêu đã ngốn hơn 2/3 số tuổi của ông.
Thân hình gầy guộc, đen rám, ông Quí cho rằng sở dĩ như vậy là do hàng chục năm dãi nắng dầm mưa cùng biển thì làm sao tránh khỏi sự bào mòn của khí hậu biển, đó là mối đe dọa đến khắc nghiệt đối với dân cào. “Biết làm gì hơn bây giờ hở chú, khi cuộc sống ở đây chỉ có nghề này còn hái ra được tiền, còn những nghề khác thì xem như vô vọng. Chẳng lẽ ngồi chờ chết đói hay sao mà không chịu ra biển để cào nghêu mướn chứ”. Trả lời chúng tôi những câu thật ngắn, rồi ông Quí vội vã vác cần cào sải bước về phía biển. Những con sóng chiều mỗi lúc một hung dữ hơn. “Mặc kệ nó, phải đi tìm miếng cơm bỏ bụng cho ngày mai thôi…”. “Lão cào” Quí thì thào trong miệng rồi vội vã vụt đi về phía khơi xa, nơi cơn sóng biển đang giận dữ thét gào…
…“Hôm nay phải chờ màn đêm buông xuống thì con nước thủy triều mới ròng cạn. Chú ráng đợi đi, theo chúng tui một chuyến vui hay buồn là biết liền hà”. Chị Hà Thị Thu, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa kể đủ thứ mọi chuyện về phận người cào nghêu ở đây như để cố gắng mời chúng tôi ở lại. Hơn 8 giờ tối, biển giờ thật sự vắng lặng, chỉ có tiếng sóng xô vào bờ nghe rạt rào vang bên tai. Nhưng những trở ngại đó không đủ để hăm dọa, cản ngăn bước chân những đoàn người cào nghêu chuyên nghiệp ở đây. Từ trên bãi cát mênh mông, họ kéo nhau ra ngoài khơi xa gần cây số, nơi con nước ròng rút đi bỏ lại bãi cát màu xám xịt. Chị Thu thở phào nhẹ nhỏm: “Hôm nay biển lặng và yên ắng thật. Trời cũng quang đãng không mưa dầm như những hôm trước. Đây là thời tiết thích hợp nhất để chúng tui cào đây!”.
- Nếu sống chăm bẵm vào đồng tiền còm cõi này thì những lúc mưa gió trở trời, khi đau bệnh, rồi sinh con đẻ cái, sống thế nào đây? Tôi hỏi.
Chị Thu cười buồn:
- Trời sinh trời nuôi mà chú, lo làm gì cho mất công. Mà mình có tính thì cũng không bằng trời tính đâu chú ạ? Như gia đình tui có 3 đứa con mà chỉ có cần cào này là nuôi cho chúng ăn học. Làm ngày nào xào bữa nấy, nuôi cho nó học được đến đâu thì hay đến đó chứ không biết được. Đứa lớn mới 10 tuổi nhưng trông gầy yếu lắm nên chưa khiêng nổi cần cào, nếu không thì cũng cho nó nghỉ học để gia nhập đội quân cào thuê này thôi.
- Vậy còn chồng chị làm gì ở xứ biển nắng gió này?
Khi nhắc đến cha của những đứa trẻ, chị Thu nghẹn ngào:
- Ba của nó cũng sinh ra và lớn lên từ các bãi nghêu này. Nhưng đến khi sinh ra đứa thứ ba thì mình ông kham không nổi từ đồng tiền cào thuê còm cõi này nên đã bỏ nhà và mẹ con chúng tui ra đi biền biệt. Gia tài mà ông ấy bỏ lại cho tui là 3 đứa con trẻ và một cần cào trị giá 12.000 đồng!
Tôi chợt nghĩ, sự chia tay của một đôi vợ chồng trên sân nghêu này sao lại giản đơn đến thế? Và chị Thu lại bắt đầu một cuộc tảo tần nuôi con trên cái bãi nghêu sóng gió này với một lối thoát mịt mù khi nhìn về tương lai của những đứa con. Những cơn gió cuối mùa tiếp tục xô những con sóng cuồn cuộn vào bờ. Mặc cho cái nắng hanh khô của gió, của hơi muối thốc thẳng vào những gương mặt đen rám, những người cào nghêu ở trên bãi biển Cần Giờ vẫn âm thầm hứng chịu để đổi lấy sự sống, để tồn tại mưu sinh.
Trong khoảng không gian tối mịt, hơn 50 người bắt đầu thoăn thoắt trong bộ cần cào. Có bao nhiêu sức lực họ đều dùng hết trong quãng thời gian này, bởi không thể chậm trễ hơn được nữa, con nước thủy triều lớn đầy sẽ không chờ đợi họ. Trong số hàng chục người nhấp nhô, tận tụy cào, thằng bé trạc chừng 13 tuổi, mình mẩy nó đen nhẻm, tên nó là Biền.
Đưa tay quệt vội dòng mồ hôi nhễ nhại trên trán, Biền đáp lại với tôi gọn lỏn: “Học làm gì hở chú khi cái bụng không no được. Ba mẹ con nói vậy, nên kể từ năm học lớp 1 là con đã biết cào nghêu mướn và bắt đầu tháp tùng theo những người cào nghêu mướn ở bãi biển này rồi. Đến giờ thì con đã trở thành dân cào chuyên nghiệp rồi. Mỗi ngày có hai con nước ròng cạn bất kể ngày hay đêm, từ bãi nghêu này con cũng kiếm thêm được trên 30.000 đồng. Đưa cho cha mẹ 20.000 đồng, còn lại 10.000 đánh bài, hút thuốc, uống cà phê… vậy là vui rồi!”. Vậy là tôi đã hình dung ra được cuộc đời của những người cào nghêu ở đây đơn giản, chỉ có vậy. Kiếm tiền từ nghề cào nghêu thuê mướn là thu nhập chính, là con đường mưu sinh duy nhất của họ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết những số phận sống quanh quẩn với làng biển này có đến hơn 200 con người chứ ít ỏi gì.
Hai thằng bé Bi và Hoàng ở Đồng Hòa, Long Hòa ngồi bó gối bên 2 cây cần cào, mắt đang đăm đắm trông về phía khơi xa. Thỉnh thoảng chúng nó lại hỏi nhau những câu hỏi vô cớ mà từ trước đến nay nó vẫn thường hay hỏi: “Sao hôm nay nước ròng cạn chậm giữ vậy ta. Đã 4 giờ chiều rồi mà sao nước vẫn chưa rút vậy ta…”. Thật ra chúng nó cũng dư biết rằng nước triều rút xuống để cho chúng nó dễ dàng cào nghêu, lúc này không sợ những người lớn giành giựt. Hai đứa bằng tuổi nhau, nhưng Bi trông đầy đặn người hơn Hoàng vì mới vừa đi cào được hơn 3 tháng.
- Thằng Bi nó đã cào trước em mấy năm nay rồi.
- Vậy, hai đứa bao nhiêu tuổi mà cào mấy năm rồi?
- Hai đứa em mới 12 tuổi thôi, nhưng thằng Bi thì đã biết cào nghêu từ năm 6 tuổi lận. Nó nhờ có ba nó là dân cào ở đây nên nó biết cào nghêu sớm. Còn em 3 tháng hè vừa qua được nghỉ học, nên theo nó tập tành cào vậy mà. Má em nói nếu cào được thì má cho nghỉ học luôn để đi cào. Bởi vậy em phải ráng thôi!
Đợt sóng biển bất chợt ùa vào như xé toang những suy nghĩ của chúng tôi. Sóng như cuốn đi những số phận của những đứa trẻ thơ đang bắt đầu bước vào đội quân “cào thuê” ra tận biển xa.
*******
Tôi hỏi anh xe ôm Cần giờ còn chỗ nào đáng xem nữa hay không . Anh ta ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp :
- Ở đây to nhứt , đẹp nhứt là cái nhà ... cái toà nhà Ủy Ban Nhân Dân Huyện Cần Giờ , anh có muốn đi tham quan không ?
Tôi lắc đầu ngoầy ngoậy tỏ ý không muốn đi , vì tôi biết là từ Bắc vô Nam hay từ Nam chí Bắc dọc theo các quốc lộ , tỉnh lộ những cái dinh thự to lớn đẹp đẽ khang trang đều là các toà nhà Ủy Ban Nhân Dân . Chúng nó bề thế tương phản với dãy nhà người dân lụp xụp chung quanh đó .
Anh xe ôm chợt nhớ ra điều gì nói :
- Anh có muốn đi coi Đảo khỉ không ?
Tôi tự nghĩ đám khỉ này có gì mà coi , từ 75 đến giờ chúng tôi đã nhìn chúng quá nhiều . Dù nghĩ vậy tôi vẫn tươi cười gật đầu . Anh ta chạy qua một đường tắt , không chạy ngang qua thị xã . Hai bên đường những ngôi nhà nhỏ nhắn có mái gạch đỏ nâu ẩn hiện giữa những hàng cây ăn trái . Dù xe chạy hơi nhanh , tôi ngồi sau lưng anh xe ôm cũng nhận ra được là những cây xoài rung rinh lá theo chiều gió .
- Ủa , sao ở đây có nhiều xoài quá hả ? Nó có ngon như là xoài gòn , xoài thanh ca gì không ?
Anh ta vui vẻ :
- Ngon hơn nhiều . Đất này là vùng đất phù sa , lại là nước lợ nên hợp giống xoài lắm .
- Miệt này lúc trước là khu rừng Sác nổi tiếng lắm phải không ? Tui nghe bạn tui nói là mấy ổng hoạt động trong này nhiều lắm mà mấy ổng hành quân tìm hổng ra một ông nào . Mấy ổng lặn chui ở đâu mà hay thiệt .
Anh xe ôm cười hề hề :
- Bây giờ muốn tìm mấy ổng hả , dễ lắm cứ ra cái Ủy Ban Nhân Dân thì có khối .
Xe chạy đâu chừng hơn mươi phút ra tới tỉnh lộ , anh xe ôm quẹo trái đoạn anh ta dừng trước tấm biển thật to : " Khu Sinh Thái Cần Giờ " , và anh ta chỉ vô một gian phòng bán vé rồi bảo :
- Tới rồi anh Hai , anh vào mua vé vào xem khỉ . Chúc anh tham quan vui vẻ nhá .
Nhìn quanh tôi không một bóng người , chỉ nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió biển . Giá vé vào cửa không mắc lắm , đâu chừng 20 ngàn đồng . Cô bán vé trao cho tôi tờ vé vào cổng và nói :
- Bác sao không biểu cái anh xe ôm đó chở thẳng vô cổng ?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại :
- Tui tưởng cổng vô là ở đây mà ?
Cô bán vé cười tươi :
- Từ đây vô trong cổng còn khá xa , đi bộ cũng hơn 20 phút . Đây đây có anh Năm chạy xe ôm ra đón khách , để anh Năm chở vô trỏng .
Lại một lần tiền , hình như các bác xe ôm này đã ăn rơ sao đó , chia vùng đất để kiếm ăn . Đúng là rừng nào cọp đó .
ooooOOOOoooo
Dù đang vào mùa hè nhưng dưới những tàn cây cao dọc theo hai ven đường tôi vẫn cảm thấy dễ chịu . Anh Năm xe ôm dừng xe tại một ngả ba rồi tươi cười bảo :
- Anh Hai có gì quí báu đưa cho em giữ cho .
Tôi lắc đầu . Anh Năm xe ôm chỉ vào cái bao ni lông mà tôi cứ khư khư giữ chặt bên người .
- À cái này hả ? Chỉ là những hộp thuốc nam thuốc bắc thôi .
Tuy nói vậy tôi vẫn đưa trao cho anh Năm xe ôm .
- Anh biết sao hông ? Ở đây xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc rồi nên tụi em biết mới dặn dò du khách . Tụi khỉ hỗn lắm , thấy du khách cứ nắm gì trên tay là nhào tới chụp giựt . Có người mất cả máy chụp kỹ thuật cao cấp .
Tôi chợt cười , đáp lại :
- Chuyện đó dễ mà . Xưa tui có đọc một câu chuyện về một anh học trò đi về quê thăm bồ . Anh ta mua được một cái nón mới đội trên đầu , khi đi ngang qua một bìa rừng bị đám khỉ lột mất cái nón và chúng nó nhảy tuốt lên ngọn cây . Thế là chúng nó chuyền nhau cái nón chí chét ầm lên . Anh học trò năn nỉ ỉ ôi , bọn khỉ cứ nhe răng khẹt khẹt . Anh ta tức mình định lấy đá ném lên tụi khỉ , nhưng nghĩ lại nếu làm như vậy bọn khỉ nhái lại hái trái cây ném trả lại thế nào cũng bị bể đầu . Thế như anh Năm anh làm cách nào để lũ khỉ trả lại nón cho anh ?
Anh Năm cười dòn :
- Tui í à , dìa cơ quan lấy súng bắn bỏ mẹ tụi nó .
Tôi chào anh ta rồi bước vào một con đường lát sỏi , đã thấy một bầy khỉ chừng vài chục con đang vây quanh vài cô gái . Tôi chưa hiểu tại sao chúng nó lại bu quanh đám thiếu nữ đó thì một anh bảo vệ khu sinh thái nói lớn :
- Anh Hai anh Hai mua cái này làm quà cho khỉ .
- Bao nhiêu vậy ?
- Hai ngàn một bịch .
Trả tiền xong tôi vừa cầm lấy bịch quà , chưa kịp mở ra xem bên trong là giống gì thì bỗng dưng nghe tiếng gió từ đằng sau vụt tới , gói quà trong tay tôi đã bị một con khỉ to giựt cướp mất . Nó vừa chạy vừa la khẹt khẹt nhào tới một cái mương trước mặt . Hai ba con khỉ đồng bọn thấy vậy cũng nhào tới đòi chia phần . Chúng kêu chí chóe ầm lên , đánh nhau loạn xạ và cả bọn đều nhào xuống cái mương nước đục gần đó .
Tôi nghĩ bụng anh Năm xe ôm nói vậy mà đúng quá . Nếu như du khách mang theo những vật dụng quí giá như bóp , máy chụp hình đeo tòn ten trên tay , lũ khỉ hoang đàng này sẽ giở trò cướp giựt ngay . Bên cạnh tôi có những con khỉ khác , có con là khỉ mẹ còn đang ôm chú khỉ con bé tí đứng dáo dác nhìn tôi . Đám khỉ này chắc không thể nào cạnh tranh với đám khỉ già khỉ đực hồi nãy .
Tôi quay sang hỏi anh bảo vệ kiêm luôn chức bán thức ăn :
- Thức ăn cho khỉ hình như là khoai mì thì phải .
Anh ta gật đầu . Tôi nghĩ thầm : " Bây giờ đất nước khá rồi, dân không ăn khoai mì mãi mãi nữa mà để dành cho lũ khỉ . "
- Anh để thức ăn trong thùng này không sợ lũ khỉ này nhào tới cướp giựt sao ?
Anh bảo vệ rút trong ngăn kéo ra một cái ba toong và một cái ná có buộc dây thun .
- Đứa nào lạng chạng là tui cho một gậy bể đầu ngay , còn không thì cho ăn đạn .
Anh ta vừa nói vừa kéo dang sợi dây thun ra nhắm vào lũ khỉ làm bọn chúng hoảng sợ la ầm chạy thật xa .
Tôi nghĩ thầm : " Đây đúng là vật tổ totem của loài khỉ . Chúng thấy là hoảng sợ mặt mày lấm la lấm lét chạy ra xa ngay . "
Nhìn qua đám thiếu nữ trạc chừng đôi mươi đang đùa dỡn quấn quít bên nhau , tôi chợt thấy một cậu thanh niên mặt mũi nhẵn nhụi bảnh bao , áo quần tươm tất bèn tiến đến làm quen . Nghe cậu ta đáp trả một bằng một tiếng gì lạ hoắc , tôi đoán già đoán non : " Mắt hi hí thế kia không người Nhật thì Đại Hàn , không thể chạy đi đâu được . "
Ngày xưa người ta gọi là Đại Hàn hay Nam Hàn bây giờ hiện đại hơn , được gọi là Hàn Quốc để phân biệt với Triều Tiên . Cậu ta chắc có dây mơ rễ má gì với đám thiếu nữ kia , tôi hiếu kỳ hỏi :
- Cậu đi tìm vợ bên Việt Nam à , chọn được cô nào chưa ?
Cậu ta đáp lại bằng tiếng Anh "Broken English" như tôi , chỉ vào một cô gái nhỏ nhắn mặc chiếc áo bà ba màu tim tím hoa cà . Cô gái đó hình như đoán biết chúng tôi đang chuyện trò về cổ . Cô ta thẹn thùng ửng hồng đôi má , và kéo chúng bạn qua chiếc cầu gỗ bắc ngang một con mương nước đục lợ phù sa .
Cậu Hàn quốc này chừng đâu ba mươi tuổi .
- Anh ở Hán Thành ( Seoul) ?
Cậu ta đáp lại bằng một danh tự lạ hoắc . Tôi nhìn cậu ta vẻ mặt khá thông minh lanh lẹ .
- Anh là kỹ sư hay téch ni son ?
Cậu Hàn quốc lại lắc đầu , chỉ sang mấy con khỉ rồi đưa hai tay ra băm băm như thể dùng thế Song Long Thôi Nguyệt . Tôi đoán chừng có thể cậu ta là bác sĩ thú y hay là cậu bán thịt cầy tơ bên bển vì nghe qua giọng nói Anh ngữ tôi nghĩ là cậu ta mới học lớp Anh ngữ cấp tốc vì hay dùng English by hands .
Bỗng nghe tiếng gọi ơi ơí từ đằng xa " Dong yêu , Dong yêu " của một cô gái , chàng thanh niên bỏ mặc tôi bước vội sang cầu gỗ .
Dong yêu có lẽ là tiếng gọi Yong-Il của Hàn quốc . Tiếng Việt gọi là Chính Nhật .
Tôi lững thững đi theo họ . Chiếc cầu nhỏ hẹp có treo một tấm biển nhỏ " Coi chừng cá sấu " . Nó hình dáng như chữ chi tức là hình chữ Z , bắc cao hơn mặt đất chừng một hai thước . Hai bên cầu có bờ gỗ rào chắn ngang . Phía dưới đất thỉnh thoảng có vài vũng sình lầy đất cát đen xám . Tôi nhìn mãi mà vẫn không thấy chú cá sấu nào , có thể chúng đang ẩn nấp đâu đây hay ngoài bờ kinh rạch . Cách đây hai tháng gia đình tôi có dịp qua Thái Lan , tham quan khu sinh thái cá sấu , nơi có trò biểu diễn cá sấu . Anh làm xiếc người Thái can đảm thò nguyên cái đầu vào họng con cá sấu , miệng nó đang mở rộng toang . Với kình lực trên một ngàn kí lô trên một phân vuông , hàm răng cá sấu có thể nghiền nát cái đầu người như chơi . Còn như nơi đây khu sinh thái , cá sấu rái cá rùa riếc gì cũng vắng tanh như chùa Bà Đanh . Cảnh vật thật tĩnh lặng hoang sơ . Rừng tràm đước , mắm mọc um tùm như thuở hồng hoang .
Chừng mười lăm phút du khách đã thăm viếng khu cá sấu không tên này , chúng tôi lang thang ra ngoài chỗ cũ , nơi anh bảo vệ khư khư ôm lấy thùng bán khoai mì . Một anh nhân viên khác bước tới chào mời :
- Đi ghe thăm rừng U Minh hay chiến khu Rừng Sác không quí khách ?
Mấy cô gái nghe vậy hớn hở vẫy tay và kéo anh Đại Hàn xuống một chiếc xuồng . Họ được cho mặc một cái áo phao cứu sinh đỏ hồng .
- Anh Hai muốn tham quan không ? À ! Hết chỗ rồi , đợi chuyến sau .
Tôi không có cảm hứng đi chơi dạo bằng cái ghe tắc ráng này vì tôi vừa đi mổ con mắt cườm phải được hơn một tuần , nên ngại ngùng không muốn nước bắn vào mắt . Vả lại tôi cũng chẳng lạ lùng gì đến sông nước miệt Cần Giờ này .
Năm 1982 vài người bạn cùng tôi chuẩn bị ghe đi vượt biên . Ghe khởi hành từ Thị Nghè , dọc sông Sài Gòn , Nhà Bè , qua ngả tắt để nhập vào sông Thị Nại rồi ghé bến gỗ Phú Mỹ . Nơi đây sông ngòi chằng chịt . Khi nước ròng dòng sông cạn nên ghe chúng tôi mắc cạn . Chúng tôi phải xuống ghe , lội sình đẩy ghe tới vùng nước sâu hơn . Sình đen ngập tới đầu gối . Quanh quẩn mấy cụm cây đước vài chú còng ba khía bò loẳng ngoẳng chun vô hang . Cảnh vật lúc đó cũng im vắng tĩnh lặng như bây giờ .
31.5.2010