Sunday, September 27, 2009

Khám mắt

Chừng một tuần lễ nữa gia đình tôi sẽ bay về Mỹ , theo lịch trình là khoảng cuối tháng 7 . Một buổi tối anh em chúng tôi ngồi hàn huyên ngoài phòng khách . Tình cờ cô Thu em tôi nhắc đến bệnh áp suất cao của mắt cô , glucoma . Trong họ hàng nhà tôi chẳng có ai bị bệnh này , mà không hiểu sao chỉ có cô em út mắc chứng này . Mấy đứa con tôi giống hệt như tôi , đứa nào cũng đeo kiếng dày cộm . Bây giờ mắt tôi nhìn một vật nó cứ nhòa nhòa hẵn đi .

Cô em tôi đề nghị :
- Gần nhà mình ở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển có ông thầy thuốc chữa hay lắm .

Tôi cứ nghĩ là một thầy lang nào đó đã từng khám tai cho tôi , và nói chắc cú như bắp là tai bị thế này thế nọ .

- Hay như thầy Hư Trúc ở Linh Thứu Sơn không ?

Cô em tôi mở to mắt nhìn tôi .
- Nói giỡn chơi với cô thôi . Hư Trúc là nhân vật hư cấu trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung . Thầy này học được cách chữa bệnh trên núi Thiên Sơn , rồi tự mổ mắt ráp mắt cho cô A Tử . Ổng tên là gì vậy ?
- Nguyễn Thành Nam . Bác sĩ tây y đàng hoàng a .

Tưởng là ai , chứ ông Nam này tôi có nghe vài người ở khu nhà tôi nhắc đến . Bà chủ tiệm cho mướn phim Hồng Kông khoe với tôi là mắt bả được bác sĩ Nam mổ , con mắt trái còn sáng hơn con mắt phải mổ tại Mỹ .

Ở Mỹ giá biểu để giẩi phẫu hai con mắt cận bị cườm khoảng chừng mười ngàn Mỹ kim . Dạo đó nếu trừ đi phần khấu trừ tôi phải trả thêm khoảng 3400 dô . Đến khi hãng cho laid off không còn bảo hiểm nữa nên không biết tính làm sao .

- Ở đây bên Việt Nam người ta mổ hà rằm . Ổng làm mau lắm , còn nhanh hơn gà đẻ trứng nữa .

Cô em tôi ví von sao hay vậy , chuyện giải phẫu mắt với chuyện gà đẻ khác nhau nhiều lắm . Con cháu tôi T. , bác sĩ mắt ở Mỹ khuyên tôi :" Chú đừng nên về bển mổ mắt vì mổ mắt không khéo dễ bị nhiễm trùng sau khi giải phẩu , có thể bị mù . Tốt nhất chú nên làm bên này . "

Tôi cũng biết nền y khoa tân tiến xứ này , càng có sự chăm sóc hiện đại bao nhiêu thì cái hầu bao của bệnh nhân càng vơi bớt đi . Có rất nhiều người Mỹ chưa qua khỏi cơn bệnh mà đã phải khai phá sản . Hổng biết là "chapter " 3 hay 7 hoặc 11 đây .

Tôi đưa mắt nhìn bà nhà tôi tỏ ý dò hỏi . Bà nhà tôi lo lắm . Miệng cứ lô bô là tôi chẳng làm việc gì nên hồn , nhưng nghe tôi tỏ ý đi mổ cườm mắt là bà nhà tôi khuyên can : " Thôi ông ơi ! Chẳng may mà ông bị lòa cả hai mắt như ông nội thằng Huy , thì khốn khổ (cho tui )! "

Vâng , trời sinh ra con người quí nhất đôi mắt . Ai thì tôi không biết , chứ coi gương ông cụ bố tôi thì biết .

Cô em còn dẫn chứng ra vài người nữa khiến tôi yên tâm . Sáng 7 giờ tôi lội bộ tới phòng khám bệnh . Từ nhà cô em tôi tới đây chỉ chừng dăm bảy phút . Buổi sáng từng dòng người ngồi trên xe gắn máy , xe đạp ồ ạt tiến ra đường .

Sau khi tôi khai bệnh sơ sài với cô y tá và được cấp một cuốn sổ bệnh lý màu xanh dương . Qua cách ăn mặc sơ sài của tôi , có lẽ cô ta coi tôi như mọi người dân bình thường tới khám mắt . Bên Mỹ mà vô phòng khám của bất kỳ y sĩ bác sĩ nào , Tây cũng như Ta , đều ghi rõ ràng đầy đủ tên họ , địa chỉ , việc làm cũng như là số an sinh xã hội . Bên Việt Nam thì chưa , nếu mà có thì không biết lấy con số nào mà ghi , có lẽ bịa ra một con số đề nào chăng .

- Ông vô kia ngồi chờ bác sĩ Nam .

Phòng khám bệnh này ngày xưa có lẽ là một căn nhà bình dân ở thôi . Dù có sửa sang nó vẫn không thể nào giống như một phòng khám bên Mỹ . Nội nhìn cái tấm bảng quảng cáo to tổ chảng treo lửng lơ trên cửa tiệm thì biết . Mặt bằng cửa hiệu dài bao nhiêu thì tấm biển hiệu dài bấy nhiêu . Nhìn một khu phố giăng giăng những biển hiệu cửa tiệm , Mì Ký Hưng Long , Nhà may Long Hội , Cửa Hàng Việt Tiến , khách nước ngoài có lẽ phải hoa mắt lên . Nhưng về đây hơn một tháng cũng đã quen dần , không như bên Mỹ các văn phòng bác sĩ tấm biển treo bé con con chừng vài gang tay . Không phải các ông bà ấy không biết kéo cho to ra , nhưng vì luật lệ thành phố , city code không cho phép .

Cùng ngồi trong khám , tôi nhìn thấy chừng đâu chừng chục người , đàn ông đàn bà đủ cỡ. Một cậu khá trẻ , hỏi ra mới 41 tuổi đã bị cườm . Trước giờ tôi nghĩ chắc hơn 50 tuổi mới bị thôi , hoá ra bệnh mờ mắt chẳng tránh một ai . Hầu như người Việt Nam bị khá nhiều . Dân mình ít có ai chịu đeo kiếng râm hay là kính mát để ngăn cản tia cực tím của mặt trời . Khi xưa chúng tôi thường hay chơi banh ngoài trời , mắt hay thỉnh thoảng nhìn vào mặt trời chói chan . Người có mắt màu xanh lơ như người Âu Mỹ thì ít bị cườm mắt hơn người có mắt màu nâu . Khi các tia tử ngoại này rọi vào mắt , thủy tinh thể sẽ biến dạng , trở thành đục , nhìn sâu vào trong mắt hiện ra một làn mờ đục . Nó trong đục như mây nên có tên là cataract , ta gọi là cườm vì nó màu trắng đục như cườm .

Bác sĩ Nam dáng dong dỏng cao , có lẽ hơi tôi một chục tuổi . Sau khi khám mắt tôi xong , bác sĩ Nam gật gật đầu :
- Ông bị cườm rồi . Ông cầm hồ sơ này tới bệnh viện Phú Nhuận làm thủ tục rồi tối mai tám giờ mổ mắt trái .

Bệnh nhân ngồi xếp hàng trong phòng trong chừng đâu vài người . Khi tôi đứng dậy là có người khác tiến vào ngồi trước mặt bác sĩ để khám mắt .

Đây mới đúng là có tính chuyên nghiệp của y học thời nay . Xưa kia Hư Trúc tiên sinh trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm mổ luôn một lúc hai con mắt cho cô em A Tử . Mổ một con có bị trục trặc gì cũng còn con kia nhìn đỡ . Chơi cả hai mắt , nếu chẳng may bị gì thì thành Kha Trấn Ác mất .

Bệnh viện Phú Nhuận nằm ngay ngả ba Nguyễn Trọng Tuyển và đường Hoàng văn Thụ (đường Công Lý cũ ) . Xe gắn máy được gởi xe bên trong và tất nhiên phải trả tiền . Tôi bước vào , hỏi thăm nơi mổ mắt là chỗ nào .

No comments:

Post a Comment