Thursday, December 23, 2010

Cái máy microwave

Từ thành phố New York tôi về định cư ở thành phố Oklakoma . Tháng 8 năm 1983 trời Nữu Ước mát mẻ nắng hanh vàng , nhưng Oklahoma City nắng như đổ lửa . Sài Gòn có nóng cũng không bằng cái nóng nẩy lửa của thành phố này . Nhiệt độ buổi chiều co’ khi lên tới 106 độ F .

Gia đình anh Hạnh , ông anh vợ tôi định cư ở đây đã hai năm . Thấy tôi về ở chung nhà , ổng mừng lắm rủ tôi đi học một khóa điện tử căn bản . Thời gian đó ngành tiện cơ khí và điện tử đang phát triển rầm rộ tại Hoa Kỳ .

Ngày thường hai anh em đi chung cái xe Pontiac cà rịch cà tang tới trường huấn nghệ . Giờ học từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều . Trường này dạy nhiều thứ nghề , tiện - hàn - y tá - điện tử - điện nhà . Khi đi ngang qua một lớp học , nhìn vô trong , ui chao cả lớp đầy nghẹt . Ít nhứt là cả trăm người , người nào người nấy đều mặc áo blouse trắng , và phần lớn đều là phụ nữ trắng có đen có .

Lớp học điện tử của tôi vỏn vẹn chỉ có năm người . ba Mỹ và hai Việt Nam .

Giờ ăn trưa hai anh em chúng tôi xách túi cơm lon ton qua phòng ăn cách đó không xa . Một ông nhìn có vẻ dáng người Á châu đang mặc áo blouse trắng đang đứng hâm cơm trong máy microwave . Tôi bèn làm quen và được biết ông ta cũng là người Việt Nam như chúng tôi .
- Anh học gì ở đây vậy ?

Câu hỏi của tôi quá thừa thãi , vì chỉ nhìn qua cái áo blouse trắng ai cũng biết họ không là nha sĩ cũng là bác sĩ y khoa .
- Tui í à ? À ! Tui học về y tá .


Tôi nhìn anh bạn mới quen với một vẻ ngạc nhiên .
- Hồi nãy tôi có đi ngang qua lớp đó , trong đó toàn là đàn bà con gái không hà . Anh có thấy bất tiện không ?
- Không !
- Học có khó không anh ?
- Hổng khó nhưng mỗi ngày phải học đến cả trăm chữ mới , toàn là chữ trong y học hông à .

- Thế anh vô lớp học chung chạ toàn là mấy bà mấy cô , anh có cảm thấy bối rối bồi hồi gì chăng ?
- Không , nhưng họ rất bối rối mỗi khi tôi bắt chuyện với họ . Cái chén cơm tui hâm xong rồi , tới phiên anh rồi đó .

Tôi thủng thẳng cho cái chén sành vô cái máy , bấm ba phút . Bỗng trong máy nghe tiếng nổ tí tách , vài tia lửa bắn ra nhè nhẹ xung quanh miệng chén . Bụp một tiếng , cái máy ngưng chạy , đèn trong máy tắt cái phụp .Tôi vội vàng mở cái máy ra , hỏi anh bạn mới quen .
- Sao vậy hả anh ?
Anh ta ngập ngừng đôi chút :
- Chắc tại vì anh dùng cái chén sành có viền mạ vàng mạ bạc chung quanh miệng chén đó chăng ? Máy microwave phát ra những tia vi ba đụng phải vật kim khí là sẽ xẹt ra những tia lửa như vậy .

Buổi trưa hôm đó hai anh em chúng tôi ăn cơm canh nguội ngắt .

Một hôm tôi xách vào vài con khô mực , bỏ vào microwave nướng ăn . Trong khi chờ đợi vài phút cho nó chín , tôi đi vào restroom để rửa tay . Vừa mở cửa đi ra tôi nghe tiếng Mỹ la oai oái :
- What 's a fishy smell .
Chao ôi mùi khô mực cháy bốc mùi khét lẹt bay đầy cả hãng ra mọi ngõ ngách . Mỹ đen Mỹ trắng hỏi lẫn nhau : "Cái giống đó của ai vậy "

Đúng ra nướng khô cá khô mực nên để chừng 30 giây hay một phút , đằng này to^i "set " cho đến 3 phút . Cá hay mực cũng đều cháy khét . Ông anh tôi nhìn ngó tôi im lặng mo^.t chu’t ro^`i cười cười :
- Yeah , what a bad smell is !


Mấy ngày sau , ngay trên microwave một tờ cáo thị được dán lên :

No dried seafood in the microwave

Không cho nướng khô mực khô cá thì thôi , thức ăn trong thiên hạ đầy rẫy các thứ khác .
Một lần khác tôi mang theo lunch box , hộp nhựa đựng cơm trưa , trong đó có dưa cải chua . Thức ăn xếp đầy ngăn dưới tủ lạnh . Không hiểu sao , hộp cơm trưa của tôi bị lật úp , và nước dưa chua trào lênh láng ra ngoài . Một kẻ nào đó mở tủ lạnh ra , bèn la toáng lên :
- Food contaminated , everything in this refrigerator must be discarded .
(Thức ăn bị nhiễm trùng , mọi thứ trong tủ lạnh phải bị giục bỏ đi .

Tôi vội vàng bỏ dở lớp học chạy tới bên tủ lạnh mở cánh cửa ra , ngửi thấy mùi dưa chua thơm phức . Tôi nghĩ thầm : " Mấy thằng Mỹ cứ con ta mi nết , mi néo ầm cả lên . Bỏ đi lấy gì mà ăn trưa . Lần sau chừa , nhớ đừng mang dưa chua , giá chua nữa nhé . "

Vài tháng sau tôi mang cơm trưa đi làm . Lần này tôi chỉ ăn cơm với hột gà luộc chấm muối , không dám chan nước mắm vào trong trứng . Nó dậy mùi vị quê hương nữa là chết cha . Qua vài lần khôn hơn một chút . Đi một đàng học một sàng khôn mà , cha ông chúng ta dạy bảo như thế . Tay cầm quả trứng đưa lên miệng cắn , thì tự dưng quả trứng gà nổ tung , bật vào môi dưới , chảy ra một tí máu , và sau đó tôi sờ lên môi , nó sưng vếu lên . Mấy người Mỹ trông thấy thế , cười hô hố lên . Vậy lần sau đừng bấm nguyên cả hột gà trong microwave . Hãy nhớ lấy thià muỗng dằm nó ra thành miếng , trước khi bỏ nó vào máy .

Một buổi sáng thay vì mang gói mì Mama , tôi xách theo một loại cháo cá ăn liền , made in VN . Chỉ có việc đổ nước vào tô , đậy nắp lại , xong bấm ba phút . Trong khi chờ đợi , đi restroom rửa tay , đến khi ngó lại tô cháo cá , thì hỡi ôi ! cháo chiếc nó trào ra ngoài hết . Đã không được ăn , còn phải lau chùi cho sạch cái microwave .

Có khi đến giờ nghỉ giải lao , vài người Mỹ cần dùng cái máy micowave , họ giơ tay ra mở cánh cửa máy . Trong đó hoặc có trái bắp hay một củ khoai tây , họ bực bội nói bằng giọng khá to :
- Andy , cái này của you hả ?

Tôi cười mỉm chi , hỏi họ trong phòng nghỉ có cả đến mấy chục người , sao lại chỉ đích danh tôi mà nêu tên .
- So , vì chỉ có you là người hay nướng bắp nướng khoai bằng microwave mà thôi .

Quay qua quay lại , ở đất Mỹ đã gần 30 năm tóc đã bạc trắng cả đầu, cuộc đời tôi gắn bó với cái máy microwave khá lâu , nhưng vẫn chưa khôn hơn tí nào .

No comments:

Post a Comment