Saturday, October 31, 2009

Sieu Thi Max

Cửa hàng tiện lợi

- Có ai đi chợ Maximax không ?
- Là chợ gì vậy ?
- Siêu thị
- Đi thì đi .

Chúng tôi năm người cùng hai mẹ con cô em út tôi từ trong chợ Phú Nhuận lững thững ra đường Hoàng Văn Thụ (Công Lý cũ ) đón một chiếc xe tắc xi bảy chỗ ngồi . Xe chạy ngược về hướng phi trường Tân Sơn Nhất .

Con bé út Linda nhà tôi reo lên , chỉ trỏ vào một bảng tên đường :
- Bố à ! Sao có tên đường gì mà lạ quá vậy , nghe ra ông này thích ăn lắm hả bố ?


Tôi nhìn ra ngoài cửa kiếng , trên ngả tư nhỏ đầy dòng xe qua lại , một bảng đường " Huỳnh văn Bánh " . Con đường này lúc trước là Nguyễn Huỳnh Đức . Có lẽ từ lâu rồi , người dân quen thuộc với những danh nhân "hiện đại và tân thời " , như Nguyễn Văn Bánh , Phan văn Khỏe , Lê Văn Tám mà không biết mấy vị trên có thật trên đời này không .

- Cái đó thì cha mẹ đặt tên cho ổng mà . Ổng có muốn đâu , như ngày xưa bố đặt tên con là Keo ly (Kelly) , má con biểu nghe sao như là giống keo kiệt quá , nên đặt là Linh , Mỹ là Linda .

Đường phố tại ngả tư Bảy Hiền , cổng Phi Long thay đổi rất nhiều . Có đường làm rộng ra , có đường lại bà con buôn bán chen lấn lề đường . Ngày xưa tôi hay đạp xe qua ngả tư này mà giờ đây khó lòng nhận ra cảnh cũ người xưa .

Siêu thị Maximax có lẽ nằm đối diện Thành Nhảy Dù cũ . Nhìn thoáng qua nó có vẻ là một thương xá cỡ trung . Vài chiếc xe tắc xi đậu xe ngay trước cửa siêu thị chờ đón khách .

Qua những cửa hàng bán mỹ phẩm hoặc đồ gia dụng chất đầy những hàng hoá còn mới tinh . Cuối đường là cửa vào siêu thị , có nơi được gọi là cửa hàng tiện lợi . Tiện lợi thì chúng tôi chưa được biết , chỉ biết là chúng tôi phải gởi giỏ , túi xách , bóp đeo và mũ nón . Dĩ nhiên là không lấy lệ phí cho việc gởi này , nếu có chắc hẵn khách vào mua sắm càng ít đi .

Các hàng kệ đầu tiên bắt gặp là giàn chén bát dĩa . Đồ sứ , đồ sành , đồ nhựa đủ mọi loại . Bà nhà tôi lựa vài chục cái chén dĩa nhựa . Cô em tôi thắc mắc :
- Em tưởng bên Mỹ mấy thứ này thiếu gì .

Bà nhà tôi cười đáp lại :
- Biết là không thiếu , nhưng ở đây một cái liễn to như vậy chỉ có chừng một đô là , bên đó phải bốn năm đô . Mấy chén nhỏ giá chót cũng một đô . Chúng nó rớt xuống đất thì không vỡ bể , nhưng cho vào microwave hâm nóng riết nó cũng bị cháy cạnh hết .

Ở Việt Nam hình như tôi thấy ít có nhà nào xài lò vi ba . Có lẽ thực phẩm có sẵn ngoài chợ , ăn bữa nào nấu bữa nấy . Cô em tôi đồ ăn dư thừa buổi tối cô đem đi đổ hết .

Chả bù với nhà tôi bên Mỹ , thức ăn dùng không hết , được bọc lại bằng vải nhựa plastic mỏng , bỏ vào tủ lạnh bảo quản . Có khi như vậy , dọn cơm ra trên bàn bảy tám món . Có món mới nấu , có món đã xào hai ba ngày , có món cá kho thịt kho bốn năm ngày .

Hỏi sao cô em tôi lại phí phạm thức ăn vậy .
- Dư chút đỉnh thì đổ đi , chớ không kiến nhà em từng đàn từng đống kéo đến .

Tủ lạnh nhà thì bé con con , trong chứa toàn là nước lã nước lạnh . Chẳng lẽ mỗi chén thức ăn phải dùng dĩa có chứa nước bên dưới để các chú kiến không bơi qua được .

Tới kệ dao kéo thì ơi thôi đủ loại đủ cỡ . Tôi cầm lấy hai ba con dao bào lên coi . Chắc làm tại Việt Nam , cán gỗ , lưỡi sắt . (Khi mang về Mỹ lấy ra dùng thì không xài được , vì lưỡi dao này chỉ dành cho người thuận tay trái . )

Bà nhà tôi trông thấy tôi bỏ vào xe đẩy hai con dao chặt bản to của Nhật , giá đâu năm đô một con , cằn nhằn :
- Sao ông mua dao gì nhiều vậy !
- Thì lần trước tui ra chợ VN mua con dao chặt , về nhà bà đem chặt rể cây nằm sâu dưới đất gãy cả cán rồi còn chi .

Nói vậy thôi , chớ mà nói mua dao về để mài dao dạy vợ , chắc là chuyện lớn .

Mấy đứa nhỏ nhà tôi cùng con cô em tôi không thích vào chợ , chúng nó kéo nhau vào gian hàng chơi game . Thấy bà nhà tôi và cô em tôi đứng lựa đồ lâu quá , tui đi dạo quanh siêu thị xem còn bán những mặt hàng nào .

Tới quầy bán trái cây hoa quả rau rợ , hầu hết đều như muốn heo héo . Giá bán tương đương với ngoài chợ . Bởi vậy cửa hàng tiện lợi vẫn không được người dân hưởng ứng đông đảo .

Lòng vòng trong các dãy bán đồ ăn một lát tôi đâm chán , bèn đi ra ngoài và ra chỗ lấy lại cái nón lưỡi trai . Tôi bước lên tầng hai siêu thị , nơi bày bán quần áo giày dép . Bỗng nghe tiếng nói của một anh bảo vệ gọi giật lại :
- Ông kia ! Ông vui lòng gởi nón , chỗ đằng kia kìa .

Tôi nghĩ thầm : " Biết vậy cứ để cái mũ quí hóa này nằm ở chỗ giữ dưới lầu cho được việc . Cách làm việc nơi siêu thị này thật hay a . "

Cách bày biện trong gian hàng quần áo thật trang nhã gọn gàng không khác chi với các gian hàng bên Mỹ , Dillard , Macy . Dĩ nhiên quần áo giày dép đủ loại đủ giá tiền . Áo sơ mi Việt Tiến trên dưới 150 ngàn đồng , hiệu Pierre Cardin 500 ngàn đồng một cái áo , vải tốt chất lượng không kém gì các loại áo hàng hiệu Perry , Geoffrey Beene ... Tôi thích thú ngắm nghía nhưng không mua , vì bên Mỹ vào những ngày on sale , khuyến mãi giá một áo sơ mi thật đẹp , vải tốt chỉ có chừng mười Mỹ kim mà thôi .
Giày tennis hiệu Nike , Adidas đắt không kém gì bên Mỹ , loại giày da có đôi đến gần 100 đô . Ở tiệm giày Mạnh Cung gần chợ cũ Phú Nhuận giầy da tốt giá chừng 11 đô . Cách đây mười năm tôi có ghé đây mua một hai đôi xăng đan , đi mãi vẫn chưa đứt quai . Về sau để ngoài cửa mấy con chó hàng xóm chạy qua tha mất một chiếc , đành bỏ đi .

Tay tôi cầm một miếng giấy rác , muốn bỏ vào thùng rác nhưng kiếm mãi chung quanh không thấy . Chợt một anh nhân viên mặc sắc phục siêu thị đi ngang , tôi bước tới hỏi :
- Chỗ này có thùng bỏ rác không anh ?

Anh ta mắt nhìn quanh , rồi thản nhiên nói :
- Bác cứ quăng đại xuống đất , đến chiều tối sẽ có người quét dọn .

Tôi cười , không biết nói làm sao , bèn bỏ miếng giấy vào túi quần . Tôi đứng ngay ngoài cửa siêu thị để chờ bà nhà tôi và cô em tôi . Đứng mãi mỏi cả chân , nhìn quanh nơi đây không có chiếc ghế hay băng ghế để khách nghỉ chân .

Không biết bao lâu , chợt thấy bà nhà tôi và cô em tôi hai tay khệ nệ xách mang hai giỏ có vẻ nằng nặng . Tôi bước tới gần , xách phụ :
- Sao bà biểu không mua gì hết mà ?

Bà nhà tôi nguýt nhìn tôi :
- Thì toàn là dao của ông không ?

Mặc dù cửa hàng tiện lợi có trên 2000 , đa số tập trung ở hai thành phố lớn Sài Gòn và Hà Nội , nhưng cư dân vẫn cảm thấy không tiện lợi đi việc mua sắm . Giá cả có thể mắc mỏ hơn , không thể điều đình thương lượng được , nghĩa là kỳ kèo mặc cả tại các chợ búa . Một bà cán bộ cô thư ký đến một chị dân thường đều có thể trả giá , thêm bớt một vài ngàn cho một bó rau muống , bầu bí mà không phải e ngại thẹn thùng . Họ có thể rảo bước chân đến chợ chừng vài mươi phút , bước vào chợ thoải mái , còn muốn như đến các cửa hàng tiện lợi có lẽ phải đi tắc xi hay xe gắn máy và còn phải trả tiền gởi xe ở nơi đây . Họ có thể đi chợ sáng sớm vào lúc hừng đông , để mua được những con cá rô cá sặc tươi rói đang nhảy tưng tưng trong cá rổ đựng cá , được trả giá được mặc cả với các bà bán hàng từng bó rau đau rau dền tươi xanh . Với những tiếng ồn ào mời mọc của bác hàng thịt , tiếng dao chặt bầm bậm của chị hàng cá , tiếng rao ơi ới của anh hàng xôi ... Ai xôi gấc xôi đậu phọng đây ... Hương thơm nồng nàn của gánh bún mộc , bún riêu , hàng bánh cuốn , hàng phở bò , quán cơm sáng với cá lóc kho tiêu , bì sườn chả . Tất cả đều quyện tròn trong không khí tươi mát , khiến khách đi chợ đều hức lòng muốn thưởng thức , ngồi xuống ngay . " Cho tui tô phở tái chín , nhiều bánh , nhiều thịt , nhiều nước béo nhé ... " , " Chị Hai , ờ cho tôi bát bún riêu . Nhớ thêm ốc nhiều nhiều ... " .

Có nhiều người cho rằng khái niệm Cửa hàng tiện lợi vẫn còn mới mẻ , chưa được rõ ràng . Với những khả năng tài chánh hiện nay , người dân vẫn còn đối mặt với những khó khăn , họ phải chạy từng bữa ăn cho gia đình , bương chải với cuộc sống hàng ngày thì làm sao họ có thể thong dong thoải mái vào mua sắm trong các cửa hàng tiện lợi này .

1/11/2009

No comments:

Post a Comment