Tuesday, October 13, 2009

Thường sáng sớm khoảng 4 hay 5 giờ , tôi hay dậy sớm lần mò ra quán cà phê cách ngõ nhà cô em tôi chừng mươi thước . Trong chợ Phú Nhuận hầu hết là các cô các bà ra bán buôn , nhưng đặc biệt quán này lại do anh Năm coi sóc . Tôi có hỏi anh ta sao không thấy bà xã anh ta ra phụ bán :

Một bà khách đang ngồi uống cà phê trả lời hộ :
" Vợ nó hả ? Còn đang chổng mông ngủ . Con vợ nó sướng thấy mẹ , vớ phải thằng Năm này sướng quá . Tui chưa thấy đàn ông nào siêng như nó . Ban sáng bán cà phê , đến chiều nó đứng bán hủ tiếu nữa . Ê ! Năm ! Mày làm dữ vậy tiền để đâu cho hết mậy ?

Cậu Năm lẳng lặng chỉ mỉm cười , lấy giẻ lau sơ qua loa cái bàn nhỏ thấp vương vải mấy giọt cà phê .

Chân tôi là chân hay đi , bây giờ phải ở trong nhà để dưỡng mắt . Lúc trước còn đeo kiếng cận còn trông tàm tạm . Bây giờ bỏ kiếng ra , cảnh vật như muốn mờ nhòe .

Bà xã tôi từ trên lầu bước xuống , trông thấy tôi đang nằm dài trên ghế trường kỷ bằng gỗ . Bên Mỹ nhà nào cũng có bộ sa lông nệm , cái dài nhất cũng bằng chiều cao của một người lớn . Nhiều khi nhà không có ai , tôi cứ nằm thoải mái .

Nói đến ghế sa lông bên Mỹ cũng lắm chuyện nhiêu khê . Hồi năm 1990 chúng tôi mướn một căn chung cư một phòng . Phòng khách khá rộng . Người bạn thân của tôi thấy hoàn cảnh gia đình tôi mới xuống Texas lập nghiệp , nhà mướn không có ghế sa lông . Hắn coi trong báo , có người muốn bỏ đi một cái ghế sofa . Hai thằng tôi đi mượn của chị Hai hắn một xe vận tải , khệ nệ vất vả khiêng cái sofa cũ kỹ dài hơn hai thước rưỡi . Tôi còn nhớ cái ghế đó nặng lắm , mà phải vác lên tầng hai chung cư . Đến khi tôi muốn dọn qua một nhà mướn ở vùng khác . Tôi không muốn vác theo cái sofa thượng hạng như vậy , bèn gọi thằng bạn thân lên giúp dùm . Hắn trả lời là không cần , cứ để lại trong căn hộ đó . Mai mốt có nhân viên trong chung cư tới dọn dẹp . Vậy mà mấy tháng sau , tôi nhận được giấy báo đòi nợ 100 đô tiền chuyên chở vất cái sofa ấy đi .Trong khu nhà tôi mướn những năm 1990 , khu đó có Mễ có Lào có người Việt . Bên cạnh nhà tôi mướn là người Mễ . Một hôm ông Mễ xin đâu được một sofa trông khá còn mới , bèn đem đi vất bỏ cái bộ sofa cũ ra ngoài trước cửa nhà . Theo city code của thành phố muốn tháo bỏ những vật dụng cồng kềnh , chỉ được bỏ ra ngoài trong những ngày đầu tháng thôi . Hôm đó là giữa tháng , nên mấy ngày sau cảnh sát gởi giấy phạt bỏ vào thùng thư . Ông Mễ tiếng Anh không rành gì mấy , gởi cái thư đó cho ông Bân chủ nhà . Ông Bân mở thư ra coi , tá hỏa tam tinh , tiền phạt là 800 đô , tội xả rác vật dụng làm mất vẻ đẹp của thành phố . Ông Bân tức lắm , cằn nhằn với ông Mễ thuê nhà :
- Amigo , mày đem vất cái sofa tầm bậy tầm bạ này ra ngoài đường . Ông phải trả tiền phạt .

Ông Mễ phớt lờ :
- Ông là chủ nhà phải trả . Cái ghế sofa này lúc tao mướn nhà đã có sẵn . Ghế này là của ông , ông phải trả .

Tôi không biết ai phải trả tiền phạt này , nhưng ông Bân phải lên toà án xin trát tòa đuổi người mướn đi sau vài tháng không trả bill tiền mướn nhà . Ở Việt Nam tôi nghĩ ít có nhà bày biện sa lông bằng nệm , hầu hết đều bằng gỗ sơn màu nâu bóng lưỡng . Ghế khá chắc chắn , có điều là nó hơi nhỏ , khó nằm thoải mái được . Nhất là nhà của cô em tôi , nằm nghiêng nằm ngữa coi sao được .

- Ông ăn gì chưa ? Chưa à , Ăn phở nhé , bánh cuốn , bún riêu bún bò hủ tiếu ....

Bà nhà tôi nói một hơi tràng giang đại hải các món ăn sáng bán sẵn trong chợ . Ăn riết rồi không biết chọn lựa món nào . Chả bù với bên Mỹ , buổi sáng ra mấy cha con thức dậy phân vân đứng trước tủ lạnh , mở ngăn chứa thức ăn rồi lại quay qua mở cánh cửa bên ngăn đông đá , rồi tần ngần không biết chọn món gì . Sữa tươi ăn với cereal chăng , không được , món này dành riêng cho trẻ nhỏ , chẳng lẽ lại lôi đồ ăn thừa của tối qua ra mà xơi lại . Thôi đành mang "chip Mễ " ra chấm với salsa hay phó mát , hoặc có khi lại mì gói . Nhà cô em út cũng có tủ lạnh , loại nhỏ , nhưng bên trong không chứa thức ăn , toàn là chai với chai nước lạnh .

- Ừ ! Bà mua cho tui một ổ bánh mì không và một miếng chả cá thác lác .

Chả cá thác lác ngoài chợ được cạo miết bằng thìa ,quết lại và đựng trong các chậu nhựa nhỏ . Mấy bà bán múc ra một miếng rồi ịn bèn bẹt nó xuống , cho vào chảo dầu . Mùi chả cá thác lác thêm tí tiêu sọ xay nhuyễn xông lên thơm nức mũi . Giá bán chả cá không rẻ đâu , sáu hay bảy mươi ngàn một kí . Bánh mì không mười ngàn năm sáu ổ . Có một chị bán bánh mì gần hàng phở cô em tôi cứ mỗi lần tôi ra mua , cô ta tính tôi 4000 một ổ . Về sau tôi biết cô ta tính giá đặc biệt với khách "Vịt cừu " như tôi , nên chả bao giờ tôi ghé lại nữa .

(Khách VK bao năm mới gặp , tội gì không chặt đẹp )

- Ông uống cà phê đá hay cà phê sữa . À ! Tui biết ông chẳng khi nào uống cà phê . Sữa đậu nành nhé .

Có lẽ từ lâu tôi không uống cà phê vì thứ này gây nhiều cảm giác khó chịu trong bao tử . Hồi những năm 70 ngày nào cũng hai ba cữ cà phê phin ngồi nhâm nhi ở mấy quán cà phê nhạc mở bành bành ở rạp hát Văn Hoa Đa Kao Tân Định .

Sữa đậu nành của tiệm bán đậu nành gần nhà tôi đã nhạt mà sữa đậu nành bán trong chợ Phú Nhuận còn nhạt hơn . Một ly nhỏ chừng đâu 100 ml , một ngàn đồng . Hình như tôi thấy không có qui định nào để chế biến đậu nành . Cứ như tôi tự làm lấy , một chén cơm đậu nành ngâm nước lã một đêm , xong đem ra cho vào máy xay đậu nành , lọc đi lọc lại ra còn chừng ba lít sữa . Uống rất thơm , đậm đà và quyện thơm mùi sữa béo ngậy .

Bỗng có tiếng xe gắn máy chạy tới đầu ngõ nhà tôi tắt bặt . Không nghe tiếng còi xe bóp inh ỏi như nhà bà Hai bán cơm kế bên . Cửa sắt nhà bà ta lúc nào cũng đóng , mỗi lần họ về từ ông bố , bà vợ đến cậu con trai quen lệ bóp còi tin tin . Mỗi lần như vậy chúng tôi đều phải ngẩng đầu nhìn ra đầu ngõ xem là ai . Chú Tôn em rể tôi nói hoài với họ , nhưng họ như nước đổ lá khoai , nghe qua tai này lọt qua tai kia . Chán rồi nên chú em không nói nữa .

Lần này chắc là khách đặc biệt tới thăm . Tôi biết lúc nãy có một bà gọi điện thoại tới hỏi thăm tôi .

Tôi mở cổng sắt nho nhỏ để bà khách đẩy xe Honda Future vào trong sân trước nhà . Sân này để được chừng hai chiếc xe gắn máy là muốn hết chỗ . Bên này được cái hay là cái xe phải đi theo người , phải cách người không quá mấy mét . Kẻo không ăn trộm khiêng xe đi mất , chủ xe có chạy theo cũng không kịp .

Qua cuộc điện đàm tôi biết bà ta là bác sĩ mắt phụ tá cho bác sĩ Nam .
- Chào bác sĩ , mời vào trong nhà .

Bà bác sĩ ăn mặc rất bình dân như mọi bao công nhân viên chức bình thường . Áo sơ mi trắng , quần tây dài . Nhiệm vụ hằng ngày của bà ta là đi tới từng nhà bệnh nhân đã được giải phẫu qua tay của bác sĩ Nam . Bên Mỹ làm gì có bác sĩ đến tận nhà tái khám cho bệnh nhân . Nếu có chăng thì là những người giàu có dư dả mướn y tá đến tận nhà để chăm sóc hoặc là người sắp sửa đi chầu Chúa , biết không qua được con trăng này , bệnh viện sẽ gởi y tá đến túc trực ngày đêm để chăm sóc bệnh nhân trong những giờ phút cuối cùng .

Bà bác sĩ nở nụ cười tươi như hoa lan :
- Ông đợi có lâu không ? Như thường lệ tôi có bổn phận tái khám cho bệnh nhân . Con mắt ông đến đâu rồi . Bác sĩ đã tái khám cho ông rồi à ! Mắt còn hơi đỏ . Ông nằm xuống cái ghế , để tôi chỉ cách ông rỏ mắt bằng thuốc rửa này . Thuốc viên trăng trắng này ngày 2 lần , thuốc vàng vàng kia ngày 2 lần , thuốc viên con nhộng ngày 3 lần , còn chai thuốc nước ngày rỏ mấy lần cũng được . Nhớ dùng bông gòn thấm như vầy , kẻo không nó chảy ra ướt áo .

Lời bà bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng , làm như tôi không bằng đứa trẻ lên mười .

Tôi nói chuyện bâng quơ với bà ta dăm ba câu , biết bà ta nói chuyện khá bình dân , giản dị .
- Chị là bác sĩ mắt , có bao giờ chị tự giải phẫu cho người nào chưa ?
- Chưa , chỉ phụ tá cho bác sĩ Nam thôi , đưa dao đưa kéo thôi .
- Tôi thấy bác sĩ Nam chắc khéo tay lắm nên ngày nào phòng mạch cũng đầy bệnh nhân . Ổng năm nay cũng hơn 65 tuổi rồi phải không chị ?

Bà bác sĩ gật đầu :
- Tay ổng khéo lắm , nhứt là lúc bỏ cái miếng thủy tinh thể vào trong con ngươi . Nó bé như sâu , có bốn càng . Đặt nó xuống là nó xoè bốn chân bám chặt vào . Người làm phẫu thuật mà không khéo cứ gắp ra gắp vô sẽ làm trầy làm tổn thương tròng mắt .

Tôi biết tay bác sĩ Nam , lúc khám mắt tay không bị run . Mắt ổng vẫn còn sáng . Những vị này mà học võ thuật , nhất là học môn ném ám khí theo ông Lục Phỉ Thanh phái Võ Đang , ngồi cách xa bức vách tường dăm năm sáu thước mà ruồi đậu trên vách , ném phi châm nhỏ như kim , mười con dính cả mười vào vách .

Tách nước trà mà bà nhà tôi rót cho khách vẫn còn nguyên . Chúng tôi trao đổi với nhau vài câu chuyện . Bỗng bà nhà tôi lấy tay hất hất tay tôi . Biết ý , tôi móc trong túi ra đếm đâu chừng 50 ngàn .
- Bác sĩ cầm lấy đổ xăng nhé .

Bà ta cầm ngay bỏ vào trong túi và sau đó chào từ giã ra về .

Tôi biết bồi dưỡng như thế là không đúng . Từ ngữ bồi dưỡng ngày nay không còn có ý nghĩa đẹp như ngày xưa . Khi xưa những người làm công tác khoa học hay tiếp xúc với hoá chất , hay vật tư xăng dầu , chúng tôi mỗi tháng được bồi dưỡng được một kí đường cát trắng , nửa kí sữa bột . Mặc dù thứ này dùng để tẩm bổ cho cơ thể , lấy lại những gì mất mát nhưng cuối cùng các thứ bồi dưỡng này chúng tôi đem bán hết để đổi lấy tiền mua mấy thứ khác tiện ích hơn . Tôi nhận thấy mỗi lần biếu một chút ít tiền bồi dưỡng cho bất cứ người nào , chẳng có một ai từ chối , từ chị hộ lý trong bệnh viên , chị thu ngân . Có lẽ chúng tôi đã làm hư hỏng , làm biến đổi cái tính cần kiệm liêm chính vô tư mà hiện nay nhà nước Việt Nam đang hô hào cả nước chống tham nhũng . Có những người buôn bán thức hôm thức khuya như mấy bà trong chợ , các bà đi bưng tô bún dĩa cơm lại không được tí tiền bồi dưỡng . Có những công nhân quét rác trong chợ , mặt mũi lem nhem ngày đêm cận kề với bao mùi hôi thối lại không có tiền bồi dưỡng . Tiền này chỉ để dành cho những người đầy tờ nhân dân thôi , phục vụ cho dân thì dân có bổn phận trà nước lại một tí . Tôi nghĩ cả nước từ trên xuống dưới , bao bộ máy công quyền , hàng dọc cũng như hàng ngang , phải có bồi dưỡng thì mới hoạt động được . Bạn không tin lời tôi nói ư ! Bạn có thể mở các trang lưới điện tử , hay mua báo Công An , Thanh Niên hằng ngày . Ông nọ bà kia bồi dưỡng quá mức bị người ta phanh phui ra hàng đống .

Bồi dưỡng nếu dịch hay chuyển ngữ ra tiếng Anh là có lẽ là chữ " Kickback " là hay nhất .

No comments:

Post a Comment