Saturday, November 21, 2009

Canh chua so đũa

Tôi có một người bạn quê ở Mỹ Tho , hắn học về ngành Thực Phẩm ở trường đại học OU tiểu bang Oregon . Năm 1974 trở về VN hắn ta có một ước mơ là làm một luận án " Làm sao biến cỏ thành thực phẩm cho người ". Những lúc ngồi chung chuyến xe đò về quê vào mỗi chiều thứ Bẩy sau khi tan sở từ trên Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa về, hắn tỉ tê với tôi :
- Mày biết cây so đũa trồng dọc hai bên bờ ruộng không ?

Tôi nhìn qua cửa kiếng của chiếc xe đò . Hai cảnh vật bên đường cứ vùn vụt bay ra đằng sau , chỉ nhìn phơn phớt cây so đũa mảnh khảnh với những tàn lá phất phơ theo làn gió .

- Tao nghe nói lá so đũa chỉ dành cho dê xơi . Thân xẻ ra có thể làm vật liệu trồng nấm mèo . Sao mày tính trồng nấm mèo à ?

Sau 75 chúng tôi được lưu dung làm tại một cơ quan đo lường chất lượng . Trong những thời gian đó , lương bổng hàng tháng chỉ vừa đủ sinh sống hàng ngày , nếu không nói là chật vật . Những chuyện ước mơ làm cái này làm cái kia , mà không có vốn cũng chẳng làm được gì .

- Không , tao chỉ thèm tô canh bông so đũa nấu tôm thôi .

Hắn nói luyên thuyên về bông so đũa nấu canh chua , bông so đũa xào tỏi . Từ thuở bé , mẹ tôi nấu canh chua bằng cải dưa chua với cá linh , mỗi lần ăn phải thật cẩn thận vì cá linh xương nhỏ rất nhiều . Nếu không thì lại là canh chua cải dưa chua nấu với thịt bò . Lúc lập gia đình , bà nhà tôi học đâu nhiều món canh chua độc đáo . Rau muống nấu tôm khô , vắt vài miếng chanh , ớt xay vào . Ăn thật nóng và húp phải nghe sùm sụp mới ngon . Có khi tôi đi câu cá striper bass về , bà nhà tôi xắt từng khúc cá nấu ngót . Cá bass cắt khúc chiên sơ và cho vào nồi nước sôi . Thêm mắm muối hành tươi và cà chua vào . Ăn với bún hay cơm cũng được . Ngoài ra món canh chua cá bông lau không thể thiếu được trong các bữa cơm .

Về đây hơn một tháng , tôi đi từ đầu chợ đến cuối chợ , cứ nhìn xem có bà nào cô nào bán bông so đũa không . Nói thật tôi chưa biết mặt mũi nó ra làm sao . Hỏi thăm mãi cũng thấy họ lắc đầu nói không . Rau muống rau dền , mồng tơi rau đay , ngót đến các loại củ bày bán la liệt . Ngay cả đến bông điên điển trắng xanh nhạt như nụ hoa huệ cũng thỉnh thoảng đem bán . Bông điên điển xào với tôm sú , ăn ăn hơi nhằng nhặng . Các con tôi ăn thử một lần rồi không thích ăn nữa .

Một buổi sáng sớm tôi ra ngoài quán anh Năm kêu một ly cà phê sữa . Sáng sớm không có ai bán sữa đậu nành , chẳng lẽ tới quán ngưòi ta kêu ly trà nóng . Bình trà ở các quàn được pha thật loãng để khách sau khi nhâm nhi cà phê còn có thể uống tí trà ngồi han huyên tán dóc với nhau .
Bên hông quán có lẽ là đôi vợ chồng đang loay hoay nặn bột bánh làm bánh dầu cháu quẩy và bánh tiêu . Miếng bột chỉ bé bằng hai cọng đũa dính vào nhau , vậy mà khi đem bỏ vào chảo chiên , nó phồng to lên , nở ra thành bánh màu vàng bong bóng , thơm mùi dầu đậu phọng . Tôi gọi anh ta mua vài cái bánh và ngồi chấm ăn với cà phê sữa .

Quán cà phê lúc nào cũng bày biện ra vài cái bàn gỗ thấp lè tè . Ngồi cạnh bàn tôi là một anh thanh niên trạc chừng 40 tuổi . Quần áo lam lủ có vẻ bân bẩn , tôi nghĩ có lẽ anh ta là dân xốc vác , khuân vác gì đó . Qua vài lời chào hỏi , anh ta tự giới thiệu là Phong , trước từng là công an huyện Cần Giờ . Tôi nghe sơ qua hơi giật mình . Nếu như vào năm 1980, 81 chúng tôi đi vượt biên bằng ghe mà bị anh công an này bắt , thì giờ đây chắc không ngồi cùng bàn với nhau .
- Dzậy anh Phong biết anh Huê công an khu vực này .
- Biết chớ ! Đi nhậu với nhau hoài sao lại không biết . Trước kia anh đi lính phải không ?

Lần này tôi thật tình giật nẩy ngườị , cái lý lịch trong sáng như gương của tôi hay bất kỳ mọi người dân trong khu phố , mấy anh công an này nắm khá rõ .
- Có , tui đi lính Hải Quân , giải ngũ trước 75 .
- Nghe nói anh là người nhái mà .
- Dạ không , thợ lặn .

Vài người ngồi quanh đó , nghe vậy phá lên cười .

Để ông ta hỏi về mình quá không tốt , không chừng lại hạch hỏi quá trình làm việc của tôi bên Mỹ . Hay nhất là tôi thăm dò chuyện ông ta .
- Thế anh còn đi công an không ? Không à !

Tôi thở phào , nhẹ nhõm cả người .

- Vợ chồng tôi ở gần Long An hằng ngày mang rau ở dưới đó mang lên chợ này bán .
- Anh chạy xe Honda hả , làm sao mà chất mấy cái giỏ rau , không sợ nó đổ ra đường à .
- Không , chạy quen rồi , ngay đường trong làng trời mưa lầy lội cũng không sao .
- Từ chỗ anh ở đến đây bao xa ?
- Chừng một tiếng .

Trời tờ mờ chưa ửng sáng , tôi thấy mấy bà bán rau xách từng cần xế ra , phân từng loại và bó lại từng bó nhỏ . Bầu bí mướp thì cho vào cái thúng rộng miệng . Có lẽ họ phải ra đi từ ba bốn giờ sáng .
- Sao anh chị không kiếm cái chợ nào gần nhà cho đỡ vất vả ?

Ông Phong cười :
- Tại anh không biết , mình trồng rau ở đó , rồi mang ra ngoài chợ gần đó . Giá cả rẻ lắm , ở chợ này bó rau muống tui bán có thể được tám ngàn một bó . Ở dưới đó chỉ bán được nửa giá thôi . Đi xa một chút nhưng giá được hơn .

Anh Phong công an này , xưa tôi chắc là đã học qua lý thuyết cộng sản , nhưng ra đời lại áp dụng ngay nguyên tắc kinh tế thị trường tự do , nơi nào cần , được giá cao , ta cứ bán .
- Thế chị ngồi bán ở góc chợ nào ?
- Ở ngay ngõ gần lối ra vào nhà cô em út của anh đó .

Uí dào ! Ngay chỗ tôi tạm trú , anh công an cũ này cũng biết . Người Mỹ chắc phải học cách quản ly nhân dân này của Việt Nam . Một năm có vài triệu người nhập cảnh vào đất Mỹ , họ ở lại và làm gì khó có ai biết . Di chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác cũng dễ dàng . Ít có cái vụ đang đi đường , công an chận lại xét giấy tờ , chỉ trừ người đó đừng phạm luật lái xe , vượt quá tốc độ vi phạm .

Biết anh Phong là dân trồng trọt , tôi hỏi cách trồng rau ngò gai , chớ bên chỗ tôi ở , cây ngò gai chỉ mọc được vài nhánh trông èo uột chứ không xanh tươi mơn mởn như bên Việt Nam . Ông Phong trả lời với giọng tự tin :
- Dễ lắm ! Ngò gai anh cứ cặm nó xuống đất là nó mọc đầy ra vườn .

Nghe thầy giảng vậy , tôi không biết nói làm sao . Như phải chọn loại đất nào , ủ loại phân nào , cây phải cần nhiệt độ bao nhiêu , ngày tưới nước mấy lần . Cặm thì bà nhà tôi đã cặm bao phen rồi , cũng chỉ te tua vài lá thôi .

- Anh chị mang rau lên đây bán , có khi nào anh thấy bông so đũa không ? Tôi nghe một người bạn quê ở Mỹ Tho khen là ăn ngon lắm , mà tôi tìm khắp cả chợ vẫn không thấy .
- Anh yên chí , mai mốt tôi sẽ xách cho anh một tí . Bông này phải biết làm , rồi nấu với cá bông lau . Không có chỗ nào mà chê hết .

Vài ngày sau tôi đang đi lơn tơn ngoài chợ , bỗng nghe tiếng ai gọi :
- Ông An ơi ! Hôm nay em có bông so đũa cho anh rồi .

Tôi quay lại nhìn . Một bà có dáng dấp như một bà nhà quê trong áo quần đầy những vết đất bùn , tươi cười nhìn tôi và tay bà ta nắm một bọc ni lông bên trong chứa đầy bông trăng trắng .
- Đây là bông so đũa chúng em mới hái chiều qua .

Tôi hỏi giá tiền bao nhiêu , chị ta đáp :
- Có là bao nhiêu , anh cứ cầm lấy . Bịch này chừng ba kí , anh trả em 50 ngàn đồng .

Tính ra hơn hai đô la , cứ gọi là ba đô đi . Vậy quá rẻ so với giá tiền bên Mỹ . Vả lại bên Mỹ làm gì có của quí mà xơi vậy . Tôi cám ơn , xách bịch bông so đũa ra quầy hàng phở của cô em út tôi .
- Cô Thu ơi ! Hôm nay tôi mới mua được bông so đũa . Chiều tối cô rãnh rỗi nấu thử cho tui ăn nhé .

Cô em tôi nhìn bịch rau tôi cầm , xòe đôi mắt :
- Mèn đét ơi ! Nhiêu đây phải ba bốn gia đình mới ăn hết . Nhà em không có ai ăn đâu , anh chỉ mua một dúm nhỏ thôi . Anh mang trả lại cho người ta đi .

Sáng sớm người ta mua bán , ai cũng ngại phải trả lại . Tôi nghĩ mình cũng già cả rồi , với lại mình đã ngõ lời nhờ người ta tìm kiếm giúp . Vài chục ngàn có đáng là bao nhiêu , nhứt là vợ chồng anh công an về miệt vườn leo lên leo xuống hái bông so đũa cho mình . Bà nhà tôi hay kể lại lúc còn bé . Nhà ở Ngả Ba ông Tạ , mỗi lần ông cụ nhậu thịt chó , sai bà nhà tôi ra hàng rau thơm mua cho ông cụ một đồng rau húng . Bà bán rau thấy con bé quen quen , con bác Hiên mổ lợn bèn bốc cho một nắm đủ loại rau húng , nào húng chũi , húng quế , húng cây . Mang về nhà bà nhà tôi bị ông cụ mắng cho một trận : " Bảo mua húng chó thôi , mang ngay ra trả cho người ta bán . " Lúc còn bé bà nhà tôi đâu biết rau nào là rau nào , bà bán rau đưa nhiêu thì lấy bấy nhiêu . Bà nhà tôi nghĩ bụng : "Sáng sớm mình ra mở hàng , còn mang tí rau ra trả lại chắc bị mắng vào mặt quá . " Thế là bà nhà tôi vất ngay vào giỏ rác bên cạnh chợ . Nhưng hôm nay tôi không đành vất bỏ hoa quả của trời đất ban tặng . Tôi chia ra phân nửa . Một nửa định bụng sẽ chia cho mấy đứa em , phần kia tôi lững thững ra chỗ chị bán rau vợ anh công an .
- Cô em tôi biểu ăn không hết , nay gởi lại cho chị , tôi không lấy lại tiền đâu . Chị muốn bán muốn nấu canh so đũa cho ông xã chị tùy ý .
- Tối qua em đã nấu nguyên nồi canh so đũa , ăn vẫn chưa hết . Thôi để đây em bán dùm anh .

Buổi tối một ngày tháng Tám những cơn mưa hè chợt tràn về , đổ ào ào qua những mái tôn mỏng , kêu lộp bộp trên mái hiên .

Gia đình cô em tôi bốn người , nhưng cậu lớn hay ra công tác ngoài phường nên trong nhà kể cả tôi là bốn , cùng ngồi xung quanh cái bàn gỗ nho nhỏ . Một tô canh chua so đũa nấu tôm , một đĩa cá bống dừa kho , một dĩa thịt sườn heo chiên sả . Buổi chiều tôi đứng nhặt nhạnh cánh hoa so đũa . Bông hơi trắng có vẻ là màu kem va ni , nhìn sơ qua khá giống hoa ngọc lan , nhưng không thơm . Thỉnh thoảng trong nhụy hoa , tôi bắt gặp vài chú chú sâu co rúc ẩn mình .

Đến đây tôi chợt nhớ đến một câu chuyện về loại sâu này . Vào thời Tống bên Trung Hoa , Vương An Thạch làm tể tướng . Tô Đông Pha là còn là một vị quan nhỏ . Khi ông ta đi nhậm chức ở một huyện nho nhỏ , nơi đó là thôn quê nằm chênh vênh cạnh đồi núi gập ghềnh . Có một lần ông ta vào một tửu quán , nhìn thấy hai câu thơ đề trên vách tường " Minh nguyệt sơn đấu khiếu . Hoàng khuyển toạ hoa tâm . "

Vốn là nhà thi sĩ và là bác học , Tô Đông Pha ngẫm nghĩ : " Sao thi sĩ nào mà ngô nghê thế . Minh nguyệt sơn đầu chiếu mới đúng , làm gì trăng trên đầu non đầu núi trăng sáng lại hót ca . Câu dưới nghe còn tệ thơn . Con chó lông to bự thế kia lại nằm trong lòng bông hoa . Vô lý ! Phải sửa lại . Rồi Tô Đông Pha vuốt râu , ưng ý gật đầu : " Minh Nguyệt sơn đầu chiếu . Hoàng khuyển tọa hoa âm . ( Trên đầu non trăng vàng lấp lánh chiếu . Dưới bóng hoa , chó vàng lim dim ngủ . ) Thật tuyệt .

Vào một đêm trăng Tô Đông Pha đi tuần quanh thôn xóm , bên triền núi ánh trăng chiếu vằng vặc ông ta nghe tiếng chim hót tiếng vang vọng mãi xa . Sáng hôm sau ông ta ghé đến nhà một bác nông dân , hỏi bác ta con chim nào đêm qua mà hót í a như vậy .
Bác nông dân mỉm cười nói : " Tui nghe ông bà kể lại , đó là con chim Minh Nguyệt ở tận miền Vân Nam xa xôi , nhưng cứ đến vào dịp trăng lên nó cứ tu hú tu hú . Thế như ngài có muốn chúng tôi giăng lưới bắt về làm chim quay không ? .
Tô Đông Pha lòng chợt nhớ về quê mẹ , lắc đầu nói không . Ông ta nhớ đến món thịt giả cầy mà mẹ ông ta hay nấu cho ăn .
- Tôi nghe ở đây có nhiều con Hoàng lắm hả .

Bác nông dân ngạc nhiên :
- Bẩm thưa quan nhớn , làng mình không hiểu sao không có con nào lông vàng cả , chỉ toàn là con mực với vện không à .
- Bác nói sao , trong thi ca người ta còn ngâm là :
Hoàng khuyển tọa hoa âm . Chó nhiều đến nỗi phải ra bụi bông mà nằm . " Hoàng khuyển tọa hoa tâm .

Bác nông dân lần này chợt phá lên cười :
" Dạ bẩm quan nhớn , con Hoàng mà bác nói là con sâu có tên là Hoàng Khuyển nho nhỏ hay nằm hay co rúc trong nhụy bông so đũa . Thưa quan , dê nó hay xơi lắm ạ !

Lần đầu ăn canh chua bông so đũa, hương vị khá độc đáo . Nước canh chua tự nhiên , không cần phải thêm me hoặc vắt chanh miếng vào . Bông so đũa giờ đã thành chất rau , mềm dịu chua chua khó diễn tả bằng lời .

Món này có thể trở thành một món ăn thuần túy trong các bữa ăn gia đình , nhưng đến giờ vẫn chưa được phổ thông trong người dân . Có lẽ họ sợ rằng bông so đũa chỉ để dành cho các cụ dê xơi chăng .

No comments:

Post a Comment